trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
18.8.2005
Hoàng Ngọc Hiến
Một bó hoa giàu hương sắc
(Đọc Từ Đông sang Tây, tập biên khảo về khoa học xã hội và nhân văn; Cao Huy Thuần, Nguyễn Tùng, Trần Hải Hạc, Vĩnh Sính chủ biên, Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2005)
 
Công trình này được biên soạn tặng nhà sử học Lê Thành Khôi. Trong công trình tuyển tập này chỉ có dăm ba bài trực tiếp viết về con người, cuộc đời và sự nghiệp khoa học của nhà sử học mà sau đây là một số nét đặc sắc:

Ở anh hình như có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa một nhà khoa học được đào tạo rất căn bản ở phương Tây với phong cách và tâm hồn của một học giả Việt Nam thấm nhuần những giá trị văn hoá phương Đông” (Phan Huy Lê, Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 28-29).

“Lê Thành Khôi không chỉ thuần tuý là một nhà sử học theo nghĩa hẹp. Ông có cái nhìn về Việt Nam của một nhà dân tộc học, ngôn ngữ học, dịch giả, tóm lại là một nhà nho trong ý nghĩa cao đẹp nhất của từ ngữ thời Việt Nam xưa…” (Charles Fourniau, Trường Cao học KHXH, Marseille, Pháp, tr. 34).

Qua bài phỏng vấn của Trịnh Văn Thảo, độc giả hiểu rõ hơn ảnh hưởng của gia đình, của nhà trường tới Lê Thành Khôi, đặc biệt những suy nghĩ đích đáng của nhà sử học về những sự khiên cưỡng trong phương pháp luận sử học: "đặt tuyên truyền chính trị trên sự thật khoa học”, “nhập cảng những khái niệm không hợp với hoàn cảnh Việt Nam”… (tr. 67, 71).

Georges Condominas (Trường Cao học KHXH, Paris, Pháp):

Cũng như nhiều người nghiên cứu Việt Nam, tôi đã sử dụng, trong gần ba mươi năm, quyển Le Việt-Nam, Histoire et civilisation (Việt Nam, Lịch sử và văn hoá) của Lê Thành Khôi… xuất bản năm 1955. Nhưng sau đó tôi gần như hoàn toàn lệ thuộc vào kiệt tác của anh mà nhiều người đã ca ngợi: L’Histoire du Việt-Nam des origines à nos jours (Lịch sử Việt Nam từ nguyên thuỷ đến nay)… xuất bản năm 1982.”

Hàng trăm trước thuật khác của Lê Thành Khôi về kinh tế, giáo dục v.v., là bằng chứng cho thấy Lê Thành Khôi quan tâm đến nhiều lĩnh vực…”

… tôi xin nhường cho các tác giả khác nói lên sự cảm phục đối với sự nghiệp khoa học rất quan trọng của Lê Thành Khôi – nhà bác học lớn, tôi sẽ tập trung ca ngợi Lê Thành Khôi - nhà thơ – nhà văn, được biểu lộ qua những tác phẩm như La Pierre d’amour (Khối tình, 1959), Quelques pas au sud des nuages (Vài bước ở Vân Nam, 2005)…” (tr. 452).


*


Ngoài mấy bài nói trên, hơn hai chục bài còn lại, mỗi tác giả viết những điều tâm đắc nhất về một chủ đề nào đó. Đây là một quan niệm đáng suy nghĩ về cách làm tuyển tập tặng một học giả, cách làm này ít ra cũng tránh được sự đơn điệu của sự từ đầu chí cuối “tôn vinh” và “xưng tụng”. Các chủ đề được phân thành 4 mục: sử học; ngôn ngữ học, văn học; kinh tế học và các ngành khoa học xã hội khác. Với những chủ đề đa dạng thuộc những ngành học thuật khác nhau, tuyển tập giống như một bó hoa giàu hương sắc, nó tương xứng với người được đề tặng là một học giả mà hàng trăm trước thuật về sử học, văn học, giáo dục, kinh tế v.v. “cho thấy ông quan tâm đến nhiều lĩnh vực trong đó ông tỏ ra rất có thẩm quyền” (Condominas).

Phan Chu Trinh sớm nhận ra một bi kịch ở Phan Bội Châu: “là người hào kiệt nóng lòng việc nước, mà kiến thức thì chưa thoát vòng khuôn sáo cũ” (tr. 137). Trong giới thức giả ở ta hiện nay cũng có một tâm trạng tương tự: ai ai cũng nóng lòng đổi mới xã hội mà tư tưởng, kiến thức vẫn còn những chỗ dở dang, lỗ mỗ, xem ra “chưa thoát vòng khuôn sáo cũ”. Tuyển tập Từ Đông sang Tây là một cuốn sách kịp thời. Trong tuyển tập có nhiều bài quan trọng tác động mạnh mẽ tới sự phản tư khả dĩ “thoát khỏi vòng khuôn sáo cũ” về tư tưởng và kiến thức.

