trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
29.6.2005
Nguyễn Huy Thiệp
Thương bạn Đồng Đức Bốn
Nhà thơ Ðồng Ðức Bốn bị bệnh ung thư phổi, hiện đang điều trị tại Bệnh viện K Hà Nội
 
Bác Ðồng Ðức Bốn thôi rồi,
Ung thư ác tính hẳn đời đi tong!
Thế là xong nợ tang bồng,
Còn ai đưa sáo sang sông hả giời?
Tôi thương bác ngậm ngùi khôn xiết,
Ai ngờ đâu ly biệt có ngày!
Nhớ hôm nào đến chơi đây
Bác cho hộp kẹo tới nay hãy còn
(Sợ tiểu đường tôi không ăn kẹo
Vợ con tôi cũng dửng dừng dưng!)
Buồn trông hộp kẹo to đùng
Nhãn hàng Trung Quốc đau lòng xót gan.
Bác quen thói đãi người điêu bạc,
Mở miệng thời văng tục rầm lên!
Loanh quanh chỉ biết có tiền,
Ða tình khét tiếng, bạc tình khét danh.
Câu thơ lục bát thập thành,
Thế mà cũng nổi công danh với đời!
Bạn bè bác toàn phường hổ báo.
Trượng phu hề, a hả trượng phu.
Thằng đang tấp tểnh ở tù
Thằng lo mất chức, thằng tu giả vờ.
Thế gian muôn mặt thò lò
Tôi thương bác một, thương cho đời mười.
Gặp thời thế, thế thời phải thế!
Tôi vẫn thầm phục bác tài cao.
Xứng danh thi sĩ anh hào,
Trên đời cũng chỉ còn tao với mày!
Bác đi trước: tôi còn nán lại
Viết nhì nhằng xong nghiệp thì thôi.
Bác Ðồng Ðức Bốn hỡi ôi!
Sao giời lại hại một người tri âm?
(Bọn tầm thường xét chữ tâm
Chắc không hiểu nổi chữ không là gì!)
Sừng tê giác, cổ linh chi
Thuốc men nào có thiếu gì nữa đâu.
Tuyệt không cứu nổi nỗi sầu,
Tuyệt không cứu nổi nửa câu thơ tình!
Tôi với bác đinh ninh sau trước
Thương nhau từ cái thuở hàn vi
Chia từ con chấy chia đi,
Bây giờ bác nỡ ra đi một mình
Tôi ở lại giật mình thon thót.
Theo nghiệp văn chẳng dễ chút nào
Giữ nguyên nếp sống lào thào
Trông mình trông cả đồng bào xung quanh.
Bóng câu qua cửa trôi nhanh
Hẹn ngày gặp bác yến oanh lại cười.
Bác Ðồng Ðức Bốn hỡi ôi!
Sao giời lại hại một người tri âm?
Ðêm nay gạt lệ âm thầm,
Tôi ngồi tôi nhớ tôi mong một người...

(19/5/2005)


Một nhân vật hoang đường

Trong làng văn Việt Nam hiện đại, Đồng Đức Bốn có lẽ là một trong những nhân vật hoang đường vào bậc nhất. Tôi chơi với Đồng Đức Bốn 15 năm nay, quan sát anh, thú vị, yêu ghét lung tung lẫn lộn.

Trong truyện Thuỷ Hử có nhân vật Lý Quỳ, chuyên chơi búa, chỉ biết đánh nhau trên cạn. Lý Quỳ ít học, tính nóng nảy, không phải ai cũng chịu được y, bồ ruột với Cập Thời Vũ Tống Giang như hình với bóng. Lý Quỳ có hiếu với mẹ nhưng lại sơ xuất để hổ ăn thịt mẹ, giết 5 con hổ một lúc để báo thù cho mẹ. Lý Quỳ làm được nhiều việc, bảng màu ở trong tính cách của y đơn giản phần lớn chỉ có hai màu đen trắng, đúng sai... Không có màu trung gian. Lý Quỳ đúng là trận gió tuyền đen (Hắc Toàn Phong). Sức mạnh bản năng của y thật ghê gớm.

