trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 89 bài
  1 - 20 / 89 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
Loạt bài: Nobel Hoà bình
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11 
29.8.2005
Gunnar Jahn
Giải Nobel Hòa bình 1964
Mai Lung Sơn dịch
 
Mới chỉ vài năm kể từ khi Martin Luther King nổi tiếng khắp địa cầu. Chín năm trước, với tư cách là lãnh tụ của những người Phi ở Montgomery, bang Alabama, ông đã khởi xướng phong trào đấu tranh cho người da đen quyền được sử dụng giao thông công cộng trên cơ sở bình đẳng với người da trắng.

Nhưng không phải Martin Luther King nổi tiếng vì đã lãnh đạo nhóm người thiểu số về chủng tộc trong cuộc đấu tranh đòi quyền bình đẳng. Những người khác cũng đã làm như thế, và tên tuổi của họ rồi cũng bị lãng quên.

Tên tuổi Luther King sẽ trường tồn bởi cách mà ông khởi xướng cuộc đấu tranh của mình, để lại dấu ấn của ông trong những lời đã từng được nói với loài người:

Ai tát các người vào má trái, hãy chìa nốt má phải! [1]

Năm mươi nghìn người da đen đã tuân theo lời răn này vào tháng Mười hai năm 1955 và đã giành thắng lợi. Và đó mới chỉ là bước đầu. Lúc ấy, Martin Luther King mới chỉ hai sáu tuổi; anh còn trẻ nhưng đã rất chín chắn.

Bố của King là một mục sư, người đã tự trưởng thành mà không cần ỷ vào ai, và đã xây cho các con mình một tổ ấm nơi ông cố gắng che chở chúng khỏi những nỗi ô nhục của sự phân biệt chủng tộc. Cả với tư cách là thành viên của Hiệp hội Quốc gia vì sự Tiến bộ của Người Da màu và với tư cách một công dân bình thường, ông cũng đã rất tích cực trong việc đấu tranh cho các quyền dân sự, và các con ông đã nối bước cha mình. Từ khi còn là đứa trẻ, Martin Luther King đã sớm học được bài học về vai trò của bất bình đẳng kinh tế trong đời sống của cá nhân và của cộng đồng.

Từ những năm tháng ấu thơ, điều này để lại những dấu ấn không phai mờ trong ông, nhưng không hề có bằng chứng nào cho thấy rằng cậu bé ấy đã quyết định dành đời mình cho cuộc đấu tranh cho quyền của người da đen.

Ông trải qua những năm tháng sinh viên ở các bang miền Bắc, nơi luật pháp không cho phép những sự phân biệt đối xử mà ông phải đối mặt ở miền Nam, nhưng dù thế, vẫn là nơi người da đen và da trắng không pha trộn trong đời sống hàng ngày. Tuy nhiên, sống ở các bang miền Bắc-đặc biệt là môi trường đại học- vẫn như là được hít thở một bầu không khí trong lành. Ở trường Đại học Boston, nơi ông đã dành được bằng Tiến sĩ triết học, ông gặp Coretta Scott-khi đó đang học thanh nhạc. Cô cũng từ tiểu bang quê hương anh-Alabama, và là một thành viên của giai cấp trung lưu da đen vốn cũng tồn tại ở miền Nam.

Đôi vợ chồng trẻ sau khi cưới phải đối mặt với một lựa chọn: họ có nên ở miền Bắc, nơi mà cuộc sống an toàn hơn và điều kiện tốt hơn, hay quay về miền Nam. Họ chọn trở lại miền Nam, nơi Martin Luther King được bổ làm mục sư của một giáo phận Báp-tít ở Montgomery.

Ở đây, ông sống trong một xã hội có một hố ngăn cách sâu giữa những người da đen và người da trắng. Tồi tệ hơn, chính cộng đồng da đen ở Montgomery cũng bị chia rẽ, các lãnh tụ của cộng đồng này ở trong tình trạng bất hòa với nhau và những người bên dưới họ bị tê liệt vì sự thụ động của các thành viên có học vấn. Vì sự vô cảm của họ, rất ít người dấn thân vào các công việc nhằm nâng cao vị thế của người da đen. Đám đông thì bàng quan; những người có cái gì để mất thì lại sợ bị tước đoạt phần nhỏ nhoi mà họ đã dành được.

