trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 497 bài
  1 - 20 / 497 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
Loạt bài: Xã há»™i dân sá»±
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18 
27.5.2005
Janina Frentzel-Zagorska
Xã hội dân sự ở Ba Lan và Hungary
3 kỳ
Lâm Yến dịch
 1   2   3 
 
Ba Lan và Hungary là 2 quốc gia có quá trình thay đổi xã hội, chính trị và kinh tế đạt được tiến bộ nhiều nhất ở Đông Âu. Sự sụp đổ của hệ thống cộng sản tại hai nước này không diễn ra chỉ sau một đêm (như Czechoslovakia và Đông Đức) hoặc thông qua bạo lực cách mạng (như ở Romania). Sự thành hình nhà nước phi cộng sản đầu tiên ở Ba Lan - sau cuộc bầu cử nửa-tự do được tổ chức vào tháng Sáu năm 1989, và các cuộc bầu cử tự do ở Hungary, được tổ chức vào tháng Tư năm 1990, là kết quả của một quá trình chuyển đổi về xã hội, kinh tế và chính trị. Quá trình này bắt đầu ở Ba Lan với sự xuất hiện của công đoàn Đoàn Kết vào năm 1980 và khởi động ở Hungary vào những năm cuối thập kỷ 1980. Hai xã hội này hiện đang xây dựng các hệ thống xã hội-chính trị và kinh tế mới. Khó đoán trước được các hệ thống mới này sẽ định hình như thế nào. Câu hỏi về các tính năng mới của chúng thậm chí còn khó trả lời hơn.

Một trong những nhân tố quan trọng nhất trong quá trình chuyển đổi là vai trò của xã hội dân sự. Các mô hình phát triển xã hội dân sự khác nhau ở Ba Lan và Hungary là chủ đề của bài nghiên cứu này.

Trong bài này, chúng tôi sử dụng thuật ngữ “xã hội dân sự” theo nghĩa hiện đại, tức là khái niệm liên quan đến xã hội công nghiệp phát triển Tây phương. Đồng thời, chúng tôi cũng muốn định nghĩa khái niệm này sao cho nó sẽ có ích trong việc phân tích các quá trình xã hội diễn ra gần đây tại các nước xã hội chủ nghĩa.

Xã hội dân sự thường được định nghĩa đối lập với nhà nước. Tuy vậy, nó không được coi là [một bộ phận của] khu vực tư, trong tương quan đối lập với khu vực công do nhà nước tổ chức. Chúng tôi định nghĩa xã hội dân sự là một cấu trúc tự tổ chức của xã hội, nằm ngoài, mặc dù vẫn liên hệ với, khung thể chế của nhà nước. Chúng tôi cũng đồng ý với Scruton rằng điểm phân biệt thích đáng giữa xã hội dân sự với xã hội thuần túy là thành tố mang tính chính trị của nó, khó định nghĩa [1] . Nhiều nhà phân tích khi nghiên cứu các xã hội Đông Âu đã sử dụng định nghĩa của trường phái tân-Gramsci về xã hội dân sự và nội hàm của khái niệm này về cơ bản cũng được hiểu giống như vậy [2] .

Chức năng cơ bản của xã hội dân sự - theo cách hiểu của Markus - là nối kết các mục đích hoạt động của nhà nước với mục đích hoạt động của các tổ chức dân chúng độc lập, thông qua các cơ chế điều phối khác nhau. Chức năng này liên quan đến:

  1. Phát huy những cấu trúc chuẩn tắc mà qua đó bản sắc và lợi ích nhóm được xác định.
  2. Phát huy và thể hiện bản sắc tập thể bao quát của xã hội, bao gồm định nghĩa về các truyền thống, hệ giá trị và thông lệ của các hành vi xã hội.
  3. Kiểm soát các chính sách của nhà nước từ góc độ [đòi hỏi sự] nhất quán của các chính sách này với các hệ thống giá trị được xã hội định ra.
  4. Tự vệ của xã hội trong trường hợp sự nhất quán này bị vi phạm [3] .
Điều kiện để xã hội dân sự vận hành bình thường, về phía nhà nước, là bảo đảm tự do lập hội và tự do phát biểu ý kiến, cũng như một hệ thống luật pháp - có chức năng điều chỉnh các cơ chế điều phối và các phương pháp giải quyết xung đột - dựa trên những nguyên tắc có thể chấp nhận được dưới góc độ các giá trị và norms phổ biến. Về phía xã hội, cần phải có sự sẵn sàng tổ chức và hoạt động trong khuôn khổ của trật tự pháp lý hiện hữu, dựa trên sự nhận biết lợi ích các nhóm, tính đa dạng của nó, và lợi ích tối cao của xã hội nói chung. Sự cùng tồn tại và vận hành của xã hội dân sự và nhà nước đòi hỏi sự hiện hữu của một ‘không gian công” rộng lớn và tự do. Không gian công này bảo đảm tự do thông tin về các lợi ích, quan điểm, giá trị và phương pháp đối thoại khác nhau [4] .

