trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 497 bài
  1 - 20 / 497 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
Loạt bài: Xã há»™i dân sá»±
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18 
12.5.2005
Helena Flam
Bất đồng chính kiến của trí thức và bất đồng chính kiến đơn thuần: Trường hợp Ba Lan và Đông Đức
Lâm Yến-Khải Minh dịch
 1   2 
 
[1]

Giới thiệu

Trí thức và bất đồng chính kiến thường đồng hành: bất chấp các bằng chứng ngược chiều, ta thường gán quan điểm cấp tiến với giới trí thức. Nhưng quan niệm rằng trí thức tự do hệt như một con điếm sẵn sàng hầu hạ bất kì túi tiền và mục đích nào, cũng nhận được nhiều sự đồng tình từ đại chúng cũng như giới học giả. Vô số các nghiên cứu đã trình bày các trường hợp và thời kì mà những người trí thức, hoặc phục vụ lợi ích của chính họ, hoặc của nhà nước, của giới kinh doanh hay các đảng phái cực đoan. Nhưng những người lãng mạn trong số chúng ta vẫn nghiêng về một hình ảnh dễ thương trong đó trí thức đóng vai trò như là nhà phê bình xã hội, một người bạn của tự do và của các phong trào xã hội tìm kiếm tự do trên khắp thế giới. Bài viết này được viết theo góc nhìn lãng mạn đó.

Quan tâm chính của tôi là sự bất lực của các nhà bất đồng chính kiến Đông Đức -đối ngược với những người đồng chí Ba Lan- trong việc gánh lấy vai trò nhà trí thức phê phán thành công trong xã hội của họ, cả trước và sau sự sụp đổ của chính quyền năm 1989 [2] . Dù cho các nhà bất đồng chính kiến này đã nhận diện được nhiều vấn đề nóng bỏng, xã hội Đông Đức vẫn hầu như không biết tới, hoặc bàng quan với họ trước 1989; và trong khi chính quyền sụp đổ thì vẫn không sẵn sàng chấp nhận tầm nhìn của họ một cách nghiêm túc. Câu hỏi đặt ra là: "Tại sao?"

Trong phần tiếp theo, tôi sẽ chỉ ra một số yếu tố dẫn tới sự xuất hiện của các trí thức thành công. Việc họ [các trí thức thành công] tồn tại ở Ba Lan mà không ở Đông Đức có lẽ là nguyên do giải thích vì sao có sự tương phản sâu sắc giữa hai phong trào trong việc thu hút sự chú ý và tôn trọng [của dân chúng]. 


Bất đồng chính kiến ở Ba Lan và Đông Đức

Tổ chức đối lập không phải hội kín đầu tiên của Đông Âu xuất hiện ở Ba Lan là Ủy ban Bảo vệ Công Nhân (KOR), ra đời vào năm 1976. Tổ chức này khác với các nhóm tương tự ở Hungary, Séc và Slovakia và Đông Đức ở chỗ: nó không bó hẹp trong một nhóm nhỏ các trí thức: KOR tạo ra một liên minh với công nhân, hướng tới không chỉ nhà cầm quyền mà còn tới toàn xã hội nói chung. Hơn thế, nó tiến hóa nhanh chóng từ một phong trào mang định hướng cải cách thành một phong trào đối lập (Skilling 1989, 45,178,182-85).
 
Ban đầu, KOR có hai mươi ba thành viên kết ước chính thức và hàng trăm nhà vận động hay "cộng sự không chính thức" (Friszke 1994, 347, 355, 357). Mục tiêu trực tiếp và công khai của các nhà sáng lập KOR là hỗ trợ các công nhân bị đàn áp ở Radom và Ursus. Nhờ nỗ lực vận động của KOR, hàng nghìn người đã gửi hoặc kí vào các kháng thư gửi tới Sejm Balan, hoặc bí mật đóng góp tài chính để hỗ trợ các công nhân bị đàn áp, và bắt đầu đọc các ấn phẩm chui của nó.
 
Năm 1977, ba mươi thành viên kết ước và các cộng sự đã chuyển KOR thành một tổ chức chính thức hơn về chính trị và đối lập: KSS 'KOR' (Ủy ban Bảo vệ 'KOR'). Họ duy trì một phần tính liên tục với quá khứ nhân văn và uy tín của tổ chức, nhưng đã chọn từ đây sẽ theo đuổi các mục tiêu chính trị công khai. 110 người, gồm cả các nhân sỹ và các nhà hoạt động chủ chốt đã kí tuyên bố đầu tiên của KSS 'KOR'. KSS 'KOR' có hàng trăm cộng sự, tập trung chủ yếu ở Warsaw, Krakow, Wroclaw, nhưng cũng có người ở Lodz, Gdansk, Lublin và Poznan. Các hoạt động của nó mang tính đa diện: trợ giúp người bị đàn áp, gây sức ép với nhà cầm quyền, vận động dư luận trong và ngoài nước, thu thập và phát tán thông tin, tổ chức các hoạt động gây chấn động như tuyệt thực hay lễ hội Catholic quy mô lớn. Quy mô của các hoạt động và tổ chức giáo dục "ngầm" mà nó bảo trợ phát triển chưa từng thấy kể từ Thế chiến 2. Trong những năm 77-78, các Ủy ban Sinh viên Đoàn kết, các "trường đại học bay", các hiệp hội khoa học, các hiệp hội của các trường đại học công nhân, các công đoàn tự do, và các ủy ban của tiểu chủ lần đầu tiên được thành lập (ibid 426-27).
 
