trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 257 bài
  1 - 20 / 257 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
Loạt bài: Sách xuất bản tại miền Nam trÆ°á»›c 1975
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95 
28.7.2005
Kenzaburo Oe
Nuôi thù
3 kì
Diễm Châu dịch
 1   2   3 
 
Lời người dịch: Trong văn chương hiện đại của xứ «Mặt trời lặn», Kenzaburo Oe chiếm một vị trí riêng biệt và đặc biệt, không nguyên vì tính cách độc sáng của một bút pháp mới lạ, mà còn vì thái độ minh bạch của ông trước những vấn đề như chiến tranh, bộ đội chiếm đóng và quyền sống của con người...

Kenzaburo Oe sinh năm 1935, đã theo học Văn chương Pháp tại Đại học Tokyo (với đề tài thi tốt nghiệp: Jean-Paul Sartre). Ông khởi sự viết văn từ năm 1955 và tới nay đã có tám cuốn tiểu thuyết, hai tập tiểu luận và khá nhiều truyện ngắn.

Lớn lên trong chiến tranh và đã trải qua thời kỳ hỗn loạn kế tiếp chiến tranh, Kenzaburo Oe rất quan tâm tới điều mà ông gọi là «tình trạng tâm lý bất bình thường» hay đúng ra, là ngược lại.

Nhân vật trong truyện của Kenzaburo Oe thường là những sinh viên học sinh, những anh lính nước ngoài hoặc những cô gái điếm...

Phần lớn các sinh viên của ông đều nghèo, phải đi kiếm việc làm thêm và do đó đã gặp nhiều kinh nghiệm kỳ quặc: chẳng hạn như giết 150 con chó để làm thí nghiệm về y khoa trong truyện Việc lạ đời; hoặc vớt những thây người vô thừa nhận ngâm trong những bể nước hóa học của trường Thuốc di chuyển đi nơi khác trong Niềm kiêu hãnh của người chết,..

Các trẻ em học sinh cũng gặp nhiều trường hợp ngược ngạo bi đát, chẳng hạn như hai anh em trong một truyện khác của Kenzaburo Oe, được người lớn sử dụng đi phân phát truyền đơn chống chiến tranh trong một trại quân đội chiếm đóng, lại về sống với một anh lính nước ngoài và một cô gái điếm, nhân tình của anh ta. Hoặc như trong Nuôi thù...

Trước Nuôi thù, truyện Niềm kiêu hãnh của người chết đã được chọn để tranh giải Akutagawa lần thứ 38, và từ đó tên tuổi của Kenzaburo Oe mỗi ngày một sáng rõ trong văn giới Nhật Bản. Tuy nhiên, chính Nuôi thù mới là tác phẩm đã đem lại cho Kenzaburo Oe cái giải thưởng văn chương mà các văn nghệ sĩ Nhật Bản hằng mơ ước đó.

Nuôi thù (Shiiku) viết vào năm 1957, tức là vào thời kỳ Kenzaburo Oe còn đương theo học ở Đại học Tokyo, và qua tháng Bảy năm sau (1958) đã được một ban tuyển lựa gồm nhiều tiểu thuyết gia danh tiếng Nhật bản trao tặng Giải thưởng Văn chương Akutagawa lần thứ 39.

Gần đây, một tác phẩm khác của Kenzaburo Oe, cuốn Một chuyện riêng tư, lại đoạt giải Shinchosa, tức là giải thưởng văn chương của Nhật Bản dành cho tác phẩm tiểu thuyết hay nhất đã xuất bản trong năm.

Ngoài các tác phẩm tiểu thuyết, Kenzaburo Oe còn viết nhiều bài tiểu luận về văn hóa và chính trị. Những bài đăng báo gần đây nhất của Kenzaburo Oe như «Quyền chối từ Nhật bản» hoặc loạt bài về ý nghĩa sự tưởng niệm Minh Trị đã cho thấy một cây bút phê bình xã hội thật sâu sắc và tiến bộ.


Nuôi thù của Kenzaburo Oe có hai bản dịch Anh văn của cùng một dịch giả John Bester, — cả hai bản đều chưa được in thành sách — bản trước đăng trên một tạp chí ngoại văn của Nhật Bản vào đầu năm 1959 và bản sau đăng trên một tạp chí Hoa Kỳ vào tháng Hai năm 1967. So với bản dịch đầu tiên, bản dịch năm 1967 đầy đủ hơn và có một vài thay đổi nhỏ.

Bản Việt văn này căn cứ trên bản Anh văn mới nhất nhưng cũng có tham chiếu bản đầu tiên. Trong bản Việt văn có một vài chữ hoặc đôi khi cả một câu đã phải... tự ý cắt bỏ trước, vì một vài lẽ tương tự như những điều đã thưa cùng bạn đọc trong phần «Ghi chú» ở cuốn Con voi (Trình bầy, 1969).