Mặc dù không phải trong điều kiện lý tưởng, song tất cả các điều kiện trên đều được thỏa mãn ở các nền dân chủ đại nghị hiện đại. Việc thiếu vắng các xung đột giữa nhà nước và xã hội dân sự ở phương Tây là do cấu trúc luật pháp chính thức của nhà nước được định hình bởi các nguyên tắc được lập ra trong lòng xã hội dân sự. Vì thế, những xung đột nếu có thể xảy ra, sẽ được chuyển vào và giải quyết bởi kênh cấu trúc pháp lý đã được thể chế hóa. Hệ thống chính trị-pháp lý trong các nền dân chủ nghị viện hiện đại là kết quả của các chuyển đổi bên trong. Các chuyển đổi này đã đưa đến sự thành hình của một nền văn hóa chính trị thống nhất, được định nghĩa bởi ‘sự nhận thức khách quan về lịch sử và chính trị, các giá trị và niềm tin nền tảng, sự chú trọng đến việc hình thành bản sắc và lòng trung thành, kiến thức và kỳ vọng chính trị được đúc kết qua những kinh nghiệm lịch sử đặc thù của các dân tộc và các nhóm’. [5]

Trên cả phương diện lý thuyết lẫn trong hành động, hệ thống một-đảng kiểu Xô viết thủ tiêu mọi xã hội dân sự độc lập. Sự tồn tại của xã hội dân sự độc lập đi ngược lại ‘nguyên tắc tổ chức’ của hệ thống. Hệ thống xã hội-chính trị đó được áp đặt lên Đông Âu bởi quân đội Xô viết sau Thế Chiến II và từ đó trở đi được bảo đảm bởi sức mạnh từ bên ngoài. Ở Đông Âu, hệ thống này không phải là kết quả của quá trình chuyển đổi nội sinh, nhóm cộng sản tinh hoa lãnh đạo không được sản sinh tự nhiên từ các xã hội và nền văn hóa đó. Nếu có một nền văn hóa chính trị nào từng có ảnh hưởng đến hình thái của hệ thống này, thì đó là nền văn hóa chính trị khác biệt với nền văn hóa chính trị của Ba Lan, Hungary và Czechoslovakia (trong trường hợp các nền độc tài khủng bố, rất khó nhận ra sự ảnh hưởng này).

Kết quả là ở Ba Lan và Hungary, dưới sự cai trị của cộng sản, đã tồn tại một nền văn hóa chính trị lưỡng phân - sự khác biệt giữa văn hóa chính trị chính thống của lực lượng thống trị và của văn hóa chính trị phổ biến của đại chúng. Thậm chí quan trọng hơn là sự chia rẽ giữa cấu trúc pháp lý chính thức của hệ thống và văn hóa chính trị của toàn bộ xã hội nói chung, bao gồm cả nhóm cầm quyền tinh hoa. [6]

Xã hội dân ở Ba Lan và Hungary thời kì hậu chiến (cũng như ở các quốc gia khác trong khối) không vận hành được cho đến cuối thập kỷ 1970. Tuy nhiên, sự tồn tại tiềm năng của nó là rõ ràng, ít nhất là trong các quốc gia nơi mà xã hội dân sự đã từng hoạt động: ở Hungary, Czechoslovakia và Ba Lan. Sự tồn tại tiềm năng này có dạng: khuynh hướng tự-tổ chức khi có cơ hội, cộng với khuynh hướng bảo vệ và mở rộng ‘không gian công’. Nó trỗi dậy mạnh mẽ ở Hungary vào năm 1956 và ở Czechoslovakia vào năm 1968. Ở Ba Lan, nó xuất hiện theo chu kỳ năm lần (từ 1956, qua 1968, 1979 và 1976 tới việc thành lập Công đoàn Đoàn Kết năm 1980).

Trong khoảng giao thời giữa 1988 và 1989, sự đổ vỡ có thể nhận thấy của hệ thống kinh tế chỉ huy, sự khủng hoảng sâu sắc và toàn diện của hệ thống văn hóa-chính trị kiểu Xô viết và sự thay đổi quan hệ trong khối đã khiến mọi chuyện trở nên rõ ràng với giới lãnh đạo Ba Lan và Hungary rằng thành tựu (cho dù rất hạn chế) do đổi mới kinh tế mang lại sẽ đòi hỏi, với tư cách là điều kiện cần, đổi mới chính trị - bao gồm chủ yếu là việc chấp nhận sự vận động của xã hội dân sự. Ba Lan và Hungary tại thời điểm đó là hai quốc gia có cải cách chính trị tiến bộ nhất, nhưng tình trạng của xã hội dân sự tại mỗi nước lại rất khác nhau.

