trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 497 bài
  1 - 20 / 497 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
Loạt bài: Xã há»™i dân sá»±
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18 
1.7.2005
Marcia A. Weigle, Jim Butterfield
Xã hội dân sự trong các chế độ cộng sản đang đổi mới: Logic xuất hiện
4 kì
Lâm Yến dịch
 1   2   3   4 
 
Khủng hoảng có hệ thống: II

Việc công dân Trung Âu và USSR ngày càng quay lưng lại với các giá trị và các kênh tham dự chính thức cho thấy rõ thất bại của đảng-nhà nước trong việc khẳng định vai trò độc tôn trong việc đại diện lợi ích và giá trị. Những thất bại này xuất hiện trong thời kỳ mà chúng tôi gọi tên là “giai đoạn tự vệ” trong diễn trình phát triển của xã hội dân sự. Chúng đã xóa đi mọi hy vọng về tính chính đáng dựa trên nền tảng là sự trung thành [của dân chúng] với chế độ (quá trình này ở Trung Âu đã diễn ra nhanh hơn do quan hệ giữa chế độ ở mỗi nước với sự thống trị của Liên Xô).

Vì thế, các chế độ này đã quay lại các “yêu cầu tiên quyết về chức năng” của hệ thống, hay nói đơn giản hơn là quay lại dựa vào các thành tích kinh tế và chính trị. Khi mọi chuyện trở nên rõ ràng rằng tính chính đáng không thể được duy trì trên nền tảng các giá trị được chia sẻ hoặc các lợi ích chung, thì các chế độ buộc phải phát minh ra các “khế ước xã hội” mà theo đó công dân được hưởng một phần lợi từ hệ thống, [đồng thời khiến họ] phụ thuộc vào việc bảo đảm quyền lãnh đạo của đảng và việc duy trì trật tự xã hội. Đây là một chiến lược có tính toán của Kadar ở Hungary, [1] được Brezhnev của USSR [2] và Husak của Czechoslovakia sao chép lại trong những năm cuối thập kỷ 1960 và thập kỷ 1970, được giới lãnh đạo Gierek ở Ba Lan thực hiện suốt cả thập kỷ 1970. [3] Theo thuật ngữ khế ước xã hội, chế độ bảo đảm tăng dần mức sống và phong phú hóa chủng loại/số lượng hàng tiêu dùng, cung cấp phúc lợi cho công chúng, tăng lương và các biện pháp khuyến khích khác cho công nhân. Đổi lại, các cá nhân phải chấp nhận sự thống trị của đảng trên toàn xã hội, gồm cả việc họ phải rút lui khỏi các hoạt động chính trị và các hiệp hội công cộng không được nhà nước cho phép.

Tuy nhiên, mặt kinh tế của khế ước này không đủ để giải thích cân bằng tương đối ở Trung Âu, vì, như Stephen White đã chỉ ra, trong các giai đoạn kinh tế suy thoái ở Hungary, Czechoslovakia, Romania và Yugoslavia, người ta đã không thấy bất kỳ một đe dọa nghiêm trọng nào đối với khả năng kiểm soát của chế độ. [4] Thực ra, khế ước này đã sản sinh ra một hệ quả chính trị: nhờ việc nới lỏng tương đối sự kiểm soát về chính trị (đặc biệt là đối với các thành viên được tin tưởng trong giới trí thức ngoài đảng, tầng lớp ưu tú văn hóa và nghề nghiệp, và các nhà khoa học tự nhiên) mà các cá nhân này có nhiều khoảng tự do nghề nghiệp hơn khi chấp nhận quyền lãnh đạo của đảng. [5] Trong khi có nhiều phiên bản khác nhau về kiểu và các điều kiện của khế ước xã hội ở mỗi nước trong khu vực Trung Âu và USSR, các quy định chung đã cung cấp sự ổn định tương đối và ngăn ngừa được các hoạt động độc lập quy mô lớn trong suốt thập kỷ 1970.

