trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 103 bài
  1 - 20 / 103 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTôn giáo
Loạt bài: Tưởng niệm Giáo hoà ng John Paul II (1920-2005)
 1   2   3   4   5   6   7   8   9 
1.4.2005
Phạm Vĩnh Cư
Karol Wojtyla với tác phẩm Đạo đức học sơ yếu
 

Cách đấy hơn bốn thập kỉ, vào cuối 1957 - đầu 1958, trên một tờ báo địa phương của Ba Lan, tuần báo Tygodnik powszechny, cơ quan ngôn luận của Hội trí thức công giáo thành phố Kraków, cố đô của nước này, đã xuất hiện một loạt bài viết ngắn gọn dưới tiêu đề chung Ðạo đức học sơ yếu. Những bài báo ấy đã khiến công luận bắt đầu để ý đến tác giả của chúng - Karol Vojtyla, một linh mục xuất thân từ giai cấp thợ thuyền, còn khá trẻ (sinh năm 1920) nhưng đã có bằng tiến sĩ thần học, kết hợp phận sự mục sư với nhiều hoạt động đa dạng: nghiên cứu khoa học, viết báo, sáng tác kịch, thơ, giảng dạy thần học và đạo đức học ở các trường đại học tổng hợp Kraków và Lublin. Thiên khảo luận về những nguyên lí đạo đức học được in trên báo rõ ràng gắn bó mật thiết với những bài giảng của vị giáo sĩ này ở các giảng đường đại học. Cùng với hai tác phẩm khác, xuất hiện muộn hơn vài năm và cũng mang nội dung đạo đức học: chuyên luận Tình yêu và trách nhiệm và kịch Cửa hiệu của người thợ kim hoàn, nó đánh dấu giai đoạn khởi phát của một sự nghiệp hai thập niên sau sẽ trở nên hiển hách. Từ giữa những năm 60, hoạt động của cha Karol Vojtyla vươn tới quy mô quốc gia và quốc tế. Uy tín ngày một to lớn của ông trong thế giới Kitô giáo cuối cùng đã dẫn đến việc ngày 16 tháng 10 năm 1978 tại Roma ông được bầu làm người lãnh đạo tối cao của Giáo hội Công giáo toàn thế giới, mà ngày nay ai ai trên hành tinh chúng ta cũng biết dưới tên đức Giáo hoàng Jean Paul đệ Nhị. Hơn tất cả những người tiền nhiệm của mình có mặt trong đời sống của loài người hiện đại, Jean Paul II từ ngày lên ngôi đã công bố rất nhiều tác phẩm mới về rất nhiều đề tài khác nhau và dưới nhiều hình thức khác nhau: những thông cáo (encyclique) và thông điệp, những diễn văn và những bài thuyết giáo, những sách viết riêng và viết chung. Ðược quảng bá và tuyên truyền bởi tất cả các phương tiện thông tin đại chúng hiện đại, chúng tuy nhiên vẫn không che khuất những sáng tác thời hàn vi của vị giáo chủ này. Ngược lại, những sáng tác ấy càng ngày càng được dịch ra nhiều thứ tiếng, thu hút sự quan tâm không chỉ của giới nghiên cứu, mà còn của cả dư luận quốc tế rộng rãi tìm thấy ở chúng nhiều hạt giống tư tưởng nay đã trở thành những phương châm hoạt động của Giáo hội Thiên chúa giáo - một tổ chức tôn giáo hùng mạnh có một không hai trong thế giới ngày nay.

