trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Lịch sử
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngLịch sử
11.7.2005
Vũ Ngọc Tiến
Ðiều tra đời sống cư dân đô thị Bắc Việt Nam giai đoạn 1954-1975
4 kì
 1   2   3   4 
 
Lời nói đầu: Năm 1998, tôi được mời tham gia đề tài nghiên cứu “Lịch sử 50 năm kinh tế Việt Nam 1945- 1975” của Viện Kinh tế học, có sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới (WB). Nhiệm vụ của một nhà văn-nhà báo, một kẻ ngoại đạo như tôi trong đề tài khoa học là tìm đọc tài liệu, sách báo cũ, tác phẩm văn học, kết hợp với điều tra, phỏng vấn nhân chứng để tái hiện lại đời sống nhân dân Bắc Việt Nam giai đoạn 1954 - 1975 mà số liệu thống kê vốn ít và kém chính xác. Ðây là sáng kiến độc đáo của bà Tiến sĩ Nguyễn Anh Tú, người Mỹ gốc Việt, đại diện WB ở Hà Nội. Qua gần 2 năm tham gia, tôi đã viết và gửi cho họ 173 trang viết tay khổ A4, nhưng sau đó, vì nhiều lý do cá nhân, tôi không tiếp tục làm việc và liên lạc với ông GS chủ nhiệm đề tài. Không rõ họ có sử dụng, hoặc sử dụng đến đâu, như thế nào? Nay đọc lại bản thảo, tôi thấy nó có thể có ích cho các nhà nghiên cứu, các nhà văn trẻ. Nó lột tả chân thực đời sống khốn khó một thời trong mô hình kinh tế Stalin, đồng thời lý giải sự thắng thua trong cuộc chiến tranh ý thức hệ giữa 2 miền Nam-Bắc, từ góc nhìn thuần túy kinh tế học và xã hội học.

Cần lưu ý, phần viết về nông thôn trong bản thảo khá nhiều sự kiện, nhân chứng, song vấn đề lại tương đối đơn giản. Vì vậy, để không làm mất thời gian nhiều của bạn đọc, tôi chỉ lọc ra phần viết về đời sống đô thị, lược bớt các biểu đồ, biểu bảng và bổ sung, chỉnh lý nội dung cho phù hợp. Bạn đọc có nhu cầu tìm hiểu thêm về phần nông thôn có thể liên hệ với tôi qua BBT talawas.

Tháng 6 năm 2005
I. Giai đoạn 1954-1960: Hàn gắn vết thương chiến tranh

1. Tâm thế người dân

Người Hà Nội sẽ không bao giờ quên được giây phút tuyệt vời ngày 10/10/1954, khi đoàn quân chiến thắng từ năm cánh cửa ô kéo về trong bài ca của nhạc sĩ Văn Cao: “Trùng trùng quân đi như sóng, lớp lớp đoàn quân tiến về…” Nhạc phẩm viết từ năm 1949, đã từng bị phê bình là lạc quan tếu. Khi cụ Hồ tiếp chuyện GS. Trần Hữu Tước, nghệ sĩ Nguyễn Thị Kim và nhà văn Nguyễn Ðình Thi, nghe họ ca ngợi bài hát đó là khát vọng chiến thắng, dự báo thiên tài của Văn Cao thì nhạc phẩm đó mới được phổ biến. Trong đoàn người ra đón quân cách mạng chỉ còn là những người dân Hà Nội đặt trọn niềm tin ở chế độ mới, bởi những ai không ưa cộng sản đều đã di cư vào Nam. Họ bảo nhau, hòa bình rồi, ăn đói mặc rét mà hưởng độc lập tự do vẫn sướng. Hòa bình, tự do, dân chủ là nguyện ước sâu xa trong lòng họ. Chuẩn giá trị trong đời sống xã hội lúc này là lao động hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng đời sống mới, xã hội mới, không hề đòi hỏi sự đãi ngộ. Người Hà Nội nô nức đi lao động ở các công trường xa thành phố, đi đắp đê Mai Lâm (Hà Nội) trong trận lụt năm 1958 hay đi lao động công ích ở đường Cổ Ngư, hồ Bảy Mẫu với niềm tin trong sáng đến lạ kỳ. Học sinh phổ thông các trường nội thành ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Ðịnh đi về nông thôn giúp dân nhổ mạ, bón ruộng hay gặt lúa cũng tưng bừng như đi dự trại hè. Bộ phim Cô gái công trường, một trong những tác phẩm điện ảnh đầu tiên của Việt Nam đã phản ánh chân thực tâm thế người dân lúc đó. Quan niệm về hạnh phúc của họ vừa trong sáng vừa có phần lãng mạn. Bà NTT ở phố Hàng Bè kể rằng, hồi ấy bà là hoa khôi nổi tiếng, nhiều đám sang trọng, giàu có dạm hỏi, nhưng bà chỉ mê mệt anh trung đội trưởng đội mũ nan, đeo huy hiệu chiến sĩ Ðiện Biên nhưng không viết thạo một lá thư, đóng quân ở gần nhà. Tâm thế người Hà Nội thời đó đều như bà NTT, thiên về lĩnh vực tinh thần, coi nhẹ vật chất. Khát vọng sống của họ là được cống hiến, được chia sẻ.


