trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
29.4.2005
Quỳnh Thi
Ðại hội Hội Nhà văn Việt Nam khoá 7: Rực rỡ và nhiều chuyện rất vui, nhưng...
 
(Vì khi bài viết này lên trang thì Ðại hội (ÐH) đã xong nên mở đầu tôi xin nói ngay về kết quả, còn phần kịch tính của ÐH xin đọc ở phần sau để tiện liên hệ với các bài vè và các chú thích.)


Ðại hội không thể nói là thành công rực rỡ được

“Tôi xin lỗi ông Ðào Thắng... mặc dù ông là bạn tôi nhưng tôi vẫn phải nói... rằng ÐH là không thành công. Hoặc có thành công đấy nhưng không tốt đẹp như ông vừa tuyên bố được. Có 4 lý do để nói như vậy. Một là, chúng ta định bầu ra một Ban chấp hành (BCH) 15 người nhưng được có 6... ‘Bản mặt’ của anh Hữu Thỉnh, anh Trần Ðăng Khoa, anh Nguyễn Trí Huân là ai thì biết rồi, chị Phan Thị Vàng Anh thì tôi ủng hộ thôi, nhưng có những cái bản mặt mà tôi chẳng biết là ai cả. Hai là, ba là...”. Ðấy là phát biểu của ông Hoàng Trần Cương (HTC), nhà thơ hội viên (NTHV) sau khi ông Ðào Thắng, nhà văn hội viên (NVHV), trưởng ban Hành chính Hội Nhà văn Việt Nam (HNVVN), trong ban tổ chức ÐH, đọc “diễn văn” kết thúc có câu “... đại hội của chúng ta đã thành công tốt đẹp”. Ông HTC chưa kịp ngồi xuống thì có ý kiến khác gay gắt không kém về cả khẩu khí lẫn nội dung, bác lại ông rằng “đây là một đại hội nhà văn, không nên dùng những từ ngữ thiếu văn hoá, tại sao lại gọi là ‘bản mặt’, tại sao lại nhắc đến ‘tửu nhục kế’, ‘tửu nhục kế’ ở đâu, ai dùng? Tại sao lại nói như là cãi nhau thế?”. Hội trường lại vỗ tay ầm giữa ý kiến thứ hai này và cũng đòi ông ấy ngồi xuống vì cái giọng chì chiết và âm lượng của người ấy cũng như cãi nhau chẳng kém so với ông HTC.


Kết quả thế nào?

Vòng 1. Ðược 3 người tôi vừa kể ở trong câu nói của HTC, cộng Hồ Anh Thái.

Vòng 2. Thêm 2 nữa là Lê Văn Thảo và Phan Thị Vàng Anh. Vậy là 6. Theo như biểu quyết ban đầu của ÐH thì dự định sẽ bầu ra 15 người. 6 người hai vòng. Hai vòng trong 2 ngày. Xen kẽ vào đó là những cuộc nghỉ giải lao rất dài và một số những bản tham luận rất tẻ, mà quy định của “trên” thì “ÐH chỉ được tiến hành trong 2 ngày” nên làm gì còn thời giờ mà bầu nữa. Vả lại ai nấy đều không thích căng thẳng mệt mỏi. Bầu bán là thứ vui cho một nhóm mà mệt cho số đông.

