trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
30.3.2005
LÆ°Æ¡ng ThÆ° Trung
Chất lượng qua cái nhìn của người đọc
 


Lần mò mở lại Ðại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của, bản in năm 1895 và Việt Nam tự điển của Lê văn Ðức & Lê Ngọc Trụ, bản in lần đầu 1970, không thấy nhắc từ ngữ “chất lượng”. Trong Việt Nam tân tự điển của Thanh Nghị, bản in năm 1951, của nhà xuất bản Thời Thế, giải thích “chất lượng” là “một số lượng vật chất” (quantité de matière). Còn bộ Hán Việt từ điển của Nguyễn Văn Khôn thì giải nghĩa “lượng của vật chất” thuộc về vật lý. Riêng Từ điển Hán Việt của Ðào Duy Anh, 1932, do nhà Quang Hải tùng thư, Huế, xuất bản, lại giải nghĩa chi tiết hơn: “Cái phân lượng của thực chất trong vật thể gọi là chất lượng. Ví như một miếng gỗ và một miếng sắt to bằng nhau, song trong miếng gỗ thực chất ít hơn trong miếng sắt cho nên cái chất lượng (masse) của hai miếng khác nhau”.

Riêng trong Hán Việt từ điển của Ðào Duy Anh còn nói thêm “trong miếng gỗ thực chất ít hơn trong miếng sắt”; như vậy “thực chất của gỗ” là gì, và “thực chất của sắt” là gì mà lại “ít hơn”? Hai chữ “thực chất” Ðào Duy Anh dùng ở đây, theo tôi, quả chưa làm rõ nghĩa “chất lượng”. Bởi vì “gỗ” làm sao giống “sắt” mà “thực chất” lại ít hay nhiều hơn? Hai vật thể không cùng tính chất, không cùng cấu tạo, không cùng môi trường, không thể đem so sánh “thực chất” này “ít hơn” hoặc nhiều hơn “thực chất” kia được. Ðem do sánh “thực chất của gỗ” và “thực chất của sắt” như vậy có phần ép gỗ và thiên vị sắt hơi nhiều...

Qua các giải thích nghĩa của các từ điển vừa nêu, chúng tôi thấy từ ngữ “chất lượng” chưa được cắt nghĩa thỏa đáng. Trước nhất, với Thanh Nghị thì “quantité de matière”, với Ðào Duy Anh thì “masse”. Chẳng biết giữa “quantité” và “masse” [1] có liên hệ gì với nhau chăng mà mỗi nhà giải một nghĩa khác nhau.

Ngoài ra, chúng tôi có tra thêm cuốn Từ điển Hán Việt từ nguyên của Bửu Kế, do nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành năm 1999, cũng không có chữ “chất lượng.” Nhưng trong từ điển này có chữ “phẩm lượng,” được cắt nghĩa: phẩm là cấp bậc, lượng là độ lượng (nói về nhiều ít). Chất lượng và số lượng. Ví dụ: tôi chỉ kể phẩm chứ lượng thì không cần thiết.

Tựu trung, qua các định nghĩa vừa dẫn, hai chữ “chất lượng” từ căn gốc có nghĩa chỉ số lượng thuộc về vật lý của một vật thể, trong khi ngày nay người Việt dùng chữ “chất lượng” để chỉ phẩm chất (qualité) của vật thể ấy như tốt hoặc xấu, hay hoặc dở, một nghĩa trừu tượng hơn và thuộc về tinh thần. Thật tình, chúng tôi cũng không rõ hai chữ “chất lượng” được dùng theo nghĩa thứ hai này từ hồi nào; có lẽ mới có từ sau 75, vì trước đó theo các từ điển uy tín và chính xác nhất xuất bản ở Sài Gòn trước 1975 như bộ từ điển Quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của và bộ Việt Nam từ điển của Lê Văn Ðức và Lê Ngọc Trụ không có chữ “chất lượng,” mà chỉ có “phẩm chất” để dùng cho vật thể và “phẩm cách” để dùng cho con người trong cùng ý nghĩa tốt hoặc xấu, hay hoặc dở.

Thật ra, nếu tách rời từng chữ, có lẽ từ ngữ “chất lượng” sẽ được hiểu cặn kẽ hơn, và một người đọc bình thường như kẻ viết bài này sẽ không phải thắc mắc thêm điều gì nữa. “Chất” là bản thể của sự vật. Một bài viết hoặc một tác phẩm tự thân nó đã có cái “chất” của nó. Cái “chất” đó tùy theo cái chất liệu mà người làm ra nó dày hay mỏng mà nó sẽ được tạo tác ra dày hay mỏng. Cái “chất” này chỉ có tác giả mới có và một phần lớn nó là biểu hiện cái chất của tác giả.

