trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
6.9.2005
Lý Quí Chung
Hồi ký không tên
15 kì
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16 
 
… Trở lại thời điểm quốc hội lập hiến (1966-1967), cuối cùng tôi đã đồng ý nhận hai cảnh sát thuộc “phòng bảo vệ yếu nhân” do Tổng nha cảnh sát của Nguyễn Ngọc Loan gửi đến. Rất may mắn, hai nhân viên cảnh sát chìm này biết cư xử đúng cương vị của mình, lễ độ và hợp tác. Chính cách đối xử của vợ chồng tôi cũng tạo được phần nào tình cảm gắn bó giữa hai người đối với gia đình tôi. Mỗi lần “phòng bảo vệ yếu nhân” ở Tổng nha cảnh sát muốn thay hai người mới tôi đều phản đối với lý do: nhận người lạ đến bảo vệ, tôi không an tâm. Hai cảnh sát chìm này: Phan Xuân Trường (25 tuổi) và Nguyễn Văn Bé (20 tuổi) làm cận vệ cho tôi suốt 10 năm, từ Quốc hội lập hiến (1996) cho đến ngày 30 -4-1975! Sau này tôi được biết người đã tạo điều kiện cho hai anh Trường và Bé gắn với tôi lâu dài chính là trung tá cảnh sát Lâm Chánh Bình trong Tổng nha. Trung tá Bình bà con với anh Lâm Phi Điểu là một người bạn thân và là đồng viện của tôi trong Quốc hội lập pháp.

Anh Bé được vợ tôi cho tiền học thêm nghề lái xe để lái chiếc xe riêng của tôi, khi tôi xuất bản tờ báo Tiếng nói Dân tộc. Còn anh Trường làm thêm công việc liên lạc, thu tiền quảng cáo cho báo. Như thế cả hai đều có thêm một đầu lương phụ giúp gia đình họ. Ngay năm đầu hai người làm việc với tôi, tôi đã chứng minh cho cả hai hiểu rõ: từ nay dù muốn hay không, số phận của họ cũng bị buộc chặt với tôi. Nếu tôi bị ám sát thì kẻ chủ mưu đến từ phía chính quyền chứ không thể từ phía “Việt cộng”. Do các hoạt động chống chính quyền, chống chiến tranh và chống lại sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam của tôi rất dễ dàng xác định phía hãm hại tôi là ai nếu có chuyện đó xảy ra. Và khi tay chân của chính quyền Sài Gòn ra tay nhằm vào tôi thì họ sẽ không chừa hai người cận vệ để đánh lạc hướng dư luận. Như vậy hai anh Bé và Trường phải triệt để cảnh giác nguy cơ có thể đến từ chính cơ quan của mình. Ngồi trên ô tô do Quốc hội cấp cho tôi, hai anh luôn cẩn trọng theo dõi những chiếc xe máy vượt lên hai bên hông ô tô. Buổi sáng họ kiểm tra xe rất kỹ đề phòng gài mìn. Hàng tuần một trong hai người vẫn phải vào cơ quan của họ để báo cáo hoạt động và chuyện đi đứng của tôi. Họ cho tôi biết điều đó. Trong 10 năm sống với tôi, họ cùng chia sẻ mọi sự căng thẳng, khó khăn. Khi tôi mở cuộc họp báo chống chính phủ hoặc “xuống đường” biểu tình, tôi bảo họ ở lại nhà để tránh cho họ khỏi lúng túng trước những tình huống khó xử: không biết phải can thiệp thế nào trước sự đàn áp của các đồng nghiệp cảnh sát nhắm vào người mà mình có trách nhiệm bảo vệ. Suốt thời gian 10 năm tôi chẳng có gì phiền hà về họ. Giữa hai người, lúc đầu, tôi có chút nghi ngờ Trường vì cấp bậc của Trường là trung sĩ cảnh sát, từng được đào tạo ở trại huấn luyện đặc biệt của quân đội Mỹ ở Thái Lan. Nhưng sau ngày đất nước thống nhất, thật vô cùng bất ngờ tôi mới biết Trường lại là một “Việt cộng” nằm vùng. Cả gia đình anh ở Bến Tre đều tham gia cách mạng, bản thân anh từ tuổi thiếu niên đã cầm súng chiến đấu. Bị bắt trong lúc hoạt động tại Sài Gòn, vào trong khám bắt liên lạc trở lại với tổ chức, ra tù anh được tổ chức đưa vào Tổng nha làm cảnh sát, nhưng sau đó mất liên lạc với người giới thiệu, do đó tình cảnh của Trường sau ngày 30-4-1975 không thể tránh lận đận một thời gian. Cố nhà báo Huỳnh Bá Thành, nguyên Tổng biên tập báo Công an TP. HCM đã từng viết giấy xác nhận cho Trường vì trước 1975, anh Huỳnh Bá Thành thường lui tới nhà tôi và hay gặp Trường. Tôi không biết họ có nói gì, bàn gì với nhau vào lúc ấy hay không.

