trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
24.2.2004
Phan Nhiên Hạo
Nhà văn thế hệ sau chiến tranh và ông vua cởi truồng
 
Người ta đang đề cập đến một thế hệ văn nghệ trẻ, những người sinh ra hoặc trưởng thành sau 1975: kỳ vọng vào họ nhiều mà thất vọng cũng lắm, xoa đầu vỗ vai thường xuyên mà chê bai cũng không hiếm. Bản thân cái gọi là "nhà văn thế hệ sau chiến tranh" vì sao chưa làm nên chuyện, dĩ nhiên có nhiều nguyên nhân, nhưng theo tôi, lý do quan trọng nhất là vì phần lớn họ đang sáng tác với một quan điểm "phi chính trị" rất thỏa hiệp. Sự thỏa hiệp này triệt tiêu khả năng đẩy các thử nghiệm nghệ thuật đến cùng, và đặc biệt khiến việc lý giải các vấn đề xã hội trong văn chương thường rơi vào chỗ giả tạo. Bệnh mù màu chính trị trong văn chương hiện nay dường như ai cũng biết, nhưng không ai chịu phân tích và chỉ ra.

Chính vì không trực tiếp dính líu đến chiến tranh, hoặc được sinh ra khi chiến tranh đã chấm dứt, nhiều nhà văn "thế hệ sau chiến tranh" có cảm tưởng họ là một thế hệ hoàn toàn mới, không liên hệ gì với cái quá khứ đẫm máu của cuộc chiến vừa qua. Họ có vẻ tự hào vì sự biệt lập này, như thể nó mang lại trẻ trung và cấp tiến cho sáng tác của họ. Nhiều người viết trẻ thường tuyên bố với sự kiêu hãnh ngấm ngầm: "Tôi không liên hệ gì đến chính trị hay quá khứ". Nhưng câu hỏi ngược lại là liệu chúng ta có thể sống hoàn toàn miễn nhiễm với chính trị và quá khứ?

Thực tế cho thấy, dù muốn hay không, "thế hệ sau chiến tranh" ở Việt Nam vẫn là một thế hệ đang bị khống chế và ảnh hưởng nặng nề bởi thế hệ trước đó, "thế hệ chiến tranh". Chiến tranh Việt Nam chấm dứt đã 28 năm, một khoảng thời gian tuy không ngắn, nhưng cũng không đủ dài để đẩy "thế hệ sau chiến tranh" ra khỏi sân khấu lịch sử. Ở trong nước, "thế hệ chiến tranh" hiện vẫn giữ quyền thống trị trên toàn bộ đời sống dân chúng, bao gồm những người trẻ tuổi, dĩ nhiên. Ở ngoài nước, mặc dù không nắm quyền lực chính trị, "thế hệ chiến tranh" -những người bị ám ảnh bởi ác mộng của trại cải tạo, của vượt biên chết chóc và hãm hiếp, của kinh nghiệm cay đắng trong một xã hội kiệt quệ và nghẹt thở miền Nam sau 1975-vẫn là những người giữ vai trò quan trọng trong các sinh hoạt cộng đồng, có ảnh hưởng đáng kể lên nhận thức chính trị con cái họ.

"Thế hệ sau chiến tranh" dù không cầm súng hay ngồi tù, cũng không phải là một thế hệ thoát khỏi những hậu quả gián tiếp của cuộc chiến. Chiến tranh Việt Nam đã tạo nên những đứa trẻ mồ côi lớn lên trong mất mát và hận thù, vì máu của cha mẹ chúng đã đổ xuống. Ðây là những đứa trẻ bị giằng xé không nguôi giữa lòng căm ghét và sự tha thứ, giữa cố gắng lãng quên và những tổn thương thơ ấu hầu như không thể chữa lành. Chiến tranh Việt Nam đã cho ra đời những đứa trẻ dị dạng bởi chất độc hóa học của người Mỹ, con cái cựu chiến binh Trường Sơn. Nhưng chiến tranh cũng đã tạo nên một lớp trẻ còi cọc khác, đông đảo hơn trong các đô thị miền Nam sau 1975, con cái của "ngụy". Chiến tranh cũng đã "dâng tặng", theo nghĩa đen, cơ hội và bổng lộc đến một thiểu số những người trẻ khác, con cái của giai cấp thống trị chiến thắng. Những người trẻ xuất thân từ các gia đình "đặc quyền đặc lợi" này, mặc dù hiện nay có xu hướng ứng xử như những kẻ cấp tiến vô can trước lịch sử, thực chất là những người sống nhờ vào "chiến lợi phẩm" của cha mẹ họ hơn ai hết. Nhiều người trong số họ được học hành ở nước ngoài, tiếp xúc với phương Tây, nhưng về bản chất là những người sẵn sàng bảo vệ đến cùng cái di sản chiến tranh và hệ thống chính trị mà toàn bộ đời sống vật chất-tinh thần của bản thân, gia đình họ đang dựa vào.

