trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 103 bài
  1 - 20 / 103 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTôn giáo
Loạt bài: Tưởng niệm Giáo hoà ng John Paul II (1920-2005)
 1   2   3   4   5   6   7   8   9 
8.4.2005
Hans Küng
Chín điều mâu thuẫn của Giáo hoàng Gioan Phaolô II
Nguyễn Tiến-Văn dịch
 
Bà i viết sau đây của nhà thần học Hans Küng, đăng bằng tiếng Đức và tiếng Anh trên tờ tuần báo hà ng đầu của Đức Der Spiegel (Tấm gương) ngà y 26.3.2005, không lâu trước khi đức Giáo hoà ng John Paul II tạ thế, có thể gây dư luận không thống nhất. Chúng tôi xin giới thiệu hai bản dịch, một của Lê Trần Huy Phú và một của Nguyễn Tiến Văn, để độc giả có thêm cơ hội tham khảo.
talawas
Karol Wojtyla không phải là vị Giáo hoàng vĩ đại nhất của thế kỉ 20 nhưng chắc chắn là vị mâu thuẫn nhất. Hướng ngoại, ông kêu gọi sự chuyển hoán, cải cách, và đối thoại với phần còn lại của thế giới. Nhưng điều này mâu thuẫn một cách sâu sắc với chính sách đối nội của ông hướng về sự phục hồi hiện trạng trước Công đồng Vaticano II, ngáng trở cải cách, từ khước đối thoại bên trong Giáo hội, và hướng tới sự thống trị tuyệt đối của Giáo hội La Mã

Trong khi thừa nhận một cách mau mắn những mặt tích cực của triều đại Giáo hoàng này, là điều, nói cho ngay, đã nhận được sự chú tâm chính thức dồi dào, tôi xin tập trung vào chín điều mâu thuẫn chói loà nhất của Giáo hoàng Gioan Phaolô II.


1. Nhân quyền

Gioan Phaolô II hỗ trợ nhân quyền trong khi từ khước nhân quyền với các giám mục, các nhà thần học và phụ nữ. Vatican còn chưa chịu kí tên vào bản tuyên ngôn nhân quyền của Hội đồng châu Âu. Bởi lẽ quá nhiều giáo luật của Giáo hội La Mã thời trung cổ mang tính chuyên chế còn cần phải tu chính trước đã. Quan niệm về sự phân quyền, nền tảng của tất cả việc thi hành luật pháp hiện đại, không được biết tới trong Giáo hội Thiên chúa giáo La Mã. Thêm nữa, trình tự tố tụng chính đáng là một thực thể xa lạ. Trong những cuộc tranh luận, một và chỉ một cơ quan chung nhất của Vatican nắm các chức năng kẻ làm luật, công tố và quan toà.

Hậu quả: Một giám mục đoàn nô lệ và những điều kiện pháp lí không thể khoan dung. Bất cứ vị chủ chăn nào, hoặc một tín đồ nào, có tranh chấp pháp lí với những toà án Giáo hội cấp cao mặc nhiên không thể có triển vọng nào ưu thắng được.


2. Vai trò của phụ nữ

Người thờ phượng vĩ đại Đức Bà Maria Ðồng trinh truyền giảng một quan niệm cao quý về thân phận phụ nữ nhưng đồng thời lại cấm đoán phụ nữ thực hành việc kiểm soát sinh sản và ngăn chặn họ không được truyền chức thánh để làm linh mục.

Hậu quả: Có một sự chia lìa tuân theo bên ngoài và sự tự chủ nội tại của lương tâm. Ðiều này đưa đến hậu quả là các vị giám mục ngiêng về phía La Mã, và như thế, tự vong thân khỏi khác phụ nữ, như trường hợp của vụ tranh luận quanh vấn đề khuyến cáo về phá thai (năm 1999 Giáo hoàng ra lệnh cho các giám mục Ðức đóng cửa các trung tâm đã từng phát chứng chỉ cho các phụ nữ để sau đó có thể sử dụng xin phép phá thai). Tiếp đó, điều này đã dẫn tới ngày càng tăng sự xuất hành (exodus) vượt thoát trong số những phụ nữ tới lúc đó vẫn trung thành với Giáo hội.


3. Ðạo đức tính dục

Gioan Phaolô II rao giảng chống lại sự ngèo khó và đau khổ tập thể trong thế giới nhưng lại gây cho bản thân ông một phần phải chịu trách nhiệm về sự đau khổ này như một hậu quả của các thái độ của ông đối với sự kiểm soát sinh sản và sự tăng trưởng dân số bùng nổ. Trong suốt nhiều chuyến du hành của ông và trong một bài diễn văn trước hội ngị Liên hiệp quốc 1994 về dân số và phát triển ở Cairo, ông tuyên bố phản đối thuốc và bao ngừa thai. Do đó, vị Giáo hoàng trị vì rất lâu này, hơn bất cứ chính khách nào khác, có thể bị coi là chịu trách nhiệm một phần về sự tăng trưởng dân số vô độ ở một số đất nước và sự lan truyền của hội chứng bệnh liệt kháng miễn nhiễm ở châu Phi.