2. Mức sống và chất lượng sống

Trước hết, cần điểm qua kết cấu xã hội ở Hà Nội và các đô thị sau 1954. Ða số các nhà giàu, trí thức cao cấp hoặc các gia đình có liên quan đến chính quyền cũ đều đã di cư vào Nam. Số còn lại thuộc diện tư sản dân tộc chỉ có 861 người, kỹ sư và bác sĩ 150 người, giáo chức cấp tiểu học và trung học hơn 500 người, còn lại chủ yếu là các hộ tiểu thương, tiểu chủ. Tính trung bình ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Ðịnh cứ 2 hộ dân có một hộ tiểu thương. Trong khi đó số công nhân mất việc làm do chủ cũ di cư vào Nam ở Hà Nội 10 vạn và ở Hải Phòng là 3 vạn người. Bộ phận công nhân viên chức ở vùng kháng chiến về Hà Nội cỡ khoảng 6 vạn người. Số này giữ cương vị chủ chốt ở các công sở, nhà máy và chỗ ở thường là nhà của người di cư, mỗi ngôi nhà có khoảng 3-5 hộ, cá biệt có nơi hàng chục hộ. Ở khu vực thành thị còn xuất hiện thêm một tầng lớp dân cư là người miền Nam ra tập kết. Từ tháng 7/1954 đến 5/1955 có 175.000 cán bộ, chiến sĩ và 15.000 học sinh miền Nam ra sống ở các đô thị miền Bắc. Nhìn chung, bức tranh xã hội đô thị thời đó khá phức tạp. Mô hình xã hội mới lại buộc Nhà nước phải lo giải quyết cùng một lúc các vấn đề việc làm, ăn, mặc, ở, điện, nước… cho khối cán bộ, công nhân, viên chức. Ngoài những nỗ lực tự thân của nền kinh tế đang còn ốm yếu, giải pháp trưng thu hàng hóa của các hộ tiểu thương, tiểu chủ, tư sản và tước đoạt một phần diện tích nhà ở của nhiều hộ dân trung lưu chia cho cán bộ, công nhân, viên chức là không loại trừ. Qua hơn 2 năm, những vấn đề nêu trên đã giải quyết tạm ổn, chính phủ đề ra kế hoạch 3 năm khôi phục kinh tế sau chiến tranh và đã thu được một số thành tựu tương đối khả quan. Số liệu thống kê chính thống của Nhà nước tuy còn sơ lược và kém chính xác, nhưng có thể khái quát về mức sống đô thị như sau:

  • Thu nhập bình quân đầu người hàng tháng là: năm 1957 - 18,61 đồng; 1959 - 20,39 đồng; 1960 - 21,42 đồng.

  • Có sự nhích dần của lương và phụ cấp trong cơ cấu thu nhập của các hộ công nhân, viên chức: năm 1957 thu nhập từ lương và phụ cấp 81,7%, từ ngoài lương (làm thêm) là 18,3%; Tương ứng cho các năm sau: 1959 là 85,8% và 14,2%; 1960 là 86,5% và 13,5%.

  • Cơ cấu tiêu dùng: năm 1957 chi về ăn 70,5%, chi về sinh hoạt vật chất khác 19,4%, chi về sinh hoạt văn hóa tinh thần 10,1%; Tương ứng cho các năm sau: 1959 là 69,5% - 21,9% - 8,6%; 1960 là 75,5% - 14,6% - 9,9%.

Các số liệu thống kê vừa nêu chỉ phản ánh phần nào đời sống của khối công nhân, viên chức Nhà nước. Ðể thấy rõ hơn bức tranh đời sống xã hội đô thị, ta có thể tham khảo một số cuộc phỏng vấn các nhân chứng ở độ tuổi 50 trở lên. Dưới đây là những lời kể:


Cụ VÐC, sinh năm 1916, làm nghề bưu tá, về hưu năm 1976, quê ở làng Yên Thái nay là phường Bưởi quận Tây Hồ - Hà Nội:

“Tháng 9/1954, tôi được một cán bộ hoạt động bí mật trong nội thành đưa ra ngoại ô huấn luyện nghiệp vụ bưu điện và phát hành báo chí, chuẩn bị tiếp quản Thủ đô. Sau đó, tôi làm chân chạy thư, báo, công văn cho UBND xã Thái Ðô (gồm thị xã Nghĩa Ðô và phường Bưởi bây giờ). Lương lúc ấy hưởng bằng tiền “cụ Hồ kháng chiến” là 2 vạn đồng, tương đương 50 kg gạo. Từ năm 1958, tôi được biên chế vào ngành bưu điện, phụ trách chuyển thư, báo cho 11 khối dân cư thuộc khu Ba Ðình. Lương khởi điểm là 33,6 đồng, phụ cấp con cái từ đứa thứ 3 được mỗi đứa 5 đồng. Ngoài ra nghề bưu tá mỗi tháng được 5 đồng uống nước, tiền hao mòn xe đạp cứ 10km được 5 xu, mỗi ngày đi khoảng 50 km được 2 hào rưỡi. Vợ tôi làm nghề xeo giấy trong tổ hợp tác mới thành lập (1958), mức thu nhập khoảng 36-38 đồng/tháng. Cộng các khoản thu nhập của gia đình cỡ 115-120 đồng/tháng. Nhà tôi 10 miệng ăn cũng tạm đủ sống. Lúc này, Nhà nước vừa đổi tiền, mỗi công dân từ 18 tuổi trở lên chỉ được đổi 200 đồng tiền ngân hàng mới. Nghe nói ở trong phố, có người nhiều tiền, uất quá ném ra đường vì không đổi được, rồi tự tử mà chết. Ðấy là một cách để Chính phủ cào bằng mức sống mọi tầng lớp cư dân đô thị. Ngoài vàng bạc, kim cương ai đó còn giấu được, không đăng ký với Nhà nước ra, tiền mặt của mọi nhà là xấp xỉ như nhau. Nhờ vậy giá trị đồng tiền rất cao, có lợi cho cánh công nhân, viên chức chúng tôi. Với mức thu nhập như đã nói, vợ chồng tôi đủ nuôi 8 đứa con, thỉnh thoảng đi xem hát chèo, cải lương diễn lưu động ở chợ Bưởi, giá vé người lớn 4 hào, trẻ em 2 hào.”


Ông NÐT, Phó tiến sĩ, Viện trưởng một Viện nghiên cứu lớn ở Hà Nội, sinh năm 1946, sống tại khu Thành Công, quận Ba Ðình:

“Quê tôi ở một xã ngoại thành, cách Hà Nội chừng 12 km. Bố mẹ tôi dọn vào nội thành ở từ năm 1949. Ông nội tôi có chút học vấn và uy tín với dân làng nên được cách mạng bố trí ra làm lý trưởng để thuận lợi che chở, giúp đỡ cán bộ kháng chiến. Bố tôi mở một xưởng xẻ gỗ nhỏ. Mẹ tôi buôn thúng bán bưng ở chợ. Khi giải phóng, gia đình tôi có 9 anh em (6 trai, 3 gái), tôi là thứ tư. Nhìn chung, từ năm 1954-1956 gia đình tôi sống tạm ổn vì Nhà nước chưa có động thái gì lớn trong chính sách kinh tế mới. Cuối năm 1956, ông nội tôi ở quê bị quy vào thành phần địa chủ cường hào ác bá, bị vu khống đủ thứ tội mà thoạt nghe như chuyện cười của Azit Nêxin. Cuối cùng cụ bị kết án và bị treo cổ ngay tại phiên tòa diễn ra ở sân vận động, nay là nhà máy ngói xi măng… May mà năm 1958 cụ được minh oan, nếu không thì đời tôi ra tóp, chẳng bao giờ ngóc đầu lên được. Năm 1958, cải tạo công thương nghiệp ở nội thành, bố tôi cũng may mắn được xếp vào diện tiểu chủ nên xưởng xẻ gỗ không bị hợp doanh. Những năm ấy giá cả bán lẻ như sau: Về gạo, gạo tám thơm hay dự hương 0,80 – 0,85% đồng/1 kg, gạo mùa 0,60 đồng/1kg, gạo chiêm 0,40 - 0,45 đồng/1 kg; Trứng gà 0,80 - 1,20 đồng/1 chục; Thịt lợn 2,5 đồng/1 kg; Cá chép tươi, cá quả, cá chày 1,80 đồng/1 kg…