Những lý do trên đây cho thấy việc "thế hệ sau chiến tranh" tự tách mình ra khỏi "thế hệ chiến tranh" là việc làm không thực tế và ngây thơ về chính trị. Hành động tự khu biệt này của thế hệ trẻ sẽ cho phép thế hệ đi trước phủi tay trước các trách nhiệm lịch sử mà lẽ ra họ phải trả lời. Một cuộc bàn giao thế hệ, nếu xảy ra, phải dựa trên sự sòng phẳng lịch sử, trong đó các sai lầm phải được chỉ rõ và những bôi nhọ phải được tẩy trừ. "Thế hệ sau chiến tranh" nên là những người chủ động đòi hỏi công bằng lịch sử, và cần làm điều đó một cách liên tục. Sau gần sáu mươi năm, người Do Thái vẫn không ngừng nhắc nhở, mổ xẻ về nạn diệt chủng Ðức Quốc Xã trong sáng tác nghệ thuật của họ, và đó thực sự là cách giúp thế hệ đi sau học được những bài học quá khứ, tránh cho thảm kịch không lập lại. Chiến tranh Việt Nam hiện vẫn được nhìn với cái nhìn một chiều, từ chối trở thành đề tài cho việc nghiên cứu, tiếp cận dưới những góc độ văn hóa, học thuật khách quan. Ðiều này khiến cho chiến tranh, mặc dù là một thực tại lịch sử khổng lồ, đang trở thành mảnh đất khô cằn mà không người sáng tác trẻ nào còn muốn đến gieo trồng gì trên ấy.

