trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 497 bài
  1 - 20 / 497 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
Loạt bài: Xã há»™i dân sá»±
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18 
28.5.2005
Janina Frentzel-Zagorska
Xã hội dân sự ở Ba Lan và Hungary
3 kỳ
Lâm Yến dịch
 1   2   3 
 
Con đường khác nhau hướng tới xã hội dân sự: Những nguyên nhân

Sự khác biệt quan trọng nhất giữa Ba Lan và Hungary khi nói về các điều kiện phát triển xã hội dân sự dưới sự lãnh đạo của cộng sản là tính chính đáng thực sự của hệ thống chính trị-xã hội áp đặt từ bên ngoài và nhóm cầm quyền tinh hoa đại diện cho hệ thống đó. Bằng khái niệm ‘tính chính đáng thực sự’, chúng tôi hiểu lời buộc tội từ phía một phần đáng kể của xã hội đó, rằng giới cầm quyền tinh hoa có quyền lãnh đạo theo một hướng nhất định - không cần biết do đâu mà quyền này được trao cho họ.

Khi hệ thống kiểu Xô viết được đưa vào Ba Lan và Hungary, ‘tính chính đáng thực sự’ này đều không hiện hữu ở cả hai quốc gia. Là kết quả của sự vận động lịch sử ở Hungary, chế độ Kadar đã tìm cách duy trì được sự ủng hộ khá rộng rãi và ổn định từ phía xã hội. Theo như cách nói của Heller, không phải tính chính đáng của hệ thống, mà là sự ủng hộ đối với giới cầm quyền tinh hoa - là những kẻ trị vì ít ghê tởm hơn những kẻ trị vì ở các quốc gia khác trong khối. [1]

Trong suốt 40 năm lịch sử sau chiến tranh của Ba Lan, hệ thống chưa bao giờ đạt được tính chính đáng thực sự và không một nhóm lãnh đạo nào gặt hái được sự ủng hộ bền vững từ công chúng (mặc dù có khá nhiều người ủng hộ Gomulka năm 1956, và ở mức thấp hơn đối với Gierek đầu những năm 1970). Sự chia rẽ giữa nhà nước và xã hội có những bước thăng trầm theo chu kỳ, nhưng ngày càng trở nên sâu sắc kể từ giữa những năm 1960. Đến cuối thập kỷ 1970, nó đã làm tính chính đáng của hệ thống đổ vỡ hoàn toàn, và thổi bùng sự thất vọng của xã hội đối với khả năng lãnh đạo của giới cầm quyền. Những khác biệt về sự ủng hộ chế độ ở Ba Lan và Hungary được miêu tả khá rõ nét trong một nghiên cứu xã hội học được thực hiện giữa thập kỷ 1980.

Trong năm 1985, 88% dân Hungary tuyên bố tin tưởng vào giới lãnh đạo quốc gia-57% hoàn toàn tin tưởng và 30,4% tin tưởng ở mức độ cao; 81% tuyên bố thỏa mãn với thể chế của nghị viện, 66% ủng hộ Đảng, 62% ủng hộ các công đoàn lao động và 49% ủng hộ các hội đồng địa phương. Cùng lúc, chỉ có 19-31% cho rằng hoạt động của các thể chế đó là minh bạch, 10-16% đánh giá cơ hội gây ảnh hưởng của họ đến các thể chế này là đáng kể. Khoảng 40% đánh giá thành tựu của đất nước là do ‘công lao của giới lãnh đạo’, và chỉ 20% chỉ trích cầm quyền vì các vấn đề của dân tộc. Các kết quả đó, kèm theo các kết quả khác của cuộc điều tra này, đã khiến Bruszt kết luận rằng đại bộ phận công dân Hungary có khuynh hướng đánh giá chính trị từ góc độ hiệu quả [của nhà cầm quyền] trong việc đại diện cho các lợi ích của công dân, thay vì từ góc độ tư cách công dân của họ. Chủ nghĩa gia trưởng của Kandar (‘không có chúng ta, nhưng vì chúng ta’ - theo ngôn ngữ của Bruszt) vui hưởng sự ủng hộ đáng kể từ công chúng - mặc dù cùng lúc đó, vẫn có những bất mãn đáng kể. [2]

Kết quả của nhiều nghiên cứu tiến hành ở Ba Lan giữa các năm 1981 và 1986 cho thấy một bức tranh rất khác. Tỷ lệ người ủng hộ sự lãnh đạo (dựa trên nhiều phương pháp đánh giá) dao động trong khoảng 25%, những cảm tình viên đặc biệt chiếm 12%, nhiều trong số họ làm việc trong bộ máy đảng-nhà nước, các công đoàn chính thức và lực lượng quân đội. Lực lượng đối lập cũng có khoảng 25% cảm tình viên đặc biệt (những người này đồng thời đối lập mạnh mẽ với nhà nước). 50% còn lại phủ nhận hệ thống một cách tượng trưng, nhưng cũng đồng thời thụ động ủng hộ các thể chế chính thức và tập trung vào việc bảo vệ mức sống của họ. [3] Vào năm 1986, khi trả lời trắc nghiệm, 53% đổ lỗi cho chính phủ vì ‘tình trạng tồi tệ’ ở Ba Lan (và tình trạng được cho là vô cùng tồi tệ), 13% đổ lỗi cho các bộ và chính quyền địa phương, 13% đổ lỗi cho hệ thống chính trị-xã hội, 8% đổ lỗi cho Đảng và 29% đổ lỗi cho xã hội. [4] Sự khác biệt trong thái độ của người Ba Lan và người Hungary đáng kinh ngạc đến nỗi không cần bình phẩm gì thêm.