Tôi còn nhớ được giá cả vì hồi đó mới 12 tuổi đã phải đi chợ, nấu ăn cho các anh lớn giúp việc bố tôi ở xưởng xẻ gỗ. Mẹ tôi buôn bán ở chợ, tối về ngồi đếm tiền, tính ra mỗi ngày lãi được 2 – 3 đồng. Bố và các anh tôi ở xưởng xẻ gỗ làm cật lực, kiếm được 5-7 đồng/ngày. Với mức thu nhập ấy, gia đình tôi chỉ đủ sống ở mức ăn no, thỉnh thoảng có miếng thịt kho mặn. Tôi có một người bạn rất thân, bây giờ là một nhà văn. Gia đình anh ấy cũng thuộc diện tiểu thương, tiểu chủ, nhưng năm đổi tiền (1958) có lẽ vẫn giấu được ít vàng nên sống khá hơn. Mỗi lần đến nhà bạn học tổ, thấy nhà có lọ đường kính đầy, ai muốn uống thì lấy nước mưa trong bể pha và vắt quả chanh vào, chỉ ngần ấy thôi cũng đủ để tôi thèm muốn, đêm nằm mơ thấy lọ đường…”


Cụ NQÐ, sinh năm 1917, sống ở Nam Ðịnh, thành phần tư sản công nghiệp, vợ (cụ bà BTH) buôn bán vải, tơ lụa:

“Tôi sinh ra ở thành phố dệt, tốt nghiệp trường Thành Chung Nam Ðịnh, có học qua trường kỹ nghệ thực hành Ðông Dương trên Hà Nội. Chiến tranh xảy ra, tôi tản cư về đình làng Ngò (Thanh Hóa). Năm 1949, tôi hồi cư và mở xưởng dệt kim, có 5 máy cổ lỗ của Pháp, bé hơn rất nhiều so với xưởng của cụ Cự Doanh trên Hà Nội (80 máy). Vợ tôi mở tiệm buôn bán vải đen để bán ra vùng tự do trong Thanh – Nghệ. Gia đình có 5 con, sống ở ngôi nhà 2 tầng khá đẹp gần vườn hoa Con Cóc. Sau giải phóng, xưởng dệt kim của tôi vẫn hoạt động bình thường, còn vợ tôi dẹp tiệm, ra bán hàng tại sạp vải ở chợ Rồng. Ðời sống gia đình 3 năm đầu khá tốt, các con đi học bằng xe đạp Sterling của Anh, Marina của Pháp. Gạo ăn thường là tám xoan hay tám làn ở Giao Thủy đưa lên thành phố. Bữa ăn thường ngày đều có 4 món, do vú em quê Nghĩa Hưng nấu.

Cuộc sống gia đình bắt đầu đảo lộn từ cuối năm 1957 đầu 1958, khi vợ chồng tôi bị tập trung đi học tập cải tạo công thương nghiệp. Theo quy định, những hộ sản xuất kinh doanh như sau thì bị liệt vào diện tư sản: thuê mướn từ 5 công nhân trở lên, có máy phát lực hoặc máy công cụ tiêu thụ 5 KW/giờ, vốn trên 7.000 đồng, lãi ròng trên 3.600 đồng/năm.” [Cụ bà BTH bổ sung: “Tư sản thương nghiệp thì vốn lưu động và hàng hóa hiện hữu tại thời điểm kê khai đạt 10.000 đồng trở lên. Quy định như vậy đã là thậm vô lý, nhưng ở Nam Ðịnh hồi đó, hễ ai có chút máu mặt là bị tìm cách đưa vào diện cải tạo, cửa hiệu, hàng hóa dễ bề mất không.”]


Cụ NQÐ kể tiếp:

“Tôi giống hệt tính cách của ông nội là đồ Nho, đậu cử nhân trường thi Nho học Trấn Sơn Nam [1] năm 1898, nên rất ương ngạnh, không dễ chịu khuất phục. Ði học cải tạo, tôi hay thắc mắc, đấu lý với cán bộ: ‘Cơ sở của tôi có 5 máy, dệt 2 ca mà chỉ thuê có 8 thợ, nghĩa là còn 1 máy do tôi và 2 thằng con trai làm việc như trâu, còn hơn cả thợ và phải lo đủ thứ ngoài sợi dệt, hà cớ gì quy tôi là tư sản bóc lột, ăn trên ngồi trốc? Thuế cao, nguyên liệu khan hiếm, lãi ròng 800 đồng/năm còn chưa được, lấy lý nào tính toán tôi lãi 3.600 đồng/năm?’ Tôi tuyên bố sẽ ‘dẹp tiệm’, không hợp doanh gì sất, máy sẽ hiến cho Nhà nước đem lên Hà Nội nhập vào xưởng của cụ Cự Doanh, không làm chủ dệt thì tôi mở cửa hiệu chữa ô tô, xe đạp vì tôi có bằng kỹ nghệ thực hành Ðông Dương, không sợ chết đói, chỉ thương 8 thợ dệt của tôi sẽ thất nghiệp, về quê đi cày… Ðến bây giờ sắp kề miệng lỗ, tôi mới biết mình ngu. Chuyên chính vô sản ở Nam Ðịnh là thứ “chuyên chính vô học”, tôi cãi lý với họ sao được. Họ soi lý lịch 3 đời, ông tôi là đại địa chủ phong kiến, anh tôi trước làm đại lý cho hãng hàng không Pháp ở Nam Ðịnh, lại di cư vào Nam… Tôi bị tập trung đi lao động cải tạo 6 tháng. Ở nhà, toàn bộ xưởng dệt và cả hàng hóa của vợ tôi bị trưng thu. Mấy đứa con, vì thế, học giỏi mà không được thi vào đại học, phải tình nguyện đi lao động ở các công – nông – lâm trường, sống khổ cực, hàng tháng vợ tôi phải đi xe đạp vượt trăm cây số để đem cho chúng, mỗi nhà liễn mỡ lợn và vài cân cá khô ăn dè.”