Trừ một số những người hoạt động chính trị chuyên nghiệp, phần lớn chẳng ai muốn dính líu đến chính trị, một lĩnh vực phức tạp, nguy hiểm. Cũng không ai muốn bị ràng buộc bởi quá khứ. Nhưng tất cả những ai với một chút đầu óc tỉnh táo đều nhận thấy cái tình trạnh nghèo nát, tham nhũng, bất bình đẳng khủng khiếp của xã hội Việt Nam hiện nay là sản phẩm của một hệ thống chính trị mà người ta đã đánh đổi bằng rất nhiều máu trong quá khứ để có được, và vì thế ngày nay bằng mọi giá phải khư khư giữ lấy. Sống trong một xã hội mà những giá trị mục rữa vẫn còn được tôn sùng, xếp hàng thăm viếng mỗi ngày, làm thế nào có thể nói đến chuyện tương lai? Thế hệ trẻ hôm nay không để ý đến quá khứ, nhưng thật mỉa mai, lại thích chơi đồ cổ, xây biệt phủ (!), sẵn sàng mặc áo dài khăn đóng trình diễn trước du khách ngoại quốc cái gọi là truyền thống dân tộc chỉ vì vài đồng xu lẻ. Ðiều đáng chán của các nhà văn trẻ trong nước hiện nay không nằm ở thái độ thiếu dấn thân của họ, mà ở cái cung cách tự phủ dụ, tự hài lòng trước cái giới hạn sáng tạo ngầm được đề ra bởi chính quyền: viết gì thì viết, nhưng không được đụng đến chính trị. Một số nhà văn trẻ trong nước phát biểu trên báo chí như thể họ có thể viết về mọi đề tài, tự do thể hiện mọi tư tưởng, vấn đề chỉ ở chỗ tài năng, kiến thức. Họ bàn về thơ "siêu hình" như thể điều này sẽ mang lại tự do đích thực, giải thoát họ khỏi hiện thực nhếch nhác. Họ nói về "concept art" như thể đang sống ở Paris hay New York, trong khi về thực chất, các cách tân của họ chỉ là những bắt chước lụn vụn về mặt nghệ thuật do thiếu điều kiện tìm hiểu cặn kẽ, kết quả của việc hạn chế thông tin, và đầy thỏa hiệp về nội dung do cố lèn lách qua cánh cửa he hé của bộ máy kiểm duyệt. Họ không nhận ra rằng, chẳng có sự cách tân nghệ thuật nào có thể đi đến cùng mà lại vắng mặt quyền tự do ngôn luận. Họ nói về chuyện dịch sách như thể chỉ cần có kiến thức văn chương, người ta sẽ trở thành những người có văn hóa. Họ không thấy một người rất có kiến thức như Chế Lan Viên, khi không có tự do sáng tạo, cũng có thể biến thành một nhà văn minh họa cuồng nhiệt nhất, và vì thế, phản văn hóa nhất. Họ có vẻ hài lòng với sự nới lỏng của nhà cầm quyền hiện nay, quên rằng đó là vì trước đây họ đã sống trong một xã hội hoàn toàn không có tự do dân chủ. Sự nới lỏng của xã hội Việt Nam hiện nay thực chất chỉ là những củ khoai mì dọn ra cho các nghệ sĩ, những người từ trước đến nay chỉ được phép sống thoi thóp bằng nước lã. Một vài người có đầu óc làm ăn, bằng sự khéo léo ứng xử trong ngoài, đang tìm cách chế biến những củ khoai mì này thành đặc sản, đổi chác được cả vé đi nước ngoài miễn phí lẫn danh tiếng của một ca sĩ hạng B. Cần nhận rõ việc được phép xuất bản những bài thơ đượm mùi tình dục hay những truyện ngắn phê phán xã hội lặt vặt mà không được phép chỉ ra nguyên nhân chính trị sâu xa của chúng, đều chỉ là những trò văn chương nửa vời. Vấn đề khó khăn của giới trẻ hiện nay, nhất là những người sinh ra sau 1975 hoặc những người lớn lên ở miền Bắc, là họ hầu như chưa từng biết đến một thể chế chính trị nào khác ngoài chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa. Và vì chưa từng nếm trải một kinh nghiệm tự do dân chủ thực sự, họ không có nhu cầu mãnh liệt về điều này, giống như người chỉ nhìn thấy ảnh chụp một loại trái cây ngon, có thể cũng muốn thử, nhưng sẽ không thấy thèm bằng một người đã từng ăn qua, biết rõ mùi vị ngon ngọt của trái cây này. Nhà văn trẻ trong nước hiện nay có vẻ hài lòng với việc trang trí ngôi nhà văn chương của mình bằng những bức ảnh chụp các loại cây trái như vậy, thường là những bức ảnh ngoại nhập sặc sỡ, trong khi vẫn tiếp tục hài lòng với một thứ tự do khoai mì. Nếu có ai lên tiếng về điều này, phản ứng của họ thường chỉ là "biết rồi, khổ lắm nói mãi".

Về phía các nhà văn "thế hệ sau chiến tranh" ở hải ngoại, có vẻ như việc đề cập đến chính trị cũng đang bị coi là quê mùa. Lẽ ra những người này, với điều kiện sáng tạo tự do và kinh nghiệm thực tế về dân chủ, phải là những người viết với ý thức xã hội-chính trị sâu sắc. Nhưng thực tế không diễn ra như vậy. Mốt của văn chương hải ngoại bây giờ là tập trung vào những cách tân hình thức, nhân danh văn học "cấp tiến" để từ chối quan tâm chính trị. Những cuộc "cách tân" tiêu tốn nhiều năng lượng nhất trong văn chương hải ngoại hiện nay xoay quanh các đề tài như việc phải ngắt dòng một câu thơ thế nào, hoặc việc có nên gọi thẳng âm hộ là l. không. Có một mâu thuẫn ở đây, khi nhiều nhà văn hải ngoại cố tỏ ra Hậu Hiện Ðại về mặt hình thức, nhưng lại giữ thái độ lẩn tránh thực tại "vị nghệ thuật" rất cũ kỹ. Họ không thấy rằng Hậu Hiện Ðại không có nghĩa là từ bỏ các vấn đề xã hội-chính trị, mà thật ra với Hậu Hiện Ðại, người ta có thể tiếp cận hiện thực một cách thú vị và thuyết phục hơn. Họ không thấy những nhà Hậu Hiện Ðại như Norman Mailer, Milan Kundera, Günter Grass, những nhà văn rất tiên phong về mặt nghệ thuật, cũng là những nhà văn với ý thức xã hội-chính trị sâu sắc.

