trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngChiến tranh nhìn từ nhiều phía
2.5.2005
Nguyễn Hoà
Đất nước mình đã khác nhiều lắm so với những ngày tôi từ chiến trường trở về
(Lại trao đổi với Giáo sư Lê Xuân Khoa)
 
1.

Thật ra từ khi đọc và viết bài trao đổi với GS Lê Xuân Khoa về một số luận điểm của ông trong tiểu luận “Ba mươi năm gọi tên gì cho cuộc chiến” đăng tải trên website của đài BBC ngày 15.2.2005 và mới được Giáo sư đính chính trên talawas với nhan đề “Ba mươi năm vẫn còn tranh luận: Chiến tranh của Mỹ hay chiến tranh Việt Nam?”, tôi đã dự cảm rằng giữa Giáo sư và tôi có sự khác nhau nhất định trong khi đánh giá về cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc Việt Nam trong giai đoạn 1955 - 1975. Dự cảm này được củng cố sau khi tôi đọc và suy ngẫm về bài “Xuyên tạc sự thật hay phục hồi sự thật?” của Giáo sư công bố trên talawas ngày 29.4.2005 để trả lời bài “Gọi tên cuộc chiến hay xuyên tạc sự thật?” của tôi đăng trên báo Nhân dân Cuối tuần số ra đầu tháng 3.2005. Dẫu biết sự khác nhau ấy khó (không?) có thể đưa tới sự tương đồng, thậm chí còn đẩy tới xu hướng “kể tội” lẫn nhau, tôi vẫn viết bài này để trao đổi với Giáo sư, không nhằm thuyết phục hoặc phê phán ông, mà chỉ nhằm phân tích một số luận điểm, một số thao tác theo tôi là chưa thoả đáng, do Giáo sư đưa ra và dựa trên, để bảo vệ ý kiến của mình. Rất mong sẽ không làm Giáo sư phật ý.

Cũng thật ra, đọc xong bài “Ba mươi năm gọi tên gì cho cuộc chiến?” tôi đã mơ hồ cảm thấy một “cái gì đó” tuy không cụ thể, nhưng lại giữ vai trò chi phối phương cách nhìn nhận, đánh giá lịch sử của Giáo sư. Đến bài “Xuyên tạc sự thật hay phục hồi sự thật?”, tôi nhận ra “cái gì đó” gồm hai yếu tố:

  1. Giáo sư nghiên cứu các vấn đề thuộc về quá khứ trong “nỗi ám ảnh” của các vấn đề hiện tại, nên không ngẫu nhiên, Giáo sư thường viện dẫn các vấn đề hiện tại vào nghiên cứu của ông, điển hình là các nhận định như: “Cứ thực tình mà nói, ngay cả những nhà cách mạng tiền bối như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thái Học, giả thử còn sống cho đến khi Ðảng Cộng sản chính thức cầm quyền thì số phận của các cụ chắc hẳn đã đổi khác và khó lòng được đặt tên cho các đường phố ở Việt Nam”, “Chỉ riêng sự kiện Ðảng Cộng sản đã quyết định thực hiện tiến trình “đổi mới” từ ngót hai chục năm nay và đang cố gắng đáp ứng điều kiện của các nước để có thể gia nhập “Tổ chức Thương mại Thế giới” (WTO) cũng đủ cho thấy một thực tế là Nhà nước đang từ bỏ nền kinh tế tập trung để quay trở lại nền kinh tế thị truờng”… Tôi không rõ hai nội dung trên có liên quan gì tới mục đích nghiên cứu của Giáo sư ở đây là “gọi tên cuộc chiến” và “phục hồi sự thật”?
  2. Giáo sư nghiên cứu lịch sử trong tâm thế khá tự tin: “Thật là vừa ngô nghê vừa khôi hài nếu bảo rằng một người đã giảng dạy trên hai mươi năm ở nhiều đại học và đã điều hành nhiều chương trình giúp đỡ nhân đạo ở Việt Nam từ mười mấy năm nay, là một kẻ làm việc thiếu phương pháp nghiên cứu khoa học, lẩn tránh, xuyên tạc sự thật và biện hộ cho những kẻ đang rắp tâm chia rẽ dân tộc”. Tôi ngạc nhiên về điều này, bởi đây là một lối quan niệm hết sức tối kỵ trong khoa học. Một người nghiên cứu nghiêm cẩn sẽ không bao giờ lấy thâm niên làm việc ở thời quá khứ ra “bảo lãnh” cho hoạt động nghiên cứu ở thời hiện tại. Liệu Giáo sư có đồng ý với tôi rằng sai lầm luôn luôn là khả năng có thể xảy ra, nếu người nghiên cứu lấy “cái” chủ quan của mình để luận chứng cho “cái” khách quan của sự vật - hiện tượng? Và Giáo sư có phản đối nếu tôi khẳng định: Một nghiên cứu được đánh giá là có (không) dựa trên phương pháp luận khoa học, trước hết thể hiện ở tính thực tiễn của vấn đề đặt ra, ở cách thức khảo sát đối tượng, ở khả năng khai thác và xử lý tư liệu, ở kết quả nghiên cứu… chứ không thể hiện ở việc người nghiên cứu đã có mấy chục năm đứng trên bục giảng của bao nhiêu trường đại học? Nếu Giáo sư phản đối, thì thú thật, tôi chỉ còn một cách duy nhất là xin được “bó giáo quy hàng”!

