trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 497 bài
  1 - 20 / 497 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
2.7.2005
Juan Linz, Alfred Stepan
Chế độ hậu toàn trị-so sánh với toàn trị và độc tài
2 kì
 1   2 
 
Về đa nguyên, tính chất đặc trưng của toàn trị là không có đa nguyên chính trị, kinh tế hay xã hội; các mầm mống của đa nguyên tồn tại từ trước hoặc đã bị quét sạch, hoặc bị đàn áp một cách có hệ thống. Còn trong một chính thể độc tài, đa nguyên chính trị có giới hạn thường tồn tại ở một mức độ nào đó, và đa nguyên kinh tế và xã hội khá rộng rãi. Trong chính thể độc tài, nhiều biểu hiện của đa nguyên chính trị có giới hạn, cùng với đa nguyên kinh tế và đa nguyên xã hội rộng rãi, thường có trước chính thể độc tài. Vậy đa nguyên trong các chính thể hậu toàn trị tương phản với sự biến mất gần như hoàn toàn của đa nguyên trong các chính thể toàn trị, và với đa nguyên có giới hạn trong các chính thể độc tài.

Trong hậu toàn trị chín muồi, đa nguyên về thể chế bên trong nhà nước có vai trò phức tạp và quan trọng hơn nhiều so với toàn trị. Bên cạnh đó, ngược với toàn trị, hậu toàn trị thường có mức độ đa nguyên xã hội quan trọng hơn nhiều, và trong hậu toàn trị chín muồi, thường có một “nền văn hóa thứ hai,” hay “nền văn hóa song song”. Bằng chứng cho chúng có thể tìm thấy trong những thứ như văn hóa samizdat chui, tồn tại dai dẳng với các tạp chí ra nhiều kì, những thứ không thể có dưới chế độ toàn trị. [1] Đa nguyên đang lớn dần này vừa là một nguồn gốc động gây ra tính dễ tổn thương của của chế độ hậu toàn trị, vừa là nguồn gốc động cho sức mạnh của đối lập dân chủ đang lên. Ví dụ, "nền văn hóa thứ hai” này có thể mạnh đến mức, mặc dù các lãnh tụ của nền văn hóa song song có thể thường xuyên bị bỏ tù, nhưng trong một chế độ hậu toàn trị chín muồi, các lãnh tụ đối lập có thể có lượng quần chúng ủng hộ đáng kể, và khởi xướng các tổ chức đối lập bền vững trong xã hội dân sự. Vì thế, vào những lúc khủng hoảng, một chính thể hậu toàn trị chính muồi có thể có một đội ngũ đối lập dân chủ dựa trên xã hội dân sự, có tiềm năng thành lập đối lập chính trị với khuynh hướng dân chủ lớn hơn nhiều, so với chính thể toàn trị. Một chính thể hậu toàn trị chín muồi cũng có thể được biểu trưng bằng sự cùng tồn tại của một nền kinh tế kế hoạch, với các thử nghiệm nửa thị trường rộng khắp trong khu vực nhà nước, -cái có thể tạo ra một tầng lớp “tư bản đỏ” bao gồm các giám đốc quốc doanh-, với một khu vực tư nhân tuy đang lên nhưng phụ thuộc, đặc biệt là trong nông nghiệp, thương mại và dịch vụ.

