trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
7.6.2005
Nguyễn Huệ Chi
Trao đổi cùng Nguyễn Văn Hoàn
 1   2 
 
Phi lộ: Tôi hoàn thành bài viết dưới đây vào ngày 15-V-2005 và cũng trong ngày đó đã gửi đến hai nơi: 1. Tạp chí Nghiên cứu văn học của Viện Văn học Hà Nội, nơi đã đăng bài ông Nguyễn Văn Hoàn phê phán tôi; và 2. Mạng talawas, nơi tôi công bố đầy đủ bài viết về Trần Thanh Mại mà Nguyễn Văn Hoàn dùng làm căn cứ chủ yếu để phê phán. Chờ đợi đến hai tuần không thấy hồi âm từ phía tờ tạp chí, tôi có gọi điện trực tiếp cho ông Tổng biên tập kiêm Viện trưởng Phan Trọng Thưởng thì được trả lời rất thân tình: bài nếu đăng cũng phải cắt nhiều, bởi có nhiều vấn đề quá nhạy cảm. Tôi rất biết chỗ khó của một người làm nhiệm vụ quản lý cả một viện nghiên cứu văn chương của nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nên chỉ đề nghị hai hướng xử lý: hoặc cắt bỏ một số đoạn xét thấy có thể gây phiền cho tờ báo với điều kiện những chỗ cắt để lại bốn chấm trong ngoặc vuông [....]; hoặc nữa cứ đăng nguyên nhưng có thêm một “Lời tòa soạn” nói rõ tòa soạn không tán thành quan điểm của người trao đổi ý kiến song vì tôn trọng quyền trả lời của người được góp ý nên vẫn cho đăng. Ông Tổng biên tập hứa sẽ xem xét ngay ý kiến của tôi, tuy vậy, đến nay cũng chưa nhận được một cú điện thoại chính thức của ông. Tôi vẫn kiên nhẫn chờ đợi, vì tin rằng sự thật vốn có một hấp lực mạnh mẽ đối với mọi đầu óc tỉnh táo, nên dù “vòng cương tỏa” có ghê gớm đến đâu thì sớm muộn bằng cách này cách khác người ta vẫn có cách tiếp cận và chuyển tải nó. Nhưng trong thời gian chờ đợi, thiết nghĩ cũng cần để mạng talawas công bố sớm ý kiến của mình, vì đây không phải là chuyện trả lời của một cá nhân đối với một cá nhân, mà rộng hơn, tôi muốn hé lộ cho bạn đọc thấy một góc bức tranh sinh hoạt tinh thần ở một thời cách xa ngày nay đã chẵn bốn thập kỷ, trên mảnh đất miền Bắc những năm sau hiệp định Genève, vậy mà còn để ảnh hưởng nặng nề đến tận hôm nay. Phơi bày bức tranh ấy cho trung thực, theo tôi chính là khởi đầu của mọi sự đổi mới thật sự trong công tác nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học mà giới nghiên cứu ở Việt Nam hiện đang rất bức xúc.


Trên số 4 Nghiên cứu văn học năm 2005, nhân đọc Trần Thanh Mại toàn tập [1] , Nguyễn Văn Hoàn đã nêu lại một số ý kiến trong bài viết của tôi về Trần Thanh Mại, in trên Tạp chí văn học số 1-1979, được in lại có bổ sung trên Văn nghệ số 3 ngày 15-I-2005, và in hoàn chỉnh trên mạng talawas (talawas số 182, ra ngày 15-I-2005) mà Nguyễn tỏ ý không tán thành. Đọc kỹ bài ông, lúc đầu tôi đã định không trả lời vì thầm nghĩ, giữa thời buổi ngổn ngang bao nhiêu chuyện bất cập đang đặt ra trước mắt ngành nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học ở Việt Nam như thời buổi hôm nay - trong đó có việc xem xét lại chỗ đắc chỗ thất của giới nghiên cứu văn học mác-xít 60 năm qua - sự khác nhau trong cách nhìn nhận một hiện tượng nào đó cũng là dễ hiểu. Song nghĩ cho thấu đáo, trao đổi với nhau vẫn là hữu ích, không những có dịp làm rõ hơn ý tưởng của mình mà còn qua đó nói thêm một đôi điều về những năm tháng quá khứ của Viện Văn học mà chúng ta được sống, âu cũng là cơ duyên chứ nào phải cứ muốn đã dễ dàng có ngay.