Cũng như phong trào bãi công, và sau đó là các công đoàn tự do nổi lên năm 1979, KSS 'KOR' tiếp tục các hoạt động truyền tin rộng khắp. Một số thành viên của nó đã giúp biến một cuộc bãi công ở xưởng tàu thành một trong các phong trào đoàn kết toàn quốc, mở rộng số lượng và phạm vi các đòi hỏi của những người bãi công. Các thành viên khác của KSS 'KOR' hoạt động như cố vấn của [Công đoàn] Đoàn kết trong các vấn đề như chính trị, chiến lược, xuất bản và thông tin. Cùng với việc các nhà vận động của KSS 'KOR' bị thu hút vào phong trào mới, KSS 'KOR' mất lý do tồn tại (raison d'être) của nó; việc giải tán chính thức diễn ra vào đại hội ngày 23 tháng 9 năm 1981 của Công đoàn Đoàn kết. Trước khi nhà cầm quyền cấm Công đoàn Đoàn kết hoạt động vào tháng mười tiếp đó, mười triệu người Ba Lan đã gia nhập tổ chức này.
 
KOR không chỉ phá vỡ rào cản sợ hãi, trở thành tổ chức đầu tiên huy động các khối to lớn trong xã hội Ba Lan, nó còn chứng tỏ rằng nó có thể phá vỡ độc quyền về thông tin của Đảng Cộng sản và tạo ra một circle thông tin và tư tưởng độc lập. Hơn nữa, bằng sự thể hiện thực tế cởi mở, tự tổ chức và đoàn kết xã hội rộng lớn, nó cung cấp hình mẫu hoạt động mà theo đó có thể sử dụng để chống lại hệ thống cộng sản cho đến lúc đó vẫn tưởng chừng vô song. Cũng không nên quên rằng các thành viên sáng giá của nó như Adam Michnik và Jacek Kuron, không những đã ngồi vào bàn tròn, mà còn giới thiệu nhiều ý tưởng tạo cảm hứng cho các lãnh tụ của Công đoàn Đoàn kết và cho chính các cuộc thương thuyết bàn tròn, mà có lẽ quan trọng nhất là các khái niệm về "xã hội dân sự" tự tổ chức, và đối thoại giữa một xã hội như vậy và nhà nước.
 
Nếu đối lập Ba Lan được hưởng sự tôn trọng đặc biệt, và thậm chí còn trở thành mốt trong ít nhất là hai lần trong lịch sử của nó, thì đối lập Đông Đức, trong suốt một thời gian dài hầu như không được xã hội biết tới. Cũng như trong trường hợp Mùa xuân Praha [của Ba Lan], chính quyền SED [Đảng Cộng sản ở Đông Đức mang tên Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất Đức – ND] của Đông Đức phản ứng với sự thành lập của KOR ở nước láng giềng Ba Lan bằng sự đàn áp mang tính ngăn chặn, và những nỗ lực của nó đã không uổng phí. Nhiều người chỉ trích chính quyền đã bị đe dọa đến mức trở nên câm lặng; nhiều người khác di cư. Tuy nhiên, vào đầu những năm 80, các phong trào hòa bình, môi trường và phụ nữ độc lập với chính quyền nổi lên, một phần từ đống tro tàn của các bất đồng chính kiến trước đó. Giữa năm 80 và 85, phong trào hòa bình đã dạy cho nhiều người Đông Đức vượt qua nỗi sợ bị đàn áp, tới mức họ cảm thấy có thể tập hợp không những trong các nhóm nhỏ bạn bè mà còn ở phạm vi vùng. Từ khoảng 1980, các nhà thờ địa phương đã trở thành địa điểm tổ chức các cuộc gặp hàng năm của phong trào Những Thập kỉ Hòa bình, trong khi các nhà thờ ở Đông Berlin bắt đầu chứa chấp các cuộc mít-tinh toàn quốc hàng năm của Workshops Hòa bình từ 1982. Mặc dù sự không khoan nhượng của nhà nước -vẫn giả điếc với mọi lập luận về sự cần thiết của đối thoại, thông tin đa chiều và không gian công cộng- đã góp phần tạo ra làn sóng di cư lớn vào năm 1984, nó cũng đem đến nhiều thành viên trung thành cho phong trào. Trong năm 85-86, từ bỏ ô bảo vệ của Nhà thờ Tin lành để có tự do hơn trong việc phê phán chính quyền, một nhóm nhỏ các nhà bất đồng chính kiến tạo ra tổ chức "đối lập" đầu tiên tại Cộng Hòa Dân Chủ Đức: Đề Xướng Hòa Bình và Quyền Con Người. Trong khoảng thời gian này, nhiều nhóm khác -dù cho có các chương trình ít cấp tiến hơn- cũng quyết định từ bỏ sự kiểm soát của nhà thờ -vốn đi đôi với sự bảo trợ từ phía tổ chức tôn giáo này. Các ấn phẩm samizdat đặc biệt nhiều trong những năm 87-88. Việc diễn ra ngày càng thường xuyên và càng có nhiều người tham gia các cuộc biểu tình, thắp nến, diễu hành và thư phản đối hành động bắt bớ [của nhà cầm quyền], cùng với các đề xướng khác của các nhóm công cộng, đã cung cấp bằng chứng hùng hồn về sự đoàn kết và phối hợp có tổ chức đang tăng dần của phong trào bất đồng chính kiến ở Đông Đức.
 
