trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐời sống hiện đại
Loạt bài: Người Việt ở Đông Âu
 1   2   3   4   5   6   7   8 
11.5.2005
Anna Machcewicz
Người Việt ở Ba Lan: Thú săn được đánh dấu
Thanh Thanh Hải dịch
 
Trung dậy từ sáng sớm. Từ nhà anh đến sân vận động chỉ vài trăm mét, có thể nhìn thấy từ cửa sổ khu nhà cao tầng. Ở cùng trong căn hộ hai phòng là con trai anh và hai người đồng hương Việt Nam. Anh sang Âu châu mười mấy năm trước. Đầu tiên anh làm việc tại Pháp, sau ở Đức, tám năm trước đây sang Ba Lan. Trên sân [1] , hồi đầu anh từng là cửu vạn kéo xe, hay còn được gọi là uwaga. Họ đẩy xe chất đầy hàng và kêu to “uwaga[2] , thông thường là từ Ba Lan duy nhất mà họ biết. Trung tiết kiệm được ít tiền, mua dụng cụ hàn, làm nghề lắp đặt khung sắt ở các quầy buôn bán. Hồi ở Việt Nam anh là kĩ sư trong nhà máy. Nhưng kể từ khi anh tham dự một cuộc họp phê phán chính quyền độc trị thì những rắc rối bắt đầu. May mắn anh ra được nước ngoài. Vài năm trước đây hộ chiếu hết hạn và từ đó anh chẳng có giấy tờ nào cả. Hồi còn có thể đi lại thoải mái tại Ba Lan mà không sợ bị bắt, anh đã thăm Krakow; sau khi làm việc anh thích dạo chơi Thành Cổ [3] . Bây giờ, nếu không bắt buộc, anh chẳng ra khỏi nhà. Trung là nhà thơ, anh viết về Ba Lan và giấc mơ của kẻ lưu vong - một căn nhà riêng của chính mình.


Phía sau cánh cổng sắt

Những người đến đây từ Việt Nam, hiện bất hợp pháp, có ít nhất là mười mấy ngàn. Chính xác là bao nhiêu thì chẳng ai ước tính được. Có người sang Ba Lan hợp pháp nhưng sau mất quyền cư ngụ hợp pháp, có người do các nhóm đưa người từ Nga, Ukraina chuyển lậu. “Ở Việt Nam bắt liên lạc với các nhóm đó không khó”, Vinh nói rất ngoại giao. Anh vượt qua chặng đường này trong vòng mấy tháng, đến Ba Lan đã bốn năm, theo sau anh chị em mình. Cũng như nhiều người đồng hương, anh sống ở khu chung cư Za Zelazna Brama [4] vì ở đây rẻ nhất. Anh biết đến Warszawa qua cửa sổ tàu điện mà hàng ngày chở anh tới Sân Vận động. Hiện tượng di trú trái phép càng ngày càng tăng từ mấy năm gần đây. Việt Nam thuộc vào những quốc gia khuyến khích, một cách thầm lặng, các chuyến ra đi. Người ta thường không muốn cấp visa cho các công dân của các nước này. Nhưng cũng khó trục xuất người Việt Nam. “Sau khi bắt giữ người di trú bất hợp pháp, quá trình xác định danh tính được bắt đầu, chúng tôi yêu cầu đại sứ quán Việt Nam giúp đỡ, nhưng thường xuyên chúng tôi nhận được trả lời là không có những công dân như vậy”, ông Jan Wegrzyn, cục trưởng Cục về các vấn đề tái định cư và người nước ngoài giải thích. “Trừ khi đó lại chính là những người mà chính quyền Việt Nam đang truy tìm”, nhà báo Robert Krzyszton, người giúp đỡ người Việt từ vài năm nay, thêm vào, “khi đó họ phản ứng rất nhanh”.

Linh mục Edward Osiecki nhiều năm sống tại New Gwinea. Cách đây 8 năm, sau khi về Ba Lan, ông đến thăm trại dành cho người tị nạn và khám phá ra rằng công việc truyền đạo cũng đầy rẫy tại chỗ. Tại Debak, trong lễ thánh misa, cha xứ gặp người Việt Nam công giáo ra hiệu bằng cử chỉ tỏ ý muốn xưng tội. Hiện nay giáo phận Việt Nam của linh mục Osiecki đã có vài trăm người. Sự giúp đỡ trong cộng đoàn này đã vượt qua giới hạn phụng sự tâm linh, còn các giáo dân gọi linh mục là bố, là cha: “Tôi thăm những người di trú bất hợp pháp ở các nơi tạm giam, đơn giản là tôi muốn bên cạnh họ, an ủi và đôi khi giải quyết thức ăn tốt hơn cho họ.”

