trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 257 bài
  1 - 20 / 257 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
Loạt bài: Kỉ niệm 60 năm kết thúc chiến tranh thế giá»›i lần thứ hai (1945-2005)
 1   2   3 
9.5.2005
Margaret Paxson
Nặng gánh nước Nga
Võ Tấn Phong dịch
 
Những người hành hương trên cõi thế
Què quặt, gù lưng;
Đói ăn, thiếu mặc;
Trong mắt – xế tàn;
Trong tim – rạng đông.

(Joseph Brodsky)


Một quốc gia có thể nào tìm thấy ân sủng? Nó có thể giao phó cho một hạng người phải vác gánh nặng khổ nạn đạo đức, phải làm lương tâm cho tập thể và hy sinh cho tập thể, phải là nguồn siêu việt tâm linh của nó hay không? Trong câu chuyện nước Nga tự kể về chính mình, hạng người này được biết đến như intelligentsia [1]  (giới trí thức) đã vác phần lớn gánh nặng đó. Những thành viên của giới trí thức đã thúc giục và quở mắng nhân dân, kiếm tìm sự ưu việt tâm linh qua tri thức, và chịu đựng sự cô độc trong hy sinh và đấu tranh chống lại quyền lực của nhà nước. Pushkin và Dostoyevsky và Mayakovski và Brodsky (đều là những người quở mắng và các đấng tiên tri) là một phần của giới trí thức, nhưng cũng thế hàng ngàn hiện thân khác, có lẽ khiêm tốn hơn trong những lời diễn thuyết cho nhân dân, nhưng không hề kém phần khát khao tri thức và chân lý.

Và giờ đây, trong cơn sóng gió của sự thay đổi của nước Nga, giới trí thức đã ra sao, trĩu nặng bởi vai trò lịch sử của nó và bởi một ý thức về sứ mệnh đạo đức của nó?

Vào ngày 20 tháng Tám năm 1991, dưới bầu trời xám xịt, tôi rẽ sang một góc đường để đến Quảng trường Cung điện Mùa đông ở St. Petersburg và thấy một biển người, có lẽ khoảng 250 ngàn người, đã tụ họp đoàn kết nhau để chống lại việc bắt cóc Tổng Thống Mikhail Gorbachev của những người Cộng sản kiên cố. Liên bang Xô-viết dưới sự lãnh đạo của Gorbachev đã nghiêng về hướng đổi mới thật sự, tự do thật sự, và đánh vật với những chương đen tối nhất trong lịch sử của nó. Đấy là giây phút quyết định.

Một cuộc họp quần chúng đã được kêu gọi bởi thị trưởng St. Petersburg, Anatoli Sobchak—một giáo sư luật và một nhà cải cách tiền phong—và quyết định tham dự đòi hỏi mỗi người trong số 250.000 người kia một vài suy nghĩ cá nhân tỉnh táo: tụ họp nhiều hơn năm người trên đường phố là bất hợp pháp; công việc làm có thể bị mất vì đã tham dự vào một cuộc hội họp như thế, và tương lai tiêu tùng; cảnh sát có mặt khắp nơi. Trong một cảnh được lặp lại khắp nơi trong thành phố, tôi đã thấy vợ chồng u ám thảo luận về chuyện có nên đi hay không. Andrei là một nhà hóa học, thì sợ; Nina là một kỹ sư, thì quyết; còn đứa con trai của họ mà những ngày sắp tới sẽ mãi mãi là hệ trọng. Họ sẽ đi. Sau một chuyến xe qua sông Neva trên một chiếc xe điện gập ghềnh, nhóm nhỏ của chúng tôi đã đến trung tâm thành phố, rẽ sang góc đường, và đó một cảnh tượng kỳ vĩ.

