trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
11.8.2005
Hoàng Tiến
Tiếp tục trao đổi về bài trả lời của ông Nguyễn Thanh Giang
 
Thưa quý vị độc giả, tôi xin tiếp tục bài viết lần trước đang trao đổi nửa chừng.


5.

Bây giờ bàn đến ai là tác giả bức thư thay mặt 80 triệu nhân dân Việt Nam?

Bức thư này xuất hiện thời gian ông Phan Văn Khải sang Mỹ gặp ông Bush. Bức thư mang tính phá hoại cuộc bang giao Việt-Mỹ. Chửi ông Khải. Lên án ông Bush. Khen ngợi ông Thanh Giang (TG) hết lời. Lộ ra một ý đồ mong ông Bush giữ lời hứa đứng cạnh các chiến sĩ đấu tranh dân chủ, thì Việt Nam có ông TG, một công dân chưa hề có tiền án tiền sự, một trí thức yêu nước nổi tiếng đã có nhiều đóng góp tích cực cho dân cho nước, một con người quang minh chính đại, v.v... và v.v...

Tôi buộc tội lá thư này cũng ông Giang viết, với những lý do đã phân tích ở bài “Ðã đến lúc không thể làm ngơ được nữa”.

Trong bài trả lời, ông TG đã vô tình thú nhận: “Vừa rồi đọc lại lá thư của tác giả nọ (tức bức thư thay mặt 80 triệu nhân dân Việt Nam), tôi hơi giật mình thấy đoạn viết về tôi sao tỉ mỉ, chi tiết đến mức có thể ai cũng cho rằng không ai khác mà phải do chính tôi viết ra. Chẳng lẽ đây là nỗi oan Thị Kính tôi khó bề tháo gỡ?”

Rồi ông Giang lại chĩa hướng sang một người khác: “Sự thực là, tôi biết người viết bức thư đó. Ông là một người viết văn không nổi tiếng nhưng là một cán bộ tương đối chức sắc của Ðảng.”

Lời bình: Thế là chết ông này rồi. Một cán bộ tương đối chức sắc của Ðảng mà lại viết một lá thư phá hoại đường lối của Ðảng, mang tính phản động với quyền lợi của dân tộc, thì ông này là đối tượng để công an phải truy tìm cho ra. Trong những lúc nguy cấp để thoát thân, ông Giang đã làm một việc mà người có liêm sỉ phải coi là hổ thẹn.

Ông Giang sẵn sàng dâng hiến cái người bạn quý hoá cho Ðảng và công an để nhẹ tội mình. Vì tác giả bức thư thay mặt 80 triệu nhân dân Việt Nam là một đảng viên có chức sắc, thì ít nhất ông này bị khai trừ khỏi Ðảng, mất chức sắc, và lơ mơ có thể còn bị quàng tội hình sự vu khống lăng mạ thủ tướng Phan Văn Khải... Nguy hiểm lắm!

Cái người bạn này, như ông Giang viết: “Không hiểu sao, ông có cảm tình đặc biệt với tôi và hình như có “âm mưu” viết sách về tôi. Ðã nhiều lần ông khai thác đời tư của tôi suốt cả buổi. Ông lại có trí nhớ tốt nên rất rành rõ nhiều tình tiết trong tiểu sử của tôi. Thật trớ trêu, trong trường hợp này sự yêu nhau quá đôi khi lại trở thành hại nhau chăng?”

Vì lúng túng xoay xở để thoát hiểm ông Giang đã lộ tung tích bạn mình, hướng mũi dùi dư luận vào bạn mình, lại còn cam tâm trách cứ bạn mình nữa. Một người bạn có thể đã coi ông Giang như thần tượng, định viết sách về ông Giang cơ mà. Chao ôi! Khi vui thì vỗ tay vào, khi thấy nguy hiểm bổ nhào chạy đi...