Tuy nhiên, vào cuối thập kỷ này, nền tảng trên đó các chế độ thiết kế nên các khế ước xã hội đã bắt đầu đổ vỡ. Không chỉ chuyện nền kinh tế tập trung liên tục gặp khó khăn, mà chi phí cho việc bao cấp các thua lỗ của hệ thống khiến chế độ không thể thực hiện được các thỏa thuận kinh tế. Với việc cần phải áp dụng các biện pháp khắc khổ, các chế độ không còn khả năng dựa vào sự ủng hộ của những nhóm cảm tình viên truyền thống, đặc biệt là công nhân. Về mặt chính trị, các lãnh đạo nhận ra rằng khó mà nhượng bộ tự do từng phần cho các nhóm được ưu đãi trong xã hội mà không chịu rủi ro bị chỉ trích về các chính sách của chính họ và các áp lực tiếp tục giải phóng. [6] Cuộc giải phóng về chính trị do chế độ khởi xướng đã tạo ra các sức ép mới bằng việc nuôi dưỡng một môi trường đa nguyên nhất định về lợi ích trong xã hội, trong khi [môi trường ấy] vẫn tiếp tục phê phán nghiêm khắc sự cai trị ngày càng kém hiệu quả của bộ máy đảng-nhà nước.

Sự tan rã của các khế ước xã hội đặt ra câu hỏi về tính chính đáng của chế độ dựa trên bảng thành tích kinh tế và chính trị [nghèo nàn]. Các cuộc khủng hoảng tính chính đáng đang tiềm tàng đẩy chế độ vào việc lựa chọn một chiến lược mà, dựa trên nhiều tình huống khác nhau, trở nên phổ biến tại các nước Trung Âu và Liên Xô. Chiến lược này, hoặc được phỏng đoán dựa trên áp lực xã hội, hoặc được thừa kế bởi giới lãnh đạo có đầu óc cải cách, là nhằm tạm ngăn chặn các cuộc khủng hoảng đang treo lơ lửng bằng cách nới rộng không gian hợp pháp cho các hoạt động công cộng độc lập. Bằng việc thừa nhận một phạm vi rộng rãi hơn cho các hoạt động độc lập, bất kể là chính sách chủ động (proactive) hay thụ động (reactive) với thực tế, các chế độ đã vô tình tạo ra một không gian cho xã hội dân sự phát triển. Tại những nơi các cuộc khủng hoảng kinh tế đóng vai trò chất xúc tác cho chính sách này, mục đích của chế độ thông qua chính sách này là nhằm chuyển một phần gánh nặng của cái đáng nhẽ ra là cải cách kinh tế của nhà nước sang vai các nhà hoạt động xã hội độc lập. Tại những nơi nổ ra các khủng hoảng chính trị, các chế độ này thấy cần phải giảm bớt các phong trào quy mô lớn có thể nổ ra bằng cách nhìn nhận tính hợp pháp của các nhóm độc lập. Trong cả hai trường hợp, các chế độ này đều hy vọng làm giảm căng thẳng bằng cách chấp nhận một số mức độ hoạt động độc lập giới hạn, trong khi tìm cách mở rộng cơ sở ủng hộ cho mình và giữ vững hệ thống cũng như quyền lực của Đảng Cộng sản. [7]

Chính sách này đem lại cơ hội cho các nhà hoạt động xã hội và các nhóm tham gia vào không gian công, công khai bày tỏ các quan tâm của họ và các lộ trình cải cách. Đến thời điểm này, quá trình bảo vệ tính tự chủ của cá nhân và nhóm đã chuyển sang quá trình xuất hiện của xã hội dân sự, bùng lên với việc đảng-nhà nước cải cách nhượng bộ cho các nhà hoạt động độc lập tính chất bán-hợp pháp.


