trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 103 bài
  1 - 20 / 103 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTôn giáo
Loạt bài: Tưởng niệm Giáo hoà ng John Paul II (1920-2005)
 1   2   3   4   5   6   7   8   9 
11.4.2005
Uta Ranke-Heinemann
Tôi bực Giáo hoàng này đã từ 26 năm nay
T.L. dịch
Alexander Schwabe thực hiện
 
Bà Uta Ranke-Heinemann không thấy khả năng cải cách nà o nơi Giáo hội Công giáo, ngay cả dưới sự lãnh đạo của một Giáo hoà ng mới. Tuy bản thân đã mất đức tin trong suốt thời kỳ Giáo hoà ng John Paul II đương chức, nữ học giả thần học đầy tinh thần tranh luận nà y lại phát biểu với tuần báo Spiegel Online rằng, cái chết của Giáo hoà ng John Paul II đã là m bà cảm nhận cụ thể được một điều gì đó thật siêu nhiên.
Uta Ranke-Heinemann, con gái của cố tổng thống Đức Gustav Heinemann, là người phụ nữ đầu tiên trên thế giới được phong Giáo sư Thần học Công giáo. Tuy vậy, suốt thập niên 80, bà đã phê bình gắt gao tấn tuồng sùng đạo nhân dịp Giáo hoàng viếng thăm nước Đức, cũng như chỉ trích các giáo điều về Đức mẹ đồng trinh là đã mang những dấu ấn của sự thù ghét tình dục và các biểu hiện của bệnh thần kinh khi khăng khăng buộc các linh mục phải sống độc thân. Năm 1987, bà bị Hồng y Franz Hengsbach tại Essen tước quyền giảng dạy. Nhưng sau đó bà lại được mời làm giáo sư môn lịch sử tôn giáo tại Đại học Essen, độc lập với Giáo hội. Năm 1999, theo đề nghị của đảng PDS (Đảng Xã hội chủ nghĩa Dân chủ Đức, hậu thân của Đảng Cộng sản Đông Đức) Giáo sư danh dự Ranke-Heinemann, người không thuộc đảng phái nào, đã ra ứng cử chức tổng thống Đức. Năm 1988, quyển Eunuchen für das Himmelreich (Thái giám của cõi trời) của bà thuộc những sách best-seller quốc tế.

Spiegel Online: Thưa bà, hiện nay cứ mỗi giờ đồng hồ là hàng 20.000 người đổ về Thánh đường San Pietro để tiễn đưa John Paul II. Ngày thứ Sáu sắp tới, người ta sẽ chờ đợi một làn sóng hành hương đến Rome cao chưa từng thấy trong lịch sử Công giáo. Bà có thể giải thích được nguyên do của sự mến mộ lớn lao này?

Ranke-Heinemann: Người ta biết tiếng Giáo hoàng. Họ tưởng như hàng ngày được sống với ông vì ông đã liên tục xuất hiện trên màn ảnh truyền hình.

Spiegel Online: Có phải bà muốn nói, sự mến mộ này chỉ bắt nguồn từ sự hiện diện trên các phương tiện truyền thông?

Ranke-Heinemann: Quan trọng hơn thế, là việc Chúa, Đấng tạo dựng vũ trụ, đã cài sẵn nơi mỗi con người niềm hy vọng vào một cuộc sống hạnh phúc hơn sau cái chết, ngay cả khi ta đang bị cả một núi tuyệt vọng chồng chất lên. Tôi đã nhận được rõ rệt điều trên qua cái chết của John Paul II.

Spiegel Online: Cái chết của Giáo hoàng cũng khiến bà xúc động?

Ranke-Heinemann: Sau khi phải bực dọc với Giáo hoàng này suốt 26 năm, tôi đã tự làm lành với ông sau khi ông tạ thế. Tuy đã mất đức tin trong thời kỳ ông đương nhiệm và tôi cho rằng Thiên chúa giáo là một sự nhầm lẫn, nhưng niềm hi vọng vào thế giới bên kia thì đúng đắn. Với tôi, tình yêu và hi vọng vẫn còn lại. Qua cái chết của Giáo hoàng, tôi đã nhận ra được đâu là các vấn đề và niềm hy vọng thật sự của nhân loại: đó là con người với sự hữu hạn và vô thường của nó, nhưng nó lại hy vọng vào cuộc sống vĩnh cửu và vào sự hội ngộ với những người thân yêu đã khuất.