Hậu quả: Ngay trong những xứ sở Thiên chúa giáo truyền thống như Áo, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, đạo đức về tính dục ngiêm nhặt của Giáo hội Thiên chúa giáo La Mã cũng bị vứt bỏ công khai hoặc ngấm ngầm.


4. Sự độc thân

Bằng sự tuyên truyền hình ảnh truyền thống của người nam tu sĩ độc thân, Karol Wojtyla mang trách nhiệm chủ chốt về sự thiếu hụt tai hại của các giáo sĩ. Sự suy sụp phúc lợi tâm linh trong nhiều xứ sở và nhiều vụ tai tiếng về nhi dâm mà Giáo hội không còn có thể che giấu được nữa. Hôn nhân vẫn còn bị cấm đoán đối với những người đàn ông đã thoả thuận hiến đời mình làm giáo sĩ. Ðây chỉ là một thí dụ về cung cách vị Giáo hoàng này giống như nhiều vị khác trước ông, đã làm ngơ trước những lời dạy của Kinh Thánh và truyền thống vĩ đại của Công giáo trong thiên niên kỉ đầu không đòi hỏi những giáo sĩ nhiệm toà phải phát nguyện độc thân.

Hậu quả: Hàng ngũ giáo sĩ càng ngày càng mòn mỏi và có một sự thiếu máu mới trong Công giáo. Chẳng bao lâu nữa, gần như hai phần ba các giáo xứ, kể cả ở các quốc gia nói tiếng Ðức và ở những nơi khác sẽ không có một vị chủ chăn được truyền chức thánh và những cuộc cử hành đều đặn Mình Thánh Chúa.


5. Phong trào Ðại kết

Gioan Phaolô II ưa thích được mọi người xem là một phát ngôn nhân cho phong trào Ðại kết (Ecumenism). Tuy thế, đồng thời ông lại đè nặng vào những mối tương quan của Vatican với những giáo hội Chính thống và Cải cách và từ chối không thừa nhận những thần vụ, giáo vụ của họ và những phụng vụ Hiệp thông.

Gioan Phaolô II không chịu quan tâm tới lời khuyên của vài uỷ ban ngiên cứu Ðại kết hoặc theo lối hành xử của nhiều vị chủ chăn địa phương vốn thừa nhận những thần vụ và những phụng vụ hiệp thông của những giáo hội phi Thiên chúa giáo vốn cho phép chia sẻ Thánh Thể.

Ông cũng thất bại không chịu làm dịu giọng sự tuyên xưng về quyền lực có tính trung cổ và quá độ của Vatican, trong những vấn đề giáo lí và lãnh đạo Giáo hội đối với các Giáo hội châu Âu phương Ðông và Cải cách.

Ông cũng không chịu giải trừ chính sách của Vatican là gửi các giám mục Thiên chúa giáo tới những khu vực chủ chốt của Giáo hội Chính thống Nga. Thay vào đó, ông bảo trì và còn khuếch trương hệ thống quyền lực La Mã.

Hậu quả: Sự thông cảm Ðại kết đã bị chặn đứng và những tương quan với Giáo hội Chính thống và Tin lành bị trì chậm tới một mức độ khủng khiếp. Triều đại Giáo hoàng Gioan Phaolô II giống như các vị tiền nhiệm ở những thế kỉ 11 và 16 là tảng đá vấp lớn nhất đối với sự thống nhất giữa các giáo hội Kitô.


6. Chính sách về nhân sự

Với tư cách là một vị giám mục phó hạt có quyền bỏ phiếu và sau này với tư cách là Tổng giám mục của giám phận Kraków, Karol Wojtyla tham dự Công đồng Vaticano II. Nhưng với tư cách là Giáo hoàng, ông coi rẻ tính cộng đoàn đã được thoả thuận tại Công đồng Vaticano II và thay vào đó lại tuyên dương sự đắc thắng của ngôi vị Giáo hoàng của mình thiệt hại cho các giám mục. Dưới triều đại của ông, những tiêu chuẩn để bổ nhiệm một giám mục trở thành không phải tinh thần của Phúc Âm hoặc của sự cởi mở mục vụ mà trái lại là sự trung thành tuyệt đối với đường lối đảng ở La Mã. Trước khi được bổ nhiệm, sự tuân theo nền tảng của các giám mục được trắc ngiệm dựa vào một bảng liệt kê những câu hỏi do thánh vụ trung ương, và những vị giám mục bị khoá miệng cách thiêng liêng qua một sự cam kết vâng lời có tính cách đích thân và không giới hạn đối với Giáo hoàng.