1.

Trước hết, phải cám ơn Nguyễn Văn Hoàn đã trích dẫn một đoạn trong bài tôi viết trên talawas băn khoăn về tình trạng các bộ toàn tập được Nhà xuất bản Văn học in ra trong khoảng mấy năm gần đây với sự tài trợ của Bộ Văn hóa Thông tin Việt Nam. Nguyễn Văn Hoàn đã giúp chuyển tải ý kiến của tôi trên một tờ báo điện tử nước ngoài về đăng lên Nghiên cứu văn học trong khi chính tôi đang muốn làm việc ấy mà chưa có cách, còn gì hay bằng. Nhưng chỗ chưa sòng phẳng của người chuyển tải là không nói rõ văn cảnh của đoạn trích. Nguyễn Văn Hoàn giới thiệu đoạn trích như một “lời bình” của tôi trong bài viết, mà thực tế tôi chỉ để ở chú thích 15 của bài, nghĩa là coi đó chỉ là một ý rất phụ, một lời nói thêm nhân viết về Trần Thanh Mại mà thôi. Không rõ có dụng ý gì không nhưng một khi đem “cái phụ” biến thành “cái chính” thì tức là đã nâng cấp ý kiến của người khác lên một tầm khác với chính nó, điều đó không hay, nhất là trong ý phụ này tôi đã viết với giọng “uy-mua” - một lời trữ tình ngoại đề vừa hàm ý bao biếm lại cũng vừa là lời tự giải thích cho chính mình, chứ không phải lời lẽ nghiêm chỉnh như trong chính văn.

Từ đoạn văn đã trích, Nguyễn Văn Hoàn nêu lên hai câu hỏi mà không thảo luận: “1. Quan niệm về “toàn tập” của một tác gia. 2. Đánh giá những bài viết trong cuộc đấu tranh chống nhóm Nhân văn-Giai phẩm”. Xin thưa: tôi biết toàn tập của một người có lúc không in trọn mọi tác phẩm của người ấy vì những khó khăn nào đó, chẳng hạn có những tác phẩm đã bị mất mát chưa tìm lại được, hoặc có những tác phẩm quá lạc hậu/quá tân tiến so với thời đại; nhưng đấy chung quy cũng là tình thế cực chẳng đã. Còn theo nguyên tắc, đã gọi là toàn tập thì mọi tác phẩm của một tác giả nhất thiết phải đưa vào. Toàn tập còn có tư cách gì nếu trên thực tế đã bị cắt xén và chỉ là tuyển tập? Quan trọng hơn, nếu nó không giúp bạn đọc tìm hiểu thật chính xác tiến trình tư tưởng và văn chương của một nhà văn? Huống chi ở đây, tất cả những bộ toàn tập đã công bố của Nhà xuất bản Văn học lại nhất loạt bỏ hết các bài viết trong cuộc đấu tranh chống nhóm Nhân văn-Giai phẩm, một sự kiện cực kỳ quan trọng trong suốt 20 năm xây dựng miền Bắc nước ta, thì thử hỏi có bình thường hay không? Xin nhớ lại thời kỳ ấy, từ thành thị đến nông thôn có ai được phép bàng quan, đứng ra ngoài không khí sục sôi “đánh địch” trên mặt trận văn hóa văn nghệ của cả một nửa nước, nhất là tầng lớp văn nghệ sĩ và trí thức? Ngay trong một lá thư gửi cho Hồng Diệu đề ngày 29-IX-1960, chính Trần Thanh Mại cũng đã nhắc đến những ngày “tất cả phải đổ dồn vào việc đấu tranh chống tư tưởng Nhân văn-Giai phẩm” vào “nửa sau năm 1958”, đến mức nếu “mở những cuộc tranh luận về lý luận văn học [trong thời gian này] thì không có lợi” - có nghĩa là đi lạc ra ngoài những gì xã hội quan tâm (xem Toàn tập, Tập III, trang731-732). Hai năm qua rồi mà một trí thức như ông còn đầy ắp ấn tượng về những ngày “long trời lở đất”, chứng tỏ cuộc đấu tranh chống Nhân văn-Giai phẩm đã tác động đến mọi người sâu sắc tới chừng nào. Bài viết của mỗi tác giả viết trong dịp đó, vì thế sẽ là nơi kiểm nghiệm chân xác cái đúng cái sai trong nhận thức, tư tưởng, nói