trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 497 bài
  1 - 20 / 497 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
Loạt bài: Xã há»™i dân sá»±
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18 
1.7.2005
Marcia A. Weigle, Jim Butterfield
Xã hội dân sự trong các chế độ cộng sản đang đổi mới: Logic xuất hiện
4 kì
Lâm Yến dịch
 1   2   3   4 
 
Liên Xô

Động cơ cho các tham dự độc lập ở USSR bắt nguồn từ các lãnh đạo đảng theo đường lối cải cách thay vì từ các áp lực nhịp nhàng của các nhà hoạt động xã hội độc lập (như ở Trung Âu). Chính Gorbachev và những người ủng hộ ông đã công khai nhìn nhận các yếu tố “tiền khủng hoảng” của hệ thống Soviet. Cuộc khủng hoảng lúc đầu được định nghĩa trong các giới hạn kinh tế và xã hội. [1] Nhưng cuối cùng, người ta [buộc phải] nhìn nhận là cuộc khủng hoảng tổng thể đó có nhiều âm hưởng chính trị. Sự nhìn nhận đó đi xa tới mức thừa nhận rằng CPSU (đảng Cộng sản Liên Xô) đã không thể lấy được lòng tin của công chúng Soviet. Giải pháp cho cuộc khủng hoảng này phụ thuộc vào sự ủng hộ tiêu cực từ xã hội, không chỉ để phục sinh các quá trình kinh tế và xã hội, mà còn để chống lại sự đối kháng chắc chắn từ giới quan chức đang trong các cơ quan quyền lực.

Bắt đầu từ 1985, các nhà cải cách của đảng và của giới trí thức đã khuyến khích các hoạt động độc lập của quần chúng -những người sẽ tham dự tập thể vào việc giải quyết các bài toán kinh tế và xã hội vốn trước đây bị đảng-nhà nước tảng lờ hoặc làm trầm trọng thêm. Lúc đầu được nhìn nhận là sự lên tiếng của công chúng về các bất bình (discontent) và quan điểm (opinion), cuối cùng, sự tham dự độc lập được chấp thuận trong ranh giới của “nền đa nguyên xã hội chủ nghĩa”. Nếu xem xét tầm nhìn của nó về quan hệ nhà nước và xã hội được tái thiết lập, thì nền đa nguyên xã hội chủ nghĩa của Gorbachev là một dạng “thuyết tiến hóa mới” bắt nguồn từ nhà nước. Trong khi thừa nhận quyền tự chủ của các cá nhân và nhóm, các nhà cải cách giả định rằng các hoạt động độc lập sẽ tự giới hạn và chỉ nằm trong ranh giới của chủ nghĩa xã hội mà đảng xác định. Hợp tác giữa đảng-nhà nước với hoạt động độc lập tự giới hạn sẽ dẫn tới một nền kinh tế năng động hơn, các điều kiện xã hội khỏe khoắn hơn, và một quá trình chính trị hiệu quả hơn.

Trong giai đoạn “xuất hiện” này của xã hội dân sự, hầu hết các nhà cải cách trong đảng và trong giới trí thức giả định rằng các hoạt động xã hội độc lập sẽ chỉ nằm trong khuôn khổ các mục tiêu do Đảng Cộng sản đặt ra, nhưng là cái mà giờ đây chịu ảnh hưởng bởi các phát biểu tự do công khai. Chiều hướng của các hoạt động trong một xã hội dân sự bán độc lập sẽ phải được quyết định bởi Đảng Cộng sản-mới-được-dân-chủ-hóa. Nhà phân tích xã hội Soviet, Andranik Migranian, viết năm 1987:

Khả năng thực tế duy nhất để xã hội có thể kiểm soát quyền lực là kích hoạt xã hội dân sự và thể chế hóa mối liên hệ chính của nó. Các nỗ lực gần đây do Đảng thực hiện nhằm xóa bỏ sự giám hộ và các quy định của các cơ quan quyền lực nhà nước (các bộ và các ban) đối với hoạt động của các tập thể lao động (work collectives), và trao cho họ quyền độc lập hơn trong việc giải quyết các bài toán kinh tế và xã hội trong doanh nghiệp của họ, và trong xã hội nói chung, là một bước quyết định trên con đường đi đến sự thay đổi cán cân lực lượng giữa bộ máy hành chính và xã hội dân sự theo hướng có lợi cho xã hội..., CPSU, với tư cách là lãnh đạo thực sự của giai cấp lao động và của người dân Soviet, đã trở thành người khởi xướng và dẫn dắt quá trình tái cấu trúc mang tính cách mạng này. [2]

