trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
24.5.2005
Khánh Hoà
Mở Miệng & Hip Hop
 
Việc xuất hiện của Mở Miệng tại hè phố và các khu ổ chuột Sài Gòn trong những năm đầu thế kỷ 21 với những nhà thơ rất trẻ [dưới 30 tuổi], không khỏi làm cho những người quan sát nghĩ ngay đến nhóm Rap đầu tiên Herculoids, trong phong trào Hip Hop tại khu phố Bronx tăm tối ở nước Mỹ.
Như lịch sử. Hip Hop xuất hiện ở South Bronx, một cụm văn hoá của New York với ma tuý, mại dâm và bạo lực, khoảng giữa thập niên 1970. Ban đầu, họ là những người có nguồn gốc Jamaica, rồi Mỹ-Phi, Mỹ-Portorican… đến đây trước đó. Họ gần như là một phần quên lãng của New York. Cho nên họ dùng sơn xịt tên mình lên tường, lên xe điện ngầm, xe bus… và phát triển thành một kiểu nguệch hoạ [Graffiti] để khẳng định sự có mặt của mình. Tiếp đến họ còn nhảy múa, đập phá… để đòi công ăn việc làm, quyền bình đẳng, quyền có thu nhập cao… Và để thêm phần mạnh mẽ và không nhàm chán, họ lấy lại nhạc Funk, nhạc Soul làm nền; lấy vũ điệu; lấy những đoạn Rap tuỳ tục [lặp đi lặp lại] của những người rao hàng dạo để so tài với nhau. Việc này xuất phát từ sự ganh đua giữa những ghetto mang bản sắc riêng trong từng khu phố; và việc so tài là để tránh phải dùng tới dao súng, dù đôi khi cũng xảy ra, nhưng ở diện nhẹ. Vì vậy, Hip Hop hiển nhiên bao gồm cả khiêu vũ [dance], nguệch hoạ [graffiti], chạy dĩa [DJ’ing], và rap [emc’ing]. Trong một bài viết của mình, nghệ sĩ rap KRS One còn cho rằng Hip Hop phải có thêm 5 yếu tố lớn, đó là: nghệ thuật sử dụng thân thể như nhạc cụ [Beatboxing], thời trang vỉa hè [Street Fashion], ngôn ngữ vỉa hè [Street Language], khôn lanh ngoài lề [Street Knowledge] và kinh doanh chợ trời [Street Entrepreneuralism].

Và từ những lý do trên, Herculoids xuất hiện, do sự nỗ lực của Kool Herc từ đầu thập niên 1970. Rapper này gốc Jamaican. Rời Kingston tới New York sinh sống trong khu phố Bronx. Vì lực lưỡng và giỏi các môn điền kinh, nên bạn đồng lứa gọi anh là Hercule, rút ngắn thành Herc. Sau khi đã Xịt [Graffiti] tên mình lên các bờ tường đường phố, anh chuyển sang Chạy dĩa [Dj’ing] và tổ chức các buổi nhót [Block Party], pha trộn các kiểu âm thanh và nói rap vào micro. Dần dà, từ một dàn máy chuyển sang hai dàn máy, Herc quá bận với việc trộn âm, nên không thể tiếp tục nói vào micro được nữa. Vậy là những bạn hữu như Coke La Rock xuất hiện, và nhóm Herculoids ra đời. Đây là nhóm Rap cũng như Hip Hop đầu tiên trên thế giới.


*


Và Mở Miệng được hình thành từ ý tưởng của Bùi Chát, lấy từ Thánh kinh: “Khởi thuỷ là lời”, vào cuối năm 2000. Mà khởi thuỷ của lời là gì, tất nhiên là Mở Miệng [Open-Mouth]. Nhóm này gồm có Lý Đợi, Khúc Duy, Nguyễn Quán đến Sài Gòn từ Quảng Nam-Đà Nẵng [miền Trung Việt Nam] và Bùi Chát đến từ Hố Nai [miền Đông Nam bộ], một nơi của dân di cư Công giáo đến từ miền Bắc Việt Nam, trong đợt phân chia đất nước năm 1954. Bốn nhân vật này chưa ai vượt qua tuổi 28, tính tới lúc này [2004]. Việc xuất hiện của họ có nhiều khác biệt so với những nhóm thơ hay phong trào thơ trước đó tại Việt Nam. Họ là những người duy nhất xuất hiện trong thơ, mà không để làm thơ. Cũng y như Herculoids xuất hiện trong âm nhạc, để là làm ra một kiểu “âm nhạc” mới là Hip Hop [anti-music] vậy.

