trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 7412 bài
  1 - 20 / 7412 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
11.4.2005
Bùi Minh Quốc
Mấy ý kiến về Hội
(Bà i gửi báo Văn nghệ, các báo đà i và các đồng nghiệp trong ngoà i Hội Nhà văn Việt Nam)
 
I.

Ngày xưa, các cụ ở ta, ở Tàu, ở Tây chẳng có hội hè gì mà nhiều cụ viết hay thế. Sáng tác văn chương hay hay dở, bồi đắp nhân tính cho đời được đến đâu là tuỳ thuộc vào tài năng và nhân cách của từng nhà văn, điều ấy ai cũng rõ. Sở dĩ các nhà văn lập ra hội là do nhu cầu tri âm tri kỷ, nhu cầu trao đổi giao lưu và đặc biệt là nhu cầu giúp đỡ cưu mang nhau lúc cơ nhỡ, bênh vực nhau khi bị áp chế. Dưới các chế độ chuyên chế, nhất là ở phương Ðông, tình trạng đàn áp nhà văn diễn ra phổ biến và thường xuyên. Khủng khiếp hơn cả là dưới các triều đại Stalin và Mao Trạch Ðông, tự vỗ ngực dân chủ gấp triệu lần mà đã có biết bao nhiêu nhà văn bị bắt bớ, tù đày, xử bắn, bị đấu tố, bị bức tử, bị hãm hại bằng đủ mọi kiểu. Ðến nỗi Fadeev, một nhà văn tài năng, một uỷ viên Trung ương Ðảng, Tổng thư ký Hội Nhà văn Liên Xô trong nhiều năm, một con cưng của chế độ, đã phải tự sát để lại bức thư tuyệt mệnh nói rằng ông tự kết liễu đời mình vì không thể chịu nổi một sự lãnh đạo ngu dốt và tàn bạo đối với văn hóa như thế. Ở Việt Nam, cái vòi bạch tuộc stalin-nít và mao-ít được Việt Nam hóa đã hút kiệt máu của rất nhiều nhà văn từ các cuộc chỉnh huấn trên chiến khu đến vụ Nhân Văn – Giai Phẩm tại Hà Nội. Mấy năm gần đây, một số tác phẩm bị đòn hội chợ trong vụ Nhân Văn – Giai Phẩm đã được in lại, nhưng những người chủ trương và thực hiện cuộc đàn áp tàn bạo trước kia vẫn không hề chính thức xin lỗi các nạn nhân. Mà lại thêm những vụ mới, điển hình là vụ vô cớ bắt giam nhà văn Dương Thu Hương năm 1991, vụ cấm phát hành và cho vào máy nghiền một cuốn tiểu thuyết giá trị là cuốn Chuyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn. Tuy nhiên, thời buổi này không dễ nghiền nhau. Vẫn phải để Dương Thu Hương đi thăm Pháp và in sách ở nước ngoài. Bạn đọc vẫn truyền nhau bản photocopy Chuyện kể năm 2000 với giá bán chui rất cao, và nước ngoài in lại với số lượng lớn. Rất mừng, là tạp chí Xưa và Nay số tháng 1.2005 đã đăng bài của nhà văn Nguyên Ngọc công khai khẳng định giá trị của Chuyện kể năm 2000.

Thời kháng chiến chống Mỹ, bao trái tim Việt Nam đã rung động với câu thơ Nguyễn Khoa Ðiềm qua giai điệu Trần Hoàn “Em Cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi. Mai sau con lớn làm người tự do”. Cu Tai nay đã lớn lắm. Chắc hẳn trong số những người bấm nút và điều hành máy nghiền Chuyện kể năm 2000 và những người tìm mua chui cuốn ấy có rất nhiều Cu Tai. Người ta chữa thẹn khéo và xoa dịu tác giả bằng cách cho nhà văn Bùi Ngọc Tấn đi thăm Trung Quốc, thăm Pháp.