Ngoài ra, trong Hòa ngữ, chữ Shiiku chỉ có nghĩa là nuôi (thú vật) như nuôi gà, nuôi heo hoặc nuôi ngựa, nuôi bò,...; trong bản Việt văn có thêm một chữ thù cho… êm tai. Và cũng vì lý do âm thanh đó, hai chữ Nuôi thù đã được dùng thay vì Nuôi địch. Ước mong bạn đọc hiểu «nuôi thù» như «nuôi địch» mà thôi.


*


EM TÔI VỚI TÔI LÚC BẤY GIỜ Ở chỗ hỏa thiêu tạm dưới lòng thung, một nơi hỏa thiêu thô sơ đã được tạo thành thật giản dị bằng cách phát đi mấy cái bụi rậm và vượt lên một lớp đất mỏng. Chúng tôi đương lấy que bới lớp đất mềm trên mặt, lớp đất bốc mùi mỡ và tro. Thung lũng lúc này đã chìm trong ánh hoàng hôn và một lớp sương mù lạnh lẽo như một con suối ngầm chảy xối trong rừng. Thế nhưng khu làng nhỏ nơi chúng tôi cư ngụ ở phía trên sườn đồi thoải xuống lòng thung thì lại đắm trong một thứ ánh sáng màu trái nho. Tôi đứng thẳng người dậy, há miệng ngáp lớn uể oải. Em tôi cũng đứng dậy, ngáp khẽ và nhìn tôi mỉm cười.

Chúng tôi thôi không lượm nữa và, quăng mấy cái que vào đám cỏ rậm rạp mùa hè, hai anh em bá vai nhau bắt đầu theo con đường mòn mà đi trở lên khu làng. Chúng tôi tới chỗ hỏa thiêu là để kiếm mấy miếng xương còn lại có hình thù khả dĩ đeo trên ngực làm phù hiệu, nhưng bọn trẻ trong làng đã lượm hết, và chúng tôi hoàn toàn không kiếm được chút gì. Tôi tính có lẽ phải đánh lộn với một thằng bạn nào đó cùng học lớp tiểu học để giật lấy một cái. Tôi nhớ tới hai hôm trước đã nhìn qua cả một rặng đen nghịt những chân người lớn, coi họ hỏa thiêu một người đàn bà mới chết trong làng. Mụ nằm đó, trần truồng giữa ánh lửa, với cái bụng lật ngửa tênh hênh sưng tấy lên như một trái đồi nhỏ và một vẻ mặt buồn bã. Lúc này tôi thấy sợ kinh hồn. Tôi nắm lấy cánh tay gầy guộc của em tôi mà rảo bước. Dường như cái mùi người chết, một lần nữa, lại đánh lên hai lỗ mũi tôi, một cái mùi tương tự như thứ chất lỏng dinh dính của loài gián nhỉ ra khi ta xiết chúng trong mấy đầu ngón tay.

Làng chúng tôi bó buộc phải hỏa thiêu người chết ngoài trời vào kỳ mưa kéo dài trước mùa hè năm ấy, lúc mà những cơn mưa dài dặc, dai dẳng tiếp nối nhau mãi cho đến khi lụt lội xẩy ra thường ngày. Một vụ đất lở làm sập mất cây cầu treo tức là lối tắt từ trong làng ra tỉnh khiến cho chi nhánh trường tiểu học địa phương ở làng chúng tôi phải đóng cửa, thư từ không tới được và người lớn trong làng có việc cần ra tỉnh bắt buộc phải đi vòng theo một con đường mòn nhỏ hẹp không được an toàn ở phía trên đỉnh đồi. Bởi đó đem người chết ra chỗ hỏa thiêu ngoài tỉnh không còn thành vấn đề nữa.

Tuy nhiên đối với làng chúng tôi, một khu làng được lập ra để khai khẩn đất hoang trong vùng và đã lâu đời rồi mà vẫn chưa được phát triển đầy đủ thì dẫu có bị hoàn toàn cắt đứt với thành phố cũng chẳng lấy gì làm khó khăn nghiêm trọng cả. Dân ngoài tỉnh khinh thị chúng tôi như thể chúng tôi là thứ súc vật dơ dáy; và tất cả những gì chúng tôi cần tới thường ngày nhất nhất đều dồn đều nhét cả vào đám nhà hỗn độn nhỏ bé ở phía sườn đồi nhìn xuống cái thung lũng hẹp kia. Ngoài ra, lúc bấy giờ mới là đầu mùa hè và trẻ con chúng tôi rất khoái chí vì chi nhánh trường học địa phương trong làng chúng tôi phải đóng cửa.

Ngay tại chỗ khởi sự con đường trải đá mòn ở lối vào làng, Sứt Môi đương đứng ôm một con chó. Tôi bám lấy vai em tôi, chạy qua vùng bóng râm tối của mấy gốc mơ già lại coi con chó trong tay Sứt Môi.