Trong khi các nhà cải cách khác suy đoán sự đối kháng giữa các nhóm xã hội (đại diện cho sự xuất hiện của xã hội dân sự) và đảng sẽ tăng lên, vì thế, ở một mức độ nhất định, họ thừa nhận xung đột là một phần sẵn có của xã hội dân sự, họ cũng mường tượng ra sự xuất hiện của nó trong bối cảnh “các mục tiêu chủ nghĩa xã hội,” “các nguyên tắc nhân văn,” và các nguyên lý nền tảng của “chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa nhân văn, và dân chủ.” Các nhà cải cách trong chính quyền hiếm khi đưa ra một cơ chế để xác định những thuật ngữ này khi [hiện thực đã] vượt ra ngoài status quo (nguyên trạng). Nhiệm vụ xác định các mục tiêu phát triển xã hội và quan hệ kèm theo giữa nhà nước và xã hội sẽ nằm trong quyền phán quyết của nhà nước độc đảng. Tầm nhìn của Gorbachev về “nền đa nguyên xã hội chủ nghĩa” (ban đầu được chấp nhận bởi nhiều nhà cải cách ở cương vị cao) được dựa trên giả thuyết rằng nền đa nguyên xã hội chủ nghĩa có thể cùng tồn tại với nhà nước độc đảng.

Ngôn ngữ của các nhà cải cách Soviet trong những năm đầu cầm quyền của Gorbachev cũng giống với của giới trí thức Trung Âu trong thập kỷ 1970 và đầu 1980 khi họ kêu gọi giải phóng xã hội khỏi nhà nước đàn áp và đang mất dần hiệu lực. Ví dụ Arbatov và Batolov viết rằng “sự nối tiếp lô gíc của quá trình hướng tới việc giải phóng cho các tổ chức xã hội đông đảo là việc phát triển mở rộng các hoạt động chính trị và xã hội của quần chúng toàn quốc.” [3] Giống như các nhà quan sát sự xuất hiện của xã hội dân sự ở Trung Âu, họ lưu ý rằng quá trình giải phóng xã hội phải diễn ra trong khuôn khổ của nhà nước đổi mới, một nhà nước sẵn sàng đẩy lùi các ranh giới phán quyết của mình.

[Quá trình này có thể]…đến đồng thời từ bên trên -từ sự chỉ đạo của nhà nước, và từ bên dưới -từ các doanh nghiệp, các hiệp hội của công dân, các tổ chức quần chúng, những người không đơn giản chỉ biết hoan hô đảng và nhà nước, mà còn biết đưa ra các giải pháp thay thế bắt nguồn từ các sáng kiến của quần chúng, hiện thân của các kinh nghiệm cụ thể của họ, và có thể các giải pháp này còn khác biệt hẳn so với các khuyến nghị về quản lý các quá trình xã hội của bộ máy nhà nước. [4]

Các nhà lý thuyết Soviet thừa nhận ảnh hưởng của một nhà nước quá hùng mạnh vốn khiến cho cá nhân và xã hội ngạt thở, và kêu gọi phát triển một xã hội dân sự dựa trên các tổ chức độc lập và các hoạt động công cộng độc lập khỏi các ràng buộc quan liêu và hành chính của nhà nước. Họ kêu gọi tái cấu trúc lại quan hệ giữa nhà nước và xã hội, nhằm tạo ra và bảo vệ biên giới của xã hội dân sự tự chủ ở USSR, cái sẽ bao gồm các tổ chức quần chúng độc lập, sự bình đẳng của công dân trước pháp luật, một bộ máy nhà nước chuyên nghiệp, một nền hành chính trung lập, tự do thông tin và phát biểu ý kiến. Bộ máy nhà nước phải được hợp lý hóa để trở nên hiệu quả hơn trong tác nghiệp hành chính và thực thi chính sách. [5] Đảng Cộng sản sẽ có được tính chính đáng trong kiểm soát bộ máy nhà nước nếu nó chấp nhận phê bình từ các nhóm xã hội, tham gia vào đối thoại chính sách, và chuyển hướng bộ máy quan liêu của nó khỏi các khuynh hướng lập chính sách và tập trung hơn vào các chức năng giới hạn của quản lý nhà nước. [6]