Mới đây, tại diễn đàn đại hội các nhà văn khu vực miền Ðông Nam bộ, nhà thơ Xuân Sách bày tỏ một niềm tâm sự dồn nén đã bao năm: “Ông Vũ Trọng Phụng ngày trước lật tẩy cái xã hội thuộc địa phong kiến thối nát quyết liệt đến thế mà tác phẩm vẫn được in, sướng thật, vậy mà ông Nguyễn Vỹ còn bảo là nhà văn An Nam khổ như chó. Bây giờ tôi chỉ mong có chế độ kiểm duyệt chính thức, tôi cứ viết hết cỡ theo lương tâm mình, chỗ nào nhà nước không vừa ý thì cơ quan kiểm duyệt cắt nhưng phải in rõ mở ngoặc đơn chấm chấm chấm, kiểm duyệt bỏ chấm chấm chấm để người đọc biết rằng chỗ này nhà văn viết không vừa ý nhà nước”. (Bài tường thuật đại hội trên báo Văn nghệ ngày 19.03.2005 đã cắt bỏ ý kiến này).


II.

Năm 1957, đại hội lần thứ nhất thành lập Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 1963, đại hội lần thứ hai, họp toàn thể hội viên.

Ðến năm 1983, Hội Nhà văn mới được họp đại hội lần thứ ba. Quãng cách kéo dài tới 20 năm. Lãnh đạo Ðảng nại cớ chiến tranh, nhưng thực chất đâu phải thế. Ngay trong chiến tranh vẫn họp được Quốc hội, họp được đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua cơ mà! Thậm chí giữa chiến trường khu Năm đói khổ và ác liệt, năm 1967 vẫn họp được đại hội văn nghệ. Còn từ 1975 đến 1983 là những tám năm hoà bình. Thực chất là lãnh đạo Ðảng cần có thời gian để uốn nắn cho các nhà văn ngoan ngoãn trở lại sau vụ cựa quậy trong tư duy có tên là “Ðề dẫn” của bí thư Ðảng đoàn Nguyên Ngọc, lúc ấy cũng tầm cỡ gần như Fadeev ở Liên Xô. (Xin xem “Làng văn một thời, và…” của Bùi Minh Quốc – talawas 23-24.6.2004). Cho nên Ban bí thư Trung ương Ðảng buộc Hội Nhà văn phải họp đại hội đại biểu, bất chấp cái quyền đương nhiên và nguyện vọng tha thiết của nhà văn hai miền Nam Bắc là họp toàn thể – một cuộc đại đoàn viên tưng bừng mà mỗi người ôm ấp trong mơ tưởng suốt mấy chục năm chiến tranh và chia cắt. Ðại hội diễn ra tẻ nhạt theo một sự sắp đặt trước, báo cáo tham luận duyệt trước, nhân sự định trước, dưới sự chỉ đạo trực tiếp sít sao của Bí thư Trung ương đảng Hoàng Tùng và Trưởng ban Văn hoá Văn nghệ Hà Xuân Trường. Tiện thể nói thêm, ông Hoàng Tùng hiện nay đổi mới tư duy theo hướng cũng khá gần với các ông Hà Sĩ Phu, Phan Ðình Diệu, Lữ Phương, Nguyễn Kiên Giang... rồi. (Xin xem “Thời đại mới, tư tưởng mới” của Hoàng Tùng, hỏi mượn ở các cụ lão thành cách mạng).

Sau đại hội Ðảng lần thứ 6 năm 1986, bắt đầu công cuộc đổi mới (để gọi đúng tên thì nên gọi là sửa sai). Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh hô “cởi trói!” cho văn nghệ.

Hội Nhà văn họp đại hội lần thứ tư, gần cuối năm 1989. Nếu đúng thời hạn qui định thì phải họp từ năm 1988. Phải kéo dài thời gian quá qui định vì xảy ra các vụ cách chức (trá hình) Tổng biên tập báo Văn Nghệ Nguyên Ngọc, rút chức khéo đối với Trưởng Ban Văn hóa Văn nghệ Trần Ðộ bằng cách sáp nhập Ban Văn hoá Văn nghệ với Ban Tuyên huấn Trung ương, vụ các tạp chí Sông Hương, Cửa Việt đăng những bài trái ý lãnh đạo, tạp chí Lang Bian do Bùi Minh Quốc làm Tổng biên tập đăng thơ Trần Dần, Hữu Loan, đăng “Ðề dẫn” của Nguyên Ngọc, ra được ba số thì không được tiếp tục cấp giấy phép, phải làm một chuyến đi xuyên Việt từ Nam ra Bắc lấy chữ ký đòi dân chủ, bênh vực Nguyên Ngọc, trở về bị khai trừ cách chức...