Ở Ba Lan, sự xuất hiện của một xã hội dân sự tự-tổ chức đã tồn tại từ trước (khủng hoảng tám năm) so với thời điểm có những nỗ lực điều chỉnh hoạt động chính thức của nó. Trái lại, ở Hungary, những điều kiện như vậy là sản phẩm của giới lãnh đạo cải cách trước khi có các hình thức tự tổ chức trong xã hội. Theo chúng tôi, đây là điểm tạo ra những khác biệt giữa hai cái gọi là mô hình cải cách kiểu Ba Lan và kiểu Hungary (mô hình kiểu Hungary thai nghén nhiều hậu quả hơn). Do vậy, chúng tôi sẽ phân tích các hậu quả của các chính sách nhà nước này, các ngụ ý của nó đối với chuyển đổi có hệ thống, cũng như ảnh hưởng cuối cùng của nó tới khả năng vận hành của hệ thống xã hội-chính trị sau chuyển đổi.


Điểm xuất phát: thích nghi qua phản kháng

Hiện tượng xã hội mà chúng tôi gọi là ‘thích nghi qua phản kháng’ là một cách để duy trì bản sắc tập thể của một quốc gia khi hệ thống toàn trị được áp đặt từ bên ngoài vào. Chúng tôi đã phân tích kỹ trong một bài báo khác. [7] Nói tóm gọn, các đặc điểm chính của nó bao gồm: bảo lưu, phát huy và tôn vinh các giá trị, thái độ, và quan điểm trái hoặc khác với những gì được áp đặt hoặc hành xử chính thức; khôn khéo bác bỏ hệ thống được áp đặt vào và/hoặc các mặt và các thể chế quan trọng đã được pháp chế hóa của nó; cùng lúc thích nghi với tình trạng cấp bách của cuộc sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa hiện hành (real socialism); ủng hộ các thể chế nhà nước có sẵn trên góc độ hành vi; đồng thời lợi dụng chúng và thay thế các mục tiêu của chúng bằng việc tìm cách đạt được các mục tiêu cá nhân thay vì các mục tiêu chính thức; gian lận hoặc tìm cách đánh lừa các nhà chức trách đã bị mất lòng tin trong công chúng. Thích nghi qua phản kháng là một quá trình tiềm thức hoặc bán-tiềm thức, và lằn ranh giữa các thành phần mang tính thích nghi và các thành phần mang tính phản kháng là rất mờ nhạt, cũng như vậy đối với lằn ranh giữa thích nghi qua phản kháng và thích nghi theo đúng nguyên nghĩa.

Sự tồn tại liên tục của thích nghi qua phản kháng trong giai đoạn sau chiến tranh ở Ba Lan được minh họa bằng các kết quả trong một nghiên cứu xã hội học thực hiện năm 1958. [8] Hệ giá trị được tôn vinh bí mật bao gồm lòng yêu nước, dân chủ-được hiểu là sự ảnh hưởng thực sự của mọi công dân tới phương pháp quản lý nhà nước, các cơ hội công bằng, tự do phát biểu ý kiến, công lý, sự chân thực trong đời sống công cộng, tôn trọng phẩm giá con người và sự thịnh vượng khiêm tốn nhằm bảo đảm một cuộc sống đủ tươm tất. Hệ giá trị như vậy đã được định hình trong lòng không gian tư và có ‘tính lặn’ (theo ngôn ngữ của Nowak) - tức là nó không ảnh hưởng quá nhiều đến hành vi thích nghi. Tuy nhiên, nó rất bền vững và đồng nhất trong cả xã hội, không khác nhau theo các đặc điểm xã hội hoặc dân số (gồm cả các nhóm tuổi). Vì vậy, nó hẳn phải là kết quả của quá trình xã hội hóa tư nhân. Nó trở nên đặc biệt mạnh vào các thời điểm khủng hoảng hoặc nổi dậy. Chủ nghĩa Marx, cả với tư cách là tín ngưỡng triết học và nền chính trị, đều không từng bám rễ ở Ba Lan. Điều này được minh họa rất rõ ràng qua tỷ lệ sinh viên Warsaw trả lời “tất nhiên rồi” cho câu hỏi: ‘Bạn có nghĩ mình là một người mác-xít?’ trong năm 1958, 78 và 83 là 2%, 3%, và 2%. [9]