«Ê, coi đây này!» Sứt Môi nói, tay hất hất con chó con mãi khiến nó gừ gừ. Cánh tay hắn giơ về phía tôi đầy những vết cắn bê bết máu và lông chó. Trên ngực hắn và cả ở phía sau cái cổ to mà ngắn ngủn của hắn, những vết cắn còn hằn rõ như những nụ hoa. «Coi đây!» hắn long trọng nhắc lại.

«Mày hứa đi bắt chó rừng với tao,» tôi nghẹn giọng vì ngạc nhiên và tức tối nói. «Thế mà mày đi một mình phải không?»

«Ta có lại đón mi», Sứt Môi nói vội. «Nhưng mi đâu có đó!...»

«Chắc mày bị cắn bộn», tôi lấy đầu ngón tay chọc con chó con nói. Hai lỗ mũi con chó phồng lên, đôi mắt nó dữ tợn như hai con mắt chó sói. «Phải mày bò vào tận ổ không?»

«Trước khi đi ta đã quấn một miếng da quanh cổ để chúng không tài nào cắn vào họng được», Sứt Môi đáp với một giọng đầy kiêu hãnh.

Trong màu tím của hoàng hôn ở sườn đồi và trên con đường trải đá, tôi có thể hình dung rõ rệt Sứt Môi với miếng da che cổ, bị lũ chó rừng cắn cùng khắp khi hắn bò từ trong cái ổ đầy những cỏ và cành khô ra, tay ôm con chó con.

«Bao lâu chúng không động tới cổ họng mình được là không sao hết», Sứt Môi nói vẻ tự tin. «Vả lại, ta chờ mãi cho tới khi chỉ còn có lũ chó con thôi.»

«Nó trắng và xinh lắm», tôi nói, cố không để lộ cái giọng ghen tuông.

«Bố nó cặp với chó sói đấy.» Cái kiểu nói địa phương Sứt Môi dùng thật thô tục nhưng sống động ghê gớm.

«Chà!» em tôi mơ mộng nói.

«Nó quen với ta lắm rồi.» Sứt Môi nói tiếp vẻ quá tự tin. «Bi giờ thời nó chả về với lũ chó rừng kia nữa đâu.»

Tôi với em tôi im lặng.

«Chúng bay coi!» Sứt Môi đặt con chó xuống đường buông tay ra mà nói.

«Coi!»

Nhưng thay vì nhìn xuống con chó, chúng tôi lại nhìn lên trời, vòm trời chụp lấy cái thung lũng hẹp. Một chiếc máy bay lớn không thế nào tin được đang bay ngang qua vòm trời với một tốc độ khủng khiếp. Trong giây lát, toàn thân chúng tôi bị ngợp trong tiếng ầm ầm to lớn tràn đầy và rung chuyển lớp không khí. Chúng tôi đứng sững trong cái tiếng động kia như những côn trùng có cánh bị dính phải dầu.

«Máy bay địch đấy!» Sứt Môi la lớn. «Có địch tới!»

Chúng tôi giương mắt nhìn trời và la lớn cho đến khi khản cả tiếng. «Máy bay địch!..»

Nhưng bây giờ trên vòm trời chả còn gì nữa ngoài những đám mây lấp lánh nâu trong ánh tà dương. Khi chúng tôi hoàn hồn, thời thấy con chó của Sứt Môi đương phóng thật nhanh xuống con đường đầy sỏi đá. Thế rồi con chó nhỏ ăng ẳng nhẩy vào rừng mất tăm, bỏ lại Sứt Môi miệng há hốc, thân hình như muốn chồm tới đuổi theo. Em tôi và tôi cười sằng sặc như người say rượu, và đến chính Sứt Môi, dầu hết sức tức tối, cũng phải bật cười.

Chúng tôi bỏ Sứt Môi đó, chạy về căn nhà chứa đồ ngồi «chồm hổm» trong ánh hoàng hôn như một con thú lớn. Cha đang ở trong chỗ tối không có sàn lót, sửa soạn bữa ăn cho chúng tôi.

«Tụi con thấy một cái máy bay!» em tôi kêu lớn sau lưng Cha. «Một cái máy bay địch lớn hết sức.» Cha lầu bầu không quay lại. Tôi gỡ khẩu súng săn nặng nề của Cha trên vách ván xuống, và vác lên vai, tay khoác tay em tôi, trèo lên những bậc thang tối.

«Tiếc quá, con chó rông mất», tôi nói.

«Cả cái máy bay nữa», em tôi nói.

Chúng tôi sống trong một căn buồng nhỏ ngày trước đã từng dùng làm nơi nuôi tằm, trên lầu hai của một ngôi nhà chứa đồ công cộng ngay giữa làng. Chúng tôi không có lấy một chút đồ đạc gì là của riêng. Khẩu súng săn của Cha ánh mờ, sáng lên tưởng chừng như cái báng gỗ nhoáng bóng dầu mỡ kia đã biến thành sắt cứng như cái nòng súng, cứng đến độ tay đập vào đó sẽ bị tê đi. Khẩu súng này khiến cho căn nhà nghèo khổ của chúng tôi có một chỗ chú mục. Khẩu súng đó củng với mấy tấm lông chồn phơi khô treo thành chùm từ mấy cái sà để mộc rủ xuống và mấy cái bẫy đủ loại là tất cả những gì chúng tôi có. Cha đã xoay sở nuôi chúng tôi bằng cách đi săn thỏ rừng, chim chóc và — vào những mùa đông tuyết phủ — cả heo rừng nữa, và bằng cách phơi khô những bộ lông chồn mà người bẫy được và đem bán ở sở mua bán địa phương ngoài tỉnh.

