trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Ngôn ngữ
Loạt bài: Vấn đề chính tả
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21 
12.5.2002
Trịnh Hữu Tuệ
Về chính tả tiếng Việt
 
Cuộc tranh luận xoay quanh hệ thống chính tả tiếng Việt và cách cải cách nó đã và đang là một cuộc tranh luận được nhiều người tham gia, có lẽ vì tính thiết thực cao của chủ đề này. Chắc ai cũng đã từng phải đối mặt với những câu hỏi như hay Mỹ, lý luận hay lí luận, Karl Marx hay Các Mác, đảng hay Ðảng; tại sao không dùng zf thay vì dph, để vừa tiết kiệm động tác viết, vừa cho d cái giá trị ngữ âm nó có trong gần như tất cả các hệ thống viết dựa trên bảng chữ cái la-tinh; lý do của sự phân biệt giữa dgi, ngngh, sx, chtr, thậm chí ln, là gì (1)... Tin là tiếng Việt có thể được viết xuống trang giấy một cách hợp lý và có hệ thống hơn, tôi xin đưa ra ở đây một vài ý kiến từ góc nhìn ngôn ngữ học mà tôi nghĩ là thú vị và đáng được những ai muốn cải cách hệ thống chính tả tiếng Việt cân nhắc trong khi tìm cách thực hiện ý đồ của mình. Những ý kiến này liên quan đến chủ đề tranh cãi nói đến ở trên, tức là chính tả tiếng Việt và cách cải cách nó, chỉ ở mức độ gián tiếp, trong chừng mực là chúng đề cập tới vấn đề chữ viết và mối quan hệ của nó với ngôn ngữ nói chung. Những gì tôi nhận xét về chính tả tiếng Việt chỉ là những phỏng đoán rút ra từ quan sát cá nhân. Vài góp ý cụ thể ở cuối bài bắt nguồn từ những quyết định phần lớn là võ đoán, với mục đích không phải là gì khác ngoài để có được một số những quy ước chung về chữ viết trong phạm vi diễn đàn Talawas.

1. Bảng chữ cái la-tinh
Trước hết một vài lời về hệ thống chữ viết nói chung. Một hệ thống chữ viết dùng những biểu tượng thị giác, nói nôm na là chữ, để làm đại diện cho những cấu trúc ngôn ngữ. Trong tất cả các hệ thống được biết cho đến nay, chỉ có ba loại cấu trúc ngôn ngữ được diễn tả bằng cái gọi là chữ: hình vị (morpheme), âm tiết (syllable), và âm vị (phoneme). Bảng chữ cái la-tinh, tức là thứ mà người Việt chúng ta đang dùng, là một hệ thống chữ biểu tượng âm vị. Âm vị là đơn vị ngôn ngữ nhỏ nhất có khả năng phân biệt nghĩa. Bản thân một âm vị không có nghĩa gì cả. Bàn sở dĩ có nghĩa khác với đàn là do sự khác nhau giữa hai âm vị bđ, trong khi b, cũng như đ, đều không có nghĩa gì.(2) Cũng cần phải biết rằng không có hệ thống chữ viết nào có thể nhất quán hoàn toàn được cả. Hệ thống chữ hình vị Trung Quốc cũng có những ký hiệu đã bị mất đi ý nghĩa nguyên thuỷ của chúng và chỉ còn là những biểu tượng âm thanh. Ngược lại, khó mà thấy được động cơ ngữ âm của một từ như laugh của tiếng Anh.

2. Nguyên tắc hình vị
Vì bảng chữ cái la-tinh theo nguyên tắc lấy âm vị làm đơn vị căn bản nên lý do hay được đưa ra nhất để ủng hộ việc cải cách những hệ thống chữ viết dựa trên bảng chữ cái này là cách viết và cách phát âm hiện thời của một cộng đồng ngôn ngữ không còn tương ứng với nhau nữa. Hệ thống chính tả bị tấn công nhiều nhất có lẽ là của tiếng Anh. Nhà văn Bernard Shaw đã từng tuyên bố là chính tả tiếng Anh bất hợp lý đến mức có thể đánh vần fishghotigh như trong tough, o như trong women, ti như trong nation. Tuy Bernard Shaw muốn chỉ ra sự bất đồng giữa nói và viết và qua đó sự vô lý của chính tả tiếng Anh, nhưng cái ví dụ hài hước thái quá mà ông đưa ra lại cho thấy sự lố bịch, thậm chí không tưởng, của một hệ thống chữ viết hoàn toàn dựa trên phát âm. Một hệ thống như vậy sẽ đánh vần careerKorea giống nhau, Rad trong das RadRad trong des Rades khác nhau.(3) Có thể thấy rằng chữ viết, kể cả khi dựa trên một hệ thống tượng thanh như bảng chữ cái la-tinh, không phải chỉ để ghi lại âm thanh.