Trong bài “Thử tìm ý nghĩa tác phẩm Pháp Việt liên hợp của Phan Chu Trinh”, Vĩnh Sính (Đại học Alberta, Canada) làm rõ kịch tính căng thẳng trong quan hệ giữa hai chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu và bi kịch trong tâm trí bản thân Phan Bội Châu. Điều đáng chú ý là kịch tính và bi kịch này thường xuất hiện trong lịch sử cách mạng Việt Nam suốt thế kỷ vừa qua cho đến tận ngày hôm nay. Có lẽ phải thấy hết chiều bi thảm này thì mới hình dung đúng sự lớn lao thật của cách mạng Việt Nam. Phau Chu Trinh nhìn nhận những ưu điểm của Phan Bội Châu đầy đủ và chính xác: “Phan Bội Châu là người rất giàu chí khí, nhiều nghị lực, chịu nhẫn nhục và dám làm (cảm vi). Một khi ông đã tin vào điều gì rồi thì quyết không bỏ, cho dù sấm sét cũng không thay đổi. Trong giới sĩ phu ở nước ta lúc đó ‘không ai có thể sánh với ông ấy’” (xem tr. 141). Và ông cũng thấy rõ những nhược điểm của Phan Bội Châu: “Tiếc thay ông ấy học thức nông cạn, không rõ thời thế, thích dùng thủ đoạn và mánh khoé (quyền thuật), tự dối mình và dối người, đầu óc ngoan cố khăng khăng không chịu thay đổi… Chủ nghĩa phục thù cực đoan cuả Phan Bội Châu thật ngoan cố và sai lầm cùng cực, đã không hợp lý luận, không hợp thời thế mà còn đẩy đồng bào vào chỗ chết (tử địa)” (xem tr. 141). Mâu thuẫn ở con người Phan Bội Châu đã được Phan Chu Trinh tóm lại trong một công thức hết sức đơn giản: “… có lòng yêu nước nhưng không biết cách thương nước” (tr. 142), mà “thương nước cho phải đường mới gọi là thương nước, nếu thương nước không phải đường thì đã không ích gì cho ai mà lại còn làm hại sinh linh nữa” (tr. 144). Có lẽ “yêu nước và biết cách thương nước” là sự biểu đạt đơn giản nhất vấn đề cốt lõi của cách mạng Việt Nam. Tranh luận giữa Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu đặt ra vấn đề tương quan về trình độ giữa người lãnh đạo và quần chúng, có hai giới hạn được nêu lên trong bài của Vĩnh Sính. Trường hợp giới hạn thứ nhất là của Phan Bội Châu: “[Các trước tác của PBC] xem ra toàn là biến thể của văn chương bát cổ, không có mảy may một chút giá trị, nhưng vì trình độ và tính cách thích hợp với quốc dân, nên dân mới bị lừa theo” (tr. 142, dẫn theo lời của Phan Chu Trinh). Trường hợp giới hạn thứ hai là của chính Phan Chu Trinh: ”Chủ nghĩa của tôi tương phản với đặc tính và trình độ của quốc dân, lại nhắm vào chỗ yếu mà cứu…, do đó chủ nghĩa của tôi thất bại” (tr. 143). Chuyển dịch, xê xích lựa được vị thế trung dung giữa hai giới hạn này chính là chỗ khó nhất của nghệ thuật lãnh đạo cách mạng.

Phan Chu Trinh có lời nói thẳng thắn xé toạc những màn trướng sáo ngữ, mỹ từ “dối mình” và “dối người”. Phan Chu Trinh kể lại như sau: “Phan Bội Châu thường nói: ‘Bình sinh sở học của tôi đắc ý nhất ở chữ Nhân trong sách Luận ngữ’. Tôi mới nói đùa: ‘Sở đắc của anh là ở bộ Chiến quốc sách, nếu quả là sách Luận ngữ thì tôi sợ anh sẽ đem nửa bộ giết người trong nước và nửa bộ để giết thân anh. Ông bực tôi lắm” (tr. 142).

Hiểu thế nào đây sự bực bội của Phan Bội Châu? Trong dịp ngày giỗ một năm của Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu đã viết những dòng sau đây: “nay đã hơn 20 năm rồi, lời ông càng lâu, càng nghiệm. Tôi mới biết cái óc suy nghĩ cùng cái mắt xem xét của tôi thiệt không bằng ông! Phỏng ngày nay ông còn sống thì cầm cờ hướng đạo cho chúng ta, hẳn phải nhờ tay ông mới được. Than ôi! Ngày nay những kẻ cúng vái ông, có phải là chỉ ngắm tượng ông, đọc văn ông góp nhặt năm ba câu làm bộ ái quốc, ái quần đầu miệng mà thôi ư? Phải biết rằng ông Hy Mã mà được danh tiếng lưu truyền với sử xanh là vì ông có chủ trương thiệt, tinh thần thiệt!” (tr. 144). Đây là một trong những lời nói thành tâm đáng khâm phục nhất của trí thức Việt Nam yêu nước trong thế kỷ vừa qua.


*


“Bản sắc dân tộc”, một ý niệm then chốt của đường lối văn hoá, văn nghệ đương đại của Việt Nam, “thoạt nghe thì rõ ràng, hấp dẫn” nhưng “không dễ xác định” (xem tr. 330). Trong bài “Văn hoá và toàn cầu hoá: vài phân tích kinh tế” của Trần Hữu Dũng (Đại học Wright State, Ohio, Mỹ), tác giả góp phần làm rõ ý niệm này bằng những xác định của tư duy khoa học đối với một ý niệm khác tương đương, có giá trị phổ quát và duy lý hơn trong học thuật: đó là ý niệm “vốn văn hoá”. “Cái ‘bản sắc dân tộc’ cần giữ gìn và (vun quén)… có thể hiểu như không gì khác hơn là vốn văn hoá” (tr. 334). “Loại vốn này có hai dạng. Vốn văn hoá vật thể là gồm những công trình kiến trúc, đền đài cung miếu, di tích lịch sử, những địa điểm có ý nghĩa văn hoá. Còn vốn văn hoá phi vật thể là những tập quán phong tục, tín ngưỡng, các giá trị khác của xã hội - một thứ keo gắn kết cộng đồng” (tr. 333). Tầm quan trọng của vốn văn hoá được làm nổi bật qua sự so sánh tác động của bảo vệ môi trường thiên nhiên và tác động của bảo dưỡng vốn văn hoá tới quốc kế dân sinh. “Bỏ bê môi trường sinh thái sẽ làm giảm sản năng và phúc lợi kinh tế”; cũng vậy, “không bảo dưỡng vốn văn hoá (để di sản đồi truỵ, làm mất bản sắc văn hoá dân tộc) cũng có những hậu quả tai hại như vậy” (tr. 333, 334). Vấn đề giá trị của vốn văn hoá phi vật thể cũng như những vấn đề văn hoá khác được tác giả xem xét trong khung lý luận của khoa học kinh tế:

  • “Giá trị của vốn văn hoá phi vật thể thì hoà quyện vào vốn kinh tế
  • “Vốn văn hóa có thể thay thế các loại vốn khác, các tài nguyên khác (như lao động) hoặc ngược lại, đóng góp vào tổng thu nhập và tốc độ phát triển của một quốc gia.”
  • “… vốn văn hoá giúp hiểu sâu hơn về tính bền vững của phát triển. Đóng góp của nó vào khả năng phát triển dài hạn không khác đóng góp của vốn thiên nhiên (tr. 333).

Từ sự xác định “vốn văn hoá phi vật thể” như một “thứ keo gắn kết cộng đồng”, tác giả đặt ra nhiều vấn đề đáng suy nghĩ. Cộng đồng quốc gia (hoặc “dân tộc”) bao gồm nhiều cộng đồng sắc tộc, cộng đồng tôn giáo, cộng đồng “đồng hương”, mỗi cộng đồng “nhỏ” này có những nét bản sắc văn hoá riêng… Nếu như cộng đồng lớn bao trùm lên tất cả một cách trừu tượng, “làn ranh” giữa “cộng đồng” và “ngoài cộng đồng” không còn nữa (nói đến những cộng đồng nhỏ) thì ý niệm “cộng đồng” dễ trở thành “rỗng không”. Còn nếu nhấn mạnh cục bộ những “cộng đồng” nhỏ như là những “tập thể nhỏ hẹp” thì “đoàn kết cộng đồng sẽ có một mặt trái không tốt, tức là lòng ngờ vực, là sự dửng dưng, thậm chí đối chọi những người ngoài cộng đồng” (xem tr. 331).

Về vấn đề “Dân tộc tính và Toàn cầu hoá” (tiết III), tác giả đặt ra nhiều vấn đề lý thú, tôi nêu lên ở đây hai vấn đề đáng suy nghĩ.

  • “… qua nhiều thiên kỷ, bản sắc của mỗi sắc tộc (có vẻ như thuần nhất ngày nay) cũng là pha trộn của nhiều luồng văn hoá ngoại lai. Đâu là bản sắc có nguồn gốc từ chính một quốc gia, và chỉ quốc gia ấy có?” (tr. 330, 331).

  • Phân tích biện pháp được áp dụng ở nhiều nước “bắt buộc một tỷ lệ nào đó của phim ảnh phải được sản xuất trong nước” tác giả có nhận xét: biện pháp“có tính quá cứng nhắc, giai đoạn, và không giải quyết vấn đề chính, đó là không phải ngăn chặn mọi văn hoá ngoại lai, nhưng là ngăn chặn những văn hoá hạ cấp ngoại lai, và nhất là ngăn ngừa sự ngoéo móc của nó với văn hoá hạ cấp trong nước” (tr. 334, 335). Nhận xét này được suy ra từ một quan điểm khái quát của tác giả: “… ‘tác hại’ của toàn cầu hoá đến văn hoá bản địa không phải do nguồn gốc ngoại lai của ảnh hưởng ấy, song do tính đại chúng tầm thường của văn hoá xâm nhập. Phải phân biệt đối kháng tính “hạ cấp” và đối kháng tính ngoại lai, bởi vì chính nhiều nhà văn hoá các nước tư bản Tây phương … cũng than phiền về sự đồi truỵ của văn hoá đại chúng hiện đại, mặc dù họ hoan nghênh toàn cầu hoá” (tr. 329).

Cùng với sự bảo hộ văn hoá dân tộc, phải mở cửa rộng rãi để đón nhận những trào lưu văn hoá lành mạnh. Dĩ nhiên, một sự đón nhận có chọn lọc. Vấn đề được đặt ra:“ai sẽ có quyền làm sự chọn lọc đó?” Quan điểm của tác giả:

Bản chất và hướng tiến của văn hoá phải do chính đại thể cộng đồng định đoạt, qua những tranh luận cởi mở, những trao đổi thông thoáng, xây dựng. Trách nhiệm của nhà nước là đảm bảo sự thông thoáng ấy, là khuyến khích sáng tạo, là bảo tồn những di sản cổ truyền. Trách nhiệm của người “tiêu dùng văn hoá” cũng rất nặng nề, nhưng đối với chính họ. Đó là trách nhiệm trau dồi năng khiếu thưởng ngoạn nâng cao trình độ kiến thức để thẩm định. Và vâng, có thể trao đổi với những người thưởng ngoạn khác. Nhưng sự trao đổi đó phải trong tinh thần tương kính. Toàn cầu hoá là một biểu hiện của tự do (thông lưu), bản chất của văn hoá cũng là tự do (sáng tạo và tiếp thu). Nghĩ như vậy thì có một sự hoà hợp tự nhiên giữa hai phạm trù ấy” (tr. 335).


