trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
3.8.2005
Đỗ Lê Anh Đào
Mở Miệng- khởi đầu một trang sử mới trong văn chương Việt
Ðoàn Minh Châu dịch
 
Thơ ca Việt Nam đương đại quả thật làm ta thất vọng. Bạn lật giở mau trang giấy với hy vọng bắt gặp một giọng điệu mới mẻ trong trẻo, chỉ để thấy chính mình, một lần nữa, lại chán ngán đến phát khóc bởi những cấu trúc làm tê liệt óc não, gò bó trong khuôn khổ truyền thống với sự phục tùng mù quáng nhằm làm mê muội người khác, chết chìm trong vần điệu giả tạo và khạc ra những thông điệp phớt che được các cơ quan nhà nước kiểm duyệt cẩn thận. Đột nhiên, bạn nhận ra rằng bạn lại chỉ vừa mua được một tuyển tập tẻ nhạt thiếu vắng tính độc đáo và trí tuệ nữa. Nhưng thật bất ngờ, bạn tình cờ được đọc thơ của nhóm Mở Miệng, một phong trào hí hửng chối bỏ, mà không, phải nói là nhổ toẹt, chẳng chút úp mở, vào mặt dòng thơ tẻ ngắt này. Và bạn lao vào một cuộc chơi hoang dã.

Lý Đợi, Nguyễn Tiến Văn, Dư Thị Hoàn, Bùi Chát tại Vành đai biên giới Móng Cái (ảnh: Khúc Duy)
Năm 2001, sau khi khúc hòa tấu của bộ sáu “Vòng tròn 6 mặt” nhận được sự công nhận rộng rãi từ phía giới trí thức Việt Nam, 4 người viết trẻ của nhóm (Lý Đợi, Bùi Chát, Khúc Duy, Nguyễn Quán) đã khai sinh một phong trào thơ chui, sau này mang tên Mở Miệng. 4 người bạn gặp nhau ở Thi Hội Tửu Quán, tại trường Đại học. Giống như cái tên của Hội quán sinh viên này, họ đồng cảm với nhau về thơ và rượu từ ấy.

Nhóm tứ tấu cách tân đề ra mục tiêu cho đứa con tinh thần của họ là phải vứt bỏ các thói quen trong lối viết quy ước và nỗ lực tạo ra một môi trường sáng tạo tôn cao tự do và cá tính. Khởi hứng từ sự thách thức chống lại ý hệ cứng nhắc mà chính quyền cộng sản vẫn còn áp đặt lên văn chương nghệ thuật, họ muốn thơ phải phản ánh cuộc sống hàng ngày trong hình thể chân thực nhất và phóng túng nhất. Bùi Chát, nhà sử học không chính thức của nhóm, tự hào phát biểu: “Khi khai sinh Mở Miệng, chúng tôi muốn cổ xuý một cách tiếp cận khác đối với thơ Việt, và khi phong trào lớn mạnh, tất cả chúng tôi vẫn tiếp tục bày tỏ khát vọng này trong các tác phẩm và đạo đức lao động của mình". Với cao vọng cực kì lúc anh mới chỉ 25 tuổi, Bùi Chát không đùa [khi nói vậy]. Trong 3 tuyển tập thơ được xuất bản của anh, 1 tuyển tập có tiêu đề là: Cái Lồn bỏ đi và những bài thơ chửi rủa [bới, lộn]. Một nhà thơ khác của Mở Miệng là Lý Đợi, nói rằng thông điệp của nhóm là thơ nên phản ánh xã hội đương thời.

Những nhà thơ khác và các nhà phê bình quen thuộc với khung cảnh văn học Sài Gòn, như nhà thơ Đinh Linh, cho rằng Mở Miệng không phải nhóm đầu tiên đưa ra thông điệp đó. Anh tuyên bố, “Nguyễn Quốc Chánh, sinh năm 1958, từ lâu đã viết những bài thơ rất diệu nghệ, sử dụng thổ ngữ một cách dữ dội không ai sánh được. Hắn là tay quái kiệt độc đáo của đất Sài Gòn”. Đinh Linh, một thành viên của the International Parliament of Writers’ Cities of Asylum ở Ý và một nhà văn được nể trọng (tác giả cuốn Blood & Soap [Máu & xà bông], xuất bản năm 2004), là một người bạn và là người ủng hộ cho Mở Miệng kể từ lần đầu tiên ông đọc về họ trên tienve.org. Tiền Vệ là trang web được cập nhật hằng ngày, nuôi dưỡng những cuộc đối thoại và tiềm năng không ngờ, là địa chỉ thường xuyên của giới trí thức Việt Nam.