Trong 69 năm tồn tại của nó, Liên bang Xô-viết đã giữ được nhà nước bằng những phương tiện khác nhau—từ sự ầm ỹ trắng trợn của bộ máy tuyên truyền đến sự tàn bạo thú vật trong đàn áp. Cũng dễ dàng và tạm lắng như khi phải chịu thua cái ý chí sắt thép của nhà nước, những tiếng nói chống đối sâu sắc cũng được ấp ủ ở Liên bang Xô-viết, mặc cho những mưu mô xảo quyệt nhất của nó. Những tiếng nói này thuộc về giới trí thức: nghệ sĩ, nhà văn, nhà ngôn ngữ học, nhà địa chất, nhà viết kịch, nhà kinh tế học, nhà sinh vật học. Đôi khi họ nói bằng ngôn ngữ tinh tế của thi ca; đôi khi họ dùng mỉa mai và châm biếm; đôi khi họ chìm vào trong sự kiên định đơn giản và lặng im về chân lý của khoa học và lý tính và về nhu cầu phải định nghĩa nhân tính của mình qua cái gì đó khác hơn là nỗi sợ. Vào những năm 1980, một số người trong họ đã bạo gan trực diện thách thức nhà nước, và mặc dù Liên bang Xô-viết cuối cùng đã sụp đổ dưới sức nặng của hệ thống chính trị và kinh tế của chính nó, sự mạnh dần những tiếng nói của họ đã tiếp tay vào sự tan rã này.

Những thành viên của giới trí thức—phức tạp một cách đớn đau trong ý thức về trật tự xã hội, khổ hạnh một cách kỳ quặc trong thị hiếu, và thường xa cách hoàn toàn với nhân dân mà họ tuyên nhận làm phát ngôn cho—đã tiêu đời hàng năm ròng trong những trại cải tạo vì phạm tội về tư tưởng. Chính họ đã thuộc lòng nhiều thơ của Anna Akhmatova vì quá nguy hiểm nếu chép tay. Chính họ đã giữ những chân dung thần tượng của Paul McCartney trong nhà và khắc sâu đường nét những bản đồ ngoại quốc trong óc. Và chính họ đã nỗ lực dẫn dắt nhân dân Nga đến giây phút lịch sử lật đổ chủ nghĩa cộng sản, họp nhau trong biển người và sẵn sàng cho mọi thứ, ngay cả cái chết.

Nhưng giới trí thức đã chuẩn bị cho thắng lợi và cho nước Nga đổi thay đã hiện hình trong những năm 1990 chưa? Những thầm thì từ trong tập tục sâu kín nhất của họ gây cho nhiều người trong những intelligenty này, như tên gọi họ, phải đối mặt với một khối ghê tởm và căm ghét ánh kim tiền và sự giàu có đã lan tỏa trong môi trường xung quanh họ. Họ căm ghét sự đua tranh kiếm tiền, và sự đua tranh kiếm tiền (cái bàn tay vô hình, tạo dựng lịch sử, vĩ đại đó) là vô dụng với họ. Công việc làm bị mất trong các trường đại học, các viện nghiên cứu, và trong nghệ thuật; lương bổng bị giảm đi thê thảm. Trong khi mức sống của một số tăng vọt đến độ sung túc và cao sang thực sự, đối với nhiều người khác mức sống rơi xuống thực sự bần hàn. Tôi đã chứng kiến những người bạn gầy ốm vì đói, với quầng thâm dưới mắt và da dẻ xanh xao. Mặc dù nhiều thành viên của giới trí thức đã cuối cùng thành công trong gặt hái những lợi nhuận của nước Nga mới này đem lại, sự việc này rất kỳ cục, giống như cố bước đi trên cái lằn dài thẳng tắp trong đôi giày sai kích cỡ.

Qua đêm và lần lượt, những anh hùng của perestroika [2] và thúc đổ sự sụp đổ của Xô-viết bị dồn đẩy ra lề trong cơn vội vã xây dựng một nhà nước. Giới trí thức dần dà bị coi như không thực tế, cầu kỳ, và chán ngắt, và bị coi là mang cái vẻ chán ghét kiêu kỳ những vấn đề quản lý thực sự của một đất nước mới mẻ. Thời gian trôi qua, một số những thành viên nổi bật của nó bị “hủ hoá” vì quyền lực; một số khác bị ám sát một cách tàn bạo; và một số đông rút lui vào yên lặng của khoảng không gian vây quanh họ. Hơn bao giờ hết, trí thức trở thành một nghề nghiệp cô đơn.