Còn “lượng” thật ra trong trường hợp dùng cho sự định giá một bài viết không phải là số lượng của vật thể mà là một sự nhận biết đối tượng. Trong Nhân minh học của Phật giáo, chữ “lượng”là một danh từ quan trọng vô cùng. Theo Từ Ðiển Phật học của Chân Nguyên và Nguyễn Tường Bách, “lượng” có nghĩa là “nhận thức, lượng biết đối tượng” [2] và các soạn giả từ điển đã phân biệt ba loại “lượng”; đó là “hiện lượng”, “tỉ lượng” và “phi lượng”. Ðặc biệt, trong phần “tỉ lượng” là nhận thức bằng lý tính, gián tiếp thông qua các quá trình “tư duy”, trừu tượng như phán đoán, suy luận, chứng minh, bác bỏ. “Tỉ lượng” chính là cái biết bằng so sánh. Do sự kiện được biết, được thấy, mà suy ra những gì chưa trực tiếp biết đến, thấy đến. Ví dụ “cách núi thấy có khói biết có lửa, cách tường thấy sừng biết có trâu”. [3]

Chính vì đo lường một tác phẩm bằng con mắt “tỉ lượng” nên dễ rơi vào một trong hai trường hợp: “chân tỉ lượng” và “tự tỉ lượng”. “Chân tỉ lượng” là sự suy xét đúng đắn, cùng nhìn với cái nhìn của “chân hiện lượng,” nhưng với thiện ý là phân biệt chín chắn cùng các nhận thức đầy đủ. Nhưng phần này hiếm, vì con người luôn có thiên kiến hoặc những tình cảm riêng tư về một tác giả nào đó, nên yếu tính chủ quan lấn át cái nhìn khách quan, do vậy mà dễ rơi vào trường hợp thứ hai là “tự tỉ lượng”. “Tự tỉ lượng” là suy luận không đúng về những đặc điểm của “chân hiện lượng”. “Tự tỉ lượng” còn vướng ba lỗi là “nhìn cái không phải có,” “không nhìn thấy cái có”, và “nhìn sai cái có.” [4]

Chính vì “nhìn cái không phải có, không nhìn thấy cái có, và nhìn sai cái có” cho nên mới xảy ra trường hợp “cái chất của gỗ” ít hơn “cái chất của sắt”, người làm ruộng kém hơn người học thức, kẻ lao động chân tay vô ích hơn người làm việc văn phòng, giới này cần hơn giới kia, người này dốt hơn người khác, trong khi trên thực tế, chưa chắc cái gì hơn cái gì, ai hơn ai kém và mỗi sự hiện hữu của các vật thể, kể cả thiên nhiên và con người, đều có những ích lợi riêng mà thiếu vắng một loài nào đó đều làm hao hụt cái thú vị của những đời sống khác...

Do vậy mà, phần đông người ta hay phán đoán một bài viết này có “chất lượng” hoặc bài viết kia kém “chất lượng” qua cái nhìn quán tính, chủ quan, theo nhãn quan “tự tỉ lượng” ấy với ngũ quan luôn bị sức “ám thị” áp đảo. Và có lẽ họ cũng căn cứ vào cả định nghĩa của Ðào Duy Anh nữa. Chính vì các giới “giáo chủ văn chương” [5] hay đứng xa người viết về mọi phương diện, từ kiến thức đến hoàn cảnh sáng tác, từ trình độ hiểu biết đến lối diễn đạt, từ chất liệu sống đến cảm nhận văn chương... và nhiều, nhiều nữa, đã tạo thành cái quyền tự cho, cái lệ trong văn đàn, là lấy “chất lượng” để loại trừ nhiều viên ngọc long lanh của nhiều người viết mới mà không quen biết với một vị chủ bút nào đó của một tạp chí văn học đầy uy tín nào đó.

Nhắc lại điều đó, thật ra không thiếu những dẫn chứng đã được ghi lại qua các tác phẩm, đặc biệt với các tạp chí, báo, làm chúa tể văn học một thời, có quyền ban phát cho người viết ân huệ được chọn đăng bài hay không, thì cái được gọi là “chất lượng” lại là đập ngăn, là rào cản, là cửa ngỏ khép kín của nhiều tài năng bị vùi lấp. Nhưng vượt trội lên hết các cản trở vừa nêu chính là cái nhìn nông cạn, phiến diện, phe nhóm của những người tự cho mình cái quyền tuyển chọn “chất lượng” mà sinh ra nhiều phán đoán không công bằng. Văn học miền Nam trước 75, nếu không có Mai Thảo nhìn ra Dương Nghiễm Mậu qua truyện ngắn đầu tay bị vứt bỏ trong thùng rác, “Rượu chưa đủ”, thì quả thiệt thòi cho người đọc, cho văn học, và nhất là, cho một tài năng.

Mai Thảo viết: “Nhớ đó là một buổi trưa rảnh rỗi, tôi ghé vào thăm một diễn đàn bạn. Người bạn đang cắm cúi làm việc. Tôi kéo ghế ngồi hút thuốc lá, thấy ở cạnh mình cái sọt rác đựng đầy những bản thảo gởi đăng không đăng và liệng bỏ đi. Buồn tay tôi nhặt những tờ bản thảo bị xé bỏ ấy lên coi. Cuối cùng và ở tận đáy cái sọt rác ấy là một bản thảo truyện ngắn. Tôi đọc mấy dòng đầu, giật mình vì lối vào truyện mạnh dạn, mới lạ, khác biệt hẳn với lối vào truyện vòng vo ngập ngừng thường thấy ở những người viết mới. Ðọc tiếp mấy trang nữa, tôi hỏi người bạn: “Bỏ đi tất cả đây à?” Người bạn không ngửng đầu lên: “Ừ, đã đọc rồi bỏ không đăng”. “Moi lấy đi được không?” “Ðể làm gì vậy?” người bạn ngạc nhiên hỏi. “Mặc moi” tôi nói, và cất cẩn thận cái truyện bị vất bỏ ở một diễn đàn bạn vào túi áo, trở về đăng ngay nó và nguyên văn không sửa một cái dấu phẩy trên tờ Sáng Tạo số đang làm. Người bạn tôi, chỉ biết thấy giá trị những tác giả đã thành danh, không thấy được những hạt ngọc lóng lánh lăn ra từ những cõi viết còn vô danh chưa tên tuổi đã liệng đi cái hạt ngọc văn xuôi ấy là truyện ngắn “Rượu chưa đủ,” truyện đầu tay của một người trẻ tuổi mới viết văn bấy giờ là Dương Nghiễm Mậu. Hạt ngọc bị vất bỏ ấy và tôi tình cờ lượm được, đúng là một hạt ngọc.” [6]

