trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Kinh tế
  1 - 20 / 135 bài
  1 - 20 / 135 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiKinh tế
26.5.2005
Hà Thư Sinh
Việt Nam nghèo vì trời nóng quá?
 
Những ngày tháng Năm 2005 này trời Sài Gòn nóng kinh khủng. Nếu bạn bực mình cái nóng và đổ cho nó cái tội làm cho Việt Nam nghèo nàn và tụt hậu thì bạn là người cùng quan điểm với các tiến sĩ kinh tế học Harvard thuộc “trường phái khí hậu”. Khí hậu làm nên tất cả. [1]


Nóng và nghèo là định mệnh

Là một người Việt Nam đã từng trải qua những năm tháng ăn cơm độn khoai mì, mặc áo vá, đi những đôi dép nhựa phải hàn lại khi bị đứt… thời những năm 70, 80 chắc bạn cũng thường tự hỏi, tại sao Việt Nam nghèo thế?

Hẳn các kinh tế gia Harvard cũng đã ngẫm nghĩ suy tư khi xoay quả địa cầu trên tay: Tại sao xứ lạnh thì giàu còn xứ nóng thì nghèo? Họ đã làm một cuộc nghiên cứu xuyên suốt chiều dài lịch sử. Kết quả thật thú vị.

Điều gì đã xảy ra?

Xuất phát điểm của kinh tế các nước đều dựa trên nông nghiệp. Mà nông nghiệp và khí hậu có liên quan mật thiết như chân với tay vậy. Điều dễ dàng nhận thấy nhất có lẽ là những bệnh tật gây ra cho con người, gia súc và cây trồng ở vùng nhiệt đới. Không ở đâu trên trái đất này lại có nhiều sinh vật, sâu bọ, ký sinh trùng gây bệnh như ở các nước khí hậu nhiệt đới. Bệnh sốt rét, lao, nhiễm giun sán… đã lấy đi không biết bao nhiêu sinh mạng và làm kiệt quệ sức khỏe của người dân xứ nóng. Còn bao nhiêu sâu bọ làm thiệt hại mùa màng, làm gầy yếu và giết chết gia súc nữa. Trong khi đó những sinh vật gây bệnh ở vùng ôn đới ít hơn nhiều. Hơn nữa mùa đông lạnh lẽo có tuyết rơi kéo dài ở vùng này đã làm chết những mầm bệnh có hại cho mùa màng…

Khí hậu nóng cũng làm người ta mệt mỏi không thể làm việc nhiều và khỏe như ở vùng có khí hậu mát mẻ. Sức nóng gay gắt của mặt trời đã lấy đi bao nhiêu mồ hôi và sức lực của con người xứ nhiệt đới. Một người dân xứ ôn đới có thể làm việc nhiều hơn một người xứ nhiệt đới vì khí hậu mát mẻ đã làm tăng cường sức khoẻ và tinh thần của họ.

Lương thực dạng ngũ cốc khi trồng ở xứ ôn đới cũng cho năng suất cao hơn hẳn so với xứ nhiệt đới. Thu hoạch mùa màng ở xứ nóng kém hơn dẫn đến nền kinh tế không có một tích lũy ban đầu tốt để phát triển. Ngược lại ở các vùng khí hậu thuận lợi, thu hoạch mùa màng cao hơn. Thu nhập đầu người cao, thị trường lớn tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, các phát minh, sáng chế công nghệ mới, tạo ra sản phẩm và dịch vụ mới và tăng cao hơn nữa năng suất lao động.

Bên cạnh đó bờ biển cũng có vai trò của nó trong tiến trình phát triển. Tiếp nối truyền thống của Adam Smith, các nhà nghiên cứu cũng cho thấy những quốc gia có bờ biển sẽ có chi phí vận chuyển rẻ hơn những nước nằm sâu trong đất liền. Chi phí vận chuyển thấp thúc đẩy thương mại, đầu tư góp phần vào tiến trình phát triển.

Ngoài ra, khí hậu thuận lợi và thu nhập cao cũng khiến các chính phủ có xu hướng chọn một chính sách tốt cho phát triển kinh tế (như mở cửa thương mại, đánh thuế thấp chẳng hạn). Cứ thế thành một vòng xoáy trôn ốc phát triển khiến nước này thì giàu còn nước kia thì nghèo.