Ông TBN, sinh năm 1944, kỹ sư cơ khí giao thông, hiện là phó vụ trưởng ở một bộ quan trọng, sống ở Thanh Xuân – Hà Nội:

“Cha tôi là TVK, trước năm 1954 làm thư ký tòa án đại hình ở Hà Nội. Cụ là viên chức mẫu mực do Pháp đào tạo cả về năng lực làm việc và phong cách sống. Sau giải phóng, theo Hiệp định Giơ–ne–vơ (Geneva), cụ là viên chức lưu dung ngành tòa án, mức lương 240 đồng/tháng (tiền ngân hàng mới năm 1958). Mức lương ấy so với giá cả sinh hoạt là rất cao. Mẹ tôi chỉ ở nhà lo việc nội trợ. Nhà tôi có 6 anh em, tôi là con cả, sống rất no đủ những năm 50. Sáng nào cũng vậy, khoảng 8 giờ có chị hàng hoa ở Ngọc Hà đem hoa đến cho gia đình. Bố tôi sống và làm việc như một chiếc đồng hồ báo thức: 5 giờ 30 đi tập thể dục ở vườn hoa Hàng Ðậu, sau đó về ăn sáng, uống cà phê, đi làm. Hết giờ làm việc ông về nhà tắm rửa rồi lững thững dạo phố, đọc báo ở cửa tòa báo Quân đội nhân dân trên đường Phan Ðình Phùng và ăn tối vào 19 giờ. Chủ nhật, bố tôi thường về quê ngoại ở làng Ðại Mỗ bắn chim hay câu cá. Có lẽ ông là người có công lớn, góp phần giúp Chính phủ hình thành hệ thống tổ chức ngành tòa án và quy trình tố tụng từ sơ thẩm, phúc thẩm đến giám đốc thẩm.

Cuối năm 1959 đầu 1960, bố tôi được học tập và vận động viết đơn tình nguyện không nhận lương công chức lưu dung nữa, chỉ xin nhận lương 64 đồng. Bắt đầu từ đây, gia đình sống khá gieo neo. Mẹ tôi phải đi làm công nhật, nắm than tiết kiệm từ tro của nhà máy điện Yên Phụ trộn với than cám và bùn lấy ở hồ Trúc Bạch, được 1,4 - 1,6 đồng/ngày. Tuy nhiên, bố tôi chỉ cho phép cắt giảm khẩu phần ăn, còn mọi sinh hoạt gia đình, nếp sống cá nhân không thay đổi. Ðiển hình là quần áo, ở nhà vá chằng vá đụp, nhưng ra đường ai cũng phải có bộ tươm tất. Nó khác hẳn với nhiều gia đình công chức, ở nhà mới dám mặc quần áo đẹp, ra đường lại vá chằng vá đụp. Bạn bè thường khuyên cha tôi bán vàng và đồ đạc quý trong nhà làm vốn, cho mẹ tôi đi buôn bán nhì nhằng ở chợ Ðồng Xuân, nhưng cụ không nghe. Cụ thường bảo các con: ‘Thời thế, thế thời phải thế. Ðạo làm người trong thiên hạ lấy việc phụng sự quốc gia làm đầu’. Thế nhưng, có nhiều đêm vì thương vợ con, cụ đã khóc thầm. Sau này, khi bị thuyên chuyển từ tóa án tối cao về cấp thành phố, rồi về cấp khu làm anh ‘mõ tòa’, cụ vẫn chuyên cần làm việc như một cái máy, chủ nhật vẫn về quê ngoại bắn chim, câu cá. Có lẽ nhờ cha tôi tỉnh táo, nhẫn chịu nên tôi mới được vào đại học để có vị thế xã hội như bây giờ.”


