trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: TrÆ°á»›c thềm Đại há»™i Nhà văn Việt Nam lần thứ 7
 1   2   3   4   5 
22.4.2005
Phạm Minh Ngọc
Nhà văn và Hội Nhà văn
 
(Cảm hứng khi đọc các bài: Mấy ý kiến về Hội -Bài gửi báo Văn nghệ, các báo đài và các đồng nghiệp trong ngoài Hội Nhà văn Việt Nam của Bùi Minh Quốc trên talawas ngày 11.4.2005, Tài trợ cho văn học. Câu trả lời từ thực tế trên báo Tuổi Trẻ ngày 9.4.2005, “Dư luận quan tâm ở Đại hội Nhà văn VN những gì? trên tienphongonline ngày 13.4.2005)


I. Một sự ngộ nhận lớn

Có ngộ nhận lớn là vì cái danh không xứng với cái thực, hay nói nôm na là Hội Nhà văn Việt Nam không phải là một hội như người ta tưởng. Cứ theo lí trí thông thường thì hội là tổ chức tự nguyện, tự quản của những người cùng chung một nghề nghiệp hoặc có chung một hoạt động. Nếu áp dụng định nghĩa ấy vào Hội Nhà văn Việt Nam thì đấy là tổ chức tự nguyện, tự quản của những người viết văn, làm thơ Việt Nam. Hẳn là ông Bùi Minh Quốc và nhiều ông khác cũng “tưởng bở” như thế nên ông mới viết: “Hội là của hội viên. Hội viên làm chủ hội của mình“. Ông Bùi Minh Quốc đã “bé cái nhầm” bởi vì thoạt kì thuỷ hội này không phải là do các ông nhà văn mà là do Đảng Cộng sản Việt Nam đứng ra thành lập, hội không hoạt động bằng kinh phí do các hội viên đóng góp (hội phí hoặc trích từ nhuận bút sáng tác chẳng hạn) mà bằng ngân sách nhà nước, nghĩa là Hội sống trên lưng các bà nông dân một nắng hai sương chân lấm tay bùn, suốt ngày bán mặt cho đất bán lưng cho trời chứ chẳng hề biết văn chương là gì. Thế cho nên đáng ra nó không nên gọi là Hội mà phải gọi là Ban sáng tác trực thuộc, thí dụ, Ban Tư tưởng-Văn hoá Trung ương, thì mới đúng. Các nhà văn nhà thơ hội viên của Hội cũng không nên mang tên như thế mà nên được gọi theo đúng chức năng của họ là chuyên viên viết văn xuôi hay chuyên viên sản xuất thơ bậc một, hai, ba, bốn gì đó thì mới đúng. Còn cái gọi là Điều lệ cũng không nên gọi là Điều lệ mà phải gọi là, thí dụ, Nội qui của Ban. Nội dung quan trọng nhất của bản Nội qui đó phải là: “Ban sáng tác trực thuộc… do Đảng Cộng sản Việt Nam sáng lập và rèn luyện. Ban là tổ chức tập hợp các chuyên viên viết văn, làm thơ, các chiến sĩ trên mặt trận văn hoá tư tưởng, trung thành tuyệt đối với sự lãnh đạo của Đảng, với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lấy chủ nghĩa Mác-Lê làm kim chỉ nam và chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa làm phương pháp sáng tác”. Không hiểu tại sao người ta không “chẻ hoe” ra với nhau như thế, tại sao người ta cứ “hót những lời chim chóc mãi” với nhau để làm gì?

