trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Sân khấu
  1 - 20 / 24 bài
  1 - 20 / 24 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtSân khấuĐiểm nóngChính trị thế giới
22.6.2005
Không Không
Stuff Happens, (Ðôi khi) sự việc xảy ra!
 
“Ðất nước nào, lãnh đạo nấy!” nhân vật đóng vai một người Iraq tị nạn tại Hoa Kỳ thốt lên, và câu chuyện ngoại giao dẫn đến quyết định đánh chiếm Iraq tạm khép lại trên sân khấu. Trong lời thoại cuối, người gốc Iraq này bình phẩm về cuộc chiến Iraq của Mỹ dưới cái nhìn của một người tị nạn chế độ độc tài Saddam Hussein. Ông tâm sự rằng, trong bao năm lánh nạn ở Hoa Kỳ, ông đã tranh đấu cho một nền dân chủ tại Iraq. Bỗng dưng, Mỹ vào, và chế độ độc tài sụp đổ trong vòng 40 ngày. Ông phân vân không biết nên vui hay buồn và tự hỏi phải chăng chính phủ Mỹ vừa thi hành một loại kỳ thị chủng tộc hay lập nên một dạng đế quốc mới.

Người tị nạn đó không phải là nhân vật chính trong vở kịch Stuff Happens [tạm dịch, “(Ðôi khi) sự việc xảy ra”] của soạn giả người Anh David Hare, được dàn dựng trên sân khấu Mark Taper Forum bởi đạo diễn Gordon Davidson. Và câu nói đó cũng không nằm trong kịch bản gốc khi được
trình diễn lần đầu tiên tại Anh quốc
năm ngoái, mà được các diễn viên cùng bàn bạc với soạn giả để thêm vào lời thoại cuối của vở kịch khi trình diễn tại Mỹ như một lời phê phán xã hội trong bối cảnh chính trị hiện thời.

Các lời thoại chính và nhân vật chính của vở Stuff Happens xoay quanh những diễn tiến thời sự và ngoại giao dẫn đến việc Mỹ đơn phương tiến vào Iraq và lật đổ nhà độc tài Saddam Hussein. Vở kịch bắt đầu với những hồi ức về cuộc chiến Việt Nam và những bài học rút ra từ sự tham chiến của Mỹ. Các nhân vật chính khách lần lượt xuất hiện trong bối cảnh ngoại giao toàn cầu: tổng thống Mỹ George W. Bush (Keith Carradine), phó tổng thống Mỹ Dick Cheney (Dakin Matthews), bộ trưởng quốc phòng Donald Rumsfeld (John Higgins), phó bộ trưởng quốc phòng Paul Wolfowitz (Kip Gilman), bộ trưởng ngoại giao Colin Powell (Tyrees Allen), cố vấn an ninh Condoleeza Rice (Lorraine Roussaint), thủ tướng Anh Tony Blair (Julian Sands), tổng thống Pháp Jacques Chirac (James Handy), bộ trưởng ngoại giao Dominique de Villepin (Stephen Spinella), trưởng phái đoàn kiểm tra vũ khí Liên hiệp quốc Hans Blix (Alan Oppenheimer), tổng thư ký LHQ Kofi Annan (Henry Brown), v.v. Qua những chuỗi lời thoại, các sự kiện lịch sử đương đại được lướt qua khá nhanh tuy vẫn giữ được những nét chính và sự phức tạp của chúng. Năm 2001, tổng thống Bush nhậm chức nhiệm kỳ đầu với số phiếu thấp hơn đối thủ Al Gore. Rồi vụ khủng bố 11-9 xảy ra tại New York làm chết gần 3000 người. Một tháng sau, Mỹ và Anh tấn công Taliban và mạng lưới al-Qaeda tại Afghanistan. Cuối tháng Giêng 2002, Bush và nội các xoay qua mục tiêu Iraq và tìm mọi lý do để tiến hành cuộc chiến. Bộ trưởng ngoại giao Colin Powell tìm cách thuyết phục nội các Bush tiếp tục tiến trình đàm phán. Tới tháng Chín, do áp lực của Mỹ và đồng minh, Iraq chấp nhận cho phái đoàn thẩm tra vũ khí trở lại vô điều kiện. Tháng 10, quốc hội Mỹ cho phép dùng vũ lực đối với Iraq nếu LHQ không tước được hết vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD). Cuộc đàm phán giữa các quốc gia Pháp (đại diện cho khối chống chiến tranh), Anh, và Mỹ vẫn tiếp tục. Tháng 11, Hội đồng Bảo an LHQ ra nghị quyết 1441 buộc Iraq hạ khí giới và cho phép thanh tra lãnh thổ không giới hạn. Trong vòng hai tháng, các điều tra viên LHQ không tìm thấy WMD ở Iraq, còn Mỹ tiếp tục đẩy mạnh việc tấn công vũ trang. Ðầu tháng Hai 2003, Colin Powell trình bày trước hội đồng LHQ những chứng cớ của CIA về WMD tại Iraq. Ngày 15 tháng Hai, trên 6 triệu người biểu tình chống chiến tranh tại nhiều thành phố lớn khắp thế giới. Ðến ngày 19 tháng Ba, chiến dịch quân sự mang tên “Tự do cho Iraq” (Operation Iraqi Freedom) dưới sự lãnh đạo của Mỹ và Anh bắt đầu những đợt oanh kích tại Baghdad.

