trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
Loạt bài: Tranh luận về chủ nghÄ©a Marx
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89 
16.4.2005
Lữ Phương
Lại má»™t bóng ma của Marx!
 
Anh Phan thân,

Đã nhận được Thời đại mới, tư tưởng mới của Hoàng Tùng anh gửi cùng với thư đề nghị tôi cho biết ý kiến.

Chắc anh đã nhận thấy những sai lầm đầy dẫy trong bản thảo chưa sửa chữa của tài liệu nói trên, về đánh máy, câu cú, dẫn chứng, tên tác phẩm, tác giả, năm tháng v.v… và chắc cũng thấy rất khó có thể coi đó là một công trình nghiên cứu nghiêm chỉnh. Điều mà chúng ta quan tâm ở đây có lẽ là những vấn đề lý luận về chủ nghĩa xã hội do tác giả gợi ra. Những vấn đề này lại liên quan đến việc Đảng cộng sản đang chuẩn bị Đại hội 10 sắp tới, trong việc chuẩn bị này, vấn đề “đổi mới” chủ nghĩa xã hội vẫn là rất quan trọng – nếu không tìm cách làm rõ thêm thì sẽ không thể nào tiếp tục biện minh cho được “sứ mệnh lịch sử” của Đảng trong hoàn cảnh mới của đất nước.

Tài liệu vì vậy cũng đáng để mọi người chú ý.


I.

Tôi thấy tác giả đã đưa ra một số luận điểm quan trọng như sau:

  1. Phải khắc phục những sai lầm thiếu sót trong việc thực hiện chủ nghĩa xã hội mácxít bằng cách từ bỏ chính cái mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực nhân danh Marx bắt đầu áp dụng từ 1917 với cuộc Cách mạng Nga.

    Chủ nghĩa Stalin với tính chất toàn trị đặc biệt của nó được tác giả nêu đích danh để nói về cái xã hội khép kín, trì trệ, bị dân chúng oán ghét và những tội ác do chuyên quyền gây ra. Tác giả đã đưa ra sự so sánh mà ít có ai thuộc “phe ta” từ trước đến nay dám hé môi: “Gengis Khan, Napoléon, Hitler không thể sánh vai với Stalin; Tần Thuỷ Hoàng, Hán Cao Tổ, Đường Thái Tôn không thể sánh với Mao Trạch Đông…”!

  2. Giải thích những sai lầm ấy, tác giả đã nêu ra những khiếm khuyết nằm ngay trong cái hệ thống lý luận tạo ra chúng: đó là những khiếm khuyết xuất phát từ học thuyết của Marx với những nội dung chủ đạo như chuyên chính vô sản, cách mạng bạo lực .

    Giao tất cả quyền lực vào tay giai cấp vô sản là biệt phái, không tập hợp được lực lượng rộng rãi trong đấu tranh và xây dựng. Mặt khác khái niệm ấy quá nghiêng về sức mạnh của cơ bắp, xem thường vai trò của trí thức (mà theo tác giả mới là động lực chủ yếu thúc đẩy phát triển).

    Quá đề cao bạo lực, chuyên chính cũng dẫn đến những hậu quả nguy hiểm. Nó là nguồn gốc của những hành động phiêu lưu, tàn ác, độc đoán với quy mô chưa từng có trong lịch sử.

  3. Từ những nhận định trên đây, tác giả đã phân tích một số bài học và đề xuất phương hướng chấn chỉnh, như làm kinh tế thị trường, giảm nhẹ đấu tranh giai cấp, thừa nhận và hợp tác với nhiều thành phần xã hội khác, xây dựng một thể chế chính trị dân chủ nhân dân, cởi mở, ôn hoà, tự do tư tưởng, ngôn luận v.v… Đối với Đảng cộng sản, tác giả đã gợi ra một số chuẩn mực để cải tổ:

    • từ bỏ bạo lực, nóng vội, quá khích để theo đường lối hoà bình, cải lương

    • không dựa vào một tầng lớp riêng biệt nào mà phải tập hợp cho được trí tuệ, văn hoá của toàn dân tộc

