trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 257 bài
  1 - 20 / 257 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
Loạt bài: Kỉ niệm 60 năm kết thúc chiến tranh thế giá»›i lần thứ hai (1945-2005)
 1   2   3 
9.5.2005
Anne Applebaum
Sự thật lịch sử hay tôn vinh chiến thắng?
Phạm Minh Ngọc dịch
 
Xin hãy tưởng tượng khung cảnh sau đây: Một đám người vô cùng đông đúc trên Quảng trường Đỏ: phía sau là lăng Lenin và mộ Stalin. Những đoàn quân rầm rập bước, xe tăng tiến lên, tiếng động cơ gầm rú, thỉnh thoảng không khí lại như bị xé ra bởi tiếng rít của những chiếc máy bay tiêm kích phản lực lao ngang qua bầu trời. Trên lễ đài là các vị khách quí: nhà độc tài Bắc Triều Tiên - Kim Jong Il, nhà độc tài Bạch Nga –Alexander Lukashenko, nhà cựu độc tài Ba Lan – Wojciech Jaruzelski và tổng thống Mĩ – George W. Bush.

Bạn chớ nên coi đó là kết quả của một trí tưởng tượng quá đáng. Không phải như vậy đâu. Bạn sẽ nhìn thấy tất cả những điều đó, hay gần như tất cả những điều đó, trên màn ảnh truyền hình vào ngày 9 tháng 5 năm nay, ngày tổ chức kỉ niệm 60 năm kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ hai tại Moskva. Tôi chỉ cho phép mình phóng đại một chút: Kim Chung Il đã được mời nhưng chưa khẳng định có tham dự ngày lễ hay không. Nhưng Jaruzelski nhất định sẽ tới, Lukashenko và G. W. Bush, cùng hàng chục lãnh tụ quốc gia khác cũng sẽ có mặt. Người chủ nhà hiếu khách là tổng thống Nga, ông Vladimir Putin.

Một số nước sẽ không cử đại diện tham dự: thái độ đối với ngày này mỗi nơi mỗi khác. Thí dụ đối với các nước vùng Baltic thì tháng Năm không chỉ có nghĩa là kết thúc chiến tranh mà còn là bắt đầu gần một nửa thế kỉ chiếm đóng của quân đội Xô-viết, trong đó cứ mười người thì có một người hoặc bị giết hoặc bị vào trại cải tạo hay đi đày biệt xứ. Tổng thống Lithuania và Estonia không thể nào chấp nhận ý nghĩ rằng họ sẽ phải vỗ tay hoan hô các cựu chiến binh Hồng quân, những người sau năm 1945 đã tham gia công cuộc “bình định” đất nước họ và vì vậy đã từ chối tới Moskva. Bà tổng thống Latvia đồng ý tham dự nhưng đã buộc phải tuyên bố rằng sẽ nhân chuyến thăm này để nói rõ sự thật về cuộc chiếm đóng của quân đội Xô-viết. Tổng thống Ba Lan đã khá vất vả biện hộ trong suốt mấy tuần qua về chuyến đi Moskva của mình vì ngay từ tháng 5 năm 1945 nhiều lãnh tụ của phong trào kháng chiến chống phát-xít của Ba Lan đã bị giam tại Lubyanka, nhà tù khét tiếng của Bộ Nội vụ Liên Xô.

Tổng thống Nga, có thể nói một cách nhẹ nhàng, lại làm cho các vị khách tương lai không được thoải mái lắm. Gần đây ông đã tuyên bố trong một buổi phỏng vấn trên sóng phát thanh rằng ông coi việc kí Hiệp ước không tấn công lẫn nhau giữa lãnh đạo Liên Xô và nước Đức phát-xít vào tháng 8 năm 1939 là chấp nhận được: bằng thoả ước này hai nhà nước toàn trị đồng ý chia nhau Ba Lan và thoả thuận để các nước Baltic sáp nhập vào Liên Xô. Theo lời Putin thì Liên bang Xô-viết hoàn toàn có quyền thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm “an ninh biên giới phía tây của mình”, cứ như việc xâm lược các nước có chủ quyền là một trong những biện pháp bảo vệ biên giới hợp pháp vậy. Ngay trong tuần này (ngày 25 tháng tư - ND) Putin lại tuyên bố rằng việc tan rã Liên Xô - nhờ thế mà các nước Đông Âu được tự do – là “thảm hoạ địa chính trị lớn nhất” trong thế kỉ XX: có thể lớn hơn cả chiến tranh thế giới lần thứ hai. Các đồng bào của ông đã thể hiện sự đồng tình với lãnh đạo của mình bằng cách dựng lên ở khắp nơi rất nhiều tượng Stalin nhân dịp kỉ niệm kết thúc cuộc chiến.