Nhà văn Việt Nam lạ nhất ở chỗ này. Biểu quyết bằng được để đòi bầu ra 15 vị “cho tương ứng với số lượng hơn 800 hội viên, và với công việc của văn học thời đại mói, của công tác hội với những... nhu cầu phục vụ ngày càng nhiều của hội viên...” Vậy mà khi mới đạt có 40% “lòng mong mỏi” thì đã vội... hài lòng. Mà không hài lòng thì cũng không làm tiếp vì mệt. Cũng có người lên tiếng hỏi: “giả sử nếu cần biểu quyết giải thưởng cho cuốn sách của tôi (dù là có chất lượng) nhưng không tránh khỏi yêu ghét, trường hợp xảy ra là 3 yêu,3 ghét thì sao?”. Chủ tịch đoàn tuỳ từng lúc, từng câu mà trả lời ngay hoặc gộp lại trả lời một thể. Rồi, sau tất cả những câu hỏi, những à, ồ, những tiếng cười hỉ hả, vỗ tay và cả những bực bõ la hét..., chủ tịch BCH mới (vừa được công bố sau khi bỏ phiếu kín của riêng 6 người trong BCH), Hữu Thỉnh khoan thai, làm chủ tình thế, cười tươi, nói đại ý rằng: “ÐH lần VI, cũng phải bầu lần thứ 2 và đối với người thiếu nửa phiếu so với quá bán là Lâm Thị Mỹ Dạ thì chúng tôi xin ngay ý kiến ÐH, nhưng lần này người xấp xỉ lại thiếu những 8 phiếu... Vâng, tất nhiên là cần bổ sung, nhưng thời gian chưa cho phép chúng tôi (BCH mới) đưa ngay ra được một phương án khả dĩ... chúng tôi sẽ...”. Ngay lúc đó, ai đứng ở hành lang sẽ nghe được lời của Nguyễn Hoàng Sơn (NTHV, người ở báo Tiền Phong chủ nhật) nói khá to và gay gắt: “6 là đủ rồi, còn lại chia quyền cho các hội đồng”. Có lẽ vì sự “chia” và “quyền” như thế nên Hữu Thỉnh rất băn khoăn, không thể đưa ngay Trung Trung Ðỉnh, người chỉ kém có 8 phiếu nữa là tới điểm xin ý kiến ÐH như lần Lâm Thị Mỹ Dạ để có thể lọt vào BCH.


Hai chữ “quyền” và “chia” của Nguyễn Hoàng Sơn là thế nào? Có trùng với chữ “ăn chia” mà Phạm Tiến Duật dùng với Hữu Thỉnh không?


Nhưng quả thật vì hai chữ ấy mà nhiều người mặt đỏ phừng phừng. Chứ nếu không thì, thông thường trong một ÐH như thế này sẽ có rất nhiều vấn đề được nêu ra đòi chất vấn và đối thoại. Tỷ như:

  1. Trong nhiệm kỳ qua Hội đã làm những gì để bảo vệ quyền sáng tạo của các nhà văn hội viên và nền văn học nước nhà. (Nền văn học nước nhà bao gồm cả thành tựu của những người cầm bút chưa phải hội viên nhưng nhiều uy tín văn học). Trước tình trạng một số tác phẩm được dư luận trong và ngoài nước quan tâm nhưng bị trong nước ngăn cấm xuất bản và xuất hiện, Hội NVVN đã có phản ứng như thế nào?

  2. Hội NVVN là tổ chức được cấp kinh phí, kinh phí được sử dụng như trong báo cáo đã đáng “đồng tiền bát gạo” của dân chưa? Hội viên và Ban chấp hành Hội có coi kinh phí nghĩa là thuế thu trên đầu dân không? (Ở các nước “tư bản thối nát” thì từng đồng một chi như thế nào người dân cũng phải được biết và được chất vấn). Có như thế mới hiểu được chữ “chia” và chữ “quyền” của NHS là vì văn học hay vì cái gì.

  3. Và các tham luận về chuyên môn khác phải được đọc, và nếu không đọc hết phải có văn bản, ai cần sẽ được cung cấp (hoặc bán hoặc cấp miễn phí).

Nhưng những chuyện ấy diễn ra khá hời hợt. Chỉ có một vài bản tham luận có vẻ có vấn đề. Người đến dự ÐH với tư cách khách mời, giáo sư Hồ Ngọc Ðại hôm nghe tham luận của Trần Mạnh Hảo, của Hoàng Quốc Hải và Ðỗ Minh Tuấn... đã cười cười: “Khá đấy chứ. Thoải mái hơn một vài ÐH mà tớ đã dự...”. Nhưng hôm sau, vào lúc kết thúc ông lại có một câu tổng kết, rằng: “Nó chính là cái phong vũ biểu chỉ thực trạng đời sống xã hội hiện nay...”.


