trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 103 bài
  1 - 20 / 103 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTôn giáo
Loạt bài: Tưởng niệm Giáo hoà ng John Paul II (1920-2005)
 1   2   3   4   5   6   7   8   9 
5.4.2005
Agnès Gruda
Xin quý vị đừng sợ!
Lan Nguyễn dịch
 
Cảnh diễn ra ngày 02.6.1979 tại Quảng trường Chiến Thắng, Warszawa. Sau tám tháng được bầu lên đứng đầu Giáo hội Công giáo, đức Giáo hoàng John Paul II hành hương về Ba Lan, quê hương ngài.

Đoàn tháp tùng đức Giáo hoàng từ phi trường Okecie về trung tâm thành phố được đón tiếp một cách đặc biệt lạnh nhạt. Trong bài xã luận, Ban biên tập tờ New York Times khẳng định rằng cuộc viếng thăm này “không đe dọa gì đến trật tự đã được thiết lập ở Ba Lan”. Gay gắt hơn, một ký giả tờ France Soir gởi về toà báo bài viết có nhan đề “Đức Giáo hoàng đã thất bại”.

Và thế là ngòi nổ được châm. Vị cựu Hồng y của Kraków nói với 300.000 người đang tập trung ở quảng trường để đón ngài: “Xin quý vị đừng sợ”. Câu nói này được mọi người nồng nhiệt vỗ tay, nó được hiểu như một thách đố với chế độ cộng sản. Niềm hân hoan vô bờ của dân chúng đã khiến ký giả người Pháp phải sửa lại bài viết của mình!

Giáo hoàng John Paul II tại Quảng trường Chiến Thắng, Warszawa, tháng 6.1979

Đức Giáo hoàng có đóng một vai trò quyết định trong hàng loạt biến cố đưa đến sự sụp đổ của bức màn sắt không? Chắc chắn là có, trong cuốn tiểu sử đức Giáo hoàng John Paul II, Bernard Lecomte đã khẳng định như vậy khi kể lại cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa vị Giáo hoàng vừa được tấn phong và dân chúng Ba Lan.

Ông Lecomte nhắc lại, vào thời đó, chế độ cộng sản dường như đã được coi là bất biến. Nó đang chiếm thêm nhiều vùng đất trên thế giới. Để ngăn chặn tiến trình ấy, các cường quốc vừa ký hiệp định Helsinki. Chưa một chính trị gia nào dám tiên đoán sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô. Về phần mình, Vatican thận trọng đi theo chính sách Ostpolitik [1] , một đường lối chính trị thực tiễn, chỉ thương thuyết từng việc một để giúp các cộng đoàn tôn giáo trong các chế độ vô thần xoay quanh Liên bang Xô Viết.


Sứ điệp “vô cùng mang tính lật đổ”

Ông Lecomte nói: “John Paul II là người đầu tiên phát biểu rằng chế độ cộng sản chỉ là một chế độ tạm thời, rằng việc châu Âu bị cắt đôi chỉ mang tính tai nạn ngẫu nhiên”.

Theo ông, phương Tây phải cần một thời gian để hiểu sứ điệp “vô cùng mang tính lật đổ” này. Nhưng nó đã có tiếng vang nơi tất cả những người ly khai ở các nước Đông Âu. Và người Ba Lan là những người đầu tiên ngầm đọc ra dụng ý của Giáo hoàng “của họ”.


Trục quay

Theo Bronislaw Geremek, sử gia và cựu đảng viên ly khai, nay là đại biểu Ba Lan tại Nghị viện châu Âu, chuyến du hành đầu tiên của Karol Wojtyla về quê cha đất tổ là khởi điểm của sự xoay chiều trong lịch sử Đông Âu.

Nhà cầm quyền Ba Lan lo ngại chuyến viếng thăm này sẽ gây nên những cuộc biểu tình rối loạn. Trong trao đổi mới đây với báo La Presse ở Brussel [2] , Geremek nhắc lại: “Họ đã tổ chức để những người mang mũ màu vàng đứng canh chừng đám đông, họ có một hệ thống để duy trì trật tự”.