Sự xuất hiện của xã hội dân sự: Trung Âu

Bằng chứng đầu tiên về sự tồn tại của một xã hội dân sự tự tổ chức và độc lập ở khối Cộng sản là sự xuất hiện của Công đoàn Đoàn kết của Ba Lan vào năm 1980. Phong trào này được hình thành bởi một liên đoàn các ủy ban đình công được tổ chức và ủng hộ bởi công nhân và trí thức, và trình diện với giới lãnh đạo đảng như là một fait accompli (thực tế không thể đảo ngược). Vào đầu năm 1981, có khoảng trên 8 triệu người Ba Lan đã tham gia Công đoàn Đoàn kết, gồm cả một phần ba số đảng viên Cộng sản. [8] Chương trình của Công đoàn Đoàn kết bao gồm các mục tiêu kinh tế như giao quyền tự quản lý cho các doanh nghiệp và phi tập trung các quá trình kinh tế, các mục tiêu chính trị như hạn chế việc kiểm duyệt và mở rộng tự do dân sự, bao gồm cả tự do báo chí. [9] Bộ khung cho hoạt động tự tổ chức này đã được Adam Michnik phát triển vài năm trước đó (ông là một nhân vật nổi bật trong cả KOR lẫn Công đoàn Đoàn kết). Chủ nghĩa tiến hóa mới của ông là một chiến lược làm tăng hoạt động tự tổ chức của xã hội (cái sẽ “empower” -đem lại quyền lực cho- xã hội) trong khi vẫn chấp nhận vai trò lãnh đạo của đảng đối với các chức năng của nhà nước và với việc hoạch định kinh tế dài hạn. [10]

Chiến lược này khuyến khích “[các cuộc] đổi mới và cách mạng hướng tới việc mở rộng tự do dân sự và các quyền con người”, bắt nguồn không phải từ các nhóm đổi mới trong đảng, mà từ hoạt động của xã hội “hướng tới đối tượng là công chúng độc lập…” [11] Nhà nước và cuộc cải cách lấy đảng làm trung tâm (dựa cả trên sự thay đổi trong đảng và các kêu gọi của giới trí thức yêu cầu đảng-nhà nước mở rộng các quyền dân sự) đã được chứng minh là thất bại ở Ba Lan, Hungary, và Czechoslovakia. “Chủ nghĩa tiến hóa mới” khác với các nỗ lực của các nhà cải cách ở giả định của nó về tính “không thể tự đổi mới” của đảng, và đặt “niềm tin vào quyền lực của giai cấp lao động” như là con đường duy nhất để gây áp lực đòi dân chủ hơn. Chiến lược mới này của lực lượng đối lập là nhượng bộ quyền lực của Đảng Cộng sản Ba Lan (được sự hậu thuẫn của Liên Xô) trên lĩnh vực các chức năng của nhà nước; trong khi khuyến khích xã hội đẩy lùi các đường biên kiển soát của đảng-nhà nước bằng cách chủ động đấu tranh đòi mở rộng tự do dân sự, tự do phát biểu ý kiến và tự chủ trong hành động.

Sự phát triển về tổ chức của Công đoàn Đoàn kết -với tư cách là một chủ thể hoạt động có khả năng thâm nhập vào không gian công và tìm cách ảnh hưởng (có thể là đưa ra) chính sách- đã đặt ra câu hỏi về sự xuất hiện của xã hội dân sự cùng tồn tại với đảng-nhà nước. “Chủ nghĩa tiến hóa mới” giả định rằng một phong trào xã hội độc lập có thể đạt được các mục tiêu của mình trên các lĩnh vực như công nhân tự quản trị (worker self-management) và công dân tự quản lý (citizen self-government), trong khi vẫn thừa nhận quyền lực của nhà nước đối với nền chính trị quốc gia (bao gồm, ban đầu là nomenklatura [nhóm quyền lực quan liêu]- quyền tự chọn lựa các nhân vật lãnh đạo chủ chốt không qua bầu cử dân chủ), hoạch định đường lối kinh tế, và các công cụ bạo lực. Cách tiếp cận tân-Gramsci này xuất hiện trong điều kiện mà khế ước giữa một xã hội độc lập và một nhà nước mềm mỏng đã trở nên không khả thi. Một khế ước như vậy sẽ phải gồm các bảo đảm thể chế cho hoạt động xã hội độc lập và các diễn đàn độc lập để phân xử những vi phạm khế ước. Cả hai yếu tố này sẽ xâm phạm vào các đặc quyền truyền thống của đảng trong việc duy trì sự lãnh đạo của mình. Với việc đảng nắm độc quyền đàn áp và mối đe dọa luôn hiển hiện từ phía Liên Xô, một xã hội độc lập tự tổ chức chấp nhận vai trò bá chủ của Đảng Cộng sản là cái tốt nhất có thể hy vọng đến, trong “thế giới của những điều có thể”. [12]