Ðại hội 4 họp toàn thể, không khí khá sôi nổi với các tham luận không thể kiểm duyệt trước của Dương Thu Hương, Bửu Tiến, Trần Ðộ (do Nguyễn Văn Hạnh đọc), các phát biểu của Trần Mạnh Hảo, Trần Thuỳ Mai và một số nhà văn khác đòi tự do và bênh vực Bùi Minh Quốc.

Kết thúc đại hội, Tổng thư ký Nguyễn Ðình Thi rời chức vụ sau gần 30 năm ngồi ghế này. Người ngồi vào thay là Tổng thư ký mới Vũ Tú Nam, chức này đáng lẽ thuộc về Nguyễn Quang Sáng nhưng ông Sáng vào phút cuối đã không giữ lời hứa với anh chị em đã bầu và vận động bầu cho ông. Về sau ông giải thích với một số anh chị em: bởi thấy ý cấp trên không muốn mình làm mà muốn Vũ Tú Nam làm, nên có cố làm cũng chẳng thể làm (Xin xem “Ðại hội Nhà văn nhìn từ gần” diễn ca tường thuật chi tiết của Nguyễn Duy – bản photocopy).

Ngày 11.3.1995 Hội Nhà văn họp đại hội lần thứ năm. Họp toàn thể. Nhà văn Xuân Cang, uỷ viên Ban chấp hành hội, trưởng ban kiểm tra công bố kết luận của Ban kiểm tra về vụ việc Bùi Minh Quốc đã nổi cộm từ đại hội 4, nội dung kết luận như sau: “Các hoạt động của nhà văn Bùi Minh Quốc trong chuyến đi năm 1988 là bình thường bổ ích và phù hợp với quá trình dân chủ hoá, không có biểu hiện hoạt động bè phái” (“Hoạt động bè phái” là cái mũ mà Trần Trọng Tân – Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương chụp cho Bùi Minh Quốc trong một bài đăng trên báo Nhân dân tháng 12.1988 rồi bí thư tỉnh uỷ Lâm Ðồng Nguyễn Xuân Du dựa vào đó để khai trừ cách chức Bùi Minh Quốc). Trên diễn đàn đại hội 5, nhiều đồng nghiệp như Hoàng Minh Tường, Hoàng Bình Trọng v.v... tiếp tục lên tiếng bênh vực Bùi Minh Quốc, Hoàng Phủ Ngọc Tường lên tiếng bênh vực nhà văn Dương Thu Hương bị bắt giam vô cớ năm 1991 và báo động về tình trạng vô cảm của các nhà văn Việt Nam trước nỗi đau của đồng nghiệp, đồng loại. Bùi Minh Quốc cũng giành được quyền phát biểu của mình: thuật lại vắn tắt các hoạt động trong chuyến đi năm 1988 và đã bị đàn áp ra sao (khai trừ, cách chức, cắt lương) đồng thời nêu ra yêu cầu phải có luật đảm bảo quyền tự do lập hội của công dân như hiến pháp qui định, nhà nước cứ tiếp tục nuôi các hội quốc doanh để phục vụ nhà nước, còn các nhà văn không thích hội quốc doanh thì cùng nhau lập hội riêng, tự nuôi, tự quản, hoạt động theo pháp luật. (Tiện thể kể thêm, trước khi phát biểu, Bùi Minh Quốc đã báo cáo với đại hội về món quà của nhà sinh học Hà Sĩ Phu gửi tặng đại hội, đó là cuốn Suy nghĩ của một công dân, và trao cuốn sách này cho nhà thơ Nguyễn Khoa Ðiềm – uỷ viên đoàn chủ tịch đang điều hành phiên họp).

