trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: TrÆ°á»›c thềm Đại há»™i Nhà văn Việt Nam lần thứ 7
 1   2   3   4   5 
23.4.2005
Nguyễn Bản
Mừng lo trước việc “chuyển đổi các hội văn học nghệ thuật về đời sống dân sự”
 
Đầu năm nay (2005), tôi đặt cho mình mấy mục tiêu thực hiện đến năm 2010, kỷ niệm một nghìn năm Thăng Long, đồng thời kỷ niệm lần thứ 80 ngày sinh nhật của mình, đại khái như sau:
  • Mỗi năm cố viết thêm vài ba truyện ngắn để 2010 in thêm một tập truyện mỏng.

  • Nhận dịch thêm một cuốn truyện nào đó hoặc bằng tiếng Pháp, hoặc bằng tiếng Anh.

  • Khi đó có thể yên tâm xin vào Hội Nhà văn.

Định như thế, bất ngờ nhận được điện thoại của một người bạn cùng quê, một nhà thơ, dịch giả thơ Thái, thơ Mường, vụ phó một vụ ở Văn phòng Quốc hội đã nghỉ hưu, Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, giật giọng hỏi tôi: "Anh đã đọc bài “Chuyển các hội văn học nghệ thuật về đời sống dân sự” của Lại Nguyên Ân trên tờ Người đại biểu nhân dân chưa?". Tôi bảo chưa, và hỏi có gì mới. Anh nói, thì đấy, cái đề bài đã nói lên tất cả, nhưng rồi vẫn tóm tắt cho tôi nghe:
  • Nhà nước chấm dứt bao cấp cho các hội. Các hội trên thực tế sẽ thôi không còn đặc tính cơ quan nhà nước, thôi được cấp kinh phí, quỹ lương cho cán bộ nhân viên văn phòng hội, thôi cấp trụ sở, xe con cho các quan chức hội.

  • Hội sẽ hoạt động và tồn tại bằng hội phí và chính sản phẩm của mình.

  • Các văn nghệ sĩ gắn bó với nhau bằng khuynh hướng nghệ thuật. Thực tế một số nhóm như vậy (âm nhạc, điện ảnh...) đã tỏ ra khá hữu hiệu trong đời sống gần đây. Trước kia như Tự lực văn đoàn ấy, với dấu ấn không thể phai mờ trong lịch sử văn học Việt Nam.

  • Tránh được việc các nhà lãnh đạo, quản lý hội nghiễm nhiên hưởng quy chế công chức cấp cao, lương bổng cao, nhà lầu xe con, phát sinh cạnh tranh ngấm ngầm, quyết liệt mưu lợi ích riêng vào các mùa đại hội.

  • Tránh được việc xếp hàng đông đảo, thậm chí có cả việc đút lót để xin vào hội.

Rồi bạn tôi hào hứng tự rút ra kết luận: Tóm lại, đã đổi mới nên đổi mới hẳn.

Tôi cũng thấy lạ, thực hư thế nào, tốt nhất nên mua số báo ấy mà đọc. Nhưng đi tìm dăm bẩy sạp báo mà không mua được, sạp nào cũng chỉ báo An ninh, Tiếp thị, Bóng đá, Thể thao, Gia đình, Mua bán... Đành phải trực tiếp đến anh Lại Nguyên Ân hỏi xin bài. Anh nể tôi, in ở máy cho tôi một bản.

Tôi đọc đi đọc lại bài viết, càng thấy phục tài tóm tắt của bạn tôi.

