trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Điểm nóng
Chính trị Việt Nam
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
Loạt bài: Bất đồng chính kiến, ly khai từ bên trên vs. đối lập từ bên dÆ°á»›i và vai trò của không gian công phi chính thống
 1   2   3 
27.7.2005
Khải Minh, Lâm Yến
Tiểu luận số 2: Lịch sử không gian công ở Việt Nam từ đầu thế kỉ 20 đến giữa thập kỷ 90
 
Để tìm hiểu nguyên nhân đằng sau những hạn chế của “phong trào” bất đồng chính kiến Việt Nam hiện nay (đã nêu trong tiểu luận số 1), chúng tôi sẽ sử dụng một số khái niệm và mô hình thông dụng trong các nghiên cứu về bất đồng chính kiến và chuyển đổi dân chủ ở các chế độ hậu toàn trị. Chúng tôi cố gắng chỉ giới thiệu những khái niệm thật cần thiết nhằm không làm loãng mục đích chính của tiểu luận: đó là các khái niệm không gian công, không gian công toàn trị nguyên tử hoá. Ngoài ra, chúng tôi cũng đưa ra hai khái niệm mới là ly khai từ bên trênđối lập từ bên dưới (tiểu luận số 3).

Tiểu luận số 2 sẽ đặc biệt đề cập đến nội dung của khái niệm không gian công; phân tích sự hình thành và quá trình thăng giáng của nó trong lịch sử Việt Nam hiện đại. Chúng tôi sẽ cố gắng chứng minh rằng không gian công ở Việt Nam bắt đầu hình thành từ đầu thế kỉ 20, bị toàn trị hoá ở miền Bắc kể từ 1956 và ở miền Nam từ 1975. Từ 1975 đến cuối thập kỉ 80, chỉ còn tồn tại không gian công toàn trị. Không gian công phi chính thống (đối lập với không gian công toàn trị) bắt đầu xuất hiện từ cuối thập kỉ 80 trở đi.

Định nghĩa không gian công

Trong mọi xã hội, đời sống tinh thần cá nhân bao gồm hai mảng là đời sống riêng tư (cá nhân) và đời sống công cộng (xã hội). Mỗi mảng đời sống này tồn tại trong một dung môi được các học giả phương Tây gọi là sphere (không gian). Không gian tư (private sphere) là dung môi cho đời sống riêng tư như gia đình, công sở, các nhóm bạn nhậu, các câu lạc bộ thể thao, khiêu vũ v.v. Không gian công (public sphere) là dung môi cho đời sống công cộng của cá nhân.

Khái niệm không gian công đặc biệt quan trọng trong lý thuyết chính trị chuyển đổi, là một khái niệm nền tảng để giải thích rất nhiều hiện tượng trong chuyển đổi dân chủ. Người đầu tiên định nghĩa không gian công là Habermas. Theo ông [1] , không gian công là:

“…một lĩnh vực của đời sống xã hội trong đó những gì [tư tưởng, phát biểu, hành động] hướng vào dư luận xã hội (public opinion) đều có thể được hình thành. Cơ hội tiếp cận vào không gian này được mở cho mọi công dân. Một bộ phận của không gian công thành hình trong thảo luận (conversation), mà trong đó các cá nhân riêng lẻ tập hợp lại để hợp thành một cơ thể công cộng (public body).”

Như thế, theo ông, không gian công là một môi trường cho phép tất cả những hình thức thông tin và đối thoại giữa con người với nhau và có tính hướng công cộng (các trao đổi giữa các cá nhân riêng lẻ và trong những nhóm đóng kín không thuộc về cái không gian công này). Những ví dụ tiêu biểu của không gian công là truyền thông, gồm báo chí (báo in, phát thanh, truyền hình) và xuất bản - gồm cả hợp pháp và không hợp pháp, các hành động tập thể hướng công luận như mít tinh, biểu tình, các diễn đàn, các vũ đài chính trị mở v.v. Một không gian công lành mạnh, theo Habermas, phụ thuộc vào khả năng truy cập các thông tin thích hợp liên quan đến các hoạt động của chính phủ và cơ hội cho các công dân được tham dự vào tranh luận để hình thành công luận (public opinion) và ảnh hưởng tới hành vi của chính phủ.

Nguyên tử hóa xã hội là hiện tượng các cá nhân trong xã hội bị chia cắt và cô lập, mất năng lực tự do liên kết để trao đổi và thông tin do bị khủng bố hay tẩy não.

Trong các xã hội tự do, các ý kiến khác biệt không bị đàn áp, và vì thế chúng tự do lưu chuyển, tương tác với nhau trong một không gian công thống nhất trên toàn xã hội. Trong xã hội toàn trị, không gian công bị phân chia thành không gian công toàn trị hay không gian công chính thống (hợp pháp, do nhà nước kiểm soát, là công cụ của ý thức hệ) và một không gian phi chính thống (hay không gian công thứ hai) - xuất phát từ xã hội và không phụ thuộc vào ý thức hệ - là kết quả từ sự phản ứng của xã hội trước việc nhà nước kiểm soát không gian công chính thống.