Bức thư thay mặt 80 triệu nhân dân Việt Nam bị nhiều người phản đối. Vì nó đi ngược lại quyền lợi của nhân dân Việt Nam. Ông Nguyễn Quang Khuê, một cán bộ quân đội trở về làm dân ở thôn Hữu Lê, xã Hữu Hoà, huyện Thanh Trì, Hà Nội, số điện thoại: 04.6884240, phẫn nộ lên án tác giả thay mặt 80 triệu nhân dân Việt Nam. (Bây giờ thì rõ rồi, là ông Giang hoặc bạn của ông Giang. Một trong hai người ấy). Xin trích vài đoạn trong thư của ông Nguyễn Quang Khuê:

“Ông viết rằng: “Toàn thể dân tộc Việt Nam đề nghị ông (Tổng thống Bush) hãy vì lý tưởng tự do dân chủ khát vọng ngàn đời của nhân loại mà hủy bỏ ngay cuộc gặp Thủ tướng Việt Nam vào ngày 21-6-2005 sắp tới.” Vậy theo ý ông, quốc gia nào hơn Mỹ nên bắt tay với Việt Nam để giúp ta hội nhập với thế giới văn minh? Nhất là cơ hội không thể bỏ lỡ để Việt Nam gia nhập tổ chức WTO sắp tới. Hay ông muốn “khuyên” cả quốc gia khác đừng hợp tác, bỏ mặc nhân dân Việt Nam vì ở đây có những nhà lãnh đạo “độc tài có bàn tay vấy máu” của nhân dân? Ông nói: “Ông Phan Văn Khải không phải là Thủ tướng của chúng tôi, vì chúng tôi không bầu ông ấy.” Vậy theo ông ai là Thủ tướng hợp pháp của nước Việt Nam hiện nay? Nếu ông không bầu ông Khải thì ông đã bầu cho ai, hay ông để chức ấy khuyết danh? Chí ít thì ông cũng nên đề cử một vị lãnh đạo đất nước nào khác có nhân cách mà ông tín nhiệm để thay ông Khải. Ðó là thái độ trách nhiệm công dân của ông! Xin nói thêm chữ “chúng tôi” ở đây ông dùng không có tôi và rất nhiều công dân Việt Nam khác.”

Một đoạn khác ông Nguyễn Quang Khuê viết:

“Ông chỉ trích tổng thống Hoa Kỳ: “Chỉ vì một chút lợi ích kinh tế trong buôn bán với một thị trường 80 triệu dân Việt Nam mà ông (Tổng thống Bush) đã vội quên đi tất cả những tuyên bố hùng hồn, hào hoa về tự do dân chủ, để giơ tay nắm lấy bàn tay vấy máu của tên độc tài Phan Văn Khải.” Tôi không rõ ông hiểu biết về nước Mỹ là một quốc gia như thế nào, người dân Mỹ bầu ra tổng thống của họ để làm gì, mà ông Bush lại hành động ngớ ngẩn như ông nói? Có điều gì kỳ lạ đằng sau một nhận thức như vậy??? Tôi cũng đã có dịp đọc một số bài viết về tự do dân chủ ở Việt Nam của các vị mà ông đã nêu tên, như các ông: Hoàng Minh Chính, Trần Khuê, Phạm Quế Dương, Hoàng Tiến... thì thấy cách nhìn nhận về những thách thức đất nước đang phải đối diện và vượt qua của các vị này khác với ông xa lắm. Họ không chỉ tìm nguyên nhân, mà còn chỉ ra được hướng khắc phục hậu quả nhằm cải thiện tình hình. Ðó là thái độ chính trị của những công dân có trách nhiệm và xây dựng. Không biết các vị ấy nghĩ sao về những ý kiến của ông trong chuyến công du Hoa Kỳ của thủ tướng Phan Văn Khải?”

