trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 497 bài
  1 - 20 / 497 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTriết họcTôn giáo
Loạt bài: Nobel Hoà bình
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11 
21.5.2005
Lâm Yến
Lược khảo tư tưởng của Thánh nhân Gandhi: Ahimsa, Satya và Satyagraha
 
Mohandas Karamchand "Mahatma" ("Thánh nhân") Gandhi đi vào lịch sử bằng cuộc đấu tranh chống lại chính quyền Anh Quốc ở Nam Phi và kế tiếp là vai trò lãnh đạo của ngài trong phong trào đòi độc lập cho Ấn Độ. Bất bạo động là nền tảng cho tất cả các chiến dịch vận động đấu tranh của ngài, điều đó thể hiện các chiều sâu đạo đức trong hoạt động chính trị của Gandhi. Hoạt động chính trị của Gandhi chỉ đơn thuần là sự áp dụng các ý tưởng xã hội và đạo đức vào trong hành động, và các ý tưởng này mới chính là mối quan tâm thực sự của ngài. Trên thực tế, ngài đã từng bị quy kết là “một vị thánh có quan tâm hời hợt tới chính trị.” Trong sâu thẳm trái tim ngài, Gandhi là một nhà cải cách chính trị và tôn giáo, người đã chọn lựa và sử dụng lĩnh vực chính trị như là một vũ đài để làm nơi đưa các “trải nghiệm với chân lý” của ngài vào cuộc sống.
Trong bài khảo lược ngắn này, tác giả tổng hợp, dịch và giới thiệu ba triết lý nền tảng trong tư tưởng của Gandhi là Ahimsa, Satya và Satyagraha.
Bất bạo động và Ahimsa (tính bất hại)

“Tín điều của ta là bất bạo động trong mọi trường hợp. Phương pháp của ta là cải biến tâm tính con người chứ không dùng sự áp chế; là tự chịu khổ nạn chứ không phải gây khổ nạn cho kẻ nắm bạo quyền.” [3, 74] Tuyên cáo này của Gandhi kết tinh các nguyên tắc căn bản nhất của triết lý bất bạo động. Triết lý bất bạo động là một trong những di sản quan trọng nhất trong tư tưởng của Gandhi, và nó là nền tảng cho nhiều di sản tư tưởng khác của ngài, đặc biệt là Satyagraha (sức mạnh của chân lý). Tính kiên định của Gandhi đối với nguyên tắc bất bạo động trong lĩnh vực chính trị là biểu hiện về sự hiến thân của ngài cho một nguyên tắc tinh thần sâu sắc hơn thế và hướng đến việc cải đổi cuộc sống của từng con người. Theo Gandhi, bất bạo động là một hành vi “tẩy uế bản thân mình” [1, 174]. Khái niệm “bất bạo động” thực ra là một từ Sanskrit, ahimsa (tính bất hại). Ahimsa nghĩa đen là sự thương yêu hoặc sự thống nhất trọn vẹn của bất bạo động trong cả ý nghĩ và hành động. Gandhi nói rằng “không có gì mới về tính bất hại cả. Triết lý này cổ xưa như núi đồi.” [1, xxv] Điều này khá chính xác vì triết lý về tính bất hại là trung tâm của nhiều tôn giáo gốc Ấn Độ, thí dụ như đạo Giai-na, đạo Hindu và đạo Phật. Gandhi định nghĩa tinh tuý của tính bất hại là: “bất hại đích thực phải có nghĩa là sự tự do hoàn toàn khỏi tất cả các ý muốn tối tăm, sự giận dữ và bao gồm một tấm lòng yêu thương đích thực chảy mênh mang đối với mọi loài.” [1, 180]. Triết lý của Gandhi về “tính bất hại tích cực” (active ahimsa) [3, 96] bao gồm không chỉ việc xa lánh tất cả các hình thức bạo lực, mà còn dành tình yêu thương đến ngay cả kẻ thù của mình. Nó đòi hỏi “sự tự chịu khổ nạn một cách có chủ tâm” và vì thế “cần đến đức vô uý (không khiếp nhược) ” [3, 96]. Một tông đồ của thuyết bất hại “dùng tâm linh của mình đối chọi với nhục thể [của đối phương].” [3, 97] Cuối cùng, sự tự chịu đựng của một người đi theo thuyết bất hại là nhằm đánh thức và lay chuyển tâm tính của kẻ thù, người này sau đó sẽ bị chế ngự bởi lòng trắc ẩn và tình thương yêu.