Kêu gọi (sự tham gia của xã hội) của Gorbachev được đáp lại một cách đáng ngạc nhiên. Giữa 1986 và 1988, có sự bùng nổ của các hoạt động nhóm độc lập, với khoảng xấp xỉ 30000 “nhóm không chính thức” (không đăng ký với nhà nước và không được tài trợ bởi Đảng Cộng sản) lộ diện hoặc được thiết lập hoàn toàn mới. Mục tiêu của các nhóm này trải rộng trên nhiều lĩnh vực và phân tán, bao gồm các quan tâm về môi trường, văn hóa, lịch sử, chủ nghĩa dân tộc, chính trị và xã hội. Trong khi phần lớn các nhóm tập trung vào các vấn đề “cuộc sống hàng ngày,” [7] chứ không phải muốn thay đổi chính trị, chính hiện tượng tổ chức độc lập này đã có nhiều ý nghĩa trong việc làm xói mòn tính chính đáng và quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

Giống như ở Trung Âu, Đảng Cộng sản Soviet đã tìm cách đưa các nhóm không chính thức vào trong các tổ chức do đảng tài trợ, hoặc khi mục đích này thất bại, thì đưa các nhóm này vào dưới chiếc ô của các tổ chức mặt trận quần chúng do đảng ủng hộ. [8] Trong khi hầu hết các nhóm lúc đầu đều ủng hộ chính sách perestroika (tái cấu trúc) của Gorbachev, cuối cùng thì người ta cũng thấy rằng sự quan liêu của đảng (với sự giúp đỡ của các lãnh đạo CPSU bảo thủ) không chỉ tìm cách phá hoại các hoạt động độc lập mà còn cản đường perestroika. Khi các nhóm tìm cách tổ chức, các ủy ban đảng địa phương và các Soviet đã từ chối cấp giấy phép cho các cuộc mít tinh công cộng và các cuộc biểu tình, kéo dài các thủ tục đăng ký hợp pháp hóa hoạt động độc lập, và tìm cách ngăn chặn các nhóm này tiếp cận tới các nguồn lực. [9] Tại mức độ toàn bang, quan chức các bộ tìm cách ngăn chặn bất cứ các hoạt động nhóm độc lập nào đe dọa đến quyền phán quyết của bộ trong việc tài trợ các dự án xã hội. Khi các cơ quan chức năng của đảng và nhà nước trở nên bất thỏa hiệp và hung hăng phản ứng lại các sáng kiến của xã hội, các nhà vận động độc lập trở nên lạnh nhạt với những thay đổi do nhà nước khởi xướng và quay lại nhạo báng perestroika của Gorbachev. [10] Giống như ở Trung Âu, nỗ lực của các nhóm độc lập nhằm hoạt động trong ranh giới bất định của các chương trình cải cách của Gorbachev, và theo đuổi các mục tiêu độc lập trong khuôn khổ pháp lý liên tục thay đổi, đã gặp phải cách đối xử hai mặt từ phía các quan chức của đảng và nhà nước. Điển hình là trường hợp nhóm Memorial (gồm nhiều trí thức Moscow tổ chức lại để xây dựng một khu tưởng niệm các nạn nhân của thời kỳ khủng bố Stalin). Hiến chương của nhóm quy định sự tôn trọng các chuẩn mực hợp pháp trong việc thiết lập và các hoạt động của nhóm. [11] Khi Bộ Văn hóa tìm cách vô hiệu hóa mục đích của Memorial bằng cách xây dựng riêng một khu tưởng niệm khác và sung công toàn bộ số tiền mà nhóm này quyên góp được, thì mọi người đều hiểu rõ rằng hiến pháp hiện có không phải là cái giúp bảo đảm quyền tự chủ của các hoạt động nhóm độc lập và tự tổ chức.

Ngay cả khi đối mặt với sự phá hoại [từ nhà nước] như thế, cũng như những trì hoãn kéo dài trong việc đưa ra các bảo đảm pháp lý đã được hứa hẹn từ trước cho các hiệp hội quần chúng độc lập, [12] các nhà vận động độc lập vẫn kiên trì tổ chức các nhóm, nhằm nêu ra và tìm cách đạt được các mục tiêu độc lập. Khi các nhóm ngày càng giỏi quảng bá các hoạt động của họ và đến được với đông đảo công chúng, các mục tiêu của họ cũng ngày càng được chính trị hóa, giống như ở Trung Âu. [13] Các nhóm bắt đầu liên kết các mục tiêu của họ với những thay đổi trong toàn hệ thống, gồm cả việc tái cấu trúc quan hệ giữa nhà nước và xã hội. Các nhà hoạt động xã hội ngày càng thấy rằng mục tiêu của họ không thể đạt được trong khuôn khổ hệ thống chính trị hiện tại. Khi mô tả các nỗ lực của người dân Moscow chống lại việc xây dựng một đại lộ cắt ngang qua khu đông dân cư sinh sống và có nhiều di sản lịch sử, một nhà phân tích Soviet đã nhận ra rằng “những người dân này vẫn chưa tìm thấy những người bảo vệ lợi ích thực sự của họ nơi các vị hội đồng địa phương.” [14] Trong một diễn biến giống với các quá trình tổ chức ở Trung Âu, các hội đồng -tự tài trợ của các chính quyền- tự tổ chức ở địa phương và các câu lạc bộ cử tri đã xuất hiện ở Liên Xô, nhằm theo đuổi các dự án địa phương vốn trước đây bị quản lý một cách phi hiệu quả bởi các Soviet. [15]