Ông Nguyễn Quang Khuê nhận xét:

“Việc ông phản đối gay gắt với những lời lẽ nặng nề sự kiện thủ tướng Phan Văn Khải đi Mỹ lần này, buộc tôi chỉ có thể hiểu là:

Gây khó khăn cho Việt Nam hội nhập với thế giới văn minh, nhằm hướng tới một mối ràng buộc quốc tế nào khác.

Làm lẫn lộn thái độ trách nhiệm giữa những công dân đang phấn đấu vì tiến bộ tự do dân chủ thực sự với thái độ phê phán vô trách nhiệm của ai đó, gây ngộ nhận ngờ vực trong dư luận dân chúng và ở cả những người cầm quyền.

Ðề cao thái quá vai trò của ông Nguyễn Thanh Giang vì những động cơ cá nhân nào đó.”

Và ông công dân Nguyễn Quang Khuê kết luận:

“Dân ta có câu: “Danh có chính thì ngôn mới thuận” Thực lòng chúng tôi muốn biết ông nhằm mục đích gì mà lại dùng thư nặc danh không tên để mà nhân danh 80 triệu nhân dân Việt Nam, ăn to nói lớn về một sự kiện có tầm quốc gia và quốc tế như vậy?”

Bây giờ chúng ta có thể đi đến kết luận ai là tác giả bức thư thay mặt 80 triệu nhân dân Việt Nam? Ðáp số của chúng tôi là: ông TG và bạn của ông ta.

Ông TG không thể chối được trách nhiệm trong 3 trường hợp đặt ra như sau:

Ông TG là tác giả. Thì chịu trách nhiệm 100% trước dân tộc và dư luận.

Ông TG bàn với ông bạn “chức sắc”, hoặc ông bạn “chức sắc” bàn với ông TG. Trường hợp này ông Giang cũng phải chịu trách nhiệm 70% vì có bàn tay đạo diễn của mình.

Ông bạn “chức sắc” tự viết, ông TG không biết. Nhưng khi viết xong thì mang biếu ông Giang. Ông Giang đã không ngăn bạn, không stop bức thư phá hoại, mà lại còn phôtô ra khá nhiều bản tán phát. Nhiều người nhận bản tán phát từ nhà ông Giang. Trong trường hợp này ông Giang cũng vẫn phải chịu trách nhiệm 50%, vì là đồng tình và đồng loã, tiếp tay cho một bức thư phá hoại mang tính phản động, nó trái hẳn với bức thư ông TG viết trước đó rất hoan nghênh cuộc gặp giữa ông Phan Văn Khải và ông Bush.

Ông Giang có đồng ý với kết luận này không? Nếu ông phản đối, xin thẳng thắn bày tỏ để công luận phán xét. Ông Giang là một chiến sĩ dân chủ, ông hiểu luật pháp, ông phải chịu lỗi nặng hơn người khác.

Nhận xét của tôi: Cái lối sống hai mặt của ông TG lần này đã vượt quá danh lợi cá nhân, đã bộc lộ việc làm nguy hại đến quyền lợi đất nước.

Nó còn nguy hiểm ở chỗ, làm cho mọi người, không hiểu anh em dân chủ ra sao nữa. Những người dân chủ, lâu nay lên tiếng phê phán chính quyền, được mọi người cảm tình, vì đã đặt quyền lợi của đất nước lên trên. Bây giờ sao lại nảy ra một bức thư phá thối cuộc bang giao Việt-Mỹ, không vì quyền lợi của nhân dân mà ông TG lại dính líu vào.

Trong một phong trào, lối sống hai mặt nguy hiểm là thế. Cho nên không thể không lên án. Không thể không phân biệt rạch ròi. Ở đây không có đất cho ghen tức cá nhân. Nó vì phong trào, vì quyền lợi của 80 triệu nhân dân Việt Nam mà phải phê phán việc làm tai hại của ông Giang.


6.