Hậu quả: Một giám mục đoàn phần lớn tầm thường, cực bảo thủ và nô lệ, có lẽ là gánh nặng ngiêm trọng nhất của triều đại Giáo hoàng Gioan Phaolô II, những đám quần chúng Thiên chúa giáo tung hô ở những buổi biểu dương Giáo hoàng dàn dựng tuyệt vời không nên đánh lừa ta: hàng triệu tín đồ đã rời bỏ Giáo hội dưới thời ông lãnh đạo hoặc rút lui khỏi đời sống tông giáo để phản đối.


7. Chủ ngĩa giáo quyền

Vị giáo hoàng gốc Ba Lan băng tới như một đại biểu đạo đức thâm sâu của một châu Âu Kitô giáo, nhưng những sự xuất hiện đắc thắng của ông và những chính sách phản động của ông không ngờ đã đề cao sự hiềm khích với Giáo hội và ngay cả một ác cảm với Kitô giáo.

Trong chiến dịch rao giảng Phúc Âm của ông, đặt trọng tâm vào một nền đạo đức tính dục trật khớp với thời đại, đặc biệt phụ nữ là những người không chia sẻ lập trường của Vatican về những vấn đề dị ngị, như là hạn chế sinh sản, ngừa thai, li dị và thụ tinh nhân tạo – bị khinh miệt gọi là những kẻ đề xướng một nền “văn hoá của tử thần”.

Do hậu quả của sự can thiệp, Giáo đình La Mã (Roman Curia) đã tạo nên ấn tượng rằng nó không mấy tôn trọng sự phân khai pháp lí giữa nhà thờ và nhà nước. Thực thế, Vatican (sử dụng Ðảng Nhân dân châu Âu [The European People’s Party] như kẻ phát ngôn) đang cố gằng thi triển quyền lực với Ngị viện châu Âu bằng cách kệu gọi sự bổ nhiệm những chuyên viên trong những vấn đề liên quan tới pháp lí về ngừa thai chẳng hạn bằng cách đưa ra với những người trung thành với La Mã. Thay vì hội nhập vào dòng chủ lưu của xã hội mọi nơi bằng cách ủng hộ những giải pháp phải chăng, Giáo đình La Mã trong thực tế đang châm lửa thêm cho sự phân cực giữa những phong trào bênh đời sống (tức chống phá thai) và bênh chọn lựa (quyền phá thai của phụ nữ) giữa những người đạo đức và những người tự do phóng khoáng.

Hậu quả: Chính sách giáo quyền của La Mã củng cố lập trường của người chống giáo quyền một cách giáo điều và những người vô thần từ căn bản. Nó cũng tạo ra sự ngờ vực giũa những tín đồ rằng tông giáo đang bị lạm dụng cho những mục tiêu chính trị.


8. Máu mới cho Giáo hội

Là một vị truyền thông đặc sủng và là một minh tinh trên truyền thanh truyền hình, vị Giáo hoàng này đặc biệt hữu hiệu trong giới trẻ, ngay cả khi ông càng lớn tuổi.

Nhưng tuân thủ lí tưởng của ông về một giáo hội đồng dạng và vâng lời, Gioan Phaolô II nhìn tương lai của Giáo hội hầu như chỉ chuyên biệt vào những phong trào giáo dân bảo thủ dễ kiểm soát.

Ðiều này bao gồm cả việc Vatican càng ngày cách xa với Dòng Tên. Dòng Tên, vốn được các vị Giáo hoàng tiền nhiệm ưa chuộng bởi những phẩm chất trí tuệ, nền thần học phê phán và những hướng chọn thần học phóng khoáng tự do của họ đã bị coi như những kiềm toả trong công cuộc của một chính sách phục hồi Giáo hoàng.

Thay vào đó, Karol Wojtyla, ngay cả suốt thời gian đương nhiệm là tổng giám mục giám phận Kraków đã đặt trọn vẹn tín nhiệm vào phong trào Opus Dei (Kì công của Chúa) là một tổ chức mạnh mẽ về tài chính và có thế lực nhưng sinh hoạt không dân chủ và mang tính bí mật. Opus Dei là một nhóm trong quá khứ liên kết với các chế độ phátxít và hiện nay đặc biệt tích cực hoạt động trong thế giới kinh tài, chính trị, và báo chí. Bằng việc ban cấp cho Opus Dei tư cách pháp lí đặc quyền, Giáo hoàng còn khiến cho tổ chức này miễn trừ khỏi sự giám sát của các vị giám mục Giáo hội.

