trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 208 bài
  1 - 20 / 208 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐời sống hiện đại
2.5.2005
Nguyễn Cường
Tranh luận lành mạnh
 
Theo dõi một số tranh luận gần đây trên talawas, tôi muốn giới thiệu một lối "sành điệu" trong văn hoá tranh luận của người Nhật nói riêng và của giới trí thức tiến bộ nói chung. Quyển sách tôi sử dụng để nói về vấn đề liên quan là Gakumon Sisho Ningen (Học vấn, Tư tưởng và Con người) của triết gia người Nhật MASHITA Shin-ichi. Lưu ý, tôi chỉ trích dịch và kèm theo cách lí giải của mình, chứ không dịch toàn bộ tác phẩm này.

Trong phần "Lòng tự trọng và tính tự ti" của tác phẩm trên, triết gia này nói: "Một trong những sự tổn thương tinh thần lớn nhất của con người là bị người khác coi thường mình và không thèm đếm xỉa tới." Trong kho tàng tục ngữ tiếng Việt của chúng ta cũng có câu "Tức nước vỡ bờ" hay "Con cáy đuổi cùng nó giơ gọng lại" hoặc "Con giun xéo lắm cũng quằn". Còn trong kho tàng tục ngữ phương Tây, thì tiếng Anh có "Even a worm will turn" và ở Bồ Đào Nha thì có câu "Every ant has its ire". Ở̉ đâu cũng thế, ai cũng có không ít thì nhiều những nhận thức về lòng tự trọng của mình. Biết mình biết ta, để tránh việc đôi khi, vì quá "cắm đầu cắm cổ" với cuộc tranh luận, mà ta bỏ qua những ý kiến cũng như "những điều muốn nói" của đối phương để rồi "đường ta ta đi...". Ai cũng thế, ngay cả "con cáy" và "con kiến", khi bị khinh mạt, phủ định những giá trị tối thiểu về lòng tự trọng thì cũng sẽ "giương hết lực lượng" để bảo vệ mình. Âu cũng là lẽ thường tình và là một bản năng tích cực của mọi sinh vật.


Thái độ trong tranh luận

Ví dụ có hai anh chàng là Tí và Tèo cùng tranh luận về một vấn đề nào đó. Trên phương diện lí luận, lí lẽ của anh Tí có phần nhỉnh hơn và Tí đã phản luận một cách chính đáng những lí lẽ của Tèo. Một trong những tình huống đôi khi xảy ra tại giai đoạn này là Tèo không chịu chấp nhận đã bị thua.

Người ngoài cuộc theo dõi cuộc tranh luận sẽ thắc mắc rằng, hẳn có một cái gì đó đang bị nhầm lẫn trà trộn vào cuộc tranh luận này của Tí và Tèo. Có nghĩa là Tèo (phía thua lí luận) đã "đồng hoá" bản thân mình với những lí luận mình đưa ra. Và do đó, khi bị phủ định những "lí luận" mình đưa ra, Tèo cứ ngỡ như là việc làm này đồng nghĩa với việc chính "bản thân" mình đã bị phủ định. "Sự ảo tưởng" này tất yếu dẫn đến những "diễn biến tiêu cực" trong quá trình tranh luận tiếp theo.

Một nguyên tắc cần được làm sáng tỏ trong khi tranh luận là "lí luận là lí luận, con người là con người". Chúng ta cần "khu biệt" rõ ràng hai yếu tố này trong văn hoá tranh luận. Lí luận là hành vi của tri thức để đi tìm những giải thích thế nào là những "giá trị phổ quát" và cần phải được tách rời với những vấn đề liên quan đến "cá nhân". Hơn nữa, khi vấn đề tranh luận thuộc phạm trù liên quan mật thiết tới nhân cách con người như đạo đức, tư tưởng, v.v... thì không nên "chấp nhất" bám víu lấy những lí lẽ sai trái. Và khi đó, chúng ta phải nên nhận thức là "lí lẽ" bị phủ định chứ không phải chính "con người" của mình bị đánh thua.

Những "diễn biến tiêu cực" xảy ra trong quá trình tranh luận là do một bên nào đó, thậm chí có thể cả hai bên đã nhầm lẫn giữa những yếu tố tranh luận này và bên bị thua về "lí lẽ" vẫn không chịu chấp nhận vì lo sợ rằng chính sự tồn tại, giá trị nhân cách của mình sẽ bị phủ định. Do đó, một người tham gia tranh luận thông minh sẽ biết được tâm lí này của con người và biết kĩ năng tranh luận trong tinh thần tôn trọng nhân cách đối phương. Anh ta sẽ không bao giờ "ép" đối phương vào sát chân tường vì "tức nước" tất sẽ "vỡ bờ". Đôi khi, người tham gia tranh luận thông minh sẽ vừa "tấn công lí lẽ" vừa tạo cơ hội cho đối phương "rút lui" trong danh dự. Những "lí lẽ" trong lập luận của đối phương sẽ được người tham gia tranh luận thông minh nêu ra rõ ràng và anh ta sẽ phản luận lại những lí lẽ này khi đưa ra những dẫn chứng cụ thể về sự mâu thuẫn của nó. Làm sao thì làm, nguyên tắc căn bản nhất vẫn là "thái độ tôn trọng nhân phẩm đối phương" trong tranh luận.