Tuy nhiên, trong một chính thể hậu toàn trị, đa nguyên kinh tế và xã hội như thế khác về mức độ và kiểu loại so với chính thể độc tài. Chúng khác biệt về mức độ vì thường có đa nguyên kinh tế và xã hội rộng khắp hơn ở trong các chế độ độc tài (đặc biệt là thường có một khu vực tư nhân độc lập hơn, tự do tôn giáo lớn hơn và sự sản sinh văn hóa hợp pháp nhiều hơn). Sự khác biệt về kiểu loại, xét về mặt phân loại học, còn quan trọng hơn. Trong xã hội hậu toàn trị, điểm quy chiếu cho cả những kẻ nắm quyền của chế độ và những người đối lập, là chế độ toàn trị trước đó. Theo định nghĩa, sự tồn tại của một chính thể toàn trị trước đó có nghĩa là phần lớn các nguồn mạch cho đa nguyên có tổ chức và trách nhiệm tồn tại trước đó đã bị xóa bỏ hoặc đàn áp, và trật tự toàn trị đã được thiết lập. Do đó, có một cố gắng tích cực để “phi toàn trị hóa” từ phía các phong trào đối lập trong xã hội dân sự. Phần lớn các thôi thúc về tổ chức và tình cảm của đối lập trong xã hội dân sự, vì vậy, được nhào nặn một cách hữu ý để tạo những phương án thay thế (alternatives) cho các cấu trúc kinh tế, xã hội, chính trị do chế độ toàn trị tạo ra, những cấu trúc vẫn còn có vai trò chủ chốt trong xã hội hậu toàn trị. Bởi lẽ ấy, phần lớn nền văn hóa song song không mang tính truyền thống trong hình thức, mà được sáng tạo trong các phong trào mới, nảy sinh từ kinh nghiệm toàn trị. Cũng có thể có sự “phi toàn trị hóa” do nhà nước chỉ đạo, trong đó tự chính quyền bắt đầu xóa bỏ một vài đặc điểm cực đoan nhất của kinh nghiệm đơn nguyên (monist). Do đó, nếu có một “đa nguyên thể chế” đang lớn dần, hay sự tôn trọng các thủ tục và luật pháp ngày càng tăng, hoặc một khu vực tư nhân mới được thả lỏng, thì nên hiểu chúng như là một kiểu đa nguyên hình thành từ chế độ toàn trị trước đó.

Tuy nhiên, cả về mặt chính trị học và phân loại thể chế, chúng ta cần nhấn mạnh rằng, có những hạn chế đáng kể về đa nguyên trong các xã hội hậu toàn trị. Trái với chính thể độc tài, ở đây hoàn toàn không có đa nguyên độc lập trong địa hạt chính trị công khai, dù chỉ ở mức độ tương đối và hạn chế. Đảng chính thức (official party) trong hầu hết các chế độ hậu toàn trị có vai trò lãnh đạo trong nền chính trị theo luật định. Không được nhầm lẫn đa nguyên thể chế của chế độ hậu toàn trị với đa nguyên chính trị; thay vào đó, đa nguyên thể chế chỉ được thực hành bên trong nhà nước-đảng, hay trong nền văn hóa song song, hoặc bên trong nền kinh tế thứ hai vừa mới được thả lỏng. Phải coi đa nguyên của nền văn hóa song song, hay nền văn hóa thứ hai, là đa nguyên xã hội, cái có thể có những hệ quả chính trị nhất định. Nhưng chúng ta phải nhấn mạnh rằng, đảng và các lãnh đạo chính quyền trong các chế độ hậu toàn trị, trừ khi họ đã trải qua thay đổi thoát loại, không bao giờ trao bất kì trách nhiệm nào, hay thừa nhận tính chính nghĩa (legitimacy) của đa nguyên chính trị phi chính thống. [2] Thậm chí sự đa nguyên hình thức của các đảng vệ tinh [xung quanh đảng cộng sản] chỉ trở nên có ý nghĩa về mặt chính trị trong những giai đoạn cuối cùng của chế độ, sau khi chuyển đổi đã diễn ra.

