trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngChiến tranh nhìn từ nhiều phía
28.4.2005
Nam Dao
Việt Nam, con người từ những bóng ma
 1   2   3 
 
Giải phóng dân tộc

Khi chúng tôi đến Bến Ngự, chợ bắt đầu tàn. Hàng quán đóng cửa, chỉ còn những người bán rong đang thu xếp quang gánh. Men dòng sông An Cựu, chúng tôi vừa đi vừa hỏi, lát sau tìm được nơi xưa kia cụ Phan Bội Châu đã bị Pháp giam lỏng hàng chục năm. Trong vườn nhà ông già bến Ngự, bức tượng đồng, tác phẩm của nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn, trơ vơ giữa phong rêu thách thức, chòm râu trên chiếc cằm bạnh ra oai phong, sắc đồng xanh han rỉ khiến vầng trán ông nhăn lên những nếp suy tư hằn theo tháng năm dâu bể. Không có lấy một nén hương thắp lên, chúng tôi chỉ còn biết im lặng, và tưởng nhớ.

«Cụ sống giờ này không biết cụ nghĩ chi, hả anh?»

«... khỏi cái ách thực dân rồi, chắc cụ sẽ nghĩ đến xây dựng đất nước, như tất cả chúng ta! Sinh thời, cụ ít khi đề cập đến chuyện này, và nếu có, thì cụ theo Tân Thư. Ðồng thời với cụ là Tây Hồ Phan Chu Trinh. Tây Hồ tranh đấu giải phóng qua cái sách ‘hưng dân trí’. Giải Phóng Dân Tộc như vậy đối với Tây Hồ là một vấn đề văn hóa.»

«Trong những bài giảng Lịch Sử, Giải Phóng Dân Tộc cứ được nhắc đi nhắc lại là công lao của Ðảng...»

«Giải Phóng Dân Tộc phải là giải phóng người người khỏi giặc dốtgiặc nghèo. Thật ra, nghèo vì dốt, cho nên giặc dốt là cái thứ giặc ghê gớm nhất. Từ những năm 50, Ðảng đã bưng vào Việt Nam cái mô hình văn hóa tư tưởng vừa Stalin vừa Mao-ít, tức là thứ văn hoá lưỡi gỗ với trí tuệ giáo điều đóng khung trong sáu tấm ván thiên, phản ánh một xã hội toàn trị, nói ra viết ra thì lập trường giai cấp là câu đầu miệng. Trong một môi trường văn hóa như vậy, trí tuệ bị xơ cứng, và nỗi sợ khiến con người đâm ra vong thân - tha hóa, nghĩa là mất mình, và trở thành một kẻ khác, một con người xa lạ với chính mình. Ðầu thập niên 80, tôi cảm nhận thấy ở Việt Nam trong mỗi người có đến hai, ba con người: con người ở cơ quan, vâng dạ, miệng lề lối, lấm lét tìm cách nếu không thể tiến thân thì khép nép cầu an; con người trong vòng gia đình bè bạn, bất lực như bị hoạn, yếm thế, thì thầm, lúc nào nói thật thì ngoái cổ ra đằng sau sợ có người nghe; và con người trong xã hội phố phường, rất sĩ diện, rất mẽ, sống hời hợt với sự giả tạo bề ngoài. Tóm lại, đó là con người bị xé làm 3 mảnh, song song tồn tại dưới 3 khuôn mặt, gì cũng thật nhưng gì cũng ảo, và cái tập hợp những con người như vậy thật ra không có một chất keo gắn bó họ vào cái chúng ta gọi là xã hội. XHCN, nghịch lý thay, phi xã hội hóa con người, biến họ thành những cá nhân yếu đuối, trí trá với mọi người và với cả chính mình, sống với cái ám ảnh lúc nào cũng có thể trở thành tên tội phạm của quyền lực quơ trên đầu lưỡi dao ‘tập thể’...»

«Thế hệ cha em, thì thế thật!» Bình Minh chép miệng.

«Và biến con người ra nông nỗi ấy thì giải phóng là cái gì? Tất cả là vì cái xã hội toàn trị cả!»

«Nó là cái gì mà ghê thế anh?»

Nó là gì [1] ? Xã hội là tập hợp của các hệ thống kinh tế, văn hoá và chính trị. Trong chế độ toàn trị chỉ tồn tại có một hệ thống, đấy là chính trị. Hệ thống chính trị đã nuốt chửng những hệ thống khác, xóa xã hội dân sự, tất cả đã bị khuất phục bởi Nhà Nước, tức Ðảng cầm quyền. Văn hoá tinh thần, bao gồm văn học nghệ thuật, triết học, đạo đức thậm chí cả khoa học, đều bị hệ tư tưởng Ðảng toàn trị ngốn nghiến. Ðặc điểm của chế độ toàn trị là ngoài hệ thống chính trị ra, tất cả các hệ thống khác của đời sống xã hội đều không tồn tại. Chúng đã bị trộn lộn vào làm một, được một hệ tư tưởng duy nhất cố kết, và được chỉ huy và kiểm soát từ một trung tâm. Cá nhân thành các cá nhân "hạt nhân», mất hết các mối liên hệ theo chiều ngang giữa người với người, trở thành đơn độc, một mình đối diện với Ðảng-Nhà Nước, dĩ nhiên là hoàn toàn bất lực. Từ đó, có thể rút ra một nguyên tắc, là chế độ này không có mối liên hệ phản hồi giữa quyết định của chính quyền và phản ứng của xã hội.

Hệ thống chính trị của chế độ toàn trị bao gồm bộ máy chính trị quan liêu và một loạt phương tiện (tuyên huấn, công an mật, v.v.) để đảm bảo cho nó tiếp tục nắm giữ quyền lực. Phương tiện quan trọng nhất là của hệ thống chính trị này là tính độc đảng, và phù hợp với nó là tư tưởng nhất nguyên. Sau khi đã tiêu diệt các đảng phái khác, sau khi đã hợp nhất bộ máy đảng với bộ máy nhà nước và đàn áp sinh hoạt có tính chất tự trị trong nội bộ đảng, chính đảng toàn trị này trở thành trụ cột của bộ máy nhà nước với bộ máy quản lý nằm trong tay những nhân vật chóp bu của Ðảng. Trong hệ thống toàn trị, đảng chính là con đường cho người ta thăng tiến vì nó nắm toàn quyền trong việc chỉ định các chức vụ từ lớn đến bé. Chỉ có đảng viên mới được giữ các chức vụ lãnh đạo trong bộ máy nhà nước, trong các đơn vị sản xuất, trong quân đội, trong lĩnh vực ngoại giao và tất cả các lĩnh vực khác. Giai cấp cầm quyền này (ở Liên Xô gọi là "nomenklatura") tồn tại không phải trên cơ sở sở hữu tài sản mà là nắm giữ quyền lực. Nếu trong các xã hội tư bản, theo Karl Marx phân tích, thu nhập của một người trong giai cấp bóc lột phụ thuộc trực tiếp vào số tài sản mà hắn sở hữu thì trong chế độ toàn trị thu nhập phụ thuộc vào mức độ tham gia của hắn vào bộ máy quyền lực và nhất là vào quyền lực mà hắn nắm giữ [2] .

Trong chế độ toàn trị, công tác tư tưởng đúng hàng đầu, có nhiệm vụ thực hiện: (1) Chức năng hợp thức hoá chế độ hiện thời, thường xuyên biện giải cho việc nắm quyền của đảng và lãnh tụ. Hòn đá tảng trong hệ tư tưởng toàn trị là lời khẳng định rằng chế độ xã hội hiện thời được thiết lập là do qui luật tất yếu của lịch sử tự nhiên. Trong trường hợp chủ nghĩa cộng sản thì đấy là chiến thắng tất yếu của giai cấp vô sản đối với giai cấp tư sản, và chế độ xã hội chủ nghĩa nhất định sẽ thay thế chế độ tư bản. Theo qui luật biện chứng duy vật sử quan, chủ nghĩa toàn trị xuất hiện là do nhu cầu của lịch sử. Nó chỉ thực hiện ý chí của lịch sử khi tiến hành tiêu diệt "các giai cấp bóc lột" vì một chế độ hoàn thiện hơn mà thôi; (2) Chức năng thứ hai là động viên quần chúng thực hiện các nhiệm cụ do chế độ đặt ra. Chế độ toàn trị cố gắng giữ cho quần chúng luôn ở trong tình trạng khích động vì khi tình trạng căng thẳng xã hội giảm thì sẽ xuất hiện vấn đề tự do chính trị. Vì vậy chế độ toàn trị luôn luôn giữ vững và hướng dẫn tính tích cực quần chúng bằng cách tìm ra những kẻ thù mới, chuẩn bị chiến tranh hay các phong trào, có khi là phong trào thực hiện những kế hoạch kinh tế vĩ đại. Việc động viên quần chúng dĩ nhiên là được thực hiện từ trên xuống bằng biện pháp cưỡng ép hoặc lừa mị tư tưởng; (3) Chức năng thứ ba, là "làm tê liệt về đạo đức", nhằm biến một người được giáo dục theo truyền thống đạo lý biến thành công cụ trong tay chế độ toàn trị. Ðể buộc những người này thực hiện các kế hoạch của chế độ thì cần phải cung cấp cho họ một tập hợp các tiêu chuẩn đạo đức mới. Từ đó, hệ tư tưởng toàn trị gần giống với tôn giáo, có xu hướng không chỉ cải biến hiện thực khách quan mà cải biến cả bản chất con người. Stalin từng tuyên bố: "Chủ nghĩa Marx là tôn giáo của giai cấp, là biểu tượng của đức tin". Hệ tư tưởng toàn trị biện hộ cho tham vọng giải quyết được mọi vấn đề vì nó xác định nó chính là chân lý cuối cùng. Nhưng rõ ràng rằng khi tuyên bố là chân lý tuyệt đối trong chính trị, nó đã tiêu diệt tính đa nguyên của các quan điểm, tiêu diệt tự do lựa chọn. Tuyên bố chân lý tuyệt đối trong chính trị nhất định sẽ dẫn đến phủ nhận tự do, phủ nhận dân chủ.

«Nhưng nói gì thì nói, Việt Nam ta cũng phân quyền, có Ðảng, Nhà Nước và Quốc Hội...», Bình Minh phản đối, mặt đỏ lên.

