trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngChiến tranh nhìn từ nhiều phía
10.5.2005
Nguyên Trường
Đôi lời góp thêm vào một cuộc tranh luận
 
(Nhân cuộc tranh luận của hai ông Lê Xuân Khoa và Nguyễn Hoà: “Ba mươi năm gọi tên gì cho cuộc chiến”, “Ba mươi năm vẫn còn tranh luận: Chiến tranh của Mỹ hay chiến tranh Việt Nam?”, “Xuyên tạc sự thật hay phục hồi sự thật?”, “Gọi tên cuộc chiến hay xuyên tạc sự thật?”, “Đất nước mình đã khác nhiều lắm so với những ngày tôi từ chiến trường trở về”)

Sau khi đọc các bài tranh luận của hai ông Lê Xuân Khoa và Nguyễn Hoà về việc đặt tên cho cuộc chiến kết thúc cách đây tròn 30 năm, trong đó có đề cập đến một số vấn đề rất cơ bản trong lịch sử cận đại Việt Nam, tuy không phải là người nghiên cứu chuyên nghiệp như các ông nhưng nhận thấy “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách” cũng xin được lạm bàn một số điểm như sau.


1. Người yêu nước

Trước khi nói ai là người yêu nước thiết nghĩ ta phải trả lời câu hỏi người yêu nước là người như thế nào? Theo thiển ý, người yêu nước là người yêu quê hương họ như nó vốn có và yêu những con người sống trên vùng đất ấy như họ đang là, ngoài ra người ấy còn phải sẵn sàng dùng sức lực và tài năng, thậm chí mạng sống của mình để bảo vệ quê hương, chống giặc ngoại xâm nữa.

Nếu công nhận định nghĩa trên thì ta có thể nói rằng bất cứ người nào được tự do lựa chọn mà đứng về phía quân đội Pháp, quân đội Mĩ chống lại cuộc kháng chiến do những người cộng sản lãnh đạo đều không phải là những người yêu nước. Ông Ngô Đình Diệm nói yêu nước, nhưng thực ra ông ta chỉ yêu đặc quyền đặc lợi của gia đình ông, của cha Ngô Đình Thục, anh ông, của các em ông là Ngô Đình Nhu và Ngô Đình Cẩn và ông chống cộng là vì những người cộng sản có nợ máu với gia đình ông mà thôi. Làm sao có thể coi ông Diệm là người yêu nước khi ông thẳng tay đàn áp các đồng bào Phật tử tay không một tấc sắt? Ông Nguyễn Văn Thiệu và những người trong chính quyền miền Nam cũ cũng chẳng phải là những người yêu nước bởi một điều rất đơn giản: làm sao một người nói là yêu nước lại có thể nhẫn tâm kêu gọi ngoại bang mang bom đạn tàn phá quê hương, giết hại đồng bào mình? Ông Thiệu và những người đồng ngũ của ông cũng chỉ yêu đặc quyền đặc lợi của phe nhóm mình nhưng ông phải viện dẫn đến chính nghĩa quốc gia để đẩy con dân miền Nam vào chỗ chết mà thôi. Ngay hiện nay, ở hải ngoại vẫn còn những người nhân danh chính nghĩa quốc gia, trương lên lá cờ ba sọc, ngăn cản việc bình thường hoá quan hệ Việt – Mĩ và rêu rao rằng đấy là lòng yêu nước. Sự thực thì họ chỉ yêu họ, họ đang vuốt ve lòng tự ái của chính mình.