*


Chuyển sang thời kỳ đổi mới, ý niệm “nội lực, phát huy nội lực” ngày càng được nhắc đến nhiều trên sách báo, trong các văn kiện chính trị. Nhưng “nội lực nào?”, “nội lực ở đâu?” vẫn là những câu hỏi chưa có sự trả lời thích đáng. Trong bài “Du nhập, chuyển giao công nghệ và năng lực xã hội: vài khảo sát về kinh nghiệm ở Đông Á” của Trần Văn Thọ (Đại học Waseda, Tokyo, Nhật Bản), dựa vào những công trình khảo cứu sự chuyển giao công nghệ tại Đông Á, tác giả đưa ra một giả thuyết riêng trả lời những câu hỏi về “nội lực”.

Trong tiết cuối của bài viết, tác giả đưa ra hai kết luận:

Thứ nhất, các nước đi sau trong quá trình công nghiệp hoá cần tận dụng công nghệ của nước đi trước mới rút ngắn khoảng cách phát triển…”

Thứ hai, để chọn lựa công nghệ thích hợp với nhu cầu phát triển của nước mình và để công nghệ du nhập được sử dụng có hiệu quả và bén rễ, lan rộng trong nền kinh tế, nước du nhập công nghệ phải có một năng lực xã hội cao…” [H.N.H. tô đậm] (tr. 318).
Trong giả thuyết của tác giả, nội lực của sự phát triển xã hội được định nghĩa bằng năng lực xã hội của 5 thành phần trong xã hội hiện đại: giới lãnh đạo chính trị, giới quan chức, giới lãnh đạo kinh doanh, giới trí thức và giới lao động (kể cả nông dân).

“Để có năng lực xã hội thì mỗi giới phải có những tố chất cần thiết và xã hội phải có các cơ chế cần thiết để các giới nối kết với nhau thành một sức mạnh tổng hợp” [H.N.H. tô đậm]. “Tố chất của giới lãnh đạo chính trị là năng lực lãnh đạo, là khả năng hình thành sự đồng thuận (consensus) cao của toàn dân, nhất là ý thức trách nhiệm cao trong việc tạo cơ chế, điều kiện để khơi dậy các tiềm năng của đất nước, trong đó có phương châm trọng dụng nhân tài. Tố chất cần thiết của quan chức là năng lực quản lý hành chánh, năng lực nghiệp vụ cao và tác phong đạo đức của người công bộc. Tố chất cần thiết của nhà kinh doanh là tinh thần doanh nghiệp (entrepreneurship) trong đó có tinh thần mạo hiểm, tinh thần và nỗ lực khám phá thị trường mới, nguyên liệu mới, công nghệ và phương thức quản lý mới. Tố chất đòi hỏi ở trí thức là sự quan tâm cao độ vào các vấn đề hiện thực của kinh tế, xã hội, và nỗ lực nghiên cứu và tìm tòi các biện pháp góp phần cải thiện xã hội, góp phần làm cho kinh tế phát triển. Tố chất cần thiết của giới lao động là trình độ giáo dục ngày càng cao, kỹ năng, năng lực chuyên môn ngày càng được bồi dưỡng hăng say và làm việc với tinh thần trách nhiệm” [H.N.H. tô đậm] (tr. 308).

Để tránh một sự ngộ nhận dễ mắc phải, chỉ hiểu “nội lực” như là tổng các “đức tính truyền thống” của dân tộc Việt Nam như yêu nước, dũng cảm, cần cù lao động… tác giả nói rõ: “Các tố chất của các thành phần có thể một phần do bẩm sinh và do kinh nghiệm mà hình thành, nhưng có thể nói phần lớn là do chính sách, cơ chế tạo nên. Chẳng hạn Nhật Bản có đội ngũ quan chức giỏi và nhìn chung hội đủ các đạo đức cần thiết là nhờ chế độ thi tuyển nghiêm minh, chế độ đào tạo bài bản và chế độ đãi ngộ tốt, v.v….” [H.N.H. tô đậm] (tr. 308).

Kết thúc bài nghiên cứu là một công thức ngắn gọn và sáng rõ trình bày tổng quát chiến lược phát triển của những nước đương phát triển: “… song song với phát huy nội lực (năng lực xã hội) phải biết tận dụng ngoại lực mà công nghệ là một thành tố quan trọng” (tr. 318). Thiết nghĩ rằng công thức này cũng tương thích với mục tiêu công nghiệp hoá và hiện đại hoá của chúng ta.


*


Trong phát huy nội lực thì năng lực suy nghĩ độc lập là một tố chất cốt yếu. Trong bài “Tương lai của Khai sáng?” của Bùi Văn Nam Sơn (dịch giả, nghiên cứu triết học, Việt Nam), yếu tính của năng lực suy nghĩ độc lập được xác định bằng một định nghĩa về Khai sáng của Kant; triết gia này, theo nhận định của tác giả, cùng với Hegel là hai gương mặt, hiện nay, “thực tế vẫn đứng đàng sau hậu trường, chi phối toàn bộ cuộc thảo luận hiện nay về “tương lai của Khai sáng”. “Khai sáng, Kant viết, là việc con người thoát ra khỏi tình trạng không trưởng thành do lỗi của chính mình gây ra. Không trưởng thành nghĩa là không có khả năng sử dụng lý trí của mình mà không có sự dắt dẫn của người khác. Còn do tự mình gây ra là khi nguyên nhân không phải do thiếu lý trí mà do thiếu lòng kiên quyết và dũng cảm để dùng lý trí của mình không cần sự dắt dẫn của người khác” (xem tr. 395). Theo Kant, Lý tưởng của Khai sáng là “tính trưởng thành”, tức là năng lực suy nghĩ độc lập. Như vậy, người không có năng lực suy nghĩ độc lập là người chưa trưởng thành, hoặc nói như Tản Đà là “vẫn trẻ con”. Mặt khác, người có lý trí mà kém khả năng suy nghĩ độc lập trước hết phải trách cứ bản thân mình, phải thấy những khiếm khuyết ở mình: “thiếu lòng kiên quyết và dũng cảm”, “lười biếng và hèn nhát”…, không nên chỉ một mực oán trách thể chế.