    • dân chủ, khoan dung, tự do, công khai, cởi mở chứ không phải độc tài, khắc nghiệt, dấm dúi, bí mật

    • mở cửa với thế giới văn minh, hội nhập và hợp tác chứ không tự cô lập mình trong sự nghi ngờ, mặc cảm và sợ hãi

    • theo đuổi đường lối tự chủ và độc lập, chấp nhận nhiều trung tâm, nhiều con đường khác nhau chứ không lệ thuộc vào một thứ “chủ nghĩa quốc tế” dưới bất cứ danh nghĩa nào…

  4. Tất cả những luận điểm phê phán và canh tân trên đây đều dựa trên nhận định của tác giả về chủ nghĩa Marx: trên nền tảng, chủ nghĩa Marx vẫn là một “khoa học”, so với nhiều học thuyết xuất hiện trong thế kỷ 20, vẫn “chưa có học thuyết nào hơn hẳn học thuyết Marx” trong việc tìm ra cho nhân loại con đường có thể thay thế chủ nghĩa tư bản để xây dựng tương lai.

    Những sai lầm thiếu sót trong học thuyết Marx, xét cho cùng, vẫn chỉ là những khiếm khuyết của “một khoa học đích thực”, có thể bổ sung, nâng cao và làm cho hoàn thiện, để trở thành một học thuyết Marx canh tân, đã được khắc phục những sai lầm, sửa chữa những thiếu sót (từ bỏ những nội dung tả khuynh, nôn nóng, bạo lực, từ chối đối thoại…) để đáp ứng với những biến đổi của hoàn cảnh.


II.

So với quan điểm chính thống của Đảng cộng sản Việt Nam về “chủ nghĩa Mác-Lênin” chúng ta dễ dàng nhận ra ở đây “một cái nhìn lại” khá triệt để, táo bạo. Tuy vậy khi đối chiếu giữa lý luận và thực tế, tôi thấy tài liệu có rất nhiều gượng ép và thiếu nhất quán.

  1. Tác giả xác quyết rằng, trước hoàn cảnh mới của đất nước Đảng cộng sản cần phải thay đổi về cả một mô hình chứ không phải là vá víu lại cái cũ. Nhưng đối với một đảng cộng sản thoát thai từ chính cái mô hình cũ (chủ nghĩa Stalin, Mao Trạch Đông, Quốc tế Ba…), kế hoạch thay đổi phải như thế nào cho triệt để (nhất là về phương thức hoạt động…) thì không hề nghe tác giả nói đến.

    Làm sao để một đảng mà bản chất là chuyên chế, khắc nghiệt, coi chân lý chỉ thuộc về mình có thể trở thành một đảng của khoan dung, đối thoại, dân chủ, nhân đạo, trong sáng, minh bạch? Làm sao một đảng như vậy có thể chuyển thành “người tiêu biểu cho trí tuệ của dân tộc và xã hội” khi những màn thường trực về “Đảng cử dân bầu” vẫn được trình diễn, việc bỏ tù, khuấy rối những trí thức lẻ loi đang vượt qua sợ hãi để bày tỏ trách nhiệm của mình trước vận mệnh chung của đất nước vẫn cứ tiếp tục?

    Làm sao có thể thực hiện cái mà tác giả gọi là “dân chủ chính trị” định nghĩa là một “nền dân chủ nhân dân” trong khi Đảng chưa chịu xoá bỏ vai trò độc tôn của mình bằng Điều 4 của Hiến pháp và vẫn tiếp tục sử dụng điều 4 đó để bảo vệ sự độc tôn cho cái hệ tư tưởng gọi là “chủ nghĩa Mác-Lênin”mà tác giả đã phê bình?