Ðạo đức học sơ yếu thuộc về những tác phẩm như thế. Một ưu điểm lớn, rất dễ nhận ra của nó là sự ứng hợp gần như lí tưởng của cái tên công trình với bản thân công trình. Ðây đúng là một cuốn sách nhỏ trình bày một cách dễ hiểu những vấn đề cốt yếu của đạo đức học Kitô giáo. Tiêu chí phổ thông được tuân thủ nghiêm ngặt ở đây tuy vậy không hề cản trở bề sâu và sự phong phú của nội dung. Tuyệt không phô trương kiến thức, tác giả bằng cách trình bày và giải quyết những vấn đề đặt ra cho thấy sự am tường của mình về toàn bộ kho tàng tư tưởng đạo đức học của châu Âu từ cổ đại cho đến ngày nay. Một đặc điểm khác, cũng gây thiện cảm nơi người đọc là tinh thần cởi mở hòa nhã thể hiện ở ngay hành văn của tác giả: ông như mời tất cả mọi người ở trong và ngoài đạo Kitô tham gia cuộc hội thoại về những cơ sở của đạo đức học con người, trong đó có đạo đức học tôn giáo, với niềm tin rằng các bên đối thoại một cách thành tâm sẽ tìm ra được không ít điểm chung hoặc gần gũi nhau. Nhưng dĩ nhiên tác giả không dừng lại ở đấy. Bằng toàn bộ hệ thống lập luận và chứng minh của mình ông cố gắng thuyết phục những người suy nghĩ khác ông tiếp nhận lập trường quan điểm của ông. Ông có làm được điều ấy hay không, hãy để cho từng độc giả không có thành kiến và yêu chuộng công bằng phán xét. Sở dĩ chúng tôi nói đến sự công bằng là vì đạo Kitô, nhất là Giáo hội Công giáo, vừa đòi hỏi vừa cần đến một thái độ như thế đối với nó. Nếu thiếu công bằng cộng với thiếu hiểu biết thì những người không theo đạo này, mỗi khi nói đến nó, dễ chỉ nhắc đi nhắc lại một số lỗi lầm lịch sử của nó, mà chính nó đã công khai thừa nhận và chối bỏ, và theo những định kiến hẹp hòi và cũ kĩ sẽ tiếp tục nhìn thấy ở nó chỉ một tàn dư đáng bực mình của “đêm trường trung cổ ”.

Mặc dù đạo Kitô đã có xấp xỉ hai ngàn năm lịch sử, nhưng nhiều tín đồ của nó quan niệm không sai rằng thực ra ngày nay nó mới bắt đầu. Quả thật, chỉ trong các xã hội hiện đại, nơi mà không một tôn giáo hay giáo phái nào được chiếm địa vị độc tôn và quyền tự do tín ngưỡng của con người được pháp luật bảo đảm, đạo Kitô mới có điều kiện thực sự chứng tỏ năng lực thu phục nhân tâm của mình và bình đẳng với tất cả các tôn giáo khác, nó mới thực sự có quyền phát biểu không chỉ nhân danh bản thân, mà còn nhân danh tất cả các tôn giáo lớn của nhân loại. Tác giả Ðạo đức học sơ yếu làm chính việc ấy. Trong thiên khảo luận của mình, ông vừa xác định những đặc điểm phân biệt của đạo đức học Kitô giáo dựa vào Thần khải, vừa nhấn mạnh quan hệ máu thịt của nó với đạo lí chung, “tự nhiên” của loài người được thể hiện trong nhiều xã hội và nhiều nền văn hóa không biết đến Thần khải. Quan hệ giữa đạo đức và tôn giáo - vấn đề mấu chốt của tác phẩm liên quan đến cuộc đấu tranh ngàn đời và có lẽ sẽ chẳng bao giờ chấm dứt giữa tôn giáo với chủ nghĩa vô thần - được giải quyết theo một chiều hướng rất xác định, trùng khớp với tín ngưỡng của tác giả, nhưng ông biết làm điều ấy với một nhã độ đáng nể trọng, không những không xúc phạm, mà xem ra còn có sức cảm hóa những người không suy nghĩ như ông. Những trang cuối của thiên khảo luận gây ấn tượng mạnh. Tranh luận với các nhà vô thần chủ trương xây dựng một nền đạo đức học độc lập triệt để đối với mọi tôn giáo - nhiều trí tuệ lớn của loài người trong ba thế kỉ qua đã cống hiến nhiều công sức cho việc thực hiện chủ trương ấy, tên họ được nhắc đến trong tác phẩm: Hobbes, Hume, Rousseau, Kant... - tác giả lập luận: để xây dựng một cương lĩnh đạo đức học độc lập, trước hết cần phải chứng minh được rằng con người là một bản thể độc lập. Nếu không làm được điều đó, thì phải chăng sẽ là tốt hơn nếu chúng ta, theo minh triết ngàn đời của loài người, thành tâm thừa nhận sự tồn tại của một bản thể cao hơn chúng ta được gọi là Thượng Ðế? Tôn kính Thượng Ðế đã cho chúng ta sự sống, bản tính hữu luân, trí khôn và linh hồn bất tử, loài người chỉ thi hành một lẽ công bằng sơ đẳng, sự tôn kính ấy do đó trở thành một nhiệm vụ của đạo đức tự nhiên. “Không phải tôn giáo từ khởi thủy mang trong mình đạo đức, mà đạo đức mang trong mình tôn giáo như một biểu hiện sơ đẳng của lẽ công bằng”. Ðạo đức học tôn giáo vì thế mà “trong mọi trường hợp giàu sang hơn đạo đức học độc lập bởi một đức công bằng”. Một lối lập luận xem ra có tình có lí mà tâm trí con người bình thường dễ chấp nhận.