Ðại hội chỉ bầu được 5 uỷ viên ban chấp hành, không có vị nào ở miền Nam trúng cử, rất trái với cơ cấu thông lệ phải có đủ Bắc, Trung, Nam theo ý đồ của lãnh đạo. Sau đại hội, tổng bí thư Ðỗ Mười cử Hà Ðăng Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương gặp Bùi Minh Quốc chuyển lời Tổng bí thư mời gặp. 7g30 tối ngày 17.3.1995 tôi gặp Tổng bí thư Ðỗ Mười tại trụ sở số 4 Nguyễn Cảnh Chân. Ngoài Tổng bí thư còn có các Ủỷ viên Bộ chính trị Ðào Duy Tùng (trực Ðảng) và Nguyễn Ðức Bình (phụ trách văn hoá tư tưởng). Trong cuộc gặp gần hai tiếng đồng hồ này, Bùi Minh Quốc đã thuật lại cụ thể chi tiết các hoạt động trong chuyến đi 1988, nêu rõ đã có đơn kiện bí thư tỉnh ủy Lâm Ðồng về tội cố ý làm trái nghị quyết trung ương 6 gửi cho Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Uỷ ban đã cử cán bộ gặp làm việc để tìm hiểu và hứa có văn bản kết luận nhưng rồi chẳng thấy có văn bản nào cả. Cuối buổi gặp, Tổng bí thư Ðỗ Mười hứa với Bùi Minh Quốc giao việc này cho Ban Tổ chức Trung ương và Uỷ ban Kiểm tra Trung ương xem xét và sẽ có văn bản kết luận. Sau đó một thời gian, chờ mãi không thấy có văn bản kết luận nào gửi cho mình, Bùi Minh Quốc đã hai lần gửi Fax cho Tổng bí thư Ðỗ Mười nhắc cho ông khỏi quên, nhưng cũng chẳng có hồi âm. Cho đến nay nguyên Tổng bí thư Ðỗ Mười (và đương nhiên cả các vị kế nhiệm Lê Khả Phiêu, Nông Ðức Mạnh) còn nợ tôi cái văn bản nói trên.

Sau cuộc gặp Bùi Minh Quốc, Tổng bí thư Ðỗ Mười còn gặp Hoàng Phủ Ngọc Tường vào sáng ngày 18.3.1995.


III.

Năm 2000, họp đại hội lần thứ 6 của Hội, họp đại biểu, dịp ấy tôi đang trên đường lãng du nên không tham dự cuộc đại hội khu vực.

Năm nay, 2005, sẽ họp đại hội lần thứ 7, cũng họp đại biểu. Ban chấp hành Hội Nhà văn thông báo rằng Ban Bí thư Trung ương Ðảng chỉ thị phải họp đại hội đại biểu.

Tôi tin rằng hầu hết các nhà văn hội viên đều muốn họp đại hội toàn thể, không ai muốn họp đại biểu. Mỗi nhà văn đều có tư duy độc lập, chẳng ai đại diện cho ai được. Nhưng Ban Bí thư đã không cần biết đến cái quyền và cái ý muốn tối thiểu ấy của các nhà văn. Ban Bí thư cũng không cần biết đến một nguyên tắc đã được xác lập trong nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (khoá 6): “Ðảng lãnh đạo và tôn trọng tính độc lập về tổ chức cuả các đoàn thể”. Nhưng làm sao mà Ban Bí thư lại không biết nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương! Biết, nhưng cố tình làm trái, vì bao lâu nay Ban Bí thư, Bộ Chính trị luôn có khá nhiều biểu hiện tự đặt mình cao hơn Trung ương, không đúng với quy định của Ðiều lệ Ðảng, đã bị các cụ lão thành cách mạng lên tiếng công khai phê phán nhưng vẫn không chịu sửa.

Hội là của hội viên. Hội viên làm chủ hội của mình. Nhưng Ban Bí thư không cho hội viên làm chủ, mà Ban Bí thư làm chủ, buộc phải họp đại biểu là cứ phải họp đại biểu.

Hội là phải vui. Nhưng bị buộc phải sinh hoạt như thế thì làm sao mà vui được!

Ðây là vài chuyện không vui ở đại hội các nhà văn khu vực miền Ðông Nam bộ mà tôi vừa tham dự (bao gồm các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Ðồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Lâm Ðồng).

Tối ngày 11.3.2005 họp nội bộ, trưởng ban liên lạc Trần Ðức Tiến thông báo chương trình, các qui chế, phân phát tài liệu và cuối cùng đề nghị ai cần phát biểu tại đại hội thì đăng ký. Không ai đăng ký cả ngoài Bùi Minh Quốc.