  2. Sự tin tưởng mà tác giả dành hầu như tuyệt đối cho Hồ Chí Minh, với khẳng định rằng “tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi chỉ đường cho các thế hệ chúng ta”, cũng gây ra cho người đọc (ngay cả những người ủng hộ tác giả) cái cảm giác về một lập luận có khá nhiều gượng ép. Khẳng định đó là không nhất quán với sự phê phán triệt để của tác giả về cái mô hình Stalin, Mao Trạch Đông đầy sai lầm.

    Làm sao có thể gạt Hồ Chí Minh ra ngoài cái mô hình ấy khi tác giả đã đi ngược lại những cứ liệu lịch sử tạo nên Hồ Chí Minh với tư cách là một nhân vật của cả một phong trào quốc tế trong suốt thế kỷ 20: một học trò trung thành của Lenin, một nhân vật trong Quốc tế Ba, một người đã đem chủ nghĩa Stalin và chủ nghĩa Mao Trạch Đông về Việt Nam trong quá trình chống thực dân và giành quyền lực cho Đảng cộng sản?

    Làm sao tác giả không biết rằng những sai lầm mà Đảng cộng sản Việt Nam đã mắc phải cũng chính là những sai lầm khi Hồ Chí Minh đang là lãnh tụ cao nhất của Đảng và đang phất cao ngọn cờ “tiến lên chủ nghĩa xã hội” của Đảng? Hàng loạt những chính sách nhân danh cuộc “tiến lên” ấy đem đến không biết bao đau thương cho nhân dân như cải cách ruộng đất, hợp tác hoá, cải tạo tư sản, đấu tố, chỉnh huấn, Nhân văn-Giai phẩm, Chống xét lại..., diễn ra trên đất nước ngay thời Hồ Chí Minh còn sống chẳng đã chứng minh cho điều đó hay sao?


III.

Theo tôi, những gượng ép, bất nhất trên đây đã bắt nguồn từ cái tổng kết về lý luận của tác giả.

  1. Tác giả tỏ ra quá dễ dãi khi vẫn khẳng định học thuyết Marx là một “khoa học” sau khi đã phê phán những bất toàn trong học thuyết đó. Đối với những người nghiên cứu đứng ra được bên ngoài hệ tư tưởng Stalin, thì học thuyết Marx không hề tự chứng tỏ được là một khoa học về giải phóng xã hội mà chỉ là những suy lý triết học về sự giải phóng đó.

    Nó được xây dựng từ những sự kiện có nguồn gốc trong thực tại (cuộc đấu tranh giữa chủ và thợ) nhưng đã vượt khỏi thực tại để trở thành những khái niệm của một hệ thống tư biện về thực tại (sự xung đột sinh tử giữa tư bản và vô sản) từ đó phóng chiếu thành sự vận động chung cuộc cho lịch sử con người.

    Chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản trong học thuyết Marx về thực chất chỉ là những sản phẩm của cuộc vận động triết học ấy: sự sụp đổ của cái này tất yếu sẽ dẫn đến cái lôgích sinh thành cho cái kia, đó chỉ là sụp đổ và sinh thành của những khái niệm, không phải là “quy luật khách quan” của thế giới hiện thực. [Tôi đã chứng minh tính chất tư biện này một cách chi tiết trong Chủ nghĩa Marx và Cách mạng vô sản Việt Nam.]

  2. Không nhìn học thuyết Marx như một hệ thống, trong khi đó lại từ bỏ những điều cốt yếu làm nên ý nghĩa đặc trưng cho hệ thống ấy (giai cấp vô sản, bạo lực cách mạng) tác giả đã biến nó thành một học thuyết cải cách tầm thường với những lời ta thán tầm thường: chủ nghĩa tư bản sẽ không thể tồn tại được vì nó “quá béo”, “quá độc ác” hoặc “quá béo vì quá độc ác”.

    Có thêm vào đó cái lập luận cho rằng chủ nghĩa tư bản đó cũng sẽ phải chết là do “cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại đang chuẩn bị một xã hội thay thế nó” thì sự việc cũng không vì thế mà trở nên nghiêm trang hơn. Chỉ là những khẳng định vu vơ, mờ mịt, kiểu “thành trụ hoại không”, chẳng có gì đáng gọi là “khoa học” cả.