GS Lê Xuân Khoa có thể phủ nhận điều tôi nhận ra trên đây, vì thế tôi mong bạn đọc nào đó đã dành thời gian theo dõi cuộc trao đổi này hãy “thử” đánh giá điều tôi nhận ra có chính xác hay không? Về phần mình, để bảo lưu đồng thời cũng là để tiếp tục khẳng định các ý kiến đã nhấn mạnh trong bài “Gọi tên cuộc chiến hay xuyên tạc sự thật?”, tôi cho rằng hai yếu tố trên đã tác động rất lớn tới nhãn quan của Giáo sư khi ông xem xét một số hiện tượng và vấn đề lịch sử.


2.

Thưa GS Lê Xuân Khoa, trong đoạn mở đầu bài “Gọi tên cuộc chiến hay xuyên tạc sự thật?” tôi có viết: “Thiết nghĩ trong xu thế khép lại quá khứ, hướng về tương lai như hôm nay, nhắc lại quá khứ không phải nhằm khơi dậy lòng hận thù, nhưng khi vấn đề đã được đặt ra thì cần phải được xem xét cẩn trọng. Vì dẫu thế nào thì khảo sát quá khứ một cách nghiêm túc, chúng ta vẫn có thể rút ra những bài học cho hiện tại và tương lai”. Đọc mệnh đề này, có thể nhận thấy đây là cách đặt vấn đề của tôi (xin nhấn mạnh - NH) khi tiến hành trao đổi với Giáo sư, chứ không bao hàm nội dung mà Giáo sư đã lầm tưởng: “Ông Nguyễn Hoà nhìn nhận tôi có thiện ý “nhắc lại quá khứ không phải nhằm khơi dậy lòng thù hận” mà để “rút ra những bài học cho hiện tại và tương lai”…”. Song, nếu cách đặt vấn đề của tôi có một sự “trùng khớp” nào đó với ý hướng của Giáo sư thì chí ít cũng giúp nhận thấy chúng ta cùng chung khát vọng về một tổ quốc Việt Nam thống nhất và duy nhất. Tuy nhiên, đối với các vấn đề thuộc về lịch sử lại cần phải bàn bạc, phân tích cẩn trọng và thấu đáo, vì lịch sử không phụ thuộc vào khát vọng của mỗi chúng ta. Cho nên chính điều Giáo sư lầm tưởng trên đây lại giúp tôi “đọc ra” nhiều điều lầm tưởng khác, như về lòng yêu nước chẳng hạn.

