trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Âm nhạc
  1 - 20 / 123 bài
  1 - 20 / 123 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtÂm nhạc
25.4.2005
VÅ© Anh Mai
Cẩu thả hay khinh thường khán giả?
 
Comme toi que je regarde tout bas
Comme toi qui dors en rêvant à quoi
Comme toi! Comme toi! Comme toi!

Những lờì trong ca khúc Comme toi của Jean-Jacques Goldman, viết từ thập niên 80, mà một thằng nghiện nhạc Pháp như tôi thuộc nằm lòng cả gần 20 năm nay lại bị một thằng bạn… không thể đếm quá un, deux, trois cãi văng mạng là bài hát này là của Thổ Nhĩ Kỳ. Tức quá, tôi phải phán: Đồ… ngốc điếc! Nó phản công: Mày không tin bố mày hả? Được rồi để đó!

Hôm sau, nó quẳng vào mặt tôi CD số 42 của Asia Production, nó phán lại: “Mở ra xem, để thấy ông Việt Dũng giới thiệu rõ ràng là bài hát này đi liền với lời giới thiệu xứ Thổ nhé! Đồ ngu!” Đút cái DVD ngay vào cái lap top và click click con chuột liên tục đến tiết mục số 5 ngay phần giới thiệu của Việt Dũng:

“Bây giờ, mời quí vị đến đất nước Thổ Nhĩ Kỳ… và bla… bla…” mc Việt Dũng đã nói rất nhiều về Thổ Nhĩ Kỳ trước khi giới thiệu ca khúc Comme toi, nên đã tạo một ấn tượng là ca khúc này đến từ nước Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy ông có nói đây là “ca khúc Pháp”, ông còn nói thêm “nhưng mang đầy nét độc đáo của dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ…” Điều đáng nói là ông Việt Dũng không màng giải thích tại sao ca khúc này có cái tựa và lời được viết bằng tiếng Pháp cùng với giai điệu cũng chẳng có âm hưởng đông phương ngàn lẻ một đêm một chút nào lại “mang đầy nét độc đáo của dân Thổ”. Ông còn thêm một chi tiết sai tuốt luốt là bài hát này được danh ca Dalida, gốc Ý nhưng sinh trưởng ở Ai Cập và sau này định cư tại Pháp, hát. Thật sự, Dalida có trình bày một ca khúc cùng tên Comme toi, sáng tác năm 1979 bởi 4 người là G. Sinoué, G. Guarnierei, M. Vasseur, V. Pallavicini được mở đầu bằng:

Un oiseau vole contre le soleil
il semble voir l'éternité, comme nous

Còn bài hát Comme toi được trình bày trong DVD 42 của Asia Production là một sáng tác của ca nhạc sĩ Jean-Jacques Goldman trình làng năm 1982. Theo lời tác giả kể lại, thì khi xem những album thời niên thiếu của mẹ ông, một người di dân từ Đức sang Pháp (và cha ông là người di dân từ Ba Lan) đã gợi lên trong ông cảm hứng sáng tác khi nhớ tới những giai thoại về cuộc đời của bà khi còn thơ ấu ở bên Đức (Elle avait les yeux clair et la robe en velour/ côté de sa mère et la famille au tour… La photo n’est pas bonne/ Mais l’on peut y voir…). Không có gì trong lời kể của nhạc sĩ và nội dung ca từ gợi đến xứ… múa bụng ngàn lẻ một đêm cả. Chẳng hiểu tại sao trung tâm Asia lại gán một xuất xứ Thổ Nhĩ Kỳ cho một sản phẩm nguyên chất của văn hoá Phú Lang Sa như vậy?

Nếu trí nhớ người viết không phản bội thì cái xuất xứ gán ghép này bị cầm nhầm ở sự kiện là ông Jean-Jacques Goldman này, hình như, đã hiến tặng tiền tác quyền bài hát này, hay là một buổi biểu diễn trình bày bài hát này, hoặc một album có bài hát này cho những nạn nhân của một thiên tai xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ (có lẽ là động đất) nên bài hát này rất nổi tiếng ở đó.

Hãy lên mạng, vào website của Jean-Jacques Goldman rồi móc bài Comme toi ra, sẽ được đọc hết tất cả những phỏng vấn với chính nhạc sĩ về bài hát này cũng như bình luận của các nhà phê bình âm nhạc.

Đúng ra tôi cũng chấm dứt câu chuyện ở đây nhưng khi xem toàn bộ DVD số 42 Vòng quanh thế giới của Trung tâm Asia, tôi vô cùng ngạc nhiên khi khám phá ra khá nhiều sai sót không nên có trong một sản phẩm văn hoá của một trung tâm tiếng tăm ở hải ngoại. Những sai sót theo ý kiến của người viết là: thông tin sai sót xuất xứ của những nhạc phẩm sử dụng, phân bố nhạc phẩm không đi theo chủ đề.