Đồng Đức Bốn phần nào giống như Lý Quỳ.

Đồng Đức Bốn không học hành nhiều, tôi đoán anh chưa qua hết được bậc phổ thông trung học. Anh nói ngọng, luôn lúng túng giữa “n” và “l”. Những rắc rối của từ vựng và ý nghĩa đa chiều của nó làm anh rối trí, rất bực và rất “nhặm”. Tôi có lần nói đùa rằng Đồng Đức Bốn chỉ biết có 600 từ tiếng Việt. Giải pháp tốt nhất khiến Đồng Đức Bốn thoát khỏi lưới rập ngôn từ là thả phanh nói tục, nói toạc ra thẳng thừng. Nói tục là một cách tiếp cận chân lý trắng trợn và hiệu quả nhất. Tôi chưa thấy ai nói tiếng Việt tục hay như Đồng Đức Bốn! “Mở miệng thời văng tục rầm lên”. Đồng Đức Bốn không suy nghĩ nhiều nhưng khi tia chớp bản năng vừa mới bừng lên loé sáng là anh “múc liền, bụp luôn”! Sự hồ đồ trong các kết luận vội vàng khiến Đồng Đức Bốn rất “nhọc”: anh luôn luôn nhầm lẫn, ngộ nhận, sửa chữa, phá sức, xin lỗi, dựng kế hoạch, “để tôi điều” (nghĩa là điều chỉnh, sai bảo “dù cho méo nắn lệch kê cũng đành”).

Đồng Đức Bốn không phải là người “của logic”, âm mưu và kế hoạch. Anh luôn luôn là người của cảm giác, của các giải pháp tình thế. Trong các tình thế 5 ăn 5 thua, sự lưỡng lự rắc rối loanh quanh làm cho tất cả đều mỏi thì “ngọn gió tuyền đen” Đồng Đức Bốn “múc liền, bụp luôn”, “thắng quả đậm” ngay sau đó “phắn” liền, mất tích! Ta gần như không thấy Đồng Đức Bốn có bài thơ nào hay nhưng những câu thơ hay “tình thế” của Đồng Đức Bốn thì “chi chít”: những câu thơ hay ấy để ở trong bài thơ nào cũng được (khác với Nguyễn Bính: Nguyễn Bính có nhiều bài thơ hay nhưng để chọn ra được những câu thơ hay đơn lẻ thì rất khó chọn). Bài thơ hay nhất của Đồng Đức Bốn thực ra chỉ là một bài thơ tự do “du côn”, có phần nào tục tĩu, đầy rẫy mẹo mực của bọn lêu lổng ở trên thành phố: “Em bỏ chồng về ở với tôi không?”.

Đồng Đức Bốn bắt đầu “gian díu với kinh thành”, bước chân vào “giang hồ”, vào làng thơ bằng tập thơ Con ngựa trắng và rừng quả đắng (1992): một tập thơ tự do mà tôi đã có lần nói thẳng là “chỉ đáng xách dép cho Bằng Việt và Lưu Quang Vũ”. Đồng Đức Bốn đã chọn nhầm “vũ khí”. Thơ tự do là trò chơi của “đám giặc già giặc non lăng nhăng thơ phú có học”. Vũ khí của Đồng Đức Bốn phải là thơ lục bát: một thể thơ “tầm vông”, một thể thơ dân tộc, rất “búa”, “lấy tình át chữ”. Tập thơ Chăn trâu đốt lửa (1993) toàn thơ lục bát của Đồng Đức Bốn mới xác lập “chiếu trên” của anh ở trên văn đàn.

“Bao nhiêu là thứ bùa mê / Cũng không bằng được nhà quê của mình”; “Đưa em qua trận bão người / Bằng câu lục bát của giời cho anh”; “Tôi là thi sĩ đồng quê / Dám đem lục bát làm mê cung đình”.