Cũng cần phải nói thêm rằng, những hoạt động tri thức thật sự phải có "nguyên tắc sáng tạo" đi kèm, tức có tinh thần xây dựng. Do đó, nếu mọi người đều thành tâm để tìm cách giải quyết vấn đề trong thiện chí thì ắt hẳn, thái độ tôn trọng lẫn nhau là điều dễ dàng vì chúng ta cùng tích cực vì một "đại sự" nào đó. Ngoài mục đích có tính "xây dựng" tích cực này ra, tất cả chỉ là tranh luận suông, tốn thời gian, rồi chia rẽ, và bế tắc!


Ý nghĩa của tranh luận

Có thể sẽ có ý kiến cho rằng tranh luận làm gì cho mất thời gian. Rồi còn có ý kiến cho rằng người Việt Nam làm việc không có hiệu quả là vì tối ngày tranh luận... Nhưng theo tôi, có lẽ những tranh luận đó chưa đúng nguyên tắc "tranh luận trong tinh thần xây dựng, hướng thiện", nên những thái độ tiêu cực hoặc thậm chí dị ứng đối với tranh luận của một số người là điều dễ hiểu. Bản thân người viết bài này cũng đang tham gia vào một hoạt động từ thiện cùng với đa số là sinh viên trên toàn thế giới trong một dự án trên mạng, chúng tôi cũng gặp rất nhiều những vấn đề liên quan đến nhận thức khác nhau và những ý kiến khác nhau, đó là chuyện bình thường. Nhận thức được tầm quan trọng của tranh luận, chúng tôi không né tránh vấn đề và cố gắng học hỏi những cách tranh luận thông minh, "sành điệu" của các "tiền bối", chứ không phải những cách của một số thanh niên cũng trẻ tuổi như chúng tôi, tối ngày vào mạng paltalk "sàm". [1]

Có tham gia thử vào mạng paltalk này mới thấy những sự "kinh khủng" của nền văn hoá tranh luận Việt Nam. Một thực tế cần phải được công nhận là đa số tuổi trẻ có tinh thần "dân chủ", người Việt Nam ở hải ngoại đa số đều ít nhiều quan tâm đến vận mệnh đất nước và mong muốn cho Việt Nam sẽ có được tự do dân chủ, đồng bào trong nước có một cuộc sống sung túc hơn hiện trạng bây giờ, nếu không bằng tiêu chuẩn cuộc sống của Mỹ hay Nhật thì cũng tương đương như Thái Lan hay Singapore. Tuy nhiên, đôi khi họ bị "vướng" vào cảm tính trong khi tranh luận vì những nguyên nhân tiêu cực như tôi đã nêu ở trên (lẫn lộn giữa lí luận và con người). Một loạt hình dung từ như "cẩu”, “lợn"... về ông Hồ Chí Minh, thậm chí một số bài hát "ủng hộ tinh thần" cũng không quên cho những từ ngữ này vào ca từ để tăng thêm sức mạnh "hạ bệ nhân phẩm" của đối phương...

Một điển hình khác của những hoạt động tranh luận không lành mạnh và đầy cảm tính này là sự "chụp mũ". Khi có vẻ bị yếu thế một chút về lí luận, một số người bắt đầu giở chiêu bài "chụp mũ" đối phương bằng cách gán cho đối phương đó những hình dung từ "cảm tính" hầu tranh thủ tâm lí đám đông cũng như gây áp đảo tinh thần đối phương đang tranh luận. Một trong những hình dung từ phổ biến nhất là "cộng sản". Ý tôi muốn nói là sự máy móc trong suy luận (stereo type), tức là khi người ta sử dụng, hoặc nghe một hình dung từ nào đó, tức thì, cơ quan não bộ như được khảo lại bài và truy xuất ra định nghĩa của từ đó bất chấp những yếu tố về không gian cũng như thời gian, thậm chí về cả ý nghĩa của vấn đề. Shakespeare trong tác phẩm Hamlet có nói một câu: "Vẻ trầm mặc thành kính và điệu bộ chân tu nhiều khi cũng đường mật đánh lừa được cả ma quỷ", ý nói cứ nhìn thấy vẻ ngoài "vậy" mà cứ tưởng "vậy", nghe nói thế mà cứ tưởng thế và... không thèm suy luận thực hư vấn đề. Đem thành kiến vào tranh luận thì không còn gì để tranh luận nữa.

Một ví dụ khác phát sinh từ mặt trái tiêu cực của những cuộc tranh luận không có phương pháp như trên là những khoản bị cấm của một số diễn đàn, đặc biệt là khoản tranh luận chính trị. Ngoại trừ lí do không cho phép tranh luận chính trị, vì người quản lí không thích, hoặc vì nội dung diễn đàn rất xa với vấn đề chính trị, nhưng trốn tránh tranh luận chỉ vì nó là hậu quả của một nền văn hoá tri thức không lành mạnh là một điển hình cho sự giới hạn của nền học thuật nước nhà, thậm chí là một điển hình cho sự bất tài của giới trí thức Việt Nam.

© 2005 talawas



[1]Xin ghi chú thêm một thông tin về mạng paltalk này cho những ai chưa biết rõ về nó. Mạng paltalk giống như một mạng diễn đàn chát, nhưng mọi người cũng có thể đồng thời sử dụng hình ảnh, âm thanh để trao đổi với nhau. Những người tham gia có thể tự tạo một tên tài khoản (nick name..) và tham gia vào những phân nhóm (room) nào mình thích. Người tham gia có thể tự do thay đổi những nhóm này tuỳ sở thích của mình. Tại đây, cộng đồng người Việt chúng ta có rất nhiều nhóm như giải trí, tôn giáo,... và đặc biệt là chính trị. Đối với chúng tôi, có một cơ hội để nói tiếng Việt chính là một trong những cái thú của những kẻ sống nơi đất khách quê người.