Ảnh hưởng của Chủ nghĩa Dân tộc.

Ở Ba Lan và Hungary và, với mức độ thấp hơn, ở Czechoslovakia, chủ nghĩa dân tộc đóng vai trò chất kết dính trong các nhóm độc lập và các hoạt động quần chúng, vì nó đã truyền bá một tập giá trị được mọi người chia sẻ khi xã hội dân sự hình thành trong bối cảnh một đảng thống trị. Khác biệt trong tính cố kết của xã hội dân sự ở Nga và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ cho thấy rõ vai trò đoàn kết của ý thức về chủ nghĩa dân tộc giữa các nhóm dân cư ở các vùng lãnh thổ khác nhau. Tại các nước cộng hòa ngoài-Nga này, chủ nghĩa dân tộc đóng vai trò là sức mạnh gắn kết hoạt động nhóm độc lập, khi các nhóm theo đuổi các mục tiêu khác nhau thống nhất lại trong các tổ chức “mặt trận nhân dân”, nhằm gây sức ép đòi độc lập. Trong khi tạm thời gạt sang một bên các xung đột chính trị và xã hội, và tập trung vào mục đích đoàn kết vì nền độc lập quốc gia, các phong trào quần chúng này đã hình thành mối quan hệ làm việc với các tổ chức Đảng Cộng sản trong các nước cộng hòa này, và cuối cùng đã thu hút các đảng cộng sản vào một nỗ lực chung là tranh thủ sự hộ của những cử tri có đầu óc độc lập. Với người Nga, không giống như những người không thuộc Nga, họ không có một tiêu điểm chung mà xung quanh nó, các giá trị chung về chủ nghĩa dân tộc có thể kết tinh. Không có một kẻ thù chung, và với sự cạnh tranh giữa các nhãn hiệu chủ nghĩa dân tộc khác nhau (gồm Bolshevist quốc gia, tự do phương tây, các phiên bản Slavophile, cũng như hàng loạt các nhãn hiệu chủ nghĩa sô-vanh quốc gia [16] ), không thể nào hình thành được một tập hợp các giá trị chung hay một vị trí chung để đối mặt với sự thống trị của chế độ. Sự thiếu vắng một chủ nghĩa dân tộc có tính kết dính đã đóng góp vào việc [tồn tại] nhiều khuynh hướng tách biệt của xã hội dân sự mới xuất hiện ở cộng hòa Nga.

Trong khi sự vắng bóng một chủ nghĩa dân tộc có tính kết dính đã cản trở các nỗ lực hình thành những mặt trận quần chúng, hoặc thống nhất các phong trào quần chúng lại để thách thức quyền lãnh đạo của nhà nước, phạm vi và mức độ của các hoạt động độc lập đã đủ để kéo dài sự phân rã của chế độ Cộng sản. Giống như trường hợp Trung Âu, Đảng Cộng sản Soviet bắt đầu chia rẽ khi các hoạt động xã hội độc lập đã đẩy các nỗ lực cải cách tiến lên với một tốc độ chóng mặt. [17] Tới giữa năm 1991, một năm sau sự kiện hợp pháp hóa các đảng đối lập, bốn triệu thành viên CPSU đã rút khỏi đảng, và bộ phận năng động nhất, Democratic Platform, đã tách ra khỏi [Đảng Cộng sản] và lập nên đảng Cộng hòa. Việc giải tán chế độ Cộng sản chỉ đạt được sau cuộc đảo chính bất thành vào tháng Tám năm 1991. Thất bại gây ra bởi hàng loạt các yếu tố xuất hiện trực tiếp từ xã hội dân sự mới nổi, bao gồm các nguồn [nhân sự] khác cho vị trí quyền lực (Yelsin), sự phân mảnh của nhà nước, và biểu tình của xã hội phản đối trực tiếp việc sử dụng bất chính đáng quyền lực nhà nước.


