trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 257 bài
  1 - 20 / 257 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học nước ngoài
Loạt bài: Kỉ niệm 60 năm kết thúc chiến tranh thế giá»›i lần thứ hai (1945-2005)
 1   2   3 
10.5.2005
Đào Tuấn Ảnh
Nhìn lại văn xuôi Nga - Xô-viết viết về chiến tranh
 
Tôi dùng hai từ chỉ một khái niệm vốn từng quen thuộc với chúng ta, nhưng giờ đây chỉ còn là một kỉ niệm: "Xô-viết", là vì cuộc chiến tranh Vệ Quốc (1941-1945) đã được tiến hành bởi nhân dân của tất cả các dân tộc thuộc Liên bang Xô-viết (Liên Xô), và ngọn lửa bất diệt nơi tượng đài Chiến sĩ Vô danh ở Quảng trường Ðỏ, hay tấm bia cao vút trên Ðồi Chiến thắng trên đại lộ Cutuzov ở Moskva là dành cho tất cả những người con ưu tú của họ đã ngã xuống. Cũng vậy, tượng đài văn học dành cho những chiến công và những hi sinh trong cuộc kháng chiến vĩ đại này được dựng lên không chỉ bằng những tác phẩm của các nhà văn Nga, mà còn là sáng tác của những người anh em của họ từ các nước cộng hòa, những người đã làm nên một hiện tượng văn học lớn trong thế kỉ XX - văn học Xô-viết.

Những tác phẩm đầu tiên về cuộc chiến tranh Vệ Quốc được viết vào năm 1941. Hơn nửa thế kỉ trôi qua, từng thế hệ các nhà văn Nga - Xô-viết vẫn tiếp tục khai thác đề tài này và đã đem tới cho bạn đọc những tiếng nói nghệ thuật mới mẻ. Viết những tác phẩm máu thịt của mình về cuộc chiến đã qua, dường như các nhà văn chỉ mong muốn có một điều: được như Lev Tolstoi với Những câu chuyện Sepastopol, Chiến tranh và hòa bình, khẳng định một lần cho mãi mãi giá trị của cuộc sống và buộc con người phải làm sao cho chiến tranh không bao giờ được nhắc lại.

Giai đoạn đầu chiến tranh, năm 1941, phải đương đầu với phát-xít Ðức, một kẻ thù hùng mạnh, thiện chiến, kỉ luật cao, được trang bị tới tận răng, Hồng quân Liên Xô không phải rút lui, mà là tháo chạy. Họ đã để kẻ thù chiếm được một phần đất rộng gấp ba nước Phần Lan với số dân đông gấp hai lần nước Pháp mà sau này để giành lại, họ đã phải đổi bằng những hi sinh khủng khiếp. Ba tuần đầu của cuộc chiến tranh, quân đội Liên Xô đã đánh mất gần một triệu binh lính và chỉ huy, trong đó 1/4 số người bị bắt làm tù binh. Tuy nhiên, con số này thực sự mang một sức nặng, nếu chúng ta biết rằng đây là một đội quân hoàn toàn không được chuẩn bị trên tất cả mọi phương diện: trước khi chiến tranh nổ ra gần như toàn bộ bộ tư lệnh chỉ huy tối cao của quân đội đã bị thanh trừng. Bên cạnh đó, theo như nguyên soái Giukov cho biết trong Hồi kí của ông: “Khi xem xét lại những kế hoạch tác chiến vào mùa xuân năm 1941 mới thấy rằng toàn bộ những phương thức tiến hành chiến tranh hiện đại hầu như không được tính tới". Những trận chiến không cân sức đã diễn ra. Thành phố Leningrad bị bao vây, phong tỏa. Thành Moskva đã hiện lên trong mắt lính Ðức không cần ống nhòm. Tổ quốc thực sự lâm nguy.