lên bản lĩnh, tầm nhìn, sự trung thực và tình người của mỗi người trước những vấn đề nổi cộm, diễn ra cách chúng ta gần 50 năm nhưng đến nay vẫn chưa phải đã hết ý nghĩa thời sự. Thế thì vì sao lại phải bỏ đi? Hãy cứ thành thực mà nghĩ chứ đừng quanh co, chẳng phải là có một tâm lý chung chi phối người biên soạn, và cả người đứng ra chủ trương làm các bộ toàn tập hôm nay - một thứ tâm lý mặc cảm cho rằng những lời lẽ được nói ra vì động cơ chính trị nhất thời trong một lúc, nay in lại cho bạn đọc rộng rãi hẳn chẳng hay gì. Thêm nữa, nếu chịu khó tìm lại văn bản gốc để đọc tất ai cũng thấy ngay đấy là những lời lẽ lên gân tột mức, mang tính chất mạt sát, sỉ nhục đối với người bị phê phán, không thể nào có trong đời sống văn học bình thường. Phải ở vào một thời điểm hết sức căng thẳng, dưới một áp lực vô hình hoặc một sự phấn khích tinh thần đặc biệt thì người viết mới đủ “dũng khí” để nói ra những lời không mấy “văn chương” như thế. Vì thế mà nay người làm toàn tập cân nhắc bỏ đi cũng chẳng phải là chuyện khó hiểu. Nó là bằng chứng của một sự “phản tỉnh” mà hễ ai có chút lương tri cũng cần có, nói cách khác, một thước đo giá trị mới trong lương tâm cộng đồng thời buổi hiện tại không cho phép người làm sách giữ lại những lời lẽ khiến người đọc thế hệ sau không thể thông cảm, thậm chí bất bình. Bản thân tôi, từ kinh nghiệm của người thân, tôi đã chứng kiến người bố của tôi - Nguyễn Đổng Chi - viết bài phê phán học giả Phan Khôi theo yêu cầu của người khác (khác hẳn với tính cách của ông), rồi sau đó đã không ngớt ân hận. Cho đến tận lúc mất ông vẫn lấy làm xấu hổ, coi việc làm của mình là một vết nhơ không gột nổi, và dặn con tìm cơ hội gột rửa giúp mình [2] . Gần đây có nhiều người gợi ý nên làm toàn tập cho bố, tôi chỉ cười mà không giải thích, nhưng trong thâm tâm tôi tự thấy chưa thể nào làm được, vì không thể đặt vào toàn tập một bài viết không vẻ vang gì cho tên tuổi của bố tôi, tiếc thay trên giấy trắng mực đen bài viết đã được in ra [3] . Cũng chính với tâm trạng nói trên mà khi đọc các bộ toàn tập do Nhà xuất bản Văn học xuất bản không thấy có các bài viết của nhiều nhà văn đấu tranh chống Nhân văn-Giai phẩm, tôi đã hơn một lần băn khoăn nghi ngờ. Ở chú thích 15 trong bài hồi ức của tôi về Trần Thanh Mại trên talawas, tôi nêu thắc mắc và cũng tạm tự giải đáp như sau: “Những bài viết của Trần Thanh Mại phê phán Nhân văn-Giai phẩm đã không được đưa vào Trần Thanh Mại toàn tập, Nxb. Văn học, 2004. Tôi để ý thì thấy hết thảy những bộ toàn tập của các tác giả được Nxb. Văn học công bố mấy năm nay đều bỏ hẳn phần viết này, và cả một số phần khác nữa. Như vậy thì định nghĩa thế nào là “toàn tập”? Hay ông Nguyễn Văn Lưu, Giám đốc, coi toàn tập chỉ là những gì còn “ăn khách” được với hôm nay? Còn “những miếng xấu hổ” “khạc chẳng ra cho nuốt chẳng vào” thì thôi, đành theo ý ai đấy giấu nhẹm để người ta quên đi một thời người cầm bút phải thóa mạ nhau túi bụi “cho vừa lòng bề trên”, đúng như cha ông ta nói “tốt đẹp phô ra xấu xa đậy lại”? Có lẽ cách xử sự như thế cũng là hữu lý chăng” (nguyên văn chú thích này không hề có những cụm từ in đậm như trình bày của Nguyễn Văn Hoàn).