Tương tự, người đọc ở những năm gần cuối thập niên 80, qua báo chí và qua lời kể lại của chính nhà văn Nguyên Ngọc, người ta lại có thêm một truyện ngắn hay bị vất bỏ sọt rác, mà Nguyên Ngọc đã nhặt ra và cho đăng trên Văn Nghệ, đó là “Tướng về hưu” của Nguyễn Huy Thiệp. Chính nhờ vậy, mà sau này người đọc lần mò biết thêm các truyện ngắn khác của Nguyễn Huy Thiệp như “Kiếm sắc,” “Chảy đi sông ơi,” “Vàng lửa,” “Phẩm tiết,” “Thương nhớ đồng quê,” “Ðời thế mà vui,” “Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt,” “Sang sông,” và nhiều truyện khác nữa...

Còn vô số các tác phẩm khác trong kho tàng văn học thế giới cũng gặp phải những trở lực ban đầu với số phận lênh đênh do óc phán xét “tỉ lượng” để định thang giá trị cho nó, nhưng rồi cuối cùng các tác phẩm ấy cũng được trả về vị trí mà nó đáng được xếp hạng, chẳng những có chất lượng mà còn là các tác phẩm bất hủ của nhân loại. Tưởng cũng không cần nêu ra đây các cuốn sách bất hạnh ấy làm gì, vì người đọc sách nào cũng có thể một đôi lần bắt gặp các tác phẩm lừng danh ấy trong đời mình.

Thành ra, “chất lượng” cũng tùy người cảm nhận ra nó mà thôi. Và chắc chắn một điều là “chất lượng” cũng chỉ là cái gì trừu tượng, tương đối. Ngay như các tác giả thành danh, có một chỗ ngồi chễm chệ trên văn đàn, không phải bất cứ sáng tác nào của các vị ấy cũng đều được mọi người chấp nhận là những sáng tác có đầy đủ “chất lượng”. Chẳng hạn bài tiểu luận “Con c..” của nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc đăng trên trang nhà Tiền Vệ và talawas, lắm người khen nhưng không hiếm người chê.

Thật ra, đọc nhiều bài viết của Nguyễn Hưng Quốc, người đọc nhận ra ông luôn luôn là một nhà lập thuyết, lập ngôn, và từ đó người đọc cảm nhận ở ông có cả khả năng lập dị. Lập thuyết, lập dị ở ông là cái gì mà mọi người coi là dở, là tệ thì ông nói ngược lại bằng lý luận, biện giải nhiều lúc gây cho người đọc có cảm tưởng như tác giả đang ngụy biện, ngụy luận. Chẳng hạn bài tiểu luận “Bài thơ con cóc, một bài thơ hay” của Nguyễn Hưng Quốc là một trường hợp điển hình. Mà lập thuyết, lập dị cũng chẳng có gì mới mẻ, bởi trong thế giới văn chương, không ít người đã dụng công làm việc này từ lâu rồi, và những người bỏ công sức để làm trái ngược với người khác như vậy không đi ngoài mục đích là muốn được người ta chú ý mà thôi.

Lập ngôn ở tác giả này là những từ ngữ rất kêu, rất nóng bỏng, như một nhà chính trị sắp lên diễn đàn, mặc dù ông đang bàn về văn chương học thuật, và biểu hiện rõ nhất ở cái tựa các bài tiểu luận ấy, nào là “tính đại chúng là kẻ thù của văn chương”, nào là “cuộc đảo chánh trong một chữ”, “cuộc hòa giải vô tận”, “chiến tranh như một thi pháp,” mang màu sắc thách thức và tự phụ với lý thuyết là trên hết và do vậy mà giới độc giả bình dân ít học không là đối tượng cho loại văn hàm ý của ông.

Lời giới thiệu cho bài viết của ông trên Tiền Vệ vừa thách thức, vừa khiêu khích người đọc, biểu tỏ thái độ ấy: “Bạn hãy nói cho tôi biết cảm giác của bạn như thế nào khi đọc chữ con c..., tôi sẽ nói cho bạn biết bạn là ai.”

Tác giả đã dựa vào câu tục ngữ nổi tiếng của Pháp “Dis moi qui tu hantes, je te dirai qui tu es” - “Bạn hãy nói cho tôi biết bạn chơi với ai, tôi sẽ nói cho bạn biết bạn là ai.” Về sau, F. Mauriac đã sửa lại một vài chữ và thành câu ngạn ngữ: “Cho tôi biết anh đọc những sách nào, rồi tôi sẽ cho anh biết anh là hạng người ra sao. Lời đó đúng, nhưng tôi sẽ biết anh rõ hơn nếu anh cho tôi biết anh thường đọc lại những sách nào.” [7]

Như một hệ quả không tránh khỏi của một cách chơi chữ lạ kỳ đó, qua các bài tiểu luận của ông, người đọc nhận ra văn phong của ông luôn luôn ẩn tàng một sự thách thức và khiêu khích, đặc biệt với cái cũ mà ông cho là lỗi thời. Nhưng dù sao chăng nữa, cách chơi nào rồi cũng chán và đề tài nào rồi cũng cạn, cũng tàn. Nguyễn Hưng Quốc đã cho người đọc nhận ra sự loay hoay đó qua các loại “con” mà ông mò mẫm và đến bài “Con c..” là một minh chứng về hiện trạng ấy.