Thấy tôi ngần ngại, Bình Minh nhếch một nụ cười vẻ như chờ đợi. Tôi tiếp:

«... hệ thống chính trị trong chế độ toàn trị hợp nhất cả ba nhánh chính quyền là lập pháp, hành pháp và tư pháp vào tay một nhóm ưu tú của đảng. Nhóm đương quyền của Ðảng chọn ra thành phần của quốc hội giả hiệu lập pháp, ủng hộ mọi việc làm và thông qua mọi điều luật mà bộ máy quan liêu của đảng cần. Bộ máy hành pháp quan liêu này lại chuyển các ý nguyện của Ðảng thành nghị quyết, nghị định của chính phủ, cũng gồm toàn các quan chức đảng viên. Ðảng cũng kiểm soát công tác của toà án, nhiều khi viết sẵn cho các quan toà các bản án, đấy là nói khi Ðảng cảm thấy cần có toà án.»

«Như vậy nghĩa là ba nhánh quyền lực chỉ là những móc xích nối sợi dây xiềng... của Ðảng, cũng giống như các tổ chức như Mặt Trận Tổ Quốc, Ðoàn Thanh niên, Phụ Nữ, Công Ðoàn...», Bình Minh thốt lên như một khám phá.

«Nếu các cuộc cách mạng tư sản tuyên cáo quyền bình đẳng giữa các công dân trước pháp luật thì cách mạng Bolsevich tuyên cáo sự bất bình đẳng và tước quyền công dân của ‘những kẻ bóc lột’. Năm 1921 Lenin đã từng tuyên bố: ‘Toà án của chúng ta mang tính giai cấp, chống lại bọn tư bản’. Như vậy là trong chế độ toàn trị không có chuyện bình đẳng của tất cả các công dân trước pháp luật và toà án, không có chuyện nhà nước đối xử một cách bình đẳng với các công dân mà không phụ thuộc vào nguồn gốc, thành phần giai cấp, xã hội, tôn giáo, chủng tộc, quan điểm chính trị... Ðây là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của nhà nước pháp quyền XHCN. Trong khi đó thành phần lãnh đạo và lãnh tụ của các chế độ toàn trị lại đứng trên và đứng ngoài pháp luật. Pháp luật nhà nước không có hiệu lực đối với đảng và các đảng viên. Quyền lực của lãnh tụ và nhóm đầu sỏ cầm quyền là vô giới hạn, vì không có lực lượng xã hội nào có thể buộc họ phải tuân thủ pháp luật gì cả.»

Thấy Bình Minh ngơ ngẩn nhìn lên bức tượng cụ Phan Bội Châu như còn hoài nghi, tôi nhẹ nhàng:

«Nếu xã hội hiện là kiểu toàn trị như vừa trình bày thì quả là Ðảng... khó mà bảo đã giải phóng những con người Việt Nam trong cuộc dâu biển 60 năm qua. Cứ nhìn thành quả mỏng mảnh của nền văn học hiện thực XHCN trong 40 năm trời thì khắc biết [3] . Khi văn hóa bị xiềng bị xích, làm gì có con người giải phóng. Và không giải phóng được những con người thì hòng nói gì đến Giải Phóng Dân Tộc!»

Chúng tôi rời khu vườn nhà ông già Bến Ngự. Lối ra cỏ hoang mới được phát quang, nhưng bàn tay thu vén chắc khá vội vàng, đất xới lên mầu đen đủi như số phận những cái ta gọi là văn hóa và lịch sử trong một nền kinh tế thị trường có định hướng XHCN trước ngưỡng cửa cuộc hội nhập toàn cầu. Bình Minh mời tôi ăn bữa tối ''gia đình'', với Hoàng Oanh, người yêu của Bình Minh từ ngày ra Huế đi học. Giọng có chút ngượng ngập, Bình Minh cười:

«Nhà Oanh bán bánh bèo, bánh khoái... nên ăn uống giản tiện lắm. Em chạy bàn, còn Oanh đổ bánh, phần anh, anh nói cho bọn em nghe về chuyện kinh tế, anh hỉ!»


Hội nhập kinh tế?!

Quán ở tầng chệt, sáu bàn, ngay sau là bếp. Tầng trên là nơi gia đình Hoàng Oanh ở, có mẹ và hai người anh lớn, một người nay đi làm xa. Nghe đâu cha Oanh đã hy sinh bên Campuchia, mấy mẹ con bỏ xứ Quảng về quê mẹ làm ăn từ khi Oanh lên năm. Bà mẹ Oanh đon đả:

«Mời chú vô, mấy em nói về chú, nghe nói chú giảng dậy Kinh Tế phải không hà?»

Tôi chưa kịp đáp, Oanh chen vào:

«Nhờ anh chỉ dậy, em cuối năm nay ra trường quản trị kinh doanh, nhiều thắc mắc lắm hè. Em xin nói trước, em người Quảng Nam hay cãi... nghen, có chi anh bỏ qua! Anh Minh nói, chuyện trò với anh học được...»

Tôi ngắt lời Oanh:

«Tôi không làm nghiệp vụ giảng dậy chi hết, trao đổi bình đẳng chứ nếu không thì ta nói chuyện nắng mưa ở Huế thôi!»

Ngồi ăn, tôi nghe mẹ Hoàng Oanh phân biệt bánh khoái và bánh xèo, nhưng thú thật không nắm được gì. Nhưng bánh bèo ở đây thì tuyệt vời, và ngôn ngữ chịu, không thể chuyển cái ngon đến đầu lưỡi, có giỏi cũng chỉ khêu gợi được sự tò mò của thứ vị giác được chưng cất bằng tưởng tượng. Bất ngờ, Hoàng Oanh hỏi:

«Nghe anh Minh kể thì dường như anh chống chế độ?»

A, cô em người Quảng khai pháo, và bắn là bắn tới đích chứ không vòng vo. Tôi chựng lại một giây, nhưng lại rất thích cái thái độ rất ngay thẳng của Oanh. Nhìn Bình Minh không giấu được chút ngỡ ngàng, tôi cả cười:

«Trời, cô em, hỏi chi đâu mà khó dữ! Nói theo, thì không hoàn toàn thành khẩn, và dẫu bây giờ có nói nhưng chẳng mấy ai tin. Nhưng nói chống, thì rất chung chung. Theo gì, chống gì và nếu có, chống ra sao mới là vấn đề...»

«Thế anh chống cái gì...»

«Chống những điều đang đục ruỗng hiện tại khiến tương lai xã hội đâm ra chênh vênh. Và không chống bằng bạo lực hay kêu gọi bạo lực, mà bằng lý lẽ của mình, nhưng đồng thời vẫn chấp nhận lắng nghe lý lẽ người khác và sửa đổi khi thấy mình sai! Em nghe vậy có được không?»

Nhoẻn miệng, Oanh hạ một câu:

«Tức là ‘diễn biến hòa bình’...»

«Em không thấy đất nước ta chiến tranh quá nhiều rồi ư?»

Câu hỏi ngược khiến Oanh bật cười thành tiếng, dịu giọng:

«Em chọc anh một chút thôi! Bây giờ ta nói chuyện tích cực trước. Từ ngày đổi mới, về kinh tế Việt Nam mình bung ra, tỉ lệ tăng trưởng hàng chục năm cứ từ 6 tới 8%, sau chỉ sau Trung Quốc, và sẽ thành một con Rồng châu Á, anh có đồng ý không?»

«Những con số vừa kể tự nó không nói lên được gì nhiều đâu. Nhưng trên căn bản so sánh với những nước cùng mức độ phát triển, có lẽ ta sẽ có một hình ảnh sát sao hơn. Dựa trên bảng những số liệu [4] thống kê, chúng ta có thể so sánh Việt Nam với Thái Lan và Trung Quốc (TQ) từ thời bung ra năm 1985-86 cho đến năm 2000.

Về GDP/đầu người: Việt Nam tăng 2 lần, Thái tăng 3 lần, TQ tăng 4.3 lần. Về đầu tư, Việt Nam tăng từ 11% lên 20.1% GDP, Thái từ 23% lên 27.2% GDP, TQ từ 29.8% lên 36.1%.

Nhưng quan trọng hơn là tính cơ cấu: một nước có phát triển sẽ chuyển từ nông nghiệp qua công nghiệp và rồi dịch vụ như thường thấy. Từ 1975-2000,

Về phân bố lao động vào nông nghiệp ở Việt Nam bất biến ở mức 70-73% của tổng lực lao động, trong khi đó giảm từ 75.3% đến 51.3% ở Thái, và từ 76.3% đến 47.4% ở TQ.

Về phân bố lao động vào công nghiệp, Việt Nam giảm từ 13.6% xuống 12.6% , trong khi Thái tăng từ 8.1 % lên 17.7%, và TQ tăng từ 12.1% lên 20.4%.

Về phân bố lao động trong khâu dịch vụ, Việt Nam ở mức 14-16%, trong khi Thái thì 31% và TQ, 32.3% của tổng lực lao động.

Cơ cấu kinh tế phản ánh rõ trong khâu xuất khẩu: năm 2000, 45.7% xuất của Việt Nam là nông thực phẩm, Thái là 33.7%, và TQ chỉ 8.6%. Cán cân ngoại thương thặng dư ở Thái từ 1985, chưa bao giờ thiếu hụt ở TQ trong 25 năm vừa qua, nhưng với Việt Nam, cán cân này luôn luôn âm, có nghĩa là số nợ nước ngoài ngày một tăng. Còn số nợ năm 2000 của Việt Nam là 22.5 tỉ đôla, xấp xỉ tổng sản lượng nội địa, tức ở mức báo động.»

«Nói vậy, tức là nước ta với Kinh Tế Thị Trường có định hướng XHCN không tạo ra được một cơ cấu mới à?» Hoàng Oanh hỏi, giọng ngạc nhiên.