Có điều, thử đặt vào một cự ly xa hơn mà nhìn cho khách quan, việc không đưa những bài viết đã nói vào các bộ toàn tập sẽ ảnh hưởng thế nào đến bạn đọc? Nghĩ kỹ, tôi thấy đó là việc làm hại nhiều lợi ít. Nếu cuộc đấu tranh chống nhóm Nhân văn-Giai phẩm trước sau là đúng, chúng ta đã vô tình xóa mất một dấu son của nhân dân miền Bắc dưới sự lãnh đạo của Đảng trên cả một chặng đường tư tưởng. Con cháu về sau sẽ không có điều kiện tìm hiểu nhằm vinh danh những dấu mốc đáng nhớ của chặng đường này. Đó chẳng phải là một sai sót của công tác xuất bản khó lòng chấp nhận được ư? Còn nếu thực chất việc làm năm 1958 của giới văn nghệ sĩ, trí thức là sai, cứ giả định như vậy, thì lại càng cần phải đưa vào, để người đọc - cả một dân tộc có văn hóa hiểu theo nghĩa rộng - qua đó rút kinh nghiệm, nhằm bớt đi những vấp váp ấu trĩ, cho chặng đường đang tới. Chính vì ta không chịu rút kinh nghiệm kịp thời nên không ít cái sai đã tái diễn. Chẳng hạn việc đốt phá, tịch thu sách vở trong Cải cách ruộng đất là một tổn thất to lớn cho di sản văn hóa đất nước, đã lặp lại ở miền Nam sau năm 1975 [4] . Lại chẳng hạn việc phá đình phá chùa trong chủ trương “hợp tự” năm 1948 đã làm mất đi bao nhiêu di tích văn hóa quý giá có từ lâu đời ở Nghệ Tĩnh, lại được lặp lại với quy mô rộng rãi hơn ở hầu khắp miền Bắc trong những năm 60 thế kỷ XX [5] . Tôi nghĩ, có thể có ai đó coi việc “cắt gọt” các bộ toàn tập như Nhà xuất bản Văn học đã làm là một cách “khép lại quá khứ”. Nghĩ thế e không khỏi đơn giản và lầm. Bao nhiêu người từng bị xử lý trong cuộc đấu tranh chống nhóm Nhân văn-Giai phẩm, bị treo bút, bị cải tạo, bị tù đày... hàng chục, vài chục năm, cho đến nay đã người nào được lên tiếng “nói lại” một lời cho thỏa đáng? “Khép lại” kiểu ấy thì công bằng ở đâu? [6] Cũng như hàng triệu người vì quẫn bức phải bỏ nước ra đi đầu những năm 80, biết bao người thân của họ không may tử nạn trên biển cả. Khép lại quá khứ chắc chắn không có nghĩa là bắt họ không được chiêu tuyết cho cha mẹ vợ con họ.


2.