Cuộc cải cách khá thành công của Kadar, đưa đến ‘chủ nghĩa cộng sản gulash’, đã phá vỡ quá trình ‘thích nghi qua phản kháng’ ở Hungary, làm mạnh yếu tố thích nghi và làm suy yếu yếu tố phản kháng. Thành công này đưa đến sự ủng hộ đáng kể cho sự lãnh đạo của đảng-nhà nước–như nghiên cứu nói đến ở trên đã chỉ ra – và kích thích sự ra đời của một số cơ chế xã hội có khả năng trung hòa sự thành hình của xã hội dân sự. Cơ hội kiếm được thu nhập cao hơn, phần lớn bằng cách làm ngoài giờ, đem lại ba hiện tượng: Năng lượng cá nhân được chuyển sang và tập trung vào kênh kiếm tiền bằng cách làm thêm. Cạnh tranh giữa các cá nhân để giành lấy cơ may làm việc sau giờ hành chính phụ thuộc vào nhân viên công lực và các quản trị viên nhà máy. Vì thế, người dân (đặc biệt là công nhân) phụ thuộc nhiều hơn vào các lãnh đạo nhà máy và bộ máy công quyền. Theo chúng tôi, đây là các yếu tố quan trọng ngăn cản hành vi tự tổ chức và gây ‘nguyên tử hóa’ xã hội Hungary một cách sâu sắc. Thêm nữa, mức sống cao hơn - đặc biệt dễ thấy khi so sánh với các quốc gia khác trong khối - tạo ra một tâm lý phổ biến rằng có cái gì đó để mất. Đến lượt nó, tâm lý này lại giúp tăng cường sự ủng hộ nguyên trạng (status quo).

Tình trạng ở Ba Lan diễn tiến theo chiều hướng khác, vì nhiều lý do. Một trong những lý do quan trọng nhất là sự thất bại của Gomulka và Gierek trong việc đổi mới kinh tế. Sự thất bại này đã đưa đến một giai đoạn đình trệ và sụt giảm mức sống, dẫn tới thảm họa kinh tế cuối thập kỷ 1970 - diễn ra sau một giai đoạn thịnh vượng ngắn và giả tạo do vay nước ngoài. Chính sách gia trưởng của Gierek không dẫn tới kết quả như chủ nghĩa gia trưởng của Kandar. Nó không đem tới sự ‘nguyên tử hóa’ xã hội một cách lâu dài, cũng không khiến công chúng tập trung lâu dài vào việc kiếm sống (mặc dù xu hướng này vẫn tồn tại cho đến tận năm 1980). Nó cũng không tạo ra các cơ chế tăng cường sự ủng hộ nguyên trạng. Ngược lại, đã xuất hiện các điều kiện thuận lợi cho việc tự tổ chức xã hội dân sự từ bên dưới-chống lại sự lãnh đạo yếu kém. Vỡ mộng về các nhóm lãnh đạo kế tiếp nhau làm cho tính bất chính đáng của hệ thống ngày càng sâu sắc, cái hệ thống ngày càng bị coi là không còn khả năng cải cách. Các cuộc bùng nổ thất vọng xã hội diễn ra liên tục và đem lại một số kết quả (như thay đổi lãnh đạo, hủy bỏ việc tăng giá năm 1980) đã khiến dân chúng tin rằng bùng nổ hoặc nổi dậy là phương pháp hiệu quả-ngược lại với Hungary, nơi một cuộc bùng nổ thất vọng duy nhất của công chúng bị đáp trả bằng khủng bố và xâm lược. Tự do tương đối của nhà cầm quyền Ba Lan làm cho người ta không quá sợ hãi và cho ra đời một truyền thống phản kháng giới lãnh đạo một cách công khai.

Thực tế về các cuộc phản kháng riêng rẽ của trí thức và sinh viên năm 1968 và của công nhân năm 1970 - mặc cho nhiều người nhìn nhận rằng việc hoạt động riêng rẽ của họ đã hạn chế tính hiệu quả- khá nghịch lý là có thể được nhìn nhận từ góc độ lịch sử như là một đặc điểm tích cực, vì nó thúc đẩy sự thành hình xã hội dân sự trong giới công nhân. Năm 1970, công nhân trở thành các diễn viên trên sân khấu chính trị và chứng tỏ sức mạnh của họ không chỉ cho giới lãnh đạo mà còn cho cả giới trí thức. Nếu không có cuộc biến động thuần túy do công nhân tổ chức vào năm 1970, thì xu hướng tự tổ chức của công nhân hẳn sẽ lu mờ dần và sự thành hình của nhóm chính trị tinh hoa trong công nhân đã không xảy ra. Hơn nữa, bài học lịch sử của cả giới công nhân và trí thức đã hợp lại và cho ra đời KOR (Ủy ban Bảo vệ Công nhân), và sau này là sự liên minh chặt chẽ giữa công nhân và trí thức trong giai đoạn đầu của công đoàn Đoàn Kết. Không có bài học này, Công đoàn Đoàn Kết có thể đã rất khác, thậm chí có thể không bao giờ xuất hiện cả.