Vậy những người cộng sản có phải là người yêu nước không? Những người cộng sản đã hi sinh rất nhiều trong hai cuộc chiến tranh kéo dài suốt ba mươi năm. Họ đã thực hiện một cách kiên cường vế thứ hai của định nghĩa. Song những cuộc chiến tranh đó chỉ là để thực hiện lí tưởng, thực hiện mục tiêu cuối cùng của họ: xây dựng chế độ cộng sản, xây dựng nền chuyên chính vô sản trên toàn thế giới. Ngay trong luận cương chính trị đầu tiên của Đảng, họ đã chia cuộc cách mạng ra làm hai giai đoạn: trước làm cách mạng quốc gia (giành độc lập dân tộc), sau làm cách mạng thế giới (xây dựng chủ nghĩa cộng sản). Họ đã chia ngay dân tộc mình thành các giai cấp, trong đó có giai cấp lãnh đạo (công nhân), giai cấp cần phải liên minh (nông dân) và giai cấp là đối tượng của cách mạng (tư sản, địa chủ). Trong di chúc của mình ông Hồ Chí Minh không nói đến việc đi gặp tổ tiên họ Hồ, không nói đến việc đi gặp các bậc tiên hiền đời trước như Lí Công Uẩn, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi mà lại nói “đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê Nin và các bậc cách mạng đàn anh khác”. Chỉ riêng việc này đã chứng tỏ người cộng sản đặt lí tưởng của họ lên trên lợi ích quốc gia, lòng yêu nước chỉ là một cái bình phong mà thôi. Ngay hiện nay họ cũng vẫn nói: “Yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội”. Như vậy họ đã gạt hơn ba triệu kiều bào ở nước ngoài, những người chẳng có lí do gì để yêu chủ nghĩa xã hội, ra rìa. Chúng ta lại cũng biết rằng con người do tập khí của mình không ai giống ai, từ cổ chí kim chưa có một học thuyết, một tôn giáo nào tìm được sự đồng thuận, sự tuân phục của tất cả mọi người. Vô hình chung như vậy họ đã gạt ra rìa những người không tán đồng chủ nghĩa xã hội ở ngay trong nước, không cho những người ấy chia sẻ tương lai chung của đất nước này. Có thể rút ra kết luận gì? Kết luận chỉ có thể là: những người cộng sản yêu chủ nghĩa của họ hơn yêu nước, họ không yêu Việt Nam như nó vốn có, không yêu đồng bào mình như họ đang là.

Như vậy là cho dù trong suốt một thế kỉ qua lòng yêu nước đã được viện dẫn ra để kết tội nhau, chém giết nhau nhưng thực ra ẩn sau khái niệm ấy là những cái gì đó rất khác. Đối với một số người thì đấy là đặc quyền đặc lợi phải giữ bằng mọi giá, đối với một số người khác thì đấy là một lí tưởng cực kì mù mờ, mới được nhập nội, chính họ cũng chỉ hiểu một cách rất lơ mơ. Cả hai bên chiến tuyến đều giương cao ngọn cờ yêu nước nhưng thực ra những người ấy chỉ yêu bản ngã của chính họ. Nếu không có bên nào thực sự là yêu nước, nếu lòng yêu nước đã bị đặt không đúng chỗ, đã bị người ta lợi dụng cho những mục đích ích kỉ của họ thì làm sao có thể sử dụng khái niệm ấy để kết tội nhau, vu cáo nhau?

Đã đến lúc nói rằng người yêu nước hiện nay phải là người khoan dung về chính trị, chấp nhận đa nguyên về tư tưởng, cùng với và chấp nhận cho những người khác tham gia đóng góp vào dự án xây dựng và chia sẻ một tương lai chung của nước Việt Nam. Chúng ta chỉ có thể nhận mình là người yêu nước nếu chúng ta yêu nhau, tha thứ và hoà giải với nhau, như anh em một nhà, dù trước đây đã từng có những hành vi xúc phạm đến nhau. Tôi nghĩ đến hình ảnh những người anh em trong một gia đình sau những tranh chấp và oán hận nay gặp nhau trong ngày giỗ cha, không cần nói gì cả, chỉ cần cùng nâng li “rượu nhạt”, nước mắt lưng tròng, lao vào ôm lấy nhau, đấy chính là một sự hoà giải thật sự, đấy chính là “hành bất ngôn chi giáo”. Đấy là điều mà tôi cho rằng những người cầm quyền hiện nay phải làm. Năm nay người ta đã tổ chức Quốc Giỗ rất long trọng, nhưng có lẽ đã đến lúc phải nói đến một cái giỗ cho tất cả những oan hồn Việt Nam trong thế kỉ XX vừa qua, cho những người đã chết vì ngộ nhận ở bên này hoặc bên kia chiến tuyến, đã chết trên rừng già Việt Bắc, đã chết trên đại ngàn Trường Sơn, đã bỏ xác giữa Thái Bình Dương bao la.