Cũng như bản chất tự nhiên của con người, cái lí trí lành mạnh thông thường của nó trong khảo luận được hết sức coi trọng và đề cao. Lí trí được xem là “năng lượng chủ yếu” và “chủ nhân của sinh linh con người”. Nó có năng lực nhận thức chân lí, xác định đúng đắn những nguyên tắc hành xử của con người. Cả những chân lí Thần khải mà lí trí tự nó sẽ không nhận thức được (thí dụ, lời khuyên răn của Kitô về tình thương yêu đối với kẻ thù) cũng không mâu thuẫn với nó. Không một tiêu chuẩn đạo đức tôn giáo nào có thể mâu thuẫn với lí trí và bản tính con người (các tiểu mục II, III). Nhà thần học cũng theo Kitô giáo, nhưng thuộc phái Tin Lành, sẽ không suy luận một cách thuận chiều như thế, anh ta sẽ hết sức nhấn mạnh cái vực thẳm không thể vượt qua giữa bản tính và trí tuệ của Thánh thần với bản tính và trí tuệ con người, với tất cả các hệ quả phát sinh từ đấy. Nhưng tác giả Ðạo đức học sơ yếu suy tư theo truyền thống thần học Công giáo: ông nói về Thiên ân thần thiêng hóa mở rộng cho mọi sinh linh và về lí trí được khai sáng bởi đức tin. Song tính quảng đại phổ biến ấy của Thiên ân, như ông trình bày, không hề hạ thấp những đòi hỏi của Thánh thần đối với con người và không xóa nhòa ranh giới giữa đạo đức học tôn giáo và đạo đức học thế tục. Hãy lấy một vài ví dụ làm minh họa. Ở tiểu mục IV Chủ nghĩa hiện thực trong đạo đức học, tranh luận với học thuyết đạo đức hà khắc và thoát li thực tế của Kant, tác giả đề ra một nguyên tắc tưởng chừng rất thực dụng: dù bạn có làm gì, hãy cố gằng thích hợp với thực tại khách quan. Thế nhưng thực tại khách quan ấy hóa ra không chỉ là cái được nhận biết bằng các giác quan và bằng lí trí thông thường, mà còn là cái được nhận chân bằng lí trí được khai sáng bởi đức tin và nhờ Thần khải. “Ðược hấp thụ Thần khải, con người biết được về sự tồn tại của những phúc lợi siêu tự nhiên, và do đó toàn bộ trật tự tôn ti của những phúc lợi mà trước đây chỉ một mình lí triết biết đến, bây giờ thu nhận được những tỉ lệ khác”. Con người ấy sẽ có một thái độ khác đối với sự thành đạt hay khổ đau trong cuộc đời so với người không tin đạo. Sự khác biệt giữa đạo đức tôn giáo và đạo đức thế tục được chỉ ra ở đây rất rõ. Ðức tin không chỉ mở mắt cho con người, mà còn buộc nó hành xử một cách tương ứng. Một thí dụ khác. Không một học thuyết nào về đạo đức có thể bỏ qua vấn đề hạnh phúc con người. Con người khao khát hạnh phúc, đấy là nguyện vọng tự nhiên và chính đáng, là lẽ sống của nó. Bằng trăm phương ngàn kế, tỉnh táo và mù quáng, thông minh và dại dột, đoan chính và bất chính, con người cố tìm đến cái mà nó nghĩ là sẽ đem lại cho nó hạnh phúc. Ðạo đức học Kitô giáo, cũng như mọi nền đạo đức học nhân bản, lĩnh nhận nhiệm vụ chỉ đường