David Landes còn đi xa hơn các đồng nghiệp Harvard của mình nữa khi cho rằng khí hậu cũng là bà đỡ cho chế độ chính trị dân chủ hay độc tài. Một nước như Trung Quốc phải chịu cảnh lũ lụt hoặc hạn hán khiến người ta phải tìm cách kiểm soát lưu lượng nước. Việc xây dựng những công trình thủy lợi lớn (đắp những con đê lớn hoặc tạo kênh đào dẫn nước) đòi hỏi phải tập trung số lượng nhân lực đông đảo làm xuất hiện nhà nước tập trung quyền lực. Các nhà nước chuyên chế ra đời và nó có xu hướng vươn cái vòi bạch tuộc của nó sang tất cả các lĩnh vực khác của đời sống. Quyền sở hữu tài sản riêng, tính sáng tạo cá nhân không được khuyến khích phát triển trong những xã hội như vậy. Một lần nữa nó như một cái vòng kim cô kềm chặt, hủy hoại sức phát triển.

Trong khi đó, châu Âu với khí hậu ôn hòa vừa đủ lượng mưa cần thiết cho nông nghiệp, không cần tập trung nhân lực lớn cho những công trình thủy lợi. Hơn nữa, có nhiều lương thực, thu nhập tốt giúp người ta duy trì một cuộc sống độc lập. Tập quán tôn trọng quyền sở hữu tài sản cá nhân và quyền lực của nhà nước bị giới hạn lại sẽ sinh ra chế độ dân chủ. Chế độ dân chủ đến lượt nó lại giải phóng năng lực sáng tạo của người dân tạo một lực đẩy mạnh hơn nữa cho tiến trình phát triển.

Đằng sau “trường phái khí hậu” này là bóng dáng của định mệnh. Định mệnh sinh ra ta ở một nước trời nóng nực thì ta phải cam chịu như vậy sao? Xin bạn đừng vội bi quan.


Có thể tạo ra số phận

Câu trả lời nào dành cho những trường hợp cùng chung đặc điểm khí hậu địa lý: Đông và Tây Đức, Bắc và Nam Hàn, Czech và Áo, Estonia và Phần Lan? Và những gương mặt mới nổi lên như: Nhật Bản, Singapore, Hong Kong, Đài Loan?

May mắn thay còn có một cách nhìn khác. Con người có thể thay đổi định mệnh khí hậu, địa lý để tạo ra số phận cho mình. Đó là “trường phái luật lệ”, tiêu biểu là Daron Acemoglu - người vừa đoạt giải John Bates Clark năm 2005, một dạng Nobel kinh tế trẻ của Mỹ dành cho những nhà kinh tế học dưới 40 tuổi. [2]

“Trường phái luật lệ” cho rằng chính các luật lệ mà con người đặt ra tạo nên các điều kiện thuận lợi hay kìm hãm phát triển kinh tế, nó giải thích lý do tại sao nước này thì nghèo còn nước kia thì giàu. Acemoglu đã đoạt giải vì những nghiên cứu chứng minh cho luận điểm này của mình.

Acemoglu đã chú ý đến những nền văn minh thịnh vượng nhất vào năm 1500 như Mughals (gốc Mông cổ) ở Ấn Độ, Aztec và Inca ở Châu Mỹ, Ottoman và Trung Quốc ở châu Á… Thậm chí Ấn Độ, Indonesia, Brazil và Mexico cũng đã giàu hơn Mỹ, Canada, Úc và New Zealand vào khoảng thời gian 1700. Điều gì đã làm cho các xứ sở ngày xưa phồn vinh hơn đó đi chậm lại trong vài trăm năm tiếp theo khiến cho Mỹ, Canada, Úc và New Zealand vượt lên như ngày nay? Cái gì đã làm đảo ngược vị trí giàu nghèo của những nơi đó? [3]

Nhóm của Acemoglu nhận thấy rằng sự đảo ngược vị trí giàu nghèo đó là hiện tượng dựa vào quá trình công nghiệp hoá diễn ra vào khoảng cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19. Những yếu tố địa lý, khí hậu đã không phải là những yếu tố chính yếu thúc đẩy tiến trình đó. Chẳng hạn những nước có cảng biển tự nhiên, chi phí vận chuyển thấp như vùng Trung Mỹ, Ấn Độ hoặc Indonesia lẽ ra phải có nền kinh tế thương mại phát triển lại bỏ mất cơ hội công nghiệp hoá vào thời điểm bước ngoặc đó.