Một nhà thơ và nhà hoạt động văn chương khác, Đỗ Kh., cho rằng căn cơ của Mở Miệng gắn bó chặt chẽ với nền văn hóa đa sắc của Sài Gòn. Đỗ Kh., người mà phong cách viết tự do phóng túng đã dọn đường cho rất nhiều nhà thơ trẻ, trong bài phỏng vấn mới đây đăng trên Tiền Vệ, do Lý Đợi thực hiện, về sự quan tâm từ lâu của ông với các phong trào thơ mới, trầm ngâm nói: “không phải một cách ngẫu nhiên mà những thành viên của nhóm Mở Miệng đều từ Sài Gòn". Đinh Linh đồng tình, “Sài Gòn là một thành phố quái đản nhất ở Việt Nam. Bộ phim Xích lô của đạo diễn Trần Anh Hùng nắm bắt nó một cách hoàn hảo, lột tả nó hoàn toàn khác hẳn với Mùa hè chiều thẳng đứng, nói về Hà Nội”.

Những nhận xét ấy dường như khá sát với sự thật. Tất cả 4 nhà sáng lập của Mở Miệng đều thích làm việc ở Sài Gòn. Tuy nhiên, mặc dù đặc chất phóng khoáng được nhìn nhận của mảnh đất này, không phải tất cả Sài Gòn đều hoan nghênh thơ của nhóm. Vì Mở Miệng trung thành với tính nói thẳng nói thật không mảy may phân vân ngập ngừng, thơ họ tràn ứ những lời lẽ chửi bới chửi thề và bóng gió dục tình. Một số người chỉ thấy họ quấy phá, thậm chí còn thô bỉ. Số khác gọi họ là lăng mạ và “rác rưởi”. Một số nghi ngờ sự chân thành trong công việc sáng tạo nghệ thuật và buộc tội những người sáng lập nhóm chỉ khoái mỗi một việc là gây tranh cãi.

Đinh Linh phê bình nhẹ nhàng hơn, “Tôi thích cái tài năng và sinh lực cuồng nhiệt của Mở Miệng, nhưng đôi lúc họ hơi bất cẩn”. Đỗ Kh. có ý kiến khác, giả thiết rằng Mở Miệng “thuộc về giai đoạn Hậu Xã hội Chủ nghĩa giả hiệu bẩn thỉu và Tiền Tư bản Chủ nghĩa cực kì tởm lợm. Theo ông, những nghệ sĩ của Mở Miệng sẽ tách ra theo con đường cá nhân và không còn duy trì thành một nhóm nữa. Tuy vậy, những nhà thơ trẻ này dường như chẳng chút nao núng trước những lời phê bình nghiêm khắc đó. Lý Đợi táo bạo bày tỏ, ngôn ngữ [thô tục] của anh xuất phát từ sự tôn trọng mà anh dành cho cuộc sống đời thường.

Rõ ràng là sự thẳng thắn của Mở Miệng đã phải trả giá. Mặc dù Mở Miệng được xem như một thành công trong làng văn chương Việt, những nhà xuất bản chính thống chưa bao giờ chấp nhận tác phẩm của họ. Sách của họ được in bằng máy photocopy với số lượng rất nhỏ 40-50 bản. Những bản sao chụp này lưu hành rộng rãi trong vòng hâm mộ và giới trí thức Việt Nam. Sự cấm đoán của chính quyền hầu như chẳng tác động mấy đến nhóm. Thậm chí, dù phải đọc Hồ Chí Minh thời đi học, Bùi Chát nhấn mạnh là anh không để bài bản chính trị ảnh hưởng đến tác phẩm của mình. Bùi Chát không hề đơn độc. Lý Đợi và Khúc Duy cũng tán đồng: “Nhà văn phải vượt qua được những giới hạn mà chính quyền cố áp đặt lên họ”.

Thách thức của Mở Miệng đối với chính quyền cộng sản không chỉ thể hiện trong tác phẩm. Họ tổ chức những đêm đọc thơ, và nhanh chóng trở nên cực kỳ phổ cập ở Tp. HCM cho tới khi công an dập tắt. Họ tiếp tục thả tờ rơi và rồi bị bắt. Công an có lẽ đã giải tán được những cuộc đọc thơ chui, nhưng các nhà thơ gặp nhau không chính thức ở quán café và qua email vẫn tăng lên. Hầu hết những thành viên của Mở Miệng đều không cảm thấy những đêm đọc thơ là quá quan trọng trong cuộc sống. Với họ, những đêm này là một hành vi thách thức thì đúng hơn.