Vân Anh nghiên cứu xã hội học. Cô cùng cha mẹ sang Ba Lan 12 năm trước. Trong vòng một năm cô cùng các bạn tại trường xuất bản báo tiếng Việt. Các bạn cô sau đó sang Luân Đôn thực tập tại BBC. Vân Anh không muốn. “Bởi vì tôi cảm thấy ở lại là cần thiết”, cô giải thích. Cô dậy các đồng hương của mình tiếng Ba Lan, giúp đỡ họ với tư cách phiên dịch. “Trước khi nghị định về ân xá cho người nước ngoài ở bất hợp pháp có hiệu lực (ngày 01.9.2003) chúng tôi cùng tổ chức với cha Osiecki các buổi thường trực về luật pháp [5] , tôi dịch các tài liệu và đi cùng những người Việt Nam khi họ giải quyết giấy tờ tại Cơ quan tỉnh trưởng [6] .”


Cội rễ Ba Lan

Trong khuôn khổ của nghị định được gọi là ân xá nhỏ, những người sang Ba Lan sau ngày 1.01.1997 có thể ra công khai. Sau khi thực hiện một số thủ tục cần thiết (ví dụ để kiểm tra họ có phạm tội hay không), họ có thể ra khỏi Ba Lan mà không bị ghi vào sổ đen những người nước ngoài không nên cho vào Ba Lan. Những người di trú trái phép với thời gian ở Ba Lan lâu hơn có thể ra công khai đến hết năm 2003 và nhận được giấy phép tạm cư một năm, để kết thúc công việc làm ăn, hay thu thập tài liệu chứng minh cho chính quyền về các quan hệ gắn bó mật thiết với Ba Lan, để cho phép họ nhận được đồng ý tiếp tục sinh sống tại Ba Lan. “Chúng tôi mong đợi rằng có đông người quan tâm tới đợt ân xá này, nhưng thực tế chỉ có vài chục người thôi”, linh mục Osiecki nói. Tại sao? Người Việt Nam không hiểu lợi ích của nghị định này là gì. Họ thiếu thông tin, hay các đợt tuyên truyền quảng bá. Hơn nữa những người vượt biên giới xanh thì không tận dụng được nghị định này. Lấy giấy tờ đâu để chứng minh?

Linh mục Osiecki phê phán việc thực hiện nghị định ân xá: “Trước hết thời gian thi hành phải được kéo dài hơn. Bốn tháng quả là quá ngắn, để thu thập tài liệu và rồi nộp bằng tiếng nước ngoài. Di dân Việt Nam phải trả cho đại sứ quán của mình khoảng 300 zlo-ty [7] cho mỗi một giấy tờ mà các nhân viên hành chính Ba Lan đòi hỏi... Đối với họ đây không phải là khoản tiền nhỏ. Nếu chúng ta thật sự muốn kiểm soát được các vấn đề di trú, thì các đòi hỏi cần phải là ít nhất.”

Trung không tận dụng đợt ân xá này: “Tôi chẳng có chút tiền tiết kiệm nào và cũng chẳng có việc làm cố định. Tôi sợ các nhân viên hành chính cho rằng tôi không có khả năng sinh sống được ở Ba Lan”, anh giải thích. “Nghị định ân xá là cơ hội dành cho những người biết gây dựng cuộc sống tại Ba Lan, cắm rễ sâu tại đây, biết tiếng, con cái đến trường, có các mối ràng buộc quan hệ lâu năm với nước ta”, ông Jan Wegrzyn nói.

Thái và Minh đã tận dụng cơ hội này. Minh buôn bán trên Sân, Thái là đầu bếp. Mười năm trước anh ta ở Moskva, người quen kéo sang thành phố Czestochowa [8] . Tại đây con trai của Thái và Minh ra đời. Cậu bé Filip lắp bắp gần như liên hồi bằng tiếng Ba Lan, trong khi bố mẹ khó nhọc lắm mới sắp xếp được những câu đơn giản nhất. Mấy năm trước thu nhập của họ giảm đi và họ thôi không trả thuế, vậy là người ta thu giấy định cư của họ. Bây giờ họ quyết định tận dụng đợt ân xá. Họ muốn định cư tại Ba Lan: “Bố mẹ chúng tôi chết tại Czestochowa, chúng tôi phải ở lại đây để có người chăm sóc nấm mồ chứ.”