Khi chúng ta chuyển sang khía cạnh “quyền lãnh đạo”, chúng ta cũng thấy những xu hướng chủ chốt phân biệt sự lãnh đạo hậu toàn trị với lãnh đạo toàn trị. Lãnh đạo toàn trị thường không bị giới hạn bởi luật lệ và thủ tục, mà dựa vào sức hấp dẫn quần chúng. Giới lãnh đạo có thể xuất phát từ các phong trào hay đảng cách mạng, nhưng các thành viên hạt nhân của nó cũng dễ bị tổn thương do các thay đổi đột ngột trong chính sách, hay ý thức hệ của lãnh tụ, hệt như quần chúng (thậm chí còn rủi ro hơn, nếu xét đến khả năng mất mạng) [3] . Ngược lại, theo phân loại của Linz, sự lãnh đạo độc tài thường đặc trưng bởi một hệ thống chính trị, trong đó một lãnh tụ, hay thường là một nhóm nhỏ, dùng quyền lực của mình theo các thông lệ tuy không chính thức, nhưng thực tế lại dễ đoán trước. Thường có các nỗ lực lớn để đưa các nhóm tinh hoa cũ vào các vị trí lãnh đạo, và nghề nghiệp trong khối hành chính hay quân sự có sự độc lập nhất định.

Cũng như trong chế độ toàn trị, lãnh đạo hậu toàn trị vẫn thường bị giới hạn trong phong trào hay đảng cách mạng. Tuy nhiên, trái với chế độ toàn trị, các nhà lãnh đạo hậu toàn trị thường có khuynh hướng quan liêu và kĩ trị hơn là hấp dẫn quần chúng. Hhạt nhân trung tâm của chế độ hậu toàn trị luôn cố gắng, và thường thành công, trong việc tăng sự an toàn cho bản thân và giảm nỗi lo sợ của mình, bằng cách giảm biên độ các quyết định tùy tiện của lãnh đạo tối cao.

Trái với các nhà nghiên cứu cho rằng chế độ toàn trị là một khái niệm tĩnh, chúng tôi tin rằng, khi có cơ hội (ví dụ như khi lãnh tụ tối cao từ trần), có thể thấy ngay rằng: mong muốn của giới tinh hoa chóp bu nhằm hạn chế sự độc đoán tuyệt đối của lãnh tụ kế nhiệm, sẽ là một nguồn sức ép cho các biến đổi thoát loại từ toàn trị sang hậu toàn trị. Do đó, sự lãnh đạo hậu toàn trị, về mặt phân loại, gần với sự lãnh đạo độc tài về mặt này: lãnh tụ trị vì trong những giới hạn dù không định trước, nhưng trên thực tế là dễ phỏng đoán. Tuy nhiên, sự lãnh đạo trong hai kiểu chính thể này vẫn khác nhau cơ bản. Nhóm lãnh đạo hậu toàn trị hoàn toàn được tuyển mộ từ các đảng viên, những người lập nghiệp trong chính tổ chức đảng, trong bộ máy quan liêu hay những cơ quan kĩ trị của nhà nước. Do đó, tất cả bọn họ đều được tuyển mộ từ các cấu trúc do chính thể ấy tạo ra. Trái lại, trong hầu hết các chính thể độc tài, thông thường chính thể tuyển mộ phần lớn giới lãnh đạo từ các nhóm đã có quyền lực, đã tồn tại và có tính chính nghĩa không phát sinh từ chính thể đó. Thật vậy, chính thể độc tài thường do các phe phái hùng mạnh trong xã hội trước đó dựng lên. Trong một số chính thể độc tài, để leo lên những vị trí cao nhất, sự trung thành chính trị thậm chí còn không quan trọng bằng năng lực chuyên môn kĩ thuật hay nghề nghiệp; và ở một mức độ nào đó, cạnh tranh thông qua thi cử mở ra cho toàn xã hội. Trong chính thể hậu toàn trị chín muồi, năng lực kĩ thuật càng trở nên quan trọng, nhưng chúng ta phải nhớ rằng, việc lọt được vào đào tạo chuyên môn bị kiểm soát bởi các tiêu chuẩn chính trị. Hơn nữa, năng lực được chấp nhận hay thừa nhận trong các hệ thống hậu toàn trị là năng lực kĩ thuật hoặc quản lí, nhưng không gồm một loạt năng lực khác được phát triển trong các lĩnh vực rộng hơn như luật, tổ chức tôn giáo, hay các doanh nghiệp độc lập.