Đã có một cái gì đem lại phẩm cách cho một dân chúng bị chà đạp bởi một chế độ mà mọi người đều ghét. Rồi lại có thêm lời kêu gọi dũng cảm: “Mở một khoảng không gian cho tự do,” đó là những chữ mà ông Geremek dùng.

Một năm sau chuyến thăm quê hương đầu tiên của đức Giáo hoàng, công nhân xưởng đóng tàu Gdansk đình công. Người lãnh đạo cuộc đình công này là Lech Walesa, một người thợ, một tín đồ Cơ đốc nhiệt thành. Hình của đức Giáo hoàng được treo khắp các phân xưởng. Người ta còn chưa biết nhiều đến ngài, nhưng đối với đế chế Xô Viết, đó là khởi đầu của cáo chung.


Một sức mạnh bên trong

Theo ông Geremek, dĩ nhiên không phải vì đức Giáo hoàng thúc đẩy mà công nhân Gdansk nổi lên chống đối, nhưng được kích thích bằng sứ điệp của John Paul II, họ có một sức mạnh bên trong hỗ trợ để phong trào này lan rộng đến toàn quốc.

Rồi lịch sử nấc lên: Liên bang Xô Viết đe dọa can thiệp nước lân bang, Ba Lan phải thiết lập quân luật. Năm 1983, đức Giáo hoàng đi thăm Ba Lan lần thứ nhì, ngài xin đại tướng Wojciech Jaruzelski đến thăm Lech Walesa đang bị quản thúc ở Tatras.

Vị đại tướng với đôi mắt kiếng đen không dám không cho phép. Đang buồn bã và nản chí, từ trong nhà tù cựu đảng viên ly khai Adam Michnik theo dõi các sự kiện, ông viết: “Cuộc viếng thăm của đức Giáo hoàng báo hiệu sự suy sụp về mặt tinh thần của chế độ”.

Cuộc viếng thăm Ba Lan lần thứ ba của đức Giáo hoàng vào năm 1987 đã cho thấy bắt đầu có những thay đổi ở Liên Xô. Đức Giáo hoàng được đón tiếp nồng hậu với những biểu ngữ của Công đoàn Đoàn kết (Solidarnosc). Hai năm sau, Ba Lan tiến hành cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên trên toàn khối Đông Âu.

“Nhìn lại lịch sử”, Bernard Lecomte nói, “ta thấy rõ là những cải cách của Mikhai Gorbatchev đã làm suy yếu chế độ Xô Viết”, một chế độ sớm muộn cũng sụp đổ. Nhưng tầm nhìn và sứ điệp “rõ ràng-chặt chẽ” của đức Giáo hoàng đã làm cho tiến trình sụp đổ được nhanh hơn.

Bronislaw Geremek thì tin chắc rằng, có đức Giáo hoàng John Paul II hay không, chế độ Xô Viết rồi cũng biến mất. “Nhưng điều đó có thể xảy ra hai năm, năm năm hay năm chục năm sau”. Ở trong lòng chế độ, đức Giáo hoàng thấy được cơn khủng hoảng sẽ đến và ngài đã thúc đẩy cho sự cáo chung của đế chế ấy đến nhanh hơn.

Tháng 11 năm 1981, một năm trước khi áp đặt quân luật ở Ba Lan, Bronislaw Geremek đã gặp Karol Wojtyla ở Vatican. Ông Geremek nhớ lại lời đức Giáo hoàng: “Vai trò của tôi là nghe ông nói, nhưng tôi cũng muốn nói với ông đôi điều”. Rồi đức Giáo hoàng trình bày phân tích của ngài về tình thế: “Chế độ cộng sản đã cạn sức sống”, bởi nguyên liệu chính của họ - tính thụ động của con người – đang xanh xao vàng vọt. “Cường lực không thể nào ngăn chặn được vận động này”, ngài tiên đoán.

Tám năm sau, bức tường Bá Linh sụp đổ.


© 2005 talawas



[1]Tiếng Đức trong nguyên bản: Chính sách Đông (Âu)
[2]Thủ đô Bỉ, trụ sở của Nghị viện châu Âu

Nguồn: La Presse, Montréal, 02.04.2005, tên bài do talawas đặt lại
http://www.cyberpresse.ca/actualites/article/article_complet.php?path=/actualites/article/05/1,63,10094,042005,977446.php