Thơ lục bát là “giấy giới thiệu”, là “các-vi-dít” cho Đồng Đức Bốn “đánh đu” với các ông Tống Công Minh lớn nhỏ khắp bốn phương trời. Bước đường công danh của Đồng Đức Bốn đem lại cho anh không biết bao nhiêu ngọt bùi, bao nhiêu cay đắng. Thức ăn trộn lẫn thuốc độc hàng ngày: lẽ đời là thế! Bệnh ung thư bắt đầu từ đấy...

Đồng Đức Bốn như một nhân vật hoang đường bậc nhất thời nay: từ một nông dân chất phác mơ mộng ít học trở thành một thi sĩ tài danh bậc nhất, từ một kẻ ăn chạc nợ đìa thành một đại gia khét tiếng một vùng!

Tôi ước ao có thể viết được một bộ phim hoặc một tiểu thuyết về Đồng Đức Bốn: một nhân vật hoang đường bậc nhất của thời hiện đại!


Một người bạn hiếm có!

Đồng Đức Bốn phát hiện ra mình bị bệnh ung thư ác tính (chẩn đoán độ 3) từ ngày 13 tháng 5 năm 2005. Những ngày trị bệnh ở Hà Nội, các quan chức, bạn bè đến thăm Đồng Đức Bốn rất nhiều “đến sốt ruột” (lời của một nhân viên khách sạn H.) “Sừng tê giác, cổ linh chi / Thuốc men nào có thiếu gì nữa đâu”. Tôi quan sát Đồng Đức Bốn, nhận ra sự tiếc đời ở trong lòng đen của con mắt nhãn cứ mờ dần đi. Sống chết ở đời thực ra có ý nghĩa gì quan trọng? Có lẽ, tôi sắp mất đi một người bạn tốt. Rồi ngày nào đó cũng đến lượt tôi. Đến lượt tôi, chắc chắn tôi sẽ không sắp xếp một cái chết “nhặng xị” như Đồng Đức Bốn.

Tôi và Đồng Đức Bốn có những kỷ niệm khó quên. Tôi đã viết giới thiệu thơ anh khá là nồng nhiệt ở trong và ngoài nước. Anh luôn chơi “tháu cáy” khi biên tập lại một số bài viết của tôi về anh. Chính tôi cũng không biết là tôi có gọi anh là “vị cứu tinh của thơ lục bát” hay không cơ nữa. Thực ra điều ấy cũng chẳng có gì quan trọng. Đồng Đức Bốn có đầy đủ phẩm chất của một thi sĩ tài danh: anh vừa thực thà, vừa giảo hoạt, vừa anh hùng, vừa nhút nhát, một tay hào phóng bốc giời nhưng cũng bủn xỉn đong đếm từng củ dưa hành. Con người trần tục là thế, con người thánh nhân là thế. Sự thành thực to lớn, điên dại và ngông cuồng với cả cái hay, cái dở của Đồng Đức Bốn khiến cho nhiều người cảm động và thích thú anh. Lại nhớ đến một câu thơ của nhà thơ Nga Đécgiavin: “Ta là vua, ta là nô lệ. Ta là sâu bọ, ta là thần”.

Đồng Đức Bốn, người bạn hiếm có của tôi! Anh là một thi sĩ đáng yêu nhất mà tôi có nhân duyên gặp gỡ trong đời! Cuộc đời người ta vô thường như những ngọn gió. 5 năm trước, khi viết truyện ngắn “Đưa sáo sang sông” tôi đã nói đến ngọn gió vô thường này ở trên dòng sông thời gian cuộc đời: “Ngoài sông gió xuân thổi. Kìa gió xuân thổi bơ phờ trên mặt sông xanh ơi là xanh!”.

Đồng Đức Bốn! Như một ngọn gió! Như một ngọn gió trên cánh đồng xanh, trên dòng sông xanh...

Hà Nội 10/6/2005

Nguồn: Phần bài viết đã đăng trên Thể thao-Văn hoá ngày 11.6.2005. Phần thÆ¡ đăng lần đầu trên talawas.