Đọc xong không khỏi thần người ra nghĩ ngợi về cái mục tiêu trong năm năm nữa. Rồi lại nghĩ đến những chuyện đã qua. Nghĩ đến việc trước đây hơn chục năm, đã có mấy hội viên Hội Nhà văn thân quen khuyên tôi nên mạnh dạn xin vào Hội, trước hết cho vui, sau đó không phải không có lợi, ví dụ được tài trợ để viết (tất nhiên là tạm ứng thôi, nhưng nếu không hoàn thành, không trả cũng không sao), vài ba năm một lần được đi trại viết (cũng là một thứ đi nghỉ mát hoặc du lịch miễn phí, kém gì Mạnh Thường Quân nước Tề đãi kẻ sĩ thời xưa), biết đâu do biết chút tiếng Anh tiếng Pháp, lại không được cùng đi nước ngoài một chuyến, người chẳng biết gì còn được đi nữa là... Tôi phân vân lắm, chỉ lo mình không đủ tiêu chuẩn, lại thêm tâm hồn lãng mạn, tính tình tự do, văn chương cũng thế, trong khi đó nhìn vào Hội, phần lớn anh em Hội viên đều là đảng viên, nên càng thấy tự ti. Rồi một lần một anh bạn thân bỏ hẳn ra một triệu đãi tôi và một người nữa một chầu karaoke xịn, tôi hỏi tiền đâu mà mạnh thế, anh bảo vừa được Hội cho ba triệu, lúc đó không phải không thấy thèm. Lại tới khi tôi bảy mươi tuổi, mọi người gần như mắng tôi: "Anh dại chưa, lấn cấn tự ti mãi, hội viên trên bẩy mươi được Hội cho bẩy triệu đấy!". Chả biết thực hư đến đâu, nhưng rất có thể là như thế, vì kính lão đắc thọ vốn là bản sắc truyền thống dân tộc, mà Hội Nhà văn tất nhiên phải nêu cao bản sắc truyền thống hơn bất cứ hội nào. Lần này thì vừa thèm vừa tiếc, như người phụ nữ lỡ thì thèm tiếc tuổi thanh xuân. Càng tiếc bao nhiêu, lại càng nhớ đến cái lần một người có trọng trách trong Hội có thiện chí với tôi, kéo tôi vào phòng làm việc bảo tôi: "Vào đi, tôi giới thiệu, và z...z... giới thiệu, chúng tôi còn tài trợ cho mà viết chứ, tuần sau đưa cho tôi bản lý lịch". Ôi, giá anh bảo tôi tuần sau nộp cái đơn, nhưng lại bảo đưa bản lý lịch, khiến tôi quan ngại quá, dù ông bà cha mẹ, chú bác cô dì không ai địa chủ cường hào, hoặc thân Tây, Nhật, Mỹ, và bản thân sống lương thiện, tuân theo luật pháp, nhưng văn chương dăm bẩy giải thưởng truyện ngắn quèn, tấp tểnh in vài ba tập truyện, dịch dăm ba cuốn, trừ cuốn Hoa đỗ quyên đỏ là thấy hào hứng, còn chủ yếu kiếm tiền, chẳng việc gì ra hồn, đôi khi được gọi là nhà văn vẫn thấy nóng tai. Rồi lại nghĩ thêm, nhỡ anh ấy là người thích đùa thì mình dại mặt, nên đành hoãn lại.

Còn bây giờ thì như thế đấy, đã thế phần kết anh Lại Nguyên Ân còn cả quyết: "Chuyển các hội văn học nghệ thuật về đời sống dân sự là việc sớm muộn cũng trở thành sự thực", khiến tôi cũng tin lây.

Tuy vậy, tôi vẫn đem chuyện này hỏi ý kiến chú em tôi làm công tác tuyên huấn. Cái gì? Để các hội ra hoạt động tự do à? Vớ vẩn. Các hội văn học nghệ thuật đều là các tổ chức chính trị xã hội, thì phải quản lý, quản lý thì phải bao cấp, làm sao lại đem các hội đá banh, ban nhạc bức tường bức vách ra so sánh được? Bác cứ yên tâm thực hiện mục tiêu.

Rồi chú cười trêu tôi:

Mà bác cũng tham cơ, chắc nghĩ bẩy mươi cho bẩy triệu, thì tám mươi cho tám triệu chứ gì?

Tôi cũng cười trừ lấy được.

Tháng 3-2005

© 2005 talawas