Đến cuối năm 1987, sau cuộc biểu tình kỉ niệm Liebknecht-Luxemburg được tổ chức để đối lại cuộc diễu hành quốc doanh truyền thống, một lần nữa, các mệnh lệnh từ trên xuống hòng chặn đứng làn sóng phản đối. Hàng loạt các nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng bị bắt và thẩm vấn. Họ bị dọa dẫm với các đòn khủng bố tinh thần như đưa ra tòa, buộc tội phản quốc và khả năng bị kết án tù từ hai đến mười năm. Tất cả đều chấp nhận để [chính quyền] thả ra ở Cộng Hòa Liên Bang Đức (Tây Đức), mặc dù một số người đã cố gắng giành giật từ chính quyền cộng sản một bảo đảm được trở về nước hợp pháp sau vài tháng.
 
Phong trào bất đồng chính kiến ở Berlin chìm xuống. Sự kiện các cuộc biểu tình lúc ban đầu vốn rất nhỏ đột nhiên giành được động năng lớn ở Leipzig vào tháng chín năm 1989 thật đáng ngạc nhiên (mặc dù các cuộc họp sáng lập Diễn đàn Mới do nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng Barbel Bohley xúc tiến đã diễn ra từ ngày 10 tháng Chín). Các cuộc biểu tình lớn vào tháng 10 đã lan rộng nhanh chóng từ Leipzig đến Dresden và Berlin. Các nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng và các nhà vận động trong phong trào công dân bắt đầu tham gia tạo ra các ủy ban công dân rộng khắp, thí dụ như Dân Chủ Ngay (Democracy Now). Họ đã khởi xướng các cuộc tranh luận công cộng và thành lập các bàn tròn theo gương Ba Lan. Trong khuôn khổ các thể chế mang tính ad hoc (sự vụ) và thu hút được nhiều người tham dự này, các ý tưởng ruột của các nhà bất đồng chính kiến (đa nguyên, đối thoại, khoan nhượng, trung gian xung đột, và xã hội tự trị) được đem ra thử nghiệm. Chính quyền cộng sản Modrow bảo vệ chính thể cộng sản, một phần bằng hứa hẹn một loạt cải cách, một phần bằng bắt đầu một quá trình cải cách thận trọng, dung nạp và nhượng bộ. Vào tháng 10 năm 1989, Bộ Chính trị đồng ý với đòi hỏi của các phong trào công dân về việc thiết lập một Bàn tròn trung ương. Tuy nhiên, quyền lực được ủy nhiệm của Bàn tròn Đông Berlin không rõ ràng, dù rằng nó gửi đại diện tới các cuộc họp nội các, tìm cách thực hiện quyền phủ quyết và giúp định hình giấc mơ xã hội chủ nghĩa.
 
Dưới chính quyền Modrow, khái niệm về một CHDC Đức cải tổ tỏ ra sẽ không bao giờ thành hiện thực. (Dưới chính phủ kế nhiệm -CDU- ý tưởng về một nước Đức thống nhất và cải tổ cũng chẳng bao giờ thành sự thật nốt) [Rucht 1996, 42-46]. Các đề xuất về hiến pháp của các phong trào công dân -nhằm mục tiêu xác lập một nền dân chủ tham gia sống động- cũng không nhận được sự ủng hộ của đảng hay công chúng, chẳng hơn gì số phận của ý tưởng về nền kinh tế tham gia, tái tư nhân hóa một phần. Hiệp định về thống nhất được kí kết vào ngày 3 tháng 10 năm 1990, và cuộc chuyển giao các thể chế bắt đầu.

Những người chỉ trích Bàn tròn trung ương buộc tội rằng, thay vì kiềm chế chính quyền cộng sản thì nó lại phục vụ cho việc ổn định hóa nó, mặc dù không phủ nhận được rằng Bàn tròn cũng đã cung cấp một cơ hội để thực hành các giá trị dân chủ và thảo luận về tương lai mà không có đe dọa bạo lực. Tuy nhiên, trong khi nhiều người dân Đông Đức đánh giá cao những đóng góp của các nhà bất đồng chính kiến và các phong trào công dân với tư cách là những người gây dựng nên lực lượng đối lập chống lại chế độ cũ, dân chúng không trao cho họ vai trò là những người định hình tương lai chính đáng (legitimate shapers of the future), để mặc cho các chính đảng ôm lấy vai trò này cho riêng họ. Tại sao các nhà bất đồng chính kiến, cùng với các lựa chọn mà họ đề xuất bị bác bỏ?
 

Quyền lực tuyệt đối của nhà nước là đối thủ
 
Di Palma lập luận rằng có thể hiểu được sự huy động trí thức chống chủ nghĩa cộng sản bằng việc triển khai một phép tương tự lịch sử: "xã hội dân sự đang nổi lên dưới chủ nghĩa cộng sản… cũng giống sự nổi lên của xã hội dân sự trong chủ nghĩa chuyên chế… Tương tự như [trong] chủ nghĩa chuyên chế, động cơ cho sự xuất hiện của xã hội dân sự là việc phản ứng với arcana imperii (những bí mật của đế chế) của bọn thống trị" (Di Palma 1991, 63). Cũng như các nhà trí thức bất đồng Pháp của nước Pháp Tiền Cách mạng, các đồng chí Đông Âu của họ cũng lấy dưỡng chất từ hai nguồn: sự phá sản trong nước, cả về mặt đạo đức và vật chất, và ví dụ về các xã hội nước ngoài năng động và cởi mở hơn… Đặc trưng và động cơ đạo đức của các nhà bất đồng chính kiến Đông Âu được gợi hứng một phần từ mô hình Tây Âu…" (ibid.,67,68).