Sau 1975, anh Trường bị “kẹt” trong trại học tập cải tạo một thời gian ngắn và khi trở về anh có thăm hai vợ chồng tôi. Lúc đó anh mới nhắc lại một sự việc xảy ra trước 1975. Số là trong thời gian anh Nguyễn Hữu Thái, sinh viên kiến trúc, bị cảnh sát Sài Gòn săn lùng, anh đã trốn ở tầng 3 trong nhà tôi cả năm (từ 1974-1975). Ban đầu, anh Thái xin “tá túc” ở chùa Ấn Quang nhưng Thượng tọa Thích Trí Quang có mời tôi đến và cho biết sự theo dõi rất chặt chẽ của cảnh sát nên không thể để anh Thái ở chùa. Thượng tọa Trí Quang gợi ý tôi đưa anh Thái trốn trong “Dinh Hoa Lan” của đại tướng Dương Văn Minh. Nhưng ở đây đã có số người “lánh nạn” khá đông: ông Nguyễn Văn Cước, một nhà hoạt động công đoàn, cựu dân biểu Dương Văn Ba, nhà báo Nguyễn Đình Nam. Không còn cách nào khác, tôi đã nhận che giấu anh Thái tại nhà mình.

Hai cảnh sát chìm được tổng nha gửi “bảo vệ” tôi, anh Trường và anh Bé, dĩ nhiên cũng “ngửi” thấy có người lạ trên tầng 3. Anh Trường kể lại: một hôm anh Bé báo cáo với anh Trường (là tổ trưởng) rằng anh vừa lục thấy trong phòng, nơi anh Thái trốn, có thư chúc Tết của Hồ Chủ Tịch. Anh Bé phát hiện việc này khi anh Thái vào buồng tắm. Anh Bé có ý định báo cáo với “phòng bảo vệ yếu nhân” – cơ quan của mình. Anh Trường rất lúng túng, nhưng nhanh chóng nghĩ ra cách đối phó. Anh khuyên anh Bé “không nên hấp tấp, anh Thái là một sinh viên, những hoạt động như thế này chẳng có gì thật ghê gớm. Nếu mình báo cáo dĩ nhiên ông Chung sẽ được Tổng nha tra hỏi và ông sẽ biết sự việc này. Phản ứng của ông chắc chắn là trả mình về Tổng nha. Mình sẽ mất một đầu lương không và không chắc tìm được một chỗ yên ổn như ở đây”. Theo anh Trường thì mình nên theo dõi tiếp xem sao rồi hãy quyết định cũng không muộn”. Thế là anh “trung sĩ – cảnh sát viên” Phan Xuân Trường đã âm thầm cứu anh Thái khỏi bị rơi vào tay cảnh sát Sài Gòn mà anh Thái không hề hay biết.

...Trong thời gian làm dân biểu Quốc hội lập hiến, sau khi kết thúc nhiệm vụ chủ tịch Ủy ban điều tra vụ ám sát dân biểu Trần Văn Văn, tôi được bầu tiếp làm chủ tịch Ủy ban cứu xét các vụ án chính trị. Ủy ban này thật sự không giở lại từng hồ sơ các vụ án chính trị xảy ra dưới chế độ Diệm đàn áp Phật giáo, hoặc sau 1 -11- 1963 đến phiên những người Công giáo và những người thân chế độ Diệm bị tù tội và tịch thu tài sản. Chủ trương của Quốc hội lập hiến là ra một đạo phật “đại xá” cho cả hai phía, kể cả việc hoàn trả tài sản. Quốc hội lập hiến đúng ra chỉ có một Ủy ban: Ủy ban dự thảo Hiến pháp do một luật sư đứng đầu. Còn một Ủy ban kia (Ủy ban điều tra vụ ám sát và Ủy ban cứu xét các vụ án chính trị) được thành lập nhằm đáp ứng những yêu cầu đặc biệt.

Để soạn thảo bản dự thảo luật “Cứu xét các vụ án chính trị”, tôi mời chuyên viên luật Vương Văn Bắc – luật sư và là giáo sư Học viện quốc gia hành chính. Trong lúc soạn thảo dự luật này, tôi có tiếp một người khách đặc biệt tại nhà: Ông Nguyễn Văn Bửu, chủ đoàn tàu buôn lớn nhất Sài Gòn và là nhà kinh tài nổi tiếng của gia đình Ngô Đình Diệm. Ông đề nghị, thông qua một người thân của tôi, trao cho tôi một số tiền lớn để tôi can thiệp trả lại tài sản cho ông. Lúc này tôi không còn ở cái phòng thuê chật hẹp hôi tanh mùi bùn quanh năm bên kinh Nhiêu Lộc và đã dọn về một căn phố tuy khá hơn trên đường Nguyễn Tri Phương, bề ngang 3 mét, bề dài 12 mét nhưng vào mùa nóng không khí trong nhà không thua lò nướng bánh mì. Ông Bửu đến nhà tôi vào một buổi trưa như thế. Tôi trả lời ông ngắn gọn: “Ông yên tâm về nhà. Quốc hội sẽ ra một đạo luật rất có thể bao gồm cả trường hợp của ông. Chuyện của ông được hay không được là do đạo luật đó chứ không thể do sự can thiệp riêng của tôi”. Vợ tôi ở phòng trong nghe rất rõ đề nghị của ông với số tiền rất lớn và cũng nghe sự từ chối của tôi. Khi ông Bửu về, Quỳnh Nga đã vui vẻ tán đồng thái độ của chồng mình.