Đối với tôi, lòng yêu nước không phải là một khái niệm mơ hồ, chung chung, mà là một khái niệm cụ thể, thiết thực. Bởi thực tế cho thấy, người ta có thể hô hào và quảng bá rùm beng cho “lòng yêu nước nồng nàn” của bản thân, nhưng hành động thực tế lại chứng minh ngược lại. Nếu Giáo sư chú ý, ông sẽ thấy tôi viết: “Lòng yêu nước là tài sản chung quý giá của mọi người Việt Nam, không ai có thể "độc quyền" lòng yêu nước. Song thiết nghĩ, lòng yêu nước chỉ thật sự là lòng yêu nước khi nó chi phối sự hình thành trong mỗi người một lòng tự tôn, biết  hành động vì lợi ích đất nước, không làm bất cứ điều gì gây tổn hại tới danh dự, quyền lợi của đất nước...”. Và đây cũng chính là quy chiếu của tôi khi đánh giá lòng yêu nước của những người được Giáo sư đề cập, từ Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Thái Học… (trong bài “Ba mươi năm vẫn còn tranh luận: Chiến tranh của Mỹ hay chiến tranh Việt Nam?”) đến Nguyễn An Ninh, Bùi Quang Chiêu, Tạ Thu Thâu, Nguyễn Hải Thần…, Ngô Đình Diệm…. (trong bài “Xuyên tạc sự thật hay phục hồi sự thật?”). Với quy chiếu này, tôi phân biệt sự khác nhau có tính bản chất giữa lòng yêu nước chân chính của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Thái Học… với cái gọi là “lòng yêu nước” của Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam, Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu… Chỉ với quan niệm về lòng yêu nước không mơ hồ và không chung chung, tôi mới không đánh đồng lòng yêu nước của Nguyễn Thái Học với “lòng yêu nước” của Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh… Bởi theo tôi, sau khi Nguyễn Thái Học và các đồng chí của ông hy sinh, Quốc dân Đảng đã thật sự “tha hoá” về mục tiêu, lý tưởng và hành động cụ thể. Mặt khác, trong bối cảnh phức tạp của tình hình chính trị - xã hội ở Việt Nam thời kỳ 1945 - 1975, để phân biệt đâu là “yêu nước đích thực” và đâu là “yêu nước giả hiệu, cơ hội”, cần căn cứ vào xu hướng chính trị - xã hội mà nó chịu ảnh hưởng. Có thể tôi sẽ là kẻ “ngớ ngẩn” khi đặt câu hỏi: Đã có khi nào các ông Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh… và sau này là các ông Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu tự vấn rằng tại sao lòng “yêu nước” và “chính nghĩa quốc gia” của các ông không thu hút được số đông dân chúng? Song câu hỏi có vẻ “ngớ ngẩn” đó lại có thể giúp GS Lê Xuân Khoa tự hỏi: Tại sao phong trào yêu nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã trở thành một phong trào xã hội rộng rãi và mạnh mẽ đủ sức đánh bại những thế lực ngoại xâm có sức mạnh vượt trội? Nếu câu hỏi này được đặt ra, tôi tin Giáo sư sẽ có tiền đề cần thiết để đi tới phân biệt sự khác nhau giữa “lòng yêu nước đích thực” với “lòng yêu nước giả hiệu, cơ hội”. Không có sự phân biệt này, thì dẫu có muốn, GS Lê Xuân Khoa cũng khó lòng tìm hiểu được “tính chính nghĩa” và “tính phi nghĩa” trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Và tất yếu ông sẽ đi tới điều tôi từng khẳng định trong bài “Gọi tên cuộc chiến hay xuyên tạc sự thật?”, rằng: “trong khi cố gắng định danh một cách "trung tính" về chiến tranh, GS Lê Xuân Khoa đã loại bỏ yếu tố chính trị ra khỏi cuộc chiến, và hiển nhiên qua đó, tính chất chính nghĩa hay phi nghĩa của cuộc chiến tranh đã không có một vai trò, dù thứ yếu, trong nghiên cứu của ông”.

Xin kể với Giáo sư một chuyện. Cha tôi - nay đã mất, là công chức hoả xa thời Pháp thuộc. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông được cử phụ trách đoạn đường sắt Hà Nội - Lào Cai (tuyến đường đi qua địa bàn hoạt động chủ yếu của Quốc dân Đảng thời kỳ 1945 - 1946). Sau ngày 19.12.1946, cha tôi nhập ngũ và đã đi qua chín năm kháng chiến chống Pháp. Hoà bình lập lại, ông trở về với nghề hoả xa. Một lần, do chưa tỏ tưởng nhiều lắm về vai trò của Quốc dân Đảng trong hai năm 1945 - 1946, tôi hỏi cha tôi thời ấy qua lại vùng Vĩnh Yên, Việt Trì, Yên Bái… ông thấy Quốc dân Đảng như thế nào. Cha tôi lắc đầu rồi bảo: “Kinh khủng lắm. Có lần ở Vĩnh Yên, tôi đến điều đình để họ đừng quấy phá hành khách đi tàu hoả, họ suýt bắn cả tôi”. Ông còn kể cho tôi nghe nhiều hành động ghê gớm nữa của Quốc dân Đảng, nhưng tôi không kể lại vì e Giáo sư sẽ coi tôi “mượn miệng ông thân sinh để hư cấu lịch sử”. Chuyện của cha tôi có thể chỉ mang ý nghĩa cá nhân và cũng chưa biết chuẩn xác đến đâu, song hai từ “kinh khủng” của ông giúp tôi có thêm tư liệu để nhận diện những người được Giáo sư khẳng định là “những người yêu nước chân chính” đã dựa dẫm vào uy thế “Hoa quân nhập Việt” để làm rối ren tình hình đất nước, chính vào lúc đất nước đang rất cần sự thống nhất để tập trung lực lượng đương đầu với cuộc xâm lược lần thứ hai của người Pháp.