Trong khi xác định lại mục tiêu của các cuộc đổi mới và ở một mức độ nào đó, định nghĩa lại ý nghĩa của “quyền lực”, những ảnh hưởng ban đầu của Công đoàn Đoàn kết có thể đã thấp hơn nhiều nếu không có sự thừa nhận chính thức từ phía nhà nước về sự tồn tại hợp pháp của nó. Stanislaw Kania, người đã thay thế Gierek năm ngày sau khi các hiệp ước Gdansk được ký kết vào tháng Tám năm 1980, đã buộc phải đưa ra sự thừa nhận pháp lý này vì tầm quan trọng của công nhân đối với sự ổn định xã hội và tính chính đáng của chế độ. Bộ máy lãnh đạo Kania muốn đưa Công đoàn Đoàn kết vào trong cấu trúc đảng-nhà nước đã tồn tại từ trước, buộc nó phải chia sẻ gánh nặng của các giải pháp khắc khổ không được quần chúng ủng hộ, mà không cho phép nó tích lũy bất cứ quyền lực nào trong cả quá trình đó. [13] Ở Ba Lan, khủng hoảng kinh tế cuối thập kỷ 1970 đã buộc đảng phải nhượng bộ một vũ đài rộng rãi hơn cho sự tham dự độc lập (nhưng có kiểm soát) của công chúng, nhằm ngăn chặn thảm họa kinh tế và tan rã xã hội. [14]

Ở Hungary và Czechoslovakia, nơi các chế độ được thiết lập sau chính biến năm 1956 và 1968 đã loại trừ một cách hiệu quả các hoạt động độc lập ở quy mô lớn, yếu tố đưa đến sự ra đời của xã hội dân sự là các cuộc khủng hoảng tính chính đáng cả trên lĩnh vực chính trị và kinh tế. [15] Sự khuyến khích của Gorbachev về “hoạt động sáng tạo của đám đông [của chính ông ta]” cũng như việc Liên Xô cắt bớt viện trợ cho các chế độ Cộng sản Trung Âu đã làm xói mòn vai trò lãnh đạo của chế độ gia trưởng Kadar ở Hungary và các chiến lược đàn áp của Husak ở Czechoslovakia, đem đến các động lực mới cho các nhà hoạt động xã hội độc lập.

“Chủ nghĩa tiến hóa mới” ảnh hưởng tới các hoạt động không chỉ của Công đoàn Đoàn kết cả trước và sau thiết quân luật của Jaruzelski năm 1981, mà còn của FIDESZ (Liên Đoàn các Nhà Dân chủ Trẻ) và HDF (Diễn Đàn Dân chủ Hungary), Phong trào vì Tự do Dân sự ở Czechoslovakia, và các nhóm hòa bình ở Cộng Hòa Dân Chủ Đức vào cuối thập kỷ 1980. [16] Trong mỗi trường hợp, số lượng các nhà hoạt động xã hội ngày một đông đã cố gắng một cách có ý thức nhằm tham gia vào các diễn đàn công cộng độc lập. Các nhóm độc lập được thành lập nhanh chóng nhằm biểu đạt các giá trị và lợi ích ngoài đảng (vốn đã được nêu ra một cách ngần ngại trong thời kỳ tự vệ) hoặc hành động theo các giá trị và lợi ích này. Các nhóm vốn chỉ đưa ra các yêu sách hạn chế trong giai đoạn tự vệ thì nay mở rộng chúng. Họ cũng thiết lập các kết nối tổ chức với các nhóm khác, nhằm biến mình thành những phương tiện truyền tải sự tham dự rộng rãi của xã hội. [17] Cùng lúc, các yêu sách của họ ngày càng trở nên tập trung vào chính trị khi đòi hỏi phạm vi rộng rãi hơn cho các hoạt động độc lập và được quyền tham dự vào các quá trình lập chính sách (trước đây vốn là độc quyền của chế độ Cộng sản phi hiệu quả).