Sự xuất hiện của Xã hội Dân sự: Tóm tắt

Logic xuất hiện của xã hội dân sự tại các chế độ kiểu Soviet có thể được tóm tắt như sau: Trong giai đoạn xuất hiện này, các kênh bày tỏ lợi ích chính thức đã đóng lại đối với các nhà hoạt động xã hội độc lập. Thay vào đó, các nhóm sử dụng các phương pháp bày tỏ lợi ích không thuộc hệ thống như các cuộc biểu tình, tuần hành, và xuất bản ngầm. Ảnh hưởng của các chiến thuật như vậy đối với chính sách là không đều và thất thường. Nó phụ thuộc một phần vào nhận thức của giới lãnh đạo về khả năng bị tổn thương [của hệ thống]; trong khi các lãnh đạo có thể quyết định rằng thi thoảng nhượng bộ đôi chút là thích hợp, còn lâu họ mới chịu từ bỏ độc quyền nắm quyền lực và hợp pháp hóa sự tham dự nhóm độc lập bằng cách đưa ra những nhượng bộ quan trọng. Bộ máy quan liêu của đảng và nhà nước cũng tìm cách ngăn chặn ảnh hưởng của chúng lên quá trình hoạch định chính sách khi chúng tìm cách thay đổi bản chất quan hệ giữa nhà nước và xã hội (và vì thế, bản chất và các mục tiêu của xã hội), thay vì chỉ thực thi các ngụ ý chính sách hình thành từ các vũ đài công cộng với sự tham dự của các nhà hoạt động xã hội độc lập. Nhưng khi cuộc khủng hoảng ngày càng sâu sắc, đảng-nhà nước trở nên dễ bị thương tổn hơn trước áp lực từ các nhà vận động độc lập và ngày càng sẵn sàng đưa ra nhượng bộ. Đến thời điểm này, yêu sách của các nhóm bắt đầu có nội dung mới. Trong khi vẫn đòi thay đổi, yêu sách của họ bắt đầu đòi được tham dự chính thức vào quá trình chính trị.

Giai đoạn này có bản chất là không ổn định. Ranh giới mới giữa nhà nước và xã hội vẫn chưa ổn định vì nó không có sự bảo đảm thể chế. Các nhóm ban đầu đặt ra các mục tiêu “tự giới hạn”, ví dụ như không đe dọa vai trò lãnh đạo của đảng, thì nay ngày càng thấy rõ rằng không thể tự giới hạn được nữa vì nhận thức của đảng về tính chính đáng của nó [đã thay đổi], và việc động viên của nhiều nhóm độc lập khi họ bắt đầu theo đuổi các mục tiêu đối chọi với độc quyền của Đảng Cộng sản, bao gồm việc dành ghế đại diện tại các cơ quan quyền lực địa phương và quốc gia. Cả “thuyết tiến hóa mới” và “nền đa nguyên xã hội chủ nghĩa” đều sai lầm khi cho rằng một đảng đổi mới có thể cùng tồn tại với các hoạt động xã hội độc lập. Hoặc chế độ bị đe dọa phản bội lại các hứa hẹn của nó đối với các nhà hoạt động độc lập và ngăn chặn các hoạt động tự tổ chức của quần chúng, hoặc theo như cách dùng từ của Arato, các nhóm độc lập sẽ động viên để “tìm một nhà nước thích hợp” cho họ. [18] Những lãnh đạo đảng và nhà nước nhận ra các ẩn ý về một nền đa nguyên không bị trói buộc (hoặc do sự xói mòn chính cơ sở quyền lực của họ, hoặc do một trật tự xã hội do chính đảng khuyến khích), đã tìm cách đàn áp hoạt động độc lập và rút lui vào status quo ante (nguyên trạng trước đó). Nếu các nhà hoạt động độc lập thành công không chỉ trong phát biểu các lợi ích thay thế, mà còn có thể thỏa mãn chúng qua hoạt động xã hội, thì hiển nhiên sẽ có một quá trình tự nhiên từ “chính trị tầng thấp” ban đầu, dưới dạng các hoạt động độc lập, sang “chính trị tầng cao” khi họ chuyển sang đòi có đại diện trong các cấu trúc quyền lực chính thức và xóa bỏ nomenklatura của đảng.


