trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 208 bài
  1 - 20 / 208 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐời sống hiện đại
17.5.2005
Phạm Tùng Cương
Một nhân vật phi thường
Đỗ Kh. dịch
 
Lời người dịch: Truyền thông trong nước hầu như không có một dòng nào nhắc nhở hay báo tin sự ra đi mới đây của Trương Trọng Thi, người đã thực hiện máy vi tính đầu tiên (không phải đầu tiên ở Cai Lậy - Cái Bè, hay đầu tiên ở Việt Nam, mà là đầu tiên trên thế giới), trong khi trẻ em xa mẹ nào cũng biết đến (và mơ thành) Bill Gates. Người viết bài này (nguyên bản tiếng Pháp), Phạm Tùng Cương, tốt nghiệp trường Cao học Thương mãi HEC, đã giữ chức Tổng giám đốc công ty Unixsys tại Pháp và nhiều năm làm việc tại Việt Nam với tư cách tham vấn của Văn phòng Chính phủ trong lãnh vực tin học. Ông là một cộng tác viên gần gũi với Trương Trọng Thi trước đây.
Ta có thể nhỏ lệ vì một người vừa mới khuất
Hay cười lên vì ông đã từng có mặt ở cõi đời

Khuyết danh


André Trương Trọng Thi
André Trương Trọng Thi (hay TTT) vừa từ giã chúng ta vào ngày 1.4.2005. Máy vi tính trở thành mồ côi vào năm 32 tuổi. TTT, “cha đẻ của máy vi tính”, là người trong hơn 20 năm đã để lại một dấu ấn mãnh liệt trong ngành tại Pháp cũng như từng là một trong những nhân tố của sự tăng trưởng của máy vi tính trên thị trường.

Ông sinh ở Sài Gòn năm 1936 trong một gia đình đại tư sản miền Nam nói tiếng Pháp (cha ông là người Việt đầu tiên tốt nghiệp trường Cao học Thương Mãi Pháp HEC, khoá 1924). Ông sang Pháp năm 14 tuổi, tốt nghiệp trường Kỹ sư Điện Phát thanh (EFR, sau thành EFREI, trường Điện tử và Tin học Pháp). Làm việc cho công ty Schlumberger, ông là người chế tạo ra máy đo Carbon Dating 14 đầu tiên dùng transistors. Năm 1965, nhân khi đi thăm Hoa Kỳ, ông bị một cú sốc văn hoá khi thấy các mạch điện tử tại đây vừa tốt lại vừa nhỏ gọn hơn ở Pháp.


R2E và máy Micral N

Với vài người bạn, ông thành lập công ty R2E (Réalisations Etudes Electroniques) để theo đuổi ám ảnh “thu nhỏ” này. Nói về những hoạt động thiếu thời của R2E, ông ưa dùng câu “Chúng tôi thực hiện những con cừu 5 cẳng để từ đó sinh ra những con cừu 4 chân”. Năm 1972, Việc Quốc gia Nghiên cứu Nông nghiệp (INRA) đặt R2E việc thực hiện một máy Control of Process rẻ hơn máy PDP-8 của công ty DEC mà lại có thể di chuyển dễ dàng. Được biết vào lúc đó, Intel vừa cho ra đời một bộ vi xử lý (microprocessor) mới 8-bit, máy 8008, cũng là bộ vi xử lý đầu tiên của Intel, mạnh gấp 2 lần máy 4004 cũ của công ty này. Trong vòng 5 tháng, TTT và nhóm chuyên gia của R2E thực hiện thành công máy vi tính (microcomputer) đầu tiên với đủ cả những thiết kế của một máy vi tính ngày nay: thẻ Central Unit (CPU), BUS, sử dụng các thẻ nhớ MOS, RAM và EPROM, thẻ I/O, thẻ Format Control (cho dĩa mềm floppy và băng nhớ), hệ thống điều hành real time và Cross Assembler.

Máy Micral N và CPU
Hệ thống đầu tiên được giao cho viện INRA vào tháng giêng năm 1973. Trong năm thứ nhất 500 máy được sản xuất để dùng trong lãnh vực thu lệ phí các đường cao tốc (toll road). Hơn 100.000 máy tất cả đến với thị trường cho đến năm 1982. Xin nhắc lại là công ty Microsoft được thành lập vào năm 1975 và công ty Apple thành lập vào năm 1976.

Hiện có một máy Micral N được trưng bày tại Computer Museum tại Boston và một máy khác được bày ở Musée des Arts et Métiers tại Paris từ tháng 12.2003. Máy Micral N đã được trưng bày ở đại hội vi tính Comdex 1997 tại Las Vegas để kỷ niệm 25 năm microprocessor.


Sau máy Micral N

Với những khó khăn của tăng trưởng, R2E hoà nhập với công ty Bull (một sản phẩm của “Chương trình Toán” của tướng De Gaulle) để trở thành công ty Bull-Micral năm 1978, mang tham vọng biến thành một thành tố quan trọng trên thị trường vi tính thế giới.