Nhưng bao giờ cũng vậy, đứng trước sự sống còn, tính cách Nga, tinh thần Nga đã bộc lộ hết sức mạnh tiềm ẩn của mình. Và văn học nghệ thuật cũng đã thực hiện xuất sắc xứ mệnh mà lịch sử giao phó. Hàng triệu người lính ra trận theo tiếng gọi của bài ca hùng tráng "Cuộc chiến tranh thần thánh" dựa theo lời thơ của Lebedeev, những bài thánh ca, ca ngợi lòng quả cảm của những con người Xô-viết bình thường trong thơ Akhmatova. Hầu hết các nhà văn, nhà thơ đều xung trận và họ viết với một tốc độ khủng khiếp, đặc biệt là K. Simonov với tư cách phóng viên mặt trận. Ngay từ đầu cuộc chiến tranh, tháng 6 năm 1941, bài thơ “Ðợi anh về” của ông đã được các chiến sĩ ngoài mặt trận và những người yêu, người vợ của họ ở hậu phương thuộc lòng, đã trở thành biểu tượng cho đức tin, niềm hi vọng của họ. Dưới mưa bom bão đạn, luôn cận kề với cái chết, những tác phẩm của các nhà văn - chiến sĩ không chỉ là hàng nghìn bài báo, phóng sự, kí sự chiến trường, những bài chính luận, mà còn là những tập thơ, truyện ngắn, truyện vừa và cả tiểu thuyết (vở kịch Những người Nga, tiểu thuyết Ngày và đêm của K. Simonov; Cầu vồng của Vaciliev, Những người không khuất phục của Gorbatov, Ðội thanh niên cận vệ của Fadeev...). Tất nhiên, trong các tác phẩm thời kì này nổi bật lên trên hết là chất chính luận hào hùng, những xúc cảm trữ tình, tính tư liệu, các sự kiện chiến tranh dồn dập, đầy ắp. Nhưng trong khối lượng đồ sộ những sáng tác ấy đã thấy lấp lánh những giá trị nghệ thuật đích thực.

Năm 1945 cuộc chiến tranh kết thúc. Ðây là cuộc chiến tranh khốc liệt, đẫm máu nhất trong lịch sử nước Nga. Nó đã lấy đi sinh mạng của hơn hai mươi triệu người Xô-viết, trong đó có 260 nhà văn.

Năm 1946, tiểu thuyết Con đường Volokam của A. Bek, Vacil Terkin, Ngôi nhà ven đường của A. Tvardovski, Stalingrad của V. Nekrasov và một số trích đoạn tiểu thuyết Họ chiến đấu vì tổ quốc của M. Solokhov... được đón nhận như những hiện tượng văn học bởi khái quát nghệ thuật rộng lớn, bởi những giá trị mới mẻ trong việc miêu tả tâm lí, lịch sử, xã hội. Những tác phẩm này đã đặt nền móng cho dòng văn học viết về chiến tranh nổi tiếng trong suốt 60 năm qua.

Tuy vậy, dù có đánh giá cao những tác phẩm này như thế nào, thì ngày nay, khi toàn bộ sáng tác của nhà văn Andrei Platonov đã được khôi phục, phải thừa nhận rằng ông xứng đáng là đại diện của văn học viết về chiến tranh những năm 1940. Platonov nổi tiếng vì những tiểu thuyết phản huyễn tưởng những năm 1920-1930, nhưng khi viết những truyện ngắn về cuộc chiến tranh Vệ quốc thì ông đã nổi bật lên với tư cách là một bậc thày văn chương. Không phải đợi thời gian để có một độ lùi chiêm nghiệm, khái quát và suy ngẫm, ngay khi còn là lính trên mặt trận ông đã viết được những tác phẩm có khả năng tạo dựng lên một thế giới nghệ thuật riêng với cái nhìn sâu lắng, chan chứa lòng cảm thông tinh tế với những nỗi đau mất mát của con người (Những người đôn hậu, Những người chết nộp phạt, hay Một câu chuyện về cụ già đã chết, Ông già lính, Ba người lính...).