Tóm tắt và Ngụ ý

Việc so sánh các giai đoạn “tự vệ” và “xuất hiện” trong diễn trình phát triển của xã hội dân sự ở Trung Âu và USSR được dựa trên ảnh hưởng của kiểu chế độ lên các dạng hoạt động độc lập, và các kiểu tái cấu trúc quan hệ giữa nhà nước và xã hội trong các quốc gia cộng sản đang đổi mới. Các chế độ Cộng sản hậu toàn trị, trong khi tìm cách cân bằng giữa quyền kiểm soát và giải phóng xã hội, đã thất bại trong cả việc tính toán tập hợp các giá trị xã hội được chia sẻ và đại diện cho tập hợp các lợi ích phổ quát. Trong thất bại đầu, các ý tưởng tự do về tự chủ cho các cá nhân và nhóm, kết hợp với nhiều hình thức khác nhau của chủ nghĩa dân tộc, đã gây xói mòn sự thống trị của chế độ trong hệ giá trị xã hội. Trong thất bại thứ hai, các quá trình hiện đại hóa trong xã hội, gồm cả tiến trình đô thị hóa, phát triển giáo dục rộng khắp, và một lực lượng lao động ngày càng có kĩ thuật cao, đã tạo ra những lợi ích xã hội tự chủ và nhu cầu phải thay đổi trong các tổ chức kinh tế xã hội vốn trước đây bị các chế độ Cộng sản tảng lờ hoặc từ chối. Việc các chế độ này không thể đáp ứng các đòi hỏi của một xã hội phức tạp và một nền kinh tế hiện đại đã dẫn tới sự thất vọng của dân chúng đối với thành tích kinh tế và chính trị của chế độ. Như các học giả Soviet và phương Tây đã chỉ ra, các nhà hoạt động xã hội đã xây dựng các lộ trình mà, theo đó, các chế độ Cộng sản hoặc sẽ không, hoặc sẽ không thể phản ứng lại. [19] Tới những năm 1980, việc chế độ không (thể) phản ứng lại trước những tình trạng khẩn cấp trong quá trình thay đổi của xã hội đã tạo ra một tâm lý oán hận chung đối với các lãnh đạo đảng và nhà nước, và thai nghén một cuộc khủng hoảng tính chính đáng. Các nhà hoạt động xã hội độc lập đã không chỉ phát biểu các lợi ích tư nhân mà còn bắt đầu hoạt động theo các lợi ích ấy, trước khi cuộc khủng hoảng được các lãnh đạo Cộng sản theo khuynh hướng cải cách thừa nhận.

Tuy nhiên, các ý tưởng về tự chủ, chủ nghĩa dân tộc, và hiện đại hóa không đủ để giải thích sự xuất hiện của các xã hội dân sự tại các nước này. Với mỗi trường hợp, khả năng của các nhà hoạt động và các nhóm độc lập trong việc gây sức ép đòi các yêu sách của họ trên các đấu trường công cộng phụ thuộc vào cái mà các nhà xã hội học chính trị gọi bằng cái tên “các cấu trúc cơ hội chính trị.” [20] Các nhà cải cách trong giới lãnh đạo của Đảng Cộng sản, bị thúc ép bởi nhiều động cơ khác nhau, đã tạo ra các cơ hội cho các nhà hoạt động độc lập, để họ có thể công khai nêu các yêu sách (bằng cách mở rộng phạm vi có thể chấp nhận cho các hoạt động và các tổ chức tự phát của xã hội). Chiến lược này được khởi xướng hoặc từ sáng kiến của các lãnh đạo có tư tưởng đổi mới (những người muốn sử dụng hoạt động độc lập như là một công cụ để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống), hoặc bởi các chế độ miễn cưỡng phản ứng lại với ảnh hưởng của cuộc cải cách trong nước của Gorbachev và sự kiềm chế trong chính sách ngoại giao của Soviet đối với các nhà nước khách hàng của nó. Trong khi các giá trị độc lập, và các quá trình xã hội, đã tạo ra cơ sở cho sự xuất hiện của xã hội dân sự, vai trò của phía nhà nước trong việc nhìn nhận nhu cầu phải có các hoạt động độc lập (dù rằng bị hạn chế và tiếp cận dưới góc độ công cụ) là không thể bỏ qua. Cơ hội do các chế độ suy yếu đem lại, mặc dù mong manh và không ổn định, đã được các nhà vận động độc lập chộp lấy, họ đơn giản là không chịu nằm trong các ranh giới được định ra cho các hoạt động độc lập được chế độ chấp thuận.