Satya (Đạo/Chân Lý )

Gandhi đặt ngang hàng Satya (Đạo) với Đức Chúa Trời. Ngài nói rằng "Chân lý là Đức Chúa Trời của ta. Bất bạo động là phương tiện để đạt được ngài." [1, 174] Gandhi giới thiệu cuốn tự truyện của mình bằng “ta chỉ muốn kể lại câu chuyện về những trải nghiệm của đời mình với chân lý, vì cuộc sống này của ta không có gì khác hơn ngoài những trải nghiệm đó.” Với việc theo đuổi Chân lý như là “mục đích duy nhất”, [1, 14] Gandhi đã tiến hành các thí-nghiệm-suốt-đời này trong tiểu thế giới là cuộc đời ngài và đại thế giới là cả xã hội nói chung. Dựa trên những huấn dụ trong Chí tôn ca (Bhagavad Gita), Gandhi xác quyết rằng Chân lý chỉ có thể đạt được qua bất bạo động. Không thể ngộ ra Chân lý đích thực và nó chỉ được dùng như một thứ vũ khí thay vì một nguồn gốc của tri thức, trừ phí Chân lý được tách khỏi những động cơ ích kỷ. Cuộc kiếm tìm Chân lý của Gandhi đòi hỏi những thử thách liên tiếp về các động cơ cá nhân của ngài. Qua những cuộc thử thách như thế, ngài đã thể nghiệm một cách sâu sắc đức hi sinh cá nhân và quên mình. Gandhi nhận ra rằng Chân lý có thể được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. Ngài tin rằng một khi ngộ ra tính đa nghĩa của Chân lý, tất cả các động cơ ích kỷ sẽ biến mất. Chúng sẽ được thế chỗ bởi lòng trắc ẩn, sự dấn thân cho triết lý bất bạo động, và khả năng tự hi sinh cá nhân vô hạn. Gandhi cũng tin rằng trong khi mưu cầu Chân lý, phải thường xuyên từ bỏ những tà tín (conviction), cũng như thường phải từ bỏ các điều phi lý. Ngài nói: “Nếu nhãn quan của ta được minh định là lầm lạc, ta sẽ sẵn sàng từ bỏ chúng.” [3, 3]


Satyagraha (Sức mạnh chân lý)

Satyagraha có nghĩa đen là "bám vững vào Chân lý." [1, xxiv] Cũng có thể giải nghĩa từ này là “sức mạnh của lòng thương yêu, sức mạnh của tâm linh, và được biết đến nhiều hơn nhưng kém chính xác hơn, là phản kháng thụ động." [3, 45] Gandhi mô tả khởi nguyên của khái niệm này khi còn ở Nam Phi:

"Shri Maganlal Gandhi gợi ý … "Sadagrah" có nghĩa là "kiên định với lý tưởng chính đáng." Ta thích từ này nhưng nó không diễn đạt hoàn toàn chính xác những gì ta muốn nói đến. Vì thế, ta hiệu chỉnh lại thành "Satyagraha." Đạo hay Chân lý (Satya) hàm ý Tình yêu thương, và Sự kiên định (Agraha) sinh ra-và vì thế được dùng làm từ đồng nghĩa cho-sức mạnh… nói thế tức là, Sức mạnh được sinh ra bởi Chân lý và Tình yêu thương hoặc Bất bạo động." [1, 77]

Với Gandhi, Sức mạnh chân lý là “con đường duy nhất” để đạt được swaraj (tự trị). [3, xiv] Nó liên quan mật thiết đến tính bất hại (ahimsa) vì Sức mạnh chân lý bản chất là tính bất hại "trong hành động." [1, xxv] Sức mạnh chân lý dẫn đến bất bạo động, bất hợp tác [với cái ác] và tự hi sinh. Tấm lòng sẵn sàng hi sinh và chịu khổ nạn tràn đầy yêu thương của một tông đồ của Sức mạnh chân lý là nhằm khơi dậy giao cảm và đánh thức tính bất hại trong tâm (heart) và thức (mind) của đối phương. Gandhi giải thích rằng “tính tự chịu khổ nạn, được sinh ra bởi lòng can đảm, có thể làm tan chảy ngay cả trái tim của đá… đó là chìa khoá dẫn tới Sức mạnh chân lý.” [1, 79] Nói cách khác, “hành vi bất bạo động có nghĩa là việc chịu khổ nạn tự nguyện… chống đối phải được chuyển thành đồng cảm, vì trong sâu thẳm mỗi người, cho dù bị che giấu thế nào, vẫn ẩn chứa sự giác ngộ về tính thiện của con người.” [1, xxiv] Sức mạnh chân lý phải được thực hành không chỉ đơn thuần bằng tính bất hại và tự hi sinh; chúng phải luôn tuân thủ “đức thanh tịnh tuyệt đối, chấp nhận sự nghèo túng, đi theo Chân lý, và gieo trồng đức vô uý.” [3, 51]