Sự đa nguyên đảng -quan liêu- kĩ trị hạn chế trong chế độ hậu toàn trị không đem lại tính linh hoạt cho những thay đổi trong lòng chính thể này, trong khi việc thu hút giới tinh hoa bên ngoài vào giới lãnh đạo của nhiều chính thể độc tài đã tạo ra sự linh hoạt cho chính thể đó.

Ham muốn chống lại kiểu lãnh đạo độc đoán của Tổng bí thư-nhà luận thuyết có thể khởi nguồn cho sự chuyển đổi từ toàn trị sang hậu toàn trị, nhưng nó cũng có thể dẫn đến kiểu thiểu số trị vì (oligarchy) của những lãnh đạo già, được ủng hộ bởi giới nomenklatura. Cố gắng trẻ hóa chóp bu bằng cách thu hút người trẻ và phụ nữ từ bên ngoài thường rất hạn chế. Trong những trường hợp cực đoan (như CHDC Đức và Czechoslovakia sau 1968), chế độ hậu toàn trị đóng băng còn bộc lộ khuynh hướng tôn sùng người già. Vì thế, những lúc khủng hoảng, sự bất lực trong việc đổi mới lãnh đạo là một nguồn tiềm tàng cho những biến đổi chính trị. Bởi vì trong những biến đổi đó, chính thể hậu toàn trị đóng băng, với nền móng lãnh đạo già cỗi và hẹp hòi, có năng lực rất hạn chế để đàm phán [nhằm duy trì sự tồn tại của nó]. Cấu trúc lãnh đạo đó, nếu nó không có khả năng đàn áp đối thủ trong một cuộc khủng hoảng, thì đặc biệt dễ bị sụp đổ. Một trong những lí do mà các cán bộ tầm trung trong bộ máy đàn áp -từng một thời nắm quyền sinh sát, trong thời gian khủng hoảng lại chấp nhận để cho chế độ sụp đổ hơn là bắn vào những người đối lập dân chủ- liên quan đến vai trò của ý thức hệ trong chế độ hậu toàn trị.

Sự tương phản về vai trò của ý thức hệ trong hệ thống toàn trị với hậu toàn trị là rất lớn, nhưng nó là tương phản của hành vi và niềm tin, hơn là của các tín điều chính thức. Trong địa hạt ý thức hệ, tiềm năng cho sự chuyển đổi từ chế độ toàn trị sang chế độ hậu toàn trị, cả từ phía cán bộ lẫn phía xã hội, là sự đứt gãy ngày càng tăng giữa ý thức hệ chính thức với thực tế. Sự đứt gãy này làm giảm lòng trung thành của cán bộ với ý thức hệ, và sự phê phán chế độ ngày càng tăng từ phía xã hội dân sự. Thực tế, có nhiều lời chỉ trích mới đến từ hàng ngũ của những người trước đây một lòng một dạ, những người lập luận rằng chế độ này không, hay thậm chí tệ hơn, không thể thúc đẩy những mục tiêu của nó. Sức ép tạo ra bởi xung đột giữa ý thức hệ và thực tiễn thường góp vào cú dịch chuyển thoát loại: từ nỗ lực của chế độ toàn trị nhằm huy động nhiệt tình của dân chúng sang nỗ lực của chế độ hậu toàn trị nhằm duy trì sự phục tùng. Trong giai đoạn hậu toàn trị, ý thức hệ dẫn đường được sáng tạo dưới thời toàn trị vẫn tồn tại như tín điều chính thức của nhà nước, nhưng giữa các nhà lãnh đạo đã có sự sút giảm lòng tin và cam kết vào những điều không tưởng. Trong phần đông dân chúng, những tín điều chính thức này được xem như các lễ nghi bắt buộc, và trong các hội nhóm của “xã hội song song” hay “nền văn hóa song song”, người ta thường xuyên nhắc tới chúng như “lời nói dối đang sống” (living lie) [4] . Đây là một nguồn gây suy yếu, khoét rỗng sức mạnh tưởng chừng rõ rệt của chế độ hậu toàn trị.