Đối với trường hợp Ba Lan, lập luận của Di Palma hoàn toàn phù hợp với cách giải thích thông thường về thành công trong các cuộc vận động của KOR (1976-81), và mở rộng ra là của Công đoàn Đoàn kết. Nó dựa trên ba thành tố cơ bản: sự sụp đổ của hệ thống, sự tìm kiếm con đường giải phóng về đạo đức -nhận thức của công chúng, và khả năng đáp ứng sự tìm kiếm này của KOR (Flam 1996).

Tuy nhiên, Tây Âu không chỉ là một xã hội tham chiếu cho đối lập Ba Lan -tập hợp quanh KOR- ở thời kì đầu, như Di Palma lập luận, mà còn là một trong những cột trụ quan trọng nhất về bản sắc của nó, được ôm ấp và vun đắp nhiệt thành. Các lãnh tụ đối lập đã cách điệu phong trào đối lập như là hiện thân của cac giá trị và bản thân họ như là người mang trong mình các giá trị nhân văn chung của thế giới -tức là các giá trị "được văn minh hóa" của Tây Phương. Họ định nghĩa đối thủ của họ -nhà nước toàn trị xấu xa- như là lũ mọi rợ chuyên quyền. Chính cách định nghĩa về bối cảnh [đấu tranh] như vậy đã cho phép phe đối lập có thể xây dựng hình ảnh mình như là một chiến sĩ anh hùng tranh đấu cho các giá trị đạo đức cao quý.

Các lập luận của Di Palma chỉ đúng với Đông Đức một phần mà thôi. Sự phá sản về vật chất -nếu không kể mặt đạo đức- của đất nước đã trở nên hiển nhiên với tất cả mọi người muộn nhất là trong những năm 80, nhưng trái ngược với những người đồng nhiệm ở Ba Lan, nhà cầm quyền Đức không bao giờ từ bỏ vị thế cứu rỗi của mình: họ không từ bỏ độc quyền trong việc diễn giải chính trị, và cũng chẳng từ bỏ xác quyết về tính bất khả chiến bại về nhận thức của mình. Họ tiếp tục tin vào quyền thống trị của mình. Những người trong bộ máy không bao giờ công khai đặt dấu hỏi về đức tin này: ba hay bốn thế hệ những đối tượng được đưa lên địa vị cha mẹ dân - nếu không chỉ đồng thời nắm vai trò then chốt, vận hành và liên kết [trong hệ thống]- khi đối mặt với một chính thể tưởng chừng bất tử, vẫn thích giữ một giấc mơ cộng sản úa tàn.

Theo quan điểm của Di Palma, bất đồng chính kiến không thể, hoặc ít nhất là đáng ngờ rằng họ có thể, xuất hiện trong những hoàn cảnh như vậy. Khi mà các nhà thống trị tự huyễn đến mức không hề nghi ngờ về quyền được độc quyền cai trị của mình, Di Palma nói với chúng ta, những thần dân không chịu thừa nhận quyền thống trị của kẻ thống trị sẽ không vì thế mà thách thức nhà thống trị; thay vào đó, họ đang xét lại chính họ" (ibid 56). Nhưng [nếu có thì] tại sao bọn thống trị kiêu ngạo lại tạo ra được sự đuối lý và tính dễ bị bác bỏ nơi các nhà bất đồng chính kiến? Chính vì sự sẵn lòng chơi trong một trò chơi "như thể" do Đảng sắp đặt của những người trong bộ máy và dân chúng đã tạo ra hiệu ứng này (Kusy 1985, 163-65). Đáng chú ý là ở Đông Đức, chỉ có vài nhà bất đồng chính kiến phủ nhận thẳng thừng dự án xã hội chủ nghĩa hay quyền thống trị của SED. Trái ngược với nhiều người dân Đông Đức đem các đại diện của Đảng ra làm trò cười, những người bất đồng chính kiến luôn coi trọng Đảng và luôn đối mặt với người thống trị họ -bằng các phương tiện như những lá thư nghiêm túc và tôn trọng, các thỉnh nguyện thư, kháng thư, các đêm đốt nến và tuần hành- với một loạt các vấn đề xã hội nóng bỏng. Họ muốn cải cách.
 
Các nhà bất đồng chính kiến Đông Đức tạo ra một tiểu-văn-hóa trong đó, thay vì thể hiện một "tình yêu" bắt buộc, người ta có thể chỉ trích công khai các "phụ mẫu" cứng nhắc của nhà nước. Tuy nhiên, tương phản với phe đối lập Ba Lan -và trái ngược với luận đề của Di Palma, họ không chống lại tính Đông phương của nhà nước mình bằng mô hình Tây phương. Thay vào đó, họ thể hiện sự cam kết chặt chẽ với nền dân chủ tham gia. Điều này cho họ một vũ khí tự vệ đa năng. Đóng vai trò như một lý tưởng, nó đáp ứng trực tiếp nhu cầu khẩn thiết về quyền tự quyết của cá nhân và nhóm; nó cũng tạo thành một hình ảnh đối ngược với [tập đoàn] nhà nước-đảng trung ương tập quyền, kiểm soát mọi mặt và bóp nghẹt đổi mới của Đông Đức. Cuối cùng, nó thống nhất các nhà bất đồng chính kiến Đông Đức, không phải với phương Tây tư bản chủ nghĩa mà họ phủ nhận, mà với những nhà bất đồng chính kiến của Tây Đức mà họ ngưỡng mộ.
 