Nếu Nội qui của cái Ban ấy đã ghi như thế thì làm gì còn có chuyện thắc mắc mấy năm đại hội một lần, đại hội toàn thể hay đại hội đại biểu nữa. Lúc đó người ta sẽ biết ngay rằng đại hội cũng chỉ giống như buổi dạ hội mà một công ty du lịch tổ chức cho những người sinh vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 tại Sài Gòn vào tối 30 tháng 4 tới mà thôi. Sẽ chẳng có ai thắc mắc sao tôi, người sinh ngày 30 tháng tư ở tỉnh A, tỉnh B, lại không có quyền được dự? Sao tôi lại chỉ được hỗ trợ 50% vé máy bay chứ không phải cả 100% như những người khác? Nếu đã “chẻ hoe” ra như vậy rồi thì một ông nào đó của Đảng sẽ có thể “độp” thẳng vào mặt ông Bùi Minh Quốc rằng: “Chúng tôi thích thế, anh hỏi vậy chứng tỏ anh không biết luật chơi”. Cũng hệt như ông Tổng Giám đốc Hàng không Việt Nam trả lời anh phóng viên BBC rằng ông không thích vươn sang thị trường Mĩ, phóng viên hỏi thế là vì không thạo tiếng Việt. Thế thôi, còn hỏi nữa không? Nếu “chẻ hoe” ra như thế thì người ta sẽ không còn thắc mắc rằng tại sao Hội lại không lên tiếng bênh vực người này người kia. Đơn giản là nó không có chức năng đó. Và nhiều chức năng khác nữa.

Đọc tiếp bài của ông Bùi Minh Quốc, ta còn phát hiện ra một người không biết luật chơi nữa. Người ấy là ông Xuân Sách. Lời của ông Xuân Sách được ông Bùi Minh Quốc dẫn lại như sau: “Ông Vũ Trọng Phụng ngày trước lật tẩy cái xã hội thuộc địa phong kiến thối nát quyết liệt đến thế mà tác phẩm vẫn được in, sướng thật, vậy mà ông Nguyễn Vỹ còn bảo là nhà văn An Nam khổ như chó. Bây giờ tôi chỉ mong có chế độ kiểm duyệt chính thức, tôi cứ viết hết cỡ theo lương tâm mình, chỗ nào nhà nước không vừa ý thì cơ quan kiểm duyệt cắt nhưng phải in rõ mở ngoặc đơn chấm chấm chấm, kiểm duyệt bỏ chấm chấm chấm để người đọc biết rằng chỗ này nhà văn viết không vừa ý nhà nước”. Luật chơi của do ông Xuân Sách đề nghị đơn giản quá, giống “dùi đục chấm mắm cáy” quá, chỉ hợp cho mấy anh võ biền kiểu Pinochet là cùng. Luật chơi ở đây là “lạt mềm buộc chặt”, tinh tế hơn nhiều, ở đây là “đưa từng cá nhân hoặc cả một tập thể đến một tình trạng mà họ “tự làm cái được phép” [1] , nghĩa là ông Xuân Sách phải tự kiểm duyệt, tự cắt những phần mà ông thấy là “không hợp” trước đi đã, không cần nhà nước phải nhúng tay vào từng trường hợp cụ thể. Nhưng tôi ngờ là ông Xuân Sách chỉ giả vờ hay nói dỗi thế thôi, chứ ông biết rõ quá đi ấy chứ.