“Người Việt Nam bất hợp pháp là con thú săn đã được đánh dấu”, Vân Anh, người dẫn tôi đến với Trung, nói. Họ khó có thể vứt bỏ nỗi tủi nhục. Khi đi làm về, từ phía sau xe cảnh sát tiến đến bắt họ vào trong xe hỏi giấy tờ, nếu không có là cảnh sát đòi tiền. Tiền không có ư, người cảnh sát bàn luận một tí với đồng nghiệp, đánh một cú vào mặt và đuổi ra khỏi xe... Chẳng kêu ai được. “Dễ nhận ra người Việt Nam, vì vậy họ trở thành con mồi béo bở”, linh mục Osiecki nói. Không chỉ cho bọn trộm cướp thông thường, cướp giật họ trên phố mà không bị hình phạt gì, mà rất tiếc, cho cả những người làm nhiệm vụ giữ an ninh, trật tự.

Linh mục cho ví dụ khác, mà có thể đưa vấn đề nhân quyền đến nghịch lí. Cảnh sát bắt giữ kẻ cướp trong người có ví tiền ăn cướp được của người Việt Nam. Viên cảnh sát biết ví tiền của ai vì có ảnh và hộ chiếu, nhưng người bị cướp lại biến mất. Người bị cướp biết làm gì? Nếu chiểu theo luật thì người bị cướp cũng là tội phạm, bởi vì đang ở Ba Lan trái phép.


Khu Việt Nam khép kín

Một trong những nơi khá an toàn là Sân Vận động. Dưới chân khán đài là khu Việt Nam nhộn nhịp sức sống. Giá mặt bằng buôn bán từ vài trăm zloty và tăng cao theo mức độ hấp dẫn, chỗ tốt, xấu của quầy hàng. Người Việt Nam tự dựng quầy. Trên sân, bưu điện truyền tin theo kiểu đồn đại hoạt động, hàng trăm bar bán thức ăn, nhiều khi còn ngon hơn trong phố, vài thợ cắt tóc, văn phòng du lịch bán vé máy bay rẻ về Việt Nam. Trong một cửa hàng còn có cả tủ sách, chỗ duy nhất như vậy tại Warszawa, nơi dân di trú Việt Nam có thể mượn sách in bằng tiếng mẹ đẻ. Ở đây có thể tìm thấy phim truyền hình nhiều tập Việt Nam, mua báo nhà nước cũng như báo hải ngoại phê phán chính quyền cộng sản độc trị. Trong số các đầu báo có bản tin vài trang “Cầu Vồng” do Vân Anh biên tập. Ở giữa tờ báo - bên cạnh các lời chỉ dẫn hữu ích như từ điển nhỏ dùng khi đi khám bệnh, là các thông tin về những sự kiện tại Ba Lan. Bản tin ra là hết ngay.

«Cộng đồng di dân Việt Nam có nhiều loại khác nhau», linh mục Osiecki giải thích. Thế hệ di trú già nhất, hoà nhập sâu vào xã hội Ba Lan - thường là các cặp vợ chồng Ba Lan-Việt, mà đại đa số rất khá giả. Có nhóm sang Ba Lan ngay sau năm 1989, khi việc làm ăn, kiếm tiền nở rộ. Họ sang Ba Lan với một số vốn nhất định và trong không khí của bước ngoặt, họ phát triển thương mại, mở nhà hàng, quán bar. Và theo sau dấu chân họ là những người nghèo khó được khích lệ bởi các câu chuyện về của cải vật chất dư thừa.

Chính họ tạo nên vấn đề di trú trái phép, là hiện tượng dần dần càng động chạm nhiều đến những người Việt Nam di trú hợp pháp tại Ba Lan. «Gần như ngày nào cũng có người gõ cửa nhà tôi hỏi về công ăn việc làm và những câu chuyện hãi hùng của những người nạn nhân bị các toán đưa người lừa đảo», Trần Thang [9] kể. Ông ta trước đây học đại học tại Ba Lan, sau vài năm ở Việt Nam quay trở lại đây. Các bạn bè Ba Lan đã giúp đỡ ông ổn định cuộc sống, ông mở nhà hàng tại Warszawa và được cấp giấy định cư. Năm 1989 ông ta có mặt tại Praha, Berlin, ông chứng kiến sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản và từ đó chỉ mơ Việt Nam đi theo con đường đó. Ông gửi trả thẻ đảng cho sứ quán và cùng một số bạn bè thành lập hội đại diện cho người Việt Nam trong các quan hệ với các tổ chức Ba Lan. Họ muốn bàn thảo để giải quyết vấn đề người Việt Nam di trú và mở rộng kiến thức cho các đồng hương của mình.