Quang cảnh lễ bế mạc là thế, còn khai mạc thì sao?

Rất kịch tính.

Trước tuần ÐH có rất nhiều thơ, vè, bài viết về ông A, ông B trên tờ báo C báo D. Những tin đồn “cấp trên đã nghe hết hiểu hết, đã có phương án 2 rồi...”. Sáng 22, trước ÐH trù bị một ngày còn có tin đồn: ông Nguyễn Quang Sáng sẽ “nổ” ở cuộc họp đảng viên (nội bộ) vào buổi tối trước ngày ra Hội trường Ba Ðình. “Quả mìn” chứa câu nói “Hữu Thỉnh hãy từ chức đi, đủ rồi đấy”. Nhưng, tối hôm ấy quả mìn bị ẩm không nổ. Tối hôm ấy mọi sự dịu êm như tiết tháng Ba, hoa gạo rụng sau sân nhà... chùa. Nhà thơ kiêm nhà lãnh đạo tư tưởng văn hoá Nguyễn Khoa Ðiềm đã đến “nói chuyện”. Cũng có thể gọi là đã đến phát biểu ý kiến của một nhà văn, một nhà lãnh đạo. Vì thế mà cái khí nóng được chuẩn bị đã tan biến. Chưa họp xong, nhiều người đã lặng lẽ tranh thủ lĩnh luôn xuất quà “để hôm sau khỏi vướng víu như mấy ông mấy bà không phải đảng viên, cứ kè kè túi quà theo vào hội trường. Quà là chiếc túi du lịch made in Công an Nhân dân và một chiếc cặp da made in Hội Nhà văn Việt Nam. Túi du lịch thì to, cặp da thì nhỏ. Nhưng không rõ cái nào đắt tiền hơn cái nào. Với các NVVN thì to hay nhỏ, cái gì cũng quý.

Sự êm dịu ấy không chỉ quá đối nghịch với tin đồn mà cả với tinh thần những bài báo, tham luận gửi trước... thềm. Trước thềm, câu đi của Hữu Ước trên Lao Động là “muốn làm trưởng ban kiểm phiếu...” thì câu lại của Văn Chinh, đại ý là: những người kiểm phiếu của khoá VI còn sống cả, sao không đi mà hỏi, nói thế là nghi ngờ nhau à. Thế là bài đi có câu ấy của Văn Chinh có bài lại của Phạm Tiến Duật “Tình bạn với văn chương”, trong ấy có mấy câu “... không khí phê bình văn học trên mặt báo mấy năm vừa qua không cho bạn đọc thấy rõ không khí học thuật mà chỉ thấy lòng đố kỵ ghen ghét thậm chí chụp mũ.” và “... Anh (Hữu Thỉnh) chưa là nhà thơ trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước nhưng tôi đã quý anh từ bài... nhưng qua nhiệm kỳ vừa rồi tôi thấy tình bạn của anh có nhiều vấn đề... ở đây còn có lý do... ghen vợ ghen chồng không nồng bằng ghen ăn...”. Rồi ông giải thích “ăn” ở đây phải hiểu là ghen tài và ghen quyền lực. Bài viết đưa ra những chi tiết và lập luận khó mà bác bỏ. Bài đáp trả của Văn Chinh, chuyền tay nhau cũng chặt chẽ và các chi tiết dẫn chứng cũng thuyết phục. Ðọc xong, nhất là đến đoạn đôi giầy thể thao thì người đọc thấy ngượng chín cả... lưng. Và bỗng hoảng lên không còn biết ai hơn ai kém. Liền đó là những bài của Phạm Xuân Nguyên và của Nguyễn Quang Lập, trên mạng, được “cùng nhau kể lại cho nhau”. Một trả lời phỏng vấn, một ở dạng thư ngỏ gửi tiên sinh, được người ta nhắc một cách trân trọng hơn cả có lẽ vì nội lực của con chữ và nhân cách người viết.