2. Một sự lựa chọn

Ông Nguyễn Hoà viết: “… sự lựa chọn duy nhất đúng chỉ có được với sự ra đời của Ðảng Cộng sản Việt Nam và vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khát vọng của toàn dân tộc và lý tưởng của Ðảng đã phối kết tạo nên một sức mạnh để khi thời cơ đến, chúng ta đã làm nên Cách mạng Tháng Tám, sau đó là sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Đấy là câu thường thấy trong các văn kiện của Đảng Cộng sản nhằm biện hộ cho sự chính danh và vai trò của họ “cho muôn đời sau” trong lịch sử Việt Nam. Thưa ông Nguyễn Hoà, câu đó chỉ đúng một phần. Đảng Cộng sản là đảng kiên trì khẩu hiệu phản đế và phản phong nhất, có phương pháp vận động quần chúng nhất, là đảng mạnh nhất trước và trong Cách mạng tháng Tám và vì vậy họ đã giành được thắng lợi. Nhưng họ giành được thắng lợi còn vì một lí do khác: họ đã giấu nhẹm lí tưởng của mình ở những nơi và những lúc cần giấu. Bằng cách thi hành một chiến thuật “khôn khéo”, liên kết với đồng minh tạm thời này để đánh đổ lực lượng kia, rồi sau đó “làm thịt” luôn người đồng minh tạm thời của mình, Đảng Cộng sản đã giành và giữ được quyền lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp và sau này tự nói rằng nhân dân đã lựa chọn họ vì “đấy là sự lựa chọn duy nhất đúng”. Nếu Đảng Cộng sản giương cao ngọn cờ phản phong (nghĩa là nói rằng sẽ tiến hành cải cách ruộng đất khi thời cơ đến) ngay trong những ngày đầu kháng chiến thì thử hỏi bà Nguyễn Thị Năm và biết bao địa chủ bị giết oan khác trong cải cách ruộng đất có ủng hộ kháng chiến, có cho con em mình đi bộ đội hay không? Nếu Đảng Cộng sản nói ngay với các nhà tư sản dân tộc: “Chúng tôi sẽ cải tạo các vị, sẽ tiêu diệt các vị như một giai cấp” thì các nhà tư sản lúc ấy có ủng hộ kháng chiến, có cho con em mình đi Tây Tiến hay không? Nếu Đảng Cộng sản nói ngay với những người nông dân chân đất mắt toét, không quản hi sinh, vận tải lương thực từ Nghệ An, Thanh Hoá lên Điện Biên rằng: “Cố lên đi, chúng tôi sẽ chia ruộng cho các người, nhưng chỉ một vài năm sau chúng tôi sẽ cho các người vào hợp tác xã, các người sẽ đi làm theo tiếng kẻng và ăn công điểm” thì những người ấy sẽ phản ứng ra sao? Theo ngôn ngữ dân gian thì đấy là lá mặt lá trái, còn theo các nhà chính trị thì là “chiến thuật khôn khéo”. Việc giải tán Đảng Cộng sản để rồi mấy năm sau ra đời Đảng Lao động cũng nằm trong chiến thuật “khôn khéo” này. Người ta đã liên kết với những lực lượng mà họ cho là có ích, gọi là đồng minh tạm thời và sau khi người đồng minh này ”không còn lối thoát” nữa thì đem “làm thịt” họ. Đấy phải gọi là chính trị bá đạo. Những người nông dân yêu nước của chúng ta vì căm thù Pháp mà buộc phải lựa chọn và chỉ có một lựa chọn duy nhất, nhưng không phải lựa chọn duy nhất đúng cho họ và vì họ như ông Nguyễn Hoà đã viết.

Ông Nguyễn Hoà lại viết: “Hãy thử giả định: sau khi chính quyền nhân dân đã được thành lập trên cả nước vào nửa cuối năm 1945, điều gì sẽ xảy ra nếu người Pháp không quay trở lại xâm lược Việt Nam? Tôi tin rằng ngày ấy, với ý thức dân tộc đã thức tỉnh rất mạnh mẽ, chúng ta hoàn toàn có thể chung tay xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh”. Không cần phải giả định, năm 1975 “chính quyền nhân dân đã được thành lập trên cả nước”, “ý thức dân tộc phát triển rất mạnh mẽ” nhưng chúng ta có “xây dựng được một nước Việt Nam giàu mạnh” không? Chắc ông Nguyễn Hoà vẫn còn nhớ rằng ông và tôi đã suýt nữa thì “đói đến chết” và “ngay cả cây cột điện cũng sẵn sàng di tản” chứ? Xin nhấn mạnh rằng công cuộc cải tổ hiện nay là bước thụt lùi so với lí tưởng cộng sản, đấy là “cùng tắc biến”, chỉ là sách lược khôn khéo để tiếp tục nắm giữ quyền lực mà thôi. Công cuộc cải cách, mở cửa này đã không còn là lí tưởng cộng sản chính hiệu, nguyên chất nữa rồi, nó đúng là “con đường dài nhất để đi từ chủ nghĩa tư bản tới chủ nghĩa tư bản” đấy!