Ví dụ như ở Hungary, nhóm Danube đã được thành lập năm 1984 nhằm phản đối việc xây dựng đập nước Danube, hoạt động trên giả định rằng các mục tiêu về môi trường là phi chính trị. Cho đến năm 1988, các bộ phận của nhóm này đã đi đến kết luận rằng sự thay đổi xã hội không thể đến nếu không có một cuộc đấu tranh chính trị công khai chống lại đảng. [18] Cũng trong giai đoạn này, các nhóm độc lập ở Hungary bắt đầu tiến hành các chiến lược thừa nhận quyền lãnh đạo của đảng, nhưng kêu gọi sự hình thành một xã hội độc lập. Năm 1987, tạp chí đối lập Hungary Beszelo cho xuất bản một chương trình “đổi mới chính trị” theo đó “công nhận quyền lãnh đạo của đảng như là đã định trước” nhưng tiến tới một “nền đa nguyên được đưa vào luật”. [19] Chỉ trong một năm, nhiều kêu gọi cấp tiến hơn bởi các nhóm độc lập Hungary được nêu ra cho công chúng độc lập, dựa trên nền tảng là “xã hội có trách nhiệm tham gia vào việc hình thành bản sắc của chính nó,” vì “sự bảo đảm cao nhất và nơi chứa đựng dân chủ chính là một xã hội dân chủ, đã thức tỉnh về chính trị, chứ không phải nhà nước.” [20] Ở Czechoslovakia, Phong trào vì Tự do Dân sự (HOS) hướng các kêu gọi của họ tới công chúng chứ không phải tới nhà nước. Họ lập luận rằng chính công chúng phải tham dự vào vũ đài chính trị vì “các chính quyền toàn trị” không có khả năng thực hiện các thay đổi chính trị và kinh tế cần thiết để đem lại sức sống mới cho sự tồn tại của đất nước. [21]

Khi xã hội ngày càng phản ứng lại với thách thức, các nhà hoạt động xã hội độc lập càng xuất hiện rõ, và các hoạt động của họ cũng ngày càng sôi nổi (hoặc thông qua các nhóm xã hội, hoặc trong các cuộc biểu tình quy mô lớn), và các mục tiêu đấu tranh của họ ngày càng được chính trị hóa. Trong khi các đảng Cộng sản cầm quyền buộc phải nhượng bộ, họ cũng cố gắng phá hoại hoạt động độc lập tại mọi ngả rẽ, bằng cách trì hoãn việc đăng ký pháp lý, không cho tiếp cận các nguồn lực (Ba Lan và Hungary), hoặc đàn áp và bắt giam các nhà hoạt động nổi bật nhất (Czechoslovakia). Chính sách hai mặt, vừa đối thoại vừa đàn áp này đã gây hiệu ứng ngược lại tới các đảng [cầm quyền] vì sự chia rẽ nội bộ bắt đầu phát sinh trong việc xác định chiến lược nào có lợi nhất, đàn áp hay tăng cường tự do. Sự chia rẽ này dẫn đến việc từ chức hàng loạt từ đủ mọi thứ bậc trong đảng (Ba Lan năm 1980), và tăng cường sức mạnh của bộ phận cải cách trong các Đảng Cộng sản -những người muốn đàm phán với lực lượng đối lập bất kể mong muốn của các thành phần cứng rắn (Hungary và Czechoslovakia). [22] Sự chia rẽ trong các đảng cầm quyền đem lại lợi thế cho lực lượng đối lập -những người đang gây áp lực lên các chế độ này qua các phương tiện như Công đoàn Đoàn kết ở Ba Lan, các nhóm có tổ chức ở Hungary, và các cuộc biểu tình rầm rộ ở Czechoslovakia, đòi tăng tốc độ cải cách. Cuối cùng, điều này đã đóng góp vào quá trình giải thể các chế độ cộng sản.