Từ “Khai sáng” được Bùi Văn Nam Sơn hiểu như là Lý tưởng và như là diễn trình. “Phương Tây đã trải qua 4 thời kỳ Khai sáng lớn trong lịch sử: t.k.6— t.k.4 tr.C.N. với các nhà nguỵ biện, Socrate, Platon; thời kỳ Phục hưng với Pico della Mirandola, Machiavelli, Bacon; t.k.18 với Rousseau, các nhà Bách khoa Pháp, Kant… và phong trào cấp tiến sau đó với Marx, Darwin, Freud” (trong các giáo trình, sách tham khảo ở Việt Nam, Khai sáng thường được lược giản vào thời kỳ 3). “Tính chất của diễn trình Khai sáng ở phương Tây là khả năng tự phê phán và điều chỉnh” (tr. 394).

Tiến trình Khai sáng là một quá trình đầy mâu thuẫn và nghịch lý. Horkheimer và Adorno từ những năm 40 của t.k.20 đã nêu lên những hậu quả nghịch lý của tiến trình Khai sáng. “Từ đề án hợp lý nhằm loại bỏ những đặc quyền phi-lý tính lại trỗi dậy một thứ lý tính duy lợi thâm nhập vào mọi ngóc ngách của cơ thể xã hội. Từ nỗ lực phá vỡ sự cưỡng chế của Tự nhiên bằng cách phát triển các lực lượng sản xuất đã tạo nên những sự phá hoại có nguy cơ chôn vùi bản thân cơ sở sinh tồn tự nhiên của con người. Kế hoạch được phát động với với động cơ nhân đạo nhằm giải thích bằng lý luận đối với thế giới tự nhiên và xã hội đã đảo ngược thành một sự phát triển khoa học đơn thuần dựa trên các chuẩn mực kinh tế - kỹ thuật, không còn có quan hệ nào với các mục tiêu nhân đạo. Sự giải phóng văn hóa-văn nghệ ra khỏi ách kềm kẹp của giáo điều rút cục chỉ tạo ra một thứ “văn nghệ đại chúng”, một nền công nghiệp giải trí hoàn toàn bị điều kiện hoá và dễ dàng bị khống chế…” (tr. 396-397). Nền văn hoá Khai sáng thoát thai từ cuộc cách mạng chính trị và công nghiệp với đề án vĩ đại gọi là nền văn minh khoa học kỹ thuật có “mặt trái của nó là những nạn nhân và cái giá phải trả cho tiến bộ. Nền văn hoá đó đang tự tạo ra ba mâu thuẫn chết người: sự bất công, nghèo đói của thế giới thứ ba, nguy cơ chiến tranh huỷ diệt và thảm hoạ toàn cầu về môi trường cùng với một hậu quả trầm trọng ngay nơi chiếc nôi của nó: sự mất phương hướng về tinh thần và triết học…” (tr. 397-398). Ở phương Tây, “diễn trình Khai sáng đã phát triển tới mức độ không còn cần dựa vào một ông vua chuyên chế anh minh, một chính đảng tiên phong hay một định chế chuyên gia duy nhất nào nữa như các thế kỷ trước”. Vì vậy, theo nhận định của tác giả, tương lai của Khai sáng có thể sẽ khác với các truyền thống - vốn thoát thai từ Khai sáng – ít ra ở ba phương diện: nó không bị giới hạn trong khuôn khổ một hệ thống chính trị mà trở thành một lối sống văn hoá; xã hội được khai sáng không đồng nghĩa với “đại đồng”, “đại thuận”, “đại trị”, trái lại xem tranh chấp và bất đồng là hình thức bình thường của giao tiếp chính trị, xã hội; “các yêu sách về ‘tính chính đáng’ (Legitimationen) tối hậu, chung tất là không thể có được” (xem tr. 402).

Trong nỗ lực để hình dung tương lai của Khai sáng, tác giả chú ý đến quan điểm của Alain Tourraine về tính hiện đại và lý tính Khai sáng: Tây phương đang cố gắng rời bỏ “tính hiện đại hạn chế”, tính “nửa hiện đại” để bước vào một “tính hiện đại toàn vẹn” hơn, “kết hợp hợp lý hoá và chủ thể hoá, tính hiệu quả và tự do” (xem tr. 405). Tôi hiểu yêu cầu toàn vẹn của tính hiện đại mới như sau: tính hiệu quả mà tách rời tự do thì “tính hữu ích” sẽ thành nguyên tắc phổ biến và kết quả mang lại sẽ là sự “điên rồ huỷ diệt của một chế độ khủng bố, cực quyền (ám chỉ thời kỳ khủng bố của cách mạng Pháp, nhưng ta có thể liên tưởng đến … ‘cách mạng văn hoá’ và chế độ Polpot! ”(xem tr. 396); hợp lý hoá phát triển một cách phiến diện, tách rời quá trình chủ thể hoá có thể có hậu quả là tha hoá lý trí của chủ thể, từ đó lý trí và chủ thể mang lý trí bị biến thành công cụ, trường hợp xấu nhất là công cụ bị sử dụng phục vụ cho cường quyền (quân phiệt, tài phiệt và các thứ “phiệt” khác”. Hậu quả này được Alain Tourraine gọi là “chủ nghĩa duy lý công cụ”.