Không gian công ở Việt Nam trước giai đoạn toàn trị hoá

Cùng với sự du nhập của kĩ thuật in ấn, truyền thông (bưu chính, điện tín v.v.) và đi kèm với chúng là các hình thức tổ chức xã hội mới (hội đoàn, báo chí, các buổi mít tinh, diễn thuyết v.v.), không gian công trong xã hội Việt Nam đầu thế kỉ 20 hình thành, bắt đầu từ các đô thị lớn. (Trước thế kỉ 19, không gian công ở Việt Nam hầu như không tồn tại vì thiếu cơ sở kĩ thuật cho việc thông tin và đối thoại công cộng giữa dân chúng. Người dân bị chia cắt trong các làng xã cổ truyền biệt lập). Nó phản ánh nhu cầu của một dân tộc đang cố gắng xác định bản sắc của mình sau khi mất chủ quyền, trong một thế giới hiện đại không chỉ còn có Trung Hoa.

Bất chấp sự kiểm soát lúc gắt gao lúc nới lỏng của người Pháp, không gian công ở Việt Nam lớn mạnh không ngừng, mở rộng tới nhiều tầng lớp dân cư, nhiều lúc thách thức trực tiếp chính quyền bảo hộ. Các hội đoàn nhằm mục đích trao đổi và truyền bá tư tưởng (như phong trào Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa Thục v.v.) hình thành từ rất sớm. Cho đến những năm 40, báo chí và xuất bản tiếng Việt dùng chữ quốc ngữ liên tục phát triển. Theo DeFrancis, từ khoảng 35 tờ báo tiếng Việt năm 1925, cho đến năm 1930 lên đến 75 tờ, và bùng nổ sau đó, tới vài trăm tờ. Tổng số báo phát hành bằng tiếng Việt ở Đông Dương trong giai đoạn thuộc địa lên tới 490 tờ. [2]

Không gian công này không chỉ cho phép giới tinh hoa có học trao đổi với nhau để hình thành những tư tưởng và hệ giá trị chung, mà còn cho phép họ hướng đến quần chúng. Nhiều cuộc vận động văn hoá và chính trị theo nhiều khuynh hướng khác nhau đã chuẩn bị nền móng cho một xã hội Việt Nam hiện đại. Đã xuất hiện một loại quyền lực mới chưa từng có trong xã hội phong kiến: quyền lực từ không gian công. Trong không gian công này, những nhân vật có uy tín như Phan Chu Trinh, Phan Văn Hùm, Phạm Quỳnh, Phan Khôi, Nhất Linh, Hoàng Đạo, và các tờ báo lớn như Phong Hoá, Nam Phong, Thanh Nghị, Ngày Nay, các phong trào như Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa Thục, Truyền bá Quốc ngữ, Mặt trận Bình dân v.v. có những ảnh hưởng xã hội rất đáng kể. Nhiều tư tưởng cách mạng xã hội được phát triển, lưu giữ và lan truyền trong không gian công, và thi thoảng lại bùng lên thành những hành động xã hội. (Chẳng hạn, phong trào Xin xâu Kháng thuế ở Trung Kì năm 1908, thường được coi là kết quả của cuộc vận động Duy Tân). Các lãnh tụ cộng sản Việt Nam hiểu rõ ảnh hưởng của không gian công mới hình thành ở Việt Nam, nên họ cũng hết sức chú trọng đến việc lợi dụng sức mạnh của nó: xuất bản các tờ báo có khuynh hướng cộng sản từ rất sớm. Tờ Thanh Niên do Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội thành lập (ngày 21 tháng Sáu 1925-sau này được chọn là ngày Báo chí Việt Nam [3] ), tổ chức các hội đoàn chính trị và dân sự, khơi dậy nhiều cuộc biểu tình, bãi công v.v.

Từ 1954 đến 1975 ở miền Nam, dù dưới một chế độ không dân chủ [4] , không gian công cũ tiếp tục phát triển nhờ sự đa nguyên trong xã hội. Các phong trào xã hội và chính trị rộng lớn (chống độc tài gia đình trị của Tổng thống Ngô Đình Diệm (1963),chống đàn áp Phật giáo (1963, 1966) [5] , sinh viên phản chiến, phong trào Nhân dân chống tham nhũng (1974), v.v.) trong không gian công này nhiều lúc làm rung chuyển chế độ. Và một lần nữa, những người cộng sản lại lợi dụng triệt để không gian công này vì mục đích của mình.


Thủ tiêu không gian công, nguyên tử hoá xã hội và thiết lập không gian công toàn trị

Sau khi Đảng Cộng sản củng cố được quyền lực của mình đủ để áp đặt chế độ toàn trị lên miền Bắc, thì họ tiến hành thủ tiêu không gian công cũ bằng hàng loạt biện pháp thẳng tay. Nhà nước toàn trị thực hiện việc này qua những đợt “phóng tay vận động quần chúng”. Các tổ chức độc lập theo khuynh hướng không cộng sản hoặc bị giải tán, khủng bố hoặc sáp nhập vào các tổ chức do Đảng hậu thuẫn ngay trong thời kì 1945-1946 [6] . Các đợt chỉnh huấn từ năm 1950 áp đặt ý thức hệ toàn trị lên tầng lớp trí thức trong bộ máy công quyền vốn theo kháng chiến vì lòng yêu nước [7] . Vụ Nhân văn-Giai phẩm là sự thanh trừng khuynh hướng đòi thoát li khỏi không gian công toàn trị của các văn nghệ sỹ [8] . Báo chí độc lập bị thủ tiêu trên toàn miền Bắc.