Nhiều người quan sát nước Nga nói rằng đã đến lúc phải tạm biệt với dị vật lịch sử mang tên intelligentsia. Những người khác thêm vào “Thoát nợ”. Đối với tôi, vấn đề này là riêng tư. Trong những năm tôi đã sống và làm việc ở nước Nga nghiên cứu nhân loại học, tôi đã cảm động và hứng khởi bởi bộ giáp kỳ khôi của nhà trí thức. Đó là Tolya, lấy thí dụ, người đã sống trong 20 năm trong một phòng với cha mẹ ông. Tất cả bảy người anh em của cha Tolya chết trong Thế Chiến II, và mẹ ông chứng kiến cảnh cha mẹ bà bị bắn chết trước mặt bà. Tolya giờ đây viết sách chiêm nghiệm về cái chết, về ý nghĩa của tiền bạc, về tầm quan trọng của những chuyện thường ngày trôi qua không ai để ý. Và đó là Alyosha, là người đã thử kinh doanh sau nghề bộ binh và đã đánh mất tất cả tài sản, là người đã làm thơ trong đêm với những ngón tay vàng khói thuốc, và là người giờ đây đang dạy triết học và dịch sách để đổi lấy vài trăm đô-la, để giữ lấy cốt lõi tối thiểu của một cuộc đời độc lập.

Và đó là Kesha, một nhà khảo cổ và nhà sử học đã sống nhiều năm với gia đình ông trong một căn phòng trong khu phố cổ xưa Staraia Ladoga [3] , một nơi cực đẹp ở dáng đất nét sông và nặng vẻ u sầu của những phế tích. Một đêm khi trời chuyển màu tía và nửa đêm đã gần kề, tôi lê bước dọc bờ sông cùng với một nhóm nhỏ trong khi Kesha nói điều ông biết về thị trấn cổ Staraia Ladoga đã bị biến mất. Quên mất đàn muỗi xung quanh ông, ông kể hết chuyện này đến chuyện khác. Mỗi chỗ dừng tạo ra một cơ hội để chạm ly chúc mừng: chúc mừng lịch sử, nơi chốn, một vùng đất đổ nát, đơn độc, cô quạnh. Vào cuối mỗi lần chúc mừng, Kesha cạn một ly vodka, và khuôn mặt ông—dù đầy vẻ say xỉn—bảo rằng nơi này đây và hành động vinh danh nó là cội nguồn ân sủng của đời ông.

Và đó là Anya. Anya lé mắt. Tôi biết bà nhiều năm rồi, và luôn thấy điều này rất có duyên, dường như đầu óc bà luôn trong quá trình thâu tóm lấy mọi thứ ở xa và rút ra ý nghĩa. Anya, hiện thân của phía hành động, dấn thân của giới trí thức, là một nhà báo nổi tiếng ở nước bà. Bà trước kia là một người dịch và thông ngôn tài giỏi và, trước đó nữa, một cô gái thông minh lớn lên trong một gia đình có nhiều bí mật.

Bí mật gì? Đó là khi sống trong căn hộ tập thể, tai vách mạch rừng, gia đình bà đọc sách và có ý kiến riêng; đó là, trong những năm dài của thời Stalin, ba trong số bốn ông bà nội ngoại của bà đã bị bắt và một bà nội/ngoại đã bị xử bắn; đó là cha bà đã bị đẩy tới một khu trại trẻ con khi mẹ ông bị đẩy tới trại cải tạo, và ông đã bỏ trốn; đó là cha bà bị chứng hưng trầm cảm; đó là bởi vì họ là người Do Thái, nên mọi thứ càng kinh khủng và liều lĩnh; đó là trong những đối thoại quanh bàn ăn, gia đình bà nói về nhà nước như một thứ “kinh hồn, khủng khiếp, và nguy hiểm”; có lẽ điều tồi tệ nhất, là gia đình bà có những người bạn Mỹ.