Ông VÐH, sinh năm 1930, cán bộ kháng chiến nay đã về hưu, hiện sống ở quận Lê Chân – Hải Phòng:

“Từ năm 1955-1960, chưa được Nhà nước phân nhà, tôi sống tại nhà riêng của bố mẹ vợ ở phố Phan Bội Châu – Hải Phòng. Khác với Hà Nội, Hải Phòng có 300 ngày tập kết (tính từ 10/10/1954) cho những người có ý định di cư vào Nam. Ðó là 300 ngày giao thời, xã hội khá nhộn nhạo, giá cả sinh hoạt vô cùng đắt đỏ. Thời chống Pháp, tôi ở chiến khu chỉ là cậu bé chạy công văn, giấy tờ. Về Hải Phòng (1955), tôi đã thành anh cán bộ 25 tuổi, nhưng văn hóa chỉ qua lớp 3 hệ phổ thông 10 năm, kiếm được bà vợ khá xinh, lại giàu, có bằng tú tài toàn phần. Năm 1958, xếp lương công chức, cộng các khoản phụ cấp được 80 đồng/tháng đã là khá cao trong xã hội. Tiền hồi ấy tiêu bằng đơn vị xu là nhỏ nhất. Tiền xu có ba loại: 1 xu, 2 xu và 5 xu, bằng nhôm, có đục lỗ ở giữa. Ði ra chợ Sắt, nhìn thấy các bà hàng rau xâu một chuỗi tiền xu vào dải rút quần cũng thấy hay mắt. Ðồng 1 xu lúc đó có thể mua mớ hành hay rau thơm, 5 xu mua được mớ rau muống cỡ 1kg, cả nhà ăn không hết. Vợ tôi phụ giúp mẹ bán hàng xén ngoài chợ Sắt, thu nhập cũng đủ ăn. Lương của tôi nộp cho bà ấy 45 đồng, giữ lại 35 tiêu vặt và đãi đằng bạn bè, vậy mà vợ cũng mua trữ được mỗi tháng 1 chỉ vàng (50-55 đồng/1chỉ). Các gia đình công nhân viên chức khác không chân trong chân ngoài như tôi chỉ tiết kiệm được 2,5 - 3,0 đồng/tháng. Tôi đi làm, mỗi sáng uống cà phê 2 hào, ăn chiếc bánh bao nhân thịt 2 hào, vị chi 4 hào, là sang trọng ở đất Hải Phòng. Nhưng tôi thường phải ăn giấu ở nhà, không dám ra hiệu phở ăn 2,5 hào/1 bát. Tôi hút thuốc thơm loại Thăng Long, Hoàn Kiếm cũng phải bóc ra, nhét vào vỏ bao Bông Lúa hạng bét. Thời ấy, sống phô ra sự nghèo, giấu kín sự giàu là hành vi ứng xử chung của toàn xã hội. Nói chung, giai đoạn 1955-1960 là thời kỳ sung sướng, no nhàn nhất của gia đình tôi, nếu tính từ 1975 trở về trước.”

Nói đến chất lượng sống của cư dân, ta không thể bỏ qua lĩnh vực y tế - giáo dục. Ở lĩnh vực này, chính phủ đã thành công khá ngoạn mục. Uy tín của chính phủ trong dân chúng và trước cộng đồng quốc tế nhờ đó được củng cố. Nhiều học giả nước ngoài đã đánh giá cao trong công trình nghiên cứu của họ về thành quả y tế - giáo dục của miền Bắc trong giai đoạn 1954-1960 nên ở đây không cần nhắc lại (Le Vietnam au XXe Siècle – Paris 1979 – Feray P.).

Những năm 1954-1960, phương tiện sinh hoạt văn hóa bằng radio ở thành thị vẫn còn là của hiếm, chỉ có ở các gia đình trí thức trung lưu, văn nghệ sĩ và cán bộ trung cao cấp. Bù vào đó, hệ thống loa truyền thanh công cộng được lắp đặt rộng rãi. Cuối năm 1960, các thành phố, thị xã, khu mỏ Quảng Ninh có khoảng 13.900 cái loa. Phó Tiến sĩ NÐT (đã dẫn trong mục phỏng vấn) kể rằng, năm 1958, loa truyền thanh công cộng phát buổi tường thuật trận đá bóng giữa đội Bát Nhất (Trung Quốc) và đội Thể Công (Việt Nam), số người tụ tập ở gần nhà ông lên đến 200 người. Nhạc sĩ THB cũng kể rằng, quanh nhà ông ở dốc Nghĩa Ðô gần chợ Bưởi không ai có máy quay đĩa hát, mỗi khi nhà ông mở đĩa nhạc có rất nhiều thanh niên, học sinh tụ tập ở cửa để nghe nhạc cổ điển. Quanh chiếc loa truyền thanh công cộng treo ở đầu chợ Bưởi, mỗi tối thứ bảy có khoảng vài chục đến cả trăm người già, trẻ em ngồi nghe hát cải lương.