Không khí trước thềm nóng hơn thời tiết vào hạ. Sáng 23, ÐH bắt đầu phiên trù bị và chưa khai mạc (khai mạc là có Tổng Bí thư). Tham luận của Trần Mạnh Hảo (TMH), có tựa đề “Về mối quan hệ giữa Tự Ðức và Nguyễn Du, hay là vấn đề muôn thuở của tự do sáng tác” được đọc đầu tiên sau mấy cái biểu quyết về nguyên tắc bầu cử. Nội dung tham luận giống như giọng đọc, lâm ly thống thiết đến nỗi ở dưới có người hưởng ứng mừng luôn một bài vọng cổ. Ðến đoạn người hát “xuống sề” thì bị một fan của TMH hét vào tai, “đủ rồi” “rất ngoạn mục”. Chẳng còn hiểu ra thế nào nữa. TMH luôn là như thế chăng? Luôn viết bài “theo yêu cầu” chăng? Ở tham luận này anh đọc to dòng chữ, trong đó “tôi viết theo yêu cầu của nhà thơ Hữu Thỉnh”. Phải chăng nó giống như kiểu “Thêm một sòng phẳng buồn” của Văn Chinh, nhằm sòng phẳng với Phạm Tiến Duật, nhưng trên đầu bài viết lại có dòng chữ: “kính gửi nhà văn Hữu Ước”. Bài sòng phẳng này không in trên báo nhưng không biết từ đâu mà lan truyền tới tay hết thảy mọi người. Trong lúc TMH đọc có nhiều tiếng xì xầm. Nhưng không bị la ó đuổi xuống. Giọng đọc mùi mẫn và vì tham luận khá dài, nửa chừng TMH kêu khát khiến Chủ tịch đoàn phải gọi người mang cho anh cốc nước. Chẳng lẽ đến thế mà vẫn còn bị nghi ngờ: đây chỉ là một kiểu kịch hay trong một vở diễn xoàng? Có người hỏi: Không biết có máy ghi âm nào ghi hết những điều này để làm tư liệu khoa học hay không?

Ngày khai mạc diễn ra êm dịu, vui, mặc dầu không ít những nhóm ba nhóm bảy với những câu chuyện chẳng mấy đầu cuối và không ít những bực bội vì nội dung nghèo nàn. Có người còn cười bảo Ban tổ chức khéo câu giờ. Xin lỗi ông, nếu không câu giờ thì lấy đâu ra giờ cho các ông bà trò chuyện vui vẻ? Nhà văn Việt Nam có bao giờ biết tự mua vé để đến được các cuộc trò chuyện khác đâu.

Sự có mặt, phát biểu của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và cái ôm hôn của ông với Hữu Thỉnh vào sáng khai mạc được người ta bình là “tình hình rồi vẫn như nguyên”.

567 người có mặt ở hội trường. Số lượng được đề cử vào Ban chấp hành lên đến 306 người. Ban thư ký đọc khản cả cổ mới hết. Có người xui lần sau nên đọc người không được đề cử thì đỡ mỏi cổ hơn. Trong danh sách có cả những vị đang ốm liệt giường, có vị đã trên 90 tuổi, có cả GS Hồ Ngọc Ðại vốn chỉ là một khách mời. Cứ như chuyện đề cử đem ra mà đùa vậy. Nhưng có vẻ “nóng” nhất là danh sách có tên các ông Bùi Minh Quốc, Nguyễn Huy Thiệp. Theo quy định của ÐH, những người được đề cử muốn xin rút phải viết giấy (văn bản). Thế là ào ào, giấy viết và đi lên bàn thư ký, nhanh như đề cử. Hơn 250 người không muốn dự cuộc “chia quyền” (2 từ của Nguyễn Hoàng Sơn và Phạm Tiến Duật). Cũng có những người muốn rút nhưng anh (chị) em ngăn lại, “hãy vì người khác mà dấn thân”. Sau khi xin được ý kiến nhà văn Nguyên Ngọc (ông ở nhà không đến dự) qua điện thoại là không tham dự vào cuộc bầu bán gì cả thì việc khó nhất cuối cùng là bàn xem ông Bùi Minh Quốc có quyền rút hay ở lại, bằng văn bản hay nói miệng.