Sáng tác của Platonov không xa lạ với tính chính luận vốn là đặc điểm của văn học thời kì đó, song sức mạnh của nghệ thuật sáng tạo đã lấn lướt nó, làm nó xa lạ với những khẩu hiệu, những lời hiệu triệu, mà gần gũi với bản chất của tự nhiên, điều giúp cho bản thân chính luận tác động mạnh mẽ hơn tới tâm hồn người đọc và tác phẩm có được cuộc đời sống lâu dài. Bằng giọng văn mộc mạc giản dị viết về những con người bình dị, những người mugic Nga ra trận, sáng tác của ông tiếp tục khai phá con đường văn học viết về chiến tranh bắt đầu từ Bài ca binh đoàn Igor, Bài ca chiến bại của Razian Batyem, qua những trang sách viết về cuộc khởi nghĩa nông dân của Puskin (Người con gái viên đại úy), tới Những câu chuyện Sepastopol, Chiến tranh hòa bình của L. Tolstoi... Một con đường dài vô tận. Những tác phẩm của ông sáng lên thứ ánh sáng thần thánh của mỗi hi sinh, tính chất thiêng liêng của công việc diễn ra từng ngày trong chiến tranh: "Một ngày làm việc của chiến tranh bắt đầu. Mặt trời rực rỡ chiếu từ trên cao, ánh sáng dịu dàng chậm rãi lan tỏa trên những ngọn cỏ, lùm cây, trên thành phố, trên biển, - để tất cả lại tiếp tục được sống". Thứ ánh sáng này làm sáng tác của ông gần gũi với con người, nâng đỡ nó trong những hoàn cảnh nghiệt ngã nhất: "Một bi kịch vĩ đại mà thật giản dị của cuộc sống: trong một căn hộ nhỏ có đứa bé chừng hai ba tuổi lẫm chẫm xung quanh cái bàn ăn bằng gỗ trống trơn. Nó khóc vì nhớ cha. Còn cha nó thì đang nằm dưới đất, trên chiến trường, trong chiến hào, dưới lửa đạn, và những giọt nước mắt đau buồn đọng lại trong khóe mắt; người đàn ông cào cấu móng tay xuống đất vì nỗi nhớ con trai, thằng con giờ đây đang ở quá xa, thường hay khóc vào những ngày ảm đạm, lúc mười giờ sáng, chân đất, đói ăn và bị bỏ rơi".

Sau này dù có bao nhiêu những cuộc tranh cãi nổ ra xung quanh cái gọi là sự thật chiến hào, sự thật chiến tranh, những lí thuyết về phi mâu thuẫn, phi bi kịch... thì cái làm cho tác phẩm thành công hay thất bại chính là trong nó có hay không những tia sáng của vầng hào quang thiêng liêng đó trong văn học Nga.


*


Văn xuôi những năm 50 - những đề tài mới, những vấn đề mới và những tên tuổi mới. Vinh quang và sự nổi tiếng đang chờ đợi nhiều người trong số đó có Bogomolov, Baklanov, Bondarev... Tuy nhiên, cho dù nền văn xuôi đó có chân thực đối với độc giả, lớp độc giả đã quen với những sáng tác "đúng đắn" của thế hệ các nhà văn trước đó, và mặc dù những trang sách, những tác phẩm của tác giả này hay tác giả khác có hay như thế nào, thì thời điểm của các nhà văn trẻ từng tham gia chiến tranh vẫn chưa tới. Chỉ có một truyện ngắn vừa ra đời ngay lập tức đã được đưa lên hàng cổ điển và cho đến tận cuối thế kỉ vừa qua vẫn được xem như một trong những tác phẩm quan trọng nhất của văn học Nga nói chung, văn xuôi những năm 50 viết về chiến tranh nói riêng - truyện ngắn Số phận con người của Mikhail Solôkhov.

Nếu như tiểu thuyết Họ đã chiến đấu vì Tổ Quốc của ông được viết hết sức khó nhọc và xuất hiện trên các tạp chí từng đoạn một, cuối cùng cũng thành một cuốn sách, nhưng không có kết thúc (chúng ta đều biết, viết về những thất bại, tổn thất của quân ta một thời hoàn toàn là điều cấm kị), thì Số phận con người được viết một mạch, một hơi, tràn đầy cảm xúc về những năm tháng chiến tranh và sau chiến tranh. Và hẳn chúng ta vẫn nhớ tác phẩm này đã bị phê bình chính thống một thời "quăng lên quật xuống" như thế nào và tác giả của nó thì bị chụp những cái mũ nào là xét lại hiện đại, nào bôi đen chiến công toàn dân, nào sợ chiến tranh, chủ nghĩa nhân đạo trừu tượng, chung chung v.v... Giá Solokhov không phải là một uy tín lớn, tác giả của tiểu thuyết vĩ đại Sông Ðông êm đềm đã nhận được giải Nobel, chắc chắn ông sẽ phải trả một giá rất đắt cho tác phẩm này.