Spiegel Online: Bà có thích gặp lại Giáo hoàng trên cõi trời không?

Ranke-Heinemann: Tôi không muốn tưởng tượng hão huyền, nhưng tôi nghĩ rằng trước tiên Giáo hoàng sẽ được gặp bà Maria, với ít nhất là sáu anh chị em của Jesus. Các anh chị em này của Jesus đều đã được nêu tên trong Tân ước, nhưng để bảo toàn cho sự đồng trinh của Maria nên họ đều đã bị trục thai qua con đường thần học bằng thuốc trừ sâu của Giáo hoàng cả rồi. Tuy vậy tôi không coi lỗi lầm này của Giáo hoàng là điều gì thê thảm lắm. Bản thân tôi cũng thế, vẫn thường vấp sai lầm…

Spiegel Online: Nếu bà gặp lại Giáo hoàng trên cõi trời, cuộc tái ngộ đó sẽ thế nào? Bà sẽ nói gì với ông ấy?

Ranke-Heinemann: Không có chuyện là tôi khắc khoải chờ mong được gặp lại ông ấy. Còn có nói gì hay không à? Thật chẳng biết. Vì tất cả thương nhớ của tôi đều hướng về cuộc hội ngộ với nhà tôi và mẹ tôi.

Spiegel Online: Vậy ta hãy ở trong cõi hiện tại với câu hỏi, Giáo hoàng mới cần cấp thiết ban hành những cải tổ nào?

Ranke-Heinemann: Giáo hội có nhiều dự định cải tổ, nhưng thực hiện thì chưa thấy đâu. Tính bất lung lạc của Giáo hoàng các đời trước sẽ gây cản trở cho tiến trình suy nghĩ độc lập của các Giáo hoàng kế nhiệm. Tình hình Công giáo bị kẹt hoàn toàn vì sự hằn thù phụ nữ và tình dục. Hai cuộc phân cắt lớn nhất trong Giáo hội - vào năm 1054 khi chia thành hai Giáo hội Đông và Tây cũng như năm 1520 với cuộc cải tổ của Luther - cũng đều bắt nguồn từ sự phân biệt đối xử với phụ nữ và việc buộc các linh mục phải sống độc thân. Sau đó, việc phe chống cải tổ xiết chặt điều luật buộc độc thân đã đưa đến việc ngày càng nhiều người đồng tính luyến ái chiếm lĩnh hàng giáo phẩm bậc trên. Họ là lực lượng sẽ nhất định không chịu hủy luật buộc độc thân để đột nhiên đi lấy vợ. Từ đó hình thành sự phân ranh giữa hàng giáo phẩm bậc trên và tín đồ: phía trên là hàng giáo phẩm và phía dưới là đám con chiên. Phụ nữ thì từ trước đến nay vẫn chỉ được làm con chiên và họ sẽ ào ạt rời bỏ cái Giáo hội thuộc về đàn ông này.

Spiegel Online: Thế thì tại sao trước kia bà lại trở thành người Công giáo?

Ranke-Heinemann: Qua điều này, người ta nhận ra ngay sự thiếu hiểu biết của tôi lúc bấy giờ. Nhà tôi là người Công giáo và tôi thì từ tuổi 17 đã gắn bó không rời với ông ấy suốt 56 năm. Lúc bấy giờ tôi cứ ngỡ rằng người Công giáo nào cũng dịu dàng và khoan dung như vậy. Thêm vào đó, tôi thấy giáo lý Công giáo rất hay ở điểm hôn nhân bất khả hủy, vì tôi hết lòng mang quan điểm một vợ một chồng. Dần dà, tôi mới vỡ lẽ ra giáo lý này được nêu cao không phải vì tình yêu trong hôn nhân, mà chỉ vì sự thù ghét tình dục.

Spiegel Online: Có cách nào khác để điều hành một Giáo hội toàn cầu với hơn một tỉ thành viên, ngoài con đường trung ương tập quyền?

Ranke-Heinemann: Đúng là khó có thể làm khác được. Nhưng chính quyền trung ương tập quyền này lại tách hẳn khỏi một nửa nhân lọai, tức là bỏ rơi phụ nữ, thêm cả nam giới lưỡng tính luyến ái, là những người không nhất thiết muốn sống cuộc đời linh mục độc thân hay đời tu hành. Tôi thấy James Watson, người đoạt giải Nobel, đã tuyên bố rất đúng rằng, vũ trụ này tồn tại trên nền tảng đôi lứa sống chung.