Cũng tự nhiên khi quy cho những hoạt động của Mở Miệng là lạm dụng nghệ thuật để phát ngôn chính trị. Mặc dù Lý Đợi, Bùi Chát, Khúc Duy… cả 3 đều tuyên bố họ không phải là chính trị gia, nhiều đồng sự của họ cho rằng cách tiếp cận của Mở Miệng mang tính chính trị. Đỗ Kh., bằng những tham chiếu lịch sử, tuyên bố, "Bất cứ một thứ nghệ thuật đáng đồng tiền nào cũng mang tính chất chính trị, may mắn thay, Mở Miệng cũng không phải là ngoại lệ. Marx-Engels-Lenin-Trotsky,- chỉ nêu những cái tên này, đã viết rất nhiều về mối quan hệ phức tạp nghệ thuật-chính trị; nghệ thuật của họ trong thời họ và còn cả trong thời chúng ta vẫn kiệt xuất, mang tính tiến bộ, nếu không nói là tính cách mạng”. Mặt khác, theo Đinh Linh, công việc chính trị của Mở Miệng phát lộ trong thái độ và những đề tài "không bị đóng hàm thiếc trong ngôn ngữ và hành vi, cũng là một xác nhận chính trị".

Chủ yếu là, tình trạng chui giấu giếm không hề làm nản lòng các nhà văn kiên quyết này; họ thích sự hiện hữu không công khai của mình chừng nào văn thơ của nhóm vẫn tiếp tục đến tay độc giả mà không phải chịu khâu kiểm duyệt của nhà nước. Những độc giả sành sỏi Việt Nam không trông chờ những nhà thơ hay nhất được in sách một cách chính thức. Họ dựa vào Internet để tìm lấy lối thoát quan trọng nhất cho văn chương mới. [Ngoài Tiền Vệ, một số diễn đàn khác về văn học được quý trọng trên mạng là talawas.org (dưới sự điều hợp của Phạm Thị Hoài, tác giả của tiểu thuyết được giải Thiên sứ) và evan.com.vn].

Một số nhà thơ của Mở Miệng tỏ thái độ khinh rẻ đối với văn viết chính thống.

Theo Lý Đợi, đa phần giới biên tập viên chính thức của Việt Nam thiếu can đảm, thiếu một cách suy nghĩ mở, thiếu trí tuệ. Số khác ít chỉ trích các nhà biên tập hơn; như Khúc Duy, một nhà thơ khác, trong số những người sáng lập Mở Miệng và tốt nghiệp trường Điện ảnh, vừa mới cho ra đời một tuyển tập thơ. “Phong cách tự do không bó buộc của Mở Miệng chỉ được khích lệ trong những bản photo chui của nhóm,” Bùi Chát tuyên bố. Tới tận bây giờ, Bùi Chát và bạn bè anh vẫn tiếp tục duy trì lối sáng tác thơ tự do, với cái máy photo mỗi ngày càng thêm bận rộn. Họ trông mong một ngày nào đó Việt Nam sẽ có một nền in ấn tự do, lúc ấy, độc giả sẽ nhận được một bản mô tả trung thực nhất hàng loạt các khu ổ chuột mà các thành phố của Việt Nam mô phỏng.

Mặc dù Mở Miệng có lẽ đã gây ra nhiều tranh cãi, thông điệp của họ vẫn được nghe ra. Đinh Linh nhiệt tình cho rằng Mở Miệng là một hiện tượng lành mạnh, Đỗ Kh. kết luận là họ biểu trưng cho viên đạn cuối cùng bắn vào đầu thơ ca xã hội chủ nghĩa. Họ tiếp tục nhận được sự ủng hộ và thu hút những người chia sẻ thái độ khinh bỉ loại thơ văn tẻ nhạt được chính quyền phê chuẩn. Khi bài báo này được đăng, Lý Đợi và bạn bè anh đang chuẩn bị một đợt phát hành chui mới. Đối với những độc giả có ý thức người Việt sống phân tán ngoài nước, một câu hỏi đáng để suy ngẫm: “Phải chăng đã đến lúc cho một phong trào thơ tương tự ở nước ngoài giúp hòa hợp chúng ta lại với nhau?”


© 2005 talawas
Nguồn: Nguyên bản tiếng Anh của bài này đã được in lần đầu trên Nhà, số tháng 5 & 6 năm 2005, San Jose, USA. Có thể tham khảo thêm tại: www.nhamagazine.com