Thân phận con người đơn côi (người lớn và trẻ em) bị chiến tranh cướp đi gia đình, người thân, nhà cửa, thể hiện với sức mạnh đặc biệt trong tác phẩm Sông Ðông êm đềm, trong từng trang sách của Platonov, đã thấm sâu trong truyện ngắn này. Có ai đọc xong Số phận con người, hay xem xong bộ phim dựa trên tác phẩm ấy, lại cầm được nước mắt? Chủ nghiã nhân đạo trừu tượng, chung chung, hèn yếu, không bao giờ làm cho người ta khóc được. Số phận con người chỉ ra rằng "người ta sinh ra không phải là lính", người ta buộc phải nắm được "khoa học căm thù", nhưng đồng thời và trước hết, phải có quyền được đùm bọc, yêu thương. Âm hưởng này của tác phẩm vang vọng trong Bài ca người lính, Khi đàn sếu bay qua, cho tới những thập niên sau này trong những tác phẩm của T. Aitmatov, trong truyện ngắn của Bykov hay trong Chàng lính vui vẻ, Khẩu pháo chiến lợi phẩmNgỗng trời bay qua của Astafeev. Tác phẩm này còn khơi gợi lên một "đối âm", một "mạch ngầm văn bản": Chiến tranh trái với bản chất tự nhiên, bởi nó phá tan những mối quan hệ ruột rà của con người, chia lìa họ bằng cái chết hoặc sự xa cách, nó có thể làm cho con người thoái hóa, thú hóa bởi sự tách rời cộng đồng, gia đình, họ mạc và mạch ngầm văn bản này đã được các nhà văn thế hệ sau như Rasputin khai thác thành công trong tác phẩm Hãy sống mà nhớ lấy của mình... Với vai trò như vậy Số phận con người xứng đáng đứng trong hàng ngũ những truyện ngắn được xếp hạng thế giới: Mumu của Turghenev, Dusechka của Chekhov, và ở thế kỉ XX - Ông già và biển cả của Hemingway, Trở về của Platonov.


*


Những năm 60-70 là thời kì phát triển thể loại lớn - tiểu thuyết sử thi viết về chiến tranh. Tuy nhiên, với cái nhìn nghiêm khắc của L. Tostoi, có thể nói, chưa có tác phẩm sử thi nào ở thời kì đó trở thành cổ điển, mặc dù thời gian này những bộ sử thi đồ sộ được công bố rầm rộ và người đọc hâm mộ đón nhận như bộ ba tác phẩm để đời của K. Simonov Những người sống và những người chết, cũng như tác phẩm sử thi Cuộc đời và số phận đã đem lại "vinh quang trong im lặng" cho nhà văn Grosman, là bởi vì cho tới tận cuối những năm 80 tác phẩm này mới được phép công bố. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, thời của các nhà văn thế hệ lớn tuổi đang qua, nhường chỗ cho các chàng trai trẻ - những người lính từng trải qua bom đạn chiến tranh, có khả năng mang tới một hơi thở mới cho văn học. Bổ sung vào đội ngũ các nhà văn viết về chiến tranh có những tên tuổi mới như Bykov, Gontrarov, Vorobeev, Kurotrkin, Rasputin, Astafeev, Kondrachiev...

Thời gian đã cho phép những người cầm bút có độ lùi nhất định để nhìn nhận sâu sắc hơn những vấn đề do chiến tranh đặt ra, khát vọng được "nói thật, đi đến tận cùng cội rễ vấn đề", nhìn nhận cuộc chiến tranh trên bình diện triết học, nhân sinh, trong mối quan hệ giữa nghệ sĩ và cuộc sống... Trong giai đoạn này đội ngũ các nhà văn - khi vào lính còn là những chàng trai mới lớn, đã trở lên đông đảo, với hàng loạt những sáng tác đặc sắc, đã làm cho văn học viết về chiến tranh trở thành một khuynh hướng quan trọng bên cạnh dòng văn học nông thôn, văn học thành phố mà thiếu chúng sẽ không thể hình dung được bức tranh của nền văn học Xô-viết trong thế kỉ vừa qua.