Hôm sau, ngày 12.3.2005 họp chính thức.

Sau phần trình bày các văn kiện dự thảo của Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, đến báo cáo dự thảo của Ban liên lạc các nhà văn khu vực do trưởng ban Trần Ðức Tiến trình bày. Báo cáo thống kê và đánh giá khá chi tiết các hoạt động của từng nhà văn trong khu vực, đến cả người chỉ mới có bản thảo cũng không quên. Xin dẫn: “Nhà lý luận phê bình phó giáo sư tiến sĩ Phạm Quang Trung xuất bản hai tập lý luận phê bình văn học (...), tham gia nhiều hội nghị hội thảo văn học đóng góp nhiều ý kiến có giá trị”, “Nhà thơ Ðỗ Quang Vinh hoàn thành bản thảo tập thơ Tóc mây xưa”. Cụ thể thế, chi tiết thế, đầy đủ thế, thế mà chỉ quên mỗi Bùi Minh Quốc, mặc dù tôi đã gửi bản thông báo hoạt động sáng tác của mình cho Trần Ðức Tiến, đã tặng sách cho Tiến, tặng sách cho Hữu Thỉnh, Cao Tiến Lê, cho Ban sáng tác Hội Nhà văn Việt Nam. Cần nói luôn rằng sách của tôi thì Hữu Thỉnh đã đọc từ trong bản thảo nhưng Thỉnh không đồng ý cho NXB Hội Nhà văn in, tôi phải đưa sang NXB Phụ nữ mới in được. Các sáng tác của tôi trong thời gian qua là thành quả của một cuộc chiến đấu trong vòng vây, tôi phải đương đầu với mọi trở lực để cầm chắc cây bút trong hai lần bị quản chế phi lí theo một nghị định phi lí và vi phạm hiến pháp là nghị định 31/CP. Ngoài các tiểu thuyết Chuyện của người khách lạ, Nhạc lá, hồi ký Miền thẳm và tập thơ Ru xa đã xuất bản, tôi còn mấy chục bài thơ chiến đấu vì dân vì nước vì tự do, đã nhờ nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đưa một số bài tận tay Tổng biên tập báo Văn nghệ Hữu Thỉnh kèm cả thư thúc giục nhưng Hữu Thỉnh không chịu đăng.

Ðến phần phát biểu, thấy Phạm Quang Trung ngồi ghế đoàn chủ tịch giới thiệu ba bốn người lần lượt lên diễn đàn mà không thấy nói gì đến tôi, tôi bèn chất vấn, thì được giải thích rằng những người ấy đã đăng ký từ trước phiên họp nội bộ tối hôm qua. Hóa ra là có một kiểu đăng ký chui bên ngoài đại hội. Gay gắt nói qua nói lại vài phút, tôi được trấn an rằng phần phát biểu còn tiếp tục vào buổi chiều, để chuyển sang phần phát biểu (rất dài dòng) của Tổng thư ký Hữu Thỉnh và phần bầu đại biểu.

Bấy giờ, tôi mới chợt nhận ra rằng đoàn chủ tịch có bốn người thì một người là Cao Tiến Lê của Ban chấp hành Hội Nhà văn, ba người kia đều là thành viên ban liên lạc gồm Trần Ðức Tiến, Ðàm Chu Văn, Phạm Quang Trung, mà điều hành phiên họp lại là Phạm Quang Trung. Cũng không hề có phần đại hội thảo luận để thông qua danh sách đoàn chủ tịch. Bấy giờ tôi cũng mới nhớ ra Phạm Quang Trung là ai. Phạm Quang Trung là một kẻ gian lận tiền bạc của Hội văn nghệ Lâm Ðồng đã bị ban chấp hành hội quyết định khai trừ khỏi hội. Việc đó không lẽ Trần Ðức Tiến, Cao Tiến Lê, Hữu Thỉnh không biết? Hẳn là biết chứ, vì quyết định đã đăng trên tạp chí Lang Bian số 50 ra tháng 9 - 10 năm 2004 phát hành trong cả nước (xin xem bản photocopy đính kèm). Tổng thư ký Hữu Thỉnh và uỷ viên Cao Tiến Lê trực tiếp chỉ đạo điều hành đại hội mà lại sắp đặt một kẻ biển lận như Phạm Quang Trung ngồi ghế đoàn chủ tịch thì lạ thật!

