trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 103 bài
  1 - 20 / 103 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTôn giáo
Loạt bài: Tưởng niệm Giáo hoà ng John Paul II (1920-2005)
 1   2   3   4   5   6   7   8   9 
4.4.2005
Bernd Ulrich
Trọn vẹn đức tin
talawas dịch
 
Đức Giáo hoàng John Paul II vừa tạ thế. Cái tin ấy chạm vào lòng ta thật lạ. Đó là điều đã từ lâu lường trước mà vẫn chẳng ngờ. Bệnh tật đã cướp ông đi từ bao năm nay mới phải, nhưng ở con người này quả có một điều gì khác thường, khiến ông tiếp tục trụ lại với cuộc đời. Thời gian cuối, có lẽ ông sống được chỉ nhờ sức mạnh của đức tin, chỉ nhờ lòng trao gửi vào Thượng đế. Và chính sự đau yếu của ông đã hoá thân thành một chứng chỉ của đức tin, nhiều người thậm chí thấy phần nào trong đó một dấu hiệu của Thượng đế: Con người bất chấp mọi khả năng sinh tồn đã cạn mà vẫn sống tiếp, vẫn bôn ba, vẫn giảng đạo, vẫn tiếp khách ấy, con người bất chấp tất cả vẫn rạng rỡ, vẫn cuốn hút giới trẻ như chỉ các minh tinh văn hoá Pop mới sánh nổi, con người ấy hẳn phải được một sức mạnh không thuộc về thế gian này nâng cánh.

Còn một điều nữa, trần thế hơn, chạm vào lòng ta trong những giờ phút sau lúc ông ra đi: Ta có cảm giác như lúc nào cũng từng có ông hiện diện, ông đương nhiên gắn với thế giới này, và nay bỗng bỏ ta mà ra đi. Nhiệm kì của ông lâu đến mức ông vẫn còn đó, khi mọi nguyên thủ quốc gia nhậm chức cùng thời với ông đều đã khuất. Và không chỉ vậy, Giáo hoàng John Paul II còn vượt qua tuổi thọ của cái hệ thống mà hàng chục năm ròng ông từng chống lại, hệ thống cộng sản chủ nghĩa. Ông đã tác động không ít vào sự sụp đổ của hệ thống ấy, không bằng súng gươm, chỉ bằng cầu nguyện, những lời cầu nguyện vô cùng hữu hiệu.

Song ông đã không giành được phần thắng trong một cuộc tranh đấu khác vì đức tin, cuộc tranh đấu -theo quan điểm của ông - chống lại thế lực của cái chết, chống lại sự chiếm đoạt ngày càng vô độ sinh mệnh của con người, phản đối chiến tranh, phản đối phá thai và nan y tử quyền... Đức Giáo hoàng không thắng nổi trong cuộc tranh đấu này, bởi chính trong con người đã tiềm tàng cái nguy cơ trao cho lẽ Tử quá nhiều quyền lực đối với lẽ Sinh, như một cám dỗ bất diệt. Dẫu sao, không chỉ người Công giáo mà biết bao người theo những đức tin khác và cả người vô thần đã lắng nghe tiếng nói của ông, nhà lí tưởng chủ nghĩa, về những vấn nạn ấy.

Đức Giáo hoàng không phải lúc nào cũng đúng, tất nhiên, nhưng lúc nào cũng là một tiếng nói không thể không lắng nghe. Chẳng phải vì ông to giọng, mà vì ông toát ra một sức mạnh lớn lao, vì sự chính trực tuyệt đối nơi ông, vì ông – người chống cả chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa tư bản – không để mình bị ép vào hệ thống nào. Với vị trí độc lập ấy, ông trở thành một cực riêng trong công luận thế giới, mạnh mẽ hơn hầu hết các thế lực khác trong thế giới toàn cầu hoá này. Đau yếu và mộ đạo, đức Giáo hoàng là một Global Player, một diễn viên nghiêm túc trên vũ đài quốc tế.

Ông cũng là người củng cố sự thống nhất của nhà thờ Cơ đốc, chủ yếu bằng tinh thần của đức tin chứ không nhờ cương vị và chỗ đứng cao nhất trong bậc thang giáo hội. Nhiều khi ông nói ra những lời không vừa tai các giới cấp tiến trong nhà thờ, đặc biệt là ở châu Âu và Bắc Mĩ. Nhưng với họ, ông đem cách sống của mình ra hoà giải. Còn với những con chiên ở châu Á, châu Phi và Mĩ la tinh thường đụng độ với tinh thần phóng túng của các giáo hội phương Tây và cũng khó chấp nhận sự dung thứ cho những chệch lối trong nhà thờ, ông đem lòng vững đạo của mình ra hoà giải.

Không, đức Giáo hoàng John Paul II không hề muốn là một Giáo hoàng cách tân. Là một Giáo hoàng của đức tin, với ông thế là đủ. Giờ đây, khi ông ra đi, cộng đồng lớn nhất và lâu đời nhất trên mặt đất này sẽ đau đớn nhận ra rằng, đối với cộng đồng ấy ông quan trọng tới mức nào. Bởi lẽ, khắp nơi không còn một ai đủ khả năng, cho dù chỉ gần bằng ông, môi giới cho những xung đột sâu sắc giữa một Cơ đốc giáo cởi mở mà phần nào đã chạm đến ranh giới của dị đoan và một Cơ đốc giáo nguyên ủy mà lắm khi đã nhuộm màu toàn thống cực đoan. Nhà thờ đang đứng trước một cuộc thử lửa, dù đức Giáo hoàng mới có thể xuất thân từ châu Phi hay từ Rom, có thể là người giáo điều hay cấp tiến.

Cũng nhờ độ sâu của đức tin, Giáo hoàng John Paul II đã khơi dậy một phong trào chủ động tiến về phiá trước chưa từng thấy của nhà thờ. Tuyệt đối gửi niềm tin vào Chuá, ông đến với cả những người theo đạo Tin lành, theo Chính thống giáo, theo đạo Do Thái và càng sau này càng thường xuyên hơn: ông đến với những người theo Hồi giáo. Không ngơi nghỉ nhưng đầy bình tĩnh, ông tìm cách góp phần mình cho cái nhân loại đông đảo, chen chúc nhau và rất chống chọi nhau này được chung về một mối. Cái giềng mối mà riêng một con người ấy đã gây dựng sẽ cần đến nhiều người để giữ gìn.

Đức Giáo hoàng John Paul II đã ra đi, nỗi tiếc thương quả là có nguồn cơn. Đức tin nơi ông bảo rằng ông muôn đời sống mãi. Nếu đúng là vậy, niềm hi vọng quả là có cơ sở.


© 2005 talawas
Nguồn: Die Zeit số 14, 02.4.2005, http://www.zeit.de/2005/14/papst_n