«Vào đầu thập niên 90, mở cửa nền kinh tế là một bắt buộc, và dĩ nhiên qui luật thị trường ‘thuận mua vừa bán’ là qui luật chung chứ ai ép được ai! Nhưng Kinh Tế Thị Trường không giải quyết được một số vấn đề cơ bản: thứ nhất, có những loại sản phẩm xã hội không thể điều chỉnh bằng giá, nhất là cho một Quốc Gia nghèo đang phát triển như Giáo Dục, Y Tế xã hội, Môi Trường... Thứ nhì, cơ chế thị trường không thể bảo đảm được một sự phân bố lợi tức xã hội hài hòa, và phân hóa giầu-nghèo, phân hóa lợi tức giữa thành thị-nông thôn, giữa các vùng địa dư [5] ... có cơ nguy tạo ra những bất bình đẳng dẫn đến những hậu quả xã hội và chính trị khó lường. Khi nghe đến cụm từ ‘có định hướng XHCN’, chúng ta có thể lầm tưởng chính quyền có những chính sách thích ứng về sự phân bố lợi tức hoặc những sản phẩm xã hội không thể ‘tư hóa’ được. Sự thật thì không phải thế: với cái định hướng vừa nói, chính quyền chỉ có mục đích giữ khâu xí nghiệp quốc doanh, thậm chí làm nó phình ra, và bất chấp nó có hay không hiệu năng kinh tế cần thiết để tồn tại.»

«Nhưng gần đây thì sao, anh?» Bình Minh lo lắng.

“GDP giảm tốc độ tăng, từ hơn 9 % xuống mức thấp nhất là 4,8 % năm 1998, nhưng năm 2004 tốc độ tăng phục hồi và đạt mức 7,5 %. Như vậy là 3 năm qua, kinh tế đạt mức tăng trên 7 % một năm. Mức tăng trên cơ bản là do đầu tư của nhà nước. Năm 2004, đầu tư lên trên 35 % GDP, khoảng gần 16 tỷ USD, một tỷ lệ đầu tư ở mức cao nhất thế giới hiện nay, nhưng lại tràn lan, thiếu chất lượng và hiệu quả. Nhưng đầu tư tràn lan để tạo cơ hội tham nhũng. Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, tham nhũng tăng chính là con đẻ của việc nhà nước đầu tư tùy tiện bất chấp hiệu quả kinh tế thực sự.

Ðầu tư của nhà nước đã nằm trong chiến lược kích cầu một cách vô trách nhiệm. Ngân sách thu không cung cấp đủ thì ngân hàng cấp vốn. Vốn của ngân hàng cấp cho quốc doanh qua tín dụng tăng năm 2003 hơn 30 %. Việc tăng tín dụng cho doanh nghiệp nhà nước và các công trình xây dựng là đầu mối của lạm phát đột biến vào năm 2004, ở mức 9,5 %. Ðầu tư vào khu vực nhà nước trước năm 1997 ở mức dưới 50 % tổng mức vốn đầu tư xã hội. Sau năm 1997, đầu tư vào khu vực nhà nước tăng mạnh và đưa tỷ lệ trên lên cao, năm cao nhất là 58.7 %, và hiện nay, 80% tín dụng đổ vào những xí nghiệp quốc doanh. Ðầu tư của tư nhân dù tăng nhanh với chính sách mở rộng hiện nay vẫn chỉ chiếm 26 % tổng đầu tư xã hội. Về đầu tư của nước ngoài, tỷ lệ vốn đổ vào đã giảm từ cao điểm 30 % xuống khoảng 17% hiện nay. Chính sách tín dụng nhằm kích đầu tư dẫn đến tình trạng lạm phát: theo dự báo thì 2 tháng đầu năm 2005 giá sẽ tăng khoảng 3,5 % (bằng cả năm 2003), mở màn cho lạm phát tiếp tục cao năm nay, và sẽ làm giảm mức thu nhập của tuyệt đại đa số dân chúng lao động Việt Nam. Lương sẽ điều chỉnh tăng 10 % năm nay, xem ra nhỉnh hơn một chút so với lạm phát 9,5 % năm 2004, nhưng không bù được việc giá lương thực thực phẩm trong năm đã tăng 17 %, mà đây là chi phí chính của dân chúng. Ðể kìm được độ tăng giá dưới 10 %, nhà nước đã phải bù lỗ 10.000 tỷ (khoảng 640 triệu USD) trong năm 2004, giải pháp mang một hình thái chẳng có tính chất gì của nền kinh tế thị trường như rêu rao. Một hiện tượng mất quân bình đáng lưu tâm là khâu ngoại thương. Xuất khẩu đạt 26 tỷ USD, tăng gần 29% so với năm trước. Tuy nhiên nhập khẩu là 31,5 tỷ, cũng tăng mạnh đưa thiếu hụt cán cân thương mại với nước ngoài 5,5 tỷ USD, bằng 21% xuất khẩu và lên tới hơn 12% GDP. Ðây là những tỷ lệ thiếu hụt rất lớn chứng tỏ sự mất quân bình trầm trọng trong nền kinh tế. Thiếu hụt cán cân thương mại phản ánh tính yếu kém, thiếu khả năng cạnh tranh của của nền kinh tế [6] . Hiện nay thiếu hụt cán cân ngoại thương chưa tạo vấn đề vì được bù đắp bởi đầu tư nước ngoài và kiều hối. Kiều hối gửi về qua hệ thống chính thức lên tới 3.4 tỷ USD năm 2004 nhưng thực tế có thể nhiều hơn. Số tiền này lấp vào thiếu hụt cán cân ngoại thương, nhưng đồng thời nó cũng có tác hại làm đồng Việt Nam cao giá và tạo sự ỷ lại của những người làm chính sách kinh tế. Vì có thể thu hút được khoản ngoại tệ không làm mà có này, họ thiếu quan tâm giải quyết yếu kém của ngoại thương mà một phần không nhỏ là do vấn đề tỷ giá mất quân bình kéo dài suốt từ năm 1990 đến nay. Riêng về tỷ giá hối xuất, thời điểm cho cơ hội giải quyết thuận lợi là khi giá cả trong nước gần như không tăng. Thời điểm đó nay qua rồi, bây giờ lạm phát cao, việc xử lý tỷ giá có khả năng tạo lạm phát phi mã. 

Chính sách phát triển kinh tế có cả chất lẫn lượng không phải chỉ nhằm tăng GDP mà còn cần tăng công ăn việc làm cho dân chúng. Ðiều này hết sức quan trọng để làm giảm phân hoá giầu nghèo giữa nông thôn và thành thị. Năm 1990, tỷ lệ dân nông thôn khoảng 80 % và thành thị là 20%. Năm 2003, tỷ lệ dân nông thôn là 74 % và thành phố là 26 %. Ở Trung Quốc, hiện nay đã có 40 % dân sống ở thành thị, đó là vì việc làm ở đó tăng. Ngược lại, ở Việt Nam, số lao động có việc làm thêm hàng năm ở thành thị rất thấp, năm 2004 chỉ có thêm 360.800 việc làm. Tổng số lao động tăng thêm năm 2004 là 1,131 triệu, nhưng con số này không nói lên gì nhiều vì lao động tăng ở nông thôn có thể chủ yếu là thất nghiệp trá hình. Ngay cả con số hơn 1,1 triệu việc làm mới cũng vẫn thấp so với chỉ tiêu 1,5 triệu lao động dự trù sẽ tăng theo như Quốc hội quyết định cho năm 2004. Kinh tế Việt Nam có khởi sắc, nhưng cũng đầy những mất quân bình cơ cấu, cần điều chỉnh để đưa vào quĩ đạo phát triển không chỉ lượng mà phải có chất và có tính bền vững. Việc chạy theo tăng tốc GDP qua đầu tư tràn lan tạo tình trạng thiếu hiệu quả, gian giảo, và tham nhũng. Nếu sự mất quân bình tiếp tục tăng thì một lúc nào đó chỉ có một cuộc khủng hoảng lớn và kéo dài mới giải quyết được nó. Ðó là chưa kể đến tình trạng phân hoá về lợi tức và mức sống ngày càng lớn giữa thành thị và nông thôn [7] , sẽ đưa đến nguy cơ bất ổn xã hội trầm trọng [8] .”


Ði về đâu?

Nhìn lên bề mặt, kinh tế Việt Nam tóm lại không phải là phương diện cho phép lạc quan: gần 20 năm từ thời kỳ Ðổi Mới, cơ cấu kinh tế vĩ mô vẫn: (i) là một nền kinh tế chủ yếu sản xuất hàng hạ đẳng (nông nghiệp, tài nguyên... với tỉ lệ thặng dư thấp); (ii) lượng lao động do thất nghiệp hoặc lãng công quá cao ở nông thôn (60% năm 2000); (iii) nhập siêu liên tục, hàng nhập là hàng tiêu dùng, và hàng công nghiệp nhẹ (vải vóc) dùng trong những doanh nghiệp sử dụng lao động rẻ để xuất khẩu (tức là, trên thực tế, Việt Nam gián tiếp xuất khẩu lao động mà thôi); (iv) khâu quốc doanh, với những hoạt động được quyền lực bao che quá lớn so với khâu tư doanh, đầu tư tràn lan, vì chính đầu tư vào những công trình tầm cỡ mới cho phép ăn hớt, tức là tham nhũng ở mức độ cao (có thể lên 40% dự chi theo Ngân hàng Thế giới); (v) năng xuất kinh tế vì thế kém, thiếu sức cạnh tranh, sẽ là vấn đề trong quá trình hội nhập.