«Xét từ góc độ kinh tế thì người Việt Nam không mang lại lợi ích gì cho Ba Lan cả», ông Jan Wegrzyn nhận xét. «Các hãng của họ nhập khẩu hàng hoá chỉ với mục đích nuôi sống họ và gia đình. Nói thế không phải là đóng cửa biên giới, chẳng có nước nào có lợi nhuận gì trong việc bế quan toả cảng. Nhưng chúng ta cần phải tạo điều kiện vào Ba Lan cho những ai có sáng kiến làm gì tại Ba Lan. Chúng ta không cần đến hàng nghìn quán ăn Việt Nam hay hàng nghìn người bán quần áo rẻ tiền.»

«Ba Lan cần phải soạn thảo chính sách di trú, nhưng cần phải dựa trên các tiêu chí để ý đến quyền lợi của những con người đơn lẻ. Chắc chắn chính quyền Ba Lan cần phải phân tích tại sao đợt ân xá vừa qua mang lại kết quả kém như vậy. Có thể chúng ta sẽ rút ra kết luận là có thể tiến hành việc này tốt hơn, có thể cần phải lặp lại chiến dịch này?», ông Adam Bernartowicz suy tư. Ông là cựu chủ tịch Hội đồng về người tị nạn [10] và là đồng sáng lập viên Hội hoà nhập và bảo vệ người nước ngoài Proxenia. Hội muốn thành lập một diễn đàn để dân di trú có thể phát biểu ý kiến và trình bày các nguyện vọng của mình với chính quyền Ba Lan. «Người Việt Nam không phải là chủ nhân của các tội phạm, nhưng tình cảnh của những người di trú bất hợp pháp dễ tạo nên các tội phạm», linh mục Osiecki nhấn mạnh. «Vì thế cần phải ngồi xuống và giải quyết các vấn đề của những người đã có mặt tại Ba Lan, cần phải tạo cho họ một khoảng không gian trong đó họ có thể sinh hoạt bình thường. Với lợi ích cho đất nước ta.»


*


Theo số liệu của Bộ Nội vụ Ba Lan (MSWiA) hiện có gần 20 nghìn người Việt Nam sinh sống tại Ba Lan, trong số đó hơn nửa tại Warszawa. Người Việt Nam lại nói là có 40 nghìn người (20 nghìn tại Warszawa). Tại Ba Lan có vài tổ chức Việt Nam hoạt động. Lâu đời nhất là Hội Văn hoá Xã hội người Việt Nam tại Ba Lan, thành lập năm 1986, có phân hội tại Warszawa, Krakow, Gdansk, Bydgoszcz, Lublin, Przemysl và Wroclaw. Hội người Việt Nam tại Ba Lan “Đoàn kết và Hữu nghị” hoạt động từ năm 1999. Từ vài tháng nay có Tập hợp Dân chủ cho Việt Nam, tập trung những nhà hoạt động đối kháng Việt Nam và các bạn bè Ba Lan của họ. Vài chục trẻ em Việt Nam học cuối tuần tại trường Việt Nam [11] .


© 2005 talawas


[1]Sân vận động 10 năm, sân vận động tại thủ đô Ba Lan. Sân và các vùng phụ cận hiện đang là khu chợ trời lớn nhất Đông Âu, có những khu mà người buôn bán Việt Nam chiếm đa số. Người Việt Nam thường gọi là Sân hoặc Sân vận động.
[2]nghĩa là: chú ý.
[3]Stary Rynek- khu phố cổ tại trung tâm thủ đô Warszawa.
[4]nghĩa là: phía sau cánh cổng sắt.
[5]cho người Việt.
[6]Urzad Wojewodzki- nơi giải quyết các giấy tờ liên quan đến viza, tạm cư, định cư…
[7]70-80 USD.
[8]nam Ba Lan.
[9]Trong tiếng Ba Lan không được đánh dấu: Tran Thang. Theo chúng tôi, tác giả bài viết đã ghi nhầm tên ông Trần Thành.
[10]Rada ds. Uchodzcow- hội đồng được lập lên theo các nghị định ra đời năm 1997, có thẩm quyền cao hơn Cục về các vấn đề tái định cư và người nước ngoài, nhưng phần lớn các hoạt động phụ thuộc vào Văn phòng Thủ tướng chính phủ.
Các chú thích là của dịch giả
[11]học tiếng Việt

Nguồn: tuần báo công giáo văn hoá xã há»™i Tygodnik Powszechny, số 14, ngày 03.04.2005, đã được Ä‘Æ°a lên mạng tại địa chỉ: http://tygodnik.onet.pl/1547,1222159,dzial.html