Nhưng kể cũng không lạ. Mọi sự chỉ là bề nổi của một cái lô-gích ngầm để dẫn đến một kết quả ngoạn mục như sau: khu vực có 24 nhà văn, được bầu 12 đại biểu thì trong số ấy có cả Phạm Quang Trung. Người có số phiếu đứng hàng thứ 13 dưới Phạm Quang Trung mấy bậc là nhà thơ Xuân Sách, tác giả tập thơ Chân dung nhà văn nổi tiếng, một bậc đàn anh trong khu vực, nguyên chủ tịch Hội Văn nghệ Bà Rịa – Vũng Tàu. Tôi không ngạc nhiên khi chỉ được có 5/20 phiếu đồng nghiệp bầu cho mình.

Ðể được vui vẻ, Ban chấp hành Hội Nhà văn ngay lúc ấy đã quyết định cho khu vực miền Ðông Nam Bộ thêm một đại biểu nữa, và thế là nhà thơ Xuân Sách được xếp vào con số 13 đại biểu. (Trước đại hội ít ngày ông đã nói với Trần Ðức Tiến ý định sẽ tuyên bố không tham dự vào danh sách bầu, nhưng Tiến đề nghị ông đừng rút). Tổng thư ký Hữu Thỉnh thông báo với đại hội: ở khu vực Tây Nguyên có 9 hội viên được bầu 5, nhưng cả 4 nhà văn người dân tộc thiểu số không ai được bầu nên Ban Chấp hành hội nhà văn Việt Nam đã quyết định ngay tại chỗ để tất cả 9 hội viên đều đi dự đại hội đại biểu toàn quốc cho nó vui.

Bạn thấy có vui không, thưa bạn đọc thân mến?


IV.

Nói xây dựng xã hội công dân mà cứ duy trì hội hè theo kiểu quốc doanh như thế thì chỉ là đùa dai với qui luật, đùa dai với nhu cầu phát triển. Cùng với nhu cầu tự do ngôn luận (như hiến pháp đã qui định công dân có quyền tự do báo chí, nghĩa là phải có báo tư nhân), nhu cầu tự do lập hội ngày càng bức xúc.

Phải sớm có luật bảo đảm quyền tự do lập hội của công dân. Theo tôi, việc này đã trở thành nhiệm vụ cấp bách hàng đầu (như luật chống tham nhũng) của Quốc hội ta. Nếu Quốc hội trì hoãn, né tránh, thì các công dân và văn nghệ sĩ phải đấu tranh mạnh mẽ để đôn đốc Quốc hội.

Tuy vậy, trong khi chờ đợi có được các luật tự do báo chí và tự do lập hội, xin đề nghị mấy giải pháp trung chuyển (đối với Hội Nhà văn Việt Nam) như sau:

  1. Tiến hành ngay một cuộc chỉnh đốn và đổi mới Hội Nhà văn Việt Nam. Các nhà văn ngày nào cũng lên tiếng về sự xuống cấp đạo đức trong xã hội, vậy trước hết hãy tự hỏi đạo đức nhà văn có xuống cấp không? Theo tôi là xuống, xuống thảm hại. Sự hư hỏng suy đốn trong giới quan chức thì đã đành, cứ mở báo xem đài hàng ngày là thấy nhan nhản, dù báo đài chỉ mới đưa một phần rất nhỏ. Còn ở các nhà văn, những người được coi là mang sứ mệnh cao cả truyền bá những giá trị nhân văn nhân bản, nhiều người truyền bá bằng sức mạnh nghệ thuật rất tài tình, rất hấp dẫn, thì bản thân lại cư xử với đồng nghiệp, đồng loại rất phản nhân bản nhân văn, nhất là ở mấy vị nhà văn có chức quyền. Nhân dân ta rất trân trọng những tác phẩm tài năng, nhưng để lựa chọn, chắc chắn là thà chịu bớt đi một tác phẩm tài năng để cuộc đời này bớt đi một kẻ đốn mạt tài năng.

    Vì vậy phải đổi mới Hội về mặt tổ chức, đổi mới phương pháp tiến hành đại hội sao cho việc ứng cử đề cử bầu cử vào các chức vụ trong Hội không thể là một cuộc tranh xôi giành thịt như đã thấy hiện rõ bấy lâu ở khá nhiều cấp từ thấp lên cao.