Một trong những tác phẩm gây được tiếng vang lớn, đồng thời cũng làm nổ ra những cuộc tranh cãi triền miên, đó là truyện dài Hãy sống mà nhớ lấy của Rasputin. Với tác phẩm này, lần đầu tiên đề tài cấm kị: đào ngũ, đã được đưa ra giải quyết. Lần đầu tiên, nhưng đã rất thành công. Có thể nói, đây là một trong những tác phẩm đã đưa Rasputin lên hàng cổ điển (mặc dù ông vẫn còn sống). Tác phẩm này đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, trong đó có tiếng Việt. Một số nhà phê bình, nghiên cứu ở Nga (cũng như ở ta) cho đây là tác phẩm "nghiệt ngã", "độc ác, phi nhân bản" bởi cái kết thúc bi thảm của cuốn truyện: kẻ đào ngũ bị bắt, người vợ lao xuống sông tự tử mang theo đứa con mong chờ của họ đang còn nằm trong bụng. Các nhà phê bình cho rằng, đáng lẽ tác giả phải để kẻ đào ngũ ra đầu thú rồi người ta sẽ tống hắn vào những đại đội lính bị trừng phạt ở ngoài mặt trận, như vậy hắn còn có cơ may sống sót, còn vợ hắn sẽ được sống yên ổn mà sinh con, thì dù hắn có chết trận vẫn còn có người nối dõi v.v... và còn bao nhiêu là cách giải quyết hợp tình hợp lí khác, hà cớ gì mà lại phải đưa ra cái kết cục như vậy. Tuy nhiên, giá như tác phẩm này được viết vào những năm 40 thì có thể buộc phải có cái kết thúc "có hậu" như vậy. Nhưng chiến tranh kết thúc đã hơn 20 năm, nó trở thành hòn đá thử độ bền nhân cách và đạo đức của con người. Tác phẩm Hãy sống mà nhớ lấy với lời cảnh tỉnh về sự tha hóa, thú hóa của con người (tiếng hú như tiếng chó sói của kẻ đào ngũ trong thời gian sống chui lủi) khi tự tách rời khỏi cộng đồng, gia đình và sự nghiệp chung của cả dân tộc, đã mang tính khái quát, triết lí, tính phân tích xã hội sâu sắc, đã mở ra một chân trời mới cho đề tài này. Gia nhập vào khuynh hướng văn học này là những nhà văn bắt đầu nổi tiếng ngay từ những tác phẩm đầu tiên, trong đó nổi bật lên một cây bút tài năng: V. Bykov.

Năm 1966 hàng loạt các bài báo phê phán truyện vừa Người chết không biết đau của V. Bykov. Lại vẫn là những câu chuyện cũ: các nhà phê bình cho rằng ông xuyên tạc hình ảnh người lính Hồng quân, hạ thấp vai trò lãnh đạo, nhìn chiến tranh một chiều... Bykov là người lính mà tên tuổi đã từng được khắc tên trên bia mộ tập thể. Bằng một phép màu nhiệm nào đó ông đã sống sót trở về và trở thành tác giả của nhiều truyện ngắn, truyện vừa được giới thiệu rộng rãi trong và ngoài nước, trong đó có Việt Nam (Bài ca núi Alpơ, Sotnikov, Phát tên lửa thứ ba, Một đi không trở về, Ðàn sói...). Có thể nói, ông là nhà văn của một đề tài - đề tài chiến tranh. Chiến tranh - nỗi ám ảnh khôn nguôi theo ông suốt cuộc đời. Những tác phẩm của ông nói về những người du kích dầm mình trong đầm lầy băng giá, những người lính trong các chiến hào ngập ngụa bùn, máu, trong những cánh rừng hoang không có biên giới địch ta, trong mịt mù hiểu biết về ngày kết thúc chiến tranh, trong nỗi vô vọng, trong những cuộc rút chạy, trên những con đường dằng dặc vô tận. Nhưng cái chính trong toàn bộ các tác phẩm của ông là sự thử thách. Sự thử thách diễn ra từng giờ, ở trong mỗi con người, trước sự lựa chọn giữa nhu cầu của thể chất - thoát hiểm và của tinh thần - cũng thoát hiểm...

Cần phải được sống.

Có điều, thể chất và tinh thần của cùng một con người bị vất vào chiến tranh lại tìm cho mình những con đường thoát hiểm khác nhau. Những con đường vuông góc (Phát tên lửa thứ ba, Một đi không trở lại, Sotnikov).