1. Phân bố nhạc không theo chủ đề

Thế giới có hơn 200 quốc gia và hòn đảo, đương nhiên, không thể nào cho đi du lịch hết tất cả. Toàn bộ chương trình chỉ có 21 bài hát, nhưng theo danh mục thì đã có tới 5 bài xuất xứ từ Pháp (không chính xác hoàn toàn, xin đọc tiếp phần sau), 5 bài từ Việt nam. Tổng cộng có đến 10 bài hát tức là 50% bài hát sử dụng có xuất xứ từ chỉ… hai quốc gia! Đặt tên chủ đề là “Âm nhạc vòng quanh thế giới” thì thật sự không chính xác, phải chi đặt chủ đề chính là “Ca khúc Việt nam, Pháp và… phần còn lại của thế giới” thì đúng trăm phần trăm.


2. Thiếu nhất quán trong việc sử dụng tác phẩm

Khi học lịch sử âm nhạc cổ điển phương Tây, với thể loại giao hưởng hoà tấu, người ta không phân chia ranh giới quốc gia mà chia theo các khuynh hướng phát triển các quan điểm thẩm mỹ theo từng giai đoạn của lịch sử như những sáng tác của thời kỳ Phục hưng, Barroque, Cổ điển, Lãng mạn, Ấn tượng, v.v…

Ở DVD Asia 42 này, chúng ta có thể thấy việc giới thiệu nhạc phẩm đặc trưng một xứ khi thì dùng thể loại dân ca, khi thì dùng nhạc nhẹ, khi thì disco, khi thì rock thật khó mà theo dõi. Nhạc dân ca hay truyền thống đương nhiên là biểu hiện đặc trưng của một nước rồi. Tuy nhiên, với các thể nhạc hiện đại với nhịp điệu (rhythm) và ngôn ngữ (phần lớn các ban nhạc rock, disco đều viết bằng tiếng Anh như chúng ta thấy Modern Talking (Đức), Eurore (Thụy Điển), Abba (Thụy Điển), Scorpion (Bỉ) đã xóa nhoà biên giới quốc gia thì chính xác hơn nên nói rằng bản nhạc này đặc trưng cho thể loại nhạc rock của xứ này hoặc xứ nọ.

Thí dụ như: ca khúc Dancing Queen của ban nhạc lừng lẫy Abba được giới thiệu như là nhạc của xứ Thụy Điển. Có chính xác hay không? Mặc dù, các thành viên ban nhạc là người Thụy Điển, nhưng tất cả các tác phẩm của họ đều được viết lời và trình diễn bằng tiếng Anh (Chưa kể cái tên Abba có nguồn gốc từ tiếng Do Thái). Nếu ai có dịp nghe nhạc truyền thống của Thụy Điển sẽ nhận thấy rằng nó sẽ không phải là những giai điệu của Abba, tuy nhiên, sẽ không sai khi giới thiệu Abba là một ban nhạc pop đến từ Thụy Điển.


3. Gán ghép sai xuất xứ của các nhạc phẩm

Không biết có phải vì cạnh tranh với DVD Hành trình về miền Viễn Đông của trung tâm Thúy Nga hay chăng, nhưng tôi cảm giác có một sự gượng ép qua mức khi cố gắng đưa khán giả đi vòng quanh thế giới miễn phí nên DVD trên của Asia, với chủ đề âm nhạc vòng quanh thế giới, đã ngộ nhận nhiều chi tiết. Ngoài ví dụ trong phần đầu bài viết về trường hợp ca khúc Comme toi, bị ám chỉ như nhạc Thổ Nhĩ Kỳ, chúng ta sẽ thấy thêm nhiều thiếu sót nằm rải rác trong toàn bộ chương trình.

Trong phần giới thiệu cho bài số 19, Tango mộng mơ, hai mc Nam Lộc và Đặng Tuyết Mai có nhắc đến ca khúc nổi tiếng Don’t cry for me Argentina. Theo lời ông Nam Lộc thì “ở Argentina có nhạc phẩm nổi tiếng này” và bà Đặng Tuyết Mai lại khẳng định thêm một lần nữa là “bài này là do người dân Argentina làm để tưởng nhớ bà Evita Peron…” Quá ẩu! Ca khúc này nằm trong vở nhạc kịch Evita do Sir Andrew Lloyd Webber sáng tác và phần lời do Sir Tim Rice viết. Sir Andrew Lloyd Webber, nhà soạn nhạc lừng lẫy của xứ sở mặt trời không bao giờ tắt trên đế quốc Anh, người đã soạn rất nhiều vở nhạc kịch nổi tiếng chẳng hạn như The Phantom of the Opera, Jesus Christ the Superstar, Cats, Sunset Boulevard… Đổi xuất xứ tác phẩm của Sir Andrew Lloyd Webber sang qua xứ… Á Căn Đình thì không những bị kiện về tội tác quyền mà có thể gây thêm một cuộc chiến Manvinas mới!