Trong bài viết của mình về Trần Thanh Mại, tôi có nói đến việc trước khi mất, ông có để lại di chúc cho tôi - do Trần Tuấn Lộ viết - giữ hai tập tài liệu của ông về Hồ Xuân Hương và về Miên Thẩm để kế tục ông nghiên cứu về hai nhà thơ tầm cỡ này của thế kỷ XIX. Nhưng đến năm 1967 thì ông HTN, đại diện Chi bộ và đại diện Phòng tư liệu của Viện đến đòi tôi trả lại cho Viện hai cặp tài liệu kể trên. Tôi đã phải bần thần mất một lúc lâu rồi mới lấy chúng ra đặt vào tay ông. Nguyễn Văn Hoàn không phủ nhận việc đó mà chỉ phiên rõ mấy chữ HTN tôi viết tắt chính là Hồ Tuấn Niêm, Trưởng phòng Tư liệu thư viện lúc bấy giờ, đồng thời cố gắng giải thích tính chất đúng đắn của việc ông Hồ Tuấn Niêm đã làm. Khốn nỗi, trong bài của mình tôi có hề nói một dòng nào rằng đấy là hành động không đúng đắn đâu. Thực ra, giờ đây nghĩ lại, nếu vào năm 1967 tôi có được ít nhiều bản lĩnh chứ không non gan thì tôi đã không trao hai chiếc cặp cho ông Hồ Tuấn Niêm, vì trong hai chiếc cặp tôi giữ đâu có gì là tài liệu của Viện. Đó chỉ là tài liệu riêng của Trần Thanh Mại về Lưu hương ký đã được sao thành 5 bản kèm theo bản dịch và phiên âm đầy đủ (cặp thứ nhất) và một tập chuyên luận về Miên Thẩm đang viết dở gồm Chương I: Thời đại, Chương II: Thân thế và hành trạng, đều đã viết xong, và Chương III: Sự nghiệp văn học, mới viết được một phần (cặp thứ hai). Nguyễn Văn Hoàn nói Trần Thanh Mại viết một tiểu luận về Miên Thẩm 34 trang và dịch được một tập thơ Miên Thẩm 47 trang là nói ở đâu đấy chứ không phải nói về chiếc cặp mà ông không hề biết và tôi từng giữ bên mình gần ba năm. Chính trong cái hôm tôi và một vài người khác ở Tổ văn học Cổ cận đại đến nhà Trần Thanh Mại chừng mươi lăm ngày sau khi ông mất để nhận lại tài liệu ông mượn của Viện, tự tay Trần Tuấn Lộ đã trao riêng cho tôi hai chiếc cặp này. Theo di chúc của Trần Thanh Mại, tôi có thể giữ mà không giao cho Hồ Tuấn Niêm, đấy là quyền của tôi. Nhưng tôi đã không làm thế (tuổi trẻ, lại không đảng viên, sao khỏi chút tâm lý sợ hãi trước các bậc đàn anh). Và Hồ Tuấn Niêm khi nhận cặp cũng không làm biên bản giao nhận. Song điều tôi muốn nhắc lại trong bài viết của mình không phải chỉ bấy nhiêu chuyện đó. Điều từng đè nặng lên tôi như một nỗi niềm canh cánh muốn đem ra chia sẻ với bạn đọc, là sau khi nhận hai chiếc cặp của tôi một thời gian, những người có trách nhiệm giữ gìn chúng làm tài sản chung cho cán bộ Viện tham khảo, đã để cho hai chiếc cặp... không cánh mà bay mất tăm mất tích, từ đó đến nay không một ai được tham khảo chúng nữa. Cho hay, chỉ một việc mà giữa tôi và Nguyễn Văn Hoàn hoàn toàn khác nhau trong cách nghĩ. Nguyễn Văn Hoàn nghĩ đến mục đích cao đẹp trong việc thu hồi hai chiếc cặp tư liệu (mục đích cao đẹp thể hiện ở những chủ trương hay, những lời nói đẹp). Tôi, tôi chỉ nghĩ đến hậu quả cụ thể của việc thu hồi hai chiếc cặp là làm chúng biến mất khỏi Viện, khiến cho không những di cảo chưa hoàn thành của Trần Thanh Mại bị mất, mà ước mong của ông về việc tiếp tục hai công trình ông ôm ấp cũng bị đứt đoạn giữa chừng. “Đừng xem lời nó nói, hãy xét việc nó làm” - dẫu không “của đau con xót” đi nữa, chẳng biết Nguyễn Văn Hoàn có thấm thía cái chân lý ẩn sau những lời khuyến dụ đầu miệng ấy của dân gian hay chăng.