Trong lúc lau chùi khẩu súng bằng một miếng giẻ rách tẩm dầu, em tôi với tôi ngó lên khoảng trời tối đen qua khe hở trong cánh cửa gỗ, như ngóng đợi nghe thấy cái tiếng ầm ầm của chiếc máy bay kia một lần nữa. Nhưng máy bay bay qua làng chúng tôi là chuyện hết sức bất thường. Chúng tôi đặt khẩu súng lại cái giá gỗ trên tường, rồi bò lên giường nằm sát vào nhau, chờ Cha đem nồi cơm với súp và rau lên, trong bụng đói cào cấu.

Em tôi với tôi cũng như những hạt giống nhỏ bị bao chặt trong lớp vỏ cứng và khoảng nhân dầy, những hạt xanh bọc trong một lớp màng quá mềm mại và tươi non khiến chỉ phơi ra ánh sáng bên ngoài thôi cũng đủ làm cho nó rung chuyển và tróc đi mất... Bên ngoài cái vỏ cứng, kế mặt biển vươn dài như một sợi băng lấp lánh, nhỏ hẹp xa xa, chiến tranh đương nôn mửa lớp khí tanh tưởi xuống thành phố. Cuộc chiến tranh tiếp diễn quá lâu ấy ngày càng thêm rộng lớn và nặng nề như truyện hoang đường. Thế nhưng đối với chúng tôi, chiến tranh chỉ có nghĩa là thiếu bóng những thanh niên trai tráng trong làng và thỉnh thoảng lại một vài bức điện báo tin tử trận mà người đưa thư phân phát. Từ bấy đến giờ chiến tranh vẫn chưa ngấm qua được cái vỏ cứng và lớp nhân dầy. Ngay cả địch... Ngay cả máy bay địch mới đây đã bắt đầu bay qua làng, đối với chúng tôi, cũng chỉ như một thứ chim lạ nào đó.

Gần sáng chúng tôi choàng dậy vì tiếng một vật gì rớt xuống nặng nề và khủng khiếp. Tôi thấy Cha ngồi nhỏm dậy trên tấm chăn trải trên giường và ngất ngư ở đó, đôi mắt thao láo thèm muốn, như một con thú dữ núp trong rừng đêm toan chồm tới vồ mồi. Nhưng thay vì nhảy tới, người lại ngả xuống giường và ngủ lại rất mau.

Tôi chờ một lúc lâu, đôi tai như muốn tróc ra, nhưng tiếng ầm ầm kia không trở lại nữa. Tôi kiên nhẫn chờ đợi, lặng lẽ hít thở cái không khí ẩm ướt sáng lên do ánh trăng nhạt chiếu xuyên qua khung cửa cao ngất trổ trên mái căn nhà chứa đồ, cái không khí nặng mùi ẩm mốc và những con thú nhỏ. Một thời gian dài đã trôi qua lúc em tôi đương thiếp ngủ, vầng trán đẫm mồ hôi ép sát bên người tôi, đột nhiên buông một tiếng nức nở yếu ớt. Cả em tôi nữa hẳn cũng đã đợi chờ mặt đất ầm lên vang dội, và cái hồi hộp đợi chờ quá đáng ấy khiến nó chịu không nổi. Nó nằm đó, cái cổ gầy gò và mảnh mai như một cuống cây non: tôi ép lòng bàn tay vào gáy nó và nhẹ nhàng đung đưa để trấn an nó. Thế rồi, nguôi ngoai vì cái cử động nhè nhẹ của chính cánh tay tôi, tôi cũng thiếp đi nốt.

Khi tôi tỉnh dậy, ánh sáng ban mai tràn trề ùa vào qua từng khe hở trên vách ván và trời đã nóng. Cha không có đó. Và khẩu súng cũng không có trên tường. Tôi lay em tôi dậy và mình hãy còn để trần tới ngang hông, chúng tôi ra ngoài con lộ ngay phía trước mặt căn nhà chứa đồ. Những tảng đá lát trên đường cũng như những bậc cấp bằng đá bập bềnh trong ánh sáng gay gắt ban mai và mấy đứa trẻ đứng ngoài đó hoa mắt, chớp chớp. Những đứa khác đè mấy con chó ra bắt rận hay la lối đuổi nhau lên lên xuống xuống con đường. Nhưng tuyệt nhiên không thấy mấy người lớn đâu cả. Em tôi với tôi chạy lại chỗ người thợ rèn ở dưới gốc một cây long não cành lá xum xuê, nhưng không thấy lò than phừn phựt tuôn ra những ngọn lửa sáng ngời trên nền đất thâm u, không thấy một tiếng bễ lò rèn, và không thấy người thợ rèn đất cát ngập tới ngang hông nhấc miếng sắt nóng đỏ với cánh tay cháy nắng héo khô một cách kỳ quặc của ông. Lúc bấy giờ đã giữa buổi mai, thế mà ông thợ rèn không có mặt trong xưởng! Chuyện chưa từng xẩy ra bao giờ. Chúng tôi lặng lẽ theo con đường lót đá mòn bước trở lại, những cánh tay trần vòng lấy nhau. Ở khắp cả làng, chúng tôi không thấy bóng một người lớn. Mấy người đàn bà chắc đang luẩn quẩn đâu đó ở phía trong tăm tối của mấy căn nhà, nhưng ngoài này chỉ có lũ trẻ đắm trong ánh nắng tràn lan. Tôi cảm thấy rùng mình lo ngại.