Sau năm 1975, kịch bản cũ lại lặp lại. Không gian công tương đối cởi mở ở miền Nam bị quét sạch trong thời gian ngắn, với những biện pháp thẳng tay hơn nhiều và với quy mô to lớn hơn nhiều. Các tổ chức và phong trào chính trị, xã hội và tôn giáo có ảnh hưởng đều bị cấm, các lãnh tụ của họ đều bị giam chặt trong các trại cải tạo nhiều năm trời [9] . Không chỉ báo chí, mà phần lớn các di sản sách, băng đĩa nhạc của miền Nam bị đấu, đốt, cấm [10] . Đến đây, không gian công cũ/phi toàn trị được bồi đắp từ đầu thế kỉ 20 chấm dứt sự tồn tại của mình trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.

Đi xa hơn các nhà nước độc tài, trong các xã hội toàn trị [11] , nhà nước luôn tìm cách nguyên tử hoá (atomize) xã hội, tức là sử dụng các biện pháp nhằm triệt tiêu cơ hội tự do giao tiếp/trao đổi thông tin và chính kiến giữa người với người mà không nằm trong các kênh mà nhà nước định trước. Trong một xã hội bị nguyên tử hoá triệt để, các cá nhân trong xã hội, khiếp sợ và tê liệt trước khả năng bị chế độ khủng bố, trở nên nghi ngờ lẫn nhau. Họ chủ động rút lui khỏi đời sống công cộng để quay về với cái không gian riêng tư an toàn của mình, trên các trang nhật ký/tự truyện viết lén lút, hoặc rộng hơn thì giữa các thành viên trong gia đình và trong vòng bè bạn thân cận.

Đối tượng tấn công đầu tiên của chính sách nguyên tử hóa là giới trí thức tinh hoa. Từ 1956 sau khi đập tan các tờ báo Nhân vănGiai phẩm - cuộc gắng gượng cuối cùng của không gian công cũ, bộ máy nhà nước-đảng ở Việt Nam không dừng lại ở đó. Nó tiếp tục tấn công vào các nhóm văn nghệ sỹ độc lập nhằm buộc họ tự nguyện phục tùng ý thức hệ. Một chiến dịch cải tạo trí thức được tổ chức vào tháng Một năm 1958 cho gần 500 nhà văn và nghệ sỹ. Trong tháng Ba và tháng Tư năm đó, lại có một đợt học tập cho 304 nhà văn, nhà thơ và các cán bộ văn hoá. Kết quả là tất cả 304 người này phải kí một bức thư ngày 14 tháng Tư gửi cho Đảng Lao động, chấp nhận các nguyên tắc của cuộc cải tạo trí thức. Tháng Bảy cùng năm, 58 trong tổng số 92 thành viên của Hội Văn học Nghệ thuật phải đi “thực tế”. [12] Các trí thức bị chia rẽ, buộc tội lẫn nhau. Những người cứng đầu nhất hoặc bị giam cầm, hoặc bị cô lập và phải im tiếng trong nhiều thập kỉ (như trường hợp của Đào Duy Anh, Văn Cao, Lê Đạt, Trần Dần v.v.). Trần Dần, một nạn nhân của nguyên tử hóa, viết về những trí thức đã từng cùng ông lên tiếng trong phong trào Nhân văn Giai phẩm:

„Một ngón tay Nhân văn cũng không có! Non năm nay họ đã nằm ẹp cả xuống, vắt tay lên trán, suy nghĩ như các nhà hiền triết cả rồi. Họ còn cái khao khát chiến thắng của những người tiến bộ nữa đâu? ... Họ tự coi họ bất lực, ngay mỗi việc chống đỡ những miếng cắn của thành kiến vẫn liên tục cắn họ vô cớ, họ cũng đã thấy bất lực, nên chỉ đành thúc thủ, nằm ì ra, cho cắn chán đi thì ắt phải thôi! Tóm lại, cái lực lượng Nhân văn quý báu và ghê gớm kia, họ đang tranh nhau đi vào con đường cầu an...“ [13] .

Nguyên tử hóa cũng diễn ra trong các tầng lớp dân chúng. Các quan hệ xã hội truyền thống (quan hệ láng giềng, họ hàng, bạn bè) bị huỷ diệt bởi các cuộc “đánh”, “đấu tố”, trong đó một bộ phận dân chúng bị lợi dụng để chống lại một bộ phận khác theo mô hình vận động chính trị quần chúng của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tiêu biểu là cuộc cải cách ruộng đất vào năm 1953 (giai đoạn thử nghiệm) và lên tới cao trào từ năm 1955 đến tháng Mười năm 1956 đã gây ra những xáo trộn chưa từng có trong đời sống nông thôn Việt Nam [14] . Cấu trúc xã hội của làng xã truyền thống cũng bị phá huỷ do cuộc cải cách ruộng đất - trong đó một bộ phận của dân chúng bị sử dụng để đánh lại một bộ phận khác [15] . (Lưu ý rằng các lãnh tụ cộng sản luôn khẳng định cuộc cải cách ruộng đất không đơn thuần nhằm mục tiêu phân phối lại ruộng đất cho dân nghèo - như những cuộc cải cách ruộng đất được thực hiện ở các nước khác, mà còn nhằm mục tiêu chính trị - là áp đặt tư tưởng toàn trị lên các cộng đồng cổ truyền).