Câu hỏi đặt ra là: Nếu họ bênh vực mạnh mẽ hình thức dân chủ đại diện, thay vì hình thức [dân chủ] tham gia như những người đồng chí của họ ở Ba Lan và Tiệp Khắc, thì họ có tạo ra được một hình ảnh đỡ không tưởng, ấu trĩ và hoang đường -trong cả những năm 80 lẫn trong năm kế tiếp tháng Mười 1989- giai đoạn quyết định mà ở đó tương lai của CHDC Đức được định đoạt -hay không?. Các đám đông được vận động đã chống lại những nhà bất đồng chính kiến và các đề xuất của họ. Như các cuộc điều tra dư luận trong giai đoạn này chứng tỏ, công chúng mong muốn các thể chế đã được thử nghiệm và kiểm tra -họ muốn thống nhất với nền kinh tế thị trường và nền dân chủ của Tây Đức: cuối cùng thì không phải là nhà-nước-tuyệt-đối mà là công chúng bỏ phiếu đã phản bác lại những nhà bất đồng chính kiến.
 

Tính liên tục giữa các thế hệ: chuyển giao các giá trị, địa vị và quyền lãnh đạo

Nhiều thế hệ đã đến với nhau để tạo thành lực lượng đối lập ở Ba Lan. Mặc dù rất nhiều các trí thức-trước-chiến-tranh bị tiêu diệt trong hoặc ngay sau chiến tranh, nhiều người đã sống sót và chiếm các vị trí quan trọng trong các trường đại học và [bộ máy] Đảng, và truyền lại cho những người kế tục lập trường [tư tưởng] các giá trị mà họ ấp ủ.

Địa vị xã hội chính thức và vị thế đối lập [của các cá nhân] được kết hợp lại để xây dựng nên một trật tự địa vị xã hội giữa các thành viên đối lập. Ví dụ, những người có thể được gọi là "Điển hình" là những người có vị trí xã hội cao nhất vì tuổi tác, các thành tựu nghệ thuật hay tri thức, vị trí nghề nghiệp cũng như lòng dũng cảm và đạo đức mà họ đã chứng tỏ -và phải nhấn mạnh là- liên tục ít nhất từ khi Thế chiến II bùng nổ (Flam 1996, 110, 115). Họ đủ quyền lực để đề cử những người kế nhiệm.

Khi KOR được thành lập vào năm 1976, mọi nỗ lực đều nhằm lôi kéo những người giữ địa vị xã hội cao nhất vào làm thành viên sáng lập của nó. Tuy nhiên cho đến thời điểm đó, một số các nhà phê phán chính quyền trẻ hơn, như Adam Michnik -người đã đặt tên cho những người xét lại lỗi lạc là "bọn luồn cúi" trong những năm 60- đã gia nhập cùng bậc thang địa vị với các đồng nghiệp già hơn. Nhiều bạn bè của họ-những người vốn trước đó hoàn toàn không có chút uy tín nào- cũng thăng tiến nhanh trong bậc thang địa vị.
 
Không chỉ riêng các "Điển hình" mà còn vô số các câu lạc bộ chính trị đã đóng vai trò quan trọng như là những "người gác cổng" và những thế lực nuôi dưỡng các trí thức bất đồng. Trong những thập niên 70 và 80, như trong một phân tích của mình, Helmut Fehr (1992, 85-93, 103-105) đã sử dụng Warsaw như là một ví dụ, và chỉ ra rằng đối lập Ba Lan cũng tổ chức các hoạt động của nó thông qua vô số các câu lạc bộ chính trị. Đại đa số các câu lạc bộ này có số lượng thành viên rất nhỏ, từ 8-12 đến khoảng 60 người. Các câu lạc bộ này giúp các nhóm khác xác định mục tiêu và hệ giá trị bất kể các nhóm đó có mâu thuẫn với nhau hay không, cho dù có một thực tế là một số người tham gia đồng thời nhiều ủy ban của các câu lạc bộ này. Mỗi nhóm nuôi dưỡng một lối sống, lối suy nghĩ và khái quát vấn đề riêng với mục đích cuối cùng là chạy đua để giành lấy vị trí tinh hoa (elite status). Chức năng gác cổng có hình thức là rà soát và thử thách các thành viên đối lập có tham vọng trước khi họ được nhận vào [lực lượng đối lập]: sự chấp nhận thường bao gồm quyền truy cập ưu đãi vào, hoặc có một vị trí năng động trong các ấn bản của câu lạc bộ và ban biên tập của nó. Sự chuyển giao các giá trị, địa vị và vai trò lãnh đạo nói chung vẫn thường được nhìn nhận là đã diễn ra êm thấm. Cho dù sự cạnh tranh vai trò lãnh đạo đôi khi gây chia rẽ trong số những thế hệ và nhóm người trẻ tuổi, thực tế là đã không xảy ra bất cứ một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nào cho đến khi chế độ đã hoàn toàn sụp đổ.
 