Martin Luther King cũng khám phá ra rằng không phải ai trong giới chức sắc tôn giáo da đen cũng quan tâm đến các vấn đề xã hội của cộng đồng họ; nhiều người trong bọn họ quan niệm rằng các mục sư không liên can gì đến việc tham gia các phong trào thế tục nhắm vào việc cải thiện các điều kiện kinh tế và xã hội của con người. Nhiệm vụ của họ là “để xưng tụng Thánh kinh và giữ cho tâm trí con người tập trung vào Chúa”.

Vào đầu năm 1955, đã có một cố gắng nhằm thống nhất các nhóm da đen. Nhưng nó đã thất bại. Martin Luther King nói rằng “sự chia rẽ mang tính thảm họa trong cộng đồng người da đen chỉ có thể được chữa lành bằng một phép màu huyền diệu nào đó!”

Bức tranh về các điều kiện ở Montgomery mà ông đem tới cho chúng ta không phải là một bức tranh gây hứng khởi; thậm chí tới tận năm 1954, những người da đen vẫn cam phận coi địa vị hiện tại của họ như là một lẽ đương nhiên, và hầu như không có ai phản đối hệ thống một cách tích cực. Montgomery là một thị trấn thanh bình. Nhưng bên dưới bề mặt là sự bất bình đang âm ỉ. Một vài mục sư người da đen, trong các buổi cầu kinh cũng như trong ứng xử hàng ngày, vẫn ca ngợi lí tưởng về bình đẳng cho người da đen, và điều này đã đem lại lòng tự tin và can đảm cho nhiều người.

Rồi cuộc tẩy chay xe buýt cũng đến vào ngày 5 tháng Mười hai năm 1955.

Nhìn bề ngoài, cuộc tẩy chay như thể là kết quả của một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Lý do trực tiếp là việc bắt giữ bà Rosa Park vì từ chối nhường chỗ trên xe buýt cho một người đàn ông da trắng. Lúc đó bà đang ở trong phần dành riêng cho người da đen, và đang chiếm một chỗ ngồi ngay sau phần dành riêng cho người da trắng, lúc đó đã đầy người.

Việc bắt giữ bà Parks không chỉ khuấy lên sự căm phẫn, mà còn khơi dậy hành động trực tiếp, và vì nó mà Martin Luther King đã trở thành nhân vật trung tâm trong cuộc đấu tranh vì quyền con người của người da đen.

Trong cuốn sách Sải bước tới tự do, ông đã mô tả không chỉ cuộc xung đột xe buýt đã xảy ra, mà còn kể lại việc ông, vào ngày 5 tháng Mười Hai, sau khi cuộc tẩy chay bắt đầu, đã được bầu làm chủ tịch của tổ chức vừa được hình thành để thực hiện cuộc đấu tranh như thế nào. [2]

Ông nói với chúng ta rằng cuộc bầu cử diễn ra đầy bất ngờ với ông; nếu ông có thời gian để suy nghĩ về sự việc, có lẽ ông đã nói không. Ông đã ủng hộ cuộc tẩy chay khi ông được yêu cầu làm như thế vào ngày 4 tháng Mười hai, nhưng ông bắt đầu nghi ngờ liệu việc khởi xướng một cuộc tẩy chay có đúng với lời dạy của Đấng Cứu Thế hay không. Sau đó ông nhớ tới tiểu luận của David Thoreau về “Bất tuân dân sự” mà ông đã đọc nhiều năm trước, vốn để lại một ấn tượng sâu sắc trong ông. Một câu nói của Thoreau [3] trở lại trong trí nhớ: “Chúng ta không còn có thể cho một hệ thống xấu xa vay mượn sự hợp tác của chúng ta".

Nhưng ông không tin tưởng rằng cuộc tẩy chay sẽ được tiến hành. Cho tới tận tối Chủ nhật, ngày 4 tháng 12, ông vẫn tin rằng nếu sáu mươi phần trăm người dân Negro cùng đồng lòng hợp tác, nó có thể sẽ chứng minh được một thành công đáng kể.