Có ít nhất hai người đã làm việc ấy một cách tận tâm không phải vì tình cảm riêng tư gì với ông BMQ mà có lẽ vì họ là người xưa nay vẫn làm việc có nguyên tắc. Vài người đã chứng kiến cuộc gọi điện trao đổi của hai người ấy với ông BMQ và đề nghị nếu đồng ý ở lại danh sách được đề cử hay rút khỏi cũng phải gửi văn bản đến. Họ nói: “Nếu ông đang ở Lâm Ðồng xin hãy gửi fax theo số 04.47...”.

Ông gửi bản Fax đến ngay sau đó vài giờ là ông không rút khỏi danh sách. Và rồi ông xuất hiện ở phiá ngoài Hội trường Ba Ðình vào ngày hôm sau. Mấy người trông thấy râu tóc bạc phơ của ông đã nghĩ nếu trúng cử ông hẳn sẽ còn nhiều mệt nhọc. Sau vòng bầu thứ nhất ông có số phiếu 77, vòng thứ hai, ông có 104. (Nhân đây kể về một vài con số liên quan đến ÐH khoá VII: Tổng số hội viên là 832 tính đến 2005, tổng số đại biểu đi dự và có quyền bỏ phiếu ở ÐH là 567.)

Số phiếu không hợp lệ ở vòng 1 là 55. Như vậy ngay vòng đầu (danh sách có 56 người) đã có 4 người có phiếu quá bán (Hữu Thỉnh 374, dẫn đầu; Nguyễn Trí Huân 355, Hồ Anh Thái 268, Trần Ðăng Khoa 260. Kế sát Khoa là Lê Văn Thảo 222 phiếu và Phan Thị Vàng Anh 216. Phải thêm vòng 2 để bầu thêm 11 vị - cho đủ với nghị quyết ban đầu của chính các thành viên ÐH). Nhưng vòng 2, vào ngày cuối cùng, trong phong cách “3 chọi 1” (cũng do ÐH đưa ra nên danh sách lần này có 33 / lấy 11) khó có thể tìm được đủ người có số phiếu quá bán. Vòng này, Lê Văn Thảo 305, Phan Thị Vàng Anh 281- phiếu. Vẫn thiếu. Nhưng không ai còn kịp nghĩ ngợi gì nữa bởi vì sắp hết giờ rồi. Cái kế 3 lấy 1 quả là đắc sách mà các nhà văn không quen làm toán đã bị thua. Vì thua nên các quả bóng hy vọng không bay lượn được nữa. Tiếng vỗ tay của phe hài lòng đã vang lên, át hết cái hy vọng đảo ngược thế cờ nếu biểu quyết bầu tiếp vòng 3.


Ngạc nhiên và... vui

Ngạc nhiên vì cả những người vẫn thường nói Hội NVVN chỉ là một cái đinh gỉ, thơ văn Việt Nam chỉ đáng cho bọn vẩn vơ đọc... cũng nhiệt tình đến dự.

Còn vui thì.... đương nhiên. Ðông và có quà thì vui.