Sứt Môi đương ngả người trên mấy bậc đá dẫn xuống con suối nơi dân làng thường kín nước, chợt thấy chúng tôi liền chạy tới vẫy vẫy. Hắn ra dáng quan trọng lắm, bọt rãi trắng nhem nhép phùn ra ở chỗ môi sứt.

«Ê, tụi bay có nghe thấy gì không?» hắn đập vào vai tôi hét lớn. «Nghe thấy gì không?»

«Hử?» tôi đáp trống không.

«Cái máy bay bữa qua ấy, nó rớt xuống đồi hồi hôm rồi», hắn nói. «Họ đang đi kiếm mấy tên phi công địch đó. Mấy người lớn đều xách súng đi lùng bọn chúng.»

«Không hiểu họ có bắn chúng nó không?» em tôi hỏi, giọng căng thẳng. «Bọn lính địch đó?»

«Ta nghĩ họ chả bắn chúng nó đâu. Đạn bi giờ thiếu», hắn vui vẻ giải thích. «Bắt sống bọn chúng tốt hơn.»

«Thế cái máy bay có việc gì không?» tôi hỏi.

«Nó lao xuống rừng thông nát tan tành», Sứt Môi đáp. Hắn nói thật nhanh, hai con mắt lóe sáng. «Kế nhà ông đưa thư có thấy rồi. Mi biết chỗ đó mà, phải không?»

Tôi biết chỗ đó. Ngay lúc này đây có dễ hoa thông đương nở như những bông cỏ lơ thơ. Độ cuối hè, trái thông hình trứng chim rừng sẽ thành hình sẵn trên cuống nhánh chờ chúng tôi tới hái làm đạn dược. Cứ nhá nhem hay tảng sáng những viên đạn nâu lại bay vào căn nhà chứa đồ của chúng tôi lốp đốp, lốp đốp.

«Thế nào?» Sứt Môi toác cái miệng ra, nhe hai hàng lợi sáng hồng. «Mi biết chỗ đó, phải không?»

«Biết chứ, sao không?» tôi đáp, đôi môi bịm lại. «Mày có đi bây giờ không?»

Sứt Môi nheo mắt nhìn tôi với một nụ cười ranh mãnh khiến chỗ da quanh đôi mắt hắn nhíu lại thành vô số những nếp nhăn.

«Mày có đi thì tao đi lấy cái áo thung tức thì», tôi cau mày nhìn hắn mà nói. «Mày cứ đi trước đi, chút xíu là tao bắt kịp.»

Khuôn mặt Sứt Môi dãn ra khoan khoái. «Không, mi không có đi đâu hết», hắn nói với một cái giọng như khó nén được thỏa mãn. «Con nít cấm không được lên đồi. Nhỡ ngưới ta tưởng nhầm là phi công ngoại quốc, bắn chết bỏ.»

Tôi cúi đầu, nhìn trừng trừng vào đôi chân trần với những ngón ngắn ngủn, mập mạp bấm sát lấy những tảng đá lót đường nóng bỏng dưới ánh mặt trời buổi sáng. Bực bội ộc lên người tôi như nhựa trào dâng trong thân cây, dồn máu lên da thịt tôi lúc ấy hâm hấp nóng như bộ ruột một con gà con mới giết.

«Em không hiểu quân địch trông nó ra làm sao», em tôi nói.

Chúng tôi bỏ Sứt Môi lại đó, đi trở lại con đường, tay tôi vòng lên vai em tôi. Quân địch trông ra làm sao, thật sự tôi cũng không hiểu nữa, mà chúng ẩn nấp như thế nào ngoài đồng rừng? Đột nhiên tôi thấy như tất cả những cánh rừng bao quanh làng chúng tôi sống động hẳn lên với bọn lính địch đương nín hơi ẩn nấp, và tiếng thở nhè nhẹ của bọn chúng có thể sẽ bùng lên thành tiếng gầm vang ghê sợ bất cứ lúc nào. Chỉ một chốc là lớp da nhớp nháp mồ hôi và cái mùi gớm ghiếc từ thân thể của chúng sẽ trào lên khắp thung lũng, như mùa tới.