Lại giả định rằng Nguyễn Thái Học và các đồng chí trong cuộc Khởi nghĩa Yên Bái của ông vẫn còn sống và ở lại miền Bắc sau năm 1954 thì số phận của họ và Quốc Dân Đảng như sẽ ra sao? Xin trích dẫn một chuyên gia về chế độ toàn trị, bà Nadezda Kuznetsova viết [1] : “Tất cả các tổ chức đều phải bị giải tán bởi vì chúng có thể cản trở sự thống trị của đảng cầm quyền, ngăn chặn quyền lực của nó đối với xã hội”. Thế cho nên nếu giả sử trên mà thành hiện thực thì trong trường hợp tốt nhất Nguyễn Thái Học cũng chỉ được đóng vai một người như Phan Kế Toại là cùng, nhà chính trị trong ông sẽ không còn. Nói gì đến Nguyễn Thái Học, các khai quốc công thần của Liên Xô như Dinoviev, Kamenev, Bukharin hay các khai quốc công thần của nước Trung Hoa mao-ít như Lưu Thiếu Kì, Bành Đức Hoài… chỉ vì bất đồng quan điểm với lãnh tụ tối cao mà đã không giữ được mạng sống. Cũng chẳng phải tìm xa đến thế, ta chỉ cần nhớ lại những bước thăng trầm của đại tướng Võ Nguyên Giáp, những năm tháng cải tạo không án của Nguyễn Hữu Đang, chỉ xem người ta đối xử với tướng Trần Độ…, thì biết. Trong chế độ toàn trị người ta chỉ có thể sống nếu biết nói dối là luôn luôn tin tưởng vào lí tưởng của nó, nhưng như thế cũng chưa đủ, phải luôn luôn nói theo nghị quyết cuối cùng thì mới thật chắc ăn, mọi sự lệch lạc đều kéo theo những hậu quả cực kì nghiêm trọng. Nguyễn Thái Học, Vũ Hồng Khanh hay Nguyễn Hải Thần, thậm chí ngay cả Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh đi nữa, nếu không nói theo nghị quyết thì cũng đều là “đồ bỏ” hết! Tôi tin là ông Nguyễn Hoà đồng ý như thế!

Nói theo ngôn ngữ của Freud [2] thì đám đông tụ tập dưới lá cờ đỏ sao vàng có hấp lực libido lớn hơn, có ảo tưởng nhiều hơn và vì vậy có sức mạnh áp đảo (những) nhóm còn lại và đã chiến thắng. Ông Nguyễn Hoà viết: “Hóa ra, nền độc lập và sự kiện sau ba mươi năm giang sơn thống nhất về một mối, dưới con mắt của GS Lê Xuân Khoa lại không có ý nghĩa gì vì với ông, đó là một thất bại. Qua đây, tôi có thể đặt câu hỏi rằng phải chăng giáo sư lại mong muốn Tổ quốc Việt Nam - nơi ông đã sinh ra, lại mãi mãi bị chia cắt, mãi mãi phải quằn quại dưới gót giày ngoại bang?”. Trước hết xin lưu ý ông rằng sau năm 1955 ở cả hai miền Nam Bắc đã không còn gót giầy ngoại bang, theo nghĩa là quân xâm lược nữa. Thứ hai, chắc ông cũng nhớ câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nước có độc lập mà dân không có tự do thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì”? Nếu ông Nguyễn Hoà là công dân của Hàn Quốc thì hẳn ông cũng như nhiều người Nam Hàn hiện nay cũng chả mong đất nước được thống nhất ngay dưới sự lãnh đạo sáng suốt của lãnh tụ vĩ đại Kim Nhật Thành và lãnh tụ kính yêu Kim Chung Il! Như vậy, nếu đứng trên quan điểm của một người Nam Hàn thì ta có thể sửa lại câu của Chủ Tịch Hồ Chí Minh như sau: “Thống nhất mà rơi vào toàn trị thì thống nhất cũng chẳng có ý nghĩa gì”. Nhà thơ Nguyễn Duy viết:

Suy cho cùng mọi cuộc chiến tranh
Phe nào thắng thì nhân dân cũng bại.