Như thế, chế độ toàn trị sau khi đã xoá bỏ cái không gian công làm dung môi cho các trao đổi tri thức và quan điểm của xã hội, lại tiếp tục tiến hành nguyên tử hoá xã hội, làm cho mạng lưới xã hội cũ bị băm nát thành các nguyên tử rời rạc và trở nên dễ cai trị.

Thế chỗ cho cái không gian công đã bị diệt vong, nhà nước toàn trị lập nên một không gian công toàn trị - thông qua việc thiết lập và tài trợ cho các đoàn thể, tổ chức, mặt trận, báo chí và các phương tiện truyền thông được nhà nước bao cấp cả về tư tưởng, tài chính và nguồn lực - trong đó, mọi trao đổi, mọi hành vi công cộng đều được nhà nước nhào nặn, kiểm soát và dàn dựng, phục vụ cho ý thức hệ và các mục tiêu của chế độ cộng sản. Trong dung môi do chế độ điều chế ra được gọi là không gian công toàn trị này, các cá nhân chỉ là những nguyên tử rời rạc trôi nổi vô định trong những kênh vạch sẵn, mất khả năng tự liên kết với nhau.

Để phục vụ mục tiêu truyền bá ý thức hệ và vận động quần chúng vào các hoạt động tập thể mà chế độ mong muốn, nhà nước toàn trị đã lập ra hàng loạt các “tổ chức chính trị xã hội”. Các “tổ chức chính trị xã hội” này đều nằm trong vòng kiểm soát của bộ máy Nhà nước -Đảng, hoặc chỉ đơn giản là công cụ của nó, phụ thuộc hoàn toàn vào nó. (Chẳng hạn, các hội nghề nghiệp như Hội Nhà văn, hay các tổ chức “xã hội” như Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đều được tài trợ bởi ngân sách, và nhân viên trong các tổ chức này được coi là viên chức hưởng lương). Theo Abuza, cho đến năm 1990, có tới 124 tổ chức quần chúng cấp trung ương và hơn 200 tổ chức cấp tỉnh và địa phương. Bốn tổ chức lớn nhất là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với 3.3 triệu thành viên vào năm 1989, Hội Nông dân Việt Nam với 7 triệu thành viên và 10.000 chi hội, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh với các chi đoàn ở tất cả các trường học, và Hội Phụ nữ Việt Nam. Cho tới nay, ở Việt Nam đã có hơn 600 tờ báo (viết, nói, hình) hợp pháp, nhưng tất cả đều thuộc sở hữu của nhà nước với người chủ quản là một cơ quan thuộc bộ máy Nhà nước - Đảng.


Sự vắng mặt của không gian công phi chính thống thời kỳ trước thập kỷ 90

Đời sống bị nguyên tử hoá trong xã hội toàn trị là một bệnh thái bất thường trong đời sống xã hội. Nó tước bỏ đi nhu cầu tự nhiên của con người, như nhu cầu bày tỏ, thông tin và tự do giao kết mà mọi xã hội trước toàn trị đều có. Vì thế, phản ứng - cũng mang tính tự nhiên - của xã hội thường diễn ra dưới hình thức cố gắng tái liên kết với nhau. Các nguyên tử bị cô lập trôi nổi trong dung môi không gian công toàn trị, qua những va đập ngẫu nhiên, sẽ tìm cách hình thành các lưới liên kết ngày càng trở nên rộng và vững chắc hơn. Lưới liên kết ấy bao gồm các hoạt động độc lập, các mạng lưới, các nhóm, tổ chức, hội đoàn tự hình thành từ bên dưới (không được nhà nước “cấp phép”, nhưng nhà nước có thể “công nhận” như trường hợp ở Ba Lan nửa sau thập kỷ 1980), các diễn đàn, báo chí, các hoạt động xuất bản ngầm. Kết quả là cho ra đời cái gọi là không gian công thứ hai, hay không gian công phi chính thống - là không gian dành cho các hoạt động thông tin và thảo luận được hình thành từ bên dưới, tức là từ sự vận động của xã hội, không bị nhà nước kiểm soát và chi phối (mặc dù có thể bị chế độ đàn áp và tìm cách bóp chết).

Trong thời kỳ cực thịnh của chủ nghĩa toàn trị ở Liên Xô và Đông Âu (thí dụ dưới thời kỳ cai trị của chủ nghĩa Stalin), không gian công chính thống gần như là cái duy nhất tồn tại. Các cá nhân muốn bảo vệ giá trị/niềm tin của mình chỉ còn cách rút lui về đời sống cá nhân thuần tuý, trong các vòng gia đình, bè bạn hạn hẹp, trong các hồi ký, nhật ký cá nhân. Chỉ khi Đông Âu chuyển sang chế độ hậu toàn trị thì không gian công phi chính thống mới phát triển [16] . Ở Việt Nam, không gian công chính thống gần như nắm vai trò độc tôn trong xã hội cho mãi đến đầu thập kỉ 90. Trong những năm 70 và 80, khi samizdat mọc như nấm ở các nước cộng sản Đông và Trung Âu [17] thì không có bất cứ tài liệu nào cho thấy hoạt động này từng xuất hiện ở Việt Nam cho đến tận cuối thập kỉ 80.