Có một thời sự thật nghiệt ngã của chiến tranh được thay bằng những huyền thoại. Bykov đã đập vỡ những huyền thoại ấy. Chính vì ông muốn các thế hệ sau biết được đầy đủ về tầm vóc vĩ đại của những chiến công, của những hi sinh mà dân tộc ông đã phải gánh chịu. Và vì vậy ánh hào quang, thứ ánh sáng khởi nguyên của văn học Nga, sau nghìn năm, từ Bài ca binh đoàn Igor, vẫn rực rỡ trong văn học giai đoạn này. Ðiều này giải thích vì sao ở nước Nga những cuộc chiến tranh, cho dù là khốc liệt nhất, lại đem đến cho văn chương không phải là những tác phẩm "phản tỉnh", dằn vặt của những "thế hệ bỏ đi" kiểu phương Tây, mà là Những truyện ngắn Sepastopol, Chiến tranh và hòa bình của L.Tolstoi, "văn xuôi chiến hào" về cuộc chiến tranh Vệ quốc...


*


Những năm 80-90 văn học viết về chiến tranh hình như như đã mệt mỏi? Và không phải chỉ mỗi mình nó, cả nền văn học Nga đã mệt mỏi bởi những đảo lộn ghê gớm trong đời sống chính trị, xã hội, văn hóa, đạo đức, tinh thần. Ngần ấy máu xương đổ ra trong chiến tranh, ngần ấy thập kỉ hàn gắn và xây dựng để cuối cùng những người hôm qua còn là anh em trong cùng một hội (hội nhà văn Liên Xô), trong một cơ quan, một nhà hát, hôm nay đã trở thành khách của nhau, và muốn tới thăm nhau lại cần phải thủ tục xuất nhập cảnh! Và đau đớn hơn, thế hệ ông bà, cha mẹ, những người tham gia chiến tranh chống phát cứu giống nòi, thì nay phải chứng kiến cảnh đám con cháu họ - bọn đầu trọc, tự mệnh danh là “hậu duệ” của Hitler, kì thị chủng tộc, đập phá nhà cửa, giết hại người nước ngoài. Chủ nghĩa phát-xít mới có nguy cơ nảy nòi trên chính quê hương - thành trì chống phát-xít!

Hay những năm này là nốt nghỉ của một bản nhạc, là giai đoạn tìm tòi? Cũng như những thập kỉ trước đó, các nhà văn của mỗi thế hệ nối tiếp luôn tìm kiếm cho mình tiếng nói nghệ thuật mới, cách thể nghiệm mới. Càng những thế hệ về sau cuộc tìm kiếm càng vất vả, gian truân. Là vì họ phải mang trên vai một truyền thống kinh nghiệm khổng lồ mà họ không có quyền nhắc lại. Ðã có những cuộc "lật đổ", những cuộc "cách mạng" trong văn học nghệ thuật. Gogol đã từng "cách mạng" Pushkin, người mà ông luôn "tâm phục, khẩu phục", Chekhov đã "cách mạng" L.Tolstoi, người cho đến tận cuối đời ông luôn coi là bậc thày của mình, Maiakovski "cách mạng" văn học cổ điển thế kỉ 19 bằng chủ nghĩa vị lại, chủ nghĩa hiện đại và hậu hiện đại trong văn học Nga cuối những năm 80 đầu những năm 90 "cách mạng" văn học Xô-viết truyền thống trước đó, nhất là giai đoạn 60-70. Và trong những năm 80-90 các nhà văn đã chia làm hai phe rõ rệt: truyền thống (hay là "bảo thủ", "gia trưởng") gồm chủ yếu các nhà văn thế hệ 60-70; hiện đại gồm các nhà văn sáng tác theo nghệ thuật của chủ nghĩa hiện đại và hậu hiện đại, cùng những nhà văn thế hệ trẻ sáng tác theo kiểu "hậu Xô-viết"... Tuy nhiên, xem xét trên toàn thể những sáng tác hai thập kỉ cuối này người ta nhận thấy rõ một điều: cho dù các nhà văn có ý thức hay không ý thức trong việc "lật đổ' những thần tượng của mình, dù có những cách tân thế nào trong nghệ thuật, thì những tác phẩm đông người đọc nhất, được đánh giá cao nhất, vẫn là những tác phẩm đi theo con đường mà những đại diện xuất sắc nhất trong nền văn học của họ đã đi, mang theo ánh sáng khởi nguyên, thiêng liêng của sự nghiệp chung. Nhân danh những tìm tòi phá bỏ tất cả, làm tắt đi ánh sáng thiêng liêng đó thì ngay những tác phẩm hiện đang rất nổi như Vị tướng và quân đội của ông của Vladimov (giải thưởng văn học năm 1999) cũng không tránh khỏi sự thể hiện cứng nhắc tính tư tưởng và không tránh khỏi những thiên kiến, những nhận định sai lệch về cuộc chiến tranh. Rồi hàng loạt những tác phẩm của V. Astafeev bắt đầu bằng tiểu thuyết Những kẻ bị rủa nguyền, bị giết chết, tác giả của câu chuyện buồn nổi tiếng những năm 1970 Người nam, người nữ mục đồng, đã trở thành một người kiếm tìm sự thật đơn giản, tàn nhẫn, đã vì những sự thật nhỏ làm hỏng cái Sự Thật lớn viết hoa. Chính điều này cũng đã dẫn đến thất bại của nhiều nhà văn nổi tiếng khác.