Nhân dân đã bại bởi bốn triệu người trong số họ đã chết oan mạng, một triệu con em họ đã bỏ mình ở cả hai bên chiến tuyến, biết bao người thành thương phế binh, biết bao bà mẹ trở thành goá bụa, biết bao trẻ thơ thành mồ côi không nơi nương tựa, biết bao người thành nạn nhân chất độc màu da cam. Họ đã bại vì hàng trăm ngàn người phải đi cải tạo vô thời hạn, họ đã bại vì chính sách kinh tế mới, vì cải tạo tư sản, vì công cuộc hợp tác hoá và cuối cùng vì những người con, người em bị chết đuối, bị giết, bị cướp, bi hiếp, bị đoạ đầy trên những con thuyền ọp ẹp trên đường vượt biên. Những người tưởng là thắng thì cũng vẫn thua vì xứ sở tưởng như thật thà này bỗng lại có nhiều điếm quá, vật giá thì cao, còn linh hồn con người lại thành rẻ mạt quá:

Xứ sở thật thà sao thật lắm thứ điếm
điếm biệt thự - điếm chợ - điếm vườn....
Điếm cấp thấp bán trôn nuôi miệng
điếm cấp cao bán miệng nuôi trôn

Vật giá gia tăng
vì hạ giá linh hồn

(thơ Nguyễn Duy)

Để kết thúc phần này chỉ xin có một nhận xét nữa. Ông Nguyễn Hoà viết: “Nhưng tôi cũng biết đất nước mình đã khác xưa, khác nhiều lắm so với những ngày tôi từ chiến trường trở về”. Sao câu này giống với một câu tôi đã nghe tường thuật trên TV nhân dịp khánh thành cầu Mĩ Thuận thế. Hôm ấy một người nông dân đã nói đại ý như sau: “Chỉ có ta mới xây được cầu thế này chứ hai đời đế quốc có xây được đâu”. Thưa ông Nguyễn Hoà, người nông dân đồng bằng sông Cửu Long nói thế thì được chứ một người thông minh như ông nói thế nghe sao đặng! Nước mình dĩ nhiên là khác trước, khác thời Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức nhiều lắm. Nhưng xin ông hãy nhìn sang các nước bạn như Mã Lai, Thái Lan mà xem, ta ở đâu so với họ? Có phải trong ba mươi năm qua so với họ ta đã lạc hậu một cách tuyệt vọng rồi không? Chỉ sau ngày ông ở chiến trường trở về người dân Việt Nam mới phải đi làm thuê ỡ Mã Lai, làm ôsin ở Đài Loan đấy ông ạ. Câu của ông xét cho cùng cũng là một loại thuốc ngủ, một loại ma tuý đấy. Trong bao nhiêu năm qua con dân nước Việt đã ngất ngây, đã đứ đừ vì những loại ma tuý kiểu đó rồi, xin đừng tiêm thêm nữa!


3. Đặt tên cho cuộc chiến

“Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn song chân lí đó không bao giờ thay đổi”. Với một quyết tâm sắt đá như thế thì việc đất nước bị chia làm hai chỉ có thể được coi là hiện tượng tạm thời. Sau năm 1955, với việc quân đội Pháp rút khỏi Việt Nam, với việc hàng trăm ngàn người tập kết ra Bắc, hàng trăm cán bộ cộng sản khác trong đó có cả Lê Duẩn, người sẽ làm Tổng bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam trong hơn hai chục năm sau đó, được “cài” lại miền Nam, một cuộc nội chiến mới đã được ấp ủ và gia tăng nhiệt độ từng ngày. Cuộc chiến đó chỉ trùng hợp với chiến lược phát triển lực lượng của phong trào cộng sản quốc tế một bên và việc ngăn chặn phong trào đó của phía bên kia chứ không thể nói có một thế lực nào đó đã uỷ nhiệm cho hai miền Việt Nam lao vào cắn xé lẫn nhau. Những người cộng sản tuyên bố miền Bắc là tiền đồn của phe xã hội chủ nghĩa, còn ông Ngô Đình Diệm thì nói rằng biên giới của Mĩ kéo dài đến vĩ tuyến 17. Đấy đều là những lời thành thực, những việc làm tự nguyện cả, không ai ép buộc hay mua chuộc họ phải nói như thế, cho nên gọi đây là cuộc chiến tranh uỷ nhiệm là không khách quan, là thiếu quan điểm lịch sử.