Ghê gớm hơn, là cho đến nay, khi nhẩy từ nền kinh tế kế hoạch tập trung qua cái ta gọi là nền kinh tế thị trường có định hướng XHCN, chính quyền đánh bóng một cụm từ mù mờ để che đi cái thực tế đã nói, là dùng khâu quốc doanh để biển lận, có lẽ mục đích là tạo ra một tầng lớp nay người ta gọi là tư bản đỏ. Lớp người này tập hợp trong những tập đoàn có mầu sắc địa phương và mang hơi hướm phân chia quyền lực trong Ðảng, tích lũy tiền biển thủ từ những công trình và đề án có tài trợ dưới dạng đi vay tư bản nước ngoài và các tổ chức quốc tế. Dĩ nhiên tiền đó thất thoát ra ngoài, hoặc biến thành đầu cơ trong bất động sản kiểu gà què Việt Nam ăn quẩn cối say, khiến giá đất ở phố cổ Hà Nội trong một nước nghèo cao ngang với giá đất khu trung tâm Tokyo, New York... là một nghịch lý khiến ai có chút kiến thức kinh tế cũng lắc đầu. Có thế, con gái ông Chủ Tịch Quốc Hội mới có thể chi 75 ngàn đôla US cho một buổi tối sinh nhật như báo chí loan tin. Có thế, cậu quí tử con ông thứ trưởng phân quota may mặc mới quát công an, mày không biết bố tao là ai à! Có đất, thu địa tô. Có quyền, thu quyền tô. Nhưng quyền không bền, nên phải chụp giựt khiến quyền tô rất cao, có thể lên đến 30-40% những món nợ “quốc gia”. Ai trả nợ, tôi hỏi? Một nhân vật trong tầng lớp tư bản đỏ tiếp tôi trong một buổi tối tôi được đãi ăn cơm tây với dao nĩa bằng vàng thản nhiên đáp, con cháu sau này! Cuộc đánh cướp thời này là cướp cả những thế hệ chưa kịp sinh ra nhưng đã mắc nợ. Có kẻ trong đám mới giầu lên lại hão huyễn đưa ra cái viễn tưởng rằng những thay đổi tích cực như tinh thần dân chủ, đạo lý và công chính sẽ từng bước được khôi phục với “giai cấp tư bản”. Xin thưa rằng không, không thể có chuyện này: tiến bộ theo xu hướng dân chủ xưa nay chưa bao giờ đến từ những ông chủ đất, và cái giai cấp tư bản hoàn thành nhiệm vụ mang nền dân chủ - nhân quyền đến nhân loại ở phương Tây là những kẻ chống lại quyền lợi những ông chủ đất đứng đằng sau những chế độ quân chủ phong kiến [9] . Kinh Tế Thị Trường nhưng quốc doanh chơi luật quyền lực chính trị. Ðịnh hướng XHCN chẳng qua là cách Ðảng khẳng định vai trò độc tôn và độc quyền thống soái tài sản quốc gia.

Việt Nam không hề có một sách lược phát triển nào trong 30 năm qua. Chính quyền hài lòng với những tỉ lệ tăng trưởng GDP nào là 6, 7 hay 8% và cho thế là đạt được những thành tựu lớn! Thực ra, vấn đề phát triển, ổn định và hội nhập phức tạp hơn. Nhìn quanh, từ Nam Hàn, Ðài Loan, Ấn Ðộ... cho đến những nền kinh tế của những quốc gia- đô thị như Singapore, Hong Kong, người ta đều tìm được những ưu thế kinh tế đặc biệt để len vào tìm chỗ đứng trong nền kinh tế toàn cầu. Nam Hàn từ thập niên 70 đã thành số 1 hay 2 trong công nghiệp đóng tầu. Ðài Loan thúc đẩy phát triển công nghiệp điện tử, Ấn Ðộ khởi động công nghiệp “chất xám”, Hong Kong và Singapore thì tập trung vào dịch vụ, ngân hàng, tài chính trong vùng, v.v... Hội nhập ở mức độ vùng kinh tế hay ở mức độ toàn cầu đều có nghĩa là có phân công kinh tế, và sự phân công đó liên hệ đến, và dựa trên, ưu thế tuơng đối một nền kinh tế này đối với những nền kinh tế khác. Ưu thế của Việt Nam là gì? Hỏi, chúng ta sẽ chỉ nghe đi nghe lại bài người Việt thông minh cần cù chịu đựng, nhưng ít ra nay cũng không còn đèo vào câu đất nước chúng ta được thiên nhiên ưu đãi với rừng vàng bạc biển!

“Không sách lược”, Bình Minh đắn đo, “nhưng...”

“Không sách lược, nhưng Việt Nam chẳng thiếu khẩu hiệu: dân giầu nước mạnh, ấm no hạnh phúc, sống nếp sống văn minh với truyền thống đậm đà bàn sắc dân tộc... Ðồng thời, những khâu lẽ ra không phải là hàng hóa trao tay qua cơ chế thị trường như giáo dục, y tế... được ''xã hội hóa'' ở cái nghĩa là Nhà Nước phủi tay, để xã hội lo: như một bước lùi trong lịch sử những định chế về giáo dục [10] chẳng hạn, thế hệ bây giờ có thể mua luận án, bằng giả, đút lót các cô các thầy để kiếm chút danh hờ... Và thế là đâu đâu cũng đầy những tiến sĩ, phó tiến sĩ, giáo sư... in trên danh thiếp [11] . Như vậy, ta đi về đâu khi trong thiên niên kỷ này thế giới đang chuyển sang kinh tế tri thức? Vấn đề đào tạo con người trong những xã hội đang tìm cách vượt thoát nghèo dốt trong bối cảnh hiện nay là vấn đề hàng đầu. Và những con người trong xã hội chúng ta bây giờ ra sao? Ðọc báo trong nước, rõ là đạo lý suy thoái! Hình như con người bây giờ không còn ý thức xã hội, sống chết mặc bay, ai nấy lo làm ‘giầu’, vinh thân phì gia, hành xử theo một thứ chủ nghĩa thực dụng thô thiển hời hợt để biện minh tất cả, nhưng thật là chỉ cho cá nhân mình. Luật chơi trở nên trò chèn ép, mánh mung, ăn cắp ăn trộm vặt...

Tại sao? Phải chăng thất bại hiển nhiên nhất của một chế độ là sự thất bại trong xây dựng con người? Trồng cây, 10 năm. Trồng người, 100 năm. Cây xanh ta chặt, môi trường ô nhiễm, lũ lụt hàng năm ven Trường Sơn, sẽ lấy gì để hy vọng một chính sách phát triển bền vững. Còn đám trẻ vừa đến tuổi hát đồng dao trong phố phường bụi bậm hay trên ruộng đồng ngày một chật vì người mỗi lúc một đông, ta hớt ngay những hy vọng một cuộc sống có ăn có học, có tình người với nhau, có một hiện tại ổn định và một tương lai để chia chung! Có phải người Việt Nam chúng ta kém trí tuệ, thiếu khả năng? Không. Cộng đồng người Việt lưu lạc ở hải ngoại chứng minh rằng người Việt có những thành tựu không thua kém bất cứ một cộng đồng di dân khác. Tuổi trẻ Việt Nam ở nước ngoài có thể nói rằng khá thành công trong các trường Ðại Học, các doanh nghiệp công, tư... Như vậy, lý luận đơn giản cho thấy thì ra chỉ trong nước mới có những vấn đề con người ở mức độ báo động.”

“Giờ phải làm chi anh?”

Tôi không biết nên trả lời thế nào! Chẳng lẽ tôi lại nói, bỏ điều 4 trong Hiến Pháp. Hay nới ra những cái nghiêm cấm trong điều 30 và 33 [12] để cởi trói tư duy và cho thông tin báo chí có nhiều tự do hơn. Chẳng lẽ tôi nhắc lại lời ông Ðặng Quốc Bảo, yêu cầu trong nội bộ Ðảng CSVN có đối trọng [13] , tức ít nhất đảng viên có quyền suy tư và hành động chính trị theo một phương hướng khác với sự áp đặt nhân danh một tập thể hạt nhân độc đoán không dung hợp bất cứ gì khác mình? Hay chẳng lẽ tôi cũng lên tiếng tố cáo cái xã hội đen nay là con do Ðảng sinh thành [14] ... Những điều hiển nhiên này, nói ra đâu cần có tôi.

Phải chăng đã đến lúc phải nghĩ lại là xã hội Việt Nam ta cần có những thay đổi nào để tạo ra cơ sở thuận lợi ngõ hầu hội nhập vào thế giới. Ngày nay, diễn trình tiến hóa của lịch sử không còn rập theo cách vận động dựa trên hình thái đấu tranh giai cấp. Hai mươi năm vừa qua, những tiến bộ vượt bậc trong công nghệ kỹ thuật thông tin và tự động cho phép nhìn thấy một viễn cảnh trong đó lao động, kể cả lao động chất xám, có khả năng được thay thế bằng những phương tiện máy móc hiện đại. Giai cấp công nhân ở những nước tiền tiến ngày một teo tóp lại, đồng thời ý thức giai cấp cũng như cuộc tranh đấu theo mẫu hình công đoàn bị đẩy lùi từ sau chiến tranh lạnh. Hiện nay, 500 tập đoàn tư bản kiểm soát 2/3 tổng sản lượng kỹ nghệ thế giới, và dẫu có cạnh tranh nhưng cũng biết kết hợp để chiếm độc quyền đặc lợi. Từ 15 năm qua, nhiều consortium tài lực đã hình thành, hoạt động đa dạng, đa ngành, mang tính toàn cầu, với những cơ quan có chức năng quốc tế (như World Bank, IMF, WTO...) đứng hậu thuẫn và đảm bảo một thứ pháp chế đứng trên và chi phối những quyển lợi quốc gia cá biệt. Công nghiệp mức trung và nhẹ cần sử dụng nhiều lao động được chuyển giao từng bước cho những nước đang phát triển, nhưng trong điều kiện thế giới thừa lao động với chất lượng và tay nghề có thể nhanh chóng đào tạo, công nhân không thể tạo ra những áp lực đáng kể với những xí nghiệp đa quốc gia với vốn tư bản khổng lồ và có thể chuyển dịch bất cứ lúc nào đến những nơi ít biến động. Cho nên, nền chuyên chính một giai cấp công nhân vô sản có rất nhiều khả năng là sự không tưởng cuối cùng của nhân loại. Xã hội toàn trị chuyên chính chắc chắn sẽ tiêu ma. Nhưng trong thiên niên kỷ này, yếu tố nào sẽ là yếu tố vận động lịch sử? Thế giới mai sau sẽ tập trung vào những đơn vị văn hoá-chính trị-kinh tế siêu quốc gia? Hay sẽ tách thành những xã hội nhỏ có khả năng co cụm tồn tại với những đặc thù và bản sắc cá biệt? Dù với khả năng nào đi nữa, xu hướng trên thế giới là tiến tới những xã hội dân chủ dựa trên nền tảng một số quyền cá nhân bất khả xâm phạm. Trong hướng đó, có lẽ Việt Nam chúng ta phải động não tìm ra những viên gạch xây từ đầu nền tảng cho một cơ sở dân chủ - xã hội phù hợp với truyền thống lịch sử và văn hóa của chúng ta [15] . Muốn thế, đầu tiên con người phải trở lại làm người với nhau để cấu thành một xã hội. Và xã hội phải thiết lập lại định chế dân sự với những quyền công dân cơ bản [16] .