Cũng trong thời gian làm chủ tịch Ủy ban cứu xét các vụ án chính trị, tại văn phòng của mình ở Quốc hội tôi đã tiếp một người khách khác cũng khá đặc biệt. Khi cô thư ký đưa cho tôi phiếu xin tiếp, thấy tên, tôi đã nhớ ngay con người này. Ông là cựu trung tá tỉnh trưởng Ba Xuyên (Sóc Trăng) – thời ba tôi làm phó tỉnh trưởng hành chính tại đây. Ông cựu trung tá này là “con cưng” của ông Diệm, là một thứ hung thần đối với người dân địa phương những năm 1962-1963. Cha tôi từng là nạn nhân của ông ta. Có lẽ do không thể tự do thao túng vấn đề tiền bạc và ngân sách tỉnh nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của phó tỉnh trưởng hành chính, tức cha tôi, nên ông tìm đủ mọi cách hãm hại và loại trừ cha tôi. Ông gửi nhiều báo cáo mật về Bộ nội vụ ở Sài Gòn tố cáo cha tôi có quan hệ với “Việt cộng”. Dĩ nhiên đây là chuyện hoàn toàn bịa đặt. Cha tôi tình cờ biết được việc này nhờ bạn bè ở Bộ nội vụ tiết lộ với ông. Đám cưới của tôi tổ chức tại Ba Xuyên năm 1962 có vợ chồng trung tá tỉnh trưởng này dự. Cho nên khi ông ta vừa bước vào phòng, tôi nhận ra ngay. Ông ta già hẳn đi, không còn cái vẻ tự mãn và hách dịch của năm năm về trước. Chuyện bể dâu thật đáng sợ. Con người toan tính hãm hại cha tôi đang ngồi trước mặt tôi. Ông không dám nhìn thẳng tôi và rụt rè ngồi xuống ghế. Ông trình bày một mạch trường hợp ông bị bắt, giam cầm và tịch thu tài sản sau khi chế độ Diệm sụp đổ. Nguyện vọng của ông là được cứu xét xóa án và hoàn trả tài sản. Tôi không muốn kéo dài không khí căng thẳng cho ông, liền mở lời: “Có phải ông là trung tá HMT? Tôi là con trai của Lý Quí Phát. Chắc trung tá còn nhớ, trung tá có dự đám cưới của tôi. Tôi thông cảm trường hợp của trung tá nhưng tôi không có thẩm quyền can thiệp cho từng trường hợp. Sẽ có một đạo luật ra đời giải quyết chung các trường hợp như của trung tá”. Có lẽ ông ta không ngờ người con của nạn nhân mà ông từng ra tay hãm hại lại tiếp ông đàng hoàng như thế. Tôi có kể lại cho cha tôi nghe cuộc gặp gỡ này, cha tôi nói “Con xử sự như vậy là đúng”.

Quốc hội lập hiến kéo dài một năm đã cung cấp cho tôi một môi trường học tập đấu tranh chính trị tại nghị trường và từ diễn đàn này, tôi cũng có cơ hội bày tỏ công khai qua mạng lưới báo chí Sài Gòn các quan điểm của mình đối với chính quyền, đối với các vấn đề dân chủ, chiến tranh, hòa bình v.v… Vào thời điểm này, báo chí Sài Gòn chưa bị chính quyền kiểm soát hoàn toàn vì giữa tướng Kỳ và tướng Thiệu vẫn chưa ngã ngũ ai là người nắm trọn quyền hành. Cả hai đều còn trong tư thế chờ đợi trước cuộc chạy đua giành chức tổng thống sẽ diễn ra. Thực tế cuộc chạy đua ấy bắt đầu sớm hơn ngày bầu cử chính thức. Nó diễn ra ngay sau khi hiến pháp được Quốc hội biểu quyết và trọng tài tối cao cho vòng sơ tuyển này không ai khác hơn là người Mỹ. Nói cách nào đó, cuộc bầu tổng thống ở miền Nam diễn ra hai vòng. Vòng đầu ở hậu trường trong bóng tối mới mang tính quyết định. Ứng cử viên được người Mỹ chọn đương nhiên sau đó sẽ đắc cử tổng thống.

Khi Quốc hội lập hiến hoạt động được ít tháng, tôi đã phải có một quyết định liên quan đến mối quan hệ giữa tôi và Phong trào Phục hưng miền Nam (PTPHMN), Kỹ sư Võ Long Triều, đứng đầu PTPHMN, thấy rằng ông không thể lèo lái khối Dân tộc như ý muốn của mình nên có ý định thay tôi và đặt vào vị trí trưởng khối Dân Tộc một dân biểu khác của PTPHMN trung thành với ông. Tôi đã bác bỏ ý kiến này vì hai lý do: 1. Khối Dân tộc được lập không gồm duy nhất các dân biểu PTPHMN, số đông ngoài tập hợp này chủ yếu do cá nhân tôi vận động. 2. Mặt khác, do qui tụ nhiều thành phần dân biểu khác nhau, khối Dân tộc không chấp nhận sự chi phối của riêng một tổ chức chính trị nào.