mách lối cho con người đến với hạnh phúc. Song nó hiểu cái hạnh phúc ấy không hoàn toàn giống các học thuyết tôn giáo khác và lại càng không giống các học thuyết thế tục. Vì con người là hình ảnh và thể tương đồng của Thượng Ðế, cho nên hạnh phúc của nó là vừa thể hiện đầy đủ bản tính con người của mình (ở thế giới bên này) vừa lớn lên từng bước tới tận Thượng Ðế (ở cả thế giới bên này lẫn thế giới bên kia). Trong sự lớn lên không ngừng ấy, nó được Thượng Ðế trợ lực (Thiên ân). Ðộ hạnh phúc của con người ứng với độ hoàn chỉnh của nhân cách cá thể, hay là bản ngã của nó. Ðạo đức học Kitô giáo vì thế “chỉ tuyên cáo và hứa hẹn cái hạnh phúc mà có thể chín tới nó bằng những nỗ lực đạo đức của bản ngã con người” (tiểu mục X - XI). Ðường tới Hạnh Phúc mở rộng cho tất cả mọi người, nhưng đối với từng người nó là “con đường chật và cánh cổng hẹp”. Nếu suy nghĩ kĩ thì đường tới cái chân phúc cũng không thể khác được, mọi tôn giáo đều nói như thế, chứ không chỉ đạo Kitô với ý tưởng của nó về Vương quốc của Chúa Trời. Thí dụ thứ ba. Ðối với ý thức thế tục hiện đại, có lẽ không có từ nào khó nghe hơn từ “khổ hạnh”. Nhưng tác giả Ðạo đức học sơ yếu lại đặt phép khổ hạnh vào mối quan hệ trực tiếp không chỉ với đạo đức tôn giáo mà còn với đạo đức con người nói chung (tiểu mục XIII). Dĩ nhiên, không phải một mình ông làm như thế, nhưng ông có cách lập luận độc đáo của mình. Ứng dụng thuyết giá trị, ông chỉ ra cái độ vênh lớn giữa cấplực của các giá trị thường hằng thể hiện trong đời sống cá nhân và xã hội. Những giá trị tinh thần, là cao hơn về khách quan, thường tỏ ra yếu hơn những giá trị vật chất thấp hơn về khách quan; chúng không tác động với một sức mạnh trực tiếp, không chiếm lĩnh và cuốn hút con người như những giá trị vật chất. Cho nên mỗi khi có sự xung đột, các giá trị cấp cao thường thất bại trước những giá trị cấp thấp. Tác giả gọi thất bại ấy là “sự thất bại của chính con người”. Và để khỏi chịu sự thất bại hạ thấp phẩm giá của nó, con người phải có những nỗ lực lớn lao và thường xuyên, nhằm khuất phục mãnh lực thôi miên của các giá trị vật chất và gia tăng sức mạnh của những giá trị tinh thần, thiết lập trong đời sống của mình, chứ không chỉ trong ý thức, cái trật tự trên dưới chân chính của các giá trị. Chính những nỗ lực có hệ thống ấy gọi là phép khổ hạnh, nó không phải là một cái gì đó ngoại biệt, mà là cái bình thường và nhất thiết phải có trong đời sống con người. Khổ hạnh tôn giáo khác khổ hạnh thông thường ở mức độ của những nỗ lực và ở ý thức hướng tới cái Thiện Hảo tuyệt đối, hay là Thượng Ðế, nhưng bản chất của chúng là một. Cần phải trả lại cho chữ “khổ hạnh” cái ý nghĩa cao quý của nó, mà luân lí duy lợi không biết đến, tác giả kết luận.