Bình Minh giục:

„... Nhưng anh ơi, phải làm chi đây anh? Có người nói dân chủ là dẫn đến năm bè bẩy mối, chia rẽ xung đột, rồi lại bạo loạn, như bên Phi Châu...“

„Không phải thế! Loạn là do xã hội không pháp chế luật lệ. Những nước dân chủ trên trái đất này loạn hết à? Nhưng quá trình tiến đến một xã hội dân chủ thì quả có những yếu tố bất ổn. Ðó là vì người Việt Nam chưa hề biết thế nào là tự do bởi hàng trăm năm nay chúng ta phải sống qua chế độ phong kiến, thực dân, rồi hai cuộc chiến dài, và sau đó là thời gian mò mẫm xây dựng xã hội theo một mô hình chẳng mấy thích hợp sau giải phóng. Vì không tự do, nên mỗi người chúng ta đều ít ý thức cá nhân, nhất là cá nhân như một phân tử xã hội, biết tôn trọng những cá nhân khác. Và chưa có thói quen cũng như tinh thần đối thoại với nhau, nên ta dễ sa đà vào những thuộc tính bầy đàn phe phái thường dẫn đến những hành xử quá khích, thậm chí bạo lực. Vì vậy, cần một cái khung để thực hiện quá trình dân chủ. Nhưng dân chủ là gì? Ðâu phải dân chủ là chỉ là đi bầu cử ra người đại diện định kỳ cho mình! Trước hết, dân chủ là một giá trị tinh thần trên cơ sở đó con người đồng thuận xây dựng với nhau một xã hội. Tinh thần dân chủ đòi hỏi mỗi cá nhân - tự do và có những quyền con người bất khả xâm phạm - đều tôn trọng những cá nhân khác, cũng tự do và cũng có những quyền cơ bản như mình. Với tinh thần đó, xã hội dân chủ tất nhiên là sự kết hợp của những con người có tự do và có những quyền con người bình đẳng với nhau...”

Hoàng Oanh mất kiên nhẫn, xin lỗi ngắt lời, hỏi một câu rất thực tiễn:

“Cụ thể là thế nào? Anh nghĩ Ðảng sẽ nới tay chia quyền cho người khác à? Ban phát như thế thì Ðảng được gì?”

“Cứ nghĩ Ðảng là một khối thuần nhất thì nay không đúng. Trong Ðảng, quyền lực đã khai sinh ra một lớp tư sản và một giai tầng trung lưu thành thị. Họ đã có tư hữu, dĩ nhiên muốn bảo vệ tài sản, và muốn cho bền vững thì cách hay nhất là mở rộng và triệt để hợp pháp hóa quyền tư hữu kể cả “những phương tiện sản xuất”. Họ sẽ không chống lại xu hướng dân chủ. Ngoài họ, trong Ðảng có những đảng viên thật lòng yêu quê hương đồng bào và nhận ra rằng cuộc Cách Mạng mà họ đã dâng hiến cả cuộc đời không thể mang lại điều họ mong ước, là cơm no áo ấm và công bằng xã hội cho mọi tầng lớp. Họ cũng mong có thay đổi, và trước ngọn triều toàn cầu, họ biết là không có cách gì khác là phải dứt khoát với một ý thức hệ không hiện thực và không có chỗ dựa. Nhưng quan trọng hơn cả là giới trẻ, những người tay chưa vấy tì vết thế cuộc, có khả năng trí tuệ giữa một thế giới khó có thể bưng bít thông tin, sẽ đặt lại những vấn đề cơ bản. Trước ba thế lực vừa nói, Ðảng sẽ chẳng ban phát gì mà chỉ chuyển mình động não để có thể tiếp tục tồn tại lâu dài nếu chính là Ðảng vẽ ra cái khung cho quá trình dân chủ hóa xã hội. Chẳng hạn, bước đầu Ðảng dân chủ hoá chính mình, không tiếp tục tập quyền vào Bộ Chính Trị, chấp nhận sự đa cực với những ý kiến khác biệt công bố trước truyền thông, báo chí của các ủy viên Ban Chấp Hành Trung Ương về những vấn đề có tầm cỡ chính sách...”

Bình Minh khoát tay:

“Ðã leo lên đến cấp cao, giữ ghế đã chứ mấy ai muốn thay đổi!”

“Ấy, em đừng đánh giá thấp những thay đổi từ bên trên. Em quên Ðại Hội VI Ðổi Mới rồi sao. Nay, dư luận bàn ra tán vào cụm từ Dân Chủ Cơ Sở do đương kim Tổng Bí Thư Ðảng phát biểu. Nếu dân chủ từ cơ sở nghĩa là ngay ở cấp xã, dân bầu ra Hội Ðồng Nhân Dân Xã nhưng không theo cái kiểu Ðảng cử Dân bầu nữa, và cứ thế từng bước đi lên những cấp chính quyền cao hơn thì chậm nhưng chắc, và sẽ mở đường cho những diễn trình thay đổi linh động sau này. Còn không bầu cử, nhân sự cầm quyền ù lì không thay đổi bất chấp dân nghĩ thế nào, sống ra sao, nhưng hễ có động tịnh gì thì mang công an ra trấn áp thì rồi sẽ loạn. Và loạn to...”

Hoàng Oanh thở dài:

“Quê cha em ở Ðiện Bàn, nông dân mất đất, thưa kiện cả chục năm nay... Vẫn mấy ổng cũ xì, nên con kiến đi kiện củ khoai, anh à!”

“Ở Nam Ðàn quê em cũng rứa, Bình Minh buột miệng... Ðúng, giá mà cứ ba năm, bốn năm dân được đi bầu cho những người mình tin tưởng thì thiệt là đỡ khổ cho những kẻ thấp cổ bé miệng. Ðó là dân chủ, nhưng hơi chút là các ổng lại kể công giành độc lập, thống nhất đất nước và giải phóng dân tộc. Hết ý, các ổng đem cả bác Hồ ra dọa thế là không như lời Bác dậy...”

Tôi buồn bã, nói nhỏ:

“Thực tiễn lịch sử về ba chữ độc lập, thống nhất và giải phóng dân tộc thì ta đã trao đổi với nhau nhiều rồi. Ðó là chuyện tuyên truyền mãi nên nghe-như-thật, chẳng một ai nghĩ đến thực chất nội dung. Nhưng xương máu đã đổ trên mọi miền đất nước, là giá đã trả cả bên này lẫn bên kia, và là công lao của những người đã nằm xuống mà chúng ta sẽ không bao giờ quên. Còn ai đó mang bác Hồ ra răn đe, thì các em có thể dẫn lời bác năm 46, độc lập mà dân cứ đói cứ khổ thì độc lập làm gì?

Rồi các em xin họ đừng sử dụng những tiêu ngữ Ðộc Lập-Thống Nhất-Giải Phóng để tự tâng công nhằm chụp lên đầu mọi công dân một vòng kim cô xiết lại không cho ai có cái quyền tư duy tự do trên những vấn nạn của một xã hội đang chông chênh trên vực bờ hủy diệt.”

“Cuối cùng rút tỉa gì trong câu chuyện đây anh?” Bình Minh đăm đăm nhìn.

Nhìn ánh đèn chiếu cầu Tràng Tiền lịm tắt, tôi từ tốn:

“Ta rút tỉa gì được từ câu chuyện đã nói với nhau sau khi lược lại lịch sử 60 năm vừa trôi qua? Xin nói ngay, không ai ảo tưởng có thể sở hữu gì về một thứ chân lý bất khả tranh cãi nào đó. Phần mình, tôi chỉ thành tâm mong đặt vấn đề để cùng đào xới mong cho tương lai đất nước chúng ta đã quá ư thiệt thòi gian khổ tươi sáng hơn. Thành quả lớn lao nhất của người Việt Nam chúng ta là đã toàn vẹn lãnh thổ và xóa được những chia cắt đất nước do Thực Dân và Ðế Quốc áp đặt. Ðổi lại, máu và nước mắt cùa quân dân Nam, Bắc đã thấm vào đất vào sông vào biển ông cha ta để lại. Trên cây thánh giá cứu chuộc trong thiên niên trước, người Việt Nam chịu đóng đinh suốt từ 1945 cho đến 1975, đòi hỏi quyền độc lập và phất ngọn cờ giải phóng khỏi ách kềm kẹp của những dân tộc bị áp bức. Nhân loại đã tri ơn sự hy sinh này, và từng hướng về xem người Việt Nam chúng ta bước xuống thập giá để phục sinh như thế nào. Cuộc phục sinh đó mang ý nghĩa Ðộc Lập- Tự Do- Hạnh Phúc vẫn còn viết trên tất cà những văn bản công quyền. Ðộc lập chính trị của một quốc gia, dẫu tương đối trong tương quan toàn cầu ngày nay, tỉ lệ thuận với cái chúng ta quen gọi là dân giầu-nước mạnh. Nhưng làm sao để dân giầu đây? Dân có thề nào giầu lên được khi xã hội khép cứng tư duy mọi thành viên vào một khuôn phép chính thống chỉ còn biết bám vào mục tiêu ổn định quyền lực? Có lẽ chúng ta phải vượt qua sự Thống Nhất hiểu là thông nhất quyền lực chính trị bằng quan điểm rằng Thống Nhất là tìm ra sự đồng thuận tổng hợp mọi mặt về một tương lai đất nước chăng? Nhưng muốn thế, mọi công dân phải tự do -hiểu trên bình diện cá nhân- với những quyền hạn và nghĩa vụ xã hội. Nói cho cùng, Tự Do là cái đích của công cuộc Giải Phóng con người, và là điểm xuất phát đi đến Hạnh Phúc. Bước xuống thập giá, cuộc phục sinh không thể thực hiện khi con người tay chân đóng đinh lại bị áp chế, để quyền lực nặn ra bóp lại cho nhỏ như nhau, tất cả nhân danh một lý tưởng xã hội chủ nghiã chắc chắn bất khả thi trong thiên niên kỷ này. Nay, tôi nghĩ đã là lúc chúng ta phải làm một cuộc đại lễ sám hối cho những người sống và giải oan cho những bóng ma chưa siêu thoát trên mọi miền, ở mọi phía. Và từ đó, người Việt Nam ở hiện tại nắm tay nhau đồng tâm xây đắp tương lai đất nước trên cơ sở đồng thuận về một xã hội thực sự nhân bản và văn minh. Một xã hội, dù muốn hay không, cũng như mọi xã hội trên trái đất nhỏ bé này, phải hội nhập vào cộng đồng thế giới...