Riêng với ông Ngô Đình Diệm, do chưa có đủ tài liệu cần thiết để đánh giá, nên tôi không bàn về “lòng yêu nước” của Ngô chí sĩ. Song tôi không tin đôi dòng giản dị của Giáo sư: “Cần phải nhìn nhận rằng Ngô Ðình Diệm, khi mới lên cầm quyền, đã ổn định được tình trạng hỗn loạn năm 1955 và được nhân dân miền Nam tin tưởng vì đức tính thanh liêm và các thành tích yêu nước của ông từ thời Pháp thuộc” lại mang ý nghĩa giản dị như vậy. Chẳng lẽ Giáo sư đã quên Luật 10/59 và những “cỗ máy chém” lê khắp miền Nam? Chẳng lẽ Giáo sư đã quên các cuộc chinh phạt giáo phái ở miền Nam Việt Nam trong nửa cuối thập kỷ 50 của thế kỷ XX? Chẳng lẽ Giáo sư đã quên từng có vị dân biểu của chính quyền Sài Gòn bày tỏ mong muốn được “rô ty” các tín đồ Phật giáo trước Hạ viện rồi ư?... “Phục hồi sự thật” mà quên các sự kiện này thì “phục hồi” sao được!


3.

Lịch sử đã qua, hơn 30 năm sau ngày chính quyền Việt Nam Cộng hoà sụp đổ và chiến tranh kết thúc, đọc đoạn văn đầy tính xác quyết sau đây của GS Lê Xuân Khoa tôi thật sự ngại ngùng, ông viết:

“Ngoài ra cũng cần phân biệt nhân sự lãnh đạo với cấu trúc chính trị của chế độ. Dù cá nhân lãnh đạo miền Nam có thể bị chỉ trích vì lạm dụng quyền hành, cấu trúc chính trị của Việt Nam Cộng Hòa là một mô hình dân chủ tam quyền phân lập có giá trị mà nếu được thi hành đúng đắn thì chắc chắn sẽ đem lại hạnh phúc và tiến bộ cho dân tộc. Ngay trong thời chiến tranh và lãnh đạo lạm quyền, ngưòi dân miền Nam cũng đã được hưởng các quyền tự do căn bản ở mức độ đáng kể như tự do tín ngưỡng, báo chí, kinh doanh, lập hội, biểu tình”.

Đoạn văn của Giáo sư lại làm tôi liên tưởng tới lời một nhân vật người Mỹ trong bộ phim truyền hình Việt Nam - cuộc chiến tranh 10.000 ngày đã ví chính quyền Sài Gòn giống như một “bộ áo giáp” trong viện bảo tàng, chỉ cần động vào là đổ (Dường như ví von này cũng gần gũi với điều tôi đã viết: “Tôi nghĩ, dù GS Lê Xuân Khoa, hay bất cứ ai đó, có ý định trang trí cho chính quyền miền Nam cũ một "ý thức hệ" thì cũng chỉ là một cố gắng bất khả, như một người nào đó có tham vọng thổi "linh hồn" vào một pho tượng đất” và rất may là tôi đã viết trước khi được xem - nghe trên vô tuyến truyền hình!). Hai nhận xét trái ngược trên đây cho tôi phép tôi hiểu ý kiến của GS Lê Xuân Khoa chỉ là một “giả định về lịch sử”, và khi ý kiến ấy còn có khả năng bị bác bỏ thì Giáo sư cũng không nên lo ngại “độc giả trong nước có thể đã có ấn tượng rất xấu về tôi sau khi đọc bài “Gọi tên cuộc chiến hay xuyên tạc lịch sử?” của ông Nguyễn Hoà”.