«Em mong chúng nó đừng chết», em tôi mơ mộng nói. «Em mong họ bắt sống chúng nó mang về.»

Đờm rãi tắc nghẹn trong cổ họng chúng tôi dưới ánh nắng tràn ngập, và cái đói gặm mãi sâu trong bụng chúng tôi. Cha chắc đến tối mới về: chúng tôi phải đi kiếm thức ăn lấy cho mình thôi. Chúng tôi đi xuống phía giếng nước có cái sô bể ở đằng sau căn nhà chứa đồ; và hai tay bám lấy thành giếng ẩm lạnh lẽo phồng lên như bụng một con nhộng, chúng tôi uống nước. Chúng tôi kín nước vào một cái chậu sắt nông, mồi lửa, rồi thọc tay vào đống trấu ở phía sau căn nhà chứa đồ lấy trộm mấy củ khoai. Lúc chúng tôi rửa bằng nước lạnh, mấy củ khoai cứng như đá trong lòng bàn tay chúng tôi.

Bữa ăn tiếp theo những khó nhọc ngắn ngủi của chúng tôi đó thật giản dị nhưng cũng tươm tất dồi dào. Em tôi, hai tay nắm củ khoai ăn ngon lành như một con thú, trầm ngâm nghĩ ngợi. «Không hiểu mấy tên phi công có ở trên cây thông không», nó nói. «Em thấy có con sóc ở trên cành thông ấy mà.»

«Hừm... Thông bây giờ đương ra hoa, làm chỗ nấp thì tốt lắm», tôi nói.

«Con sóc cũng vậy, nó thấy em là trốn liền!» em tôi mỉm cười nói.

Ngay lúc này, tôi nghĩ, mấy người lính ngoại quốc chắc đương lẩn khuất đâu cao trong đám thông, trên những cành thông có hoa phơi phới như những bông cỏ mềm; và qua những chùm kim thông mầu lục xinh xắn họ đương ngó xuống nhìn cha tôi và những người khác. Hoa thông bám vào những bộ đồ bay lót bông dầy cộm khiến trông họ như những con sóc xù lông ra để ngủ suốt một mùa đông.

«Bọn chúng có trốn trên cây đi nữa nhất định mấy con chó cũng đánh hơi thấy và sủa ầm lên», em tôi nói giọng yên trí lắm.

Đầy bụng rồi, chúng tôi ngồi xuống chỗ mấy bậc cấp ở đằng sau căn nhà chứa đồ, bỏ mặc cái nồi với chỗ khoai thừa và một dúm muối trên nền đất tối thui phía bên trong. Trong lúc lâu chúng tôi ngồi ngứa ngáy không yên trên bậc cấp, kịp đến khi chiều tới hai anh em bỏ ra suối tắm.

Ngoài suối Sứt Môi đương duỗi chân duỗi tay nằm (...) trên một tảng đá nhẵn nhụi và lớn nhất, để mặc cho mấy đứa con gái nhỏ đùa nghịch với (...) của hắn như đùa nghịch với một con búp-bê nhỏ. Cái mặt hắn đỏ tía và chốc chốc hắn lại cất tiếng cười líu ríu như chim, vỗ vào mông mấy đứa con gái đen đét.

Em tôi ngồi xuống bên cạnh Sứt Môi, trịnh trọng quan sát cái lễ nghi vui nhộn này. Tôi té nước vào mấy đứa trẻ dơ dáy đương phơi nắng hoặc ngụp lặn ven suối, rồi khoác áo lên người, không phơi phóng gì hết, và trở về chỗ mấy bậc cấp phía sau căn nhà chứa đồ, để lại những vết chân ướt trên những tảng đá lót đường. Được một lúc khá lâu tôi ngồi yên không nhúc nhích, tay bó gối, với một thứ dự tưởng nóng bỏng và say sưa lạo xạo dưới làn da.

Mơ màng tôi hình dung mình đương mê mải với cái trò chơi kỳ quặc mà Sứt Môi ham thích một cách bất thường ấy. Nhưng mỗi khi mấy đứa con gái đi tắm trở về trần truồng, đôi mông lắc lư theo từng bước, (...), tôi lại chửi um lên và liệng đá răm rào rào dọa nạt chúng.

Tôi đợi mãi tới lúc buổi chiều tà đắm đuối phủ ngập lòng thung và biến những đám mây phấp phới trên trời thành những ngọn lửa rực rỡ ngoài nội, nhưng mấy người lớn vẫn chưa chịu về. Tôi phát điên lên được với dự tưởng.

Hoàng hôn đã phai màu, một cơn gió hiu hiu mát rượi, thật dễ chịu cho lớp da mới bị xém nắng, từ dưới thung lũng trổi lên, và những bóng tối đầu tiên của chiều muộn đã len vào khắp các xó xỉnh lúc mấy con chó ăng ẳng và người lớn trở về khu làng lặng lẽ, một khu làng muốn phát điên lên vì khắc khoải trông đợi. Cùng với lũ trẻ tôi chạy vội ra đón họ và trông thấy người da đen khổng lồ mà họ đương bao quanh. Một nỗi sợ bất ngờ, rõ rệt khiến tôi choáng váng mặt mày.