Suốt buổi sáng ngày hôm sau, ngày 5 tháng 12, khi từng chiếc xe bus chạy qua trước cửa nhà ông không có bóng một người Negro, ông đã nhận ra rằng cuộc tẩy chay đã chứng minh thành công một trăm phần trăm.

Nhưng chiến thắng cuối cùng vẫn chưa giành được, và chưa có ai tuyên bố rằng phong trào đấu tranh được tiến hành theo đúng tinh thần của khẩu hiệu: “không đáp lại bạo lực bằng bạo lực”. Đây là thông điệp mà Martin Lurther King đã đưa ra trong diễn văn trước hàng ngàn người tham dự vào ngày 5.12.1955. Ông coi đây là bài diễn văn [4] quyết tâm nhất mà ông từng đọc. Đây là những lời của ông:

“Đôi lúc chúng ta đã khiến cho những người anh em da trắng có cái cảm giác rằng chúng ta hài lòng với cách mà ta đang bị đối xử. Nhưng hôm nay, chúng ta cùng tập trung ở đây để từ bỏ sự nhẫn nhịn này - sự nhẫn nhịn đã khiến chúng ta im lặng trước tất cả những gì không phải tự do và công lý.

“Nhưng [ông nói tiếp], phương pháp của chúng ta là thuyết phục chứ không ép buộc. Chúng ta sẽ chỉ nói với mọi người “Hãy để lương tâm của bạn dẫn lối”. Những việc làm của chúng ta phải dựa trên những nguyên tắc sâu xa nhất trong đức tin Cơ đốc của chúng ta... Một lần nữa, hãy nghe tiếng nói của đức Jesus [5] vang vọng qua nhiều thế kỷ: “Hãy yêu kẻ thù của bạn, chúc phúc cho họ nếu họ nguyền rủa bạn, và nguyện cầu cho những kẻ tàn nhẫn lợi dụng bạn”.

Ông đi đến kết luận:

“Nếu bạn can đảm phản kháng với chân giá trị và tình yêu Chúa, khi những câu chuyện lịch sử được viết thành sách (trong các thế hệ tương lai), các nhà sử học sẽ viết: “Ðã từng có những con người vĩ đại - những người da đen - đã tiêm các giá trị và phẩm chất mới vào huyết mạch của nền văn minh”. Đó là thách thức và cũng là trách nhiệm lớn lao của chúng ta.”

Lời kêu gọi chiến đấu này, đúng vậy, đã được người nghe nồng nhiệt đón nhận và chia sẻ. Đó là giây phút lịch sử của người Montgomery, theo cách dùng từ của Martin Luther King.

Diễn văn của ông đã qui tụ được đông đảo người dân Negro trong quá trình đấu tranh chủ động vì quyền con người. Thôi thúc bởi khẩu hiệu này, ở khắp miền Nam, họ đã tuyên bố đấu tranh chống lại nạn kỳ thị giữa người da trắng và người da đen tại các điểm ăn uống, nhà hàng, trường học, sân chơi và các điểm công cộng.

Làm thế nào để giành được sự ủng hộ mạnh mẽ như vậy?

Để trả lời câu hỏi này, ta phải nhớ tới vị trí vững chắc [trong cộng đồng-ND] mà các mục sư người Negro được hưởng. Nhà thờ là nơi ẩn mình duy nhất mà họ tìm đến cho những giờ phút rảnh rỗi; đó là nơi họ vượt lên trên các rắc rối và những mối quan tâm thường nhật. Nếu những người da đen không phải là các tín đồ mộ đạo đến thế, thì hẳn là lời kêu gọi họ tham gia vào cuộc đấu tranh không vũ trang đã không được đón nhận.

Dù cho một số điều luật đã được Quốc hội phê duyệt và Tòa án Tối cao Mỹ ban hành, cuộc chiến này chưa có được sự thành công ở mọi nơi, bởi vì những điều luật này đã bị ngầm chống đối, điều mà những ai đã từng theo dõi các sự kiện sau năm 1955 đều hiểu rõ.