Trao đổi với Giáo sư, tôi luôn cố gắng tôn trọng các nguyên tắc khách quan - toàn diện - lịch sử - cụ thể, xác lập tính logic, dựa trên các cứ liệu lịch sử xác thực đã thâu nhận được, độc lập xét đoán…, trường hợp hãn hữu tôi mới viện dẫn tới nhận định của người khác gần gũi với ý kiến của tôi. Nhưng khi Giáo sư xác nhận kết luận “cuộc chiến mà mọi phe đều thua” của ông được “gợi tứ” từ nhận xét của Stanley Karnow, tôi lại thấy áy náy, vì hoá ra là tôi trao đổi với Stanley Karnow chứ không phải với GS Lê Xuân Khoa. Nhưng không sao cả, điều đó càng cho thấy một số luận điểm của Giáo sư trong hai bài viết của ông thật sự không mới và về phương pháp, ông thường dựa trên hiện tượng để tổng kết, chứ không từ hiện tượng đi tìm bản chất. Điển hình cho tình trạng này là đoạn văn sau:

“Trở lại điều khẳng định của ông Nguyễn Hoà là “sự lựa chọn duy nhất đúng” của người dân Việt Nam là “Ðảng Cộng sản Việt Nam và vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, nhận xét của tôi là điều khẳng định này chỉ đúng có một phần rất nhỏ. Trước hết, Ðảng Cộng sản Ðông Dương đã tự giải tán từ tháng Mười Một 1945 cho đến khi tái xuất hiện năm 1951 với tên mới là Ðảng Lao Ðộng Việt Nam, sau khi Mao Trạch Ðông đã thống nhất được Trung Quốc và trở thành “hậu phương lớn” của đồng minh Cộng sản Việt Nam. Nhân dân Việt Nam chưa khi nào có cơ hội lựa chọn giữa Ðảng Cộng sản và các đảng khác để có thể nói rằng đây là sự lựa chọn “duy nhất đúng”. Tổ chức chính thức qui tụ được các đoàn thể nhân dân từ Cách Mạng tháng Tám 1945 và điều động cuộc kháng chiến cho đến 1954 là Mặt trận Việt Minh, và trong suốt thời gian đó Chủ tịch Hồ Chí Minh và Mặt trận Việt Minh luôn luôn nêu cao chính nghĩa “toàn dân kháng chiến chống Pháp giành độc lập”, không bao giờ tuyên bố chiến đấu cho chủ nghĩa cộng sản hay kêu gọi nhân dân theo Ðảng Cộng sản. Nói cách khác, hầu hết những người đi theo Việt Minh đều do lòng yêu nước chứ không phải vì ý thức hệ mác-xít. Chủ tịch Hồ Chí Minh được đa số biết đến và tin tưởng dưới hình ảnh của một nhà cách mạng vì dân tộc chứ không phải với tư cách một lãnh tụ cộng sản”.

Nếu tôi hiểu không nhầm thì GS Lê Xuân Khoa không quan tâm tới một vấn đề vẫn được coi là sách lược sáng tạo, linh hoạt đối với từng giai đoạn lịch sử của những người cộng sản Việt Nam trong khi lãnh đạo dân tộc tiến hành hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Dù không muốn, tôi vẫn mạn phép được nhận xét rằng Giáo sư đã “ngây thơ” khi nghiên cứu trường hợp này. Với lý tưởng ấy và những con người ấy đã lập nên Đảng Cộng sản. Vẫn lý tưởng ấy và những con người ấy đã lập nên Việt Minh. Vẫn lý tưởng ấy và những con người ấy tuyên bố tự giải tán về hình thức, không hoạt động công khai. Vẫn lý tưởng ấy và những con người ấy đã đặt tên đảng của họ là Đảng Lao động Việt Nam, sau này là Đảng Cộng sản Việt Nam… Tóm lại, trước sau chỉ có một lý tưởng và một đội ngũ kế tiếp nhau của những con người cùng chung lý tưởng đã cùng toàn dân làm nên Cách mạng tháng Tám năm 1945 và tiến hành thắng lợi hai cuộc kháng chiến. Không có gì thay đổi. Như vậy phải chăng không phải là sự “lựa chọn duy nhất đúng”? Nếu điều GS Lê Xuân Khoa dẫn luận và phân tích có mang một ý nghĩa, thì ông nghĩ sao về sự kiện ngày 3.2.2005 vừa qua, Đảng Cộng sản Việt Nam vừa kỷ niệm 75 năm thành lập của mình? Nghiên cứu như vậy, GS Lê Xuân Khoa lại “hy vọng” tôi sẽ “đồng ý rằng” ông là “một người nghiên cứu khách quan, khoa học, tôn trọng sự thật” thì xem ra, hoặc quan niệm “khách quan, khoa học, tôn trọng sự thật” của Giáo sư và của tôi đã ở thế đối lập với nhau, hoặc là tôi không hiểu thế nào là “khách quan, khoa học, tôn trọng sự thật”? Đúng - sai ở đây ra sao, xin dành bạn đọc phán xét.