Nguyên nhân quan trọng nhất bắt nguồn từ thực tế là sự tồn tại không gian công phi chính thống phụ thuộc rất lớn vào trí thức, những người có tư duy độc lập, có khả năng chống lại sự giật dây và nhồi sọ một cách có hệ thống và bài bản của bộ máy Nhà nước - Đảng. Dễ nhận thấy là từ 1956 ở miền Bắc, và sau khi thực hiện chính sách cải tạo ở miền Nam sau 1975, Việt Nam không có một đội ngũ trí thức độc lập có tiếng nói ảnh hưởng đến xã hội với tư cách là một lực lượng xã hội độc lập . (Đáng chú ý là theo một sắc lệnh từ năm 1953, “trí thức không được coi là một giai cấp đặc biệt”. Luật sư, kĩ sư, văn nghệ sỹ, bác sỹ được gộp chung vào một nhóm rất rộng gồm “các nghề tự do” [18] ). Các trí thức độc lập thời Pháp thuộc đều đã quá cố, hoặc đã bị hấp thu vào hệ thống hoặc đã lụi bại. Tàn dư cuối cùng của các trí thức độc lập cất thành tiếng nói bất đồng trong phong trào Nhân văn-Giai phẩm xuất hiện trong một bối cảnh không thuận lợi đã nhanh chóng bị chế độ đàn áp không mấy khó khăn. Hệ thống trí thức độc lập dưới chế độ Sài Gòn sau năm 1975 thì phần lớn tìm cách di tản ra nước ngoài. Số ít ỏi còn lại sau các đợt vượt biên cuối những năm 1970 và đầu thập kỷ 1980 thì hoặc im lặng, hoặc nếu lên tiếng thì bị đưa vào giam giữ trong các nhà tù/trại cải tạo ròng rã nhiều năm. Vì thế, họ không tồn tại với tư cách là một lực lượng có tiếng nói độc lập và quan trọng trong xã hội.

Hệ thống trí thức “mới” do chế độ đào tạo cũng chưa bao giờ là một đội ngũ lớn mạnh và có ảnh hưởng trong xã hội. (Theo lịch sử chính thống, “năm 1955, cả miền Bắc chỉ có 30 kỹ sư và cán bộ kĩ thuật” [19] ). May lắm thì họ chỉ vừa đủ về con số và chất lượng để giúp cỗ máy hệ thống vận hành “bình thường”. Xã hội nhìn nhận họ như là những công chức - trí thức, tức là những kỹ thuật viên của cỗ máy hệ thống chứ không phải với tư cách là những trí thức đại diện cho trí tuệ và các giá trị cao quý của dân tộc. Họ không phải là các biểu tượng đạo đức, và không hề có sức thu hút quần chúng [20] .

Nguyên do thứ hai là những điều kiện thuận lợi cho một không gian công phi chính thống phát triển còn chưa xuất hiện. Nền kinh tế thứ hai mặc dù luôn tồn tại dai dẳng để sửa chữa tình trạng bất hợp lý của chế độ phân phối và bao cấp. Tuy nhiên, ảnh hưởng của nền kinh tế thứ hai khá nhỏ, vì bản thân quy mô của nền kinh tế miền Bắc trước 1975 và cả nước trước 1986 đều rất nhỏ và phụ thuộc vào viện trợ của các nước XHCN. Sau vụ Nhân văn-Giai phẩm, báo chí độc lập bị thủ tiêu, độc quyền về truyền thông là tuyệt đối. Văn hóa thứ hai vì thế không thể xuất hiện. Ý thức hệ thay thế cũng rất hạn chế, một phần do tình trạng thời chiến mà tính chính đáng của Đảng Cộng sản được duy trì.


Sự nới lỏng ngắn ngủi của không gian công toàn trị và sự xuất hiện của không gian công phi chính thống, giai đoạn cuối thập kỉ 80 - đầu thập kỉ 90

Vào nửa đầu thập niên 80, Việt Nam chịu vô số sức ép phải nới lỏng hệ thống toàn trị: sa lầy ở Campuchia, thiệt hại do các xung đột với Trung Quốc kể từ chiến tranh biên giới năm 1979, khủng hoảng kinh tế trầm trọng (trong đó nạn đói xảy ra ở nhiều nơi), dân chúng mệt mỏi với các cuộc vận động triền miên, nhất là về nhân mạng cho các cuộc chiến, và vật lực cho Lào và Campuchia. Viện trợ của Liên Xô giảm nhanh, cộng với sự phá sản của chính sách kinh tế sai lầm (thay thế nhập khẩu, ưu tiên công nghiệp nặng, hợp tác hoá).