3.

Một chuyện rất nhỏ: cuốn Giai thoại văn học Việt Nam. Nguyễn Văn Hoàn nói rằng tôi đã đưa ra một ý kiến sai khi cho rằng Trần Thanh Mại là người Chủ biên cuốn sách, từ đó dẫn đến chỗ một người yêu quý Trần Thanh Mại là Hồng Diệu (người biên soạn Trần Thanh Mại toàn tập) phải “viết những lời phê phán nặng nề” về việc tên Trần Thanh Mại chỉ còn được ghi như một người viết lời giới thiệu trên bìa cuốn sách in ra sau ngày ông mất. Và đáng phàn nàn hơn là sau này khi cuốn sách được tái bản, lời giới thiệu của Trần Thanh Mại cũng bị tước đi. Thực tế có đúng như vậy không? Tôi không có gì xích mích với Kiều Thu Hoạch từ trước tới nay. Chúng tôi bao giờ cũng là những người bạn tốt. Việc Kiều Thu Hoạch cộng tác với Hoàng Ngọc Phách và Trần Thanh Mại soạn Giai thoại văn học Việt Nam ra sao, tuy là một thành viên trong Tổ nhưng tôi cũng không để tâm cho lắm, vì giai thoại vốn không thuộc chuyên môn của tôi, hơn nữa sách lại không nằm trong kế hoạch chính thức của Tổ. Nhưng điều này thì tôi phải khẳng định: thuở ấy chúng tôi đều đinh ninh Trần Thanh Mại là người đóng vai trò quyết định thành công của cuốn sách (hẳn ai cũng biết có được một cán bộ đầu đàn có sức hút như Trần Thanh Mại là chuyện hiếm, nên những cán bộ trẻ - rất trẻ - trong Tổ bấy giờ hễ làm gì đều xin Tổ trưởng mách đường chỉ lối, đều lấy những gợi ý của Tổ trưởng làm chỗ dựa; một cuốn sách do người trẻ làm dưới danh nghĩa Chủ biên của ông chúng tôi coi là điều hợp lý; có khi sách còn không đứng tên ai mà chỉ ký tên chung: Tổ văn học Cổ cận đại, như trường hợp cuốn Mấy vấn đề về sự nghiệp và thơ văn Nguyễn Trãi của tôi [7] ). Mà bản thân Trần Thanh Mại trong các cuộc gặp gỡ anh chị em trẻ, mỗi lần nói đến Giai thoại văn học cũng thừa nhận vị trí đứng mũi chịu sào của mình. Chính vì cái ấn tượng đã in sâu vào tâm trí nên năm 1979 (cách đây chẵn 26 năm), khi viết bài Trần Thanh Mại trong những bước đi đầu tiên của Viện Văn học đăng trên Tạp chí văn học của Viện, tôi đã nói ông là người Chủ biên Giai thoại văn học Việt Nam mà không chút phân vân, cũng không hề xem lại mặt mũi cuốn sách. Có thể tôi đã nhầm, hồn nhiên mà nhầm, nhưng nếu đối chiếu với bức thư Trần Thanh Mại gửi cho Hồng Diệu ngày 1-VI-1964 thì tự tôi cũng phải lấy làm lạ: có một sự trùng khớp giữa ấn tượng của tôi và lời khẳng định của chính Trần Thanh Mại: “Mặc dù ốm nhiều như vậy tôi cũng đã tranh thủ làm việc và đã hoàn thành một cuốn sách nhan đề là Giai thoại văn học Việt Nam dày chừng 400 trang. Viết chung với hai người nữa. Hiện đang đánh máy để đưa nhà in” (Toàn tập, tập III, trang 759). Nguyễn Văn Hoàn nói Trần Thanh Mại là người trung thực. Tôi khẳng định điều ấy, và các bức thư gửi Hồng Diệu cũng soi tỏ điều ấy. Vậy thì ở đây phải chăng cả Trần Thanh Mại và tôi đều đã nhầm lẫn, do những gì in quá đậm vào trí óc khi còn sinh hoạt chung trong Tổ? Rất mong bạn Kiều Thu Hoạch hiểu được chỗ vô tình chứ không cố ý của tôi.