Vai trò của ý thức hệ trong chế độ hậu toàn trị, do đó, đã sa sút nhiều so với vai trò của nó trong chế độ toàn trị, nhưng nó vẫn tương đối khác vai trò của ý thức hệ trong một chế độ độc tài. Hầu hết các chế độ độc tài đều có những tư tưởng phi dân chủ được phát tán, nhưng chúng không có các ý thức hệ được trau chuốt cao độ về vai trò lãnh đạo của đảng, về nhóm lợi ích, về tôn giáo và nhiều mặt khác của xã hội dân sự, xã hội chính trị, nền kinh tế và nhà nước –những thứ vẫn còn tồn tại trong chế độ mà ta có thể gọi là hậu toàn trị. Do đó, một sự tương phản cơ bản giữa chế độ hậu toàn trị với độc tài là: trong chế độ hậu toàn trị vẫn sừng sững một di sản ý thức hệ không thể phớt lờ và không thể truy vấn chính thức. Ý thức hệ mà nhà nước bảo vệ có biểu hiện xã hội của nó trong đời sống tổ chức của nền chính trị hậu toàn trị. Dù cho nó tự thể hiện mình trong mạng lưới dày đặc các tổ chức được nhà nước tài trợ, hay trong địa hạt của các tổ chức tuy đang chết dần chết mòn, nhưng về hình thức vẫn do nhà nước kiểm soát, thì ý thức hệ là một phần của hiện thực xã hội trong chế độ hậu toàn trị với mức độ lớn hơn nhiều so với trong hầu hết các chế độ độc tài.

Sự phi ý thức hệ hóa một cách tương đối của các chế độ hậu toàn trị, cùng với sự suy giảm niềm tin vào các lí tưởng không tưởng với tư cách là cơ sở chính nghĩa của chế độ, hàm ý rằng phải có một nỗ lực ngày càng tăng trong nền chính trị hậu toàn trị nhằm mục đích hợp thức hóa chế độ, trên cơ sở các tiêu chuẩn thành tích/hiệu quả, hệt như đã xảy ra trong nhiều chế độ độc tài. Khoảng cách giữa các yếu tố không tưởng khởi thủy của ý thức hệ, và sự tăng dần của các nỗ lực khẳng định tính chính nghĩa trên cơ sở tính hiệu quả [của chế độ], đặc biệt là sau thất bại của nó, là một trong những điểm yếu của các chế độ hậu toàn trị. Trái lại, các nền dân chủ, ngoài việc dựa vào các thành tích hoạt động của chính mình, còn có một nền tảng thứ hai cho tính chính đáng của nó. Đó là sự tuân thủ các thủ tục (procedural foundation) của chế độ công dân dân chủ. Chính vì nền tảng thứ hai này, các nền dân chủ đã tạo cho mình một một lớp ngăn cách an toàn mỗi khi các nền dân chủ ấy vận hành không tốt - điều mà các chế độ độc tài và hậu toàn trị không có được. Sự suy yếu của ý thức hệ không tưởng - vốn là đặc trưng của chế độ hậu toàn trị-, do đó đã hé mở cho ta thấy động học về tính dễ tổn thương của chế độ -hay, từ góc nhìn của chuyển đổi dân chủ, là những cơ hội mới- mà đối lập dân chủ có thể tận dụng. Ví dụ, sự trật khớp giữa một bên là sự lặp đi lặp lại tầm quan trọng của ý thức hệ, với một bên là sự vô dụng của ý thức hệ đối với chính sách ngày càng tăng, hay tồi tệ hơn, sự mâu thuẫn hiển nhiên của nó với hiện thực xã hội vốn đang xói mòn lòng tin và cam kết của các cán bộ tầm thấp và tầm trung của chế độ. Tình huống kiểu này có thể đóng góp vào sự sụp đổ nhanh chóng của chế độ, nếu các cơ cấu tầm trung của bộ máy đàn áp thực sự nghi ngờ về quyền được bắn vào các công dân đang chống lại chế độ và ý thức hệ của nó, như chúng ta sẽ thấy khi bàn về các sự kiện năm 1989 ở Đông Đức và Czechoslovakia [5] .