Cái chết của Lê Duẩn - nhà toàn trị thế hệ đầu tiên (tương tự như vai trò của Stalin ở Liên Xô, và Mao Trạch Đông ở Trung Quốc) đã tặng cho giới lãnh đạo kế cận một cơ hội hiếm có để nới lỏng các giới hạn về kinh tế cho dân chúng, nhằm tránh một thảm hoạ kinh tế và xã hội. Đảng Cộng sản công nhận “xé rào”, bỏ đường lối hợp tác hoá, thừa nhận khoán sản phẩm cho hộ nông dân. Nông nghiệp phát triển và có sản phẩm dư thừa để trao đổi trên thị trường. Vì thế, thị trường song song xuất hiện, dù còn nhỏ yếu so với khu vực quốc doanh (lúc này vẫn dùng cơ chế chỉ tiêu pháp lệnh thay vì cơ chế giá).

Việc nới lỏng không gian công chính thống được mở màn bằng cuộc “cởi trói” của Nguyễn Văn Linh (Tổng Bí thư) và Trần Độ (Trưởng ban Văn hoá Văn nghệ Trung ương) cho giới văn nghệ sỹ, nới lỏng kiểm duyệt và khuyến khích giới báo chí “nói thẳng nói thật” trong chừng mực. Trong văn học, xuất hiện những xu hướng mạnh bạo hơn, phê phán hiện thực bi đát và các ảo tưởng ý thức hệ, với sự nổi lên của một loạt nhà văn như Dương Thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Lê Lựu, xoay quanh một số tờ báo dũng cảm như Văn Nghệ (do Nguyên Ngọc làm Tổng biên tập), Sông Hương, Lang Bian. Tuy nhiên, việc nới lỏng này bị chặn lại khi Đảng Cộng sản Việt Nam nhìn thấy sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu. [21]

Khi kiểm duyệt bị thắt chặt trở lại, bên ngoài không gian công chính thống (truyền thông hợp pháp) đã xuất hiện những nỗ lực đầu tiên nhằm xây dựng không gian công ngầm thay thế. Chẳng hạn như tờ Diễn đàn Tự do của nhóm Đoàn Viết Hoạt (4 số, trong năm 1990), hay tờ Truyền thống Kháng chiến của Câu lạc bộ những người kháng chiến cũ của nhóm Nguyễn Hộ (phát hành được 3 số trong năm 1990). Những phong trào này và tờ báo của chúng nhanh chóng bị đàn áp và dập tắt. Tám biên tập viên của Diễn đàn Tự do bị kết án 4 đến 15 năm tù; Câu lạc bộ những người kháng chiến cũ bị cấm hoạt động, nhiều lãnh tụ của Câu lạc bộ bị bắt, tù hay quản chế [22] . Mặc dù chỉ tồn tại trong vài năm, chúng đã mở ra một khoảng tồn tại ngắn ngủi của không gian công phi chính thống trước giai đoạn của công nghệ Internet và thông tin toàn cầu, tạo nguồn cảm hứng cho các phong trào và nỗ lực hình thành không gian công phi chính thống sau này.

Như thế, ngay cả trong thời kì này thì về cơ bản, thế độc quyền tuyên truyền và thông tin của bộ máy Nhà nước - Đảng vẫn chưa bị phá vỡ. Các phương tiện in ấn nhỏ gọn (photocopy, máy in cá nhân, và nhất là internet) chưa xuất hiện. Thông tin đến với dân chúng chỉ qua báo chí và truyền thông hợp pháp. Đây là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến thành công hạn chế của phong trào dân chủ trong giai đoạn đó. Từ giữa thập kỷ 90 trở lại đây, cùng với việc Việt Nam ngày càng hội nhập vào cộng đồng thế giới, kèm theo sự phát triển của mạng lưới thông tin toàn cầu internet và làn sóng dân chủ hoá thứ ba (third wave), không gian công phi chính thống của Việt Nam lại được hồi sinh. Tuy nhiên, đây sẽ là nội dung được đề cập đến trong các tiểu luận sau.

Trong giai đoạn này, những yếu tố thuận lợi cho một không gian công thứ hai (nền kinh tế phi tập trung, sự phá vỡ độc quyền về truyền thông và tuyên truyền, văn hóa thứ hai và ý thức hệ thứ hai) vẫn chưa phát triển mạnh. Những mầm mống của nền văn hoá thứ hai, như pop-culture chưa đóng vai trò năng động như giai đoạn từ nửa sau thập kỉ 90 trở về sau, khi các mối giao lưu với nước ngoài mở rộng hơn nhờ bỏ cấm vận. Mặt khác, thị trường cho các dòng văn hoá như thế chưa thể hình thành trong giai đoạn này, khi phần đông dân chúng đang vươn lên từ đói nghèo, và tầng lớp trung lưu chưa xuất hiện. Các giá trị mới như dân chủ, tự do vẫn khá xa lạ với số đông trí thức và dân chúng (nhất là người dân miền Bắc). Họ còn đang phải vật lộn để tồn tại trong thế hỗn mang giữa thị trường đang phôi thai và kinh tế tập trung trì trệ. Dân chủ, với tư cách là một paradigm thay thế cho chủ nghĩa toàn trị còn đang phôi thai.

