trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Giáo dục
  1 - 20 / 171 bài
  1 - 20 / 171 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiGiáo dục
18.5.2005
Phạm Thị Ly
Thấy gì qua mục “Kết quả cần đạt” của Sách giáo khoa Ngữ văn 11?
 
Chưa bao giờ như bây giờ, nền giáo dục Việt Nam đứng trước một thử thách và một yêu cầu to lớn phải đổi mới toàn diện nhằm chuẩn bị cho thế hệ trẻ những phẩm chất và kỹ năng để thích ứng với một xã hội đang không ngừng biến đổi trong quá trình hội nhập quốc tế. Ngữ văn 11, sách giáo khoa thí điểm biên soạn theo chương trình thí điểm Trung học phổ thông được Bộ GD&ÐT ban hành năm 2002 là một trong những nỗ lực nhằm đáp ứng yêu cầu đó. Chúng ta có quyền kỳ vọng bộ sách giáo khoa này không chỉ tập hợp những đổi thay về tiểu tiết so với sách giáo khoa cũ, mà còn chứa đựng những cái mới có tính chất căn bản và chiến lược, vì nếu không, nó không thể xoay chuyển được một tình thế vốn đã hết sức trầm kha về việc dạy và học môn Văn nói riêng và việc giáo dục trong nhà trường phổ thông nói chung.

Ai cũng biết việc xác định mục tiêu có một ý nghĩa quan trọng như thế nào trong mọi loại hoạt động. Phần "Kết quả cần đạt" trong sách giáo khoa Ngữ văn 11 chính là bước xác định mục tiêu cụ thể cho mỗi bài học. Nó là sự cụ thể hóa của một mục tiêu lớn hơn là mục tiêu của môn học, và mục tiêu môn học là một bộ phận của mục tiêu giáo dục. Vậy "kết quả cần đạt" mà sách giáo khoa thí điểm Ngữ văn 11 xác định là như thế nào? Hãy xem một số ví dụ tiêu biểu:


Bài 1: Ðộc Tiểu Thanh Ký:

  • Nắm được một mảng đề tài quan trọng của thơ Nguyễn Du là đề tài về những người phụ nữ tài sắc
  • Hiểu sự cảm thông của Nguyễn Du với số phận bất hạnh của những người tài sắc trong xã hội phong kiến
  • Bước đầu hiểu về thể hứng trong thi pháp thơ trung đại

Thiết nghĩ "nắm được một mảng đề tài quan trọng của thơ Nguyễn Du là đề tài về những người phụ nữ tài sắc" liệu có quan trọng đến mức phải coi là một mục tiêu cần đạt? Xưa nay chưa từng có ai thành danh trong văn học chỉ vì đã đề cập đến một đề tài nào đó, dù đề tài đó có quan trọng hay cấp thiết đến đâu đi nữa, mà người ta thành danh là vì cái cách mà người ta nhìn vấn đề ở trong đề tài đó. Vậy Nguyễn Du có viết về người phụ nữ tài sắc, hay viết về rượu, về trăng về hoa, về con gà hay cục đá v.v. cũng có quan trọng lắm đâu? Vấn đề là cái ý nghĩa triết học và nhân sinh mà nhà thơ bộc lộ qua tâm sự của mình, đó mới là cái làm nên giá trị thực của bài thơ và khiến nó trở thành trường cửu. Ngay cả cái mục tiêu "Hiểu sự cảm thông của Nguyễn Du với số phận bất hạnh của những người tài sắc trong xã hội phong kiến" cũng vẫn nặng về yêu cầu nhận thức hơn là cảm xúc. Nếu Ðộc Tiểu Thanh ký chỉ là cảm thông với số phận bất hạnh của những người tài sắc, nó có đáng để trăm năm sau người đời vẫn còn nhớ đến? Khi xác định mục tiêu như vậy, các nhà biên soạn đã vô tình hạ thấp giá trị của bài thơ, vì không thấy được sức hấp dẫn và chiều sâu thực sự của bài thơ là ở nỗi đau cô độc của những người tài đi trước thời đại. “Bất tri tam bách dư niên hậu, Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như" là một tiếng than vào khoảng không, một câu hỏi không lời đáp vì không có người tri kỷ.


Bài 5: Nguyễn Du (1766-1820)

  • Hiểu được mối liên hệ, ảnh hưởng của hoàn cảnh xã hội, của các nhân tố thuộc cuộc đời đối với sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Du
  • Nắm sơ bộ sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Du; những đặc trưng cơ bản về nội dung và nghệ thuật của thơ văn ông

Hai mục tiêu trên đây cũng đều là những mục tiêu về nhận thức. Tại sao việc nhận thức và lý giải ảnh hưởng của các nhân tố xã hội đối với sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Du lại được xem trọng hơn là chính bản thân tầm vóc của sự nghiệp đó? Ðiều quan trọng nhất mà học sinh cần biết về Nguyễn Du, đáng lẽ phải là tầm vóc thiên tài của ông lớn lao như thế nào trong lịch sử văn học, và cái gì đã khiến tác phẩm của ông trở thành bất hủ như vậy.



Bài 14: Romeo và Juliet

Qua các lời thoại, hiểu rõ xung đột bên trong nhân vật, cảm nhận được vẻ đẹp thiên nhiên thơ mộng làm nền cho câu chuyện tình yêu. Nhận thức được tình yêu thực sự cao đẹp sẽ giúp con người vượt qua mọi định kiến và hận thù.