Sự khác biệt quan trọng thứ hai giữa Ba Lan và Hungary là tính chính đáng của nhà cầm quyền, cả với tư cách là nguyên nhân và kết quả của cấu trúc nhóm tinh hoa cầm quyền và quan hệ của nhóm này với giới trí thức phản kháng. Tập đoàn cầm quyền ở Hungary, ít ra là bắt đầu từ thời kỳ Kadar, được coi là thông tuệ và hiệu quả hơn một cách tương đối. Nhóm những nhân vật cải cách của nó luôn là người đề xướng cải cách, mặc dù có những giai đoạn mà những cuộc cải cách này bị ngăn chặn bởi bộ phận bảo thủ trong đảng (như năm 1974). Đối lập trí thức chủ yếu được tuyển mộ từ các nhà cải cách trong đảng và những nhóm có quan hệ với đảng. Ít ra là đối lập trí thức chưa bao giờ ngưng quan hệ với nhóm những nhân vật cải cách, mặc dù những trường hợp ‘di tản do bị thuyết phục’ đã từng xảy ra. Trả lời phỏng vấn của Vajda (thành viên duy nhất không bao giờ di tản của Budapest School) trong cuộc trò chuyện với Gorlice năm 1984 có thể coi là bằng chứng cho luận đề này. Vajda thú nhận rằng các nhà cải cách trong đảng và trí thức đối lập có quan điểm hoàn toàn giống nhau về những cải cách kinh tế và chính trị. Khác biệt duy nhất là sự kiên quyết của trí thức đối lập trong việc công khai phát biểu về sự lệ thuộc của Hungary vào Xô viết, vì đây là một yếu tố quan trọng quyết định các điều kiện cho cải cách. [5] Cho đến tận năm 1989, tình hình này vẫn không thay đổi tới mức chia cắt trí thức đối lập khỏi bộ phận cải cách trong đảng.

Ở Ba Lan, có một nhóm trí thức tinh hoa thay thế, được tuyển mộ từ các trí thức ngoài đảng, hoặc những người rời bỏ đảng sau năm 1956, cuối thập kỷ 1960 và sau sự kiện thiết quân luật. Từ thời Công đoàn Đoàn Kết, nhóm tinh hoa thay thế này, ngoài sự ủng hộ trong đội ngũ trí thức, còn được hưởng sự ủng hộ của xã hội và sự thừa nhận quốc tế. Các cố vấn của Công đoàn Đoàn Kết và các trí thức đối lập khác được đối xử như là những đại diện chân thực của xã hội Ba Lan. Sự thành hình từng bước của đội ngũ trí thức tinh hoa thay thế được bắt đầu từ trước năm 1956 và trong không gian tư không chính thức ngay cả trong những năm tháng tối tăm nhất của chủ nghĩa Stalin. Nó đạt được động năng với sự ra đời của KOR năm 1976, xuất hiện trên bề mặt đời sống chính trị trong giai đoạn Công đoàn Đoàn Kết và trở thành đặc điểm vững bền sau sự kiện thiết quân luật. Truyền thống của đối lập trí thức có tổ chức bắt nguồn từ các KIK-Câu lạc bộ Trí thức Công giáo La Mã được thành lập giữa những năm 1950, và Câu lạc bộ Crooked Circle (KKK), nơi nhiều nhân sĩ đối lập hàng đầu khởi đầu quá trình hoạt động của họ (KKK, thành lập năm 1954, bị cấm năm 1962). Các ‘ốc đảo’ độc lập (cho dù đôi khi hạn chế) và dân chủ nội bộ trong các tổ chức nghề nghiệp và nghệ thuật tồn tại cho đến khi có thiết quân luật. Một số nhóm thậm chí không bao giờ bị cấm (ví dụ Hiệp hội Xã hội học Ba Lan-PTS).

Trái ngược với tình hình ở Hungary, giới trí thức trong đảng ở Ba Lan luôn yếu ớt một cách tương đối–họ dần dần đánh mất những nhân vật ưu tú nhất của mình cho phía đối lập. Giới cầm quyền kế tiếp nhau không khi nào được coi là thông tuệ hay hiệu quả. Tình trạng này bắt nguồn từ giai đoạn trước chiến tranh. Đảng Cộng sản Hungary trong lịch sử mạnh hơn nhiều so với Đảng Cộng sản Ba Lan và không bị nghiền nát bởi Stalin năm trong thập kỷ 1930. Nếu nó [đảng cộng sản] không được ưa chuộng bởi xã hội Hungary, thì nó cũng không gây ra nhiều sự khinh ghét bởi xã hội và dân tộc như người anh em của nó ở Ba Lan. Hơn thế, Chủ nghĩa Mác bám rễ sâu vào truyền thống trí thức Hungary, phần lớn nhờ vào Lukacs, người luôn được coi là triết gia xuất sắc nhất trong lịch sử hiện đại Hungary và là người mà trường phái của ông đã hấp dẫn nhiều trí thức nhất. [6] Vì điểm này, nhóm tinh hoa trong đảng cộng sản Hungary luôn thu hút được nhiều thành viên có đầu óc cởi mở, thông minh và có học. Điều này làm yếu đi cách nhìn tiêu cực về giới cầm quyền và đem đến tình trạng trí thức trong đảng và ngoài đảng có thể lập ra một môi trường thống nhất.