Ngành điện ảnh thời ấy chủ yếu sản xuất phim thời sự, đến năm 1960 mới có 4 bộ phim truyện do xưởng phim Hà Nội sản xuất. Số phim truyện được trình chiếu chủ yếu là về đề tài chiến tranh và hợp tác hóa nông thôn nhập từ Liên Xô, Trung Quốc: 462 bộ năm 1955, 329 bộ năm 1957 và 120 bộ năm 1960. Hà Nội có 7 rạp chiếu bóng, Hải Phòng có 2 rạp, suất chiếu nào cũng đông kín người, giá vé có 3 loại: 2 hào, 3 hào và 5 hào. Vùng ven đô có các đội chiếu bóng lưu động mỗi tháng chiếu 2 đợt, mỗi đợt 2-3 đêm. Số người xem ước chừng 1.000-2.000 người/1 suất chiếu. Giá vé người lớn 2 hào, trẻ em 1 hào.

Thị hiếu thẩm mỹ của đa số dân thành thị hồi đó là xem cải lương, chèo, tuồng. Kịch nói và ca nhạc tạp kỹ, giao hưởng chỉ có ở nội thành. Giữa các màn cải lương thường xen kẽ biểu diễn ca khúc thời tiền chiến hoặc các bài hát cách mạng. Nghệ sĩ cải lương Tuấn Sửu cho biết, Hà Nội có 2 rạp cải lương “Chuông vàng Thủ đô” và “Kim Phụng”, 1 rạp chèo, tuồng “Lạc Việt”, suất diễn nào cũng kín chỗ. Mỗi lần họ đi ngoại thành biểu diễn có đến vài nghìn người xem, giá vé người lớn 4 hào, trẻ em 2 hào. Theo tài liệu thống kê chính thống về sân khấu nghệ thuật, năm 1955 số đơn vị nghệ thuật là 24, số buổi biểu diễn là 300, số lượt người xem là 1.600.000; Tương tự các năm 1957 là 40 - 630 - 2.151.000, 1960 là 54 - 1.414 - 3.511.000.

Thị trường sách văn học thời kỳ này có rất ít đầu sách được xuất bản và kiểm duyệt rất kỹ, nhưng lượng ấn bản cho mỗi đầu sách - sau khi được kiểm duyệt - lại khá lớn, thường là 2-3 vạn bản, cá biệt có đầu sách “nội dung tốt” được in 5 vạn bản. Năm 1955 có 207 đầu sách, 1.712.000 bản. Tương tự các năm 1957 là 264 - 1.496.000 và 1960 là 346 - 4.682.000. Các nhà văn được biên chế vào các nhà xuất bản, tòa báo, Hội nhà văn và các sở, ty văn hóa. Họ được hưởng lương cấp bậc theo đơn vị biên chế, ngoài ra, hưởng nhuận bút 8-10% giá bìa và số lượng bản in. Vì vậy nhà văn nào có sách được in theo kế hoạch thì nhận được khoản thù lao khá lớn. Một nhà văn lão thành cho biết mỗi cuốn sách của ông được in năm 1958-1960 nhuận bút 4.000-6.000 đồng, trong khi lương và phụ cấp ở cơ quan chỉ có 80-100 đồng/tháng. Cách đãi ngộ này khuyến khích nhà văn sáng tác phục vụ công - nông - binh. Ðương nhiên nếu ai sáng tác khác đi chẳng những không được in còn có thể mất biên chế ở cơ quan hoặc đi “lao động thực tế” ở công - nông - lâm trường. Lại nói, các nhà văn có sách được in, tiền nhiều, thường hay đãi đằng bạn bè ở các quán bia, quán phở. Ngôi nhà số 2 đường Cổ Tân trở nên nổi tiếng vì là nơi ở của các nhà văn Nam Bộ uống bia như uống nước lã (Ðoàn Giỏi, Nguyễn Quang Sáng, Anh Ðức…). Lâu dần quán bia đường Cổ Tân thành nơi tụ họp của các cây bia rượu văn nghệ sĩ: các nhà văn Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Tô Hoài… hay các họa sĩ Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái… Một vại bia lúc đó giá 1,5 hào, nhưng các văn nghệ sĩ vốn hào phóng với bạn bè nên bạc trăm, bạc nghìn chẳng mấy chốc cũng “bay vèo”. Cha tôi chơi thân với một nhà văn thời tiền chiến, hồi đó ông này không có sách được in vì sở trường của ông là tiểu thuyết lãng mạn. Ông thường hay đến vay tiền, nhưng chưa một lần trả nợ. Lần ấy, bà vợ đẻ đứa con thứ 5, bị sài mòn, ông đến vay cha tôi 100 đồng, bẽn lẽn hỏi mẹ tôi xem cộng sổ nợ là bao nhiêu, rồi ông thở dài nói: “Có lẽ tôi phải đành viết quấy quá cuốn sách nào đó để trả anh chị”. Cha tôi đang hút thuốc lào, buông chiếc xe điếu, chân tình nói: “Là nhà văn mà anh định viết quấy quá cho xong một tác phẩm như nhiều đứa quen biết khác của chúng mình ư? Từ trước đến nay, bà nhà tôi có bao giờ ghi sổ nợ cho anh đâu. 100 đồng này là tôi biếu chị để mua thuốc cho cháu gái. Hết tiền anh hoặc chị cứ lên đây, tôi hết thì anh mới hết…” Về già, ông ngồi bán vé số ở góc phố Châu Long và Phó Ðức Chính. Cha tôi về già cũng ra hè phố mở một quán nước chè. Hai người gặp nhau tóc bạc phơ, nói nghề mới của các cụ hóa ra đều “hóng hớt” được ối chuyện, đáng viết cả trường thiên hý kịch. Bản thân người viết những dòng này, năm 16 tuổi cũng tập tọng học đòi viết văn, bị cha cấm đoán. Thậm chí, cha tôi còn sai các em canh chừng, hễ thấy anh ngồi viết văn thì mách lại, để cha đốt đi trong ánh mắt giận dữ, còn đứa con trai ngồi khóc nấc!...