Về tương lai của Khai sáng, những câu hỏi nhiều hơn những câu trả lời. Kết thúc bài tiểu luận tác giả hy vọng “các thập niên đầu thế kỷ 21… có thể mang lại giải đáp, nếu ta vẫn tin rằng: nguyên tắc của truyền thống Khai sáng là không xem người khác có “ít” lý tính hơn mình, rằng có thể phản bác nhau bằng lập luận chứ không được quy kết bản chất của người khác vào ‘trục ác’…” [H.N.H. tô đậm] (tr. 405).


*


Trong bài “Khái quát về lịch sử phát triển kinh tế thế giới: những yếu tố kìm hãm và thúc đẩy phát triển” của Vũ Quang Việt (Cục thống kê, Liên hiệp quốc, Mỹ), tác giả đặc biệt chú ý tới thời điểm đầu thiên niên kỷ II (sau công nguyên), khoảng trước sau năm 1000, vì ở thời điểm này “thế giới không khác nhau về kinh tế… trừ vùng châu Úc và Nam châu Phi” (xem tr.264).

Trong thời kỳ 1000-1500, vẫn chưa có sự chênh lệch đáng kể của ba vùng kinh tế được so sánh (Âu, Á, Phi) vì cả 3 vùng đều chịu sự toàn thống, toàn trị của những hệ tư tưởng tôn giáo.

Công giáo toàn thống ở châu Âu vào thời kỳ 1000-1500, tư tưởng khoa học không thể phát triển do đó phát triển kinh tế cũng chỉ chừng mực” (tr. 265).

“Khổng giáo và Hồi giáo toàn trị về tư tưởng trong suốt thời kỳ 1000-1500 ở các nước châu Á và khu vực Ả Rập do đó đã không tạo cơ hội cho việc phát triển khoa học và tự do kinh doanh, cơ sở của phát triển kinh tế” (tr. 268).

Trong thời kỳ từ 1500 đến 1820, sự phát triển của phương Tây trước hết được giải thích bằng sự giải phóng tư tưởng: “… bắt đầu bằng cuộc giải phóng tư tưởng khỏi hệ thống toàn trị của giáo hội Công giáo và mở màn cho khoa học và cuộc cách mạng công nghiệp ở Anh, để từ đó lan tràn ra khắp châu Âu và Bắc Mỹ”. Và giải thích sự tụt hậu của châu Á, châu Phi dẫn đến thảm hoạ “vong quốc nô” tác giả nhấn mạnh sự trì trệ về tư tưởng: “do tiếp tục với tư tưởng thủ cựu, chống khoa học, vào đầu thế kỷ 18 hầu hết các nước châu Á, châu Phi rơi vào vòng đô hộ của các nước phương Tây” (tr. 271).

Từ 1820 đến 1950 là thời cao trào của chủ nghĩa đế quốc. Cuộc cách mạng công nghệ đem lại sức mạnh kinh tế cho “Tây phương và những nước sẵn sàng thay đổi thể chế chính trị và xã hội nhằm mở cửa tiếp nhận sự tiến bộ khoa học. Cách mạng công nghệ nhanh chóng lan từ Anh sang khắp Âu châu và Nam Mỹ kể cả Đông Âu và Liên xô cũ”. Trong khi đó “châu Phi, các nước Ả Rập, và châu Á khác, trừ Nhật Bản, tiếp tục chìm đắm trong tinh thần bảo thủ và còn bị đè bẹp thêm bởi chủ nghĩa đế quốc và thực dân” (tr. 270).

Trong nghiên cứu so sánh Việt Nam với một số nước ở Đông Á (Trung Hoa, Nhật, Thái Lan, Indonesia…) về trình độ và tốc độ phát triển trong thời cận-hiện đại tác giả chú ý đến năm 1870 vì ở khoảng thời gian này, thu nhập đầu người giữa Việt Nam và những nước nói trên không khác nhau mấy. Nhưng đến nay, về thu nhập đầu người, Việt Nam và Trung Hoa tụt hậu nhiều so với Nhật và Đại Hàn. Vì sao vậy? Vì “Nhật và sau này là Nam Hàn đã đi theo con đường cải cách về thể chế mà không cần ngoái lại, cải cách thể chế quan trọng nhất là tách bạch giữa nhà nước và ý thức hệ, dù tôn giáo hay phi tôn giáo” (tr. 279). Việt Nam trong tương quan với Trung Quốc lại tụt hậu nhiều hơn nữa. Vì sao vậy? Có một nguyên nhân quan trọng: vì Trung Quốc dầu sao vẫn cải cách sớm hơn (đầu những năm 1980), còn Việt Nam, phải chờ đến một thập kỷ sau (tr. 279).