Anya lớn lên sống đời đầy ý tưởng. Bà mua sách cấm về nhà và kết bạn với người ngoại quốc. Khi vào đại học, bà quyết định theo ngành ngôn ngữ học để có thể hành nghề thông dịch độc lập, và đã bỏ học với chủ định tách rời khỏi đời sống được Xô-viết bảo kê. “Phản-hoài bảo”, bà gọi nó như thế, nhưng sự lựa chọn đem lại một mức độ tự do. Bà cân nhắc quyết định về tương lai bằng cách sử dụng những công cụ của quá trình giáo dục trí thức của bà, và, trong tính toán của bà, xa cách khỏi chiếc ghế quyền lực là đúng vị trí để nói thật, và để sống đời trung trực. Với Anya, những hy sinh sống nghèo khổ và không địa vị trong hệ thống đòi hỏi phải có vị trí là những hy sinh cao cả.

Mặc dù bà coi mình là một kẻ ngoài lề và là người li khai từ thời còn trẻ, Anya lại bị ném vào vào trung tâm cuộc xung đột trong những năm 1990 quá sức tưởng tượng của bà. Khởi đầu là thông dịch viên, bà được một ký giả Mỹ giúp đỡ để tìm được tiếng nói diễn giải, xã luận của chính bà. Ngày nay, bà cả gan chỉ trích chính phủ của Vladimir Putin, cuộc chiến ở Chechnya, sự thụ động của dân chúng Nga, và những sai lầm của đất nước khi dấn bước vào nền dân chủ.

Lần cuối cùng tôi gặp Anya ở Moscow vào tháng Mười Hai năm 2003, hai ngày sau cuộc bầu cử quốc hội Nga, trong đó đảng nào mang tiếng “tự do” cũng thất bại không thu được năm phần trăm số phiếu bầu đòi hỏi để trúng cử tri. Cùng ngày hôm đó, một phụ nữ trẻ tuổi cột chất nổ vào hông, lạc vào Quốc hội, và, để phản đối cuộc chiến Chechnya, đã khai ngòi tan xác.

Anya bận rộn với những cú điện thoại ngoại quốc, nhưng nồng ấm, niềm nở và hào phóng như thường lệ. Khi chúng tôi ngồi xuống nói chuyện, Anya nhắc đến màn quảng cáo TV mà Anatoli Chubais và đảng của ông ta SPS (Liên minh Cánh Hữu) đã chọn cho vận động tranh cử vào quốc hội của bọn họ. Trong quảng cáo, Chubais, Boris Nemtsov, và Irina Khakamada, tất cả đều kỳ cựu trong nền chính trị “tự do” của nước Nga hậu-Xô-viết, đang ngồi trên một máy bay sang trọng, làm việc trên laptop, và kêu gọi đồng bào hãy giống như họ. Chiếc máy bay—trắng tinh và tắm trong đèn vàng—cất cánh lên trời cao, hay có lẽ vào một tương lai tươi sáng. Một người quan sát Hoa Kỳ đã gọi đó là “một trong những màn tuyên truyền ngu độn nhất của mọi thời đại”. Anya chỉ đơn giản nói: “Họ không thể ít ra là dùng một xe lửa màu trắng hay sao?”