Sự bất đồng giữa tôi và ông Triều chính thức nổ ra sau sự kiện này. Hơn nữa sự thiếu thuyết phục về mặt lý tưởng của PTPHMN đã khiến tôi quyết định tách ra khỏi phong trào này – đó cũng là tổ chức chính trị duy nhất mà tôi có dính líu trong suốt cả thời kỳ hoạt động trước năm 1975. Nó không để lại cho tôi một dấu ấn nào vì thật sự nó không vạch được đường hướng nào đáp ứng hoàn cảnh đất nước, mà theo tôi đây cũng chỉ là một nhóm áp lực nhằm gây thanh thế chính trị cho cá nhân mà thôi. Những con người đầy thiện chí có mặt trong Chương trình Phát triển quận 8 (một chương trình chủ lực của PTPHMN) giành được sự ủng hộ của dân chúng địa phương chủ yếu do các hoạt động xã hội của chính bản thân họ như bác sĩ Hồ Văn Minh, anh Hồ Ngọc Nhuận… Tuy nhiên tôi không thể phủ nhận ông Võ Long Triều là người đã có một ảnh hưởng khá lớn trong sự khởi đầu bước đường chính trị của tôi.

… Thật sự không dễ dàng cho một thanh niên như tôi tự mò mẫm tìm con đường đi giữa một chính trường Sài Gòn cực kỳ hỗn loạn. Các đảng phái mọc như nấm, có đến hàng trăm bảng hiệu, có nhiều đảng chỉ vài người. Tình hình này khiến cho đảng phải ở Sài Gòn trong những năm 60 và 70 trở thành một trò hề, bị báo chí và dư luận thường xuyên giễu cợt. Tôi tự vạch con đường đi cho mình với một thứ ánh sáng duy nhất xuất phát từ con tim: đó là lòng yêu nước rất đơn sơ với mong muốn Tổ quốc của mình được độc lập, hòa bình và thống nhất. Trước mắt, sự can thiệp của người Mỹ phải chấm dứt, người Việt Nam yêu thương nhau và nước Việt Nam phải là của người Việt Nam. Thái độ chính trị của tôi trong suốt những năm tháng đất nước chiến tranh được chọn lựa và không ngừng điều chỉnh theo tiêu chí rất chung chung như thế, “bạn – thù” cũng được căn cứ như thế để nhận diện. Tôi không có một ngọn đuốc lý tưởng nào thật cụ thể soi rọi. Khi tôi mới bước vào lãnh vực chính trị và trở thành dân biểu Quốc hội lập hiến, dù sớm chọn chỗ đứng đối lập với chính quyền Sài Gòn nhưng lúc đó tôi vẫn tự coi mình thuộc về hàng ngũ “quốc gia”. Nhưng từ Quốc hội lập pháp kỳ 1 (Hạ nghị viện 1967-1971), chỗ đứng chính trị của tôi chuyển dịch vào giữa, được công khai hóa với bài xã luận ký tên của mình trên báo Tiếng Nói Dân Tộc nói về thành phần những “người Việt cô đơn”, “người Việt đứng giữa”, không đứng về phía chế độ Sài Gòn nhưng cũng không đứng về phía người cộng sản. Tôi không tự coi mình thuộc thành phần “quốc gia” nữa vì những năm tháng hoạt động trong lòng chế độ Sài Gòn, tôi đã nhận ra đó là một chế độ không đại diện cho nhân dân miền Nam, phản dân chủ và hoàn toàn không có khả năng bảo vệ chủ quyền đất nước. Đáng nói hơn nữa, đó là một chế độ hiếu chiến, không hề tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho đất nước. Tôi cũng không đứng về phía cộng sản bởi lý do đơn giản: gần như tôi không biết gì về người cộng sản. Nhưng từ năm 1971 trở về sau, sự chọn lựa chính trị của tôi lại tiếp tục chuyển dịch: tham gia nhóm chính trị do đại tướng Dương Văn Minh đứng đầu. Cùng với nhóm, chúng tôi chọn lập trường: “Nếu có chính phủ 3 thành phần theo Hiệp định Paris thì nhóm ông Minh sẽ hoạt động trong cương vị thành phần thứ 3, nhưng sẽ liên kết với Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam (MTDTGPMN) chứ dứt khoát không liên kết với chính quyền Việt Nam Cộng Hòa (VNCH)”.

Đó là sự chuyển dịch về thái độ chính trị do những thực tế diễn tiến của đất nước, là kết quả của sự đối chiếu lập trường chính trị, nhất là lập trường chiến tranh và hòa bình giữa các bên. Đây hoàn toàn không phải là sự thay đổi lập trường vì thấy rằng ai là người sắp sửa chiến thắng. Trước ngày 30-4-1975 một vài tháng, vẫn có nhiều người không đoán được ngày kết thúc chiến tranh Việt Nam và đoán được nó sẽ kết thúc như thế nào. Huống hồ trước đó hai, ba năm! Chuyển dịch lập trường sang hướng tả, nhiều anh em trong nhóm Dương Văn Minh từ năm 1971 ý thức rất rõ rằng mình phải sẵn sàng chấp nhận các đòn đàn áp và triệt tiêu từ phía chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Tôi còn nhớ vào khoảng năm 1974, tình hình gần như bế tắc đối với giới thanh niên trí thức tiến bộ, kể cả các phần tử đối lập, tôi có gặp anh Dương Văn Ba lúc đó đang “tị nạn chính trị” trong Dinh Hoa Lan của tướng Dương Văn Minh, bàn chuyện tìm cách liên lạc với MTDTGPMN và chọn hẳn con đường hoạt động bí mật. Tôi thừa biết nếu chế độ Thiệu đứng vững đến năm 1975 và tổ chức bầu cử Hạ nghị viện lần ba thì tôi sẽ không có đất sống ở cái đất Sài Gòn này. Nhất định tôi sẽ bị chế độ Thiệu xóa sổ!