Dù cho có sự chống phá ngầm và giam hãm, bỏ tù, người dân Negro vẫn tiếp tục cuộc đấu tranh bất bạo động. Rất hiếm khi họ hành động ngược với nguyên tắc của mình và sử dụng bạo lực để chống lại bạo lực, dù rằng, đối với nhiều người chúng ta thì đó là những phản ứng trực tiếp. Chúng ta có thể nói gì về những sinh viên trẻ vào ăn ở những nơi chỉ dành cho người da trắng? Họ không được phục vụ, nhưng họ vẫn tiếp tục ngồi. Trong khi đám thanh niên da trắng kích động, lăng mạ, dí mẩu thuốc cháy dở vào cổ họ. Những sinh viên da đen quyết không đứng lên. Họ có được sự bền bỉ mà chỉ có đức tin mới tạo ra được, một niềm tin rằng họ đang chiến đấu vì một lý do chính đáng và tin rằng sự tranh đấu của họ chắc chắn sẽ thành công bởi vì nó được tiến hành bằng các biện pháp hòa bình.

Niềm tin của Martin Luther King bắt nguồn từ các lời răn của Thiên Chúa, nhưng không ai có thể hiểu được ông nếu như không nhận thấy rằng ông đã chịu ảnh hưởng bởi cả những nhà tư tưởng lớn của quá khứ và hiện tại. Trên hết là ông đã bị Thánh nhân Gandhi [6] lôi cuốn, người bằng cả đời mình đã minh chứng cho MLK rằng việc giành chiến thắng qua đấu tranh bất bạo động là hoàn toàn có thể. Trước khi đến được với tư tưởng Gandhi, ông gần như đã đúc kết rằng việc truyền giảng về Đức Chúa Jesus chỉ có thể được hiện thực giữa các cá nhân đơn lẻ; nhưng sau khi nghiên cứu về Ganhdi, ông thấy rằng mình đã sai lầm.

“Gandhi”, ông nói, “có lẽ là người đầu tiên trong lịch sử đưa đạo lí tình yêu của Chúa Jesus lên trên mối quan hệ đơn lẻ giữa các cá nhân để trở thành một lực lượng xã hội mạnh mẽ và đầy hiệu quả”.

Trong tư tưởng truyền bá của Gandhi, ông đã tìm được lời giải đáp cho một câu hỏi có từ lâu trong ông: một cá nhân nên định hướng tiến hành một cuộc cải cách xã hội như thế nào?

Ông khẳng định, “Tôi tìm thấy trong triết lí đối kháng bất bạo động của Gandhi… phương pháp phù hợp thực tiễn và có đạo lí duy nhất cho những người bị đàn áp trong cuộc đấu tranh vì tự do”.

Martin Luther King bị tấn công từ nhiều phía. Nguy hiểm nhất là sự chống đối của các nhóm da trắng cuồng tín. Những người da trắng ôn hòa và thậm chí nhiều người giàu có cùng màu da với ông cũng nhận xét rằng ông đi quá nhanh, và rằng ông nên đi chậm lại và để cho thời gian làm mềm yếu phía những người chống đối.

Trong một bức thư ngỏ đăng báo, tám vị mục sư đã chỉ trích ông về điểm này và một vài khía cạnh khác về phong trào đấu tranh của ông. Martin Luther King đã đáp lại những chỉ trích này trong một lá thư viết từ Nhà giam Birmingham vào mùa xuân năm 1963. Tôi muốn trích dẫn một đoạn trong đó:

“Trên thực tế, bản chất của thời gian là trung tính… Hành trình của nhân loại không bao giờ lăn trên những bánh xe định mệnh. Nó chỉ tiến lên khi con người có những nỗ lực không ngừng, sẵn sàng hợp tác với Chúa, nếu không có những nỗ lực này, thời gian, bản thân nó, chỉ là đồng minh cho sự đình trệ của xã hội.” [7]

Trả lời chỉ trích cho rằng ông thất bại trong việc điều đình, ông viết:

“Các ông hoàn toàn có lí khi kêu gọi điều đình. Thực chất, đây chính là đích cuối của các hành động trực tiếp. Hành động bất bạo động trực tiếp nhằm mục đích… nuôi dưỡng một sự căng thẳng khiến cho một cộng đồng thường xuyên từ chối điều đình buộc phải đương đầu với vấn đề”.