Hậu quả: Giới thanh niên trong những hội đoàn nhà thờ và trong những dòng tu (trừ những kẻ giúp lễ), và đặc biệt những “Kitô hữu trung bình” không được tổ chức thường tránh né những cuộc nhóm họp thanh niên chủ iếu. Những tổ chức thanh niên Thiên chúa giáo sai khớp với Vatican đều bị kỉ luật và bỏ đói khi các giám mục địa phương theo sự phân phó của La Mã rút tiền không trợ cấp cho họ.

Vai trò ngày càng tăng trưởng của phong trào Opus Dei cực kì bảo thủ và không trong sáng trong nhiều định chế đã tạo ra một khí hậu bất định và ngờ vực. Những giám mục đã từng phê phán nay đã hài hoà với Opus Dei, trong khi những giáo dân can dự vào nhà thờ đã từ nhiệm rút lui.


9. Những tội lỗi của quá khứ

Mặc dù sự kiện là vào năm 2000, ông tự ép mình qua một cuộc công khai tự bạch về những vi phạm lịch sử của Giáo hội, Gioan Phaolô II hầu như chẳng rút ra hậu quả thực tiễn nào từ đó. Sự tự bạch hoa hoè và lớn lối về những vi phạm của Giáo hội dàn dựng với các vị Hồng y trong nhà thờ lớn thánh Phêrô vẫn mang tính cách không chuyên biệt và mơ hồ. Giáo hoàng chỉ xin tha thứ cho những vi phạm của “những đứa con trai và con gái” của Giáo hội nhưng không xin tha thứ cho những vi phạm của “Ðức Thánh Cha”, những vi phạm của tự thân Giáo hội và những vi phạm của những hàng chức sắc hiện diện trong biến cố đó.

Gioan Phaolô II không bao giờ bình luận về những thương lượng của trung ương Giáo đình với băng đảng mafia, và thực sự đóng góp thêm vào việc phủ lấp hơn là sự phơi mở những tai tiếng và hành xử có tính cách hình tội. Vatican của ông cũng cực độ chậm trễ trong việc vụ tai tiếng nhi dâm liên can đến chức sắc Công giáo.

Hậu quả: sự tự bạch của Giáo hoàng không nhiệt tâm cho lắm vẫn còn không kết quả, chẳng tạo ra sự ngịch đảo hoặc hành động mà chỉ là lời lẽ suông.

Ðối với Giáo hội Công giáo, triều đại Giáo hoàng này, mặc dù những khía cạnh tích cực, trên đại thể, đã là một sự thất vọng lớn và có thể rốt ráo, chứng tỏ là một tai hoạ. Do hiệu quả những mâu thuẫn của mình, Gioan Phaolô II đã phân cực Giáo hội một cách sâu xa, làm nó vong thân với vô số người và đẩy nó vào một khủng hoảng mang tính kỉ nguyên – một khủng hoảng về cấu trúc mà sau một phần tư thế kỉ bây giờ phơi lộ ra những khiếm hụt chết người về mặt phát triển và một nhu cầu vĩ đại đòi hỏi cải cách.

Ngược lại với những ý hướng của Công đồng Vaticano II, Gioan Phaolô II đã phục hồi hệ thống La Mã thời trung cổ, một cơ cấu quyền lực với những nét đặc trưng toàn trị, qua lớp nhân viên, những chính sách học viện tinh khôn và bất nhẫn. Những vị giám mục bị cưỡng bách vào hàng, những vị chủ chiên bị quá tải, những nhà thần học bị khoá miệng, giáo dân bị tước quyền, phụ nữ bị kì thị, những thượng hội đồng giám mục của các quốc gia và những iêu cầu của những giáo dân đi nhà thờ bị làm ngơ, đó là chưa kể những vụ tai tiếng về tính dục, cấm đoán về thảo luận, một phụng vụ ban bố nhỏ giọt, và cấm chỉ các nhà thần học trong giới giáo dân không được thuyết giảng.

Kết quả là Giáo hội Công giáo đã hoàn toàn đánh mất sự tin cậy lớn lao mà nó đã từng được hưởng dưới giáo triều Gioan XXIII và ngay sau Công đồng Vaticano II.



© 2005 talawas
Nguồn: Bài của Hans Küng, thần học gia hàng đầu của Giáo há»™i Thiên chúa giáo, đăng tải bằng tiếng Ðức và tiếng Anh trên Der Spiegel
(http://www.spiegel.de/international/spiegel/0,1518,348471,00.html).
Bản dịch này dựa trên bản tiếng Anh trên tờ Toronto Star, Chủ nhật 3. 4. 2005, tr. D1 và D2