Ở Ba Lan, Chủ nghĩa Mác rất yếu và truyền thống của trí thức cũng đa dạng. Sự xuất hiện từng bước của nhóm trí thức tinh hoa thay thế và sự tồn tại các không gian nghề nghiệp (ví dụ đại bộ phận các nhà xã hội học) có đầu óc đối lập đã tạo ra một tình huống trong đó các cá nhân có đầu óc thông minh và sáng tạo có ngày càng nhiều cơ hội để tự thể hiện mình bên ngoài hệ thống (mặc dù có thể bên trong các thể chế của nhà nước). Điều này làm mạnh thêm cách nhìn tiêu cực về nhà nước và giới cầm quyền. Áp lực xã hội phải trở thành người có tinh thần đối lập ngày càng lớn dần.

Nhà thờ Công giáo La Mã đầy quyền lực đóng vai trò to lớn trong những quá trình này, bằng cách giúp đỡ cá nhân trong suốt giai đoạn sau chiến tranh, dần trở thành một đồng minh của lực lượng đối lập dân chủ (trong những năm 1970) và cung cấp sự ủng hộ về đạo đức, thể chế và thực tiễn sau khi có thiết quân luật. Nhà thờ Công giáo La Mã, đoàn kết hơn 90% dân số Ba Lan, là yếu tố khác biệt thứ ba giữa Ba Lan và Hungary. Nó luôn là cội nguồn của một nền văn hóa tinh thần thay thế, theo truyền thống luôn được đặt cùng với sự bảo tồn bản sắc dân tộc của Ba Lan. Đồng thời, nó cũng là tổ chức quyền lực duy nhất độc lập với nhà nước cộng sản trong toàn bộ khối cộng sản-vì lẽ ấy, nó chứng tỏ rằng hệ thống cộng sản không nhất thiết là vạn năng và có mặt ở khắp nơi. Việc Giáo hoàng người Ba Lan được bầu lên đã tạo ra một nốt thăng vĩ đại trong tinh thần và hi vọng của người Ba Lan trong hoạt động đối lập của nọ chống lại hệ thống chính trị-xã hội bị áp đặt.

Yếu tố khác biệt thứ tư giữa hai nước nằm ở các đặc điểm trong văn hóa chính trị của họ. Như Vajda đã khẳng định, tinh thần yêu nước của người Hungary khác xa của người Ba Lan. Gắn liền với nó là một phong cách sống đặc thù. Tuy nhiên, giấc mơ về một Hungary độc lập và giàu mạnh còn lâu mới là ưu tiên số một. Theo Vajda, người Hungary có tinh thần tư sản, nhưng không có tinh thần công dân. Họ tập trung năng lượng vào việc phục vụ cuộc sống cá nhân của mình và không tỏ ra có chút quan tâm nào đến việc tổ chức ở mức độ xã hội. [7] Ngay cả khi điều này là sự khái quát hóa quá đáng, thì có vẻ như là kinh nghiệm của người Hungary trong nền quân chủ Áo-Hung, ở một mức độ nào đó, đã định hình thái độ của quần chúng bằng cách khuyếch trương khuynh hướng thỏa hiệp với lực lượng áp chế để tìm kiếm những điều kiện tốt nhất có thể được.

Ở Ba Lan, có một truyền thống mạnh mẽ chống lại sự thống trị từ bên ngoài. Nó được định hình trong giai đoạn chia cắt và được củng cố trong giai đoạn chiếm đóng của Đức. So với truyền thống của Hungary hoặc truyền thống dân chủ đầy đủ của Czechoslovakia, truyền thống này của Ba Lan có tác dụng mạnh hơn nhiều trong việc tự tổ chức để chống lại hệ thống áp đặt. Truyền thống đấu tranh cho tự do và [hoạt động] bí mật của Ba Lan đem lại những mẫu hình định sẵn cho hoạt động chống chính phủ, đồng thời đem lại cảm nhận về tính đúng đắn đạo đức cho những người tham gia đấu tranh; nó cũng bảo đảm một mức độ ủng hộ tối thiểu từ công chúng, ít ra là dưới góc độ cá nhân.