Ông nhắc nhở họ rằng người Negro chưa giành được một quyền dân sự nào mà không phải thông qua sự đấu tranh bền bỉ để giành lấy nó theo cách hợp pháp không dựa vào bạo lực. Khi bị cáo buộc là vi phạm luật pháp trong quá trình đấu tranh, ông trả lời:

“Có hai loại luật pháp: công bằng và bất công. Luật bất công là một loại điều luật đi ngược lại với các qui tắc đạo lí…

Một điều luật bất công là một điều luật mà một nhóm chiếm đa số hoặc có quyền lực áp đặt lên những người thiểu số buộc họ phải phục tùng, nhưng lại không có hiệu lực với chính nhóm này.

Người phá bỏ một điều luật bất công bằng cần làm việc đó một cách công khai, nhiệt thành, và sẵn lòng đón nhận hình phạt”.

Martin Luther King cũng lên tiếng phê phán nhà thờ. Thậm chí trong cuộc tẩy chay xe bus ở Montgomery, ông đã kỳ vọng rằng các mục sư và giáo sĩ da trắng hẳn sẽ chứng minh họ là những đồng minh đáng tin cậy nhất của người Negro. Nhưng ông đã thất vọng cay đắng. “Có quá nhiều những người khác”, ông nhớ lại, “đã quá thận trọng hơn là cam đảm và giữ im lặng đằng sau sự an toàn vô cảm của các cửa kính màu [của nhà thờ]”.

Không khó để hiểu được nỗi thất vọng của Martin Luther King trước phản ứng của các nhà thờ da trắng, bởi vì những điều răn đầu tiên của Chúa là gì nếu không phải là “Hãy sẽ yêu những người hàng xóm của mình”?

Thậm chí nếu có được thành công trong cuộc đấu tranh chống lại sự phân biệt chủng tộc, thì sự kỳ thị vẫn sẽ còn dai dẳng trong lĩnh vực kinh tế và trong các quan hệ xã hội. Là người có đầu óc thực tế, Martin Luther King hiểu được điều này. Ông viết trong cuốn Sức mạnh để yêu:

“Các phán quyết của tòa án và các cơ quan bảo vệ luật pháp liên bang hẳn nhiên đóng vai trò vô giá trong việc xóa bỏ nạn phân biệt kỳ thị, tuy nhiên, xóa bỏ phân biệt kỳ thị chỉ là một bước, dù là cần thiết, trong chuỗi các bước tiến để dành được mục tiêu cuối cùng mà chúng ta cần phải đi đến, [đó là] một cuộc sống thực sự hòa hợp giữa các chủng tộc và các cá nhân...

Nhưng phải có điều gì đó làm rung động trái tim và linh hồn mỗi người khiến họ sẽ tự tìm đến với nhau về phần hồn, đơn giản vì điều ấy là lẽ tự nhiên và đúng đắn…”

Sự hòa hợp chân thành sẽ được tạo nên bởi những người xóm giềng chân tình, những người tình nguyện thuận theo những bổn phận đạo lí vốn không thể gượng ép.

Phong trào đấu tranh bất bạo động của Martin Luther King đã được tiến hành trên quê hương ông; kết quả là sự xung đột [chủng tộc] cứng rắn, đã kéo dài vài thế kỷ và truyền thống hiện đang tiến dần đến một giải pháp.

Có thể con đường mà ông và những người đồng hành vừa vẽ lên đã tạo một tia hy vọng tới các nơi khác trên thế giới, một niềm hy vọng rằng các cuộc xung đột sắc tộc, quốc gia, các hệ thống chính trị có thể sẽ được giải quyết, không phải bằng gươm dao, lửa đạn, mà bằng tình yêu chân chính giữa đồng loại.

Liệu những câu thơ của Arnulf Overland [8] có trở thành hiện thực?

Chỉ những người từ bỏ gươm đao mới lấy được sức mạnh từ các mạnh nguồn vĩnh cửu. Chỉ có tinh thần mới đem lại chiến thắng.