Trên đây là những điều quan trọng đã được đưa ra mổ xẻ, phân tích, tranh luận. Tôi xin tóm tắt lại:

Bản thú tội của ông TG với công an.

Việc ông Giang lén xin gặp giám đốc công an Hà Nội.

Ai là tác giả bức thư nặc danh ký tên Sông Lam?

Ai là tác giả bức thư thay mặt 80 triệu nhân dân Việt Nam?

Còn bây giờ là mấy việc lặt vặt, vì ông Giang có đặt ra trong bài viết, nên bàn thêm cho nó rộng đường dư luận:

a) Lá thư của Huỳnh Ngô và Nguyễn Văn Thanh gửi anh em dân chủ tố cáo lá mặt lá trái của TG cách đây mấy năm. Lá thư của Huỳnh Ngô, TG đổ riệt cho tôi. Lá thư của Nguyễn Văn Thanh, TG đổ riệt cho cụ Chính. Một người không cần thông minh lắm cũng nhận ra rằng, đây là trò của công an, sau khi ném bản nhận tội của TG lên Internet, họ chơi tiếp những trò này để chia rẽ hàng ngũ dân chủ.

Tôi đã nhờ người bắn tin cho ông Giang: Trước sau tôi vẫn đánh giá ông Giang là háo danh và cơ hội, nhưng tôi không phải là Huỳnh Ngô. Ðùng mắc mưu công an. Còn ông Giang cứ rêu rao, xúc phạm tôi. Tôi nhịn đến một mức nào thôi. Ðến lúc tôi phải lên tiếng thì sấm sét đấy. Vì tôi có đầy đủ dẫn chứng về ông Giang. Sau đó thấy im. Lá thư ký tên Nguyễn Văn Thanh không dám đổ cho tôi nữa, lại đổ cho cụ Chính.

Nghĩ cũng tội cho cụ Chính. Ông Giang vận động được ông Vũ Cao Quận ở Hải Phòng viết một bức thư lên án Nguyễn Văn Thanh, ca ngợi NTG. Lá thư ấy chú thích, vì không biết địa chỉ thật của Nguyễn Văn Thanh, nhờ ông TG chuyển hộ đến nơi. Ông TG chuyển đến nhà cụ Chính. Cụ Chính buồn bã đưa lá thư cho tôi xem, có hai phong bì, phong bì ngoài không ghi tên người gửi. Tôi khuyên cụ Chính, một sự nhỏ nhen, không chấp.

Nếu là người thực sự cầu thị, thì ông Giang phải thấy lá thư của Huỳnh Ngô và lá thư của Nguyễn Văn Thanh nêu những thiếu sót của ông Giang không sai. Người chân chính phải lấy đó sửa mình. Ðừng trách cứ lung tung. Ðằng này không dám trách công an, lại chĩa mũi dùi vào anh em dân chủ. Về sau tôi mới hiểu ra rằng, ông Giang làm thế, để anh em dân chủ không ai dám chê trách ông Giang nữa.



b) Trong bài viết của mình ông Giang kết tội tôi: “Người giật kíp nổ quả mìn để phá tan hoang nội tình chúng ta là ông Hoàng Tiến. Việc ông Hoàng Tiến bôi bẩn tôi, đồng tời tự bôi bẩn ông ấy và làm ly gián tôi với Trần Khuê là việc đã đành, nhưng không đau đớn bằng việc bài viết của ông Hoàng Tiến đã bôi bẩn cả “phong trào dân chủ” của chúng ta, làm cho trong, ngoài nước nhiều người sẽ ngộ nhận rằng “phong trào dân chủ” chỉ là một ô hợp của những người không ra con người, sẵn sàng rỉa móc, cắn xé nhau ngay cả khi chưa có được miếng mồi ngon nào! Chua xót biết bao! Cay đắng quá chừng!”

Dân viết văn chúng tôi gọi những đoạn văn như trên là lâm ly mùi mẫn kiểu cải lương phố chợ.