Tại sao những nhà “tự do trẻ tuổi” giờ đây già cỗi không thể nhìn màn quảng cáo đó qua ánh mắt của đồng bào họ, như những bà già vật lộn để tìm thực phẩm và sống trong những căn hộ bé xíu, hay những người dân làng làm việc còng lưng cho mỗi củ khoai và mỗi miếng thịt họ ăn? Ví dụ đó là sự mù quáng của những thành viên giới trí thức cắm mình vào giới quyền lực nước Nga. Chubais từ một nhà kinh tế học trẻ tuổi ở St. Petersburg trong những năm 1980 trở thành một trong những kẻ định giá, chuyển hoán, và trục lợi của nước Nga mới. Giữa những năm 1990, ông ta đóng vai trò quan trọng trong quá trình cổ phần hóa tài sản nhà nước trong vụ “loans for shares” [4] ô danh đã góp phần lớn tạo ra tập đoàn thiểu trị (oligarchs) của nước Nga. Giờ đây ông ta được nhiều người coi như đại diện cho một tầng lớp đặc tuyển mới hoàn toàn xa rời và không quan tâm tới dân chúng. Sự vô cảm của bọn họ là đỉnh cao nhất của láo xược. Vì thế, những ý kiến tự do, trong một chừng mực nào đó, từng là một nối tiếp của cải cách trong perestroika thì giờ đây không còn chỗ đứng trong Quốc hội Nga. Đối với những người nghĩ rằng bầu cử là dấu hiệu của những phong trào lớn mạnh hơn của thời đại, thì thời hoàng kim của cải cách và xét lại của nước Nga, của những ý tưởng lớn và hy sinh vĩ đại của những tiếng nói nhỏ, có thể được chính thức tuyên bố cáo chung.

Anya, dĩ nhiên, không muốn chuyện này kết thúc. Bà muốn đấu tranh và tiếp tục đấu tranh. Nhưng những đồng chí của bà ở đâu?

“Maggie”, Lidia nói, nhìn tôi với đôi mắt mí trĩu nặng, “bà phải hiểu. Tôi đếch thèm quan tâm”. Tôi hỏi bà về bầu cử quốc hội và bà có đi bầu không. Không, bà không đi bầu. Dĩ nhiên là không. Ở St. Petersburg của bà—cùng cái thành phố đã từng là cái nôi của những xung động đòi dân chủ và phản kháng của nước Nga, đã từng là “cửa sổ nhìn ra Âu châu” của nước Nga, cái thành phố đầm lầy, đẹp mê hồn, và hư hỏng của Pushkin và Dostoyevsky và Akhmatova và Brodsky—tháng Mười hai vừa qua công chúng đi bầu tránh xa những nhà tự do như Irina Khakamada. Thay vì bầu Khakamada vào chiếc ghế ngồi rất lâu bởi nhà cải cách bị ám sát Galina Staravoitova, họ chọn người cộng sản Gennady Seleznev.

Không, Lidia đã không đi bầu, và Lidia có lẽ sẽ không đi bầu. Bà sẽ không đứng trong đám đông 250 ngàn người lần nữa. Bà sẽ không mang biểu ngữ hay viết bài xã luận.

Tôi nhớ lần đầu thấy Lidia là khi nhìn bà ăn bánh. Chúng tôi ở trong một nhà hàng ở Montreal 14 năm trước, và phân khoa nhân loại học của tôi đang mời cha dượng của bà sang làm việc, ông ta được coi là một trong những nhà ngữ văn xuất sắc nhất thế hệ ông. Bà đến Quebec với mẹ để thăm ông. Số phận đưa đẩy, Lidia và tôi cả hai theo chương trình tiến sĩ ở Đại Học Montreal, và cuộc đời chúng tôi bắt đầu quyện vào nhau.

Lidia là con gái của một nhà thơ đã chết trước thời đại của ông rất lâu. Bà là con gái của một nhà địa chất và nhà văn, và là cháu gái của một nông dân Xô-viết sau trở thành nhà tiểu thuyết. Gia đình bà gồm những nữ nghệ sĩ, những quí tộc, và những nhà ngữ văn. Trong cách xếp hạng ngầm của giới trí thức, bà thuộc về một hoàng gia bé nhỏ nhưng quan trọng. Một trong những giáo sư trong trường cao học thậm chí còn gọi bà là “Công chúa”.