[1]Ba tập, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2004.
[2]Trong khi biên tập Từ điển văn học bộ mới, nhận lời ủy thác của người bạn quá cố Văn Tâm, tôi đã bổ sung và chỉnh sửa lại mục từ Phan Khôi do Văn Tâm viết từ nhiều năm trước mà chính anh về sau không hài lòng, nhưng bệnh tật khiến anh không tự tay mình viết lại được nữa. Tuy giúp Văn Tâm, trong thâm tâm, tôi đã làm theo lời bố dặn. Cũng trong Từ điển văn học bộ mới, tôi đã tự nguyện đảm nhiệm mục từ Hồ Thích, để giải oan phần nào cho cái gọi là “chủ nghĩa thực dụng của Hồ Thích” mà bố tôi từng cực lực phê phán.
[3]Bài Quan điểm phản động, phản khoa học của Phan Khôi phải chăng là học mót của Hồ Thích. Văn sử địa, số 41, tháng VI-1958.
[4]Thời gian này bố tôi công tác ở miền Nam, vì đã có kinh nghiệm về thời kỳ Cải cách ruộng đất, ông hết sức tìm cách giúp đỡ để một số trí thức như nữ sĩ Mộng Tuyết, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Y... cứu được kho sách của mình.
[5]Còn nhớ ngày 9-V-1963, tôi đến thăm cụ Lê Thước ở chợ Hôm, gặp lúc nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản cũng đến, trình bày với cụ việc một ngôi đền thờ nữ tướng của Hai Bà Trưng ở Mai Động bị Đảng bộ địa phương chỉ đạo đem hoành phi, câu đối và cỗ kiệu ra đóng xe phân cho hợp tác xã. Ông Nguyễn Bá Khoản đã chụp trộm được mấy tấm ảnh và suýt bị dân quân tự vệ bắt, tịch thu máy ảnh. Tối hôm đó, tôi ghi vào nhật ký: “Có thể có một chủ nghĩa duy vật cuồng tín hoành hành trên đất nước ta như thế hay sao?”. Tôi chắc rằng trong kho ảnh của gia đình cố nghệ sĩ Nguyễn Bá Khoản vẫn còn lưu những tấm ảnh mà cụ Lê Thước và tôi được xem hôm đó.
[6]Xin dẫn chứng một sự kiện xảy ra ở nước Nga: cuối những năm 30 thế kỷ XX, trong “khí thế cách mạng ngùn ngụt, rất nhiều gương tốt được khái quát hóa, nhân điển hình, dấy lên các phong trào học tập”, chú đội viên thiếu niên tiền phong Pavlik Morozov, 13 tuổi, ở làng Gerasimovka thuộc thị trấn Tavda, Ural, viết thư tố cáo người bố của mình, Trofim là địa chủ phản động khiến ông bị chính quyền làng bắt và xử bắn, một năm sau đó chú bị ông nội đập chết, đã được nêu gương như một anh hùng, “một người hy sinh vì nghĩa cả, một con ngoan trò giỏi, một chú bé tóc vàng đẹp trai”, được báo chí trong cả nước nhắc đến suốt nhiều tháng của năm 1931 và được giới văn nghệ sĩ hết lời ca ngợi, viết tiểu thuyết, dựng tượng, dựng phim. Mới đây một nhà điều tra xã hội học, bà Catriona Kelly, đã về tận quê hương chú bé, lần tìm lại các tài liệu gốc, kể cả lá đơn của chú, hỏi han kỹ những người cùng thời may mắn còn sống, rồi cho công bố cuốn sách Đồng chí Pavlik, thăng trầm của một anh hùng thiếu niên Liên Xô, chỉ rõ Pavlik thực tế chỉ là một đứa bé “mặt đầy tàn nhang, chẳng thông minh và vô duyên, không