Còn bài hát Thú đau thương được trình bày bởi ca sĩ Kenny Thái, được Asia giới thiệu là nhạc của nước Ý. Phim The Godfather không là sản phẩm của nước Ý, mặc dù truyện phim kể về mafia gốc Ý ở xứ Hợp Chúng Quốc và được các diễn viên người Mỹ gốc Ý thủ diễn như Robert de Niro hay Al Pacino. Phim nói tiếng Anh, chuyện về mafia ở thành New York, nước Mỹ, sản phẩm 100% của Hollywood. Tác giả bài hát là Nino Rota, một nhạc sĩ người Ý, được đạo diễn phim đặt hàng viết nhạc cho cuốn phim này. Nhạc phẩm được phổ biến theo sự phát hành của phim và được nổi tiếng theo phim. Chính tác giả, Nino Rota cũng chỉ hoàn tất tác phẩm này trên đất Mỹ. Với những thông tin trên nhạc phẩm trên có thật sự đại diện cho nhạc Ý hay không? Nếu muốn nói về nhạc Ý thì tuyệt vời nhất là giới thiệu về opéra với Luciano Pavarotti hay Andréa Bocelli, còn nhạc pop thì Toto Cutugno (bài hát L’Italiano của ông được trình bày bằng tiếng Việt qua giọng hát Đàm Vĩnh Hưng dưới cái tựa Việt ngữ là: Say tình hay Trái tim tật nguyền) và Zucchero (người viết bài Miserere với Bono của ban U2 phối hợp opéra cổ điển và nhạc pop).

Bài hát La Bamba, được giới thiệu như là nhạc từ Mễ, thì cũng cần phải đặt dấu hỏi. Người ca sĩ đem bài hát thành top hit ở Mỹ là Richie Valence. Cha mẹ là di dân Mễ, Richie Valence được sinh ra và trưởng thành ở Mỹ. Nếu cho rằng La Bamba tượng trưng cho nhạc Mễ thì chúng ta nói sao về Julio Iglesias. Giọng ca siêu sao này người Tây Ban Nha mà người Việt Nam chúng ta biết nhiều qua những ca khúc bằng tiếng Pháp như Un Rêve, C’est toi ma chance, c’est toi ma chanson. Chẳng lẽ, giới thiệu ông ta đến từ Pháp? Còn nhạc của cô ca sĩ Selena thì mang quốc tịch gì: Mễ hay Mỹ?

Hơi quá đáng khi ca khúc Tình đến rồi đi, lời Việt của nhạc sĩ Phạm Duy, được chuyển dịch từ bài Il Pleut sur Bruxelles, tác giả là Michel Jouveaux và Jeff Barnel là hai người Pháp, người ca sĩ đưa bài hát này thành top hit là Dalida, gốc Ý lớn lên ở Ai cập quốc tịch Pháp, được giới thiệu là sản phẩm văn hóa của Bỉ Quốc. Nếu chỉ vì cái tựa bài hát có dính cái tên Bruxelles thủ đô của Bỉ mà bị cầm nhầm quốc tịch, thì chắc “ngày rời Paris anh đã để quên con tim”, chắc là nhạc Pháp (???) hoặc “nắng Cali không bằng nắng Sài Gòn” là song tịch, Việt Nam và… State of California (???).

Cuối cùng, mặc dù, trong phần giới thiệu ca khúc Khi xưa ta bé được nói rõ ràng là xuất xứ Bang bang, my baby shot me down của “Sonny” Bono viết năm 1966, nhưng trên bìa lại in là nhạc Pháp.

Như đã viết ở trên, trong các giáo trình lịch sử âm nhạc thế giới, khi nói về nhạc giao hưởng, người ta không nói đến quốc tịch của một tác phẩm, mà nói về khuynh hướng, trường phái,… vì nếu không chúng ta sẽ “bị” biết là nhạc cổ điển là nhạc của Đức-Áo bởi các đại nhạc sư đều từ hai quốc gia đó như Johann Sebastian Bach, Joseph Haydn, Mozart, Beethoven, Franz Schubert… May mắn thay, chúng ta được dạy là thời Cổ điển có các đại diện là Händel, Mozart, Beethoven, thời Lãng mạn có các đại diện là Franz Schubert, Mendelssohn, Chopin, Franz Liszt, thời Ấn tượng có Debussy, Ravel và v.v…

Khán giả bình dân như chúng tôi, mặc dù, khi mua sản phẩm của các trung tâm ca nhạc để giải trí và thưởng thức hoạt động văn hoá, văn nghệ Việt trên xứ người nhưng cũng cần được thông tin chính xác. Các nhà sản xuất ở trên cõi xa xăm kia cũng nên, ít nhất, tự hào về sản phẩm của mình khi được những “kẻ mù không may được chột” chúng tôi bỏ tiền mua ủng hộ mà nên nói chuyện đâu đó có sách, có chứng.

Sống trong thời đại www hiện nay, việc tìm kiếm thông tin không phải là khó; cho nên, thật khó hiểu tại sao một trung tâm lớn ở hải ngoại và với tên tuổi những mc, producer nổi tiếng trong cộng đồng nhưng lại “sáng tạo” ra những sai sót không nên có.

Chắc chỉ có hai lý do: “cẩu thả” và “khinh thường khán giả” là cách giải thích khả dĩ.

Houston, April 6. 2005

© 2005 talawas