Nhưng cả tôi lẫn anh Ba chẳng ai biết cách nào để liên lạc với MTDTGPMN.


7. Chung quanh cuộc bầu cử tổng thống Sài Gòn 1967

Để kịp thời hạn do Washington đặt ra, hai tướng Thiệu, Kỳ buộc Quốc hội lập hiến phải họp cả ngày lẫn đêm ở giai đoạn cuối cùng. Bản hiến pháp vừa được Quốc hội thông qua ngày 18-3-1967 thì liền đó chỉ hai ngày sau (20-3-1967), hai tướng Thiệu và Kỳ đã vội vàng mang nó sang đảo Guam để tổng thống Mỹ Johnson duyệt. Chính ngoại trưởng Henry Kissinger sau này đã nói rõ trong hồi ký của ông rằng hiến pháp của chế độ Sài Gòn đã được thảo ra “với sự cố vấn và giúp đỡ của người Mỹ” (nguyên văn: drafted with American advice and assistance). Tại đảo Guam có mặt đầy đủ các nhà lãnh đạo Washington, từ tổng thống Johnson đến bộ trưởng ngoại giao Dean Rusk và bộ trưởng quốc phòng McNamara. Cho đến lúc này, tướng Kỳ có ảo tưởng mìh đang nắm tình hình chính trị ở Sài Gòn, lèo lái luôn cái Ủy ban lãnh đạo quốc gia mà người đứng đầu là tướng Thiệu. Cả bản hiến pháp, ông cũng tự xem là tác phẩm của ông. Do đó tại Guam, ông tự coi mình là người đối thoại chính với tổng thống Johnson. Trong cuốn tự truyện của ông Kỳ “Đứa con cầu tự” (Buddha’s child- Nhà xuất bản ST. Martins Press – New York), kể lại rằng tại Guam, ông đã đề xuất với tổng thống Johnson một kế hoạch nhanh chóng kết thúc chiến tranh Việt Nam bằng cách ngay sau cuộc bầu cử tổng thống ở miền Nam, ông sẽ từ chức thủ tướng và đích thân ông sẽ chỉ huy một cuộc tấn công vào miền Bắc với lực lượng quân đội Sài Gòn. Theo ông Kỳ, cuộc tấn công này buộc Bắc Việt phải ra lệnh rút quân khỏi miền Nam và chấp nhận hòa bình. Trước đề xuất này, T. T Johnson lạnh lùng quay qua nói với MacNamara: “Này Mac, hãy nói cho tướng Kỳ biết chúng ta không tính đến chuyện đó”.

Tướng Kỳ luôn tìm cách thúc đẩy giải pháp quân sự và vận động Mỹ dùng tối đa sức mạnh quân sự để giành chiến thắng. Bản thân ông chưa chắc tin rằng một cuộc tấn công như thế sẽ khiến miền Bắc “khuất phục”, nhưng có một điều ông biết khá chắc chắn là với cuộc chiến đẩy lên cao, tất yếu vai trò và vị trí của ông trong chiến tranh sẽ được củng cố. Nhưng với người Mỹ lúc này, ý đồ của họ là tạo ra một nền dân chủ giả tạo tại miền Nam trước đã. Với một quốc hội dân cử và một tổng thống được dựng lên, sự can thiệp của Mý vào Việt Nam sẽ có được một cái vỏ hợp pháp.

Ngay sau khi hiến pháp vừa ban hành (ngày 18-3-1967), cuộc chạy đua giành ảnh hưởng của hai ông Thiệu và Kỳ diễn ra ráo riết. Ngày 11-5-1967, ông Kỳ tuyên bố sẽ ra ứng cử, ngay sau đó ông Thiệu cũng thông báo: “hoàn toàn có khả năng” ông sẽ ra tranh cử với ông Kỳ. Tướng Kỳ liền dựa vào các tướng lĩnh thuộc phe mình để áp lực lượng Thiệu thay đổi quyết định với lập luận: chính ông là người lãnh đạo miền Nam khá tốt trong thời gian làm thủ tướng. Người được tướng Kỳ phái đi gặp tướng Thiệu để truyền đạt ý kiến này là thiếu tướng Nguyễn Đức Thắng, đang giữ chức bộ trưởng Bộ Chiêu hồi trong nội các của Kỳ. Tướng Thắng khuyên Thiệu không nên ra ứng cử và nên lui về đứng đầu quân đội. Thiệu bác bỏ đề nghị này và cho rằng Kỳ và phe ông ta âm mưu đưa ông vào bẫy để loại bỏ ông. Thấy không lay chuyển được đối thủ của mình, Kỳ triệu tập các tướng lĩnh đang nắm những vị trí quan trọng nhất (theo Kỳ đây là bộ phận đầu não, một politburo của quân đội) để hợp thức hóa sự chọn lựa ông với tư cách ứng cử viên chính thức và duy nhất của quân đội. Theo Kỳ kể lại, ông được cuộc họp này bỏ phiếu nhất trí chọn ông, nhưng cuộc họp lại không tìm ra giải pháp để buộc Thiệu tự nguyện rút lui khỏi cuộc tranh cử. Tướng Kỳ cho rằng Thiệu không thể thắng cử mà không có sự ủng hộ của quân đội, do đó cứ để Thiệu ứng cử với tư cách một ứng cử viên tự do và ông ta sẽ dễ dàng bị đánh bại. Ông Kỳ còn toan tính cả việc đưa tướng Cao Văn Viên thay tướng Thiệu ở cương vị Chủ tịch Ủy ban lãnh đạo quốc gia. Nhưng các toan tính của Kỳ không hề lay chuyển tướng Thiệu vì Thiệu hiểu rất rõ rằng người quyết định “ai là ứng cử viên của quân đội” chính là người Mỹ chứ không phải các tướng lãnh Sài Gòn. Thiệu có thông tin khá chắc chắn là đại sứ Mỹ Ellsworth Bunker – người được báo chí Sài Gòn đặt tên “ông già tủ lạnh” (có lẽ do gương mặt lạnh lùng) vừa thay đại sứ Henry Cabot Lodge – và phần đông các quan chức Mỹ cao cấp tại Sài Gòn đều nghiêng sự chọn lựa về mình. Kể cả tướng William Westmoreland, người đứng đầu quân đội Mỹ tại miền Nam. Trong hồi ký của Westmoreland về chiến tranh Việt Nam, xuất bản năm 1976, nhắc lại cuộc tranh chấp giữa Thiệu và Kỳ giành quyền ứng cử tổng thống, tướng Westmoreland viết rằng:

“Trong các ứng cử viên dự kiến, tôi thấy Nguyễn Văn Thiệu là niềm hi vọng thật sự cho đất nước (miền Nam Việt Nam)”. Với Nguyễn Cao Kỳ, Westmoreland mô tả bằng những từ như “flamboyant” (khoa trương, cường điệu), “impetuous” (hay bốc).

Chính vì thế, dù cho sau đó tướng Kỳ có lèo lái Ủy ban lãnh đạo quốc gia họp chính thức bỏ phiếu chọn ông làm ứng cử viên của quân đội nhưng giờ chót Kỳ vẫn phải rút tên và nhường cho ông Thiệu. Tướng Kỳ khi nhắc lại sự kiện này vẫn coi đây là một cử chỉ fair play (chơi đẹp) của mình nhưng nhiều năm sau vẫn tiếc rằng hành động “quân tử Tàu”- nhường cho Thiệu ra ứng cử tổng thống – là một sai lầm trong cuộc đời chính trị của ông. Ông nói rằng chính sự nhân nhượng ấy đã dẫn tới sự thất bại của phe chống Cộng ở miền Nam. Nhưng những người hiểu rõ tình hình tranh giành quyền lực giữa Thiệu và Kỳ lúc đó thì Kỳ không thể làm gì khác hơn trước áp lực của tòa đại sứ Mỹ. Đại sứ Bunker lúc ấy là một “quan toàn quyền” đúng nghĩa. Ông muốn chọn ai là người ấy được. Ông Kỳ quá hiểu rằng đi ngược lại ý muốn của người Mỹ là tự sát chính trị. Sau khi Kỳ rút lui thì Ủy ban lãnh đạo quốc gia đề nghị Kỳ đứng phó trong liên danh ứng cử “để giữ sự đoàn kết trong quân đội”. Cũng cần ghi nhận ở đây, với cuộc đấu đá giữa Thiệu và Kỳ tranh giành ứng cử, người dân Sài Gòn phần đông không đứng về phía nào cả, bởi trong thực tế họ đều bác bỏ cả hai.

Ngoài liên danh Thiệu–Kỳ, có 10 liên danh khác của các nhân sĩ và đảng phải ghi danh ứng cử. Trung tướng Dương Văn Minh đang sống lưu vong ở Bangkok, ngày 28-6-1967, cũng lên tiếng đòi về nước tranh cử.

Nhưng Ủy ban quốc gia chống lại ý định trở về của tướng Dương Văn Minh. Trong các liên danh dân sự, có liên danh của ông Trần Văn Hương được đông đảo trí thức miền Nam ủng hộ. Tôi là một trong những người tích cực vận động cho ông Hương. Chỗ dựa chính của ông Hương vẫn là Hội Liên trường.

Nhân dịp tham gia phái đoàn dân biểu dự cuộc họp của Hội liên hiệp nghị sĩ Á châu (APU) tại Bangkok, tôi được ông Hương ủy nhiệm để tiếp xúc với ông Dương Văn Minh và yêu cầu ông đưa ra lời tuyên bố ủng hộ ông Hương. Đây là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với trung tướng Dương Văn Minh. Tướng Minh tiếp tôi tại câu lạc bộ thể thao cưỡi ngựa ở Bangkok trong một buổi ăn trưa. Ông cho tôi biết tuyên bố của ông ra ứng cử tổng thống chỉ nhằm mục đích tìm cách trở về Sài Gòn một cách hợp pháp thế thôi, chứ không có ý định thật sự tranh chức tổng thống. Sau khi nghe tôi trình bày lời yêu cầu của ông Hương, ông Minh hứa sẽ có lời tuyên bố ủng hộ ứng cử viên Trần Văn Hương. Cuộc tiếp xúc ngắn ngủi ấy để lại trong tôi một ấn tượng tốt đẹp về nhân vật mà báo chí Mỹ thường gọi là “Big Minh”, tức “Minh lớn”, để phân biệt với một tướng Minh khác, Trần Văn Minh, được gọi là “Minh nhỏ”. Dĩ nhiên, khi tiếp xúc lần đó với trung tướng Dương Văn Minh, tôi không làm sao đoán ra rằng một phần cuộc đời sau này của tôi lại gắn bó với ông.