Nói Nguyễn Hưng Quốc “thách thức và khiêu khích” người đọc, không phải chúng tôi có ác cảm gì với tác giả, hoặc hồ đồ, vô lễ. Ðiều này được chính tác giả, qua lời giới thiệu của nhà xuất bản Văn Mới trong tập sách mới Sống với Chữ của ông, đăng trên các tạp chí, như một hồi cố về văn phong của mình trong những bài viết trước đó, để trở lại một phong cách “hiền lành” hơn trong tập sách mới này: “Sống với Chữ tập hợp những bài viết được tác giả xem là hiền lành nhất của mình, những bài viết nhằm đến sự đồng cảm hơn là khiêu khích hay thách thức; nhằm mời gọi người đọc tham dự vào những dòng nghĩ ngợi bâng quơ về cái hay của chữ, và về cái đẹp trong tính cách hay phong cách của một số người lao động trên chữ: các văn nghệ sĩ.” [8]

Cách viết lạ và nói khác hơn người khác ở Nguyễn Hưng Quốc dễ làm người đọc nghĩ rằng ông đang là người mở ra con đường mới, như một “tiền vệ,” trong trào lưu viết lách hôm nay. Nhưng thật ra, từ thời cổ xưa, trong lịch sử triết học Trung Hoa đã có người khởi xướng ra điều “nói ngược” ấy rồi. Ðó là phái “Biện thuyết”, mà triều đại nhà Hán gọi là Danh gia, thời đại Chiến Quốc thường gọi là học phái Hình danh hay là Biện gia. [9] Nhận xét về các tác gia này, Trang Tử có viết: “Có một số người sống theo cách dị thường. Họ chứng minh cái không có thể được như là có thể và cho là phải điều mà người ta nhận là trái. Các nhà Biện gia bàn về sự khác nhau giữa “trắng” và “dắn” như là chúng bị mắc vào những cái đinh khác nhau. Những hạng người này có thể gọi được là hiền không?”

Tuân Tử ở thiên VI cũng có đoạn nói: “Có hạng người không theo gương các vua thời trước và không biết đến nguyên lý Lễ Nghĩa và chuộng bàn đến những lý thuyết dị thường và chủ trương mới lạ. Họ chỉ là những tinh thần tuế toái nhưng không thỏa mãn cho nhu cầu thực tế. Có tính phê phán nhưng vô dụng, làm việc nhiều mà ít kết quả. Ðấy là hạng người như Huệ Thi và Ðăng Tích.”

Ở thiên XXI: “Huệ Tử mù quáng về ngôn ngữ mà không thấy sự thực... Ai mà nói đến Ðạo ở quan điểm ngôn ngữ, thì đấy chỉ là những biện luận.”

Tư Mã Ðàm ghi ở Sử ký (chương 20) nhận định rằng: “Danh gia xét tỉ mỉ các điểm trong những nhận định phức tạp công phu làm cho kẻ khác không thể phủ nhận ý tưởng của mình được. Họ chuyên định nghĩa các danh từ nhưng bỏ quên cảm tình của nhân loại. Bởi vậy tôi nói rằng: Họ đưa người ta vào sự tô điểm danh từ làm cho người ta dễ quên mất chân lý.”

Thành ra, nói các bài viết Nguyễn Hưng Quốc không mới, kém “chất lượng” là cách “nói leo”, “nói hỗn”; mà khen Nguyễn Hưng Quốc viết quá hay, quá sâu sắc lại là những lời khen quá thừa đối với một tác giả đã được định danh và định vị. Chi bằng cứ để cho thời gian đãi lọc lại một cách công bằng và lúc bấy giờ sẽ biết cái gì còn, cái gì bị lãng quên, chừng đó mới rõ trắng đen, bởi lẽ văn chương không ép uổng ai được cho dù có là “giáo chủ văn chương”.

Nhân dịp này, xin được nhắc lại, nhớ có lần tôi có viết lá thư gởi Nguyễn Hưng Quốc, góp ý kiến về hiện trạng viết nhiều, viết lung tung của nhà văn gây ra cảnh hỗn loạn trên văn đàn. Nếu nhà văn biết tiếc chữ như Tô Ðông Pha khuyên “lương nông tích địa lực” thì văn chương Việt Nam hay biết mấy. Lần đó, Nguyễn Hưng Quốc bác bỏ ý kiến viết nhiều. Hy vọng với tài năng và óc phán xét tinh tế như ông, thay vì để công viết con này con kia, xin đề nghị ông nên nhìn lại và cống hiến cho người đọc và văn học Việt Nam một tác phẩm phê bình văn học khá đầy đủ về dòng văn học hải ngoại trong ba mươi năm qua một cách vô tư và nghiêm khắc, tương tự như Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan, Văn học miền Nam của Võ Phiến, hoặc như Văn học Việt Nam dưới chế độ cộng sản của chính tác giả, quả là một công trình to tát mà các thế hệ người đọc hôm nay cũng như mai hậu thầm cảm ơn ông biết bao!