Ông TG đánh giá mình to cao quá đấy. Ông chỉ là một thành viên của phong trào. Ông đâu phải cả phong trào. Ông Giang có bẩn thì vạch cái bẩn của ông ra, sao lại thành bôi bẩn cả phong trào. Về một ý nghĩa khác, mặt tích cực của cuộc phê phán này là làm sạch phong trào.

Ông Giang hét lên: Chua xót biết bao! Cay đắng quá chừng! là đứng trên quyền lợi của cá nhân ông mà kêu rên. Còn tôi và những người dân chủ chân chính, cùng nhiều cảm tình viên của phong trào thì thấy cần thiết, nhiều người thích thú là khác, vì họ muốn biết sự thật. (Tôi cũng nhận được nhiều ý kiến hoan nghênh cả trong và ngoài nước). Cuộc sống cần phải cọ xát bàn cãi nó mới lộ ra chân lý. Cái cách sống đóng cửa bảo nhau, đừng vạch áo cho người xem lưng, giải quyết nội bộ, cần phải thổi luồng sinh khí mới vào. Sinh hoạt dân chủ cơ mà. Công khai, thẳng thắn và minh bạch có lợi hơn là tù mù, che đậy, mập mờ.

Ông Giang muốn chơi cái trò hai mặt, vừa được lòng công an, vừa được lòng anh em dân chủ. Ông Giang được nối lại điện thoại, được in ấn tự do, giao lưu thoải mái với nhân viên sứ quán Mỹ, được lên mạng Internet thông tin với bên ngoài, trong khi các anh em dân chủ khác bị kiểm soát gắt gao, thì người có suy nghĩ tất phải đặt câu hỏi: Nó là thế nào?

Việc bóc mẽ ông Giang là cần thiết. Nếu bên công an có sử dụng ông Giang thì cũng vô hiệu hoá. Ông Giang đã lộ mặt thật với kiểu sống hai mặt, thì không thể làm đại diện cho phong trào được. Với Việt kiều ở nước ngoài không biết rõ chân tướng ông Giang (thường chỉ qua mạng Internet của ông Giang duy nhất được công an cho khai thông nhiều năm nay, nên có những ngộ nhận về ông Giang) qua việc phê phán này, có điều kiện nhìn rõ ông Giang hơn, đỡ nhầm lẫn.

c) Ông Giang viết: “Hàng chục năm nay Hoàng Tiến không dám giáp mặt nhà văn Dương Thu Hương thì căn cứ vào đâu ông ta khẳng định được rằng nhà văn này khinh bỉ tôi?”

Tôi có cảm giác như đấu sĩ TG đã hết hơi, xuống sức, cố đấm phản đòn, nhưng loạng quạng vào không khí. Hàng chục năm nay Hoàng Tiến không dám giáp mặt nhà văn Dương Thu Hương..., cú đấm hụt hơi như sắp ngã xuống mặt sàn đấu trường, nghĩ cũng thấy tồi tội cho con người đầy sĩ diện như ông Giang phải dùng cách nói văng mạng của một người cùng kỳ lý.

Chuyện nhà văn Dương Thu Hương khinh bỉ ông Giang, ông Trần Dũng Tiến là người chứng kiến. Ông Dũng Tiến còn nói: “TG nó xin bám càng tôi. Chứ đâu phải tôi rủ TG.”

Nhưng thôi, chuyện vặt. Dương Thu Hương khinh bỉ TG như thế nào xin cứ hỏi Trần Dũng Tiến.