*


Trong bài “Chuyển sang kinh tế thị trường và chuyên chế chính trị: đọc lại học thuyết trọng nông” của Trần Hải Hạc (Đại học Paris 13, Pháp), ghi nhận những đóng góp xác đáng trong cách Marx đọc học thuyết trọng nông (mà Quesnay là giáo chủ), tác giả trình bày một cách đọc khác (của riêng ông). Marx đã có một nhận định khái quát đúng: học thuyết trọng nông chỉ một hệ tư tưởng của thời kỳ quá độ từ phong kiến sang tư bản (xem tr. 360). Tác giả nói rõ hơn: học thuyết Quesnay “là hệ tư tưởng của sự quá độ sang chủ nghĩa tư bản do giai cấp quý tộc tiến hành” (tr. 360) [H.N.H. tô đậm). “Đề án chính trị của giai cấp này là chuyển hoá xã hội sang nền kinh tế thị trường mà không để mất chính quyền; hay nói cách khác, nó là vừa cái cách kinh tế - xã hội, vừa duy trì quyền lực chính trị” (tr. 360). Tác giả liên hệ đến “một đề án chính trị tương tự được nêu lên trong những xã hội – như Trung Quốc, hay nhiều cộng hoà thuộc Liên Xô cũ - chuyển từ chủ nghiã xã hội quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường hay quá độ sang chủ nghĩa tư bản, tuỳ theo cách nói. Tuy hình thái có khác nhau, thời kỳ quá độ ở các xã hội này đặt ra một số vấn đề tư tưởng hệ mà học thuyết trọng nông – khi đọc lại - có thể góp phần làm sáng tỏ” (tr. 360).

Về kinh tế thì chủ trương “kinh tế tự do” (kinh tế thị trường) nhưng về chính trị lại thiên về “chuyên chế chính trị”, đây là nội dung của cái được gọi là “nghịch lý trọng nông”. Luận điểm chính trị của học thuyết trọng nông là: “chính thể nhà nước phù hợp với quy luật tự nhiên là nhà nước chuyên chế và sáng suốt, chuyên chế bởi vì sáng suốt” (tr. 345). Quesnay lấy Trung Hoa làm mô hình: Trung Hoa “xứng đáng là mẫu mực của mọi quốc gia”, “đó là một trật tự mà bản chất là ổn định”. Về địa vị độc tôn của Hoàng Đế Trung Hoa, ông viết: “Ý chí quyền lực duy nhất và tối cao đó… chính là tiếng nói của tự nhiên, lệnh của Trời”. Các môn đồ của Quesnay gọi ông là “Khổng tử của châu Âu” (tr. 346).

Hệ tư tưởng tư sản của giai cấp tư sản đang lên đối đầu với tư tưởng trọng nông của giai cấp quý tộc thoái thủ. Chiếm được vị trí thống trị, nó kế tục chủ thuyết về tự do kinh tế (kinh tế thị trường) của Quesnay, đồng thời loại trừ chủ thuyết trọng nông về chuyên chế chính trị. Song, vì nó “quan niệm nền kinh tế thị trường như tự điều tiết” nên nó “phủ nhận vai trò điều tiết của nhà nước, là điều xác đáng nhất còn lại trong nghịch lý trọng nông sau khi đã gạt bỏ tính chuyên chế của nhà nước” (tr. 362).


*


Trong bài “‘Khoa học mới’ và vài suy nghĩ về kinh tế, xã hội” của Phan Đình Diệu (Đại học Quốc gia Hà Nội), “khoa học mới”, khoa học của thế kỷ 21, theo định nghĩa cuả tác giả, có nội dung là “nghiên cứu các hiện tượng và hành vi của các hệ thống phức tạp trong những lĩnh vực khác nhau” (tr. 387), từ khoa học đó tác giả hy vọng “sẽ tìm được con đường mới cho nhận thức đối với nhiểu vấn đề về sự phát triển của thế giới tự nhiên và xã hội trong thời đại ngày nay”. Một hệ thống phức tạp họp thành từ nhiều thành phần, nó “có những thuộc tính của cái toàn thể mà ta không thể hiểu được từ những hiểu biết (dù có sâu sắc và đầy đủ!) về các thuộc tính của các thành phần. Hệ thống phong phú hơn tổng các thành phần của nó. Cái làm nên sự phong phú hơn đó của hệ thống là “rất phổ biến đối với các hệ thống phức tạp, mà ngày nay ta gọi chung là tính hợp trội (emergence) của các hệ thống đó, tính hợp trội đó làm nên những trật tự mới, tổ chức mới, chất lượng mới trong quá trình tiến hoá của giới tự nhiên cũng như của xã hội loài người …” (tr. 387). Hợp trội, tính hợp trội là một ý niệm then chốt trong ý hệ (paradigme) của “khoa học mới”.

Từ quan điểm của “khoa học mới”, tác giả xem lại những quan điểm “chọn lọc tự nhiên” và “thích nghi” của tiến hoá luận Darwin:

“… chọn lọc tự nhiên để giữ lấy những gì thích hợp nhất, có khả năng thích nghi nhất với môi trường, là một đặc điểm của tiến hoá chứ không phải là đặc điểm duy nhất, nếu chỉ có chọn lọc tự nhiên thì không thể có sự phát triển đa dạng qua tiến hoá.”

thích nghi không chỉ nhằm loại bỏ những gì không phù hợp, mà còn chủ yếu là một khả năng tự thay đổi, tự hoàn thiện, khả năng học để phù hợp với môi trường, trong tiến hoá nhiều phẩm chất mới sẽ được hình thành và sáng tạo nên, nhiều quan hệ hớp tác mới sẽ được phát triển, và do đó nhiều hình thức tổ chức mới, trật tự mới được chuẩn bị” [chiến lược “thắng-thắng” (tức mọi bên đều thắng) thay cho các chiến lược “ai thắng ai” trước đây là một ví dụ rất hay về “trật tự mới”] (tr. 388).