Một thể chế bảo vệ quyền sở hữu tài sản cho đông đảo các tầng lớp dân chúng sẽ khuyến khích đầu tư và phát triển kinh tế. Ngược lại một thể chế tập trung quyền lực vào tay một nhóm nhỏ - giới đặc quyền, còn đa số dân chúng có nguy cơ cao bị tước đoạt tài sản sẽ ngăn cản đầu tư và phát triển. Người ta sẽ không bỏ công sức và tiền của để đầu tư khi kết quả đạt được có nguy cơ bị chiếm đoạt.

Khi người châu Âu đi xâm chiếm các thuộc địa, họ có những hành xử khác nhau ở những thuộc địa khác nhau. Đối với những khu vực đã thịnh vượng và đông dân trước khi họ đến thì họ thiết lập hoặc duy trì những thể chế tước đoạt (extractive institutions), áp bức đông đảo dân chúng lao động trong đồn điền hoặc hoạt động khai thác mỏ để hưởng lợi. Còn những khu vực kém phát triển, dân cư thưa thớt như Bắc Mỹ, Úc và New Zealand họ lại thiết lập những thể chế bảo vệ quyền sở hữu tài sản cho đông đảo các tầng lớp dân chúng (institutions of private property), cho người dân được hưởng nhiều quyền công dân. Đó là thường là những nơi họ di dân sang định cư với số lượng lớn.

Bước ngoặc của sự phân bố giàu nghèo trên bản đồ thế giới hiện nay xảy ra vào thế kỷ 19: thời kỳ công nghiệp hóa. Trong những xứ sở áp dụng thể chế tước đoạt, khi cơ hội công nghiệp hóa đến, những người có ý tưởng và khả năng nhưng không phải là thành viên của giới đặc quyền sẽ không thực hiện việc đầu tư kinh doanh. Còn giới đặc quyền lại không có một động cơ mạnh mẽ và e ngại sự đổi mới, công nghiệp hóa sẽ làm cho người ngoài giới giàu lên, đe dọa quyền lực chính trị của họ.

Thực tế lịch sử cho thấy tiến trình công nghiệp hóa trong thời kỳ đầu đòi hỏi sự tham gia của đông đảo các tầng lớp dân chúng, nó đòi hỏi sự đầu tư của phần lớn các chủ thể không phải là người trong giới đặc quyền và sự xuất hiện của giới doanh nghiệp mới. Như vậy một thể chế tước đoạt sẽ không phù hợp và làm cản trở tiến trình công nghiệp hóa. Ngược lại một thể chế bảo vệ quyền sở hữu sẽ thúc đẩy nó. Tiến trình công nghiệp hóa với những bước đi và bước nhảy vọt của nó trong vòng 200 năm đã vẽ nên khuôn mặt giàu nghèo của thế giới ngày nay. Những vùng trước đây thịnh vượng nay đã trở nên nghèo khó và ngược lại không phải do khí hậu, địa lý mà do những luật lệ mà người ta áp dụng ở đó.

Những nghiên cứu của Acemoglu về kinh tế chính trị đã hoà chung vào nguồn mạch ủng hộ dân chủ với những triết gia như Karl Popper, kinh tế gia như Amartya Sen…, khẳng định dân chủ sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm nghèo đói chứ không phải ngược lại: khi có thu nhập cao người ta mới thảnh thơi mà nghĩ đến dân chủ.


Số phận Việt Nam

Sinh ra ở Việt Nam, là người Việt Nam. Đó là định mệnh. Bạn không thể thay đổi nó được. Nhưng chuyện người Việt có được sống một cuộc sống tự do, dân chủ và thoát khỏi nghèo hèn hay không, đó là số phận. Có một bàn tay của mỗi người góp phần vào số phận đó.