‘Xã hội thứ hai’ và xã hội dân sự

‘Xã hội thứ hai’-mà khả năng tồn tại của nó ở Hungary được phân tích bởi Hankiss-có thể được coi là giai đoạn sơ khai của xã hội dân sự trong hệ thống [mà toàn bộ hệ thống đó cùng thuộc] một tổ chức theo mô hình Xô viết, và được phân tích dưới nhiều khái niệm lý thuyết khác nhau. Hankiss viết về ‘xã hội thứ hai’ dưới góc độ các xung đột giữa hệ thống đang thống trị với các yếu tố ngoại lai. Ông định nghĩa ‘xã hội thứ hai’ là một tập hợp các ‘tổ chức ngoại sinh’ vận hành theo nguyên tắc tổ chức Habermas, đối lập với ‘xã hội thứ nhất’ và bị định hướng bởi một paradigm kinh tế-xã hội khác. Bằng khái niệm ‘xã hội thứ nhất’, ông nói đến ‘tất cả những gì là thể hiện của mô hình đã được phê chuẩn của ý thức hệ’. [8] Như thế, theo ông, ‘xã hội thứ nhất’ là hệ thống “xã hội chủ nghĩa thực sự” ở hình thái tinh khiết nhất của nó mà không có các yếu tố (thí dụ như tha hóa) làm nhiễu cách thức vận động của nó’. Các lĩnh vực trong đó ‘xã hội thứ hai’ có thể vận hành bao gồm:

  1. nền kinh tế thứ hai, được định nghĩa là kinh tế tư nhân, gồm cả hợp pháp và chợ đen;
  2. công chúng thứ hai, nảy sinh do kết quả của việc phá vỡ sự độc quyền tuyên truyền và thông tin của nhà nước và sự thành hình mạng lưới xuất bản thay thế;
  3. nền văn hóa thứ hai, theo đó ông gồm cả phản-văn hóa (ví dụ hippiespunks) cũng như các yếu tố thuộc về tôn giáo;
  4. ý thức xã hội thứ hai, được hiểu là các hệ thống giá trị của nhóm và cá nhân được bảo lưu và đang xuất hiện;
  5. không gian tương tác xã hội thứ hai, gồm các sáng kiến công dân, hoạt động đối lập và một mạng lưới các quan hệ không chính thức trong các nhóm nghề nghiệp, tôn giáo hoặc các nhóm khác.

Khi nói về các lĩnh vực vận hành của ‘xã hội thứ hai’, ông cũng thảo luận về các vấn đề như điều phối lợi ích, việc lưu hành [các ấn phẩm] chính trị phi chính thức, qua đó, ông nhận thức được quá trình đa dạng hóa các quan điểm chính trị, sự hình thành các nhóm gây áp lực (pressure groups), vận động hành lang và tình trạng bè phái cả trong và ngoài giới cầm quyền.
Phân tích của Hankiss đưa ông đến kết luận rằng ở Hungary (ít ra là trước năm 1987, khi công trình này được thực hiện) không tồn tại ‘xã hội thứ hai’. Mặc dù trong tất cả các lĩnh vực được phân tích, các quá trình khác biệt với những gì nêu trong paradigm của ‘xã hội thứ nhất’ đang được thành hình, các quá trình này đã không kết hợp lại để định hình một paradigm thay thế có cấu trúc chặt chẽ. Mặt khác, sự phân tán của các nguyên tắc tổ chức mới này không thuần túy ngẫu nhiên. Chiều tồn tại xã hội mà ông đặt tên ‘xã hội thứ hai’ được Hankiss cho là ‘vành đai trắng (no man’s land) và mức độ zero về sự tồn tại xã hội, vì ‘các đặc điểm chính của nó là nó văng ra ngoài bán kính hoạt động của xã hội thứ nhất’. [9]

Hankiss kết luận rằng sự xuất hiện một paradigm thay thế hay một mô hình xã hội ở Hungary và các nước Đông Âu khác đã bị ngăn chặn một cách hữu hiệu bởi các chiến lược có hệ thống của họ (mà ông đã phân tích), nhưng không toàn diện và không vĩnh cửu. Trong phần kết của bài nghiên cứu, ông viết:

Có những học giả tin rằng cái mà tôi gọi trong bài viết này bằng cái tên ‘xã hội thứ hai’ là một xã hội thay thế đang nổi lên và rằng cái xã hội dân sự độc lập đang nổi lên này sẽ dần mở rộng miền tồn tại chân chính và tự trị của con người trong hệ thống chính trị hiện hữu; nó có thể xuyên thấu và dần chuyển đổi hệ thống chính trị đang hiện hữu; hoặc nó có thể lớn mạnh để trở thành một đối tác kinh tế-xã hội tự trị, và có thể là một thách thức đối với hệ thống. Có những học giả khác… tin rằng sự chuyển đổi hệ thống thể chế của xã hội thứ nhất là bước đầu, và bước căn bản mà nếu không có nó thì chẳng có hi vọng gì vào việc sản sinh hoặc tái sản sinh một xã hội dân sự độc lập. Có những học giả nghĩ về một chiến lược trong đó kết hợp việc tái xây dựng xã hội dân sự với sự chuyển đổi thế chế-pháp lý của xã hội thứ nhất. [10]

Ông không quyết định ngả về phía nào trong số những ý kiến đó.