Chính khả năng thích nghi một cách linh hoạt và sáng tạo là yếu tố quan trọng tạo nên hành vi hợp trội của các hệ thống phức tạp trong những quá trình tiến hoá của chúng.

Tác giả nói đến phương thức đặc biệt điều khiển những hệ thống phức tạp, có lẽ đây là đóng góp có ý nghĩa thức tiễn quan trọng nhất cuả bài nghiên cứu: “Người ta nhận thấy rằng ở các hệ thống thích nghi phức tạp, hành vi hợp trội như vậy thường xuất hiện mà không cần có một sự chỉ huy từ một trung tâm nào cả, nó xuất hiện một cách tự phát “từ dưới lên” (bottom-up)như kết quả tổng hợp các tương tác giữa các thành phần, và do đó, những xuất hiện như vậy thường là không tiên đoán được; để điều khiển các hệ thống đó không thể dùng phương pháp “kế hoạch hoá” một cách thích nghi bằng cách tăng cường khả năng học và năng lực sáng tạo để có thể phán đoán, phản ứng tức thời dựa vào trực cảm và kinh nghiệm trên cơ sở tích luỹ thông tin và tri thức mới mà thôi” [H.N.H. tô đậm] (tr. 389). Cách điều khiển này không biết gọi là gì cho thích đáng, nhưng chắc chắn đấy không phải là cách điều khiển quan liêu mệnh lệnh, bởi lẽ “tăng cường khả năng học và năng lực sáng tạo” không phải là thói quen của những người quan liêu mệnh lệnh.

Tác giả nhìn nhận thế kỷ 20 vừa qua như “một thế kỷ đã cho ra đời nhiều lý thuyết cân bằng và ổn định trong ngành khoa học như vật lý, toán học, kinh tế, v.v…”. Hẳn là những lý thuyết này có để lại những nếp cảm và nghĩ thiên về cân bằng và ổn dịnh trong tâm tư con người. “Nhưng trong đời thực, hình như thức tế đã đi xa mọi cân bằng và ít có ổn định, và chính trong những trạng thái xa cân bằng đó đã xuất hiện nhiều trào lưu tư tưởng khác nhau, nhiều xu hướng khác nhau trong phát triển kinh tế xã hội, trong khoa học, văn học, nghệ thuật”. Giữa những xu hướng khác nhau đó “cạnh tranh, thậm chí đấu tranh không khoan nhượng một mất một còn” và “cũng có hợp tác, một xu thế hợp tác càng ngày càng được khẳng định”.

… và rồi trong trạng thái xa cân bằng,“ở bên bờ hỗn độn” đó, những sức sống mới của các khả năng thích nghi và đổi mới của thời đại đã sáng tạo nên những hợp trội của tiến hoá, tạo ra đây đó những trật tự mới có chất lượng tổ chức cao hơn cho cuộc sống”, có lẽ đây là “cái lẽ đời ẩn sâu trong các biến chuyển và đổi thay của cuộc đời và thời đạimà “khoa học mới giúp ta cảm nhận được” (tr. 390).

Tiểu luận này giúp độc giả lưu ý đến một số nếp cảm và nghĩ trong tâm lý thường tình của người Việt: nếp “cay cú được thua” (“ai thắng ai”), không nhận ra được khả năng của một trật tự mới: “mọi bên đều thắng”, nếp cảm nghĩ thiên về cân bằng và ổn định chẳng phải do ảnh hưởng của khoa học nào cả mà chẳng qua do sự lười biếng, tâm lý cầu an và ích kỷ…

Đất nước đương ở trạng thái xáo trộn, ngổn ngang của một bước ngoặt phát triển. Ngẫm về sự biến dịch của đất nước bằng “cái lẽ đời ẩn sâu trong các biến chuyển và đổi thay của cuộc đời và của thời đại” mà sự phân tích tinh tế của tác giả về cách nhìn của “khoa học mới” đã giúp tôi cảm nhận được. Tôi chia sẻ niềm hy vọng của Phan Đình Diệu: “…hy vọng đất nước ta sẽ luôn tạo được môi trường thuận lợi để bồi dưỡng và phát huy trong mỗi thành phần của xã hội cũng như cả toàn hệ thống mọi năng lực học tập, mọi ý thức năng động sáng tạo, mọi khả năng thích nghi và đổi mới, để trong mọi cơ hội tạo ra được những kết quả hợp trội “đồng tiến hoá trong đa dạng” của bản thân hệ thống, hoặc những ưu thế cạnh tranh trong hợp tác với bên ngoài, để sớm thực hiện được mục tiêu… vì “dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” (tr. 391).


*


Viết bài báo này tôi làm công việc ghi chép của một người đọc sách, ghi lại những điều mình hiểu ra, chép lại những điều mình tâm đắc. Tôi mong được những độc giả khác chia sẻ những điều tâm đắc của họ khi đọc cuốn sách phong phú chủ đề và ý tưởng này. Riêng tôi đọc tuyển tập này mà phần lớn những bài được tuyển là của những học giả nước ngoài và những học giả người Việt hải ngoại, đôi khi có cảm tưởng đương đọc một công trình xuất bản ở nước ngoài, nhưng, không, nó được Nhà xuất bản Đà Nẵng xuất bản quý II năm 2005, thêm một niềm vui khi thẩm đọc tuyển tập giàu hương sắc này.

© 2005 talawas