Nói đến đời sống văn nghệ sĩ, không thể không nhắc đến cuộc đấu tranh tư tưởng với “luồng gió độc” của nhóm Nhân văn-Giai phẩm do Nguyễn Hữu Ðang, Phan Khôi, Thụy An khởi xướng. Sự kiện này đã được nhà văn Tô Hoài kể lại chi tiết trong cuốn Cát bụi chân ai (NXB Hội nhà văn, 1990). Ở đây chỉ nhắc thêm câu chuyện về nhà văn Ðoàn Phú Tứ để thấy hệ lụy của nó ảnh hưởng lâu dài đến đời sống một nhà văn ủng hộ nhóm Nhân văn-Giai phẩm. Câu chuyện xảy ra ở thời điểm cách sau vụ Nhân văn-Giai phẩm 7 năm (1964):

“Hà Nội đã lên đèn. Xe Thủ tướng Phạm Văn Ðồng đi qua chợ Hàng Da, thấy một người lom khom nhặt gì ở chợ. Thủ tướng hỏi thư ký:

- Ai trông giống anh Ðoàn Phú Tứ thế?

Thư ký của Thủ tướng xuống xe chạy lại thì đúng là Ðoàn Phú Tứ. Ông nói thản nhiên:

- Các con tôi có nuôi một con lợn. Tiền mua rau không đủ, chiều chiều tôi ra đây nhặt ít vỏ chuối, thêm vào rau cho chúng nấu cám lợn.

Nghe thư ký thưa lại, Thủ tướng xuống xe đến tận nơi mời Ðoàn Phú Tứ chiều mai đến nhà riêng ăn cơm.

Sau bữa cơm Thủ tướng bảo:

- Tôi biết anh rất giỏi tiếng Pháp. Tôi có đọc một ít tiểu thuyết cổ điển Pháp dịch ra tiếng Việt. Người dịch chỉ dịch được ý mà không giữ được văn. Sao anh không dịch cho các nhà xuất bản?

- Hoàn cảnh của tôi… dịch ai in?

- Tôi sẽ đảm bảo cho anh chuyện đó.

Sau bữa ấy, Thủ tướng trực tiếp trao đổi ý kiến với giám đốc NXB Văn hóa. Ít lâu sau, bạn đọc nước ta được đọc tiểu thuyết Ðỏ và đen do Tuấn Ðô, tức nhà văn Ðoàn Phú Tứ dịch.”

(Nguồn: Nguyễn Bùi Vợi – 101 truyện vui các nhà văn hiện đại Việt Nam – Nxb Thông tin, 1996)

Bức tranh đời sống cư dân đô thị một giai đoạn lịch sử 1954-1960 đã khép lại với những mảnh màu tối sáng đan xen. Dẫu sao chính phủ hồi đó còn nương nhẹ, có những giải pháp linh hoạt, có mềm có cứng, nên đã khá thành công trong việc khôi phục nền kinh tế sau 9 năm kháng chiến chống Pháp, bắt đầu có tiềm lực để bước vào giai đoạn quyết liệt xây dựng mô hình kinh tế Stalin trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa.




[1]“Trấn Sơn Nam” là tên của trường thi tại Nam Ðịnh.