Theo chúng tôi, xã hội dân sự độc lập và tự trị-cái trở thành thách thức với hệ thống-đã xuất hiện ở Ba Lan năm 1980. Nó không chỉ ảnh hưởng quyết định đến sự chuyển đổi hệ thống thể chế ở Ba Lan, mà còn gián tiếp đóng góp to lớn vào việc hình thành các điều kiện bên ngoài giúp cho quá trình chuyển đổi đó thành hiện thực-không chỉ ở Ba Lan mà còn ở Hungary và các quốc gia khác trong khối Xô viết. Việc hiện thực hóa khả năng cả xã hội có thể độc lập tổ chức chống lại nhà nước-đảng chắc hẳn đã ảnh hưởng to lớn đến các quan điểm của nhóm cải cách của Gorbachev và khiến cho nhu cầu phải cải cách chính trị trở nên thuyết phục hơn nhiều với giới lãnh đạo Xô viết.


Công đoàn Đoàn Kết – xã hội dân sự

Bất chấp các giới hạn của nó, sự xuất hiện của Công đoàn Đoàn Kết ngay lập tức đã được nhiều nhà phân tích coi là hình thức tự tổ chức của xã hội dân sự chống lại nhà nước cộng sản. [11] Chính chúng tôi từng gọi nó là ‘một tổ chức tự phát của xã hội dân sự đang trong giai đoạn xuất hiện, chống lại giới lãnh đạo đã bị mất lòng tin [trong quần chúng] và bị coi là [cầm quyền] không chính đáng.’ [12] Nhiều người chia sẻ quan điểm này, trong đó bao gồm cả Michnik, Kuron, Lipski, Mazowiecki, Wielowieyski và nhiều người khác. [13] Cho dù không phải ai trong số họ cũng dùng thuật ngữ này, các thành viên của KOR, ROPCiO, Experience the Future, PPN và nhiều tổ chức khác đã tìm cách xây dựng xã hội dân sự ‘từ bên dưới’ trong suốt những năm 1970. Theo góc độ này, khẩu hiệu nổi tiếng của Kuron, ‘đừng đốt cháy các ủy ban của đảng–hãy xây dựng các ủy ban của chính các bạn’, [14] có thể được coi là kinh điển. Sau sự ra đời của Công đoàn Đoàn Kết, trí thức đối lập coi nó như là một xã hội dân sự đang xuất hiện và tư vấn cách tổ chức hiệu quả cho nó. Dự án ‘Cộng hòa Tự trị’ nằm trong chương trình của Công đoàn Đoàn Kết là một gợi ý mô hình cho xã hội dân sự tự tổ chức, và được coi là mô hình duy nhất khả thi cho phong trào xã hội đã xuất hiện này, mặc dù về mặt chiến thuật nó bị coi là thiếu thực tế trong các tình huống kế tiếp.

Tuy nhiên, cũng cần phải nhấn mạnh rằng việc tổ chức ra Công đoàn Đoàn Kết đánh dấu việc xuất hiện trên bề mặt một quá trình [ngầm] đã liên tục phát triển từ lâu. Trong những ngày tháng sôi động của các cuộc biểu tình tháng Tám 1980, xã hội Ba Lan sẵn sàng tự tổ chức và lấp đầy ‘chân không xã hội’ hơn bất cứ người nào đánh giá-những người cầm quyền, giới đối lập, Nhà thờ, bản thân các công nhân đi biểu tình, và tất cả những người Ba Lan còn lại. Các thành tố của ‘xã hội thứ hai’ phát triển chủ yếu ở Ba Lan trên khía cạnh công chúng thứ hai, nền văn hóa thứ hai, ý thức xã hội thứ hai và không gian tương tác xã hội thứ hai -tức là mọi mặt ngoại trừ nền kinh tế thứ hai- đã đủ độ chín để tìm cách phá bỏ cái cọc-xê giới hạn chính thức áp đặt lên sự tồn tại của họ.

Xã hội dân sự khởi nguồn từ giai đoạn Công đoàn Đoàn Kết có đủ các đặc tính của một xã hội dân sự theo nguyên nghĩa. Ngoài ra, nó cũng có các tính chất đặc thù và độc đáo. Những tính chất này bắt nguồn từ thực tế là nó là xã hội dân sự đầu tiên xuất hiện trong hệ thống một đảng kiểu Xô viết và nó xuất hiện trong một quá trình cách mạng - cho dù là cách mạng bất bạo động và tự giới hạn. Các đặc điểm của xã hội dân sự theo nguyên nghĩa bao gồm: việc độc lập tự tổ chức và bao gồm tất cả các thành phần xã hội (không hạn chế trong giới trí thức); sự phát huy và thể hiện rõ bản sắc tập thể (dân tộc và tôn giáo) và hệ giá trị phổ biến; nỗ lực bảo đảm về mặt luật pháp cho sự tồn tại và vận động cả xã hội dân sự, bao gồm cả các nền tảng pháp lý và thể chế cho các cơ chế điều đình- cái sẽ cho phép xã hội dân sự kiểm soát hành vi của nhà nước; kĩ năng tự vệ của xã hội dân sự; và việc xây dựng một ‘không gian công’. Chức năng cuối cùng này cần làm rõ hơn. Phá bỏ độc quyền thông tin và biểu diễn văn hóa của nhà nước khiến cho việc truyền tin chân chính trong xã hội trở nên khả thi. Điều đó, đến lượt nó, cho phép Công đoàn Đoàn Kết thực hiện được một chức năng nhận thức quan trọng của xã hội dân sự. Công đoàn Đoàn Kết trở thành mạch nguồn của thông tin, của các định nghĩa về khái niệm và hình ảnh về sự thật sản sinh bởi xã hội- một mạch nguồn phục vụ cho bản thân Công đoàn Đoàn Kết, cho xã hội nói chung và cho giới chính quyền. Quá trình phát huy hệ thống ngôn ngữ mới bắt đầu. Hệ thống ngôn ngữ mới này có thể cung cấp công cụ miêu tả hiện thực bằng ngôn ngữ khác với những gì bị áp đặt bởi hệ thống khái niệm của ngôn ngữ chính thức. Nó cũng giúp thúc đẩy sự kết tinh các ý tưởng và xây dựng lại hình ảnh về hiện thực.