Nếu Hip Hop tiếp tục dòng nhạc do người Mỹ-Phi sáng chế. Nó gợi nhớ nhạc Be Bop [dòng nhạc Jazz hiện đại xuất hiện sau thế chiến thứ hai, nhờ các đóng góp của Dizzie Gillespie và Charly Parker]. Thì Mở Miệng xuất hiện với tinh thần phản kháng lại những định chế, chuẩn mực của thơ đương thời. Xem thơ [và cả các hình thức nghệ thuật khác như Installation (Sắp đặt), Performance (Trình diễn), Body Art (Nghệ thuật Thân Thể), Conceptual Art (Nghệ thuật ý niệm)…] chỉ là một vật liệu để sử dụng lại trong công việc của họ. Và sự tiếp nối, có chăng, là ở tinh thần Tự do-Dân chủ của nhóm Sáng Tạo tại Sài Gòn trước 1975, với các tên tuổi như Thanh Tâm Tuyền, Tô Thuỳ Yên, Mai Thảo, Dương Nghiễm Mậu…

Nếu Hip Hop có liên hệ trực tiếp với khiêu vũ. Hai âm Hip và Hop gợi nhớ đến các vũ điệu của các “breakers” trong khu phố Bronx. Hip có nghĩa là đúng mốt. Nhưng nó có thêm nghĩa lóng là biết xoay xở. Hop là một từ gợi thanh của tiếng miết tay vào dĩa, diễn tả sự nhảy vọt, vươn tới. Hip Hop là thông minh, cấp tiến. Thì Mở Miệng có liên hệ trực tiếp tới thái độ-tinh thần tinh ranh đường phố-chợ trời, các quán café, quán nhậu vỉa hè… Hai chữ Mở Miệng liên tưởng tới một nhu cầu được phát ngôn cho chính mình và cho cả những người vỉa hè, thậm chí cho cả thế hệ mình. Nó tự nhiên là một khái niệm bao gồm cả đòi hỏi về Dân chủ, Tự do, Bình đẳng, Nhân quyền… Nó cũng đồng nghĩa với việc phản kháng lại hình ảnh bị bịt miệng [Close-Mouth], bị buộc phải im tiếng trong một thể chế mà việc nói luôn bị giám sát, kiểm duyệt; thậm chí có thể dẫn đến tù tội. Ngoài ra Mở Miệng còn là cách để diễn đạt vắn tắt hành động đưa thơ trở về với trạng thái nguyên thuỷ của nó. Mà trạng thái này theo họ là những ý niệm, ý nghĩ, những tiếng nói và hành động đầu tiên trước sự vật, tình huống hay tình trạng [giống Hiện tượng luận-Phenomenalism]. Cho nên, Mở Miệng cũng chính là Thái độ.

Nếu Hip Hop được dựng nên từ những yếu tố bên lề như Nguệch hoạ, Rap… Và sau đó mau chóng trở thành một phong trào lớn mạnh, một văn hoá Hip Hop [từ những năm 1985]. Thì Mở Miệng cũng đi ra từ những yếu tố bên lề, phi chính thống và mạch ngầm. Họ không xem hội nhà văn, nhà xuất bản chính quy, thẩm mỹ chung là quan trọng; là cái đích phải hướng đến. Họ đề cao tác phẩm photocopy chui, họ gắn liền tên tuổi của mình với các web, với văn hoá mạng. Họ lập ra nhà xuất bản chui lấy tên là Giấy Vụn để in những tác phẩm photocopy của mình. Và hơn nữa, họ đòi quyền xuất hiện và bình đẳng cho tác phẩm photo cũng giống như tác phẩm chính quy do nhà nước cấp giấy phép và in. Phải biết rằng, tại Việt Nam, một tác phẩm nào đó muốn xuất hiện chính quy thì phải thông qua hệ thống biên tập và cấp giấy phép rất nhiêu khê của nhà nước. Mở Miệng vượt qua điều này. Bắt đầu từ một vụ đọc thơ không xin phép tại một quán café, và họ bị công an bắt; bị quấy rối đến tận bây giờ. Vì thế, họ hiển nhiên là những người đầu tiên đứng ra cổ vũ và phát động phong trào photo ở Việt Nam, nhằm trả tác phẩm lại nguyên thể ban đầu, không bị tẩy xoá hoặc cắt xén khi biên tập. Việc này, dù bị phản ứng rất kịch liệt, nhưng cũng đã có rất nhiều nghệ sĩ [ở nhiều lứa tuổi, lĩnh vực] ủng hộ. Bởi dù sao, họ cũng không phải là những nghệ sĩ mặt trận [thù địch], nghệ sĩ politics.