phải là học sinh giỏi, cũng không phải là đội viên, thậm chí bị tâm thần”, là một “trường hợp cá biệt, đầu óc bã đậu và hai anh em từng vạch quần đái vào nhau”. Còn người bố thì có thể liên quan đến bệnh nghiện rượu làm cho con oán ghét và là một nông dân vẫn quen giữ súng ở trong nhà. Việc Pavlik tố cáo bố nằm trong bối cảnh của một thời kỳ hết sức phức tạp, “tại các nông trang vùng sâu vùng xa, không chỉ có chính quyền chụp mũ “địa chủ phản động” thậm chí “gián điệp nước ngoài” lên đầu nông dân mà còn nhiều mối bất hòa giữa dân làng với nhau: những tranh chấp cá nhân, chuyện thù vặt... đều bị chính trị hóa”. “Khí thế cách mạng bị lạm dụng vào những việc tư thù”, đến nỗi “trẻ con ghét người lớn cũng có thể làm đơn tố cáo để mượn tay người khác xử lý”. Cuốn sách của Catriona Kelly là một cách lấy lại sự công bằng cho lịch sử, đưa đến những thanh lọc cần thiết trong lương tâm cộng đồng, bởi không một xã hội nào “chấp nhận khuyến khích con đấu cha mẹ”, nhưng hẳn bà chỉ làm được với điều kiện các tài liệu gốc chưa bị hủy bỏ. Xin xem thêm Diên Hy tổng thuật tài liệu của Nga trong bài Khi khí thế bị lạm dụng... Thế giới, phụ san báo Quốc tế, số 187 (22), Thứ Hai, 30-V-2005; trang 13.
[7]Nxb. Khoa học, Hà Nội, 1963. Trong bài viết của mình, Nguyễn Văn Hoàn nói: “Trong số các cán bộ trẻ của Tổ Cổ cận đại Viện Văn học những năm đầu thập kỷ 60, chỉ có Kiều Thu Hoạch là đã có thể sử dụng được chữ Hán”. Không đúng. Trong Tổ bấy giờ còn có Trần Nghĩa, học 5 năm ở Đại học Thanh Đảo (Trung Quốc) về, là người đã ghi được rất nhiều tư liệu của Trung Quốc thời cổ có liên quan đến Việt Nam, như Sứ Giao Châu tập của Trần Cương Trung, hay 6 bức thư đối đáp giữa các Thiền sư Việt Nam với quan lại Trung Quốc ở Giao Chỉ vào thời Bắc thuộc mà sau này anh đã công bố trong công trình có giá trị Sưu tầm và khảo luận tác phẩm chữ Hán của người Việt Nam trước thế kỷ X; Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2000. Ngay như tôi, tuy lúc ấy chưa học Lớp đại học Hán học như mấy năm sau, nhưng đã học xong chương trình Trung văn liền ba năm ở Khoa Ngữ văn Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Trong công trình Mấy vấn đề về sự nghiệp và thơ văn Nguyễn Trãi, một mình tôi đã lục tìm và sao chép bằng hết những tài liệu chữ Hán có liên quan đến Nguyễn Trãi ở Thư viện Khoa học để mang về cho cụ Nguyễn Văn Huyến dịch (thuở ấy đã làm gì có máy photocopy). Mặt khác, tự tôi đã đối chiếu Đại Việt sử ký toàn thư (đầu những năm 60 chưa được dịch ra tiếng Việt) với Việt sử thông giám cương mục để viết bài so sánh tư liệu về Nguyễn Trãi giữa hai bộ sách ấy. Nguyễn Văn Hoàn nói Trần Thanh Mại không đọc được chữ Hán, tôi không tin lắm, nhưng có phần chắc ở trong Tổ, Nguyễn mới là người không biết chữ Hán.