Hai năm sau khi đánh chiếm Iraq thành công, Mỹ vẫn chưa rút quân ra được, tổn phí lên đến hàng tỷ Mỹ kim, cả ngàn quân lính Mỹ và đồng minh đã chết trận, và số thương vong của người Iraq lên đến hàng trăm ngàn mà có lẽ không có thống kê nào chính xác. Tại Iraq, tuy đã có bầu cử dân chủ và chính quyền mới đã được thành lập, hòa bình và trật tự vẫn chưa thành hiện thực. Ai đúng, ai sai trong quyết định tấn công vũ trang này? Phải chăng chiến tranh Iraq xảy ra do quyết định đơn phương quá vội vàng? Chiến tranh có thể được ngăn chặn bởi tiến trình đàm phán hay không? Trật tự “mới” được lập ra tại vùng Trung Ðông có thực sự thay đổi cục diện chính trị chăng, hay những vấn nạn như Palestine-Israel vẫn tiếp diễn theo chiều hướng tồi tệ hơn? Mỹ đã thành công hay thất bại khi đem mầm mống dân chủ gieo cấy vào nước khác? Mặt trái của lý tưởng dân chủ hóa toàn cầu có phải đã và đang biến Mỹ thành một siêu đế quốc? Ai phải chịu trách nhiệm trước lịch sử nhân loại?

Stuff Happens đặt ra biết bao câu hỏi từ nhiều góc độ khác nhau qua sự suy nghĩ và hành vi của những nhân vật đang làm nên lịch sử. Ðây là điểm thành công của kịch bản về mặt nội dung. Stuff Happens không có thông tin một chiều mà qua sự đa dạng của những bối cảnh chồng chéo trong khoảng thời gian 3 giờ đồng hồ, người xem tự tìm kết luận cho riêng mình.

Tuy nhiên, Stuff Happens rõ ràng là một vở kịch chính trị không mang tính ẩn dụ hay so sánh. Sự kiện cùng các nhân vật đã và đang xảy ra, hành động, làm thay đổi chính trường và trật tự trên thế giới. Soạn giả David Hare theo dõi các tin tức thời sự, tổng hợp dữ liệu để cấu tạo lại những bối cảnh đưa đẩy chính sách ngoại giao Mỹ, Anh, và Pháp. Những mẩu chuyện phía sau hậu trường chính trị giữa các chính khách được ông tưởng tượng ra dựa trên những gì biết được. Vì vậy Stuff Happens bao gồm những mẩu thoại trích từ các diễn văn và tài liệu đã công bố đan xen với những đối thoại hư cấu. Và đây là điểm thành công trong kịch bản về mặt cấu trúc nghệ thuật. Sự kiện được trình bày ngắn gọn, liên hồi như dạng tin tức truyền hình, lôi cuốn khán giả từ đầu chí cuối. Các mẩu thoại mạch lạc, lồng thêm kịch tính cho từng nhân vật, trở nên một câu chuyện với nhiều giọng kể khác nhau về màu sắc và nội dung.

David Hare và Gordon Davidson muốn khơi dậy tính dân chủ và lòng yêu nước của người dân Anh và Mỹ qua Stuff Happens bằng cách tạo không gian cho những ý kiến dù trái ngược được phát biểu và tạo cơ hội thảo luận giữa các nhân vật và khán giả, thôi thúc mọi người tranh đấu cho công lý. Sau buổi diễn, khán giả có dịp ngồi lại trao đổi với các diễn viên, nhà đạo diễn, và với nhau dù không cùng chính kiến. Nếu mọi người dân trong một xã hội dân chủ can đảm phát biểu ý kiến, biết tôn trọng những ý kiến khác nhau, và chịu chấp nhận hậu quả, thì quyền công dân mới được ý thức trọn vẹn, và chính phủ sẽ khó trở nên độc tài. Thay vì một vở kịch nhẹ nhàng theo lối cổ điển, đạo diễn Davidson đã quyết định dựng vở Stuff Happens ngay trước khi về hưu như một tiếng nói lương tâm giữa lúc thời thế biến động. Dù đại đa số có thể không đồng tình, những tiếng nói lương tâm cần được thốt lên và nuôi dưỡng vì... câu chuyện nào cũng có nhiều cách kể và nhiều cách nghe.

Vở Stuff Happens còn trình diễn tại Mark Taper Forum, 135 N. Grand Ave., Los Angeles, cho đến ngày 17 tháng 7. Giá vé $34-$52 (có một số vé $12 mua trong tuần 2 giờ trước khi mở màn). Tel. (213) 628-2772. Website: http://www.taperahmanson.com/show.asp?id=297

Kịch bản Stuff Happens cũng có bán tại http://www.amazon.com/exec/obidos/tg/detail/-/0471273600/ref=pd_sxp_f/102-8941272-7312924?v=glance&s=books

© 2005 talawas