Trong bài “Xuyên tạc sự thật hay phục hồi sự thật?”, ngoài việc thường căn cứ vào hiện tượng lịch sử để đánh giá mà không quan tâm tới bản chất của hiện tượng, GS Lê Xuân Khoa còn tỏ ra có xu hướng thực dụng trong khi xử lý các vấn đề - sự kiện lịch sử, nói cách khác là đối với ông, một số vấn đề - sự kiện lịch sử vừa có ý nghĩa này lại vừa có ý nghĩa khác, tuỳ thuộc vào luận điểm của ông. Ví dụ:

a. Để biện hộ cho mình, Giáo sư quả quyết: “làm sao mà tôi lại có thể là con người “mong muốn Tổ quốc Việt Nam… mãi mãi bị chia cắt, mãi mãi phải quằn quại dưới gót giày ngoại bang?”…”, song để minh chứng cho “ý thức hệ quốc gia”, trước đó Giáo sư đã viết:

“sau khi đất nước đã bị chia đôi và miền Nam đã hoàn toàn độc lập từ 1955 dưới danh hiệu Việt Nam Cộng Hoà thì đây là một thực thể độc lập về chính trị, quân sự và ngoại giao, hiện diện trong mọi sinh hoạt của cộng đồng quốc tế, đối lập với thực thể Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà ở miền Bắc. Nếu chính sách của Mỹ không phạm phải sai lầm, nếu đường lối cai trị của Ngô Ðình Diệm không trở thành độc đoán thì Việt Nam Cộng Hoà đã có triển vọng trở thành giàu mạnh không thua kém gì Ðại Hàn ngày nay”

Theo nội dung đoạn trích trên, xem chừng Giáo sư cũng tán thưởng sự “hoàn toàn độc lập” của miền Nam đấy chứ, thậm chí ông còn kỳ vọng nó “trở thành giàu mạnh không thua kém gì Đại Hàn ngày nay” cơ mà!

b. Trong bài “Ba mươi năm gọi tên gì cho cuộc chiến” (hay “Ba mươi năm vẫn còn tranh luận: Chiến tranh của Mỹ hay chiến tranh Việt Nam?”), luận chứng về “chiến tranh uỷ nhiệm”, GS Lê Xuân Khoa nhận định vai trò của viện trợ từ nước ngoài như sau:

“Gọi là ủy nhiệm vì từ cuộc xung đột về ý thức hệ, hai phe Việt Nam đã bị các cường quốc lãnh đạo hai khối tư bản và cộng sản sử dụng như những công cụ đua tranh thế lực trong thời Chiến tranh Lạnh. Hoa Kỳ đã dùng chiến trường Việt Nam để thí nghiệm và tiêu thụ các loại vũ khí kể cả chất độc da cam, trong khi Liên Xô và Trung Quốc đã nhiệt tình giúp đỡ và thúc giục Bắc Việt tận lực hi sinh và chiến đấu trường kỳ. Các quan sát viên quốc tế hồi đó đã có một nhận xét rất đúng về dụng ý của Trung Quốc khi viện trợ cho Việt Nam: “Trung Quốc đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng”...”