Ông Bùi Minh Quốc ngộ nhận thì còn có thể hiểu được chứ ông Nguyên Ngọc và ông Phạm Xuân Nguyên ngộ nhận thì “hơi bị” khó hiểu. Ông Nguyên Ngọc nói như thế này: “Mà không chỉ Hội Nhà văn, theo tôi, muốn lành mạnh hoá các hội thì nên chấm dứt sự tài trợ cho các hội”. Nếu chấm dứt sự tài trợ thì xin hỏi còn đâu “lạt” để buộc các ông? Hội có thể ví như lạt, thì tiền, dù là tiền đô hay tiền đồng, cũng có thể ví như nước, lạt phải được thấm nước thì nó mới mềm, các ông ạ. Cả hai ông trong bài trả lời phỏng vấn nói trên đều tỏ ra rất bức xúc với chuyện tài trợ cho các nhà văn. Nếu có thể tìm trong quá khứ sự tương đồng thì bất quá các ông bà nhà văn nhà thơ xứ ta cũng giống như các thực khách trong nhà Mạnh Thường Quân, Xuân Thân Quân, Tín Lăng Quân ngày xưa mà thôi. Các ông bà được nuôi ăn để “triển khai ý tưởng sáng suốt” của chủ nhân, nhưng chủ nhân thấy các ông cũng “hẻo” quá, trông gầy ốm quá cho nên thỉnh thoảng cho các ông ít tiền tiêu vặt gọi là tài trợ, như vợ tôi thỉnh thoảng vẫn đưa cho con vài ngàn gọi là “tiền dằn túi” mỗi buổi sáng trước khi đưa nó đến trường. Chẳng nên bức xúc làm gì. Khi đưa tiền dằn túi cho con, vợ tôi đâu có nghĩ rằng có vài đồng ấy thì nó sẽ chú ý nghe cô giáo giảng hơn đâu, chăm làm bài tập hơn đâu. Ở đây cũng vậy, tài trợ đâu phải vì tác phẩm, chỉ là một cách thấm nước vào lạt mà thôi. Một anh kĩ sư quèn làm cho công ty liên doanh cũng có thể lĩnh cả trăm triệu một năm thì mấy trăm triệu, thậm chí mấy tỉ tài trợ ấy có đáng là bao. Các ông hãy ra đường mà xem, mà thôi chẳng cần ra đường, chỉ giở vài tờ báo ra là thấy người ta có “xót” tiền dân đâu. Hàng bao nhiêu tỉ bị biến thành bụi, bị dấn xuống bùn hàng ngày. Đã bức xúc thì bức xúc hẳn những chỗ ấy, thế mới đáng bức xúc các ông ạ! Theo tôi, nếu người ta đem tiền tài trợ đi mua thuốc bắc ngâm rượu rồi mua thịt chó hay trứng vịt lộn về đánh chén hay đưa cho vợ để thêm vào tiền đi chợ trong cái thời gạo châu củi quế này thì không đáng lo. Nhưng nếu họ đem tiền ấy đi in sách thì có thể gây ra hai điều đáng lo. Điều đáng lo thứ nhất: giấy được làm từ gỗ mà muốn có gỗ thì phải đốn rừng. Thế là hại đến cái môi sinh của trời. Điều đáng lo thứ hai: sách của các nhà văn, nhà thơ ta, nhất là thơ, chất lượng kém quá, chỉ dưới trung bình, không đáng đọc. Thế cho nên nếu một người nào đó, vì ú ớ mà mua nhầm phải những quyển ấy, mang về đọc và có ảo tưởng rằng đấy là thơ văn đích thực hay chán quá mà từ đó không bao giờ đọc sách nữa thì thật đáng tiếc. Thế là hại cho cái tâm của người. Đã mất tiền mà lại còn bị hai cái hại tầy đình như thế thì chỉ người vô tâm lắm lắm mới không thấy lo mà thôi.


II. Và hai điều khó hiểu

Các kiều bào hay những người mới theo dõi các hoạt động của Hội Nhà văn Việt Nam và các hội viên của nó thường cảm thấy hai điều khó hiểu.

Điều khó hiểu thứ nhất là hoạt động chuệch choạch, tiền hậu bất nhất của Hội Nhà văn. Nhưng đấy là do nó thiếu tự tin, nó tự biết rằng mình không còn oai phong lẫm liệt như hồi những năm 1956-1958 nữa, chứ nếu không thì các ông Bùi Minh Quốc và Xuân Sách đã không được ăn nói “lung tung” như vậy. Những ngày ông Nguyễn Huy Thiệp còn mai danh ẩn tích, đó đây đã vang lên tiếng kèn ngập ngừng “ai điếu cho một thời văn nghệ minh hoạ”, nhưng theo dư luận chung thì chính ông mới là người đóng những chiếc đinh cuối cùng lên chiếc ván thiên của cỗ quan tài chứa một cái xác đã chết từ lâu, đấy là phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa. Thế nhưng ông Nguyễn Huy Thiệp vẫn là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam như thường!

Nếu Hội Nhà văn vẫn còn oanh liệt như xưa thì cứ bằng vào những bài viết, bài nói mang đầy tính phê phán phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa, các ông Lại Nguyên Ân, Phạm Vĩnh Cư và nhiều ông khác nữa có lẽ đã bị “rút phép thông công” từ lâu rồi. Nhưng than ôi thời oanh liệt nay còn đâu! Nếu Hội “nghỉ chơi” với các ông ấy thì chỉ còn toàn những ông non đồng cân quá, có tụ hội lại cũng tự thấy chướng, tự thấy tẽn tò. Có phải vì thế mà Hội và những người lãnh đạo Hội cảm thấy lúng túng không?