Người lớn vây quanh tên tù binh. Những đôi môi mím lại long trọng như khi họ đi săn heo rừng vào mùa đông, họ bước tới phía chúng tôi, lưng gập xuống, hầu như buồn bã. Tên tù binh không vận bộ đồ phi công màu xám, không đi giày ống bằng da thuộc màu đen mà mặc một cái áo, một cái quần màu lá cây đậm và đi một đôi giày thô kệch nặng nề. Nó lê một chân tới, cái mặt đen bóng ngửa lên hướng về phía những tia nắng cuối cùng. Chung quanh gót chân nó có buộc chặt một cái xích sắt bẫy heo rừng, khi nó đi cái dây xích kêu loảng xoảng. Trẻ con chúng tôi cũng im lặng như thế đi thành một nhóm theo sau đám rước của mấy người lớn và tên tù binh.

Đám rước ấy từ từ tiến tới khoảng đất trống trước mặt ngôi trường ngánh ở làng, rồi lặng lẽ dừng lại. Tôi chen tới phía trước đám trẻ, nhưng ông lý trưởng già đã la hét ầm ĩ đuổi chúng tôi đi. Chúng tôi rút về phía mấy cây mơ trong một góc sân, nhất quyết dừng lại đó nhòm qua bóng tối dầy đặc xem người lớn họp hội đồng. Mấy người đàn bà đứng ở lối ngưỡng cửa hướng về phía sân trống, tay khoanh lại để dưới những tấm áo choàng trắng. Chồng con họ vừa đi một chuyến nguy hiểm trở về cùng với tên tù, họ dỏng tai nghe ngóng xem thiên hạ nói gì, và lấy làm bực dọc vì mấy người đàn ông nói nhỏ quá. Sứt Môi đập vào sườn tôi một cái mạnh, kéo tôi ra xa đám trẻ con, vào trong vùng bóng tối cây long não. «Nó mọi đen, đúng không? Tao biết ngay mà», hắn nói giọng run run vì hồi hộp thú chí. «Một thằng mọi đen thật!»

«Không hiểu họ làm gì nó. Bắn bỏ nó chắc», tôi nói.

«Bắn bỏ nó ý à?» Sứt Môi kêu lên, giọng nói đứt hơi vì ngạc nhiên. «Bắn một thằng mọi đen thứ thật chính cống hãy còn sống nguyên ấy à?»

«Nhưng mà nó là quân địch», tôi nhấn mạnh, không tin tưởng lắm.

«Quân địch? Nó mà là quân địch?» Sứt Môi khản cả tiếng lắp bắp, nước miếng từ chỗ môi sứt của hắn phùn đầy vào mặt tôi. «Nó là thằng mọi đen! Thế mà là quân địch!»

«Ê, ê!» giọng nói đầy kích thích của em tôi từ đám trẻ con đưa tới. «Coi kìa!»

Sứt Môi và tôi quay lại, chằm chặp nhìn tên phi công da đen. Vai lom khom, nó đứng cách mấy người lớn một khoảng ngắn, đái ra đấy. Mấy người lớn nhìn nó đái ngượng lắm. Không biết làm sao nữa. Cái mình đen thui của nó dần dần nhòe vào bóng tối mỗi lúc một sâu thêm, chỉ còn lại có cánh áo và cái quần màu lục đậm trông như quần áo thợ. Nó cúi đầu đái thật xa; thế rồi, vừa lúc ở phía đám trẻ con đứng nhìn bốc lên tiếng thở dài, nó uể oải lắc đôi mông thôi đái.

Một lần nữa mấy người lớn lại vây kín lấy người phi công da đen và lại từ từ bắt đầu cất bước. Chúng tôi theo sau cách một khoảng xa xa trong một đám rước lặng lẽ. Đám rước ấy dừng lại trước cánh cửa bên hông của căn nhà chứa đồ công cộng nơi người ta thường rỡ hàng xuống.

Ở đây, tối hù như một miệng hang thú, lối vào hầm mở rộng. Hằng năm chúng tôi thường lựa riêng ra những hạt dẻ chín vào mùa Thu thứ tốt nhất, khử sâu bọ dưới lớp vỏ của chúng bằng thán toan, và chất trong cái hầm này để dành mùa Đông. Nghiêm trang như thể lúc bắt đầu một thứ lễ nghi gì đó, mấy người lớn cùng với người da đen đi giữa từ từ chìm vào miệng hầm và những cánh tay phất phới trắng của họ đóng cửa hầm nặng nề lại từ phía trong.