Xin trở lại, còn nhiều sáng tác của tác giả khác, thật lòng mà nói, đã làm cho người đọc quá ngán ngẩm về cái được gọi là văn chương hôm nay, vì những cái tục tĩu, nhảm nhí. Ngay cả những người lâu lâu mới đọc sách một lần cũng nhận ra cái điều phản văn chương ấy. Các tác phẩm này đầy dẫy trên các sách in, các tạp chí – cho thấy một thời kỳ thê thảm nhất của văn học Việt Nam, - đã được sự khích lệ, tâng bốc của các tác giả tên tuổi, với những từ ngữ như “viết tới,” “sâu sắc,” “chất lượng,” “đầy triển vọng,” bứt phá,” ca ngợi các tác phẩm chẳng hạn như Âm vọng (tiểu thuyết), Căn phòng 2.2 – âm thanh sóng (thơ), Bài học vỡ lòng (thơ), Xứ nắng , Cái l..., vô tận (thơ, tiểu luận), “Linda mặt ngang,”, “Nhớ Linda,” v.v... Một trong những bài điểm sách mới nhất vừa đăng trên Hợp Lưu 80, số Xuân Ất Dậu 2005, Hồ Trường An không tiếc lời khen tặng Xứ nắng của Lê Thị Thấm Vân, làm người đọc phải bàng hoàng trước lối lập luận của một tác giả nay có lẽ đã gần thất thập.

Hồ Trường An khen Lê Thị Thấm Vân, điều đó không có gì mới lạ. Một nhà văn khen tặng nhằm giới thiệu một nhà văn là hiện tượng rất quen thuộc. Nhưng ông lại nặng lời kết án những người không thích loại văn dâm tục ấy, đó mới là điều đáng trách: “Một tác phẩm có nhiều đoạn nóng bỏng tình dục là cái cấm kỵ bén nhọn nhất đối với những kẻ hay hổ thẹn quen thói đạo đức giả lỗi thời.” [10]

Ở phần tiếp theo, Hồ Trường An lại tiếp: “Ðây mới là cái kỳ đặc nâng cao giá trị của tác phẩm chứ không hạ thấp tác phẩm xuống hàng dâm thư như bọn đạo đức giả đánh giá qua một thành kiến nghiêm khắc và qua sự ương ngạnh rất chi là thô bạo.”

Những chữ chỉ trích người đọc không thích cách viết của các nhà văn khai thác tình dục trong văn chương là “quen thói đạo đức giả,” “bọn đạo đức giả”, “sự ương ngạnh rất chi là thô bạo” quả thật là điều đáng tiếc trong một bài giới thiệu rất công phu của một nhà văn già dặn như Hồ Trường An.

Chưa nói đến tác giả được chú ý như Lê Thị Thấm Vân, ngay cả một tác giả mới viết năm ba truyện ngắn như Ðỗ Hoàng Diệu ở Hà Nội, và được tạp chí Hợp Lưu quảng cáo bằng một bài phỏng vấn về các truyện mà tác giả đã viết mang đậm màu sắc dục tình. Ở lời giới thiệu truyện ngắn “Bóng đè,” tòa soạn Hợp Lưu viết: “... Với Bóng đè, một truyện ngắn hoán dụ vực thẳm, Ðỗ Hoàng Diệu đã bắt gặp một trạng thái truyền kiếp của dân tộc. Bóng đè biểu hiện bứt phá, sức truyền đạt của một giọng văn cùng phong cách nổi loạn tràn lấp nhục cảm ở tác giả này.” [11]

Thử hỏi với những sáng tác “của một giọng văn cùng phong cách nổi loạn tràn lấp nhục cảm” như vậy, ai dám bảo là chất lượng hay không chất lượng? Nếu người đọc nhận xét các vị ấy đang viết nhảm, không ít người sẽ kết án người đọc là “bọn đạo đức giả” như Hồ Trường An trong bài giới thiệu Xứ nắng nêu trên, hoặc họ sẽ trở về cái lô cốt của nhà văn theo quan niệm của Tristan Tzara: “Viết là một hành động riêng tư, không liên quan gì tới ai”; hoặc như Lê Thị Huệ trả lời Mai Thảo: “Tôi là một người viết những chuyện xảy ra trong đời sống, tôi không phải là một cô giáo.” [12]

Mà đâu phải chỉ có nhà văn Việt Nam, trong thư gởi tạp chí Hợp Lưu, ông Phan Ðình Trúc, ở Denver, cũng có nhắc đến tác giả Pháp Florence Dugas, rồi William T. Vollmann của Mỹ với những cuốn truyện dâm ô như Whores for Gloria, The Royal Family, và Philip Roth với cuốn The Dying Animal, và tác giả lá thư tự hỏi: “...không lẽ các nhà văn trên toàn thế giới, từ Mỹ đến Âu sang Á và Việt Nam, những trí thức tinh thần không còn đề tài nào khác ngoài chuyện dâm bôn? Và đạo đức nhà văn ở đâu?” [13]

Các cuốn sách của hai tác giả Mỹ mà ông Phan Ðình Trúc vừa ghi, tôi chưa được đọc. Riêng về tác giả Florence Dugas với truyện ngắn “Thống muội,” [14] qua lời giới thiệu và bản dịch của dịch giả Cổ Ngư, trên Hợp Lưu số 77, quả là một truyện không đáng đọc, giống như nhận xét của Phan Ðình Trúc, chỉ là một thứ dâm thư không hơn không kém.