Điều đó nghe như một giấc mơ về một tương lai xa xôi và mờ ảo; nhưng cuộc sống không đáng sống khi ta không có một giấc mơ và không nỗ lực cố gắng biến giấc mơ thành hiện thực.

Thế giới hôm nay, khi loài người đang sở hữu bom nguyên tử, đã đến lúc ta cần buông vũ khí sang một bên và lắng nghe thông điệp mà Martin Luther King đã truyền lại cho chúng ta qua cuộc tranh bất bạo động mà ông đã thực hiện đại diện cho dân tộc mình. Martin Luther King cũng có tầm nhìn vượt qua biên giới quốc gia mình. Ông nói:

“Hơn lúc nào hết, những người bạn của tôi, ngày nay mọi chủng tộc, mọi quốc gia đang đứng trước thách thức phải sống trong tình láng giềng… Chúng ta không thể tiếp tục thái độ qua đường giả ngơ nữa. Những hành xử điên rồ đó từng [chỉ] bị coi là thiếu đạo đức; thì ngày nay nó sẽ đưa tới một hành động tự sát toàn cầu...

”Nếu ta giả định rằng loài người có quyền sống, thì chúng ta buộc phải tìm ra một giải pháp khác thay thế cho chiến tranh và hủy diệt. Trong thời đại của các phi thuyền không gian và tên lửa đạn đạo, sự lựa chọn [mà chúng ta có] là hoặc bất bạo động hoặc không tồn tại…”

Mặc dù bản thân Martin Luther King không cam kết [đấu tranh để giải quyết] xung đột quốc tế, cuộc đấu tranh của ông là tiếng kèn thúc giục tất cả những người đang đấu tranh vì hòa bình.

Ông là người đầu tiên ở thế giới phương Tây đã chỉ ra cho chúng ta thấy một cuộc đấu tranh có thể được tiến hành không có bạo lực. Ông là người đầu tiên biến thông điệp về tình yêu đồng loại thành một thực tế trong suốt cuộc đấu tranh của mình, và ông đã mang thông điệp này tới mọi người, mọi quốc gia, mọi chủng tộc.

Hôm nay, để tỏ lòng kính trọng với Martin Luther King, người đã không bao giờ đánh mất niềm tin vào phong trào đấu tranh bất bạo động, người đã chịu đựng bao gian nan cho niềm tin của mình, người đã từng bị tù đày nhiều lần, chủ nhân của một ngôi nhà đã từng bị coi là mục tiêu đánh bom, người mà sinh mạng của chính mình và của người thân luôn bị đe dọa, và mặc dầu thế, là người chưa bao giờ chùn bước.

Ủy Ban Nobel Hòa bình của Nghị viện Na Uy đã trao tặng Giải thưởng Hòa bình năm 1964 cho người chiến sĩ ngoan cường trong cuộc đấu tranh vì hòa bình này.


© 2005 talawas


[1]Kinh Thánh. Matthew 5:39
[2]Martin Luther King, Jr., Stride toward Freedom, chap. 4 and passim.
[3]XemThe Works of Thoreau, ed. by H.S. Canby (Boston: Houghton Mifflin, 1946). Câu của King nhắc lại điểm chính của Thoreau trong tiểu luận "Civil Disobedience".
[4]Bài phát biểu này, được đọc tại Nhà thờ Báp tít phố Holt ở Montgomery, Alabama, được King cho in lại trong cuốn Stride toward Freedom, pp. 61-64.
[5]Matthew 5:44. "Love your enemies, bless them that curse you, do good to them that hate you, and pray for them which despitefully use you, and persecute you."
[6]Mohandas Karamchand Gandhi (1869-1948), lãnh tụ tôn giáo Hindu và là nhà dân tộc chủ nghĩa Ấn độ, người đã vận động cho quyền tự trị của Ấn độ và tiến hành cuộc đấu tranh bất bạo động chống lại [sự cai trị của] chính quyền thực dân Anh.
[7]Martin Luther King, Jr., "Why We Can't Wait," p. 89.
[8]Arnulf Overland (1889-1968).
From Nobel Lectures, Peace 1951-1970, Editor Frederick W. Haberman, Elsevier Publishing Company, Amsterdam, 1972.