Rồi để bác bỏ ý kiến của tôi về “sự ủng hộ rộng rãi về tinh thần, sự giúp đỡ to lớn về vật chất của khối xã hội chủ nghĩa mà chủ yếu là Liên Xô và Trung Quốc”, cũng với vấn đề viện trợ, trong bài “Xuyên tạc sự thật hay phục hồi sự thật?” Giáo sư lại viết:

“Ngoài ra, “sự giúp đỡ to lớn” của Liên Xô và Trung Quốc không phải là không kèm theo những áp lực đòi Ðảng Cộng sản Việt Nam phải thi hành, và khi thấy Việt Nam không còn có lợi ích cho quốc gia họ thì họ không ngần ngại bỏ rơi. Những nỗi đắng cay trong quan hệ với các “nước bạn” đã được tiết lộ bởi Tổng Bí thư Lê Duẩn trong những buổi nói chuyện với các đồng chí Bộ Chính trị, bởi các nhà ngoại giao Hà Nội trong những phiên họp hậu chiến với Mỹ từ 1995 đến 1998…”.

Cùng một vấn đề lại được xử lý, đánh giá khác nhau chỉ vì nó phải phụ thuộc vào luận điểm của người nghiên cứu thì liệu có thể coi là bằng chứng để chứng minh cho thao tác “nghiên cứu khách quan, khoa học, tôn trọng sự thật” của Giáo sư?


4.

Tôi ngồi “gõ” bài trao đổi với GS Lê Xuân Khoa trong một hoàn cảnh khá độc đáo, nếu không nói là éo le, ấy là sau lưng tôi vô tuyến truyền hình đang truyền hình trực tiếp lễ kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng miền Nam. Ba mươi năm vật đổi sao dời, nhiều thứ đã đổi thay, và vẫn còn một số thứ dường như chưa thay đổi. Tỷ như trong cuộc trao đổi với GS Lê Xuân Khoa, khi đánh giá luận điểm của Giáo sư, tôi hoàn toàn không đặt tâm trạng của ông trong quan hệ với “tâm trạng của người thua trận”, vậy không rõ tại sao Giáo sư lại coi tôi “bảo vệ thái độ tự tôn của kẻ thắng trận và chủ trương chỉ có người cộng sản là yêu nước”. Kết luận của tôi không xuất phát từ một tiền đề chủ quan, mà xuất phát từ các thao tác nhằm khái quát một cách khoa học về thực tiễn. Giáo sư có thể không đồng ý với kết luận đó, song hãy bác bỏ, hãy chứng minh tôi sai từ “gốc”, chứ không nên chỉ dựa trên kết quả.

Tôi chia sẻ với GS Lê Xuân Khoa về “mong ước rằng chính quyền trong nước và cộng đồng người Việt hải ngoại, sau chiến tranh đã ba mươi năm, có thể “nhìn nhận nhau với những trao đổi bình đẳng hai chiều để cùng góp công xây dựng một nước Việt Nam giàu, mạnh và dân chủ, hội nhập thành công vào cộng đồng thế giới và có đủ khả năng đối phó với những đe dọa mới...”. Nhưng một khi đã mong ước “khép lại quá khứ, hướng về tương lai” mà Giáo sư vẫn “chợt nhớ đã được đọc ở đâu đó một định nghĩa thật gọn gàng và chính xác: “Chủ nghĩa cộng sản là một chu trình lâu dài và đẫm máu từ chủ nghĩa tư bản đến… chủ nghĩa tư bản” thì đến bao giờ chúng ta mới có thể “khép lại quá khứ, hướng về tương lai”? Chiến tranh đã lùi xa, nhưng hậu quả của nó vẫn tồn tại dai dẳng trong tâm trí mỗi người dân Việt, dù họ đang sinh sống trong nước hay sinh sống ở nước ngoài. Tuy nhiên xin lưu ý Giáo sư, giống như thời chiến tranh đang diễn ra, nhiều sự thật đã bị bóp méo, xuyên tạc, hiện tại tình trạng này cũng đang lặp lại. Đọc hai bài viết của GS Lê Xuân Khoa, tôi hiểu đánh giá của ông về một số sự kiện đã ít nhiều chịu ảnh hưởng từ thiên kiến của một vài người đi trước. Ngay với vấn đề “xoá bỏ hận thù” chẳng hạn, hôm nay đối với người Việt ở trong nước cũng không phải là một cái gì nặng nề, song đọc báo chí, xem các websites của người Việt ở hải ngoại lại thấy dường như người ta nói về “hận thù” nhiều hơn. Tôi cũng có những người quen đã định cư ở nước ngoài, mỗi khi họ về Hà Nội, tôi và họ lại tụ tập hàn huyên. Chỉ thấy ánh mắt chan hoà, chứ tuyệt nhiên không thấy ánh mắt thù hận. Tôi cũng đã gặp những người Hàn Quốc, người Nhật Bản, người Pháp… đến Việt Nam và chưa lần nào gặp họ mà tôi lại nhớ tới “lính Pắc Chung Hy”, tới hai triệu người chết đói năm Ất Dậu, nhớ tới những người đã đưa Nguyễn Thái Học, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai lên đoạn đầu đài… Về vấn đề này, tôi nghĩ Kinh Phật có một câu rất hay: “Dùng ân báo oán, oán ấy tiêu tan. Dùng oán báo oán, oán ấy trập trùng”.