Tai vểnh lên, chúng tôi chăm chú nhìn làn ánh sáng màu da cam lấp lánh trườm ra ngoài khe cửa nhỏ hẹp trổ ở hầm, giữa sàn căn nhà chứa đồ và mặt đất. Nhưng chúng tôi không thể thu hết can đảm để thực sự nhìn qua khung cửa trổ, và thời gian chờ đợi nghi hoặc vắn vỏi khiến chúng tôi mỏi mệt vô cùng. Thế mà tịnh không một tiếng súng nổ. Thay vào đó, là cái khuôn mặt của ông đầu làng lờ mờ xuất hiện trong cánh cửa hầm hé mở và la hét chúng tôi, vì thế chúng tôi đành phải thôi không trông chừng khung cửa trổ nữa dẫu là từ phía xa xa. Tuy vậy không một đứa nào than phiền, và lũ trẻ chạy xuống phía con đường lát đá, ngực phưỡn lên với cái khoan khoái được nếm trước một đêm đầy ác mộng kinh hoàng, gợi ra do chính tiếng bước chân ồn ào đuổi theo chúng khi bỏ chạy.

Em tôi với tôi để mặc Sứt Môi nấp lại trong vùng bóng cây mơ bên căn nhà chứa đồ — hắn vẫn nhất quyết theo rõi hoạt động của mấy người lớn và tên tù binh — đi vòng ra phía trước mặt căn nhà chứa đồ và bám vào cái tay thang bốn mùa ẩm ướt mà trèo lên chỗ chúng tôi ở trên căn buồng sát mái.

Thế là chúng tôi lại được sống trong cùng một căn nhà với tên tù binh ! Lẽ dĩ nhiên, một tiếng kêu từ dưới hầm khó lòng lọt tới tai chúng tôi ở mãi trên căn buồng sát mái, dù chúng tôi có cố lắng tai nghe thế nào chăng nữa, nhưng chúng tôi đương ngồi trên giường, ngay phía bên trên cái hầm mà người ta nhốt thằng da đen, một việc thật thú vị, ớn xương sống và đối với chúng tôi hầu như không thể nào tin được. Răng tôi đánh lập cập vì hào hứng, ghê sợ và khoan khoái. Em tôi, cái chăn trùm trên đầu, hai đầu gối co lại, đương run rẩy như bị cảm nặng. Chúng tôi mỉm cười với nhau trong lúc chờ Cha về. Đây thực là một dịp may lạ lùng.

Vừa lúc chúng tôi bắt đầu nhai chỗ khoai còn lại cứng ngắc và lạnh toát — không phải là để xoa dịu cái đói cào cấu cho bằng để dập tắt, với cánh tay đưa lên hạ xuống và những cử động chăm chú đưa đẩy hàm, nỗi xôn xao khuấy động trong lồng ngực — thì Cha leo lên cầu thang. Toàn thân run rẩy, chúng tôi đăm đăm theo rõi Cha gác khẩu súng lên giá và ngồi xuống tấm chăn trải trên nền nhà trống, nhưng Cha vẫn im lặng, chỉ đưa mắt liếc nhìn cái nồi đựng chỗ khoai mà chúng tôi đương ăn. Cha mệt mỏi rã rời và bực bội, tôi nhủ thầm. Nhưng chúng tôi là trẻ con, không thể làm gì đỡ người được.

«Hết gạo rồi à?» Cha hỏi. Người trừng mắt nhìn tôi, cằm trễ xuống khiến lớp da lởm chởm ở cổ họng phùng ra như một cái bao.

«Dạ», tôi trầm giọng đáp.

«Lúa mì cũng hết sao?» Cha lầu bầu giận dữ.

«Không còn thứ gì hết.» Lúc này thì tôi cũng bực mình.

«Cái tầu bay có việc gì không thầy?» em tôi rụt rè hỏi.

«Nó bắt lửa. Suýt cháy rừng.»

«Cháy hết mọi tí hở thầy?» em tôi hỏi với một tiếng thở dài.

«Còn có mỗi cái đuôi.»

«Cái đuôi... !» nó say sưa nhắc lại.

«Mấy người khác có sao không?» tôi hỏi. «Có mình nó trên tầu bay thôi hở thầy?»

«Hai tên phi công khác bị chết. Còn nó nhảy dù xuống.»

«Nhảy dù... !» em tôi lặp lại như bị lôi cuốn.

Tôi quyết định đánh bạo. «Thế họ định làm gì nó?» tôi hỏi.

«Nuôi nó cho đến khi mình biết ở tỉnh họ tính làm gì nó.»

«Nuôi nó?» tôi ngạc nhiên hỏi. «Như súc vật?»

«Nó thì có hơn gì súc vật.» Cha long trọng tuyên bố. «Hôi cùng khắp như bò.»

«Con muốn đi coi nó», em tôi nhìn vào mặt Cha nói, nhưng Cha đã bỏ xuống cầu thang, đôi môi lộ vẻ bực bội.

Tôi cảm thấy vui sướng. Chúng tôi sẽ nuôi một tên lính da đen! Tôi dám xé tung quần áo và la hét lớn. Nuôi một tên da đen như nuôi một thứ súc vật...