"Hiểu rõ xung đột bên trong nhân vật" chưa nói lên được điều gì, vì nó chưa phải là điều mà tác giả ấp ủ trong vở kịch, và "cảm nhận được vẻ đẹp thiên nhiên thơ mộng" càng lạc lõng hơn. Cách xác định mục tiêu "nhận thức được tình yêu thực sự cao đẹp sẽ giúp con người vượt qua mọi định kiến và hận thù" gây ấn tượng SGK đang giản lược hóa tác phẩm, biến một cây đời xanh tươi thành những nhánh khô, và coi những nhánh khô đó là bản chất của cây đời. Nếu "kết quả cần đạt" chỉ là như vậy, văn học không có gì khác so với xã hội học hay đạo đức học, tâm lý học.

Trên đây là mục tiêu được xác định cho 3 kiểu bài khác nhau: một bài thơ trữ tình, một trích đoạn kịch, và một tác giả. Ðiểm chung của những mục tiêu trên đây là các nhà biên soạn vẫn tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu về nhận thức, về kiến thức hơn là yêu cầu về giáo dục cảm xúc, phát triển tâm hồn và cá tính, trong lúc chính cái thứ hai mới là bản chất và là lý do tồn tại của môn Ngữ văn trong nhà trường. Với cách xác định mục tiêu như vậy, thầy và trò được đặt trong tư thế phải chấp nhận một "chân lý" đã được cài đặt sẵn. Thêm vào đó, sách giáo khoa Ngữ văn 11 còn bồi thêm một mục "Ghi nhớ" được đóng khung ở cuối bài, nhắc nhở thầy và trò một cách hiển ngôn những gì cần phải thuộc lòng.

Cả hai điểm vừa đề cập trên đây đều đi ngược lại nguyên lý của giáo dục hiện đại, vốn được xây dựng trên tinh thần giáo dục kỹ năng sống, giáo dục làm người, giáo dục khả năng sáng tạo hơn là giáo dục tri thức, bởi vì tri thức ngày nay đã trở thành một nguồn tài nguyên vô tận mà chỉ cần một cái nhấp chuột trong tích tắc người ta có thể có trong tay một khối lượng tri thức học suốt đời cũng không thể thuộc được. Giáo dục ngày nay nhắm đến cái bản chất văn hóa, mà người ta đã gọi là cái còn lại sau khi người học đã quên hết những thứ khác. Ngay cả khi đề cập đến trí thông minh, người ta cũng coi trọng "trí thông minh cảm xúc" (EQ) hơn là trí thông minh trí tuệ (IQ), vì thực tế cho thấy những người thành công trong cuộc sống không hẳn là những người chỉ có kiến thức rộng và tư duy tốt, mà là những người biết mình, hiểu người, có kỹ năng truyền thông tốt, có một hệ thống giá trị tinh thần vững chắc làm điểm tựa cho mọi hoạt động của mình. Với ý nghĩa đó, môn Ngữ văn trong nhà trường có một vai trò hết sức quan trọng. Có nhất thiết là tất cả học sinh khi tốt nghiệp phổ thông cần phải thuộc tiểu sử một số tác giả văn học, thuộc lòng một số bài thơ, nhớ tên một vài nhân vật tiểu thuyết? Có nhất thiết phải nhớ cặn kẽ các giai đoạn phát triển của lịch sử văn học? Và nhớ những thứ đó để làm gì? Liệu những kiến thức đó có giúp người ta hiểu rõ tâm tư cảm xúc của người khác, đánh giá đúng thực tiễn, cảm nhận được vẻ đẹp của cuộc sống, hoàn thiện hơn về nhân cách, phong phú hơn về tâm hồn? Nếu câu trả lời là không, thì rõ ràng là mục tiêu của việc dạy và học văn phải được tiếp cận dưới một góc nhìn khác. Học văn là học cách nhìn vào tâm hồn con người, đặt mình vào hoàn cảnh và tâm trạng của nhân vật để học cách thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ cảm xúc của người khác. Học văn cũng là học cách diễn đạt tư tưởng và cảm xúc. Nhìn vào những mục "kết quả cần đạt" trong sách GK Ngữ văn 11, người ta không khỏi bâng khuâng tự vấn: khi đạt được những "kết quả cần đạt" đó, thì mục tiêu của môn Văn như đã nói trên liệu có đạt được?

Liệu có phải là một mơ ước quá xa vời, hình ảnh thầy và trò say mê khám phá vẻ đẹp của một áng văn, ứa nước mắt vì một nỗi đau oan trái, xao xuyến vì một ánh trăng chảy tràn trong thơ ca, hay cùng cảm thấy tim đập mạnh theo bước chân băng lối vườn khuya của nàng Kiều? Giá như sách giáo khoa và người thầy không bắt buộc học sinh phải nhớ hoặc phải hiểu tác phẩm văn học theo một cách nhất định, mà giúp cho học sinh tiếp cận tác phẩm theo cách riêng của mình, phản ánh cái bản ngã của mình qua cách hiểu tác phẩm, cũng như qua tác phẩm để nhận thức rõ hơn bản ngã của chính mình. Một tâm hồn phong phú không phải là một tạo vật bẩm sinh, mà là kết quả của giáo dục và tự giáo dục qua nhiều năm tháng. Hơn bất cứ môn học nào khác, môn ngữ văn có thể giúp rèn luyện cảm xúc, làm phong phú tâm hồn và nâng cao tầm vóc của tư tưởng.

Giữa một thế giới quá tỉnh táo, quá lý trí, môn văn học có thể đem lại những phép màu kỳ diệu mà tiếc thay, khó lòng đạt được nếu chỉ dừng lại với "kết quả cần đạt"như vậy.

Tác giả: Tiến sĩ Phạm Thị Ly là Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Giao lưu Văn hóa Giáo dục Quốc tế, TP HCM.

Nguồn: Má»™t phần bài viết này đã đăng trên báo Tuổi trẻ Chủ nhật ngày 24.4.2005. Bản đăng trên talawas là toàn văn bài viết.