Trong cuộc vận động cho ông Trần Văn Hương, tôi còn lãnh một ủy nhiệm khác của ông: đến thành phố Đà Nẵng để mời bác sĩ Trần Đình Nam, một nhân sĩ có uy tín ở miền Trung, tham gia liên danh của ông Hương với tư cách ứng cử viên phó tổng thống. Bác sĩ Trần Đình Nam từng làm bộ trưởng thời chính phủ Trần Trọng Kim. Sau đảo chính Diệm 1963, bác sĩ Nam được mời vào Thượng hội đồng quốc gia, một định chế chính trị được các tướng lãnh Sài Gòn lập ra. Hội đồng này là một thay thế tạm thời cho quốc hội Sài Gòn đã bị giải tán. Chính ông Trần Văn Hương cũng được mời tham gia Hội đồng này. Bác sĩ Nam, lúc đó gần 60 tuổi, đã tiếp tôi thẳng thắn bày tỏ quan điểm của ông về chính quyền Sài Gòn như sau: ngày nào còn người Mỹ tại miền Nam thì chính quyền Sài Gòn không thể có quyền tự quyết và không thể thoát khỏi thân phận bị cầm tù. Bác sĩ Trần Đình Nam bảo tôi chuyển lời tới ông Hương rằng ông không thể cùng ông Hương ra ứng cử tổng thống – phó tổng thống, và có lời khuyên ông Hương nên rút lui ý định của mình vì không thể ra gánh vác việc nước vào lúc này. Tôi rất cảm phục thái độ của ông Trần Đình Nam, nhưng lúc đó tôi lại nghĩ thái độ đó quá khích hoặc bảo thủ. Nhiều năm sau nghĩ lại tôi mới nhận ra rằng, trong cuộc tiếp xúc ấy, bác sĩ Trần Đình Nam đã cung cấp cho chính bản thân tôi một bài học chính trị quý giá.

Cuối cùng ông Hương mời ông Mai Thọ Truyền, hội trưởng Hội Phật học Nam Việt, trụ sở chính nằm tại chùa Xá Lợi, cùng đứng chung liên danh với ông. Tôi được ông Hương chọn làm người phụ trách báo chí Việt Nam cho liên danh. Người phụ trách báo chí tiếng Anh là giáo sư Tôn Thất Thiện. Người viết các bài diễn văn tranh cử cho ông Hương là giáo sư Lý Chánh Trung. Các liên danh dân sự đáng chú ý khác gồm có: liên danh của cụ Phan Khắc Sửu, của luật sư Trương Đình Dzu. Nhưng mạnh nhất vẫn là liên danh Trần Văn Hương- Mai Thọ Truyền. Nếu phe cầm quyền, tức quân đội, không gian lận phiếu thì chắc chắn liên danh Trần Văn Hương về đầu. Bấy giờ ông Hương là gương mặt đối lập sáng nhất. Mọi người đều không tin cuộc bầu cử sẽ diễn ra trung thực. Những người ủng hộ ông Hương cũng không có ảo tưởng rằng ông Hương sẽ đắc cử. Nhưng cuộc bầu cử là một dịp để những người đối lập với chính quyền có cơ hội bày tỏ quan điểm của mình, áp lực mạnh mẽ hơn chống độc tài quân phiệt và chống chiến tranh.

Đúng như sự tiên đoán của các giới, liên danh Trần Văn Hương–Mai Thọ Truyền về đầu tại khu vực bầu cử Sài Gòn – Gia Định, liên danh Nguyễn Văn Thiệu về nhì. Do có sự hiện diện của khá đông quan sát viên quốc tế tại Sài Gòn và Gia Định, phe quân đội đã “thả nổi” cuộc bỏ phiếu tại khu vực này, mặc dù họ cũng dùng rất nhiều đơn vị quân đội đi bỏ phiếu nhiều lượt để hạn chế sự thất bại của họ. Còn ở các tỉnh thì họ tha hồ gian lận. Các thùng phiếu đều bị đánh tráo khi được chuyển về các nơi kiểm phiếu. Liên danh Thiệu – Kỳ về đầu trên toàn miền Nam với 35% phiếu, một tỷ lệ thấp, chỉ được Washington công nhận sớm nhất. Dư luận quốc tế, kể cả phe đồng minh của Mỹ, cũng tỏ ra dè dặt. Ở miền Nam, tuyệt đại đa số dân chúng không ai coi đó là một kết quả trung thực. Ở các tỉnh, liên danh Trương Đình Dzu, với chủ trương hòa bình và thương thuyết với MTDTGPMN để chấm dứt chiến tranh, đã thu được một số phiếu khá cao (chỉ đứng sau liên danh Thiệu – Kỳ).