Vậy thì chữ viết còn để ghi lại cái gì? Câu trả lời tất nhiên phải là: ý nghĩa, mặt thứ hai đi liền với âm thanh của ngôn ngữ. Nói một cách khác, hệ thống chữ viết, ngoài âm vị, còn phải xét đến cái cấu trúc ngôn ngữ gọi là hình vị, đơn vị nhỏ nhất có nghĩa trong ngôn ngữ. CareerKorea là hai hình vị khác nhau nên được đánh vần khác nhau, tuy chúng được phát âm giống nhau. Rad trong das Raddes Rades, tuy là hai âm thanh khác nhau nhưng đều có một ý nghĩa, là một hình vị, nên được đánh vần như nhau.(4) Nguyên tắc hình vị còn quyết định cả cách viết những từ như Bäume, Häuser... Khác với một từ như Boime, hay Beume chẳng hạn, Bäume giúp ta nhận ra được một cách dễ dàng hơn đây là số nhiều của Baum.(5)

Vì tiếng Việt không phải là một ngôn ngữ đa âm tiết nên có nhiều từ đồng âm khác nghĩa. Khi nói, sự đa nghĩa được đền bù bởi ngữ cảnh và điều kiện hỏi đáp trực tiếp nhưng khi viết thì không. Nếu chính tả tiếng Việt chỉ đặt mục đích ghi lại cho đúng cách phát âm, những trang sách chúng ta đọc sẽ có thêm vô số những trường hợp tối nghĩa.

3. Yêu cầu thẩm mỹ
Một trong những nhận xét tôi hay nghe được nhất từ miệng những người phản đối việc cải cách chính tả là “trông xấu lắm không thể chấp nhận được“. Vì xấu đẹp phần nhiều là do thói quen quyết định nên đây cũng là lý do tại sao các hệ thống chính tả đều có tính bảo thủ cao. Rõ ràng nhìn “tình yêu“ vẫn thấy đẹp hơn “tình iêu“, mặc dù phải công nhận là có phần nhàm hơn.

Nhưng đẹp cũng còn có một nghĩa thiết thực hơn, đó là dễ đọc. Người Ðức viết sch để biểu hiện âm thanh [š] (6), như trong Schule. Nhưng âm [š] lại được biểu hiện bằng s khi đằng sau nó có phụ âm khác đứng, như trong streiten. Có thể thấy rằng nếu giữ nguyên tắc [š] = sch, ta sẽ có schtreiten, tức là năm phụ âm đứng liền nhau, vừa xấu vừa khó đọc.

4. Sự hiện diện của lịch sử / hình thái chìm
Bây giờ ta tới phần thú vị nhất. Ai cũng biết rằng những cái “vô lý“ của chính tả đều do lỗi của lịch sử. Ai cũng biết ở một thời điểm nào đấy trong lịch sử, người Pháp có phát âm cái đuôi ent của động từ ở ngôi thứ ba số nhiều.(7) Ai cũng biết không phải vô cớ mà người Anh viết gh trong daughterright. Câu hỏi là vậy thì sao. Nếu một âm thanh đã bị lịch sử xoá đi hoàn toàn, như gh trong right, tại sao không để lịch sử xoá nốt cả những chữ cái biểu hiện những âm thanh ấy. Câu hỏi này hoàn toàn chính đáng, nếu đúng là âm thanh đó đã bị lịch sử xoá đi hoàn toàn. Nhưng liệu có đúng như vậy không?