Cũng không phải tất cả hơn 800 hội viên đều là những người không hiểu văn chương Việt Nam đang ở đâu trong dòng chảy văn chương thế giới, không phải không biết Hội chẳng có ý nghĩa gì trong cuộc đẽo-cái-cày-khổ-nạn-văn-học của mình, nhưng vẫn thích đi họp Hội, vẫn tham gia vào cái trò-chơi-hội. Ðơn giản là tìm cảm giác. Viết văn là công việc cần tích luỹ cảm giác. Có người bảo: thế để viết về điếm thì phải đi làm điếm à? Hỏi thế là thích khiêu khích thôi. Chứ ai chẳng biết, với Bỉ vỏ của Nguyên Hồng, Chuyện kể năm 2000,… những yếu tố nào đã quyết định sự hay của tác phẩm. Vì thế, nên tôi không ngạc nhiên, trừ mấy ông như Nguyên Ngọc, Nguyễn Quang Lập... thì nhiều người vẫn thích đến ÐH mặc dù coi nó cũng thường thôi. Tôi dồ chừng ông Nguyễn Huy Thiệp tìm cảm giác của bầu bán, của thất bại - thắng lợi, của trò chơi và thử xem người ta thích các tác giả - nhân vật (của: đổi mới phong cách, thành tựu, đỉnh cao...) đến mức nào, chứ đâu phải ông cũng ham hố chức vụ, quyền lợi, ăn chia.... Nhưng ông thử, còn thiên hạ thì chỉ bầu cho ông vòng 1 có 54 phiếu, vòng 2 nhỉnh hơn vài phiếu. Trong khi, thềm ÐH nóng những cụm từ lửa dành cho mà Hữu Thỉnh vẫn đạt số phiếu cao, thì có người bình rằng, mấy ai còn năng lực sáng tác và làm mới mình nữa mà chẳng bầu cho Hữu Thỉnh. Ông Thỉnh dù có thế nào thì cũng sẽ chia cho một ít, chứ họ không dám hy vọng vào sự chia ở những người có năng lực đỉnh cao. Vì thế nên dễ hiểu rằng một số đỉnh cao không thể vào BCH. Vẫn những người này đã bình luận rằng Hồ Anh Thái và Phan Thị Vàng Anh có khả năng bình thiên hạ theo kiểu mới. Họ tin hai người ấy cộng với một vài trung dung khác cũng sẽ làm được một số việc cần cho đám đông. Chẳng biết thế có phải là lạc quan quá hay là cố đặt gánh quá nặng lên vai hai người trẻ nhất?

Cái đồ chừng của tôi càng được củng cố khi thấy Nguyễn Huy Thiệp ôm vai Trần Mạnh Hảo, chụp ảnh chung rất “đề huề” trên báo Tiền Phong. Nghe nói NHT còn mời TMH đi ăn và thù tạc nhau giữa bữa trưa trong ngày đại hội. Văn Chinh và Hồng Thanh Quang, người gọi cho Văn Chinh biết có bài của Phạm Tiến Duật trên báo Công an, cũng nắm tay nhau hàn huyên, nhưng cuối cùng vẫn ai đi đường nấy.

Thế chẳng vui sao? Hay chỉ cần vui vì nghe tham luận của nữ-thi-sĩ-hội-viên-Kim Quyên, nội dung chính là ca ngợi cánh chim không mỏi của Hữu Thỉnh. Chỉ cần vui vì nghe Lê Thành Chơn (LTC) pha trò không đặng trong lúc tuyên bố kết quả kiểm phiếu bị người ta vỗ tay bảo xuống. Nhưng sau đó người ta lại đồng ý cho lên. Thực ra, các hội viên cũng quá khó tính, không chịu chờ để nghe chuyện LTC kể về kiểm phiếu. Như đã nói ở phần đầu, trên báo Lao Động Hữu Ước (HƯ) trả lời phỏng vấn rằng muốn là trưởng ban kiểm phiếu thì nay ÐH bầu ông là phó ban. Ban bao gồm 43 người chia thành 5 tổ, y như ÐH cấp cao lắm. Bước vào cuộc họp 5 tổ, việc đầu tiên là HƯ thay bút mực đỏ của mình mang theo tặng cho cả 43 người. “Tôi có kinh nghiệm trong nhiều cuộc bầu, tôi xin quý vị để tránh nhầm lẫn, xin dùng một màu mực khác để kiểm...”. Quả là kinh nghiệm. Giá mà ông kinh nghiệm hơn nữa để hoá giải cái phép tính “3 lấy 1” mà Chủ tịch đoàn gợi ý lúc ban đầu thì lá phiếu sẽ tập trung hơn cho một số người mà ông và cánh trẻ tin tưởng. Cánh trẻ ngơ ngác hỏi nhau: Bùi Minh Quốc, Nguyễn Huy Thiệp, Trần Mạnh Hảo không trúng đã đành nhưng Nguyễn Quang Thiều, Thanh Thảo, cũng không đủ phiếu quá bán? Vậy phiếu của người trẻ ở đâu? Ở chỗ phân tán chứ còn đâu nữa?