Tóm lại, trong tiểu luận này, chúng tôi đã trình bày khái niệm không gian công, không gian công chính thống và phi chính thống. Chúng tôi cũng trình bày sơ lược lịch sử không gian công của Việt Nam, từ một không gian công xuất phát từ trong lòng xã hội thuộc địa, đến khi bị thủ tiêu và thay thế bằng không gian công chính thống do nhà nước toàn trị tạo ra và kiểm soát; và cuối cùng là sự phản ứng của xã hội trước sự ngột ngạt của không gian công chính thống, để từ đó hình thành mầm mống của một thứ không gian công “ngầm” (phi chính thống). Đến đây, chúng ta đã xây dựng xong bối cảnh để chuẩn bị cho việc giải thích nguồn gốc hình thành và các hạn chế của bất đồng chính kiến ở Việt Nam ở phần 3.

© 2005 Duy Tân Trẻ
© 2005 talawas



[1]Jürgen Habermas: "The Public Sphere: An Encyclopedia Article". New German Critique 1 (1974): 49-55.
[2]John DeFrancis, Colonialism and Language Policy in Vietnam, Mouton Publisher, 1977, trang 217
[3]Gia Định báo - tờ báo quốc ngữ Việt Nam đầu tiên – ra số 1 tại Sài Gòn sáu mươi năm trước đó, ngày 15-4-1865.
[4]Ví dụ về những vi phạm dân chủ của nền Cộng hòa Đệ Nhất Việt Nam Cộng hòa: gian lận trong cuộc Trưng cầu dân ý đã đưa Ngô Đình Diệm lên làm Tổng thống (1955), hay việc ông Diệm chèn ép các đảng phái Quốc gia như Đại Việt, Việt Nam Quốc dân Đảng; vụ đàn áp Phật giáo năm 1963. Ví dụ về những vi phạm dân chủ trong nền Cộng hòa Đệ Nhị: Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu áp đặt các điều kiện khó khăn để hạn chế số lượng ứng cử viên vào chức tổng thống trước khi ông ứng cử lần 2; hay Đạo luật 007 hạn chế báo chí năm 1974 khiến nhiều tờ báo phải đóng cửa và hơn 900 kí giả thất nghiệp. Xem thêm Lê Xuân Khoa, Việt Nam 1945-1995 tập 1, Tiên Rồng, 2004.
[5]Để biết thêm về sự đàn áp Phật giáo ở Nam Việt Nam, xem thêm, thí dụ: Nature of the Buddhist conflict in South Vietnam (CIA declassified report, september, 27, 1963): http://library.usask.ca/vietnam/index.php?state=view&id=465
[6]Xem Lê Xuân Khoa, Việt Nam 1945-1995 tập 1, Tiên Rồng, 2004.
[7]Để có hình dung về phương pháp mới được du nhập từ Trung Quốc, chúng tôi xin đưa lại hai trích dẫn rất tiêu biểu từ Lê Xuân Khoa (sách đã dẫn).
Ông Vũ Thư Hiên, một nhà văn miền Bắc chống chế độ và bỏ việc làm ở Nga chạy sang Pháp tị nạn từ 1996 đã kể lại kinh nghiệm bản thân về học tập chỉnh huấn năm 1951 như sau:
“Cứ đinh ninh rằng mình cũng tựa như những tráng sĩ thời xưa, thanh gươm yên ngựa sa trường. Đến chỉnh huấn mới ngã ngửa ra rằng không phải: đi theo cách mạng trước hết là để cải tạo những tư tưởng thối tha, bao giờ cũng có sẵn trong mình như một thứ tội tổ tông truyền. Phải cải tạo tư tưởng để xứng đáng là người của Đảng, của xã hội mới… Những cán bộ vừa dự chỉnh phong ở Hoa Nam về làm hướng dẫn viên. Những người đã qua một cuộc đại tẩy não ở nước bạn rất nghiêm nghị, ít cười nói, trong bộ đồng phục Trung Quốc, với cây bút Kim Tinh cài trước ngực, với cuốn sổ tay có hình Mao Chủ tịch phương phi.
Thoạt đầu hướng dẫn viên giới thiệu một số tài liệu - bài giảng của Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Ngãi Tư Kỳ - dành cho cán bộ. Sau đó, mỗi học viên liên hệ những điều học hỏi được với tư tưởng và hành động của bản thân, phân tích, phê phán. Chúng tôi lén gọi những buổi phê phán đó là những tự xỉ vả. Ai tự xỉ vả nhiều được coi là thành khẩn. Những bản cung khai tội lỗi xuất sắc nhất được báo cáo trước toàn thể hội nghị, gọi là báo cáo điển hình”.
“Boudarel, một trí thức tả phái người Pháp bỏ nghề dạy học ở Sài Gòn để theo Việt Minh vì lí tưởng từ 1950 đến 1964, đã mô tả lớp chỉnh huấn được diễn ra trong “một không khí tu viện”, hoàn toàn cắt đứt mọi liên hệ với đời sống bên ngoài. “Những bài giảng không nhằm vào việc gợi óc suy tư hay phê phán bằng lí trí mà chỉ là để diệt trừ những khả năng này như một căn bệnh tâm thần… Cuối cùng là một bản thú tội công khai như trong những buổi sinh hoạt xưng tội của tôn giáo”.