Về hiện tượng này, nhà văn Lê Thị Huệ, trong một bài mới đăng trên trang Gió-O [15] , ngày 8-3-2005, cũng nhận xét là ngày nay “chữ nghĩa đang bị ồ ạt tra tấn và chà xát bởi văn chương ba chữ xxx”:

“Chuyện đáng nói hơn trong những ngày gần đây là chữ nghĩa đang bị ồ ạt tra tấn và chà xát bởi văn chương ba chữ xxx. Từ sau khi tôi viết 1 bài trên talawas gợi hứng cho các cây bút nữ là muốn viết văn ăn khách thì hãy viết về éx. Thế là làm như một số nhà văn nữ tìm ra chân lý. Một loạt các nhà thơ nhà văn nữ trong nước lẫn ngoài nước bắt đầu háo hức viết xả láng về éx. Đàn bà dù xả láng x cỡ nào thì cũng không bao giờ đủ để phục vụ đàn ông. Các trung tâm đàn ông như tienve, tapchitho, hopluu, thotanhinhthuc, tràn ngập những bài dùng éx tra tấn và chà xát x của phụ nữ. Đàn bà mà thiếu nhạy cảm với x, không biết bảo vệ thân xác phụ nữ, viết về éx như heo nọc xà quần heo nái, viết về éx trong nỗi yếu đuối của thứ nạn nhân tự nguyện phục vụ taste của đàn ông, thì chỉ là con mồi béo bở cho đàn ông khai thác.

Tôi không tin đàn ông có thể giải phóng tình dục dùm cho phụ nữ. Hiện nay những người đàn bà nào viết về éx mà được các nhà văn nam hay những người tự nhận là phê bình nam ủng hộ hay ngợi ca thì chính đấy là những nữ nạn nhân đầu tiên trong trò chơi tình dục của cánh đàn ông. Rất tiếc có những người đàn bà là nạn nhân mà không biết mình là nạn nhân. Điều này không có nghĩa là thế giới trống vắng những người đàn ông thân thiện và quý trọng thân xác phụ nữ. Nhưng rõ ràng sự to mồm của những người đàn ông khai thác thân xác phụ nữ như một dâm vật đang lấn át mọi diễn đàn nghệ thuật vào thời điểm này.”

Francis Bacon khuyên: “Có loại sách chỉ nên nếm, có loại khác chỉ nên nuốt, có ít cuốn cần phải nghiền ngẫm, nghĩa là có những cuốn chỉ nên đọc từng đoạn thôi, có những cuốn nên đọc qua cho biết và ít cuốn phải đọc hết, đọc siêng năng, chăm chú rồi suy nghĩ.” Nhưng Nguyễn Hiến Lê thì bảo Francis Bacon còn quên một loại: “loại nên liệng đi, như những sách khiêu dâm và những sách làm cho ta bực mình.” [16]

Nhân có nhắc đến Lê Thị Huệ, trên trang Gió-O, chúng tôi có đọc được bài giới thiệu tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh là một “thiên tài,” hơn cả Nguyễn Du, và tác giả bài viết dẫn chứng cái ý của mình là “Nguyễn Thế Hoàng Linh có được những tính chất thiên tài mà ngay cả Nguyễn Du cũng không có” và “Nguyễn Du phải vin cành tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân”; còn “Nguyễn Thế Hoàng Linh ít nhờ đến sự gợi hứng qua trung gian tác phẩm của người khác như các thiên tài nói trên.”

Cách nào đó, dưới cái nhìn của Lê Thị Huệ, Nguyễn Thế Hoàng Linh “chất lượng” hơn Nguyễn Du và nhiều thi sĩ khác, điều mà người đọc nào có đọc qua Kiều và các thi sĩ trong bảng danh sách được Lê Thị Huệ liệt kể không khỏi bàng hoàng và tự hỏi: “Nay ta đang ở đâu trong cõi ta bà này? Có phải đã đến lúc mọi giá trị cũ xưa không còn ‘chất lượng’ nữa rồi chăng?” Lê Thị Huệ viết:

“Làm thơ từ lúc rất trẻ, Nguyễn Thế Hoàng Linh có được những tính chất thiên tài mà ngay cả Nguyễn Du cũng đã không có. Những ý tưởng và những câu thơ của Nguyễn Thế Hoàng Linh rất nguyên thủy (original). Anh giao tiếp và sáng tạo thơ như một đứa trẻ mẫn cảm với cuộc đời, và phát biểu một cách hồn nhiên về bản chất của đời sống như nó là. Nguyên thủy là nét cực kỳ qúy báu của những người dấn thân chọn nghệ thuật sáng tạo. Nguyễn Du là thiên tài băng qua tác phẩm của người khác. Nguyễn Du phải vin cành tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân bên Tàu để gợi hứng sanh ra Thúy Kiều đào hoa. Xuân Diệu chôm thơ Tây và biến chế thành thơ ta. Phạm Công Thiện viết tiếng Việt về Triết Tây thơ hơn Tây viết. Nguyễn Thế Hoàng Linh ít nhờ đến sự gợi hứng qua trung gian tác phẩm của người khác như các thiên tài nói trên. Lần đầu tiên va chạm đời, Nguyễn Thế Hoàng Linh đã vọt trào cảm xúc, xuất phát ý tưởng, và nhào nặn thành nghệ thuật thơ văn trong bàn tay anh ngay lập tức. Đọc Nguyễn Thế Hoàng Linh ta thấy thơ Việt đã thành công trong nghệ thuật phô diễn được những điều vĩ đại của đời sống qua một tâm hồn nghệ sĩ nhạy cảm không đợi chờ tuổi.