Nhưng cũng như cái địa vị xã hội—cái địa vị hoàng gia đó—quan trọng như thế nào đối với một người như Lidia được diễn dịch bởi những người xung quanh bà, mối quan tâm của Lidia lại khác. Chữ—sự đẽo gọt và ý nghĩa của chúng, bóng dáng và màu sắc của chúng, những chữ đẹp và thật cần được bảo vệ khỏi sự ngu ngốc của một nhà nước kiềm kẹp—dẫn đường chỉ lối cho bà trong đời. Sau khi tốt nghiệp sau đại học, bà bắt đầu từ dịch lý thuyết văn chương nóng hổi đến dịch tiểu thuyết, và giờ đây bà đang tìm kiếm giọng riêng trong những câu chuyện của bà. Đối với bà, chữ là quan trọng. Và nghệ thuật là quan trọng. Và ý nghĩa tình yêu là quan trọng. Và cuộc sống là cái cứ ngoan cố cản đường.

Lidia cao và khỏe mạnh (đối nghịch với mẫu mực của đàn ông Nga về sắc đẹp, bà lưu ý), với đôi chân dài đi duyên dáng. Bà có nghị lực. Bà yêu thú vật—những con vui vẻ và được chăm sóc cũng như những con đi lạc và bị tàn phế—và đã dành những năm thiếu nữ sau giờ học chạy nhanh để bắt kịp chuyến xe điện ra ngoài thành phố để được cưỡi ngựa, nơi đó bà học cách cưỡi ngựa và hòa đồng với bè bạn rất khác với những người bà biết ở trường. Bà cưới một người dịu dàng, một nghệ sĩ, và giờ đang sống với ông và con trai riêng của ông trong một căn hộ hai phòng.

Nếu Lidia yêu thú vật, thì đôi khi bà dường như ghét con người. Tôi thấy bà nổi giận, đá chiếc xe ngoại quốc đắt tiền của những mafiya dám lấn bà trên đường, quát lại những cô phục vụ cáu kỉnh trong những “nhà nghỉ” kiểu Xô-viết, và chưởi mắng những kẻ đổi tiền cho người ngoại quốc lại cộng thêm những món thù lao bí ẩn. Tôi đã nghe bà chửi rủa vào mặt những kẻ mang súng. Đối với Lidia, thứ duy nhất xấu hơn những gì còn lại của sự ngu độn Xô-viết đã từng làm người cha thi sĩ của bà nổi giận là cái tầng lớp mới phất lên của nước Nga, với tất cả sự thô bỉ và trống rỗng của bọn họ. Bà không thể chịu được sự thiếu công lý trong chuyện cà phê gần ngang giá với tiền hưu bổng của bà nội/ngoại của bà, hay sự điên rồ của thế giới chính trị, hay, trung thực mà nói, sự thiếu vắng cái đẹp đang tăng vượt lên trong thế giới mới.

Lidia không đi bầu, và căm ghét chính trị, và bà cùng chồng sống bằng những bức tranh của ông bán được và bằng tiền nhuận bút dịch thuật bà mang về. Nhà của họ quá nhỏ để chứa những vật dụng cho đời sống đến nỗi có khi bà nói rằng bà sẽ làm bất kỳ, bất kỳ chuyện gì, để có đủ chỗ cho bàn viết của bà—dài sáu tấc rộng sáu tấc, không hơn. Nhưng chỗ đó vẫn không tìm được.

Nhưng dù Lidia nhận thấy sự thô bỉ và xấu xí trong thế giới này thế đó, bà cũng thấy diệu kỳ ở đó nữa: trong bữa ăn gia đình, trong những lúc uống trà cả buổi và trò chuyện cùng bè bạn, trong việc cưỡi ngựa và dắt chó đi dạo, trong chuyến xe điện gập ghềnh qua thành phố sáng chói và lạ lẫm trong ánh sáng tím của những đêm trắng, trong dạo chơi, dạo chơi trên phố phường và kênh đào thành phố. Và trong sự diệu kỳ đó—trong cuộc tìm kiếm bất tận và trong niềm tin rằng bà sẽ ngẫu nhiên tìm thấy nó trong một đêm sáng trăng—rằng có một chức vụ chăn chiên, dù rằng mới lướt qua thì không thể nào như vậy.