Vui. Còn vui ở chỗ có người nói, “tao cũng thích văn chương của con Vàng Anh, nhưng cái tính lạnh lùng của nó tao ghét. Tao đang do dự thì lại thêm nó lên ngồi chủ tịch đoàn mà còn mặc như một con dở hơi nên tao không bầu”. Tôi nhìn. Vàng Anh mặc áo bà ba nâu, quần âu. Tôi đoán là sẽ không quen mắt những người thích áo dài Lơ-muya. Nếu văn hoá và bản lĩnh cá nhân xui khiến người ta mặc, người ta nói, người ta ăn theo kiểu của người ta thì Vàng Anh lần sau muốn nhiều phiếu hãy mặc áo dài cho nó đồng cảm.

Vui. Còn ở chỗ Lê Ðạt ngồi từ đầu đến cuối, cười đấy nhưng nhiều trách nhiệm đấy vào lúc gạch tên kẻ thừa trong danh sách tông đồ.

Vui. Vì chẳng hiểu sao Tô Hoài lại chỉ dự một buổi là không thấy nữa.

Vui vì Phạm Chuyên mặc thường phục, trò chuyện cởi mở với mọi người. Không biết như vậy là nghề nghiệp hay là trái tim xui khiến. Nhưng Khổng Minh Dụ (NVHV, lại mới nhận chức thiếu tướng công an) thì hẳn là trách nhiệm nghề nghiệp lên bục để tham luận vo, nói lại, thanh minh thanh nga với những vấn đề của Tự Ðức và nghề giúp việc vua đã được nói trong tham luận viết của TMH. Khổng Minh Dụ bảo ông và đồng nghiệp của ông trong A25 có bao giờ chen chân vào các dòng chữ của các anh các chị nhà văn đâu v.v.

Nhưng cũng có lúc không vui bởi hội trường vang lên hai chữ rất... lạ của Ðỗ Minh Tuấn. Trong tham luận của mình ÐMT gọi thẳng TMH là cái ca-pốt rách của Ðảng, đọc vào ngày thứ hai của ÐH.

Còn kết quả chọn được (một nửa của 12) 6-tông-đồ-đời-mới thì không thể bình được là ai sẽ vui nhiều, ai sẽ vui ít, ai đau khổ và ai thì lên cơn suy tim?

Ðại hội mà. Tìm cảm giác hay muốn chia chác các quyền ăn và quyền... nói cũng phải có ÐH mới được. 5 năm nữa thôi. Ta lại thử xem có thể tường thuật một lần vui không?



Tài liệu tham khảo:
  • Các bài vè lục bát chuyền tay khuyết danh
  • bài phỏng vấn của Phạm Xuân Nguyên trên talawas
  • các bài viết trên Văn nghệ Trẻ (của Văn Chinh), trên Công an Nhân dân (số 203- 16/4/2005) của Phạm Tiến Duật, trên Tiền Phong (số 77 19/4/2005) của Phạm Tiến Duật, thư ngỏ của Nguyễn Quang Lập trên talawas, trên Người Ðại biểu Nhân dân (số 63, 20/4/2005), biên bản kiểm phiếu (nếu có), những con số ở trong bài đều được nghe đọc công khai.


© 2005 talawas