Chiến lược đấu tranh bằng cách tập hợp những nhân vật lỗi lạc vào trong các ủy ban hoặc các ban biên tập dựa trên giả định -về nguyên tắc là đúng- rằng ngay cả nhà nước cộng sản cũng không thể miễn nhiễm với ảnh hưởng của sự kiệt xuất cá nhân, cái mà vì thế có thể được tích hợp vào để chính nghĩa hóa (legitimize) các tổ chức đối lập và các hoạt động của nó vừa để chiến thắng nhà cầm quyền, đồng thời để huy động quần chúng. Nó cũng được dùng để cứu các nhà hoạt động trẻ hơn trong những lúc họ cần.
 
Tuy vậy, điều này hàm ý rằng, chính nhà nước-đảng, [hay chính xác hơn là] thái độ và các tiêu chí của nhà cầm quyền về sự lỗi lạc, là tham số quyết định trong phương trình: như một nhà bất đồng chính kiến Đông Đức, người đã trải qua 401 ngày trong xà lim biệt giam trong những năm 75, 76 trước khi quyết định di cư, đã nói trong một cuộc phỏng vấn mà tôi thực hiện để thu thập tư liệu cho nghiên cứu của mình: "Tôi nhận ra rằng điều này không có ý nghĩa gì hết… Tôi hoàn toàn không có cái đặc quyền mà họ [Robert Haveman và Wolf Biermann] có; Tôi không được biết tới ở Tây Phương. Tôi không có một người cha chống chủ nghĩa phát-xít. Không có cái gì bảo vệ tôi cả. Họ có thể giết tôi như giết một con giun trong xà lim của họ, bởi vì cũng chẳng có ai quan tâm đến việc này… Hai Người Vĩ Đại ấy, họ là sự che chở đáng kể… nhưng ngay cả điều này cũng không lấy gì làm chắc chắn… Ở trong hệ thống Miền Đông này, thì ngay cả Gandhi hay Martin Luther King có lẽ cũng không làm nên nổi tên tuổi. Cần phải có một quan niệm công bằng thì mới để một người như Gandhi bước vào thế giới, đúng vậy không? Người ta thậm chí không thể trở thành thánh tử đạo dưới chế độ XHCN. Đó là lý do tôi nói: "Tôi muốn [hoạt động] từ bên ngoài, từ phương Tây". Và tôi đã làm điều tôi nói". [3]
 
Ở Đông Đức, có thể chính vì lý do này mà "một điều gì đó thiếu hụt… một thế hệ… bị mất". Các nhà bất đồng chính kiến rất trẻ chiếm đa số áp đảo: tuổi trung bình từ 23 đến 35; và các nhóm với tuổi trung bình thấp hơn lại chiếm đa số áp đảo (Findeis et al, 1994, 100, 117, 128, 193). Vì cấu trúc phi tập trung, đòi hỏi về dân chủ tham gia, và tính sự vụ của nó, phong trào Đông Đức trẻ giống các phong trào xã hội "mới" của phương Tây hơn là những người đồng chí của họ ở Đông Âu. Cấu trúc tuổi cũng ngăn cản việc truyền thừa các giá trị. Những người tìm kiếm quyền lãnh đạo phải cạnh tranh với những người ngang hàng mà không có sự ủng hộ quan trọng nào từ thế hệ già hơn. Cạnh tranh giữa những người trẻ tuổi cùng thế hệ [đã diễn ra một cách] hầu như không được kiểm soát và luôn đi kèm với việc khăng khăng đòi duy trì tính độc lập cục bộ. Vì cả hai lý do trên, đã không xuất hiện các lãnh tụ được mọi người thừa nhận rộng rãi, và cũng không tồn tại một cương lĩnh chung. Nhiều nhóm cục bộ vẫn tiếp tục đấu tranh trên các lĩnh vực sự vụ cụ thể: "Cuối cùng thì bọn họ vẫn bận rộn với các cuộc cãi lộn đáng thương hơn là với các chiến lược quan trọng. Nhân tiện, theo cách nhìn của tôi thì đây là khác biệt cơ bản với [phong trào] Ba Lan… Trừ Wolfgang Templin, tôi không thể tìm ra một người nào khác biết suy nghĩ một cách thông minh nữa… Một thế hệ già của các nhà bất đồng chính kiến chỉ đơn giản là đã bị mất… Không một nhóm [đơn lẻ] nào có thể kết hợp được những tri thức đã tích lũy [về các vấn đề, về đất nước]… Tôi nhận ra tôi cô đơn đến mức nào… một cái gì đó đã mất, một thế hệ để hợp tác cùng đã mất" (Phỏng vấn của tác giả).
 
Không ai bước lên trước để tổng hợp hàng tá vấn đề -mà các nhóm cục bộ đưa ra- để hình thành một cương lĩnh [chung] duy nhất. Sau cái chết của Havemann năm 1982, khoảng chân không tri thức bị mở rộng: "Chúng tôi không có lãnh tụ. Mong muốn đạt được sự ghi nhận của công luận, chúng tôi luôn cố thu nhận các trí thức xuất sắc như Stefan Heym hay Christa Wolf. Nhưng họ luôn từ chối". (Phỏng vấn với Poppke 1995, 72). Các nhà bất đồng chính kiến quan trọng kết tội tình trạng thiếu vắng các nhân vật lôi cuốn và có sức thu phục như Václav Havel -một vấn đề được cảm nhận rất rõ trong suốt giai đoạn huy động quần chúng giữa mùa thu 1989 (xem các phỏng vấn với Dusdal và Mehlhorn trong Findeis et al. 1994, 73, 166). Không ai có đủ vị trí quốc tế, sự toàn diện về đạo đức và trình độ tri thức nổi lên từ các thang bậc của giới trí thức.
 