[8]Xem Hoàng Văn Chí, Trăm hoa đua nở trên đất Bắc, Mặt trận Bảo vệ Tự do Văn hóa, 1959 và loạt bài Hồ sơ Nhân văn-Giai phẩm, khởi đăng từ tháng 5/2004 tại www.talawas.org, mục Chính trị Việt Nam.
[9]Sagan và Denney ước lượng khoảng hơn 1 triệu người Việt Nam bị giữ trong 150 trại, tiểu trại và nhà tù. Họ tuyên bố là có 500.000 người được thả trong vòng 3 tháng đầu, 240.000 bị giữ từ 2-4 năm, và 240.000 bị giữ ít nhất 5 năm, và trong năm 1983 có khoảng 60.000 người còn lại. Ginette Sagan and Stephen Denney, Violations of Human Rights in the Socialist Republic of Vietnam, Palo Alto; CA, Aurora Foundation, 1993
[10]Chẳng hạn, theo điều 3, Thông báo số 1435 của Bộ Văn hóa Thông tin thể thao và du lịch - nay là Bộ Văn hóa Thông tin - ký ngày 10.8.1991 (đến nay vẫn còn hiệu lực) có ghi chi tiết cấm sử dụng một số bài hát như sau: "Cấm sử dụng toàn bộ các bài hát, bản nhạc của các nhạc sĩ bỏ Tổ quốc ra đi đã có thái độ và việc làm chống lại Cách mạng và nhân dân ta như: Phạm Duy, Hoàng Thi Thơ, Nguyệt Ánh, Việt Dũng. Các bài hát, bản nhạc của các tác giả đã bỏ Tổ quốc ra đi hiện chưa rõ thái độ chính trị của họ thì tạm không sử dụng".
[11]Để tham khảo thế nào là hậu toàn trị và so sánh nó với các loại chế độ khác như độc tài, toàn trị, xem thêm Linz & Stepan: “Các vấn đề của chuyển đổi và củng cố dân chủ”. Nhà xuất bản Johns Hopkins -1996, phần do Khải Minh dịch và giới thiệu trên talawas tháng 7 năm 2005.
[12]Các số liệu về vụ Nhân văn Giai phẩm trong đoạn này được lấy từ Abuza, sách đã dẫn. Abuza không trích dẫn nguồn cho các số liệu trên. Số liệu từ cuốn “Ghi” của nhà văn Trần Dần tương đối khác với Abuza như sau:
  • Tháng 1 năm 1958 có Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam về việc chấn chỉnh công tác văn nghệ
  • Tháng 2 năm 1958 có lớp học “đấu tranh tư tưởng” cho 272 văn nghệ sĩ đảng viên
  • Tháng 3 và 4 năm 1958 có đợt học tập tại Thái Hà Ấp cho 304 cán bộ văn hoá văn nghệ (nhưng bức thư gửi cho Đảng thì không thấy nhắc đến). Tuy nhiên tháng 6 năm 1958 có nghị quyết do 800 văn nghệ sĩ kí phê phán Nhân văn Giai phẩm.
Vì chưa có điều kiện kiểm chứng, chúng tôi ghi lại cả hai nguồn này, mong được nghe góp ý từ các độc giả.
[13]Trần Dần, Ghi 1954-1960, Phạm Thị Hoài biên soạn, td mémoire xuất bản, Văn Nghệ phát hành, 2001
[14]Đáng tiếc là vẫn chưa có những nghiên cứu sâu rộng về hậu quả của cuộc cải cách ruộng đất lên các quan hệ xã hội ở nông thôn. Để có cảm nhận về những ảnh hưởng xã hội của nó, xin xem thêm tiểu thuyết Dương Thu Hương, Những thiên đường mù. Bản điện tử ở trang www.vnthquan.net, đường dẫn http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237n1nmnqn0n31n343tq83a3q3m3237nvn
[15]Xem Hoàng Văn Chí, Từ Thực dân đến Cộng sản, bản dịch của Mạc Định. Xem Bản điện tử tại www.thuvienvn.com
[16]Về sự phát triển của không gian công phi chính thống ở Đông Đức, xen: Janina Frentzel-Zagorska: “Civil society in Poland and Hungary” Soviet Studies, Vol. 42, No. 4 (Oct., 1990), 759-777. Bản dịch tiếng Việt do Lâm Yến thực hiện và giới tín hiệu trên talawas, tháng 6 năm 2005.
[17]Xem thêm Marcia A. Weigle, Jim Butterfield: Civil Society in Reforming Communist Regimes, Comparative Politics, October 1992. Bản Việt ngữ do Lâm Yến dịch và giới thiệu trên talawas, tháng 6, 2005.
[18]Xem Lê Xuân Khoa, sách đã dẫn, trang 131-132
[19]Lê Mậu Hãn (chủ biên). Đại cương lịch sử Việt Nam, tập III, 1945-2000. Nhà xuất bản Giáo dục, 2001.
[20]Liên quan đến vấn đề này, Phạm Thị Hoài (2001) đã cho ra mắt một tiểu luận sâu sắc về tư cách (phò chính thống và học trò) của trí thức Việt Nam. Xem “Tư cách của trí thức Việt Nam”, đăng trên http://www.ykien.net/bnpthtrithuc.html
[21]Để có một bức tranh tương đối đầy đủ về thời kì này, xin xem Zachary Abuza, Renovating Politics in Contemporary Vietnam, Lynne Rienner Publishers, 2001
[22]Abuza, sách đã dẫn, chương 5.