Spiegel Online: Vậy bà giải thích ra sao về số lượng khổng lồ của những người đến viếng thi hài Giáo hoàng, trong đó không ít là phụ nữ?

Ranke-Heinemann: Đây lại là một nội dung khác. Trong trường hợp này thì người ta không để ý đến những điều cần bàn cãi nữa mà chỉ còn cảm thấy một điều gì đó siêu nhiên, một điều mà cuối cùng có được một giá trị, một điều mang tính vĩnh viễn.

Spiegel Online: Như vậy, Giáo hoàng này đã tạo ra một điều gì vượt qua cả giáo lý lẫn luân lý hay sao?

Ranke-Heinemann: Đúng vậy! Nhưng tôi đã phải lắc đầu khi nghe Giáo hoàng tuyên bố: „Ngay cả Jesus cũng có từ bỏ thập giá đâu“. Tại sao lại có thể đem cái chết tàn khốc trên thập tự giá vẫn được cho là để cứu rỗi loài người ra mà so sánh với một cái chết thường tình như thế?

Spiegel Online: Có thể vì Giáo hoàng là người, cũng như Jesus, cũng là người, đã nhấm thấy vị đắng của cái chết?

Ranke-Heinemann: Không phải thế đâu! Sự tuẫn nạn của Jesus là một điều khác hẳn. Việc con người được cứu rỗi qua một phương cách đẫm máu như vậy, cũng như việc các tín đồ suốt đời phải uống máu và ăn thịt người trong các thánh lễ và trong các buổi tưởng niệm bữa ăn cuối cùng của Jesus với các tông đồ, là những điều thật đáng sợ. Tôi trách cứ Giáo hoàng ở điểm ông đã tán dương sự đau đớn. Đối với những tín đồ đặc biệt sùng đạo, ông vẫn tiếp tục là người chống các phương cách chữa đau đớn. Trước khi trở thành Giáo hoàng, ông đã đến các bệnh viện ở Ba Lan để thăm bệnh nhân đang hết sức khốn khổ vì ung thư, và xin họ hãy dâng cho ông nỗi đau đớn ấy.

Spiegel Online: Giáo hoàng đã công khai hóa những đau đớn của riêng mình và phần nào đem sự chết ra khỏi vùng cấm kỵ.

Ranke-Heinemann: Vâng, đúng thế! Xã hội chúng ta thường làm lơ với sự chết. Khi tôi mặc đồ đen để tang chồng, thì chỉ nghe đại lọai: „Bà mặc mầu đen này thật hợp!“. Sau khi nhà tôi qua đời, tôi đã rút hẳn về thế giới riêng, trong căn nhà trống trải với 10.000 quyển sách. Đó là thời gian khó ngủ nhất, kể từ khi tôi trình luận án tiến sĩ cách đây đã 50 năm - cùng với Hồng y Ratzinger - ở München.

Spiegel Online: Bà có quen Hồng y Joseph Ratzinger, một trong những người có thể kế vị đức Giáo hoàng vừa mất? Ông ấy có thể là một Giáo hoàng tốt được chăng?

Ranke-Heinemann: Đối với tôi, ông Ratzinger đúng là một bài toán đố. Ông là người rất thông minh và từng là một ngôi sao trong đám sinh viên. Chúng tôi đã cùng dịch chung những luận thuyết từ tiếng La tinh. Đặc biệt là, ông ấy đã luôn có những nét báo hiệu sẽ trở thành Hồng y: một bộ óc cực kỳ siêu việt đi kèm với sự vắng bóng hoàn toàn của tình tứ. Và ông ấy cũng không phải là người đã thu hồi giấy phép giảng dạy của tôi đâu! Ông ấy quá thông minh để làm điều đó. Tôi bị kẹt là ở đường lối thần học quá sơ đẳng của các tổng linh mục Đức nằm ở địa phương.

Spiegel Online: Theo bà, Giáo hoàng mới có thể gặp nhiều khó khăn vì sẽ bị thường xuyên so sánh với John Paul II?

Ranke-Heinemann: Nếu Giáo hoàng mới cũng liên tục biểu diễn suốt 26 năm thì cũng sẽ được mọi người mến mộ thôi. Và khi qua đời, ông ấy cũng sẽ được thiên hạ coi như một người thân thiết vừa từ giã ra đi.


© 2005 talawas
Nguồn: Spiegel Online, 07.4.2005, http://www.spiegel.de/panorama/0,1518,350035,00.html