Câu trả lời của Noam Chomsky là không. Hãy xem tại sao ông lại nói như vậy. Ðầu tiên, Chomsky cho ta thấy một quá trình ngữ âm trong tiếng Anh thay đổi / t / thành [š], như có thể thấy trong:

contrite   ®    contrition
[kəntrait]      [kəntrišən] (8)

hay

expedite     ®    expeditious
[eksəpədait]      [ekspədišəs]

Ta thấy khi đứng trước ion hay ious, / t / được phát âm là [š]. Quá trình này có thể mô tả được bằng quy tắc ngữ âm sau:

(1) / t / có / i / đứng sau được phát âm là [š]

Bây giờ xét đến từ right. Từ này còn có một hình thái nữa là righteous. Quá trình biến đổi là:

right   ®    righteous
[rait]        [raičəs] (9)

Ta có thể thấy quá trình này khác với quá trình được mô tả bằng (1). Nếu coi đuôi eous trong righteous chính là đuôi ious trong expeditious, một việc làm hợp lý vì chúng đều được phát âm như nhau và có chức năng như nhau, (1) sẽ phỏng đoán là / t / trong right sẽ biến thành [š] trong righteous, chứ không phải thành [č] như trong thực tế.

Xem lại (1), ta sẽ thấy rằng nó không hẳn là chính xác. Vì có những lúc / t / được phát âm là [č] chứ không phải là [š], cụ thể là khi / t / đứng sau một âm như / s / chẳng hạn, ví dụ như trong question [kwesčən]. Ta chỉnh lại (1) như sau:

(2) / t / có / i / đứng sau được phát âm là [č] nếu đứng trước / t / là một âm xát (ví dụ như [f], [š], [s]...), còn nếu không thì được phát âm là [š]

Quay lại right, ta thấy rằng nếu theo quy tắc (2) thì đứng trước / t / trong right phải là một âm xát, vì trong righteous / t / biến thành [č] chứ không phải [š]. Hơn nữa âm xát này phải là một âm xát không có hình thái âm thanh trong tiếng Anh hiện nay, tức là không phải [s], [f], hay [š]. Chomsky giả định rằng âm xát nói trên là [x] (10), đã từng có trong tiếng Anh, nay tuy không còn được phát âm nữa nhưng vẫn hiện hữu trong cái ông gọi là hình thái chìm (underlying form) của từ right, quyết định sự biến đổi từ / t / sang [č] trong quá trình biến đổi right ® righteous. Có nghĩa là hình thái chìm của right là / rixt /. Ðiều này càng có vẻ hợp lý hơn khi ta biết rằng cặp gh trong tiếng Anh cổ được phát âm là [x], và khi so sánh các cặp từ có họ hàng trong tiếng Anh và tiếng Ðức, như right/recht, daughter/tochter, eight/acht, night/nacht, ta thấy gh nằm đúng vị trí của ch, một cặp chữ biểu thị âm vị [x] trong tiếng Ðức. Kết luận: gh không bị lịch sử xoá hoàn toàn, và nhìn theo một cách nào đấy thì cách đánh vần từ right là hợp lý. Và sự thật là Chomsky và Halle đã cho thấy một cách khá thuyết phục hệ thống chính tả tiếng Anh là một trong những hệ thống hợp lý nhất.(11)

Tiếng Việt cũng có những trường hợp như right, khi ta không giải thích được sự hiện diện của những chữ cái nhất định. Kiến thức về lịch sử ngôn ngữ, cũng như về cơ cấu hoạt động của các quy tắc ngữ âm có chức năng cải biến hình thái chìm trừu tượng của một chuỗi âm vị trong đầu người nói thành hình thái nổi cụ thể của một chuỗi âm thanh trong không khí là bắt buộc cho những ai muốn cải cách hệ thống chữ viết.

5. Một vài góp ý cho chính tả tiếng Việt
Vấn đề viết tên riêng nước ngoài, tôi nghĩ, hay được thổi phồng và coi là một vấn đề nan giải. Ý kiến tôi trong vấn đề này rõ ràng: để nguyên cách viết của tiếng gốc. Thứ nhất, nếu người Ðức chấp nhận được Nguyen hay Quang thì không có lý do gì để người Việt không chấp nhận được Karl Marx. Thứ hai, viết Các Mác sẽ trở nên bất lợi khi người nghiên cứu phải tra cứu tài liệu nước ngoài. Thứ ba, cái ý kiến cho rằng người ta không biết cách phát âm Karl Marx là một ý kiến coi thường người khác và không có cơ sở.

Những từ đa âm nước ngoài đã được Việt hoá như tên địa danh hay từ muợn nên viết có dấu gạch ngang ở giữa, trong trường hợp phải viết hoa thì chỉ nên viết hoa chữ đầu, ví dụ như Ai-cập hay sơ-mi. Gạch nối này có hai lý do, một là để chỉ rõ đó là một từ, một hình vị, hai là để không mâu thuẫn với tính đơn âm tiết của tiếng Việt, một điều mà tôi nghĩ có lý do để tin là vẫn đúng. Còn những từ chưa Việt hoá thì nên viết đúng như trong tiếng gốc.