  3. Thực sự thì khi đưa ra những phê phán và cải tổ chủ nghĩa Marx như trên, tác giả đã làm một công việc rất quan trọng: ông đã gỡ bỏ cái kíp nổ làm cho chủ nghĩa Marx được gọI là cách mạng. Cái ngòi nổ ấy, đối với Marx, ai cũng biết, đó là giai cấp vô sản.

    Và khi làm như vậy, ông đã làm cho cuộc cách mạng vô sản của Marx trở thành cuộc cách mạng không có chủ thể và cái thế giới tương lai của Marx trở thành một khoảng trống mịt mùng. Một thế giới chỉ tồn tại trong huyễn hoặc và đã bị từ bỏ như một huyễn hoặc.

    Ngoại trừ một số điều còn có thể giữ lại theo truyền thống tư duy của một xu hướng trí thức khuynh tả nào đó. Một tiếng “không” với mọi nguyên trạng còn đầy dẫy bất toàn và một hy vọng về một tương lai tốt hơn có thể đạt được bằng cải cách hoà bình.


IV.

Tôi cho rằng những biện luận của tác giả về tiền đồ chủ nghĩa Marx như vậy tất yếu sẽ dẫn đến một hình thức nào đó của chủ nghĩa Marx bị xét lại.

  1. Hiện tượng này không mới đối với phong trào cộng sản hiện đại, nội dung chủ yếu của nó là gạt ra khỏi cương lĩnh cải tạo xã hội của mình cái phần cốt yếu tạo nên chủ nghĩa Marx: giai cấp vô sản dùng bạo lực lật đổ giai cấp tư sản, thực hiện chuyên chính vô sản trong thời kỳ quá độ. Lý luận này đã ra đời từ cuối thế kỷ 19 ở châu Âu, nhưng sau khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, nó đang được những nhà lý luận cộng sản Trung Quốc đem ra sử dụng lại.

    Đây là một điều mới thực sự. Những thứ lý luận này của Trung quốc đã được giới thiệu vào Việt Nam khá nhiều, gần đây, có cuốn Chủ nghĩa xã hội, bước ngoặt sáng tạo của Tiêu Phong (Thế giới đương đại xb, 2003) được dịch làm tài liệu tham khảo phổ biến trong giới nghiên cứu ở Việt Nam. Tôi thấy lập luận của Hoàng Tùng đã tiếp cận khá thân thiết với khuynh hướng cải cách chủ nghĩa Marx theo con đường của các tác giả Trung Quốc: về mặt lý luận có thể gọi đó là chủ nghĩa xã hội dân tộc, cải lương, để đối lập với thứ chủ nghĩa xã hội cũ quốc tế và cách mạng.

  2. Nhưng theo tôi, thứ chủ nghĩa dân tộc cải lương này, tuy có nhiều điểm giống với Bernstein hoặc Kautsky, nhưng, xuất hiện trong điều kiện thế giới hiện nay, ý nghĩa của nó rất đặc biệt. Nó được đưa ra không phải để giành chính quyền mà là để củng cố việc nắm quyền của đảng cộng sản trong điều kiện chủ nghĩa xã hội sau hơn nửa thể kỷ thí nghiệm đã phá sản hoàn toàn.

    Với tính toán ấy, khi nói đến tính chất “khoa học” của nghĩa Marx người ta chỉ cố giữ cho được hai vế kết luận gắn liền nhau: chủ nghĩa tư bản tất yếu sẽ sụp đổ cùng với sự ra đời tất yếu của chủ nghĩa cộng sản. Nhưng trước câu hỏi “chủ nghĩa tư bản sẽ chết như thế nào, chừng nào sẽ chết” để chủ nghĩa cộng sản ra đời thì câu trả lời lại rất vu vơ: có thể vài thế kỷ, cũng có thể hơn nữa hoặc chỉ biết nói “hồi sau sẽ rõ” là xong!