Nói chung, sự thành công của Công đoàn Đoàn Kết trong việc kiến tạo một ‘không gian công’ là rất to lớn. Trong năm 1980-1981, không gian công, theo một nghĩa nào nó, bị chia rẽ thành không gian chính thức và không gian đối lập. Tuy nhiên, bộ phận thứ hai này hoàn toàn tự do và bộ phận đầu tiên ngay lập tức phải tiến hành hàng loạt các thay đổi sâu sắc khi độc quyền của nó bị phá bỏ. Sự ảnh hưởng lẫn nhau của hai không gian này hóa ra không thể đảo ngược. Nó không bị đứt quãng bởi thiết quân luật, và nó đóng vai trò quy định trong sự phát triển tiếp theo của xã hội dân sự và trong các chuyển đổi chính trị ở Ba Lan trong tám năm tiếp sau đó.

Về phía các tính chất độc đáo, cái quan trọng nhất là khuynh hướng tự nhiên của xã hội dân sự đang nổi lên là tập trung xung quanh một ‘tổ chức-duy nhất’ đầy sức mạnh. Nhiều nhà phân tích cho rằng nó dập khuôn theo tổ chức của nhà nước-đảng. Theo chúng tôi, có hai yếu tố khác còn quan trọng hơn, đó là logic đối kháng với bộ máy được tổ chức [theo nguyên tắc] tập trung, và sự nhận thức tự giác (hoặc bằng trực giác) rằng mâu thuẫn căn bản của hệ thống là các lợi ích trái ngược nhau của giới cầm quyền tinh hoa và xã hội nói chung.

Đoàn kết chống lại hệ thống và giới cầm quyền tinh hoa phân biệt xã hội dân sự của Ba Lan trong giai đoạn Công đoàn Đoàn Kết với các xã hội dân sự khác, không chỉ với các xã hội dân sự thành hình trong các nền dân chủ Tây phương thông qua việc tổ chức các nhóm xã hội có lợi ích khác nhau, mà còn từ các xã hội dân sự sẽ xuất hiện tại các nước Đông Âu khác -gồm cả Hungary. Đặc điểm đặc thù này của xã hội dân sự Ba Lan trở thành nguồn gốc của cả sức mạnh và điểm yếu.

Công đoàn Đoàn Kết, với tư cách là một tổ chức đoàn kết đầy quyền lực, đã chứng tỏ được sức mạnh của nó ở khả năng gây áp lực với nhà cầm quyền và buộc họ thừa nhận sự tồn tại của nó. Nó cũng gặt hái được sự ủng hộ của công chúng phương Tây và nó có khả năng xây dựng các cấu trúc pháp lý chính thức, cũng như tạo dựng một truyền thống đầy sức mạnh về đoàn kết dân chúng. Khối đoàn kết này có thể rút vào bí mật trong giai đoạn thiết quân luật với tư cách là một tổ chức chính đáng (tính chính đáng này bắt nguồn từ bầu cử tự do) nhưng bị ngược đãi.

Các điểm yếu khá nhiều, và tất cả đều là điển hình cho những điểm yếu của một tổ chức có quá nhiều khác biệt nội sinh, nơi sự đoàn kết một phần mang tính khiên cưỡng phải vận động theo logic đối kháng với một kẻ thù quá hùng mạnh. Chúng tôi sẽ điểm ra ở đây các điểm yếu liên quan đến quá trình phân hóa các quan điểm và lợi ích.