Về vấn đề viết hoa, có mấy trường hợp sau. Thứ nhất là khi trích tên một tác phẩm. Tôi nghĩ nên viết hoa tất cả các từ trừ những từ chỉ có chức năng ngữ pháp như của hay với. Trong trường hợp từ kép chỉ nên viết hoa chữ đầu. Thứ hai là tên các cơ quan, tổ chức. Ta nên viết hoa tất cả những từ có trong các tên này. Khái niệm từ ở đây tất nhiên được hiểu là bao gồm cả từ đơn lẫn từ ghép. Cũng như đã nói ở trên, ta chỉ nên viết hoa chữ đầu của một từ ghép. Chẳng hạn Liên hiệp quốc là một từ ghép nên ta chỉ viết hoa Liên. Thứ ba là những từ như đảng/Ðảng, chủ tịch/Chủ tịch. Ở đây tôi nghĩ là nên viết hoa khi danh từ nói đến được dùng để chỉ một thực thể cụ thể độc nhất, như Ðảng Cộng sản Việt Nam, hay Chủ tịch Hồ Chí Minh, còn nếu không ta nên coi nó cũng như những danh từ khác.



(1) Tất nhiên là khi viết những dòng này, tôi nghĩ đến thổ ngữ Hà Nội.
(2) Hình vị là đơn vị ngôn ngữ nhỏ nhất có nghĩa. Ví dụ, nhất là một hình vị trong tiếng Tàu, và người Tàu dùng một vạch ngang để diễn tả nó, coi vạch ngang ấy là một chữ. Âm tiết, cũng như từ, là một khái niệm ai cũng hiểu được bằng trực giác, ví dụ khi nói Eier, đọc là [ai.ə], có hai âm tiết, nhưng không ai định nghĩa được một cách chính xác và toàn diện. Dân đảo Xip thời xưa dùng một chữ để biểu hiện một âm tiết, hay nói cho dễ hiểu là một tiếng, như [pa], [ti], [ko]...
(3) Rad được đọc là [rat], Rades là [rades]. Hiện tượng này trong tiếng Ðức được gọi là Auslautverhärtung.
(4) Lý do việc chính tả Ðức đổi Schiffahrt thành Schifffahrt cũng là vì muốn giữ hình vị SchiffFahrt.
(5) Một trường hợp mà tôi nghĩ nguyên tắc hình vị quyết định cách viết trong tiếng Việt là cặp d/đ. Thứ nhất là khó có thể tin là de Rhodes quyết định nghĩ ra một chữ cái mới cho âm [d] của tiếng Việt, trong khi trong tiếng la-tinh đã có một chữ cái cho âm vị ấy rồi, tức là chữ . Thứ hai, sự giống nhau về hình thức giữa và <đ>, cũng như sự liên quan về ngữ nghĩa giữa những cặp từ như đao/dao, đập/dập, đi/di, đái/dái có vẻ không phải hoàn toàn ngẫu nhiên.
(6) Tôi dùng ký hiệu [š] để diễn tả âm sch trong tiếng Ðức (schreiben), sh trong tiếng Anh (shoot), ch trong tiếng Pháp (choisir), và s trong một sỗ thổ ngữ của tiếng Việt (sông núi).
(7) Ví dụ như trong ils parlent.
(8) [ə] là ký hiệu của âm schwa, tương tự như âm aâ của tiếng Việt (aân caàn).
(9) [č] diễn tả âm tsch trong tiếng Ðức (deutsch), ch trong tiếng Anh (child), và tr trong một số thổ ngữ tiếng Việt (ăn trưa).
(10) [x] biểu thị âm ch của tiếng Ðức (Buch), hay âm kh của tiếng Việt (khao khát).
(11) Ðuôi ent của động từ ngôi thứ ba số nhiều trong tiếng Pháp cũng vậy. Có thể nói là chúng vẫn không biến mất hoàn toàn mà vẫn hiện hữu ở đâu đó. Bằng chứng là nếu từ đi sau chúng bắt đầu bằng một nguyên âm, nguyên âm đó sẽ bị gắn vào chữ / t / của đuôi ent đằng trước.
(12) Có lý do để tin như vậy.