Thử nghĩ một ngày kia chỉ cần 1% dân số Việt Nam cùng nhau tập hợp lại mỗi sáng Chủ nhật trong các đô thị dọc chiều dài đất nước giống như những người dân Đông Đức đã làm mỗi chiều thứ Hai cách đây hơn 15 năm về trước… Tinh thần Gandhi đã làm được điều mà rất nhiều người cho là không tưởng. Đã có những cuộc cách mạng “Hoa Cẩm chướng”, “Hoa Hồng”, “Hoa Tulip”… trên những xứ sở toàn trị. Tại sao người Việt không thể có một cuộc cách mạng “Hoa Thủy tiên” ở Việt Nam?

Mọi chuyện sẽ khác. Các bạn của tôi sẽ không còn bảo tôi rằng: lo kiếm tiền thôi, chẳng thay đổi được gì đâu! Tập khí tuyệt vọng [4] như những đám mây đen vô hình vẫn còn giăng mắc khắp nơi trên bầu trời Việt Nam. Một thầy giáo già mới đây đã bảo tôi: Chúng ta đang ở thời mạt pháp!

Vâng, cái đểu giả, xấu xa, phi nhân, tàn ác dưới hình dạng những con chuột cống to tướng, lông xù hàng ngày hàng giờ đang đi lại ngoác miệng cười hềnh hệch vào mặt mọi người. Nhiều người đã thấy đấy là chuyện bình thường, đương nhiên không còn phải băn khoăn tự hỏi vì đâu nữa.

Tôi vẫn tin rằng sẽ có lúc các fan của Mỹ Tâm, Beckham… bên cạnh những ngày hừng hực trên khán đài sân vận động vẫn có những ngày cùng nhau bày tỏ thái độ trước đại sứ quán Trung Quốc, hăng hái xuống đường phản đối các chính sách của nhà nước toàn trị. Sẽ đến lúc lực lượng công an, quân đội thay vì đàn áp sẽ đứng yên nhìn họ. Phải đến lúc cái tử tế lên ngôi. Những lời lẽ ru ngủ về sự lãnh đạo của Đảng là lựa chọn duy nhất đúng đắn của người Việt Nam sẽ chẳng còn bịt mắt và làm mê muội các bạn được nữa [5] . Tôi như thấy ánh sáng Khai Sáng của Kant đang bừng lên trong mắt các bạn [6] . Ánh sáng của lòng kiêu hãnh làm người chứ không phải cái ánh sáng ảm đạm cam chịu, sợ sệt bạo cường toàn trị.

Còn bạn, người đang đọc những dòng này, bạn có chia sẻ niềm tin đó với tôi không? Biết đâu sẽ có lúc bạn và tôi chúng ta cùng đứng cạnh nhau trong một buổi sáng Chủ nhật nào đó giữa bao nhiêu là người trên những đường phố của Huế, Sài Gòn, Hà Nội… Người Việt sẽ tìm lại được cái không khí thân tình, lòng nhiệt huyết, hăng hái của những ngày đầu cùng nhau đánh đuổi thực dân Pháp giành tự do cho dân tộc. Rồi một nước Việt Nam dân chủ đa nguyên pháp trị sẽ ra đời…

Làm sao chúng ta có thể sống được trên đất nước này nếu thiếu niềm hy vọng?

Các văn nghệ sĩ, triết gia (như Kant, Karl Popper…) và các nhà kinh tế học (như Acemoglu, Amartya Sen…) đã đi trên những nẻo đường khác nhau nhưng rồi họ lại gặp nhau ở cùng một điểm: Hãy tôn trọng con người! Thể chế nào làm được như vậy là thể chế tốt nhất cho phát triển. Một chế độ chính trị hay một chính sách phát triển kinh tế nào nếu không xem đó là tiêu chí hàng đầu thì trước sau gì cũng sẽ chịu thất bại. Dù cho ngày sau thế giới có thay đổi ra sao đi nữa thì thông điệp đó sẽ còn lại. Nó vẫn sẽ là con đường cho nhân loại đi vào tương lai.