Điều khó hiểu thứ hai là thái độ của chính các ông bà nhà văn. Tại sao có nhiều người thích vào Hội Nhà văn thế? Xin thưa đấy là do thói háo danh, thói sính bằng cấp của người mình, mà thẻ hội viên cũng là một loại bằng mà thôi. Thỉnh thoảng ta có thể gặp một ông mà bằng vào phong độ, bằng vào hoàn cảnh xuất thân, ta dễ nghĩ rằng người ấy được cơ cấu vào đến huyện uỷ, tỉnh uỷ là sướng quá, vinh dự quá rồi, có thể ghi vào gia phả để lên bàn thờ được rồi. Thế nhưng không, ông ta còn thấy chưa sướng, còn thấy cần một hai cái bằng đại học, cao học, tiến sĩ nữa thì mới thật an tâm. Thì người viết văn, làm thơ cũng vậy thôi, có sách in, dù là theo đánh giá chủ quan có thể được liệt vào những áng văn “lấp lánh” trong một trăm năm hay hơn nữa, cũng chưa đủ; còn cần một cái bằng, xin lỗi, cái thẻ chứ, để khoe với bạn, để lên mặt với vợ con. Mà đã có người cần tức có cầu, có cầu thì sẽ có cung, có người bán. Tôi đố ông Hữu Thỉnh tìm thấy ở Việt Nam này có cái gì đem bán mà không có “cò” đấy. Cho nên ông Hoà Vang hỏi thế là cận nhân tình mà ông Hữu Thỉnh trả lời thế là cố tình giả tảng đi thôi.

Người quan sát hời hợt còn có thể đặt câu hỏi: Cái ông Bùi Minh Quốc, một người “đã nhiều lần bị lừa như thế” vẫn còn ham hố, vẫn muốn đi họp, vẫn còn “dâng sớ” xin “trảm” kẻ này, cải cách chuyện kia để làm gì? Dĩ nhiên không phải chỉ có một mình ông Bùi Minh Quốc làm chuyện đó, có nhiều ông công khai hoặc ngấm ngầm muốn tham gia vào “việc làng”, muốn được chia cái “móng giò” giữa chợ lắm. Người viết bài này xin “liều chết” mà nói rằng: Xin can các ông, chẳng ai nghe các ông đâu, nghỉ đi cho khoẻ, mất thì giờ mà làm gì!

Nói thì nói thế chứ các ông ấy biết cả đấy, các ông ấy biết rằng “Chó cứ sủa đoàn người cứ đi”. Biết vậy mà họ vẫn nhọc công làm là vì sao? Tôi lại xin “liều chết”, lại xin “múa rìu qua mắt thợ” mà đưa ra giải thích như sau: Họ có tâm lí và hành vi của các nho sĩ. Để trở thành một nho sĩ không nhất thiết phải đọc Tứ Thư, Ngũ Kinh, không nhất thiết phải ra vào cửa Khổng, sân Trình. Có thể nói cái hồn Khổng giáo đã ngấm vào xương thịt chúng ta cùng với sữa mẹ. Nó ngấm vào ta qua hình ảnh Phạm Tăng, Phạm Lãi, Khổng Minh, Ba anh em Lưu Quan Trương, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuyến... Có thể nói cái hồn Khổng giáo vẫn phảng phất đâu đây, trong không khí ta thở hàng ngày, đã vào vô thức, đã thành vô thức của chính ta. Vậy nhà nho là ai? Trần Trọng Kim [2] giải thích như sau: “Nho là bởi chữ nhân đứng bên chữ nhu mà thành ra. Nhân là người, nhu là cần dùng, tức là một hạng người bao giờ cũng cần dùng đến để giúp cho nhân quần xã hội biết đường mà ăn ở và hành động cho hợp lẽ trời. Chữ nhu lại có nghĩa là chờ đợi, tức là người học giỏi, đợi người ta cần đến, sẽ đem tài trí của mình ra mà giúp việc đời... Bởi vậy từ xưa đến nay, những người nho học đều là người chực ra cáng đáng việc đời, để làm ích quốc lợi dân... Cũng bởi lẽ ấy cho nên thầy Tử Lộ nói rằng: Không ra làm quan là vô nghĩa... Người quân tử ra làm quan là làm việc nghĩa vậy“. Nhà nho như vậy là người tự cho mình là có tài và chờ đợi bậc “có chân mệnh đế vương” vời ra để phò, để làm quân sư. Chỉ là quân sư, chỉ là kẻ viết biểu, dâng sớ hàng ngày, sẵn sàng quì lạy, sẵn sàng làm một anh đầy tớ cao cấp, sẵn sàng vong thân để được thấy “long nhan”; thế là sướng lắm, là vinh dự lắm, áo mũ xênh xang lắm, dù sau đây có bị nọc ra đánh đòn, bị thiến dái, bị chặt đầu, bị voi dày ngựa xéo, thậm chi bị chu di tam tộc cũng cam. Ông Bùi Minh Quốc và một số ông khác bức xúc việc không được đi họp, gửi thư góp ý đến đủ thứ địa chỉ là cũng xuất phát từ cái truyền thống sẵn sàng ra làm quân sư, sẵn sàng ra làm quan, sẵn sàng gánh vác việc đời từ xa xưa ấy.