Cái gọi là "thế hệ sau chiến tranh" của các nhà văn hải ngoại là một thế hệ rất lèo tèo về mặt nhân sự. Chỉ một vài người ở lứa tuổi ba mươi và gấp vài lần con số đó những người trong tuổi bốn mươi. Những nhà văn viết tiếng Việt trong lứa tuổi hai mươi hầu như không tồn tại. Sự yếu kém về nhân sự này phần nào là nguyên nhân khiến các nhà văn "thế hệ sau chiến tranh" hải ngoại không tạo được tiếng nói riêng, dễ bị cuốn vào môi trường văn chương của những đàn anh lớn tuổi. Trong khi những nhà văn lớn tuổi, quá ê chề với các thăng trầm thời cuộc, mệt mỏi vì tuổi tác, thường chỉ lo dồn sức chạy đua với thời gian cho các tham vọng nghệ thuật suốt đời ôm ấp nhưng chẳng bao giờ thực hiện của họ (dĩ nhiên càng không thực hiện được vào lúc xế bóng). Sau nhiều năm viết lách trong môi trường thiếu công chúng, nhà văn hải ngoại, trong đó có rất nhiều nhà văn "chưa già", bắt đầu sốt ruột tìm kiếm sự công nhận và ảnh hưởng trong nước. Vì tìm kiếm sự công nhận quốc nội, các nhà văn hải ngoại vô hình chung đang viết với sự tự kiểm duyệt chính trị. Họ phải viết sao cho bản thân không bị cấm nhập cảnh vào Việt Nam khi trở về "giao lưu", và quan trọng hơn, sao cho sáng tác của họ có thể được tán thưởng bởi các bạn văn trong nước, những người vì nhiều lý do, chỉ muốn và chỉ có thể bắt tay với những cây viết hải ngoại phi chính trị. Ðể tạo ấn tượng với văn chương trong nước, một nền văn chương bị cho là lạc hậu, nhiều nhà văn hải ngoại tập trung vào việc trình diễn kỹ thuật hơn là chú ý đến nội dung tác phẩm. Rốt cuộc, văn chương hải ngoại đang đi dần đến chỗ trở thành một thứ văn chương cầu kỳ, thảng hoặc cũng khá tân kỳ, nhưng không có giá trị gì hơn ngoài những bài tập kỹ thuật khô khan được đọc chỉ bởi một số người viết với nhau. Ðề cập đến điều này, tôi không có ý phủ nhận cố gắng hữu ích của một số người viết hải ngoại trong việc dịch và giới thiệu kiến thức văn chương thế giới đến giới sáng tác trong nước.