Tất nhiên, trong công cuộc tìm tòi những bước đi mới trên con đường nghệ thuật, bao giờ thất bại cũng nhiều hơn thành công. Nhưng điều đáng nói là cuộc sống văn học hai thập niên vừa qua không yên lặng, văn học không bị chết như nhiều người đã tiên đoán, và trong cuộc kiếm tìm gian khổ này trong văn học luôn diễn ra những điều chỉnh nội tại và những giá trị đích thực dần dần đã được xác định.

Năm 1999 V. Bykov cho ra truyện ngắn Hang sói. Nhan đề này lập tức làm bạn đọc nhớ đến truyện ngắn của ông viết cuối năm 1970 có tên Ðàn sói.

Truyện Ðàn sói kể về một cựu du kích đã có tuổi tên là Levtruk, đang chờ một người đàn ông có tên Viktor Platonov trong sân một ngôi nhà vừa xây xong. Trong thời gian chiến tranh Levtruk được lệnh cùng một vài đồng đội của mình đưa một nữ điện báo viên gần đến ngày đẻ về hậu phương. Tất cả đều bị hi sinh. Một mình Levtruk mang được đứa trẻ hai ngày tuổi thoát khỏi vòng vây, ra khỏi địa ngục. Giờ đây, ba mươi năm trôi qua, ông chờ đợi cuộc gặp gỡ với nó.

Và con người của đứa trẻ này, nay đã là một kĩ sư, căn hộ hai phòng của anh - đó chính là sự biện hộ cho bản thân người chiến sĩ già. Tác giả không miêu tả cuộc gặp gỡ của hai người. Nhưng hoàn toàn không nghi ngờ, cuộc gặp gỡ của họ là của những con người. "Xin mời vào, mời vào, cửa mở đấy" - một giọng đàn ông khỏe mạnh hồ hởi vọng ra - Câu chyện được kết thúc như thế.

Hai mươi năm sau, trong Hang sói cũng xảy ra cuộc gặp gỡ giữa hai con người. Trong một khu rừng hoang, sâu ở Chernobyl, một kẻ vô gia cư, vốn từng là sĩ quan Xô-viết, gặp một người từng là một anh lính trẻ trong đơn vị của ông. Họ phải câu cá nướng ăn vì không có tiền để đãi nhau, và cả đêm, ngồi ôn lại chuyện cũ, họ cố giữ ngọn lửa để sưởi ấm.

Ở truyện kia con người rơi vào địa ngục thật sự, vượt qua được nó với một đứa trẻ sơ sinh trong tay.
Trong truyện này con người không tự nhận biết, lặng lẽ buông xuôi, trượt dần xuống địa ngục. Chỉ còn mỗi một điều gắn bó hai truyện: trong Ðàn sói ở vùng giặc chiếm đóng và trong Hang sói của cuộc sống vô gia cư, người ta gặp nhau vẫn còn như những con người.