Sự khác biệt cuối cùng về loại hình mà ta cần nghiên cứu là “huy động quần chúng”. Hầu hết các chế độ độc tài không bao giờ phát triển mạng lưới các tổ chức phức tạp và dung nạp toàn xã hội, với mục đích là huy động quần chúng. Chúng có thể có những giai đoạn ngắn có huy động trên diện rộng, nhưng những cuộc huy động này thường không có cường độ cao như trong chế độ toàn trị, và không toàn diện như trong chế độ hậu toàn trị. Tuy nhiên, trong các chế độ toàn trị, có sự huy động vừa toàn diện vừa cao độ toàn xã hội vào hàng loạt các tổ chức và các hoạt động mà chính thể đó đẻ ra. Vì những mục tiêu không tưởng là sinh tử với chế độ, nên phải có nỗ lực to lớn nhằm khơi dậy nhiệt tình thúc đẩy cán bộ, và hầu hết các nhà lãnh đạo đều nảy ra từ những cán bộ này. Trong hệ thống toàn trị, các cá nhân tư sản “yếm thế” –những người chọn cách ở nhà vui thú với gia đình và bạn bè trong một nhóm nhỏ- thường bị dè bỉu.

Trong các chế độ hậu toàn trị, mạng lưới chằng chịt thiết chế của các cỗ máy huy động quần chúng cho chính thể đẻ ra vẫn còn thống trị đời sống liên đới. Tuy nhiên, nó đã mất đi cường độ. Tư cách thành viên vẫn là bắt buộc, nhưng nó thường gây ra sự nhàm chán hơn là hứng khởi. Việc làm mang tính kĩ trị cho nhà nước là một lựa chọn thay thế cho giải pháp hăng hái chính trị như là một sự nghiệp thành công, chừng nào người ta vẫn còn sự tham gia “đúng mực” vào các tổ chức chính thức. Thay vì khơi dậy lòng nhiệt tình, vốn là nguyên tắc hoạt động chính trong chế độ toàn trị, các mạng lưới vận động đã bị lễ nghi hóa trong chế độ hậu toàn trị có thể gây ra “chi phí” về thời gian, mất đi từ các hoạt động kĩ trị của các chuyên gia, và chi phí về sự chán chường, hay sự rút lui vào đời sống riêng tư của nhiều người khác. Khi không có khủng hoảng cấu trúc, và đặc biệt là khi không có cảm nhận về sự tồn tại một khả năng thay thế, sự “riêng tư hóa” như thế không nhất thiết là một vất đề cho chế độ hậu toàn trị. Vì thế, câu nói nổi tiếng của Kadar “Ai không chống lại ra là ủng hộ ta” là một lời tuyên bố chỉ có thể hiểu được trong chế độ hậu toàn trị, dứt khoát không phải trong chế độ toàn trị. Tuy nhiên, nếu thành tích của chế độ hậu toàn trị quá kém so với thời kì toàn trị, đến nỗi những lợi ích của đời sống riêng tư bị xói mòn, thì riêng tư hóa và sự lãnh đạm lại có thể góp vào một động học mới -đặc biệt là nếu người ta nhìn thấy các giải pháp thay thế khả thi -về các khủng hoảng của “thoát li”, “lên tiếng” và “trung thành” [6] .