  2. Xác định hội là tổ chức xã hội nghề nghiệp, chức năng của hội là chức năng bà đỡ cho hoạt động sáng tạo, nhiệm vụ hàng đầu của hội là nhiệm vụ giúp đỡ, bênh vực, bảo vệ hội viên.

  3. Nguyên tắc tính độc lập về tổ chức của các đoàn thể phải được luật hóa, Ðảng lãnh đạo các hội thông qua luật pháp với các điều khoản cụ thể về quyền hạn và trách nhiệm cá nhân, người nào, tổ chức nào “lãnh đạo” sai luật phải bị xử lý theo pháp luật.

    Sự lãnh đạo của Ðảng chỉ được coi là đúng đắn khi sự lãnh đạo ấy bảo đảm được tự do sáng tác cho nhà văn, mà tự do sáng tác phải đi liền với tự do xuất bản tự do báo chí chứ không thể là thứ tự do sáng tác đút vào ngăn kéo. Chí ít thì hãy thiết lập một lối chơi sòng phẳng như thời thực dân: tự do xuất bản kèm theo một chế độ kiểm duyệt chính thức công khai.

  4. Trước mắt, tách ngay Hội Nhà văn Việt Nam ra làm 3 hội:

    • Hội Nghiên cứu lý luận phê bình văn học nghệ thuật Việt Nam.

    • Hội Dịch thuật văn học nghệ thuật Việt Nam.

    • Còn lại là Hội Nhà văn Việt Nam gồm các hội viên văn thơ, kịch bản.

    Và mỗi hội lần lượt tiến hành đại hội toàn thể trong năm nay.


20.03.2005


Địa chỉ tác giả: 3 Nguyễn Thượng Hiền – Ðà Lạt, ÐT: 063.815459 – 0918.007842



Phụ lục

Kính gửi: Ban kiểm tra, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam

Tôi đề nghị Ban kiểm tra của Hội khẩn cấp kiểm tra mấy việc sau:

  1. Kiểm tra tư cách hội viên của Phạm Quang Trung. Hội viên này phạm tội gian lận tiền bạc của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lâm Ðồng, đã bị Ban chấp hành Hội khai trừ ra khỏi Hội. Thông báo về quyết định khai trừ đã in tạp chí Lang Bian số 50 tháng 09 năm 2004 (xin đọc bản photo đính kèm). Một người như vậy không xứng đáng là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, là đại biểu đi dự đại hội khoá VII của Hội vì không thể đại diện cho bất kì hội viên nào trừ Tổng thư ký Hữu Thỉnh.

  2. Kiểm tra mối quan hệ giữa Tổng thư ký Hữu Thỉnh với hội viên Phạm Quang Trung xem có phải do sự che chở của Hữu Thỉnh mà Phạm Quang Trung làm uỷ viên Ban liên lạc các nhà văn khu vực Miền Ðông Nam Bộ, ngồi ghế chủ tịch đoàn đại biểu khu vực, lại điều hành phiên họp quan trọng nhất và được bầu làm đại biểu đi dự đaị hội khoá VII.

  3. Phỏng vấn các nhà văn tham dự đại hội khu vực xem trước khi bỏ phiếu bầu đại biểu họ có biết việc Phạm Quang Trung bị Hội văn nghệ Lâm Ðồng khai trừ hay không?

Ðể Phạm Quang Trung dự đại hội đại biểu khoá VII của Hội là xúc phạm toàn thể hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Văn nghệ Lâm Ðồng.

Tôi đề nghị Ban kiểm tra sớm có kết luận về mấy việc nêu trên và thông báo cho tôi cùng đoàn thể hội viên Hội ta chậm nhất 3 ngày trước khi họp đại hội khoá VII.

Ngày 03 tháng 04 năm 2005
Hội viên Bùi Minh Quốc



Thơ Bùi Minh Quốc
Gan «nhà văn»

Không có gan dấn thân cho tự do
Nhưng cả gan ngập mình vào đê tiện
Cả gan hơn lem lém dạy đời.

Ðà Nẵng 05.04.2005


© 2005 talawas