trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngChiến tranh nhìn từ nhiều phía
9.6.2005
Gareth Porter
Biện giải vấn đề Việt Nam 30 năm sau — Bàn cờ domino Châu Á hay sự khống chế của Hoa Kỳ?
Hà Minh dịch
 
Ba mươi năm sau ngày chiếc trực thăng cuối cùng rời Tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn, người Mỹ vẫn còn chưa biết vì sao họ lại tham chiến ở Việt Nam.

Theo những biện giải chính, những chiến lược gia Mỹ tin tưởng tuyệt đối vào “lý thuyết domino” cho rằng những nước không cộng sản trong vùng Đông Nam Á sớm muộn sẽ bị lần lượt lật đổ nếu miền Nam Việt Nam mất vào tay cộng sản. Căn cứ theo những suy diễn bình thường, các chiến lược gia Mỹ đã thổi phồng hiểm họa cộng sản, và họ đã tin vào những nguy cơ bị chính họ phóng đại ấy. Dù sao thì nước Mỹ lúc đó đang vướng vào cuộc Chiến tranh Lạnh trên toàn thế giới đối đầu với khối Liên Xô nhằm giành thế thượng phong, Việt Nam đã là một tiền đồn của cuộc xung đột đó.

Vấn đề của cách biện hộ trên cho cuộc chiến của Mỹ là các bằng chứng thu thập được đã chỉ ra rằng Liên Xô và Trung Quốc quá yếu để có thể đưa ra những kháng cự thực trước sự hung hăng của Mỹ tại đây hay bất cứ nơi nào tại Á châu hay Phi châu. Hình ảnh cũ thời Chiến tranh Lạnh cho rằng phong trào cộng sản đang dấn bước tại Việt Nam và các nước Nam Á đã được coi như sự thật.

Thời kỳ đó, cả Moscow và Washington đều đã biết rằng Liên Xô không có vũ khí nguyên tử ngăn chặn tối thiểu trước những năm cuối thập niên 1960. Sau hiệp định Geneva, Liên Xô và Trung Quốc đều rất lo lắng về khả năng xảy ra chiến tranh với Mỹ đến nỗi họ đã gây áp lực để cộng sản Việt Nam đừng thách thức chính quyền chống cộng ở miền Nam Việt Nam được Mỹ yểm trợ. Chính quyền Eisenhower có thể dẹp bỏ những điều khoản trong hiệp định Geneva 1954 về bầu cử tự do với niềm tin là phe cộng sản sẽ không dám phản ứng quân sự.

Lợi dụng sự thụ động của phía cộng sản lúc đó, Hoa Kỳ sẽ trở thành lực lượng khống chế cả vùng Đông Nam Á, với các chính quyền lệ thuộc ở Nam Việt Nam, Thái Lan và không lâu sau cả ở Lào. Khoảng những năm 1960, Trung Quốc vẫn còn cảnh cáo chính quyền Bắc Việt rằng họ không thể thống nhất đất nước vì tinh thần đế quốc của Mỹ sẽ không cho phép điều này xảy ra.

Huyền thoại về lý thuyết domino trong giới chiến lược Mỹ đã sụp đổ do chính sức nặng của các bằng chứng lịch sử. Sự thật, trước khi sức mạnh quân sự khổng lồ của Mỹ tại chiến tranh Triều tiên được huy động, trước khi biết được khả năng quân sự yếu kém của Trung Quốc, chính quyền Truman đã lo sợ cán cân thế lực vùng Đông Nam Á nghiêng về phe cộng sản.

Sau khi xây dựng lực lượng tại Nam Triều Tiên, chính quyền Eisenhower đã hiểu rằng cán cân sức mạnh nghiêng hẳn về phía Hoa Kỳ. Khi Tổng thống Dwight Eisenhower lần đầu tiên tuyên bố công khai hiệu ứng domino năm 1954, là lúc ông ta đã không còn tin vào lý thuyết đó nữa. Ông ta dùng luận điểm đó đơn thuần để khẳng định thêm sự lo sợ của Liên Xô và Trung Quốc trước hành động can thiệp của Mỹ.

Năm 1961, khi các cố vấn của tổng thống John F. Kennedy cố gắng thuyết phục ông gửi quân đến Lào và Việt Nam, họ khẳng định rằng Trung Quốc sẽ không có khả năng tham chiến ngoài biên giới nước mình trong vòng nhiều năm. CIA lượng định rằng Liên Xô sẽ kiềm chế Hà Nội trong việc dính líu quân sự tại Nam Việt, vì Liên Xô không muốn gia tăng đối đầu.

Những cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Lyndon B. Johnson khi thuyết phục ông ném bom Bắc Việt Nam khoảng cuối 1964, đã nhấn mạnh rằng cả Trung Quốc và Việt Nam đều không biết liệu Mỹ có sử dụng vũ khí nguyên tử hay không, và do đó sẽ e ngại tiến hành việc trả đũa quân sự. Họ còn hy vọng rằng Hà Nội có thể ra lệnh cho Việt cộng ở miền Nam triệt thoái khỏi các mặt trận, ít nhất là tạm thời, trước sự đe dọa của Mỹ.

Trước vai trò chính của quân đội Hoa Kỳ trong việc quyết định can thiệp sâu hơn vào Việt Nam, sự tương đồng lịch sử giữa việc chiếm đóng Việt Nam và Iraq càng trở nên hiển nhiên. Trong cả hai trường hợp, ưu thế quân sự toàn cầu của Mỹ đã nuôi dưỡng ý đồ bành trướng thế lực và ảnh hưởng trên toàn khu vực. Và trong cả hai trường hợp, các lãnh đạo an ninh quốc gia đã giả định rằng họ có thể dùng vũ lực mà không sợ nguy cơ mở rộng chiến tranh, sự giả định này phụ thuộc nặng nề vào hiệu quả răn đe đối với kẻ thù. Họ đã sai lầm nghiêm trọng tại cả hai nơi: Việt Nam và Iraq.

Định dạng chung của các cuộc phiêu lưu quân sự tại Việt Nam và Iraq nhắc nhở những hiểm họa tiềm ẩn của việc sở hữu ưu thế quân sự. Thiếu vắng đối trọng với Mỹ, các lãnh đạo an ninh quốc gia dễ dàng bị cuốn hút bởi việc sự dụng vũ lực nhằm đưa Hoa Kỳ lên vị trí thượng phong. Tham vọng này còn vượt xa mọi cuồng vọng cá nhân, chúng ta cần có sự cải tổ về căn bản để dập tắt chúng.


Gareth Porter là tác giả của cuốn sách Nguy cơ của ưu thế: Sự mất thăng bằng quyền lực và con đường dẫn đến chiến tranh Việt Nam, sắp được Nxb Đại học California xuất bản, và là một học giả cộng tác với tạp chí Tiêu điểm chính sách đối ngoại.


© 2005 talawas
Nguồn: Foreign Policy In Focus, 06.5.2005, http://www.fpif.org/commentary/2005/0506dominoes.html