Bình Minh quay nhìn ra ngoài trời. Hoàng Oanh rót nước cho tôi, nén thở dài, cười làm vui nhưng không giấu được chút ánh buồn đọng cuối mắt. Ðã khuya, tôi cám ơn gia đình Oanh và xin kiếu từ. Mai tôi ra trường bay Phú Bài, vào Sài Gòn mấy bữa rồi bay trở lại miền đất tuyết đã cưu mang tôi mấy chục năm nay. Nói câu tạm biệt, nhưng trong lòng, tôi nghĩ sẽ chẳng có dịp nào như thế này, ăn một bữa rất Huế, và nói những chuyện rất Việt Nam. Phần tôi, tôi thật không ngờ gập và chuyện trò được với hai người bạn trẻ có những trăn trở khác với nỗi lo sinh kế ta thường nghe như câu đầu cửa miệng trên khắp nẻo đường đất nước. Những điều tôi trao đổi, tôi chẳng biết chúng có mang lại được gì cho những người sơ ngộ, nhưng thôi, biết thế nào hơn...

Tôi không muốn Bình Minh đèo tôi về khách sạn. Ðêm cuối cùng, tôi xin được một mình với Huế. Men bờ sông, tôi bước về phía cầu Bạch Mã, qua trước cổng Thành Nội nay vắng lặng không một bóng người. Nhưng thật lạ, khi ngước nhìn cửa Ngọ Môn, bỗng dưng tôi hân hoan một điều gì chưa hẳn định hình, như gió đêm chợt đến chợt đi, đùa vào nhân gian cái cảm nhận của những đổi thay tất nhiên như qui luật của sự sống. Nhưng niềm hân hoan đó mơ hồ, như đêm mơ hồ, như những ngày ở Huế cố đô, mơ hồ và ám ảnh... Sáng hôm sau tôi lấy xe của Việt Nam Airlines ra Phú Bài từ lúc tinh mơ. Và, ơ kìa, tôi không ngờ, Bình Minh và Hoàng Oanh đèo nhau ra sân bay tiễn tôi. Huế như thế không phụ bạc. Còn nhân tình. Và từ đó thì còn tất cả. Lần đầu trên quê hương tôi vẫy tay thực tâm hẹn một ngày về với những người ở lại.


Nắng trong lòng

... Tôi đã nói quá nhiều về quá khứ. Và những bóng ma. Kẻ cầm trịch hô khúc ruột ngàn dặm - là da là thịt của Tổ Quốc - hãy khép lại quá khứ. Nhưng những lời nói suông không đánh tráo được sự bất hạnh khủng khiếp của những ngày qua. Quá khứ chỉ khép lại khi tương lai mở ra. Tất cả oán hận kia có thể xả ra và quên đi, tức là thực sự có hoà hợp hòa giải dân tộc, khi chúng ta cùng thấy và cùng xây dựng tương lai để hiểu rằng những thương tích trong quá khứ kia là bàn đạp để bước vào một ngày mai tươi sáng hơn. Trách nhiệm Lịch Sử này là trách nhiệm chung. Những kẻ nào thui chột tương lai dưới bất cứ một thứ danh nghĩa nào, một tập hợp quyền lực nào, đều là những kẻ phản quốc. Ngẫm lại, bao nhiêu trăm năm qua, chúng ta lúc nào cũng có một kẻ thù để chống lại. Sự tồn tại của chúng ta không đến từ sự khẳng định chính mình. Nó đến từ sự phủ định những kẻ xâm lăng. Chừng mực nào, bất hạnh khởi đi từ đó. Trong thế giới ở thiên niên kỷ này, xâm lăng mang hình thái mới, kẻ thù còn, nhưng không dễ nhận diện. Và cũng không thể đơn giản nghĩ rằng chỉ những người khác mới là kẻ thù. Khi chỉ còn lại chính ta đang chiến đấu với bóng mình ở bên kia mặt gương, sự bất hạnh đó biến thành hiểm họa tự giết mình.

Chưa bao giờ tôi có thể điên dại để tự đề nghị với mình một trách nhiệm quá lớn. Nhiều lần, tôi đã mong được thấy những giá trị hão huyền bén rễ sâu xa trong tâm não tôi được thải ra ngoài như thứ ô tạp cần gạn lọc. Tôi không phải là kẻ dễ mất niềm tin, nhưng trong tôi, tuyệt vọng lắm khi làm mùa độc nếu như tôi không còn cái may mắn gặp gỡ cùng tuổi trẻ. Với tuổi trẻ, tôi gầy lại lửa nuôi dưỡng hy vọng, và trước những con mắt trong sáng vây quanh, lòng ái ngại biến tôi thành một bóng tối nhỏ nhoi. Với những trái tim quí báu đó, có thật tôi đã đóng góp một điều gì tốt đẹp? Nhưng, tôi ơi, khi đã lỡ có cơ duyên thì những tình cảm kia phải được đền bồi. Thu mình ngậm miệng từ đó hết cơ hội tự giải oan. Ðó là sự liêm sỉ tối thiểu.

...Tôi rất buồn bã khi tuổi trẻ ồn ào kêu la quốc nhục khi thua một trận bóng đá với đội nước ngoài nhưng lại dửng dưng im tiếng khi những người con gái Việt Nam phải bán thân ra chợ buôn người mong tìm được một người chồng để đi Ðài Loan, Mã Lai... Tôi hoảng sợ khi nhìn thấy những tâm hồn đẹp đẽ quanh đây bị cuốn hút vào những suy tư thực dụng hời hợt, những hành xử ích kỷ không còn gì là đạo lý xã hội, và những chọn lựa trào lưu. Những chọn lựa đó thường có vẻ đẹp bề mặt nhưng không can dự gì với ý thức. Hay nếu có, chỉ là loại ý thức để những con vẹt hót lại. Trong cách thế đó, chọn lựa chỉ đồng nghĩa với sự tự hủy và cùng nhau kéo theo những cái chết thanh xuân. Ðáng ra, chúng ta hãy chọn lựa giành điều kiện làm người với nhau và cho nhau. Khi vì chọn lựa đó mà phải làm tên tử tội, ta chỉ là tên tử tội của định mệnh riêng tư. Không mơ mộng trên xương máu đồng loại. Không hát những tiếng hát cổ vũ sự sinh nở của hận thù. Gắng che chở cho tâm hồn. Phải biết sáu mươi năm qua cỏ dại và nấm hoang đã mọc quá nhiều trên đó.

Nhưng đã muộn chưa? Chúng ta đang chênh vênh trên con dốc hủy diệt? Cái gia đình chung đã có lắm điều tồi tệ. Ðúng thế, nhưng chưa muộn. Nhớ lại lời nói khi xưa với Bình Minh, vài ba mươi năm có hề chi, lịch sử là con đường dài trước mặt, tôi đoan chắc rằng tôi chỉ nói lên một sự thật giản đơn. Những điều tồi tệ đã làm đều có thể đảo ngược trong tương lai, nếu chúng ta thực sự muốn cưu mang tương lai. Chúng ta được thương xót, được vỗ tay từ khắp nơi, rồi cũng bị dè bỉu khen chê. Với tình cảm nhân loại, sự đãi ngộ của chúng ta như thế cũng đã quá nhiều. Không có ai có thể làm gì khác hơn thế. Không có ai thay ta để định đoạt vận mệnh ta. Việc chúng ta, ta phải sắn tay lên. Hãy bắt đầu phá bỏ đấu trường. Phá bỏ sân khấu. Tuồng tích không còn gì làm ngạc nhiên. Với kinh nghiệm thương đau, chúng ta đều hiểu rõ hạnh phúc ở đâu. Trên con đường chúng ta đã đi qua tuyệt nhiên không có.

Ðiều tôi muốn nói để trả món nợ với Bình Minh, là chưa muộn nếu chúng ta lên đường từ một quá khứ cùng hiểu ra để tránh được những bước hững chân mai sau. Chỉ xin được bước những bước vững chắc, với ý thức tìm về quê quán là con người. Như những đứa con nhân loại, chúng ta biết còn sẽ vượt qua bao nhiêu sa mạc, bao nhiêu đại dương. Những thiệt thòi đã đủ lớn nên ta không thể để cả một giống nòi bị hụt hơi vì vô vọng. Và mỗi bước tôi đi, tôi sẽ để nắng vào lòng, ngước mặt nhìn trời thật sáng.



Phụ Lục:
Cơ cấu kinh tế: so sánh giữa Việt Nam, Thái Lan và Trung Quốc trong 25 năm qua*
Nguồn: L’État du Monde 2000, Ed La Découverte et Boréal. Số liệu thống kê tính trên cô sở số của PNUD và ONU.

  Việt Nam Thái Lan Trung Quốc
Năm 75 85 99-00 75 85 99-00 75 85 99-00
PIB/người
(đôla PPP)
... 936 1860 809 2072 6136 273 839 3617
% phát triển KTế 4.5 7.4 4.8 7.3 5. 4.2 9.4 9.7 7.1
Ðầu tư (% PIB) ... 11.5 20.1 23. 27.2 20.1 29.1 29.8 36.1
% lạm phát 5. 91.6 4.1 5.3 2.4 0.3 1.1 9.3 -1.4
Phân bố lao động
%NôngNg 72.3 71.3 71.5 75.3 67.4 51.3 76.3 73.3 47.4
%CôngNg 13.6 14 12.6 8.1 12.1 17.7 12.1 14.5 20.4
%Dịch vụ 14.1 14.7 15.8 16.6 20.5 31 11.6 12.2 32.2
Nợ ngoài (tỉ đôla) ... 0.1 22.5 1.9 17.5 105 5.8 16.7 154.6
Lãi nợ/Xuất khẩu ... 8.9 9. 12 29.3 18.4 4.3 8.6 8.6
Ngoại thương
Nhập khẩu (tỉ đôla) ... ... 3.13 0.63 1.85 13.58 2.02 2.28 26.67
Xuất khẩu (phân bố %) 3.15 -------- -------- 23.58 3.82 2.30 28.3
1- Nông, thực phẩm 37.3 82 45.7 74.1 52.7 33.7 42.4 16.2 8.6
2 - Dầu, năng lượng ... ... 13.1 9.8 3.1 0.6 16.3 8.4 3.8
3 - Công nghệ ... ... 40 ??? 13.2 42.7 73.1 47.5 71.4 85.3
Cán cân ngoại thương -1.8 -5.5 -0.2 -5.3 -4.9 10 1.8 0 1.6

12.04.2005

Nguồn: Bài sắp đăng trên tạp chí Văn Học (California) số 225, tháng 5-6.2005 (
www.vanhoc.net
)