Báo chí độc lập như là trường đào luyện và băng chuyền tới báo chí chính thức
 
Cả Reader (1987, 10, 21-29) và Jacoby (1987, 7, 14, 19) chỉ ra rằng nhiều trí thức vĩ đại trong thế kỉ của chúng ta đầu tiên đã mài dũa các kĩ năng của họ từ -đôi khi còn sáng lập ra- các báo độc lập ở Paris và New York. Các báo này đào tạo ra những cây bút xuất sắc; nhờ đó mà giới báo chí chính thức -ít nhất trong một thời gian- đã tuyển dụng một cách hiệu quả.
 
Ở Ba Lan, phong trào samizdat lớn nhất trong khối Xô-viết phát triển, hầu hết -nhưng không phải là hoàn toàn- nằm dưới sự bảo trợ của KOR và sau này là KSS 'KOR' (Skilling 1989, 22-24; Friszke 1994, 424, 441). Nó sớm được biết đến như là "vòng mạch (circuit) độc lập" hay "thứ hai". Các cánh tay vươn dài của nó đã thâm nhập vào các nền kinh tế "thứ hai" ở nội địa và phương Tây. Nó xuất bản các ấn phẩm như báo, tuần san, quý san và sách in mà số lượng lưu hành từ hàng trăm đến hàng ngàn ấn bản (Kubik 1994, 160-61). Hầu như tất cả các nhóm thuộc KOR đều ra báo và tổ chức việc xuất bản riêng (Friszke 1994, 427; Kubik 1994, 155-57; Skilling 1989, 22-24).
 
Hoạt động xuất bản, song song với việc tạo ra uy tín xã hội, còn đào luyện ra một số lượng lớn các cá nhân có kĩ năng báo chí và biên tập. Chúng cũng buộc người [tham gia] phải phát triển kĩ năng tổ chức: con người và các nguồn lực phải được tập hợp trong mạng lưới in ấn và phân phối bí mật. Sự cách biệt giữa mạch "thứ nhất" và "thứ hai" hầu như biến mất vào giữa những năm 80. Các tài năng và sự nghiệp ở mạch này có thể có giá ở mạch kia.
 
Samizdat Ba Lan có thời kì tiền sử lâu dài. Trái ngược với đồng nhiệm của nó ở các nơi khác trong vùng, Đảng Cộng sản Ba Lan củng cố sự thống trị của nó bằng cách giải phóng trên thực tế [các kìm kẹp đối với phe đối lập] vào năm 1956. Trong cuộc tìm kiếm tính chính đáng (Pakulski 1990), giới lãnh đạo mới của Đảng cho phép thành lập nhiều tổ chức và thiết chế bán-độc-lập. Những tổ chức và thiết chế này đã trở thành hạ tầng cơ sở cho những người bất đồng chính kiến, cho dù chỉ sau đó một năm, đảng đã tiến hành giải tán một số tổ chức như vậy và định kì gây sức ép hoặc thắt chặt sự kiểm soát với các tổ chức còn lại. Mặc dù không phải tất cả cái gọi là "những thành quả tháng Mười" đều được bảo vệ [nhưng] "Chủ nghĩa Stalin đã không trở lại". Đảng đã chấp nhận cho tồn tại với một số lớn các hoạt động phi chính thống trong lĩnh vực văn hóa, và thậm chí khi bị khiêu khích trực tiếp thì Đảng cũng chỉ khuất phục các trí thức bằng cách hình thức cưỡng bức tương đối nhẹ nhàng. "Các thành quả tháng Mười" đặt quan hệ của Đảng với các nhà phê phán xét lại trên một con đường phát triển rất khác với các nước khác thuộc khối Đông (Hirszowicz 1986, 61-63.; Flam 1998) Một số lượng đủ lớn các hiệp hội của các văn nghệ sĩ, tổ chức giáo dục, hội sinh viên, câu lạc bộ thảo luận, các ban biên tập của các ấn bản tuần san và nguyệt san đã đoàn kết lại, họ cảm thấy an toàn tới mức có thể dung nạp các trí thức bất đồng chính kiến vào những năm 60. Mặc dù biện pháp đàn áp năm 1968 là một bước lùi quan trọng, toàn bộ hạ tầng thể chế này, cũng như môi trường xã hội hỗ trợ cho nó đã xoay xở để giáo dục và bảo vệ các thế hệ đối lập tương lai: "Sự hỗ trợ từ môi trường này luôn tồn tại… Mỗi người đều cố gắng tự gắn mình với nó. Đối lập ngầm, và vào một số thời điểm nhất định về sau là đối lập chính trị, luôn tồn tại tích cực, tự thành lập các nhà xuất bản, bởi vì khi đó đã có đủ số người để tạo ra một... môi trường rộng rãi" (phỏng vấn của tác giả).
 
