trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: TrÆ°á»›c thềm Đại há»™i Nhà văn Việt Nam lần thứ 7
 1   2   3   4   5 
20.4.2005
Nguyễn Quang Lập
Gửi Phạm Tiến Duật tiên sinh
 
Phải nói ngay tôi và rất nhiều nhà văn cùng thế hệ đã là fan cuồng nhiệt của tiên sinh. Tôi nhớ những năm 1969-1971, khi đó tôi chỉ là chú học trò nhỏ, đã lên cơn ghiền thơ tiên sinh đễn nỗi ngày nào không được đọc thì cứ thấy lòng mình thiêu thiếu một chút gì. Bây giờ dù tiên sinh không làm thơ nữa, hoặc có làm nhưng không còn hay nữa, thì lòng ngưỡng mộ của tôi đối với tiên sinh cũng không vì thế mà suy giảm. Bất ngờ đọc được tham luận “Tình bạn với văn chương” mà tiên sinh sẽ đọc tại Ðại hội Nhà văn sắp tới, in trên tờ Công an nhân dân ngày 16/4 vừa rồi, thấy buồn quá, suốt đêm cứ nghĩ vẩn vơ, đôi lần muốn gọi điện cho tiên sinh nhưng lại thôi, đành thắp đèn viết gửi tiên sinh mấy dòng này.

Ðề tài mà tiên sinh tham luận thoạt nghe thật vu vơ nhưng nghĩ lại thấy tiên sinh thật có lý khi chọn nó, bởi vì rốt cuộc nhà văn chỉ có và chỉ cần có đúng hai thứ, ấy là những cuốn sách và những người bạn. Muốn làm ra những cuốn sách có thể không cần có bố mẹ, không cần có vợ con nhưng những người bạn thì không thể thiếu. Hết nửa tham luận, tiên sinh đã chứng minh một cách khá cảm động tình bạn đối với nhà văn quan trọng như thế nào. Nhưng gần nửa cuối bài về sau mới vỡ lẽ ra rằng tiên sinh dùng đề tài cảm động và cao cả kia để bóc trần một người bạn của mình, ấy là nhà thơ Hữu Thỉnh, Tổng thư kí Hội nhà văn, ở thời điểm nhạy cảm: chỉ một tuần nữa là Ðại hội Nhà văn khai mạc. Sở dĩ tôi nói Hữu Thỉnh là bạn của tiên sinh, thậm chí là người bạn lớn, vì tôi nhớ cách đây bảy tám năm chi đó, tại báo Văn nghệ, khi tiên sinh tổ chức giới thiệu tập Thơ một chặng đường của tiên sinh, Hữu Thỉnh đã cầm tay tiên sinh giơ cao, hào hứng nói với mọi người: “Ðây là nhà thơ lớn nhất thế hệ chống Mỹ!”. Ngay lập tức tiên sinh cũng chỉ vào Hữu Thỉnh mà nói rằng: “Ðây là người bạn lớn nhất của các nhà văn Việt Nam”. Có thể vì quá yêu tiên sinh mà Hữu Thỉnh đã quá lời, ngược lại tiên sinh cũng quá lời vì quá yêu Hữu Thỉnh. Nhưng đó là sự quá lời đáng yêu và cảm động, chẳng ai lấy đó làm vì, riêng tôi thật cảm phục nghĩa tao khang của hai người và đinh ninh dù chết tiên sinh và Hữu Thỉnh cũng không bỏ nhau.