[1] Nadegda Kutznetsova, Nhà nước toàn trị (Nguyên Trường dịch), talawas 01.10.2004.
[2]Chính sự tồn tại của giai cấp quan liêu nắm quyền lực chính trị này là nguyên nhân sinh ra hiện tượng sùng bái lãnh tụ. Lãnh tụ toàn trị được gán cho những tính chất siêu phàm: không bao giờ sai, biết hết, có khả năng suy nghĩ cho tất cả mọi người... Sự chuyên chính của một đảng nhất định sẽ dẫn tới một hệ tư tưởng chính thức buộc mọi người phải công nhận và xâm nhập vào mọi lĩnh vực của đời sống. Hệ tư tưởng toàn trị trước hết là phương tiện tranh thủ quần chúng để củng cố quyền lực của bộ máy đảng, phản ánh chủ yếu quyền lợi vật chất của tầng lớp nắm quyền lực chính trị và xuyên tạc các mối quan hệ xã hội, che giấu bản chất thật sự của chính xã hội đó. Chính tầng lớp chóp bu nắm quyền đứng trên học thuyết của mình và chẳng có mối quan hệ gì với nó cả. Những lãnh tụ toàn trị đều biết rằng để nô dịch tất cả các phong trào quần chúng họ đều cần huyền thoại. Mussolini, thủ lãnh phát-xít ý, đã phát biểu về quan hệ của lãnh tụ toàn trị và tầng lớp ưu tú đối với hệ tư tưởng - huyền thoại mà nó tuyên truyền như sau: "Chúng tôi tạo ra huyền thoại; huyền thoại là niềm tin, là lòng nhiệt tình; nó không phải là hiện thực, nó là động lực và hi vọng, là niềm tin và lòng dũng cảm". Nhưng huyền thoại là phương tiện tư tưởng làm sợi dây sỏ mũi đám đông. Hành động của các viên chức quan liêu của đảng thường thường không được quyết định bởi hệ tư tưởng chính thức mà được quyết định bởi mục tiêu củng cố và phát triển quyền lực của mình.
[3]Dã Tượng, Văn học, Nội lực, trong-ngoài và một vài tra vấn... với nhà văn Nguyên Ngọc, Hợp Lưu, 2003
[4]Tham khảo Phụ Lục đính kèm dưới đây.
[5]Tham khảo P.Ð. Chí và TB Nam (chủ biên), Ðánh thức con rồng ngủ quên, Kinh Tế Việt Nam đi vào thế kỷ 21, bài 24: Về chênh lệch thu nhập theo Vùng và giữa Thành Thị- Nông Thôn, Nguyễn Mạnh Hùng, NXB TP Hồ Chí Minh, Vapec, và Thời báo Kinh Tế Sài Gòn, 2001.
[6]Vũ Quang Việt, Kinh Tế Việt Nam năm 2004, Diễn Ðàn 2-2005. Xin trích: Nền kinh tế hiện nay chủ yếu là phát triển sản xuất hàng hoá theo đơn đặt hàng không đòi hỏi công nghệ cao phục vụ thị trường nước ngoài do đó xuất khẩu tăng nhanh, nhưng ngược lại nhập khẩu tăng mạnh hơn vì nhu cầu nhập nguyên liệu, máy móc làm hàng xuất khẩu và phục vụ tiêu dùng cũng như đầu tư của nhà nước. Ðồng Việt Nam lại ở mức giá cao so với đồng Mỹ trong nhiều năm qua nên có tính khuyến khích nhập khẩu. Việt Nam là một trường hợp khá ngoại lệ so với nhiều nước khác ở khu vực. Kinh tế dựa vào ngoại thương nhưng họ thì cán cân ngoại thương thừa còn Việt Nam thì cán cân ngày càng thiếu hụt cao. Trần Văn Thọ trong Thời Ðại Mới số 3, www.thoidai.org, đã nêu lên một lý do, đó là sự thiếu gắn bó giữa sản xuất xuất khẩu và sản xuất nguyên liệu phục vự sản xuất xuất khẩu, đặc biệt là trong hai ngành may mặc và xe máy. Theo điều tra các công ty có vốn nước ngoài, 75 % nguyên vật liệu và phụ tùng là nhập từ nước ngoài, các công ty có 100 % vốn nước ngoài thì nhập khẩu gần như 100 %. Thống kê cho thấy hầu hết hàng nhập là có mục đích sản xuất (được ưu tiên mức thuế thấp), không phải hàng tiêu dùng, nhưng thực chất là để tiêu dùng, thí dụ như việc sản xuất xe máy cho thấy, linh kiện nhập để sản xuất xe máy chủ yếu nhập nhằm mục sản xuất hàng tiêu dùng trong nước. Lắp ráp ô tô, hàng điện tử cũng thế. Chính vì thế, với hối suất thấp, với mức thuế ưu đãi, nhập khẩu tiếp tục cao. Thống kê không nói lên điều này vì những linh kiện này được xếp vào nguyên liệu sản xuất, còn gần như không có nhập hàng xe máy và thành phẩm điện tử tiêu dùng.      
[7]Xem cước chú 37
[8]Trần Quế Ðệ-Xuân Ðào, “Ðiều tra nông dân Trung Quốc” , talawas, 2005 (một tài liệu quan trọng).
[9]Một cái nhìn về viễn cảnh chính trị ở Việt Nam, BBC 2005, thực hiện phỏng vấn M Gainsbourg về cuốn sách “Changing Political Economy of Việt Nam: the case of HoChiMinh City”, Routledge Curzson, 2003 và tóm tắt bài “Political Change in Việt Nam:in search of the miđle class challenge to the state’’, Asian Survey, 2002.
[10]Xin tham khảo tham luận của GS Hoàng Tụy, và GS Bùi Trọng Liễu, trong Hồ Sơ Tài liệu Diễn Ðàn, http://zdfree.free.fr/diendan/dossiers/dossiers.html
[11]Ðặng Quốc Bảo, Năm khuyết tật lớn của ÐCSVN, Diễn Ðàn, 2004. Xin trích: Than ôi, nền giáo dục của chúng ta bị băng hoại. Có 4 nhược điểm cơ bản của giáo dục mà không thoát được. Ðảng không lãnh đạo thoát được thì ảnh hưởng đến toàn bộ lớp trẻ chúng ta đào tạo. Thứ nhất là nền giáo dục tạo nên sản phẩm giả và lưu hành sản phẩm giả từ cấp cơ sở đến oâng tiến sĩ, đến ông giáo sư, lưu hành và trộn lẫn với nhau. Cuối cùng thì chết thằng thật. Không phải không có thằng thật. Trộn lẫn như vậy thì thằng giả chi phối. Hiện nay có bao nhiêu tiến sĩ giả, giáo sư giả. Ông Vũ Ðình Cự nói với tôi: theo tôi ước lượng vào khoảng 70 %. Tôi không có số liệu cụ thể về chuyện này. Nhưng nhiều người có trách nhiệm nói về hiện tượng đáng lo ngại. Ðua nhau và theo 2 hướng: một là, mua danh; hai là để kiếm chút địa vị và biến nó trở thành một thứ hàng hoá để lưu hành. Tất cả chuyện này trộn lẫn với nhau. Hiện tượng thứ hai: Hệ thống giáo dục trở thành thị trường không lành mạnh. Tất cả các thành phần của giáo dục trở thành một thứ hàng hoá mang giao bán, tất cả các kỳ thi, các chứng chỉ. Mười năm rồi nhưng tất cả các hiện tượng này chưa được khắc phục, mỗi ngày một nghiêm trọng hơn. Hiện tượng thứ ba: hệ thống thầy giáo rất thiêng liêng, tuy không phải là tất cả, nhưng có xu hướng là người kinh doanh, mà kinh doanh rất tàn nhẫn, đào tạo theo mẫu và không có trách nhiệm. Cho nên báo chí đưa ra đầu vào rất khó, nhưng đầu ra rất dễ. Ðào tạo thế thôi, tức là một giáo trình có thể tồn tại 10 năm, 15 năm mà không thay đổi. Tôi có thằng cháu được vào Bách Khoa một cách ưu tiên, nhưng nó không vào, nó đi ra nước ngoài để học. Một cậu ở Bách Khoa nói với tôi: may mắn là cháu đi học, bởi vì tôi là Hiệu phó phụ trách về giáo dục thì thấy không kiểm soát được, vì có tiền là có điểm thôi... Hiện tượng thứ tư: nội hàm của trí thức thì nội hàm hiện đại rất yếu, mà kiến thức cổ cách đây 50 năm. Ðây là lực lượng gọi là con người, mạnh nhất phải vươn lên để dẫn đầu khu vực. Nhưng con người nằm trong hệ thống đào tạo thì đang khủng hoảng giống như thầy phù thuỷ triệu âm binh nhưng không điều khiển được âm binh. Nền giáo dục của ta có điều khiển được không? Hệ quả tai hại không phải là con người Việt Nam đang thiếu trí tuệ. Hệ thống điều hành làm cho nó tê liệt đi. Nhưng nếu cùng con người ấy cho ra ngoài thì noù nên người. Nhưng than ôi, ngay ra nước ngoài cũng thế.
[12]Ðiều 4: Ðảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của Ðảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Ðiều 30: Nhà nước và xã hội bảo tồn, phát triển nền văn hoá Việt Nam: dân tộc, hiện đại, nhân văn; kế thừa và phát huy những giá trị của nền văn hiến các dân tộc Việt Nam, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại; phát huy mọi tài năng sáng tạo trong nhân dân. Nhà nước thống nhất quản lý sự nghiệp văn hoá. Nghiêm cấm truyền bá tư tưởng và văn hoá phản động, đồi trụy; bài trừ mê tín, hủ tục.
Ðiều 33: Nhà nước phát triển công tác thông tin, báo chí, phát thanh, truyền hình, điện ảnh, xuất bản, thư viện và các phương tiện thông tin đại chúng khác. Nghiêm cấm những hoạt động văn hoá, thông tin làm tổn hại lợi ích quốc gia, phá hoại nhân cách, đạo đức và lối sống tốt đẹp của người Việt Nam.
[13]Trích Ðặng Quốc Bảo: Kinh nghiệm cổ kim đông tây và kinh nghiệm của cả nhân loại có một điểm: mọi sự độc quyền đều dẫn đến tha hoá, bất kể dưới dạng nào. Trong đó kể cả Ðảng ta. Tất cả mọi sự độc quyền đều vắng bóng dân chủ. Nhưng cũng có ở một thời điểm lịch sử nhất định phải có một sự độc quyền nhất định thì mới có thể thay đổi được tình huống. Nhưng sự độc quyền ấy nếu kéo dài ra vĩnh cửu thì nhất định dẫn đến tha hoá. Ðây là bài toán ta phải lý giải được. Tôi nghĩ rằng sớm muộn sự xuất hiện những lực lượng đối trọng ở dạng này, dạng khác nhất định sẽ diễn ra, đó là cái tất yếu, nhưng là lúc naøo thôi, là đối trọng lành mạnh, chứ không phải là đối trọng ác ý. Mọi sự độc quyền đều dẫn đến chuyên chế. Ðây là vấn đề hết sức lớn, ta có thừa nhận không. Tôi có kiến nghị cụ thể như thế này, trước hết trong nội bộ Ðảng tạo nên một không khí có đối trọng. (...)