Ðạo đức học sơ yếu kết hợp khá nhuần nhuyễn niềm tin vào con người với tinh thần đòi hỏi cao ở nó. Tất nhiên, đây cũng lại không phải là một ưu điểm riêng của tác giả Karol Vojtyla, mà là một đặc điểm của cả một truyền thống thần học và nhân học Thiên chúa giáo lấy học thuyết của Thomas d’Aquin (1225-1274) làm cơ sở. Có thể thấy rất rõ đặc điểm này qua tiểu mục VI bàn tập trung về tội tổ tông và các hậu quả của nó. Tội tổ tông đã làm hư hại, làm biến hỏng đến đâu cái bản tính thiện hảo nguyên thủy của con người? Về vấn đề này, các nhà tư tưởng Kitô giáo ngay trong một giáo hội cũng có những ý kiến rất khác nhau. Thánh Augustin, một trong những sư phụ được sùng kính nhất trong thế giới Thiên chúa giáo, sống và sáng tác vào thế kỉ IV - V, truyền giảng một quan niệm khá bi quan: theo ông, tội tổ tông đã làm biến hỏng hoàn toàn bản tính con người, đã đặt nó vào thế đối kháng với Thượng Ðế, và do đó tất cả những gì là xấu xa độc ác ở loài người là hệ quả tất yếu của tội tổ tông, còn tất cả những gì là tốt đẹp và đáng quý đều là do ân sủng của Thượng Ðế. Thượng Ðế giáng sủng, cho người này được hưởng sự cứu rỗi, bắt người kia chịu hình phạt muôn đời (học thuyết về tiền định). Học thuyết này mười một thế kỉ về sau sẽ được các nhà cải cách tôn giáo Luther và Calvin tiếp thụ và phát triển, biến thành cơ sở của thần học và nhân học đạo Tin lành. Nền thần học - nhân học ấy ngay trong thời đại ngày nay cũng có không ít đại diện lỗi lạc, chỉ cần nhắc đến thí dụ tên tuổi của Karl Barth (1886-1968). Thomas d’Aquin và trường phái của ông - mà Karol Vojtyla, bây giờ là Jean Paul đệ Nhị, là môn đệ nhiệt thành của thánh Thomas - kiên trì truyền bá một quan niệm khác: tội tổ tông không làm biến hỏng đến cùng bản tính con người, nó vẫn giữ được cái cốt lõi lành mạnh thể hiện ở lí tính, lương tâm, ý thức nghĩa vụ tồn tại phổ biến trong nhân loại và làm cho tất cả mọi người, không trừ một ai, đều có khả năng hấp thụ Thiên ân, tự tu chỉnh và tự hoàn thiện. Thiên ân được tiếp nhận có ý thức và thành tâm chữa lành và bổ khuyết cho cái tự nhiên của con người, dần dần trở thành bản tính thứ hai của nó. Những người đã sống qua thế kỉ XX và đã chứng kiến những thảm kịch và tai biến khủng khiếp của nó, chứng kiến những sự biến chất không thể tưởng tượng nổi của con người, không dễ chia sẻ với cha Karol Vojtyla cái niềm tin lạc quan ấy vào con người. Chính ông trên những trang viết của mình đã nhắc đến những tên phạm tội diệt chủng trời không dung đất không tha trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, và cả những mưu toan không kém phần phản nhân cào bằng mọi cá thể con người, biến xã hội loài người thành một cái gì đó giống tổ ong, tổ kiến, song những hiện thực ấy không mảy may lung lay niềm tin nơi ông. Nhưng có thể chính vì niềm tin rất hiểu biết ấy, vì chủ nghĩa lạc quan rất tỉnh táo ấy mà hôm nay hàng triệu, hàng triệu con người trên hành tinh này, không chỉ các tín đồ Kitô giáo, lắng nghe tiếng nói của ông?

*


Lịch sử thế giới trong ba thế kỉ qua cho ta thấy một bức tranh vận động tiến - thoái hết sức phức tạp và đầy kịch tính. Hôm nay hơn bao giờ hết không thể yên tâm về bất kì một lĩnh vực nào của đời sống con người trên trái đất này, nhất là về đời sống đạo đức - tinh thần. Những bộ óc ưu thời mẫn thế ở phương Tây và phương Ðông không phải không có cơ sở cảnh báo về một “thời đại Trung cổ mới”, về “cuộc xâm lăng từ chiều thẳng đứng của chất man rợ”, nó không từ một xã hội nào, một quốc gia nào. Nền giáo dục con người, xưa kia là phận sự và độc quyền của các tôn giáo, từ khi được chuyển giao cho các nhà nước thế tục, có thể tự hào về nhiều thành tựu to lớn và vững chắc của mình, nhưng không phải trong khu vực đức dục. Vấn đề hợp tác giữa nhà nước, xã hội và các giáo hội trong lĩnh vực này đang được đặt ra và giải quyết ở nhiều nước. Trong tình hình ấy, hiểu biết về đạo đức học của các nền tôn giáo lớn của nhân loại trở thành nhiệm vụ của mọi công dân có trách nhiệm ở mọi quốc gia. Chúng tôi hi vọng thiên khảo luận về những cơ sở đạo đức học Kitô giáo, do một trong những đại diện ưu tú nhất của tôn giáo này viết, sẽ được bạn đọc nước ta quan tâm tham cứu.

2002
Nguồn: Phạm VÄ©nh CÆ°, Sáng tạo và giao lÆ°u - Tập tiểu luận phê bình văn học, Nxb. Há»™i nhà văn, Hà Ná»™i 2004, tr. 558 - 570