Thế rồi bỗng nhiên tiên sinh vẽ chân dung bạn mình trước công luận như một tên vô lại, khiến tôi vô cùng sửng sốt. Nếu tiên sinh nói rằng Hội Nhà văn còn có lắm vấn đề thì quả không sai. Nhưng tiên sinh không nói thế, tiên sinh nói: “Qua nhiệm kì vừa rồi tôi thấy tình bạn của anh (tức Hữu Thỉnh) có ‘nhiều vấn đề’”. Ba chữ “nhiều vấn đề” được in đậm khiến tôi không khỏi giật mình, dù tôi chưa bao giờ là bạn của Hữu Thỉnh. Cái “nhiều vấn đề” được tiên sinh dẫn ra qua hai ví dụ “chết người”. Một là việc Hữu Thỉnh bất chấp luật pháp, vừa đá bóng vừa thổi còi, nhiều năm liền ôm luôn chức Tổng biên tập báo Văn nghệ không chịu nhả cho ai. Hai là kết nạp Hùng Anh, một kẻ vi phạm luật pháp, lãnh án tù chung thân. Việc thứ nhất tiên sinh cho rằng đó là vì ghen ăn. Tiên sinh còn giải thích: “Chữ ăn phải hiểu rộng ra, còn có nghĩa là văn chương và quyền lực”. Bỏ qua việc tiên sinh hồn nhiên nhét văn chương vào phạm trù ăn (Có lẽ vì thế mà lâu ngày tiên sinh không viết được chăng?), thì cái lý ghen ăn của tiên sinh đưa ra khó lòng được người ta chấp nhận. Tôi cũng thấy việc kiêm nhiệm lâu năm của Hữu Thỉnh là bất thường, cái sự bất thường này Hữu Thỉnh không phải là không biết, anh cũng không “tham ăn” đến độ quên mất luật pháp - nói chung chẳng ai ngớ ngẩn đến như vậy. Việc Hữu Thỉnh liên tục tìm người thay thế là có thật, rốt cuộc anh không tìm được ai cũng là có thật, chỉ vì Hữu Thỉnh không tin hoặc không dám tin ai chứ đâu phải vì miếng ăn. Khổ, ăn gì ở tờ tuần báo một vạn rưởi tờ một số. Nói rằng Hữu Thỉnh không tin ai cũng chưa chắc đã đúng. Việc cấp trên chấp nhận, BCH Hội Nhà văn cho phép Hữu Thỉnh kiêm nhiệm báo Văn nghệ cho thấy chính BCH Hội cũng không tìm thấy ai thay thế Hữu Thỉnh trong vai trò Tổng biên tập báo Văn nghệ. Xin nói, trong BCH có ít nhất ba vị có khả năng làm báo Văn nghệ, thế mà năm lần bảy lượt họp hành vẫn chẳng có ai chịu đứng ra gánh vác. Nếu một người đứng ra lĩnh ấn tiên phong và được BCH ủng hộ thì Hữu Thỉnh có tham quyền cố vị đến đâu cũng làm được gì tốt? Nói vậy để biết trong cái sự không tìm thấy ai không phải một mình Hữu Thỉnh gánh lấy trách nhiệm, còn các vị BCH thì vô can. Chính xác là BCH Hội phải chịu trách nhiệm chính về việc làm trái khoáy này. Nhân đây xin đề nghị Ðại hội Nhà văn kì này nên đưa vào điều lệ Hội là: Tổng thư kí không được kiêm nhiệm Tổng biên tập báo Văn nghệ hay kiêm nhiệm bất kì cơ quan nào khác thuộc Hội Nhà văn. Thực tế cho thấy báo Văn nghệ là tờ báo dễ làm nhưng khó hay. Thêm nữa, phàm là nhà văn, việc gì không tự cho mình là nhất? Khi Hữu Thỉnh xuống nhà tôi, hỏi: “Ai làm được Tổng biên tập báo Văn nghệ?” Tôi đã đáp ngay không chút do dự: Nguyễn Quang Lập. Tôi mà còn láo toét đến thế thì tiên sinh, và những người tiên sinh kể tên, không lý do gì không nghĩ rằng, nếu giao báo Văn nghệ cho mình thì mình sẽ làm bằng năm bằng mười Hữu Thỉnh. Nhưng khó lắm, thưa Phạm Tiến Duật tiên sinh! Vì sao khó thì tiên sinh biết thừa, khỏi cần phải nhắc. Cái sự không tin người của Hữu Thỉnh âu cũng là bệnh tật của nhà văn nước ta vậy, cờ đến tay rồi ai cũng như Hữu Thỉnh mà thôi, xin chớ có mạnh mồm.

Bây giờ sang việc thứ hai. Ở xứ ta mới có thứ luật lệ khe khắt việc xét kết nạp hội viên, chứ ở Tây các Hội Văn bút chẳng qua là hội đánh trống ghi tên, ai có chí hướng văn chương thì họp nhau lại, động viên giúp đỡ nhau sáng tác, thế thôi. Ðại hội kì này cũng nên xem xét lại luật lệ khe khắt kể trên, chứ có người viết văn ba bốn chục năm trời vẫn không được vào Hội thì buồn quá. Tài với không tài là chuyện vô lường, hay với dở thì cũng thế. Hữu Thỉnh có cho rằng thơ Hùng Anh hay mới để cho anh ta vào Hội, thì cũng như tiên sinh ca ngợi Nguyễn Thiện Luân là một hiện tượng thơ ca, ra sức cổ xúy cho anh ta vào Hội (Nhưng tiếc thay không được). Việc Hùng Anh vào Hội được ít lâu rồi bị tống tù, ai mà lường trước được. Cũng giống như tiên sinh, nếu biết được Nguyễn Thiện Luân trước sau cũng bị tống tù thì bố bảo tiên sinh cũng không dám tuyên bố: “Nếu không cho Nguyễn Thiện Luân vào Hội là có tội với đất nước.” Nói thực chẳng ai đi kiếm ăn trong việc kết nạp hội viên mới. Có chăng cũng chỉ vài cốc bia hơi, vài lời cảm động. Việc phải mất không một đôi giày Italy như trường hợp của Hương Trâm (việc này Phạm Tiến Duật tiên sinh biết quá rõ) chỉ là chuyện hi hữu. Vả, việc Hùng Anh vào Hội là câu chuyện của nhiệm kì trước, có dính dáng gì đến Hữu Thỉnh trong vai trò Tổng thư kí đâu? Ở văn phòng Hội, tất nhiên tiên sinh biết quá rõ việc này. Ðánh quả tù mù, bỏ vạ cáo gian cho bạn mình để làm gì Phạm Tiến Duật tiên sinh ôi!

Nhắc đến Hữu Thỉnh ai cũng có thí dụ về sự thất thường của anh, cho nên khi nghe tiên sinh đưa ra hai thí dụ kể trên, chắc không ít người vỗ tay tán thưởng. Bản thân tôi đã có hai năm làm việc dưới quyền Hữu Thỉnh, không ít lần tôi quá mệt mỏi vì anh. Tuy vậy tôi vẫn tin rằng: rốt cuộc Hữu Thỉnh vẫn là người đáng yêu hơn đáng ghét. Ðọc bài “Tình bạn với văn chương” của tiên sinh, lại nhớ lời Hàn Anh đại nhân: “Bất tín chi chí khi kỳ hữu” (Tột cùng của bất tín là lừa dối bạn bè), bất chợt thở dài một tiếng rồi thắp đèn viết mấy lời thưa lại với tiên sinh.

© 2005 talawas