Nhà Trắng cố gắng làm giảm hậu quả tiêu cực của chuyến thăm của tổng thống Bush tới Moskva, mà theo giới quan sát thì trong trường hợp tốt nhất sẽ là một sự kiện cực kì không thành công, còn trong trường hợp xấu nhất, có thể phát triển thành một vụ bê bối lớn. Trên đường đến Moskva, ông Bush sẽ ghé Latvia và sẽ gặp lãnh tụ các nước vùng Baltic - tất cả các nước này nay đã là thành viên khối quân sự NATO, nghĩa là đồng minh của Mĩ – còn trên đường về ông sẽ ghé thăm Georgia, nơi bất chấp phản ứng của Nga, gần đây một tổng thống được bầu theo lối dân chủ đã nắm được quyền lực. Nhưng nếu chúng ta không muốn biến lễ kỉ niệm ngày kết thúc thế chiến thứ hai thành việc tôn vinh chủ nghĩa Stalin thì chúng ta phải có các biện pháp khác nữa. Thứ nhất, Thượng viện phải thông qua nghị quyết, do hạ nghị sĩ bang Illinois, ông John M. Shimkus đề nghị, trong đó có lời kêu gọi nước Nga lên án Hiệp ước Xô-Đức và việc xâm lược các nước vùng Baltic. Dự thảo nghị quyết được viết bóng bảy một cách đáng ngạc nhiên so với các văn bản khác của Quốc hội có câu: “Sự thật là phương tiện chữa lành vết thương, là phương tiện tha thứ và hoà giải hữu hiệu; nhưng thiếu vắng sự thật lại tạo ra nghi ngờ, lo âu và thù địch”.

Chính ông Bush cũng phải chứng tỏ rằng ông thực sự hiểu rõ các sự kiện xảy ra vào năm 1945. Trong những năm gần đây tất cả các tổng thống Mĩ đều ghé thăm Auschwitz, và nhiều người trong số họ còn ghé thăm các nơi vốn là trại tập trung khác trên đất Đức nữa. Đã đến lúc để các lãnh tụ Mĩ đặt cơ sở cho một truyền thống mới: tưởng niệm những nạn nhân của chế độ Stalin. Đó là một việc không đơn giản – đài tưởng niệm nạn nhân của các cuộc thanh trừng ở Moskva có thể đếm trên đầu ngón tay – nhưng là việc có thể thực hiện được. Tổng thống có thể đặt vòng hoa trước một phiến đá trong khu nhà tù Lubyanka, phiến đá này được mang về từ Solovetsky, trại tập trung đầu tiên giam giữ các tù chính trị Liên Xô. Ông cũng có thể đến thăm một trong những khu vực phụ cận Moskva, nơi người ta đã tiến hành bắn giết hàng loạt những người bị thanh trừng.

Tất nhiên đây là hành động hoàn toàn mang tính tượng trưng. Nhưng các buổi lễ kỉ niệm kết thúc cuộc chiến cũng là những sự kiện mang tính tượng trưng. Làm sao để mỗi dịp kỉ niệm ấy lại làm ta nhớ về những sự kiện đã diễn ra và mỗi lần kỉ niệm lại là một dịp giúp ta rút ra được những bài học cần thiết cho tương lai. Tôn vinh chủ nghĩa Stalin chứ không phải kỉ niệm sự thất bại của nó chính là một sự xuyên tạc lịch sử, một “tín hiệu sai” cho các nước dân chủ châu Âu trong hiện tại và tương lai cũng như cho các nước hậu Xô-viết và cho toàn thế giới.


© 2005 talawas
Nguồn: Bản tiếng Nga: http://inosmi.ru/stories/01/05/29/2996/219189.html dịch từ nguyên bản tiếng Anh trên Washington Post, 27 tháng 4 năm 2005
http://www.washingtonpost.com/wp-dyn/content/article/2005/04/26/AR2005042601395.html