19.05.2005

© 2005 talawas



[1]Thực ra các nhà nghiên cứu dùng từ địa lý (geography), nhưng trong các luận điểm thì khí hậu đóng vai trò quyết định. Tương ứng với mỗi vị trí địa lý trên địa cầu thì sẽ có một loại khí hậu tương ứng. Bạn chỉ cần vào Google gõ: ‘Harvard climate geography economic development’ thì sẽ có nhiều bài nghiên cứu để đọc. Ý trong bài lấy từ các nguồn sau:
“Geography as destiny: a brief history of economic growth”: 6 trang, giới thiệu cuốn: The Wealth and Poverty of Nations: Why Some Are So Rich and Some So Poor. David S. Landes. New York: W. W. Norton, 1998, 544 pp. Ở Việt Nam năm 2001 đã có bản dịch của NXB Thống Kê với tên Sự giàu và nghèo của các dân tộc.
http://www.foreignaffairs.org/19980301fareviewessay1379/barry-eichengreen/geography-as-destiny-a-brief-history-of-economic-growth.html
“The geography of poverty and wealth”: 6 trang, tóm tắt 81 trang bên dưới.
http://www.cid.harvard.edu/cidinthenews/articles/Sciam_0301_article.html
“Geography and economic development”: 81 trang.
http://www.nber.org/papers/w6849.pdf
“Climate and development”: 19 trang.
http://www.agecon.purdue.edu/staff/masters/MastersAndSachs-ClimateAndDevelopment.pdf
[2]Bạn có thể vào: http://econ-www.mit.edu/faculty/index.htm?prof_id=acemoglu để xem các bài nghiên cứu của Acemoglu. Đến nay, 11/30 người đoạt giải John Bates Clark này sau đó đã đoạt giải Nobel Kinh tế học. Chẳng hạn, người đoạt Nobel 2001 là Joseph Stiglitz, cựu chuyên gia kinh tế trưởng của World Bank nhưng thật ngạc nhiên lại là người phản đối các chính sách mà WB và IMF tư vấn cho các nền kinh tế của thế giới thứ ba. Có người chưa đoạt giải Nobel nhưng là cây viết giản dị, sắc sảo về kinh tế trên báo New York Times như Paul Krugman (cũng là người đã đoán trước được cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, xem: http://www.nytimes.com/top/opinion/editorialsandoped/oped/columnists/paulkrugman/).
[3]Ý tưởng lấy từ các nguồn sau:
Reversal of Fortune: Geography and Institutions in the Making of the
Modern World Income Distribution, Daron Acemoglu, Simon Johnson,
James A. Robinson, 36 trang (bản trên mạng này thiếu các bảng số liệu): http://econ-www.mit.edu/faculty/download_pdf.php?id=613
The Colonial Origins of Comparative Development: An Empirical Investigation,
Daron Acemoglu, Simon Johnson, James A. Robinson, 55 trang: http://econ-www.mit.edu/faculty/download_pdf.php?id=144
Understanding Institutions, Daron Acemoglu and Robbins lectures, 141 PowerPoint slides: http://www.lse.ac.uk/collections/LSEPublicLecturesAndEvents/ppt/20040223DaronAcemogluRobbinsLectures.ppt
Income and Democracy, Daron Acemoglu, Simon Johnson, James A. Robinson and Pierre Yared, 63 trang: http://econ-www.mit.edu/faculty/download_pdf.php?id=1090
[4]Chữ Ngô Nhân Dụng dịch “Learned Helplessness” trong bài “Bi kịch lịch sử” trên talawas.
[5]Trên công viên đối diện Dinh Độc lập những ngày tháng 05/2005 này đang treo tấm bảng: “Đảng Cộng Sản Việt Nam - là niềm tin - là trí tuệ - dẫn dắt toàn dân tộc vững bước trong thế kỷ 21”!
[6]Xem “Khai sáng là gì?” của Kant, do Phạm Minh Ngọc dịch trên talawas. Đã có những dấu hiệu như vậy. Gần đây 12/5/2005, trên báo Người Lao Động đã đăng tin một bạn trẻ học lớp 11 khi đi thi học sinh giỏi gặp đề văn: “Hãy giới thiệu vẻ đẹp của tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc…” đã viết rằng bạn không thích tác phẩm đó… (http://www.nld.com.vn/tintuc/giao-duc/117954.asp).