Bằng việc mở ra ‘không gian công’ và đem đến hi vọng rằng các nhóm xã hội có thể có ảnh hưởng đến số mệnh của mình, Công đoàn Đoàn Kết tạo ra một quá trình kết tinh tính đa nguyên trong quan điểm và lợi ích. Tuy nhiên, thực tế là nó có hình thức một tổ chức hùng mạnh, hưởng sự ủng hộ mạnh mẽ từ công chúng, đã ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình này. Sự bày tỏ thích đáng các lợi ích thật của các nhóm xã hội khác nhau bắt nguồn từ giai đoạn trước Công đoàn Đoàn Kết. Mạng lưới chia rẽ xã hội thành các nhóm có lợi ích giả (dưới hình thức các tổ chức do nhà nước tài trợ và không đại diện cho các thành viên) đã bị áp đặt từ trên xuống và vận hành trong suốt gần 40 năm. Việc không tồn tại các giao tiếp xã hội thực sự, cùng với sự thiếu vắng cơ hội hình thành các tổ chức phục vụ những lợi ích chân thực, đã ngăn cản sự kết tinh của các lợi ích nhóm chân thực. Quá trình phân hóa các quan điểm và lợi ích bắt đầu xuất hiện vào phần cuối của giai đoạn tồn tại hợp pháp thứ nhất của Công đoàn Đoàn Kết trong không gian công. Tuy nhiên, nó bị giới hạn và lu mờ đi vì nhu cầu bảo toàn tính thống nhất nhằm đối phó với kẻ thù chính thức.

Nền tảng cho tính đa nguyên thực sự được tạo ra từ sự tồn tại của Công đoàn Đoàn Kết - tức là khả năng hiện thực hóa các lợi ích cá nhân và tìm kiếm công ăn việc làm ngoài các thể chế chính thức - cũng có tính bệnh hoạn của nó. Một mặt, trong Công đoàn Đoàn Kết, người ta có thể tìm thấy cơ hội tự thể hiện mình, sự ghi nhận của xã hội, ảnh hưởng, quyền lực và thậm chí sự ủng hộ về tài chính mà không cần trở thành khách hàng của bộ máy chính quyền. Mặt khác, không có một tổ chức phi chính thức nào ngang tầm và có thể cung cấp những cơ hội như thế. Do vậy, sự khác biệt về quan điểm và các tranh luận [về quan điểm] có thể phải bị gạt sang một bên để tập trung vào đấu tranh cho quyền lực và sự ủng hộ trong công đoàn. Nói cách khác, việc thiếu vắng các tổ chức đối lập khác ngang tầm Công đoàn Đoàn Kết đã khuyến khích các cuộc đấu tranh bè cánh, nhưng không khuyến khích sự hợp tác giữa các nhóm có lợi ích và quan điểm khác nhau, và không khuyến khích đúng mức việc phát huy các cơ chế giải quyết xung đột trong một xã hội dân sự đang thành hình.

Xã hội dân sự Ba Lan trong giai đoạn Công đoàn Đoàn Kết hoạt động trong một tình trạng bệnh hoạn khác thường. Đặc quyền cần thiết cho hoạt động của nó được ban phát dưới áp lực và không hoàn toàn tự nguyện, không được bảo đảm và là đối tượng liên tục bị giới cầm quyền thao túng. Không có cơ chế thỏa hiệp nào điều chỉnh các thương thảo giữa Công đoàn Đoàn Kết và chính quyền. Đe dọa từ bên ngoài và sự thao túng của giới cầm quyền tinh hoa đã ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình phát huy các cơ chế thỏa hiệp trong nội bộ công đoàn. Tuy nhiên, Công đoàn Đoàn Kết, với tư cách là một tổ chức do nhân dân tự sáng lập, được bảo lưu ngầm như một điều bí ẩn - trong không gian tâm lý-xã hội. Điều đó cung cấp các điều kiện cần thiết cho việc tái định dạng và phát triển của xã hội dân sự ở Ba Lan trong tám năm sau sự kiện thiết quân luật.



[1]Ferenc Feher, Agnes Heller & Gyorgy Markus, Dictatorship over Needs (Oxford: Basil Blackwell, 1983) p. 138.
[2]Laszlo Bruszt, 'Without Us but for Us? Orientation in Hungary in the Period of Late Paternalism', Social Research, 57, 1-2, 1988, pp. 72-73.
[3]Marody.
[4]Stanislaw Kwiatkowski, 'Na recznym hamulcu', Polityka, 12, 1987.
[5]Josef Gorlice, 'Introduction to the Hungarian Democratic Opposition', Berkeley Journal of Sociology, XXXI, 1986.
[6]Janina Frentzel-Zagorska & Krzysztof Zagorski, 'East-European Intellectuals on the Road of Dissent: The Old Prophecy of a New Class Reexamined', Politics and Society, 17, 1, 1989; Roger Scruton, 'The New Right in Central Europe II: Poland and Hungary', Political Studies, XXXVI, 4, 1988.
[7]Gorlice.
[8]Elemer Hankiss, 'The "Second Society". Is There an Alternative Model Emerging in Contemporary Hungary?', Social Research, 55, 1-2, 1988, p. 19.
[9]Hankiss, 'The "Second Society" ...', p. 37.
[10]Ibid, p. 40.
[11]See Arato and many others.
[12]Frentzel-Zagorska, 'The Dominant...' p. 91.
[13]See for example: Jacek Kuron, 'Zdobyc milczaca wiekszosc' (Warsaw, 1988); Jan Jozef Lipski, KOR (London: Aneks, 1983).
[14]Kuron, p. 12.