Tôi không kêu gọi văn chương phải trực tiếp đề cập đến chính trị, cũng không tin rằng chỉ cần có tự do dân chủ là tất yếu có ngay một nền văn chương tốt đẹp. Tôi chỉ nghĩ, tự do sáng tạo là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển nghệ thuật, và tự do sáng tạo, không có cách nào khác, chỉ có thể nẩy mầm trong một xã hội dân chủ về chính trị. Người ta có thể ngồi thiền trong xà lim để đạt đến tự do tâm linh, nhưng phần lớn nghệ sĩ không phải đạo sĩ. Và các đạo sĩ thì không sáng tác. Chính vì chưa có một nền văn chương phát triển, hơn ai hết, nhà văn Việt Nam cần tự do sáng tạo, tự do ngôn luận. Ðây là điều kiện tiên quyết cho phép họ học hỏi một cách toàn diện, trong đó bao gồm việc dịch thuật tất cả những gì họ muốn dịch, việc thông lưu giữa văn chương trong và ngoài nước, việc thể nghiệm triệt để mọi khuynh hướng nghệ thuật, tư tưởng. Văn chương Việt Nam, ít nhất vào thời điểm này, cần một môi trường sáng tạo tự do để tất cả các nhà văn đều có thể học hỏi, để thể nghiệm mà không phải thỏa hiệp, hơn là cần đến sự thành công của chỉ một hai tên tuổi. Ðôi khi trong sự hạn chế tự do, bằng một phép màu, cũng đã xuất hiện một hai người viết giỏi, nhưng những hiện tượng cá biệt này, giống như những con cá đẹp bơi trong nước bẩn, sớm muộn gì cũng trở nên suy nhược và thỏa hiệp. Nhà văn không nhất thiết phải đề cập trực tiếp đến chính trị, nhưng nhà văn nên có ý thức góp phần tạo nên cái cảm quan tinh thần chung của cộng đồng mà anh ta đang sống. Nhà văn không thể tảng lờ chính trị mãi được, cho dù có như con đà điểu rúc đầu trong đống cát nghệ thuật thuần túy. Sống trong một xã hội thiếu dân chủ và quyền tự do ngôn luận, sẽ đến lúc một nhà văn với khát vọng đi đến tận cùng con đường sáng tạo phải đối mặt với những câu hỏi chính trị. Sẽ đến lúc anh ta không dám viết tất cả những ý nghĩ thật vì sợ bị trừng phạt, hay ít nhất cũng sợ bị từ chối xuất bản. Ðó là lúc nhà văn nhận ra rằng, trong sáng tạo nghệ thuật, sự sợ hãi chính trị là một cảm giác tàn phá đau đớn và đáng xấu hổ nhất, mà nếu không được chữa trị, sớm muộn gì nó cũng khiến người ta trương phình lên vì giả dối.

Nhà văn Việt Nam, bị bầm dập cả thế kỷ bởi những thế lực chính trị, thật không may, vẫn đang sáng tạo trong một hoàn cảnh rào trước đón sau rất thảm hại. Chính sự thiếu tự do này khiến chúng ta, trước sự tra vấn của lương tâm trí thức, nhận ra rằng nhà văn Việt Nam vẫn chưa có được sự xa xỉ để thoát ly hoàn toàn khỏi các vấn đề chính trị. Sự thật này, có thể làm nhiều nhà văn trẻ mất hứng, vẫn là một sự thật cần phải được nhìn nhận chứ không nên biện hộ loanh quanh. Không ai bắt chúng ta phải từ bỏ các thể nghiệm nghệ thuật tiên phong. Nhưng chúng ta sẽ không làm được một thể nghiệm nào đến nơi đến chốn trong sự hạn chế quyền tự do phát biểu, tự do hội họp, tự do xuất bản và trình bày tác phẩm như hiện nay. Chúng ta có thể làm nghệ thuật với những đề tài không dính líu đến chính trị, nhưng tôi tin rằng ở một đất nước như Việt Nam, khi đẩy vấn đề đến cùng, truy tìm câu trả lời rốt ráo cho mọi sự, dù là những việc bề ngoài có vẻ phi chính trị, chúng ta sẽ phải đề cập đến chính trị. Chúng ta có thể làm vừa lòng tất cả, hải ngoại lẫn trong nước, có thể vừa làm nhà thơ trẻ triển vọng vừa viết kịch bản phim tuyên truyền ba xu, vừa bốc phét trong bàn nhậu vừa khúm núm ở cửa quan, vừa trí thức trong sách vở vừa cơ hội trong đời sống, vừa bạo dâm trong văn chương vừa liệt dương trên giường... chúng ta có thể làm tất cả ở Việt Nam, nhưng hiện nay vẫn không được phép đề cập đến chính trị, nguồn gốc sâu xa của mọi vấn nạn văn hóa, xã hội. Hiện thực đương đại Việt Nam, như thường được nói, bản thân nó đã là một tác phẩm tuyệt diệu. Trên cái nền hiện thực này, các nhà văn có vô số đề tài để viết, để thể nghiệm theo mọi khuynh hướng: từ Hiện Thực Phê Phán đến Hiện Thực Huyền Ảo, từ Hậu Hiện Ðại đến Hậu Thuộc Ðịa, từ Tân Hình Thức đến "Cựu Nội Dung"... Nhưng viết về đề tài gì, theo khuynh hướng nghệ thuật nào, các nhà văn cũng cần phải đẩy vấn đề đến cùng, không ngại chạm mặt chính trị nếu cần thiết. Một nhà văn phải có quyền viết trong sự tự do, không phải để thách thức chính trị, mà để có thể đề cập đến nó một cách thẳng thắn và không thỏa hiệp. Tôi không nghĩ văn chương có thể thay đổi chính trị. Tôi cũng không tin văn chương chính trị thực dụng là loại văn chương hay. Tôi chỉ nghĩ, trên cái nền hiện thực Việt Nam hôm nay, thật khó để người ta có thể viết với sự trung thực trí thức mà lại tảng lờ chính trị.