Nếu Hip Hop có 5 yếu tố lớn như KRS One đã nói, thì Mở Miệng cũng có một vài đặc trưng rất cơ bản. Đầu tiên phải kế đến là tính chất lang thang, thích tụ tập, nhậu nhẹt, ngủ vỉa hè, công viên…; không làm một công việc nào thật cụ thể. Có thể nói họ là những người thất nghiệp chuyên nghiệp, và việc này ảnh hưởng trực tiếp lên tác phẩm của họ. Cách ứng xử của họ rất bất thường, tinh ranh và vỉa hè. Khi viết, và cũng như trong đời sống, họ không ngại giao tiếp với bạo lực hay tính dục. Không quan trọng tốt xấu, đúng sai, mới cũ… chỉ đi tìm và đề cao sự thật. Với họ, sự nguỵ tạo, tính đạo đức giả trong quản lý, ứng xử và cả nhận định, đã làm cho nghệ thuật và thơ Việt Nam bị trì độn, không thể thay đổi, làm khác hay phát triển. Và cũng chính sự nguỵ tạo làm cho cả guồng máy xã hội bị chậm tiến, băng hoại.

Nếu linh hồn của Hip Hop là các DJ [Disk Jockey], người Chạy dĩa. Thì linh hồn của Mở Miệng là các thủ pháp mà họ sử dụng, như Cắt dán [Cut and Paste], Pha trộn [To Mixing], Mô phỏng [Pastiche], Giễu nhại [Parody]… Và đây cũng là các thủ pháp rất phổ biến trong văn học hậu hiện đại [Postmodernism]. Đặc biệt họ dùng ngôn ngữ, chi tiết rất đời thường, thậm chí tầm thường. Thơ của họ bao gồm cả những câu nói cửa miệng, tiếng chửi thề… trực tiếp, không chiều sâu, không tu từ, ẩn dụ. Cũng như người ta gọi Rap, gọi Hip Hop là âm nhạc ngoài âm nhạc; thơ của Mở Miệng cũng là thơ ngoài thơ, thơ phản thơ [anti-poetry].

Tóm lại, ta có thể nói rằng, việc xuất hiện của Mở Miệng cũng như việc xuất hiện của Hip Hop trước đây xuất phát từ nhu cầu tự thân của họ. Nó làm cho không khí văn nghệ [nhất là thơ] trong nước và hải ngoại sinh động hẳn lên, không phải vì những cách tân trong nghệ thuật hay vấn đề nội dung, mà vì những quan niệm kiểu khác, khác với quan niệm truyền thống và đương đại tại Việt Nam. Nó giải trừ thói quen đề cao sứ mệnh văn nghệ phải tải đạo, tuyên truyền nhân nghĩa đạo đức; giải trừ tính nghiêm trọng [de-seriousness] trong quan niệm về Chân-Thiện-Mỹ, trong việc xem thơ là Nghệ thuật cao [High Art], là chuyện của bàn thờ. Xem tác phẩm là một sản phẩm bị hàng hoá hoá [Commodification]; và vì thế, nó đề cao Tính sử dụng của tác phẩm; đề cao Sự cưỡng chiếm [Appropriation] một bài thơ, một tác phẩm có sẵn. Dựa trên đó mà làm cảm xúc và cái đích của bài thơ-của tác phẩm bị quẹo sang hướng khác. Cố gắng tạo ra một bộ mặt thật hài hước, dí dỏm mà cũng thật nhếch nhác nham nhở… nhằm xoá bỏ bộ mặt diễn tuồng, kệch cỡm, nguỵ tạo và đạo đức giả của đa phần giới văn nghệ Việt Nam. Mang lại thái độ biết từ khước vị trí trung tâm, ghế trên… nơi quan trọng; và cũng không phải vì thế mà coi trọng ghế ngoài rìa, ngoại vi. Xoá mờ tư thế tác giả, để chuyển sang tư thế tác phẩm; mà quan trọng hơn là tư thế người đọc. Cho nên, nhóm Mở Miệng cũng có thể trở thành phong trào Mở Miệng tại Việt Nam.

Nguồn: Tạp chí Nhà, số tháng 1-2, năm 2005. Có thể tham khảo về tạp chí này tại: www.nhamagazine.com.