Kết luận

Trong mỗi trường hợp, kết quả là sự tan rã của chế độ Cộng sản dưới tay của các nhà hoạt động xã hội độc lập đã được động viên (hoặc trong trường hợp Liên Xô cũ, là động viên một phần). Ở Ba Lan, Czechoslovakia và Hungary, nơi các đảng và phong trào chính trị độc lập đã đưa ra các hình thức cai trị mới qua bầu cử tự do hoặc bán tự do, các khó khăn của nhà nước hậu cộng sản (khi phải đối mặt với sự sụp đổ không thể tránh khỏi của khối đoàn kết xã hội) đã được làm nhẹ bớt ở một chừng mực nào đó bởi sự nhận thức rằng nền độc lập khỏi sự thống trị của Liên Xô đến với một cái giá đắt. Ở Nga, sự thống nhất có được chỉ trên sự thừa nhận tính chính đáng của Boris Yeltsin từ chỗ ông là người kế tục của Gorbachev. Những nhà đối lập của chế độ cũ đã không có sự thống nhất cả trong hình dạng và thực chất của nhà nước sau đảo chính. Những chỉ trích chua chát của các nhà độc lập thuộc đảng dân chủ về sự quay trở lại chế độ cai trị toàn trị của Yeltsin được cộng hưởng bởi sự trả miếng của ngài tổng thống, rằng sự can thiệp của các đảng viên dân chủ đang chia rẽ vào quá trình [lập] chính sách sẽ gây cản trở cho những cuộc cải cách cần thiết. Sự thiếu vắng các yếu tố gắn kết làm cho quá trình thể chế hóa các thành quả đã đạt được của xã hội dân sự trở nên mong manh hơn bao giờ hết.

Nhiệm vụ của chúng tôi [trong bài nghiên cứu này] là mô tả logic xuất hiện của các xã hội dân sự trong các điều kiện độc đáo của nhà nước hậu toàn trị ở Trung Âu và Liên Xô cũ. Những quan sát tiếp theo sẽ là cần thiết để có thể mô tả sự phát triển theo các hướng riêng biệt của những xã hội dân sự này. Những phân tích như thế sẽ phải hướng sự tập trung vào lượng biến số phong phú có vai trò định hình sự phát triển trong tương lai, bao gồm định hướng của các hoạt động độc lập, các hình thức hoạt động tập thể, hệ thống đảng chính trị, ảnh hưởng của khuynh hướng chủ nghĩa dân tộc tới việc hình thành nhà nước, và văn hóa chính trị. Điểm chính là ở chỗ các nhà hoạt động vốn đã xây dựng nên các khối xã hội dân sự thì nay đang ở cương vị tham gia vào các quá trình mà cuối cùng có thể dẫn tới việc thể chế hóa sự tồn tại của nó.

Nguồn: Comparative Politics, Vol.25, No.1 (Oct.,1992) 1-23.

Duy Tân Trẻ giữ bản quyền bản dịch tiếng Việt.