Nhân đây, tôi đưa một thông tin khác. Hồi ấy TG rất muốn bắt thân với các văn nghệ sĩ. Có nhờ vả tôi. Và tôi có mời một số anh em đến chơi nhà TG. Ðúng ngày, đúng hẹn, anh em văn nghệ sĩ tới. TG ra đón mặc bộ quần áo ngủ pyjama. Từ đó không ai đến nhà TG nữa. Sau này TG hỏi. Tôi giảng giải, không ai bất lịch sự như ông. Ông mời các văn nghệ sĩ đến, chứ không phải người ta tự tìm đến nhà ông. Nếu người ta tự đến thì ông có mặc quần đùi ra đón cũng không ai chê trách. Họ bảo ông học đòi quan cách, kiểu trung ương ủy viên bí thư tỉnh ủy mặc pỵjama tiếp khách, một lối trưởng giả học làm sang. Văn hoá ứng xử vùng đất Thăng Long không chấp nhận một hành vi như vậy.

Nhà văn Hoàng Quốc Hải còn kể, một lần TG đến thăm nhà văn. Nhân buổi chuyện, nhà văn nói có được đọc bài viết của Lê Chí Quang và Nguyễn Vũ Bình, hai nhà dân chủ trẻ tuổi, hay lắm, viết sắc sảo lắm. TG nói là TG gà cho đấy. Nhà văn Hoàng Quốc Hải mất cảm tình, thấy TG là người huyênh hoang không biết lịch sự tế nhị. Dù cho có giúp đỡ thật thì những người đôn hậu không ai nói như thế. Vả lại, họ tuy trẻ tuổi, nhưng đều tốt nghiệp đại học, có thua gì ông Giang.

d) Cả cái chuyện tiếp thượng nghị sĩ Mỹ Loretta Sanchez mà ông Giang kể ra trong bài viết, việc này đối với tôi không có gì là quan trọng, vậy mà ông Giang lại cho là ghê gớm để xin lỗi tôi. Nghĩ cũng kỳ! Buổi tiếp ấy có hai người vắng mặt là ông Phan Ðình Diệu và tôi. Một buổi họp khác ở nhà ông Giang ở khu tập thể Hoà Mục, tôi đã nổi nóng mắng ông Giang như trẻ con (lời ông Giang viết trong bài) là có thật. Lý do như sau, ông Giang đưa tin, có hai thượng nghị sĩ muốn xin gặp các ông dân chủ chủ chốt. Ông Giang mời cụ Chính, ông Phạm Quế Dương và tôi. Chúng tôi đến đúng giờ, còn đến trước vài phút nữa là khác. Họ là chủ, chúng tôi là khách, đến giờ họ chưa tới. Chờ mãi, nửa tiếng, rồi một tiếng, rồi tiếng rưỡi. Nghĩ thương mấy cụ già ngồi uống nuớc hoài chờ đợi. Ông Giang giải thích vì họ bận quá, phải gặp cơ quan này cơ quan kia của ta. Họ bận gì thì cũng phải gọi điện thoại đến xin lỗi chứ. Mang giấy giới thiệu nhân thân ra xem, thì không phải thượng nghị sĩ (sénateur) mà là hai nhân viên quốc hội Mỹ. Tôi điên tiết mắng ông Giang một trận, coi thường anh em trong nước, coi trọng người Mỹ quá đáng. Ông Giang nói xẵng, ai không chờ được thì về. Tôi nói, nếu bây giờ họ đến thì tôi cũng không tiếp họ, tôi sẽ phê bình họ thiếu lịch sự. Họ mời chúng tôi, họ không đúng giờ, lại không gọi điện xin lỗi. Ông Giang hay đi nước cờ thấp, đẩy mọi người vào những cảnh ngộ khó xử. Như việc lần trước, để cụ Trần Ðộ bị mang tiếng mãi vì đi xe lăn đến gặp Loretta Sanchez. Mà vị thế cụ Ðộ không cần phải thế. Tôi bỏ ra về.

Cụ Chính và ông Dương đành ở lại. Về hết thì căng quá. Cũng không thấy ai đến. Sau này ông Giang giải thích, hôm sau sứ quán Mỹ gọi điện đến báo, họ có đến, nhưng công an ngăn lại không cho vào với lý do vùng nguy hiểm, họ đành quay về. Ðấy là ông Giang giải thích như vậy, thực hư không ai biết. Họ không được vào thì họ vẫn có quyền gọi điện xin lỗi chứ. Họ thiếu gì điện thoại cầm tay.