Chúng ta hãy kết thúc bàn luận về chế độ hậu toàn trị với một bản tổng kết những điểm yếu ý thức hệ và chính trị của nó. Chúng ta làm điều này để góp phần làm giàu thêm cuộc tranh luận xoay quanh việc giải thích tại sao các chế độ sụp đổ nhanh chóng đến thế, một khi chúng lâm vào tình trạng bế tắc kéo dài và Liên Xô rút bỏ sự ủng hộ to lớn bằng sức mạnh của nó. Trong chương 17, “những biến thể của các chế độ hậu toàn trị,” chúng ta sẽ phát triển lập luận lí thuyết và thực nghiệm về tại sao các chế độ hậu toàn trị đóng băng lại dễ sụp đổ hơn các chế độ toàn trị hay chế độ độc tài.

Chế độ toàn trị, dân chủ và thậm chí nhiều chế độ độc tài, được xác lập bằng tính chính nghĩa “tổng quát” ở những người ủng hộ nòng cốt của nó trong hoàn cảnh lịch sử có trước. Ngược lại, các chế độ hậu toàn trị không có tính chính nghĩa nền tảng như thế, bởi chúng xuất hiện từ quá trình thủ tục hóa (routinization), thối rữa hay do sự sợ hãi tầng lớp tinh hoa của chế độ toàn trị. Các chế độ hậu toàn trị, do các nguồn bạo lực mà chúng thừa hưởng và những điểm yếu có liên quan của đối lập có tổ chức, có thể phô diễn sự ổn định giống, hoặc thậm chí hơn cả những chế độ toàn trị; nhưng nếu hỗ trợ từ bên ngoài bị rút đi, sự phá sản về mục tiêu và cam kết từ bên trong sẽ làm chúng dễ bị sụp đổ tan tành.

Chính trị hậu toàn trị một phần là hệ quả của việc xa dần chủ nghĩa Stalin, nhưng mặt khác cũng là kết quả của những biến đổi xã hội trong các xã hội Cộng sản. Các chế độ hậu toàn trị đã từ bỏ những khía cạnh tồi tệ nhất của đàn áp, nhưng cùng lúc duy trì hầu hết các cơ chế kiểm soát. Mặc dù ít đẫm máu hơn so với chủ nghĩa Statin, sự tồn tại của các cơ quan an ninh -như Stasi ở CHDC Đức- đôi khi lại trở nên rộng khắp hơn. Chế độ hậu toàn trị đáng lẽ đã có thể dẫn đến những cải cách vừa phải trong nền kinh tế, như những cuộc cải cách được thảo luận trong thời kì Mùa xuân Praha, nhưng sự phục hồi của Brezhnev đã chặn đứng quá trình thích nghi ở Liên Xô và ở hầu hết các hệ thống kiểu Liên Xô, chỉ trừ Hungary và Ba lan.

Cả trong chế độ hậu toàn trị, giới tinh hoa thống trị, và nhất là tầng lớp cán bộ tầm trung, có lẽ được hưởng tính chính nghĩa ít hơn so với một hệ thống có tính toàn trị cao hơn. Sự tiêu vong yếu tố không tưởng của ý thức hệ, và sự dựa dẫm nhiều hơn vào thành tích hoạt động (cái đã chấm dứt sau những thành công ban đầu), đã đẩy các chế độ này vào tình trạng dễ tổn thương, và rốt cuộc đã làm cho việc sử dụng bạo lực quy mô lớn trở lên khó biện minh. Sự phục tùng thụ động và chủ nghĩa nghề nghiệp mở toang cánh cửa rút lui vào lối sống riêng tư, làm suy yếu chế độ để, cuối cùng, lực lượng đối lập có thể buộc nó phải đàm phán hay sụp đổ khi nó không còn có thể dựa trên bạo lực.