Thế thì giới trí thức là gì mà lại cảm thấy cần làm người chăn dân chúng? Mà cảm thấy cần gánh chịu sự đấu tranh chống lại nhà nước? Mà phải hiểu thấu những thứ nhỏ bé đến tường tận? Có phải đó là một hệ lụy của Chính thống giáo Nga, vốn cho thánh chức là bỏ thế gian, sống đói rách, và quở trách Sa hoàng? Hay nó bắt nguồn từ hệ thống phong kiến đặc thù của nước Nga cổ đã tạo ra một hố ngăn cách giữa giới ưu tú và “nhân dân” còn sâu hơn nhiều so với [hố ngăn cách đó] trong phần còn lại của Âu Châu?

Đối với những ai tin rằng lịch sử chỉ nghiêng về một hướng—về một tương lai rực rỡ của các thị trường duy lý và những khao khát đo đếm được—giới trí thức Nga đã trở thành một thứ lỗi thời, giờ đây, cuối cùng, đã chết. Nhưng đối với người Nga, giới trí thức dường như luôn trên bờ tan rã: luôn gần như thanh tao, gần như thánh thiện, và gần như bị chôn vùi và bị quên lãng. Trong tình trạng mờ ảo vĩnh cữu như thế, giới trí thức có thể cùng lúc là linh thiêng và bị phớt lờ. Có lẽ, trong sự lãng mạn của kết thúc, có một chút gì hoàn toàn cốt yếu về sự hiện hữu của giới trí thức.

Nhưng lịch sử không chỉ đi theo một hướng, và nỗi khát khao và ân sủng không đến trong những gói sạch và gọn. Giới trí thức đã chật vật với vai trò thực sự của nó thì không ngừng gây ngạc nhiên với sức mạnh của nó: Cuối cùng thì, nó đã góp phần thúc đẩy 250.000 người đến quảng trường cách mạng ở St. Petersburg. Nó đã tạo nên Anya, người sẽ lé mắt nhìn tương lai xa vời của đất nước bà và đấu tranh đến cùng. Nó đã tạo ra Kesha, người sẽ nâng ly dù đàn muỗi ăn tươi nuốt sống ông. Và nó đã tạo ra Lidia, người sẽ tiếp tục đánh vật để mang thực phẩm về nhà, hay chăm sóc cho bà nội/ngoại già yếu, hay che chở cho đứa con trai yếu đuối khỏi gia nhập cái quân đội giết người, như khi bà trở về cõi viết sáu tấc vuông và suy nghĩ về sức mạnh và sự ngọt ngào của chữ.


Margaret Paxson là thành viên kỳ cựu của Wilson Center’s Kennan Institute và là tác giả của Solovyovo: The Story of Memory in a Russian Village (sắp xuất bản).

© 2005 talawas



[1]intelligentsia: tầng lớp trí thức ưu tú hay tiên phong trong nghệ thuật, xã hội và chính trị; nguồn gốc từ tiếng Nga intelligentsiya.
[2]perestroika: (tiếng Nga, nghĩa là cấu trúc lại) chương trình đổi mới của Liên bang Xô-viết trong thời kỳ Gorbachev, thập niên 1980.
[3]thành phố cổ cách phía đông St. Petersburg khoảng 100 km
[4]dưới thời Yelsin, nhà nước cầm bán dưới giá các tài sản nhà nước được cổ phần hóa, bao gồm những phần quan trọng như năng lượng, viễn thông, luyện kim.


Xin xem thêm The “loans for shares” scheme ở: http://en.wikipedia.org/wiki/History_of_post-Soviet_Russia
Nguồn: Margaret Paxson, “Bearing Russia's Burdens”, Wilson Quarterly Summer 2004, http://wwics.si.edu/index.cfm?fuseaction=wq.essay&essay_id=83686