Ở Ba Lan, Hungary và Czechoslovakia, các nền tảng cho một xã hội dân sự độc lập được xây dựng trên cơ sở các sáng kiến xã hội từ bên dưới, được thiết kế nhằm đem lại quyền lực cho xã hội trong điều kiện Cộng sản thống trị toàn bộ các chính sách quốc gia. Chiến lược của các nhà hoạt động xã hội là chấp nhận vị trí độc tôn của đảng, trong khi lại tạo dần ra một vương quốc tự chủ được nhìn nhận là hợp hiến và hợp pháp bởi chính cái nhà nước vẫn đang bị thống trị bởi một đảng duy nhất. Ẩn ý là hoạt động độc lập sẽ phải tự giới hạn trong khi tìm kiếm các mục đích của mình, sao cho không đe dọa đến quyền lực quốc gia của đảng.

Lịch sử cho chúng ta thấy rằng chiến lược “chủ nghĩa tiến hóa mới” không thể tồn tại lâu dài. Các phong trào độc lập, bất kể sự xâm lấn của họ vào các chức năng nhà nước bị giới hạn đến đâu, vẫn không thể tự giới hạn mình trong bối cảnh các tiêu chí của đảng về tính chính đáng. Các đảng Cộng sản theo khuynh hướng cải cách và đang bị chia rẽ không thể chấp nhận các ẩn ý về hoạt động thực sự độc lập. Cân bằng quyền lực vì thế nhất thiết chỉ mang tính tạm thời. Bên nào sẽ là người chiến thắng phụ thuộc phần lớn vào các bối cảnh quốc tế và chính sách nội bộ của USSR.

Năm 1981, lãnh đạo Jaruzelski ở Ba Lan đàn áp Công đoàn Đoàn kết khi phong trào này bắt đầu động viên, không chỉ các thành viên của họ, mà còn dân chúng nói chung. Sau khi Gorbachev giải thích rõ các điều kiện mới cho quyền lực của các đảng cầm quyền và sự can thiệp của Liên Xô trở nên ngày càng ít khả năng, ở Ba Lan (1988), Hungary (1988-89) và Czechoslovakia (1989) đã có sự bùng lên của xã hội dân sự, và nó nhanh chóng động viên để tiến tới lật đổ các chế độ Cộng sản đã suy yếu. Không có sự hậu thuẫn của Liên Xô, các chế độ vốn đã suy yếu giờ đây phải đối mặt với một xã hội độc lập -mà trong đó các thành viên của nó lúc này đã có thể lựa chọn trung thành với bên nào. Các nỗ lực hời hợt ban đầu nhằm kiềm chế một xã hội dân sự tự tổ chức và độc lập -cái đang tìm kiếm một tạm ước với chế độ- đã đem lại cuộc động viên của các nhà hoạt động xã hội; và những cuộc động viên này lần lượt lật đổ các chế độ ở từng nước một. Bây giờ chúng tôi sẽ chuyển sang bàn về trường hợp của Liên Xô và so sánh các hình mẫu của diễn trình phát triển xã hội dân sự trong các giai đoạn hình thành của nó.