[14]Trích Ðặng Quốc Bảo: Vấn đề thứ tư của Ðảng có nguy cơ rất lớn, tức là trong Ðảng hình thành một tầng lớp giầu có và có lợi ích riêng. Ngành nào cũng thế, địa phương nào cũng thế. Xã hội hiện nay có 2 lực lượng. Một là lực lượng xã hội đen (Năm Cam cũng như Lã Thị Kim Oanh là một biểu hiện của xã hội đen, đang mọc lên như nấm), chúng ta thấy được một chừng mực nào. Nhưng xã hội đen này lại nằm ngay trong nội bộ của chúng ta – không phải là tất cả – nhưng ngành nào cũng có và ở ngành quan trọng.
[15]Tham khảo Phan Ðình Diệu, Một số suy nghĩ về tiếp tục con đường đổi mới của đất nước ta, 2004, Hồ Sơ Tài Liệu Diễn Ðàn, http://zdfree.free. fr/dien dan/dossiers/. Trích:... tôi xin mạnh dạn đề xuất của vài biện pháp nhằm đẩy mạnh hơn nữa sự nghiệp đổi mới đã đi được một chặng đường dài của đất nước ta: 1. Phát triển đầy đủ kinh tế thị trường và hoàn thiện cơ chế thị trường theo thông lệ quốc tế cho nền kinh tế nước ta. Có lẽ ở đây điều mấu chốt chỉ còn ở một số vấn đề như thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân và thực hiện quyền bình đẳng kinh doanh của mọi doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, xóa bỏ các đặc quyền (phi lý) của các doanh nghiệp Nhà nước, khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực đòi hỏi công nghệ cao và tri thức, hoàn chỉnh sớm hệ thống luật pháp về kinh tế theo chuẩn mực của kinh tế thị trường. Có các giải pháp minh bạch hóa và chống tham nhũng cùng các tiêu cực khác; 2. Xây dựng Nhà nước pháp quyền và xã hội dân chủ. Trong nhiều năm qua ta đã xây dựng được một hệ thống luật pháp khá đầy đủ về tổ chức Nhà nước, về các luật dân sự và hình sự. Vấn đề quan trọng nhất ở đây là thật sự tôn trọng các quyền tự do dân chủ mà Hiến pháp và pháp luật đã qui định, đặc biệt là các quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và tự do báo chí, tự do lập hội, tự do ứng cử và bầu cử, là những quyền dân sự rất nhậy cảm, thước đo dễ nhận thấy của một xã hội dân chủ. Nếu các quyền này được thật sự tôn trọng, và một xã hội dân sự được phát triển, thì tôi tin rằng xu hướng đồng thuận xã hội sẽ được xác lập và tăng cường, đời sống văn hóa tinh thần của đất nước ta sẽ được đơm hoa kết quả, góp phần không nhỏ vào cuộc sống văn minh của đất nước. Như vậy, về bản chất, Nhà nước ta sẽ trở thành một Nhà nước xã hội chủ nghĩa dân chủ; 3. Còn một vấn đề khó nói nhất là về vai trò lãnh đạo của Ðảng. Trong gần hai thập niên qua, ở cương vị lãnh đạo, Ðảng ta đã giữ được cho đất nước ổn định để thực hiện giai đoạn đầu của công cuộc đổi mới. Ðến nay, sự nghiệp đổi mới đòi hỏi những nội dung mới và chất lượng mới, để tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo của mình thì bản thân Ðảng phải có những đổi mới cơ bản, rõ ràng lý luận về chủ nghĩa cộng sản và về chủ nghĩa xã hội theo học thuyết Mác-Lênin không còn thích hợp với đòi hỏi mới của cuộc sống nữa. Nhiều Ðảng cộng sản ở các nước xã hội chủ nghĩa cũ và ở nhiều nước khác trong thời gian qua đã chuyển thành các Ðảng xã hội dân chủ, và sau một thời gian “khủng hoảng” đã trở lại là một lực lượng chính trị quan trọng trong sự phát triển mới. Tôi hy vọng là Ðảng sẽ tự biến đổi thành một Ðảng xã hội dân chủ để lãnh đạo nước ta thành một nước xã hội chủ nghĩa dân chủ, như vậy thì cả vấn đề giữ quyền lãnh đạo cho Ðảng và tạo ra một nền dân chủ của xã hội đều được giải quyết một cách trọn vẹn, và do đó, nước ta sẽ sớm thực hiện được mục tiêu “dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, hội nhập vào quốc tế. Nếu không được như vậy, tức là Ðảng vẫn kiên giữ nguyên như hiện nay, thì vì quyền lợi của dân tộc, Ðảng phải tôn trọng quyền dân chủ, kể cả quyền lập đảng, của xã hội, và ta sẽ có một chế độ đa đảng hoạt động trong phạm vi luật pháp.Trước sau gì thì một nền dân chủ cũng phải là đa nguyên thôi, vì đa nguyên luôn luôn là điều kiện cần của dân chủ, đó là điều mà cả về lý luận lẫn thực tiễn ta không có cách gì có thể bác bỏ được.
[16]Tham khảo Lê Chí Quang, Góp ý sửa đổi Hiến Pháp 1992, Thư gửi Ban Soạn Thảo và Sửa Ðổi Hiến Pháp Quốc Hội nước Việt Nam, 2001. Trích: Về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân: Việt Nam đã gia nhập Công ước quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị của LHQ ngày 24/9/1982. Tuy nhiên, việc ký kết này chỉ nhằm làm hài lòng các quốc gia phương Tây, để xin viện trợ của nước ngoài. Thực tế, ở VN, người dân chưa hề được biết khaùi niệm nhân quyền đích thực. Họ chỉ được tuyên truyền về sự đối lập với các giá trị phổ quát của nhân quyền phương Tây, các điều kiện và quan điểm khác nhau về nhân quyền, nhằm biện minh cho sự duy trì vĩnh viễn một học thuyết, một chế độ đã lỗi thời, phản tiến bộ. Ðừng giả dối, chỉ cố tô vẽ những lời hoa mỹ vào Hiến pháp nhưng thực tế thì luôn dùng bạo lực và nhà tù để đàn áp những người khác chính kiến. Quyền chính trị nhiều khi còn mang những giá trị lớn lao hơn là những quyền về kinh tế. Cùng với quyền kinh tế, quyền chính trị tại mỗi quốc gia cho phép ta đánh giá chất lượng toàn bộ hệ thống xã hội, nó xác định bản chất chế độ chính trị đó là dân chủ hay độc tài. Một nền dân chủ chân chính đòi hỏi phải khắc phục những quan niệm giáo điều, đố kỵ về bản chất tôn giáo và nhu cầu tồn tại tất yếu của nó trong xã hội. Cũng như tính tất yếu của tự do tư tưởng, tưï do tín ngưỡng và tôn giáo phải là hiện thân cuộc sống. Ðiều 69 viết: "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp,lập hội,biểu tình theo quy định của pháp luật." Mệnh đề theo quy định của pháp luật rất dễ bị chính quyền sử dụng như là chiếc khoá khoá chặt tất cả các quyền ở trên rồi. Chính vì vậy nên điều 12 của luật báo chí thẳng thừng quy định chỉ có nhà nước mới có quyền được xuất bản báo chí. Bên cạnh đó, điều 88 và điều 226 của bộ Luật Hình sự lại hùn thêm vào để tước nốt quyền được nhận và trao đổi thông tin. (Thế mới đúng quy định của pháp luật chứ!) Cho nên, Ðiều 69 cần được sửa là : "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được nhận và trao đổi thông tin bằng bất cứ hình thức nào; có quyền hội họp; lập hội; quyền được thành lập đảng phái của mình; quyền được biểu tình, đình công " Về tự do tư tưởng: So với Công Ước Quốc Tế mà ta tham gia ký kết, điều 70 của Hiến pháp 1992 đã bỏ mất dòng chữ "mọi người đều có quyền tự do tư tưởng...". Nói chung trong toàn bộ bản Hiến pháp 1992, mấy chữ tự do tư tưởng được xem là huý kỵ. Một cách trắng trợn, Ðảng buộc toàn dân tộc phải là nô lệ tư tưởng của Ðảng. Ðiều này cần được sửa lại là: "Công dân có quyền tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng, và tôn giáo; có quyền không theo hoặc theo một tôn giáo do mình lựa chọn; tự do bày tỏ, hoặc tuyên truyền về tôn giáo cho từng cá nhân hoặc nơi đông người. Các tôn giáo được bình đẳng trước pháp luật. Nơi thừa tự của tín ngưỡng và tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Quyền này chỉ bị hạn chế khi nó xâm phạm đến các quyền tự do cơ bản khác của công dân, hoặc các quy định về an toàn sức khoẻ, trật tự công cộng."... Về điều 72: "Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của toà án đã có hiệu lực pháp luật. Người bị bắt giam, bị giam giữ, bị truy tố, xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất và phục hồi danh dự. Người làm trái pháp luật trong việc bắt giam, giam giữ truy tố, xét xử gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý nhiêm minh." Theo đúng như điều này thì Nghị định 31/CP ban hành ngày 14/4/1997 là hoàn toàn vi hiến. Yêu cầu xin hủy bỏ ngay nghị định 31/CP, đồng thời thả ngay những người bị xử lý sai và truy tố những người ra các quyết định vi phạm Hiến pháp.