Điểm yếu của các chế độ hậu toàn trị vẫn chưa được phân tích và giải thích đầy đủ, nhưng có lẽ chỉ có thể hiểu được khi ta lưu ý đến những hi vọng và năng lượng to lớn mà ban đầu đi cùng với chủ nghĩa Marx-Lenin, cái trong quá khứ đã từng biện minh cho sự xuất hiện của chủ nghĩa toàn trị và tính thuyết phục của nó. [7] Nhiều trí thức phương Tây có ảnh hưởng đã ngưỡng mộ và tha thứ cho chủ nghĩa Lenin, và thậm chí trong những năm 30, tha thứ cả cho chủ nghĩa Stalin, nhưng rất ít trí thức cánh tả phương Tây có thể tập hợp được sự ủng hộ cho chế độ hậu toàn trị ở Liên Xô, hay thậm chí cho cải tổ (perestroika) và công khai hóa (glasnost).

Nguồn: Trích dịch từ Chương 3: Các chế độ phi dân chủ hiện đại, trong Các vấn đề của chuyển đổi và củng cố dân chủ. Linz & Stepan. Nhà xuất bản Johns Hopkins -1996. Dịch giả lược bỏ phần nói về Sultanism. Tiêu đề do dịch giả tạm đặt.

Duy Tân Trẻ giữ bản quyền bản dịch tiếng Việt


[1]Ví dụ, ở Hungary thời hậu toàn trị chín muồi, ấn phẩm samizdat có ảnh hưởng nhất, tờ Beszélo, từ 1982 đến 1989, phát hành hàng quý với số lượng in tới 2 vạn. Thông tin này được Miklós Haraszti, thành viên Ban biên tập cung cấp cho Alfred Stepan, Budapest, tháng Tám 1994.
[2]Hungary vào 1988-1989 là một chế độ hậu toàn trị chín muồi mà trong đó, do sự tham gia vào sự phi toàn trị hóa triệt để, và bằng việc thừa nhận tính chính nghĩa của các đảng khác, đã trải qua những thay đổi thoát loại đáng kể, thậm chí trước khi Đảng cộng sản mất quyền.
[3]Ví dụ, dưới thời Stalin, trong số chín thành viên của Bộ chính trị năm 1930, năm người đã mất tích hoặc bị xử bắn vào năm 1937. Xem George Schueller, The Politburo (Stanford: Stanford University Press, 1951), 5-6.
[4]Các tranh luận và viện dẫn về “xã hội song song”, “văn hóa thứ hai” và “lời nói dối sống” sẽ xuất hiện trong chương 17 của cuốn sách này, về hậu toàn trị ở Hungary và Czechoslovakia.
[5]Naniel V. Friedheim đang thực hiện một nghiên cứu quan trọng về sự sụp đổ của các chế độ hậu toàn trị đóng băng. Xem Friedheim, “Sự sụp đổ chế độ trong cuộc Cách mạng Hòa bình ở Đông Đức: Vai trò của các quan chức tầm trung”, German Politics (April, 1993): 97-112, và luận văn tốt nghiệp Yale University, trong đó ông thảo luận về Đông Đức.
[6]Hiển nhiên, sách tham khảo là của Albert Hirschman, Exit, Voice and Loyalty (Cambridge: Harvard University Press, 1970). Về một thảo luận thú vị về động học này trong sự sụp đổ của CHDC Đức, xem Hirschman, “Exit, Voice and the Fate of the German Democratic Republic” An Essay on Conceptual History”, World Politics 41 (January 1993): 173-202. Chúng tôi sẽ thảo luận chi tiết hơn về câu trích dẫn của Kadar trong chương 17 về các biến thể của hậu toàn trị.
[7]Về sự quyến rũ đạo đức và ý thức hệ của chủ nghĩa Marx-Lenin cách mạng như một hệ thống toàn diện và “chân không” còn lại vào lúc nó sụp đổ, xin xem Ernest Gellner, “Homeland of Unrevolution”, Deadalus (Summer 1993).