[1]Theo ngôn ngữ của Marxist, quan hệ sản xuất không theo kịp công cụ và phương pháp sản xuất. Nó không chỉ đưa đến nền kinh tế phi hiệu quả mà còn xa lánh công nhân và đem lại các vấn đề xã hội, ví dụ tệ nghiện rượu chè và tội phạm. Xem Mikhail S. Gorbachev, Perestroika: New Thinking for Our Country and the World (New York: Harper and Row, 1987), pp. 18-25, and Tatyana Zaslavskaya, The Second Socialist Revolution: An Alternative Soviet Strategy (Bloomington: Indiana University Press, 1990), pp. 47-86.
[2]Andranik Migranian, "Interrelations of the Individual, Society, and the State in the Political Theory of Marxism," The Soviet Review (January-February 1989), 55-56.
[3]Nói chung, tới những năm 70, 80, hầu hết giới trí thức Trung Âu viết về sự giải phóng khỏi nhà nước và đảng, trong khi xu hướng này ở USSR là chỉ nói về sự giải phóng khỏi nhà nước. G.Arbatov and E.Batolov, "Politicheskaia reforma i evoliutziia ovetskogo gosudarstva" ("Political Reform and the Evolution of the Soviet State"), Kommunist, 4 (March 1989), 45.
[4]Ibid., pp. 43-44,
[5]Migranian, p. 55.
[6]Xem Ivan Szelenyi, "Socialist Opposition in Eastern Europe: Dilemmas and Prospects," in Tokes, ed., pp. 202-203, for a discussion of "formal rationality" versus "substantive rationality" as forms of bureaucratic activity in Communist regimes.
[7]Theo một nghiên cứu, 90% tổ chức cơ sở được hướng tới các hoạt động phi chính trị. Xem Ianitsky, Independent Initiatives, p. 8.
[8]Vera Tolz, "Informal Groups in the USSR in 1988," Radio Liberty Research, Oct. 30, 1988, pp. 1-12.
[9]Ví dụ về các khó khăn của hợp tác, xem Elisabeth Schillinger and Joel Jenswold. "Cooperative Business Ventures in the Soviet Union: The Impact of Social Forces on Private Enterprise," Sociology and Social Research, 73 (October 1988), 26-21, Để biết thêm về những cản trở quan liêu đối với các hoạt động độc lập theo con mắt của một nhà vận động xã hội Soviet, xem Olga Medvedkov, "The Moscow Trust Group: An Uncontrolled Grass-Roots Movement in the Soviet Union," The Mershon Quarterly Report, 12 (Spring 1988), 1-27.
[10]Để biết một phân tích thú vị về quá trình này, xem Igor Chubais, "The Democratic Opposition: An Insider's View," Report on the USSR, 3 (May 3, 1991), 4-15.
[11]"Ustav: Vsesoiuznogo dobrovol'nogo istoriko-prosvetitel'skogo obshchestva 'Memorial' (proekt)," (Charter: Ail-Union Voluntary Historical-Enlightenment Society 'Memorial' [Draft]), Ogonek, 4 (January 1989), 29.
[12]Sau gần 3 năm tranh luận giữa các nhóm trong đảng và giữa lãnh đạo đảng với các nhân vật độc lập, Luật về các Hiệp hội Công cộng được thông qua tháng Mười năm 1990. Xem "Zakon ob obshestvennykh ob'edineniakh" (Law on Public Associations), Pravda, Oct. 16, 1990, p. 3. Để biết đánh giá về luật này, bản thảo và các phiên bản khác, xem Vera Tolz, "The Law on Public Associations: Legalization of the Multi-party System,"Report on the USSR, 2 (November 16, 1990), 1-3.
[13]Điều này diễn ra, ví dụ, trong phong trào bảo vệ môi trường khi “các tham dự viên… nhận ra rằng kẻ thù nguy hiểm của họ không phải là thuốc trừ sâu, hay công nghệ, mà chính là hệ thống sử dụng chúng.” Oleg N. Ianitskii, "Environmental Movements in the Soviet Union," The Soviet Review, 32 (January-February 1991), 29.
[14]Oleg Ianitskii, "Lefortovo: Solving the Conflict between Designers and the Residents," Moscow, unpublished paper, 1989, p. 27.
[15]Xem Dawn Mann, "The Trends towards Public Initiative in Local Government," Report on the USSR, 2 (April 13, 1990), 7-8.
[16]Alexander J. Motyl, Sovietology, Rationality, Nationality: Coming to Grips with Nationalism in the USSR (New York: Columbia University Press, 1990), 167-168.
[17]Xem Peter Reddaway, "Resisting Gorbachev," New York Review of Books, Aug. 18, 1988, p. 38, để biết về một thảo luận gây chia rẽ giữa phe cánh Gorbachev và Ligachev trong CPSU về vấn đề các chính sách giải phóng dành cho các hoạt động độc lập.
[18]Andrew Arato, "Empire vs. Civil Society: Poland 1981-1982," Telos, 50 (1981-1982), 26.
[19]Migranian; Zhukova et al.; Starr; Lapidus; and Lewin, among others.
[20]Sidney Tarrow, "Struggling to Reform: Social Movements and Policy Change during Cycles of Protest," Cornell University Center for International Studies Occasional Paper, 15 (1984). Để biết ứng dụng khái niệm của ông này vào các sự kiện ở Trung Âu, xem Sidney Tarrow, "'Aiming at a Moving Target': Social Science and the Recent Rebellions in Eastern Europe," PS: Political Science & Politics, 24 (March 1991), 12-20. Cách nhìn về hiện đại hóa như một công cụ giải thích phải được đi kèm bởi sự khảo sát các chiến lược chính trị nhằm giải thích các mặt khác trong chính trị học Soviet, có thể đọc trong Connor, Socialism's Dilemma, and Thomas Remington, "Regime Transformation in Communist Systems: The Soviet Case," Soviet Economy, 6 (1990), 160-190.