Có một cái lạ là các nhà nho của ta dù bị thất sủng hay là vì thấy chán quá, không thích ra luồn vào cúi nữa, dù có xin về ở ẩn thì vẫn thấy tiếc, vẫn thấy ấm ức. Hãy xem cụ Nguyễn Khuyến dặn con:

Cờ với biển vua ban ngày trước
Khi đưa thày con rước trước tiên.

Ô hay, đã chán ngấy, đã bỏ về, đã coi vua là “hề” thì cờ biển của cái ông vua ấy còn giá trị gì mà “rước trước tiên”? Nhưng đấy là tâm lí thông thường, tâm lí của người bình thường, không phải tâm lí nhà nho. Nhà nho thì khác. Chửi đấy, bỏ về đấy, nhưng lại sẵn sàng ra, lại sẵn sàng làm quân sư nếu được mời một cách nhã nhặn, một cách trọng thị. Ông Nguyên Hồng đã bảo rằng: “Tao đéo thèm chơi với chúng mày nữa”, nhưng rồi ông lại “chơi”. Nghe đâu sau này ông còn đứng bên một cái xe đạp, của một nước anh em nào đó cho, để người ta chụp ảnh. Thế thôi, chụp xong người ta đem cái xe ấy cho người khác, chứ không phải cho ông. Có đáng rớt nước mắt không! Đã nói đến thế thì phải nói thêm mấy ông Nhân văn-Giai phẩm nữa. Tưởng rằng các ông đã bị cho “nghỉ chơi” lâu như thế, đã bị đoạ đầy đến như thế thì sau này dù có đem lọng ngọc ô vàng đến đón các ông cũng chỉ mỉm cười và bảo: “Tớ bận” hay “Tớ yếu lắm, có viết được gì đâu”. Nhưng không, các ông lại vui như tết, lại lấy tiền tài trợ in sách, lại lên mặt vênh vang: “Tháng ấy... ngày ấy ... được phục hồi hội tịch. Có cả anh này... anh kia... đến dự nữa”. Ông Bùi Minh Quốc thì cũng thế, cũng nằm trong dòng chủ lưu này, cũng có tâm lí của một nhà nho vong thân như các nhà nho khác trong quá khứ.

Nhưng đấy là quá khứ, là từ thế kỉ hai mươi trở về trước, còn bây giờ đã là thế kỉ hai mốt rồi, ta phải khác đi chứ? Chả lẽ cứ lặn hụp mãi trong cái “hũ tương” Khổng giáo ấy hay sao? Có phải thế không, thưa các ông bà văn sĩ?

© 2005 talawas


[1]Magid Mikhail. “Chế độ toàn trị - Tương lai tươi sáng hay là quá khứ tối tăm”, Phạm Minh Ngọc dịch từ nguyên bản tiếng Nga, talawas
[2]Trần Trọng Kim. Nho giáo. Quyển Thượng. Bộ giáo dục. Trung tâm học liệu xuất bản. 1971. Trang 10.