Còn những chuyện lặt vặt khác như tấm biển đồng, danh xưng Viện sĩ Hàn lâm New York, xin cứ hỏi ông Trần Dũng Tiến. Ông Dũng Tiến còn giữ một tấm danh thiếp ông Giang ghi đậm: Nguyễn Thanh Giang. Viện sĩ – Tiến sĩ Ðịa vật lý; và một bức ảnh chụp lễ ăn mừng danh hiệu Viện sĩ Hàn lâm New York, mặt sau có chữ của TG ghi tặng ông Trần Dũng Tiến nhân buổi lễ đón danh hiệu Viện sĩ Hàn lâm New York.

Một người háo danh như ông TG thì khắc biển đồng trước nhà, hoặc ăn khao 3 ngày 5 ngày là có thể xảy ra lắm, là hợp lôgíc tư duy. Nhưng cũng chỉ là chuyện vặt, chẳng đáng để tâm. Ngay cả việc ông Giang chối bỏ đã chê cụ Trần Ðộ mất tinh thần, TG phải lên dây cót để đề cao mình, cũng là chuyện vặt.

Cuộc đấu tranh này nhằm phê phán lối sống hai mặt của ông Giang, nó thuộc phạm trù nhân cách. Người có nhân cách thì dù đứng ở đâu, ngay cả phía kẻ thù, cũng vẫn được kính trọng. Chẳng thiếu gì chuyện những mật thám Pháp kính phục anh em tù cộng sản đó sao.

Nhà văn nữ Dương Thu Hương trong chuyến sang Ý và Pháp vừa rồi có phát biểu một câu rất đáng suy nghĩ: “Anh có thể mất tất cả, ngay cả mạng sống của anh, nhưng không bao giờ được để mất danh dự của anh.” (Phóng viên Alan Riding tường thuật trên tờ International Herald Tribune ngày 15-7-05, nguyên văn tiếng Anh: “You can lose everything, even your life, but never your honor”.)

Tóm lại, tôi đã làm xong cái phần việc của mình: bóc mẽ ông Giang. Vì sao phải làm, tôi đã nói rõ trong 3 bài viết. Bây giờ nói đã đủ, có thể dừng lại. Còn ông Giang muốn tranh luận điều gì nữa, xin cứ viết bài. Tôi lại xin hầu chuyện.

Tôi thấy nhẹ lòng khi làm xong công việc này. Thứ nhất, trong cuộc sống tôi vốn dĩ ghét lối sống hai mặt. Thứ hai, trong một phong trào, kẻ hai mặt chẳng những đáng ghét mà còn nguy hại cho phong trào. Ở đây không có sự ghen tức cá nhân. Tôi không nhận một chức sắc gì của phong trào. Tôi không có tham vọng chính trị. Sự nghiệp của tôi là văn chương. Tôi cảm nhận rằng, ở vị trí của tôi, phải làm công việc bóc mẽ này là hợp lý nhất, như là Trời bảo phải làm vậy.

Còn ông Giang chẳng nên trách cứ gì ai. Hãy tự trách mình. Ðây là quả nghiệp. Gieo nhân nào thì gặt quả ấy. Lão tử có nói: “Phàm sự vật trên đời, cái gì muốn làm cho to ra, lớn lên, thì nó cứ bé đi, yếu lại. Làm cho nó bé đi, yếu lại, thì nó lại cứ to ra, lớn lên.”

Ðất thiêng Thăng Long ngày 8 tháng 8 năm 2005

Ðịa chỉ: Nhà A 11 Phòng 420, Thanh Xuân Bắc—Ha Nội, điện thoại: 9160574

© 2005 talawas