Trong khi tính bất hại là động lực dẫn đường, bất hợp tác [với cái ác] là hành vi chủ yếu của phong trào Sức mạnh chân lý. Phần tinh tuý của “bám vững vào Chân lý là nhằm từ bỏ việc tiếp tay cho những điều phi lý. Nếu có đủ số người làm như vậy -nếu… thậm chí chỉ có một người làm như vậy với công phu đủ thâm sâu- cái ác sẽ phải sụp đổ vì không còn chỗ nương tựa.” [1, xxiv] Như Gandhi đã từng khẳng định, “Khi ta từ chối không thực hiện một việc làm trái với lương tri của mình, ta sử dụng sức mạnh của tâm.” [3, 48] Gandhi đưa ra ngụ ý chính trị của nguyên tắc này khi ngài nói rằng “Chính quyền sẽ không thể điều khiển chúng ta nếu chúng ta bất hợp tác.” [1, 75] Lúc ngài còn sinh thời, người ta thường lẫn lộn giữa Sức mạnh chân lý với phản kháng thụ động. Gandhi đã làm sáng tỏ sự khác biệt này:

"Có sự khác biệt rất lớn và căn bản giữa phản kháng thụ động và Sức mạnh chân lý… Nếu ta tiếp tục tin, và để người khác cũng tin, rằng ta yếu đuối và tuyệt vọng, và vì thế phản kháng một cách thụ động, sự phản kháng này sẽ không khi nào làm chúng ta mạnh lên được, và khi bất cứ cơ hội nào khác xuất hiện, ta sẽ chụp lấy nó và từ bỏ phản kháng thụ động vì nó là vũ khí của kẻ yếu. Mặt khác, nếu chúng ta là những người có sức mạnh của Chân lý, và vì thế, thực hiện Sức mạnh chân lý, tin tưởng rằng chúng ta có sức mạnh… [thì] chúng ta sẽ mạnh lên từng ngày… Phản kháng thụ động thường được nhìn nhận như là một sự chuẩn bị để sử dụng vũ lực, trong khi Sức mạnh chân lý không bao giờ được sử dụng theo cách ấy… Sức mạnh chân lý hàm ý việc chinh phục đối phương được thực hiện bởi sự tự chịu khổ nạn của bản thân." [1, 77]

Dầu thế, Gandhi vẫn thường dùng hai khái niệm này thay thế cho nhau: “Phản kháng thụ động, đó là sử dụng tâm lực, là [phương pháp] không có đối thủ.” [3, 49] Gandhi nhìn nhận Sức mạnh chân lý không chỉ là một sức mạnh hơn hẳn sức mạnh của súng đạn, mà ngài còn coi đó là sức mạnh dẫn dắt cả vũ trụ. Gandhi nói, “sức mạnh của tình yêu cũng giống như sức mạnh của tâm hồn hoặc chân lý… Vũ trụ sẽ chẳng còn nếu không có sức mạnh ấy.” [3, 46] Tương tự, ngài tuyên bố rằng “ví dụ rõ ràng nhất và không thể chối cãi được về sức mạnh này [của chân lý hoặc tình yêu] sẽ được tìm thấy trong sự thật là, mặc cho đã trải qua bao nhiêu cuộc chiến tranh trên thế giới này, sức mạnh ấy vẫn còn sống mãi.” [1, 79]

Vì Gandhi nhìn nhận Sức mạnh chân lý là sức mạnh dẫn dắt của tình yêu và chân lý trong vũ trụ, tầm nhìn của Gandhi khi lãnh đạo các phong trào Sức mạnh chân lý không chỉ hướng tới sự thay đổi chính trị, mà còn hướng tới sự thay đổi đạo đức và tâm hồn của từng cá nhân. Ngài khẳng định “sự kết thúc của phong trào Sức mạnh chân lý chỉ có ý nghĩa khi nó khiến những tông đồ của Sức mạnh chân lý trở nên mạnh mẽ hơn so với lúc ban đầu." [1, 83] Người soạn tiểu sử cho Gandhi đã nắm bắt được tinh tuý trong các phong trào Sức mạnh chân lý:

"Sức mạnh chân lý không nhằm ‘đoạt’ lấy một đối tượng nào, cũng không nhằm ‘nghiền nát’ một đối thủ nào, mà để kích hoạt các sức mạnh có thể dẫn tới sự cải biến tâm tính; bằng chiến lược này, hoàn toàn có thể thua ở tất cả các trận đánh nhưng vẫn là người chiến thắng trong cuộc chiến. Thực ra, chiến thắng hoặc thua cuộc không mô tả chính xác mục đích của phong trào Sức mạnh chân lý: một nền hoà bình đáng trân kính cho cả hai bên.” [4, 516]



Sách tham khảo

  • Gandhi, Mahatma. The Essential Gandhi. Ed. Louis Fischer. New York: Random House, 2002.
  • Nanda, B.R. Mahatma Gandhi: A Biography. Oxford: Oxford University Press, 1989.
  • Gandhi, Mahatma. An Autobiography: The story of my experiments with truth. Trans. Mahadev Desai. Boston: Beacon Press, 1993.

Nhóm Duy Tân Trẻ giữ bản quyền.