Hiền triết ngay tự những câu thơ đầu đời, Nguyễn Thế Hoàng Linh đã bị định mệnh chọn lựa làm một nhà thơ hiền triết trẻ đầu tiên của Việt Nam. Thơ của anh không có chỗ cho những rung động khiêm nhường bé nhỏ. Không theo mốt chơi chữ tràn lan, thường hay là quà ra mắt của những nhà thơ e lệ lẫn những nhà thơ gàn gàn Việt Nam ở mỗi thời đại. Không vào chiếu huyễn cảm cao chạy xa bay, bay xa xa đời sống được phút nào hay phút ấy, một đặc sản lưu truyền trong thơ Việt Nam. Thơ của người tuổi trẻ Nguyễn Thế Hoàng Linh là ngọn gió cuồng phong của cảm xúc, là giòng thác lớn của trí tuệ, là bản chất của cuộc đời bị tra hỏi tận gốc. Nguyễn Thế Hoàng Linh tự nhiên tra hỏi cuộc đời thành thơ, nên tự nhiên trở thành nhà hiền triết lúc độ tuổi còn rất trẻ. Đây là một điểm đặc biệt lôi cuốn rất tình cờ trong xuất thơ đầu tiên của Nguyễn Thế Hoàng Linh. Mặc dù vướng phải những đoản khúc lý luận còn non nớt, thơ của Nguyễn Thế Hoàng Linh có cái vạm vỡ của một cành lộc thi ca hiền triết lớn, ngay ở phút phát xuất đầu tiên.

Rung động sâu sắc, diễn đạt chân thật, phóng ý không nương, xào chữ gọn nhẹ, đọc thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh bạn sẽ gặp được cái cối xay chữ (ngay đợt xuất phát đầu tiên, Nguyễn Thế Hoàng Linh đã cho ra đời một lượng thơ hay khá lớn) chất ngất cảm xúc nhưng đồng thời cũng chứa đựng những suy nghĩ đầy trí tuệ độc lập.  So sánh lại với những thiên tài chuyên trị cảm xúc trước đây như Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Hoàng Cầm, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Nguyễn Thế Hoàng Linh là thi tài trẻ đầu tiên của Việt Nam chạm đến phần trí tuệ ngay trong những sáng tác đầu tay. Đọc thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh, trí óc của bạn sẽ phải suy tư. Và phần sót lại của cõi thơ anh là những thông điệp về nhân sinh vĩ đại. Điều này lần đầu tiên thi ca Hà Nội mới thấy xuất hiện.” [17]

Về những lời giới thiệu vừa dẫn, xin nhường lại cho thời gian minh định hai chữ “thiên tài.” Nhưng có một điều cần ghi nhận là Lê Thị Huệ rất can đảm và trung thực khi nhận ra, trong thế giới văn chương mà bà đang chìm đắm vào đó với “đam mê” và “thách đố,” [18] những cản trở còn đang đầy dẫy trước mặt:

“Một điều hết sức bi thảm và khôi hài là có những cây bút nữ tôi biết rất rõ là chữ nghĩa, trình độ, và khả năng rất kém. Thế nhưng có những ông chủ bút và những nhà phê bình văn học của chúng ta bốc các em gái văn nghệ này lên trên giời, hết lời ca ngợi những cây bút nữ này là những nhà văn lừng lẫy khai sáng thiên hạ. Tôi chỉ có nước há hốc miệng ra chưng hửng nhìn trời mà không thể nào hiểu nổi! Điều này làm cho tôi thấy thất vọng về khả năng phán xét của rất nhiều nhà văn, nhà thơ, chủ bút, nhà phê bình Việt Nam chung quanh tôi hiện nay. Điều này tự nhiên cũng làm cho tôi nghi ngờ và thấy cần xét lại những nhà văn nhà thơ Việt Nam nổi tiếng nào đấy. Tinh thần băng đảng cùng sự mắt mù tai điếc của những kẻ háo danh lỡ yêu văn chương đã tạo nên một bộ mặt văn chương Việt Nam như thế này ư? Điều này chứng tỏ nền văn học nghệ thuật Việt Nam lâu nay không có một chuẩn mực kỷ cương nào trong việc phê bình, phân tích, lượng giá, các tác giả và tác phẩm. Chúng ta không có những nhà phân tích và phê bình văn học được đào tạo chuyên nghiệp, và được trang bị đầy đủ kiến thức cần thiết để làm công việc thẩm định văn học. Một khi chính các vị "giám khảo" chưa đủ trình độ thì làm sao tin tưởng được sự lượng giá, phán đoán, của các vị "giám khảo" ấy.” [19]