Cái hơi ấm tình người ấy đã trở lại trong những sáng tác của Astafeev những năm gần đây, khi những con người bị chiến tranh biến thành những kẻ đơn côi, không gia đình, không quê hương bản quán, tình cờ gặp nhau, gắn bó với nhau để bắt đầu tất cả lại từ đầu (Chàng lính vui vẻ, Ngỗng trời bay qua). Nếu như Số phận con người là những giọt nước mắt thương cảm cho những số phận đơn côi, một già một trẻ, phải nương tựa vào nhau để tiếp tục sống, để hướng tới tương lai, thì trong Ngỗng trời bay qua ngoài những giọt nước mắt còn là những tiếng cười, tiếng cười của những người lính trẻ, những chàng trai và những cô gái, ngẫu nhiên tìm được nhau, đùm bọc, nương tựa vào nhau, hiểu rằng "chiến tranh mà cũng là lí lịch ư? Ðấy chỉ là một khoảng thời gian mất đi trong đời người", rằng "ở cái đất nước mênh mông này chẳng lẽ lại không tìm được một chỗ trú chân?".

Không có hơi ấm tình người và tiếng cười ấy thì cuộc sống vùng Leningrad sau chiến tranh sẽ chỉ là một địa ngục trong những truyện ngắn (I. Buida).

Trong văn xuôi viết về chiến tranh thập niên cuối này, bên cạnh những nhà văn - chiến sỹ (mà số lượng có thể đếm trên đầu ngón tay) có sự tiếp nối của lớp con cháu họ, những người sinh ra trong và sau chiến tranh, biết về nó qua lời kể, phim ảnh, sách báo. I. Buida (sinh năm 1954) thuộc lớp nhà văn này. Trong sáng tác của ông, chiến tranh chỉ còn là cái cớ, là cái hoàn cảnh “không bình thường” để tác giả lý giải về những vấn đề triết lí, nhân sinh, về tính tàn bạo và phi lí của chiến tranh, về cái ác - sự phá hoại, cái Ðẹp-sự trường tồn, về tình yêu và cái chết (Vượt qua “Phê”, Mảnh xương người lạ). Makanin (sinh năm 1938), tác giả của những vấn đề đương đại, viết truyện ngắn Tù binh Kafkaz gây tiếng vang và những cuộc tranh cãi kịch liệt. Truyện nói về cuộc chiến ở Chechnya, nhưng là về cái bi kịch của những người từng đứng trong cùng một chiến hào chống phát-xít vì một tổ quốc chung, nay phải quay súng bắn lại nhau. Trong tác phẩm, Makanin “nhại” mô típ nổi tiếng của Dostoevski “cái đẹp cứu rỗi thế giới” để nói tới tính nghiệt ngã của chiến tranh: “cho dù là cuộc chiến tranh vớ vẩn nhất, song đó cũng không phải là hoà bình”. Trong chiến tranh bản năng sinh tồn đã bóp chết cái Ðẹp, bởi cái Ðẹp không mang tính thực dụng: để thoát chết, cái Ðẹp trở nên vô dụng.

Có thể nói, trong suốt 60 năm qua chiến tranh luôn có mặt trong văn học Xô-viết và văn học Nga. Nó được nghiền ngẫm và nhìn nhận dưới những góc độ khác nhau. Song dù những vấn đề của từng thời đại đặt ra và giải quyết có khác nhau như thế nào, dù các thế hệ cha-con, ông-cháu có những cách viết, cách thể hiện nghệ thuật ra sao, dù còn rất nhiều vấn đề đặt ra còn phải bàn cãi, tranh luận dài dài, thì điểm chung nhất đối với tất cả các thế hệ nhà văn vẫn là cái nhìn nhân bản đối với cuộc sống và con người. Ðó là sự tiếp nối cái ánh sáng thiêng liêng đã phát quang suốt cả nghìn năm nay từ Bài ca binh đoàn Igor, thứ ánh sáng vẫn cháy trong "góc đỏ" [1] của từng cơ quan, trường học, bệnh viện, công sở ở nước Nga và các nước cộng hòa anh em, soi tỏ dòng chữ: Không điều gì và không ai bị lãng quên.



[1]Góc đỏ - trong tất cả những công sở, trường học, bệnh viện... ở Liên Xô đều đặt góc tưởng niệm ở những nơi trang trọng, trong đó có tấm bảng ghi tên những người của đơn vị đã hi sinh trong Chiến tranh Vệ quốc.

Nguồn: Tạp chí Nhà văn, số 6 năm 2001