    Trong khi chờ đợi một tương lai mờ mịt như vậy thì để sống còn, các đảng cộng sản đương quyền được phép làm tất cả: học tập chủ nghĩa tư bản, trở về với Quốc tế Hai, lấy các tầng lớp trung lưu tư sản làm chỗ dựa, lấy quyền lợi dân tộc làm chuẩn mực cao nhất trong quan hệ quốc tế. Và cứ như thế mà tồn tại trong cơ chế một đảng cầm quyền, không ai thay thế được, vĩnh viễn cùng với quá trình chờ đợi sự sụp đổ của chủ nghĩa tư bản để “tiến lên”!

  3. Chắc anh cũng đồng ý với tôi rằng thứ lý luận về canh tân trên đây, mới nghe qua thì thấy táo bạo, hấp dẫn, thực chất vẫn là một thứ chủ nghĩa Lênin “vận dụng” vào một hoàn cảnh mới: vì lợi ích của cách mạng vô sản, trong những tình thế nghiệt ngã, những người cộng sản phải biết lùi bước và phải biết thoả hiệp với tất cả những thế lực nào có thể thoả hiệp.

    Mục đích không có gì khác là cố gắng duy trì cho được quyền lực độc tôn của đảng cộng sản đối với xã hội. Mọi thứ thao tác ý thức hệ (chủ nghĩa Marx khoa học, vay mượn lý luận của Quốc tế Hai, học tập chủ nghĩa tư bản…) đều nhằm mục đích đó: tạo ra một nhân danh mới, một tính chính đáng mới (dễ chịu hơn) cho một đảng cộng sản đã ra đời từ cái mô hình Quốc tế Ba, với một quá khứ đầy tai tiếng. Do vẫn chưa vượt ra khỏi những toan tính đó, những bất cập trong lập luận đi đôi với thái độ nửa vời của tác giả đã nói ở trên là không tránh khỏi.

    Tôi thấy ở Việt Nam đã có những đề xuất minh bạch, nhất quán hơn tác giả rất nhiều: nếu thật sự muốn canh tân chủ nghĩa xã hội theo con đường dân chủ và ôn hoà thì cũng phải chuyển hoá đảng cộng sản thành đảng dân chủ xã hội, chấm dứt toàn trị, chấm dứt độc tôn, hoạt động dưới sự kiểm soát của một nhà nước pháp quyền, một chế độ chính trị đa nguyên, thực hiện những chính sách phúc lợi, ưu tiên bảo vệ những người lao động…


Không thể khác hơn, vì chỉ có trong điều kiện đó mới có thể nói đến chủ nghĩa xã hội có cái đuôi “thị trường” đi theo và tiếp tục viện dẫn Marx với cái học thuyết Marx đã được canh tân. Những đề nghị có nội dung như vậy đã xuất hiện ngày càng nhiều, nhưng rất tiếc, lại không được tác giả tham khảo, thừa kế.


V.

Để kết luận, tôi cho rằng Thời đại mới, tư tưởng mới của Hoàng Tùng có giá trị không cao về mặt lý luận: nó không đẩy sự phê phán khởi điểm đến những kết luận tương xứng, không tạo ra được một hệ thống lập luận nhất quán, chặt chẽ. Dù vậy, cùng với sự lên tiếng của nhiều trí thức khác gần đây, những ý kiến của tác giả trong tình hình hiện nay vẫn có tác dụng tích cực. Chúng tạo thành một sức ép tổng hợp buộc những người lãnh đạo Đảng phải quan tâm đúng mực đến những báo động tiềm tàng từ lâu nay đã bộc phát thành những tiếng nổ: mô hình xây dựng cũ đã hoàn toàn phá sản, phải thay bằng một mô hình mới trong đó nhu cầu dân chủ hoá đời sống văn hoá-chính trị gắn liền vớí nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội đang trở nên cấp bách chưa bao giờ như bây giờ.

[…..]

Thân

11-4-05

L.P

© 2005 talawas