Như vậy khởi kì thuỷ nó là một cuộc nội chiến, là sự tiếp tục của cuộc kháng chiến chín năm chống Pháp với kết quả chưa trọn vẹn, được xác định trong hiệp định Geneva. Nếu không có người Mĩ thì không cần sự viện trợ của Liên Xô và Trung Quốc, chính thể miền Nam đã sụp đổ ngay từ nửa đầu những năm 60 của thế kỉ trước và như vậy cuộc chiến sẽ ít đẫm máu hơn rất nhiều. Nếu theo giáo sư Lê Xuân Khoa, coi cuộc chiến bắt đầu ngay từ năm 1955 và kết thúc vào năm 1975 thì ta có thể chia nó ra làm ba giai đoạn. Giai đoạn một kéo dài từ năm 1955 đến khoảng năm 1964 là thời điểm người Mĩ chưa can thiệp trực tiếp, chưa tham chiến trực tiếp, giai đoạn ba từ năm 1973 cho đến khi kết thúc vào ngày 30 tháng 4 năm 1975. Hai giai đoạn một và ba này thì không cần phải nói, nó rõ ràng là một cuộc nội chiến vì đấy là lúc người Việt tự bắn vào người Việt và dĩ nhiên người Việt cũng chết là chính. Điều cần thảo luận theo tôi là minh định vai trò của người Mĩ trong giai đoạn hai của cuộc chiến, giai đoạn từ năm 1964 cho đến nắm 1973.

Xin lưu ý: ngay trong những năm chiến tranh ác liệt đó, mặc dù giúp đỡ Việt Nam rất nhiều, mặc dù đã tìm mọi cách để tố cáo tội ác của Mĩ tại Việt Nam, báo chí Liên Xô chỉ gọi sự có mặt của người Mĩ ở Việt Nam là “intervention – can thiệp” chứ không phải là “aggression – xâm lược”. Theo thiển ý, ta chỉ có thể coi là một cuộc xâm lược nếu quân đội ngoại bang tiến hành ở nước khác ba việc sau đây: 1 - Thiết lập chế độ toàn quyền, 2- Đưa dân chính quốc sang sinh sống và 3 – Khai thác thuộc địa để đưa về làm giàu cho chính quốc. Chế độ Sài Gòn rõ ràng không phải là chế độ toàn quyền, dù có kết án người Mĩ đến đâu, ta cũng phải nhận rằng họ chỉ lựa chọn những người “sáng giá” để ủng hộ chứ không lập lên một chính quyền thuộc địa, họ cũng không đưa dân sang sinh sống và nếu thắng cuộc chiến thì họ có thể thu lợi ở đâu đó, chứ ở Việt Nam thì hoàn toàn không. Cho nên gọi là sự can thiệp như báo chí Liên Xô là hoàn toàn có lí. Nhưng người Mĩ can thiệp để là gì?

Khởi đầu chiến tranh lạnh người Mĩ đưa ra học thuyết domino, nói nôm na là nếu Nam Việt Nam mất vào tay cộng sản thì giống như những quân bài domino xếp đứng cạnh nhau, một quân đổ, những quân khác sẽ đổ theo, nghĩa là sẽ đến lượt Thái Lan, Mã Lai v.v. rơi vào ảnh hưởng của cộng sản quốc tế. Bây giờ ta có thể nói rằng đấy là một sự ngộ nhận lớn. Khi còn là một lí thuyết, chủ nghĩa cộng sản đã chiếm được trái tim và khối óc nhiều người, nhưng khi biến thành hiện thực, thành chủ nghĩa xã hội sờ mó được thì nó đã mất dần tính hấp dẫn. Sau kháng chiến chống Pháp của Việt Nam, phong trào cộng sản chỉ giành được thắng lợi ở Cuba nhưng cũng không gây ra bất kì phản ứng dây chuyền nào. Che Guevara, một trong những lãnh tụ có tham dự vào cách mạng Cuba đã bôn ba qua nhiều nước, kể cả ở châu Phi, nhằm phát động một cuộc chiến tranh du kích, nhưng không thành công và cuối cùng, không được những người nông dân Bolivia ủng hộ, ông đã bị bắt và bị giết. Nếu người Mĩ hiểu rõ như thế và “buông” Việt Nam ngay từ đầu thì có lẽ sẽ diễn ra hai kịch bản sau:

Kịch bản thứ nhất: những người chiến thắng thực hiện cải tạo xã hội theo đúng “sách thánh hiền Mác-Lê” như họ đã thực hiện ở miền Bắc từ năm 1955 cho đến năm 1986 và ở miền Nam từ năm 1975 cho đến 1986. Kết quả: cả nước lâm vào tình trạng đói nghèo, phải sống bằng viện trợ nước ngoài và như vậy tính hấp dẫn với các nước láng giềng sẽ tự tiêu tan. Chủ nghĩa cộng sản không phải là thiên đường cho những người sống trong lòng nó nhưng cũng không phải là địa ngục cho những người sống bên ngoài nó. Người Mĩ quả là những người quá lo xa.

Kịch bản thứ hai: tiến hành xây dựng đất nước theo lí trí thông thường như đã và đang làm từ năm 1986 đến nay. Kết quả: người Mĩ sẽ thấy “bất chiến tự nhiên thành”, cần thị trường tiêu thụ hàng hoá thì có thị trường tiêu thụ hàng hoá, cần các quan chức ủng hộ cho chính sách của họ trên trường quốc tế thì có thể dùng Dollar mà mua, dễ lắm. Làm như thế chính là áp dụng trong thực tiễn lời dạy của Lão Tử: “Tương dục nhược chi, tất cố cường chi“ [3] . Và dù thế nào thì cũng còn Trung Quốc, nước anh em “môi hở răng lạnh” ở phía Bắc không bao giờ để cho Việt Nam quá mạnh, có thể tranh giành ảnh hưởng với họ ở vùng Đông Nam Á này. Phải đến năm 1973 người Mĩ mới hiểu rõ điều đó và quả nhiên họ đã “buông” Việt Nam, họ chỉ còn muốn kết thúc cuộc chiến trong danh dự mà thôi. Người Mĩ đã can thiệp vì hiểu lầm, một sự hiểu lầm tai hại, cả hai bên đều phải trả giá quá đắt.

Cuộc chiến khốc liệt ấy đã kết thúc được ba mươi năm rồi, cả người thắng và kẻ bại đều không nhận được cái mà họ hi vọng trước khi lao vào chém giết lẫn nhau. Cuộc chiến đã kéo dài quá lâu là do một sự lầm lẫn lớn. Mỗi bên lầm theo một kiểu và hiện vẫn khư khư bám víu vào sự lầm lẫn đó mà kết tội lẫn nhau. Phải nói nó là một quái thai và như vậy từng người có thể nhìn thấy những mặt khác nhau của con quái vật. Nhưng ta có thể thoả thuận với nhau không khoét sâu, không thổi phồng thêm những dị dạng của nó mà tìm cách chấp nhận nó như nó vốn là, trung tính hoá nó và gọi nó là “Cuộc chiến tranh hai mươi năm”. Không cần thêm chữ Việt Nam vì rõ ràng là ở Việt Nam rồi, còn ở đâu khác được nữa? Chúng ta đã có loạn mười hai sứ quân, đã có Nam Bắc phân tranh, thì nay có thêm “Cuộc chiến tranh hai mươi năm”, với ba giai đoạn như đã nói ở trên. Lúc đó những người lính, những người dân ở hai bên chiến tuyến có thể bắt tay nhau, miệng cười hỉ hả mà nói rằng: “Thôi, từ nay đừng có nghe người ta xui dại nữa nhé. Mẹ kiếp, chuyện nhảm như thế mà có thể giết nhau được”. Theo tôi đấy chính là cách hoà giải hữu hiệu nhất.

© 2005 talawas



[1]Nadegda Kuznetsova, Nhà nước toàn trị, talawas, 1.10.2004
[2]Freud, Tâm lí đám đông – Phân tích cái tôi, talawas, 24.3.2005
[3]Hòng muốn làm yếu đò, là sắp làm mạnh thêm đó – Lão Tử - Đạo đức kinh, Theo bản dịch của Thu Giang Nguyễn Duy Cần, Nhà xuất bản Văn học 1992, trang 182.