Từ khi hạ tầng cơ sở cho bất đồng chính kiến xuất hiện, việc phát biểu các chính kiến bất đồng, trao đổi ý tưởng và xây dựng các mạng lưới mới trở nên dễ dàng hơn. Có thể lập luận rằng vì bối cảnh thể chế này mà giới trí thức Ba Lan sẵn sàng phản kháng hơn, và cũng cởi mở hơn với quan niệm về huy động quần chúng. Sự xuất hiện của KOR đồng thời báo hiệu và gia tốc sự trỗi dậy của xã hội "dân sự" hoặc "thứ hai", cái mà đến lượt nó lại thúc dẩy sự mở rộng một cách đều đặn hơn nữa các hoạt động xuất bản ngầm (samizdat). Hạ tầng của bất đồng chính kiến do Đảng kiểm duyệt -và đôi lúc siết chặt- là trường đào luyện thứ nhất (cùng với samizdat là trường đào luyện thứ hai) ra các trí thức bất đồng.
 
Trường hợp Đông Đức khác đáng kể so với Ba Lan. Năm 1956, số lượng các "nhà xét lại" trong đảng không nhiều, và số các cơ quan mà họ làm việc chỉ đếm trên đầu ngón tay (Fricke 1984, 117-28, esp. 128). Họ không bao giờ cố gắng thoát ra khỏi sự cô lập về xã hội của mình. Trong những năm 53 và 56-57, không một liên minh nào được hình thành giữa các trí thức phê phán-đối lập trong Đảng và những bộ phận bất bình trong xã hội (Meuschel 1991, 32). Như Meuschel (1991, 29-32)và Köpke (1982, 108-10) lập luận, những trí thức này không tin tưởng ở quần chúng, những người mà họ cho là đã từng ủng hộ phát-xít. Họ muốn tìm cách cải tạo quần chúng cả về chính trị và đạo đức. Thái độ này đã ngăn cản khả năng liên kết với công nhân để chống lại quyền lãnh đạo của SED, thậm chí chỉ để có các cải cách khiêm tốn. Ulbricht đáp lại khúc dạo đầu phi Stalin hóa của các trí thức trong đảng -vốn bị cô lập- bằng bắt giữ, xét xử, các án tù dài và cách chiến dịch tuyên truyền mạnh mẽ và nhịp nhàng. SED củng cố quyền lực trong của mình năm 1956 không phải bằng việc tự do hóa [các hoạt động đối lập], mà bằng bịt miệng các nhà trí thức phê phán của nó. Các tổ chức có thể làm hạ tầng cho bất đồng chính kiến vốn đã ít ỏi cũng bị ngăn chặn không thể thực hiện được vai trò này. Cũng như ở Tiệp Khắc, đảng củng cố vai trò của nó thông qua đàn áp và thanh lọc. Điều này đã đẩy CHDC Đức vào con đường phát triển hợp pháp hóa sự đàn áp, hoàn toàn khác với con đường của Ba Lan.
 
[Tập đoàn] đảng-nhà nước đàn áp các nhà phê phán trung-thành-với-chế-độ và các samizdat của thời kì giữa và cuối thập niên 60, và của thời kì rất sớm và cuối của thập niên 70. Những người trong cuộc tin rằng các samizdat bắt đầu thu được ảnh hưởng thực tế chỉ từ khoảng 1987. Ngay cả khi đó, thì quy mô của nó cũng quá nhỏ bé so với các samizdat của Ba Lan. Trong Cục Lưu trữ các Phong trào Công dân ở Leipzig, người ta chỉ sưu tập được có sáu tạp chí ngầm khác nhau.

Khác với Ba Lan, các samizdat và tranh luận nhà thờ ở Đông Đức tạo thành một trường đào luyện chỉ cho một vài người. Phần lớn xã hội đều không biết đến cả các samizdat lẫn các sản phẩm liên quan đến nhà thờ. Hơn nữa, sự chia rẽ giữa chúng [các ấn phẩm chui] và các ấn bản hợp pháp là tuyệt đối, do vậy chúng không thể phục vụ như là nguồn động lực cho các sự nghiệp công cộng hay nghệ thuật hợp pháp.



[1]Helena Flam là Giáo sư ngành xã hội học tại Đại học Leipzig. Các lĩnh vực nghiên cứu chính của bà là các phong trào xã hội và bản sắc của đối lập. Các cuốn sách xuất bản gần đây nhất của bà gồm có States and Anti-nuclear Movements (Edinburgh: Edinburgh University Press, 1994) (chủ biên), và Mosaic of Fear: Poland and East Germany before 1989 (Bradenton FL: East European Monographs, 1998; Columbia University Press phân phối).
[2]Lập luận chuẩn mực cho điểm này là Đông Đức đưa ra trước những người chỉ trích nó một vấn đề độc đáo của “hai nhà nước, một quốc gia”. Những người chỉ trích muốn giữ lòng trung thành với nhà nước chống phát-xít, chống tư bản “của họ” và đã thất bại trong việc biến những nhà cải cách của chế độ thành những người trực tiếp chống đối chế độ giống như các đồng sự của họ ở Ba Lan và Tiệp Khắc đã làm (Joppke 1995); cái tốt nhất mà họ làm được là giữ yên lặng. Lập luận này có lẽ đúng cho những trí thức đã có địa vị, những người sinh trước Thế Chiến II. Nhưng nó không giải thích được tại sao các thế hệ tiếp theo, những người hình thành phong trào bất đồng chính kiến lại không.
[3]Người tường thuật muốn nói đến một thực tế là Biermann không được phép quay trở về nước sau chuyến đi biểu diễn âm nhạc ở Tây Đức, Havemann bị quản thúc tại gia cũng trong năm đó.