Hiện tượng thứ hai liên quan đến sự thích nghi qua phản kháng, được phản ánh bởi các kết quả nghiên cứu, là sự rút lui khỏi hệ thống để trở về không gian tư-gia đình và các nhóm thân hữu - không chỉ về mặt hành động công khai mà còn về mặt giá trị và bản sắc. Công thức được biết đến rộng rãi của Nowak, rằng có một “khoảng chân không xã hội” giữa các nhóm xã hội cơ bản với dân tộc Ba Lan nói chung có thể được suy diễn theo hai cách [10] : Một mặt, nó là bằng chứng cho thấy sự thiếu vắng xã hội dân sự theo nghĩa tự cảm nhận về bản sắc và lợi ích nhóm, hệ quả của việc phủ nhận (nhiều khi vô thức) các hình thức tựa như-nhóm (quasi-groups) do nhà nước thành lập. Mặt khác, nó là bằng chứng về sự sống của xã hội dân sự dưới hình thức ‘dấu tích phôi thai’, dựa trên việc định hình bản sắc và đoàn kết trong các nhóm không chính thức, mà trong các giai đoạn nổi dậy sẽ trở thành cơ sở cho việc bày tỏ quan điểm công khai. Theo Bence & Kis, [11] sức mạnh và cường độ của các quan hệ không chính thức trong trí thức và công nhân đã ngăn chặn sự ‘đơn lẻ hóa’ [chính sách nhằm xóa bỏ lòng trung thành và sự tin tưởng lẫn nhau nhằm mục đích cô lập từng cá nhân theo nguyên tắc ‘chia để trị’ - ND] xã hội Ba Lan và trở thành cội nguồn của các phong trào xã hội dai dẳng và định kỳ.

Các nghiên cứu tương tự ở Hungary trong những năm của thập kỷ 1950, 1960 và 1970 không còn truy cập được, và có thể là chưa bao giờ tồn tại. Tuy nhiên, trên cơ sở quan sát và phân tích xã hội học phi-thực nghiệm, [12] chúng tôi cho rằng ‘thích nghi qua phản kháng’ cũng tồn tại trong xã hội Hungary. Tuy nhiên, sự phát triển chính trị, kinh tế và xã hội khác biệt ở nước này đã khiến thành phần phản kháng trở nên yếu dần và thành phần thích nghi trở mạnh dần lên, trong khi ở Ba Lan đã diễn ra quá trình ngược lại. Theo quan điểm của chúng tôi, đây là kết quả của một tập hợp các điều kiện bên ngoài (chủ yếu, nhưng không hoàn toàn, là do sự can thiệp của nước ngoài), của sự khác biệt về văn hóa chính trị, và của các mối quan hệ giữa nhà cầm quyền với xã hội tại mỗi nơi (các chiến lược và chiến thuật được cả hai bên sử dụng). Tất cả những yếu tố này ảnh hưởng lẫn nhau và không một yếu tố nào có thể được coi là có vai trò quyết định.


[1]Roger Scruton, A Dictionary of Political Thought (London: Pan Books The Macmillan Press, 1983) p. 66.
[2]See for example: Zbigniew A. Pelczynski, 'Solidarity and the Rebirth of civil Society', in J. Keane ed., Civil Society and the State (London: Verso, 1988).
[3]Maria Markus, 'Constitution and Functioning of a Civil Society in Poland' in: R. F. Millered., Poland in the Eighties: Social Revolution against 'Real Socialism' (Canberra: The Australian National University, 1984) pp. 106-107.
[4]Arno Arato, 'Civil Society against the State: Poland 1980-81', Telos, 1-2, 1981.
[5]Archie Brown & John Gray eds., Political Culture and Political Change in Communist States (London: The Macmillan Press, 1979) p. 27.
[6]Janina Frentzel-Zagorska, 'The Dominant Political Culture in Poland', Politics, 20, 1,1985, p. 82.
[7]Ibid., pp. 84-85.
[8]Stefan Nowak, 'Values and Attitudes of Polish People', Scientific American, 245, 1, 1981; Mira Marody, 'Antinomies of Collective Subconsciousness', Social Research, 55, 1-2, 1988; Wladyslaw Adamski et al, Polacy 80, (Warsaw, 1981).
[9]Frentzel-Zagorska, p. 97.
[10]Nowak.
[11]Cited by Arato.
[12]See for example Andras Hegedus, 'Democracia es Socialismus Keleten es Nyugaton', Magyar Futezek, 1, 1978; Arato; Elemer Hankiss, East European Alternatives: Are there Any? (Budapest, 1989).