Cuối năm 2004, một phóng viên người Pháp ở tạp chí Géo đã “quần” tôi hơn 3 giờ đồng hồ, hỏi đủ thứ chuyện có liên quan đến con người Việt Nam, đến văn hoá Việt Nam và tôi cố gắng trả lời trong phạm vi những gì mình hiểu. Còn nhớ một câu hỏi của anh phóng viên: “Tại sao người Việt Nam thích đánh nhau?”. Tôi phì cười rồi trả lời: “Chỉ có người bất thường về thần kinh mới thích đánh nhau, còn người Việt chỉ cầm vũ khí khi đứng trước nạn ngoại xâm, như người Pháp đã cầm súng chống lại phát-xít Đức. Trong sâu thẳm tâm hồn, chúng tôi yêu hoà bình. Tôi tên là Hoà bởi tôi chính là khát vọng hoà bình của cha tôi. Con trai tôi tên là Bình bởi cháu chính là khát vọng hoà bình của tôi”. Anh phóng viên gật đầu và giơ cao ngón tay cái. Thế đấy, tôi không nhân danh ai cả, chỉ nhân danh một người Việt Nam bình thường, đã lớn lên trong chiến tranh, đã ra mặt trận, đã trở về cố gắng học hành để được làm công việc mình yêu thích, đặng hữu ích cho gia đình, rộng hơn là cho xã hội. Tôi đã trải qua nhiều chuyến đi, một mình một túi, lang thang khắp đất nước, từ Lũng Cú tới Cà Mau. Tôi cũng đã tiếp xúc với vài chục dân tộc ít người, đã đến với người Chăm ở Bình Thuận, người Khơme ở Trà Vinh - An Giang, đã uống rượu trong bản người Mông, đã nằm nhà sàn trong bản người Dáy, đã lên nương cùng những chàng trai người Lự… Và có một điều kỳ lạ là ở đâu tôi cũng được coi như anh em một nhà và sự thiếu thốn về vật chất chưa bao giờ che lấp được tình người với sự chân thành và lòng đôn hậu. Tôi biết đất nước mình còn nghèo, nhất là ở những vùng sâu vùng xa và còn nhiều vấn đề xã hội cần giải quyết. Nhưng tôi cũng biết đất nước mình đã khác xưa, khác nhiều lắm so với những ngày tôi từ chiến trường trở về. Chẳng nhẽ điều đó lại chưa đủ để tôi và Giáo sư tin tưởng vào một ngày mai hay sao?

Ba mươi năm sau ngày chiến tranh kết thúc, từ suy tư của mình tôi cho rằng, những tiếng nói “hận thù” ngày nay đang trở nên lạc lõng. Xin đừng tưởng tượng ra “con ngoáo ộp hận thù” để hù doạn lẫn nhau, hãy nhìn thẳng vào thực tế một đất nước yên bình để cùng nhau chăm lo cho tương lai con cháu. Nếu chúng ta cùng coi Việt Nam là tổ quốc, là quê hương thì hiển nhiên chúng ta cùng có trách nhiệm làm cho tổ quốc, làm cho quê hương ngày càng giàu mạnh. Vì thế, từ nỗi băn khoăn khi thấy GS Lê Xuân Khoa vừa mong ước một cuộc hoà hợp dân tộc lại vừa cố gắng đưa ra những đoán định chưa thật sự sâu sắc về lịch sử, tôi đã viết bài trao đổi với ông, không nhằm tranh phần hơn kém, hay làm cho người Việt ở trong nước có ấn tượng không tốt về Giáo sư. Có thể ngay lúc này, chúng ta chưa tìm thấy một sự đồng thuận, tôi vẫn rất tôn trọng ý kiến của ông. Hy vọng Giáo sư cũng sẽ nghĩ về tôi như vậy.

30.4.2005


© 2005 talawas