Việc ép buộc văn nghệ trở thành công cụ tuyên truyền thô thiển cho chính trị trong nhiều năm ở miền Bắc đã khiến các nhà văn hiện nay trở nên rất dị ứng với chính trị. Ðây là một phản ứng tâm lý dễ hiểu. Mặt khác, việc đề cập đến chính trị ở Việt Nam vẫn là việc rất nguy hiểm, có thể khiến các nhà văn bị trừng phạt nặng nề. Tôi hoàn toàn tôn trọng những lý do này. Tuy vậy, để giải quyết rốt ráo các vấn đề văn chương, ít nhất trong thời điểm này, tôi không thấy có lối thoát nào khác ngoài việc phải thẳng thắn phân tích mối quan hệ giữa văn chương và chính trị. Về phần các nhà văn trẻ, nếu không thể lên tiếng cho quyền tự do sáng tạo, chí ít cũng nên chấm dứt những trò ca ngợi dối trá kiểu "có thể viết về mọi đề tài". Cần nhận rõ rằng "thế hệ sau chiến tranh" vẫn chưa thoát khỏi sự khống chế của bộ máy chính trị đang vận hành bởi "thế hệ chiến tranh", rằng mặc dù bề ngoài có vẻ cởi mở hơn, chính trị Việt Nam vẫn luôn canh chừng văn chương bằng cây gậy sắt. Chiếc gậy lơ lửng trên đầu này, trong môi trường kinh tế thị trường nhiều cám dỗ, chỉ càng khiến các nhà văn có lý do đua nhau chạy nhanh hơn về phía củ cà-rốt, để rồi khi đã ngậm củ cà-rốt, họ chẳng còn có thể phát ra ngôn ngữ đẹp đẽ của con người, chỉ toàn tiếng ú ớ. Nhà văn, nhất là những nhà văn tài năng, nên cố gắng chỉ ra cho người đọc cái thực trạng tinh thần xã hội mà thế hệ mình đang sống, hơn là tìm cách làm vừa lòng tất cả mọi người bằng thứ văn chương thái giám vô vị. Tôi tin rằng chỉ cần từ chối thỏa hiệp, chứ chưa cần phải dấn thân chính trị gì cả, các nhà văn đã có thể viết những tác phẩm rất thuyết phục trên cái nền hiện thực có một không hai của Việt Nam. Vài người viết hay hiện nay là những người viết với một ý thức không thỏa hiệp như vậy: Nguyễn Quốc Chánh, Ðinh Linh (truyện ngắn), Nguyễn Viện...

Tình trạng "phi chính trị" trong văn chương hiện nay là một màn kịch khổng lồ mà đa số các nhà văn "thế hệ sau chiến tranh" đang vô tình hay cố ý tham dự, cả trong lẫn ngoài nước. Màn kịch này thực ra chỉ nên giành cho những tay cơ hội ma mãnh, những kẻ làm văn chương thù tạc, nhưng hoàn toàn không xứng đáng với những nhà văn có tinh thần trung thực trí thức. Nhà văn "thế hệ sau chiến tranh" nên là người can đảm đi ra khỏi đám đông để nói: "Thưa bệ hạ, ngài là một ông vua cởi truồng". Chỉ bằng cách như vậy, họ mới không trở thành kẻ theo đuôi đáng xấu hổ. Và chỉ với một sự bắt đầu trung thực như vậy, may ra họ mới có cơ hội trở thành những nhà văn lớn.

2/2004

© 2004 talawas