Qua lời nhận định của Lê Thị Huệ vừa trích, là người đọc, chúng tôi hy vọng đó cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh dành cho các tác giả sáng tác hôm nay, cùng những nhà phê bình ít chịu khó tìm cái “chất lượng” thật của người khác, mà chỉ chuyên chú đưa cái dở của các tác giả mà quý vị quen thân lên tận trời xanh, để rồi nhiều lúc quý vị làm người đọc chúng tôi muốn khùng luôn, hết biết mình mấy tuổi. Cách nào đó, chính những lời khen tặng quá đáng đó đã gián tiếp tạo ra bộ mặt văn chương ngày nay thấp giá quá, và từ đó không còn nhiều người đọc háo hức với sách báo như ngày xưa nữa. Lỗi này không phải ở chúng tôi, mà là do các tác giả và các nhà phê bình thiếu tinh thần vô tư. Vô tư là một đức tính, theo André Thérive,“đáng cho nhà phê bình ao ước.” [20]

Với những điều vừa trình bày, người đọc hôm nay, dù muốn dù không, chúng tôi cũng đã và đang bị áp đặt phải nhìn ra “chất lượng.” Nếu giữa thời văn chương đang suy đồi mà nói chuyện viết văn trong sáng nghiêm túc là nói chuyện cổ điển, lạc hậu. Có lẽ để thỏa mãn khuynh hướng mới trong trào lưu văn chương hôm nay, người ta phải định nghĩa lại nhiều chữ mà học giả Nguyễn Hiến Lê có lần đề nghị, may ra mới hợp thời: “Các từ ngữ bất kỳ trong môn nào, cứ lâu lâu phải định nghĩa lại mới được, nhất là các tiếng trừu tượng; nếu không thì loạn hết, nói ra chẳng ai hiểu mà cũng chẳng ai nghe. Chẳng những phải định nghĩa lại mà còn phải ghi hết thảy những sai biệt về nghĩa từ trước tới nay nữa.” [21]

Tôi nghĩ hai chữ “chất lượng” cũng cần phải được định nghĩa lại. Nhưng nói gì thì nói, bàn về “chất lượng” là một việc hóc búa, rắc rối vô cùng. Bàn về nó là lao đầu vào công việc lao tâm khổ trí không dễ dàng chút nào và nhiều lúc vô ích!

12.03.2005

© 2005 talawas



[1]Theo từ điển Larousse Classique Illustré của Claude Augé và Paul Augé, Paris, 1950, do nhà Librairie Larousse xuất bản, thì chữ "quantité” là một danh từ chung, giống cái, có nghĩa: “qualité de ce qui peut être mesuré ou nombré, de tout ce qui est susceptible d’ augmentation ou de diminution. Un grand nombre: quantité de gens disent... Durée plus ou moins longue qu’on doit, en prosodie, attribuer à une lettre, une syllabe. Quantité électrique, produit de ‘intensité par le temps condidéré.”
Còn “masse” trong từ điển trên cũng là một danh từ chung, giống cái, thì được giải nghĩa: «Amas de parties qui font corps ensemble: masse de pierres. Corps solide, compact: masse de plomb. Corps informe: monstre qui n’est qu’une masse. Totalité, ensemble: la masse des connaissances humaines.”
Và cũng theo từ điển Larousse Classique Illustré ghi trên, «qualité (n,f) : Ce qui fait qu’une chose est telle: bonne, mauvaise qualité. Propriété : L’étendue est la qualité essentielle des corps. Excellence en quelque chose : vin qui a de la qualité. Talent, disposition heureuse : cet enfant a des qualités. Naissance illustre, noblesse : homme de qualité. Titre : prendre la qualité de prince. En qualité de, loc, pre. Comme, à titre de : en qualité de parent."
[2]Từ Ðiển Phật học của Chân Nguyên và Nguyễn Tường Bách, Thuận Hóa xuất bản, Huế, năm 1999.
[3]sđd, trang 247.
[4]sđd, trang 248.
[5]Chữ dùng của Marcel Reich-Ranicki trong bài “công bằng” của talawas ngày 11-11-2004.
[6]Trích bài “Con đường Dương Nghiễm Mậu" của Mai Thảo, trong Chân dung 15 nhà thơ văn Việt Nam, nhà xuất bản Văn Khoa, 1985, đăng lại trên tạp chí Hợp Lưu số 78 tháng 8 & 9 năm 2004 (Hoa Kỳ).
[7]Tự học, một nhu cầu của thời đại của Nguyễn Hiến Lê.
[8]Văn, số 95 & 96 tháng 11/12/2004.
[9]Lịch sử triết học Ðông phương của giáo sư Nguyễn Ðăng Thục, quyển 2, trang 75, năm 1963.
[10]Hợp Lưu, số 80, trang 257.
[11]Hợp Lưu, số 78, trang 144.
[12]Hợp Lưu, số 80 trang 330.
[13]Hợp Lưu, số 80 trang 328
[14]Hợp Lưu, số 77, trang 101
[15] http://www.Gio-O.com
[16]Tự học, một nhu cầu của thời đại của Nguyễn Hiến Lê, chương XIV, trang 82.
[17] http://www.Gio-O.com
[18]Hai trong 4 tiêu chí của trang Gio-O (“thách đố”, "trí huệ”, "đam mê” và “sáng tạo”).
[19] http://www.Gio-O.com
[20]Tư cách nhà phê bình, Thạch Lam dịch, trang 446, quyển 3, trong bộ 13 năm tranh luận văn học của giáo sư Thanh Lãng, nhà xuất bản Văn Học, 1995.
[21]Luyện lý trí của Nguyễn Hiến Lê, trang 17.