Khi máy PC IBM ra đời vào năm 1981, TTT là một trong những chuyên gia đầu tiên, nếu không nói là chuyên gia đầu tiên ý thức được thị trường tương lai của các máy tương xứng. Mặc dù công ty R2E of America (Minnesota) trực thuộc đã bắt tay vào việc thực hiện một máy vi tính tương xứng với IBM PC theo những đòi hỏi ông đưa ra, TTT không thuyết phục được công ty Bull nhảy vào việc sản xuất và đưa ra thị trường, khiến có câu nổi tiếng của một lãnh đạo cao cấp của công ty Bull tặng cho ông “Anh chẳng hiểu gì cả về vi tính!” Chán nản, mặc dù máy đầu tiên này được giao tại Paris vào tháng 7.1982, ông từ nhiệm khỏi công ty Bull vào tháng 10.

Sau đó, TTT tham dự vào việc thành lập công ty Normerel (sau này có trên thị trường chứng khoán Paris) là công ty sản xuất và bán máy tương xứng IBM PC đầu tiên của Pháp vào năm 1982 dưới tên OPLite!

Một lưu tâm khác của TTT là việc sử dụng PC để xử l‎í và lưu trữ dữ kiện qua các chương trình ứng dụng Quản lý Tài liệu Điện toán (GED). Ông là người cầu chứng bằng phát minh đầu tiên về lưu trữ dữ kiện điện toán trên điã optical.

Vẫn trong tinh thần “thu nhỏ” bắt đầu từ máy Micral N, TTT với nhóm chuyên gia nhà đã thành công trong việc “thu gọn” (downsizing) đầu tiên trên thế giới, hệ thống thông tin của Quỹ Hưu trí tại Orleans (IGIRS), sử dụng mạng lưới vi tính trong môi trường client-server vào cuối thập niên 80. Ngay trước khi dự án IGIRS được hoàn tất, TTT đã thuyết phục được một công ty bảo hiểm Pháp (SGCA) và Thư viện Quốc gia Bắc kinh dùng kỹ thuật này.

Những năm gần đây, ông lãnh đạo công ty APCT (Advanced PC Technologies), cung cấp dịch vụ và sản phẩm sử dụng trong môi trường Windows NT.

TTT là một người có viễn ảnh tinh tế, thích tìm hiểu mọi chuyện, đam mê các kỹ thuật và có đủ tài doanh gia để thành công trong việc thực hiện phần lớn các ước mơ và sáng kiến kỹ thuật của ông. Ông cũng là một người dễ mến khác thường với một lòng rộng lượng thành thật và tự nhiên.


TTT và Việt Nam

Tuy không biết nói tiếng Việt nhưng ông cũng không hề quên nguồn gốc, đóng góp cho đất nước bằng những hành động cụ thể chứ không bằng lời nói vu vơ. Lúc nào ê-kíp của ông cũng có chuyên gia người Việt được ông giao cho nhiều trách nhiệm và quyền quyết định. Tôi được ông mời đứng đầu dự án SGGA và sau đó dự án Thư viện Quốc gia ở Bắc Kinh. Có lần ông tâm sự là tôi được ông chọn lựa chính là vì tôi là người Việt và tốt nghiệp trường HEC!

Vào năm 1978, khi làm Tổng Giám đốc công ty R2E, TTT về Việt Nam đề nghị một chương trình sản xuất máy Micral, ở giai đoạn dẫn đầu là đào tạo chuyên viên và lắp ráp các máy vi tính này, chỉ cần một số đầu tư tối thiểu từ phía Nhà nước. Đáng tiếc thay, dự án này bất thành vì guồng máy quan liêu trong nước và những lý do chủ quan khác. Những dịp may lớn, cũng như Thời gian, một khi đã đánh mất thì chẳng bao giờ tìm lại được nữa. Trong một khắc thôi, ta thử tưởng tượng, dự án này thực hiện được thì ngày nay Việt Nam đã là tiên phong trong lãnh vực vi tính ở Á Châu. Phải là một người có tầm nhìn xa, nhiều dũng cảm, nghị lực và niềm tin để hình dung ra một dự án vị tha và nhiều kỳ vọng như vậy (mặc dù dự án không được chính Hội đồng Quản trị công ty R2E tán thành).

Lần thất bại trên cũng không cản được TTT trở lại nước sau đó để làm cố vấn và chia sẻ kinh nghiệm với các nhà tin học Việt Nam. Ông có mặt ở tuần lễ tin học tại Hà nội năm 1992, gặp tướng Giáp và đọc tham luận trước TBT Đảng CS Đỗ Mười và các nhà khoa học Hà Nội, cảnh báo Việt Nam trước cơ nguy của các “viên thuốc độc bọc đường”. Ông trình bày cách bắt kịp chuyến tàu kỹ thuật mà không phải làm lại lịch sử, nhấn mạnh mặt đào tạo, phát triển, dịch vụ và tầm quan trọng của các tiêu chuẩn (quốc tế) của thị trường. Trước khi đi, ông có để lại một bản phúc trình cho Ủy ban Khoa học Kỹ thuật và Môi trường. Sau đó, ông nhiều lần trở lại để thuyết trình trong nước theo lời mời của Bộ Khoa học, Kỹ thuật và Môi trường.

Quê hương đã đón nhận ông và được ông yêu quý là nước Pháp cũng đã tuyên dương ông, tuy có chậm trễ, với Huân chương Légion d’Honneur Đệ ngũ đẳng vào năm 1999. Ước mong rằng, ở thế giới bên kia, khi nghĩ đến Việt Nam là quê hương nguồn cội, TTT sẽ không phải tự hỏi câu ngậm ngùi của nhà thơ Lê Đạt “Đất nước mẹ mình hay mẹ ghẻ?”.

© 2005 talawas