[1]Bennett Kovrig, Communism in Hungary from Kun to Kadar (Stanford: Hoover Institution Press, 1979), p. 361.
[2]Peter Hauslohner, "Gorbachev's Social Contract," Soviet Economy, 3 (1987), 56-60.
[3]Jack Bielasiak, "The Party: Permanent Crisis," in Abraham Brumberg, ed., Poland: Genesis of a Revolution (New York: Random House, 1983), p. 19.
[4]Stephen White, "Economic Performance and Communist Legitimacy," World Politics, 38 (April 1986), 462-482.
[5]Ibid.
[6]Kovrig, p. 362, and Erik P. Hoffmann and Robbin F. Laird, Technocratic Socialism: The Soviet Union in the Advanced Industrial Era (Durham: Duke University Press, 1985), pp. 163-164.
[7]Xem, ví dụ, Gabor Demszky, "Initiatives for Hungary," East European Reporter, 3 (Autumn 1988), 49-54, and East European Newsletter, 3 (March 22, 1989), 2.
[8]Mason, p. 94.
[9]Ibid., pp. 112-115.
[10]Ví dụ, trong thỏa hiệp tháng Tám năm 1980 của Gdansk, Công đoàn Đoàn kết sẵn lòng chấp nhận vai trò lãnh đạo của PUWP đối với nhà nước, ngụ ý rằng quyền lực của đảng phải được hạn chế trong phạm vi các chức năng của nhà nước và hành chính. Xem Timothy Garton Ash, The Polish Revolution: Solidarity (New York: Scribner, 1984), p. 69. Trong một diễn biến tương tự, lực lượng đối lập Hungary năm 1987 chấp nhận vai trò lãnh đạo của đảng chỉ trong “phần được quy định bởi hiến pháp trong khung pháp lý của nhà nước.” Xem "A Social Contract: Conditions for Political Renewal," Beszelo (June 1987), in East European Reporter, 3 (October 1987), 57.
[11]Adam Michnik, Letters from Prison and Other Essays, (Berkeley: University of California Press, 1985), p. 142.
[12]Để biết các ảnh hưởng của doanh nghiệp tư trong việc nuôi dưỡng không gian công, xem Timothy Garton Ash, "Reform or Revolution?," New York Review of Books, Oct. 27, 1988, pp. 47-48.
[13]Ash, The Polish Revolution: Solidarity, p. 12.
[14]Các nguyên nhân trong trường hợp của Ba Lan phức tạp hơn nhiều, bao gồm từ rạn nứt sâu xa giữa nhà nước và xã hội khi cảnh sát Ba Lan bắn vào các công nhân biểu tình năm 1970, chuyến viếng thăm của giáo hoàng năm 1979, và thực tế rằng nhà thờ Catholic đã phát triển một triết lý xã hội, theo đó nó có trách nhiệm bảo vệ các quyền bất khả chia lìa của mọi người Ba Lan (một trách nhiệm mà nhà nước đã không thực hiện. Ibid., pp. 20, 30-1.
[15]Các động cơ kinh tế được phân tích trong Janos Kris, "Why Be Afraid?," East European Reporter, 3 (Autumn 1988). 51, and R. W. Apple, Jr., "Prague's Shaky Bargain: The Government Xemks to Stop the Decline in Industry before It Leads to a Rebellion," New York Times, Nov. 16, 1989, p. 1.
[16]Tismaneanu, p. 102.
[17]Sự xuất hiện của xã hội dân sự, vì thế, được mô tả bởi sự đoàn kết xã hội ngày một chặt chẽ, là kết quả của tăng cường trao đổi về các giá trị được chia sẻ, như cách diễn đạt của Timothy Garton Ash, "từ các giá trị tự chủ tới việc phát biểu các giá trị được chia xẻ.” Không gian hoạt động công được mở rộng cũng cho phép xã hội hình thành một “sự thức tỉnh về các giá trị được chia xẻ của nó." Ash, The Polish Revolution, p. 30.
[18]Miszlevitz, p. 89.
[19]"A Social Contract: Conditions for a Political Renewal," Beszelo (June 1987), in East European Reporter, 3 (October 1987), 56-57.
[20]Tuyên bố đầu tiên trong "Network of Free Initiative" vào tháng Ba năm 1988 "Call to Action," tuyên bố thứ hai bởi FIDESZ. Cả hai được trích dẫn trong Miszlevitz, pp. 90 and 94.
[21]"'Democracy for All:' The Manifesto of the Movement for Civil Liberties," East European Reporter, 3 (Spring-Summer 1989), special section, after p. 38.
[22]Với tình hình chia rẽ trong Đảng Cộng sản từ khi có cuộc lật đổ Janos Kadar vào tháng Năm 1988, nhà cải cách Imre Poszgay đã đấu tranh cho chính sách đối thoại với lực lượng đối lập, chống lại các nhóm bảo thủ ban đầu do Karoly Grosz làm thủ lĩnh. Ở Czechoslovakia tháng Ba 1989, Lãnh đạo Cộng sản Ladislev Adamec ủng hộ đàm phán với đối lập mặc cho mong muốn của bộ phận cứng rắn của Jackes trong đảng. Xem Eastern European Newsletter, 3 (March 22, 1989), 2.