Theo hiến pháp, kết quả bầu cử phải được Quốc hội hợp thức hóa. Đây là một âu lo không nhỏ cho Nguyễn Văn Thiệu và phe ông. Mặc dù ông Kỳ đã lùi một bước, chịu đứng phó cho ông, nhưng ông Thiệu thừa biết Kỳ không mặn mòi gì với địa vị phó tổng thống. Thậm chí ông cũng đoán ra rằng Kỳ vẫn nuôi ý đồ phá vỡ cuộc hợp thức hóa bầu cử để có cơ hội “xóa bài làm lại”. Một mặt ông Kỳ tiết lộ rằng ông không tán đồng đề xuất của một nhóm dân biểu đến tìm ông để vận động bỏ phiếu chống lại sự đắc cử của liên danh Thiệu tại quốc hội. Nhưng thực tế mà tôi chứng kiến với tư cách dân biểu thì rõ ràng ông Kỳ đã ngầm ngầm khuyến khích các cuộc xuống đường phản ứng của các giới chống lại sự hợp thức hóa kết quả bầu cử. Các dân biểu thuộc phe ông được bật đèn xanh liên kết cùng phe đối lập để tạo áp lực chống Thiệu và gây tình hình xáo trộn.

Thời điểm này, ông Thiệu còn đơn độc, hậu thuẫn sau lưng ông còn mỏng, chưa đủ lực và tay chân để triệt các đòn ngầm phá bĩnh của ông Kỳ. Chính lúc này, một tùy viện quân sự của Nguyễn Văn Thiệu là trung tá Nguyễn Văn Đẩu, bạn quần vợt của cha tôi (khác với trung tá cùng tên Đẩu nhưng là tùy viên quân sự của tướng Dương Văn Minh) tìm gặp tôi để chuyển lời chính thức của trung tướng Thiệu muốn có một cuộc tiếp xúc riêng với tôi. Mục đích của tướng Thiệu là vận động tôi và khối dân biểu Dân tộc bỏ phiếu hợp thức hóa sự đắc cử của ông ta. Trung tá Đẩu còn nhờ cha tôi nói thêm với tôi nhằm thuyết phục tôi. Nể người bạn của cha mình, đồng thời nghĩ rằng gặp ông Thiệu chưa có nghĩa là chấp nhận các đề nghị của ông, tôi đồng ý gặp tướng Thiệu nhưng đưa ra điều kiện cuộc gặp gỡ chỉ có hai người, không có người thứ ba. Ông Thiệu chấp nhận điều kiện. Cuộc tiếp xúc tay đôi diễn ra tại nhà riêng của tướng Thiệu, lúc này còn nằm trong khu tưỡng lãnh ở bộ Tổng tham mưu (trên đường vào phi trường Tân Sơn Nhất). Nhà ông ở cạnh trung tướng Trần Thiện Khiêm. Sĩ quan liên lạc của ông đưa tôi vào phòng khách. Cánh cửa mở ra và tướng Thiệu từ phòng bên cạnh xuất hiện. Ông ta có nụ cười dễ gây cảm tình. Ông bước tới bắt tay tôi: “Kính chào ông dân biểu”. Tôi đáp lại: “Kính chào trung tướng” (Lúc này ông vẫn chưa được gọi là tổng thống). Có lẽ đã được sắp xếp trước, cái sa – lông tôi đang ngồi chỉ có hai ghế với cái bàn nhỏ ở giữa khiến cho hai người đối thoại nhau không cách nhau xa. Ông Thiệu đi thẳng vào vấn đề: “Trước hết tôi xin trình bày với ông dân biểu tình hình hiện này. Chính phủ VNCH rất cần sự ổn định chính trị và nhất là một nền tảng dân chủ vững chắc để được chính phủ và quốc hội Mỹ tiếp tục ủng hộ và viện trợ mạnh mẽ. Do đó rất cần cuộc biểu quyết hợp thức hóa cuộc bầu cử tổng thống sắp diễn ra tại Quốc hội được thông qua với một số phiếu cao nhất. Điều đó thể hiện sự đoàn kết của quân dân ta. Vì vậy tôi mong ông dân biểu cùng khối Dân tộc của ông sẽ bỏ phiếu hợp thức hóa kết quả bầu cử”.

Tôi không cần suy nghĩ, vì câu trả lời đã có sẵn trong đầu:

- Thưa trung tướng, tôi là đại diện báo chí của liên danh Trần Văn Hương. Sau khi có kết quả bầu cử, liên danh Trần Văn Hương đã họp báo và tố cáo cuộc bầu cử diễn ra không trung thực. Vậy tôi không thể nào đi ngược lại lập trường này và bỏ phiếu hợp thức hóa kết quả cuộc bầu cử.

Suy nghĩ một lúc, tướng Thiệu đưa ra một gợi ý: Quốc hội sẽ được lèo lái để cuộc bỏ phiếu diễn ra theo thể thức kín. Ông nói với tôi:

- Công khai thì ông dân biểu vẫn giữ lập trường mình nhưng khi bỏ phiếu kín, ông dân biểu có thể bỏ phiếu hợp thức hóa.

Tôi trả lời ngay:

- Thưa trung tướng, tôi không thể có hai lập trường khác nhau khi công khai và khi bỏ phiếu kín. Các thành viên trong khối chúng tôi chắc chắn sẽ phản đối. Nhưng tôi hứa nếu trung tướng lãnh đạo được một chính phủ hợp lòng dân thì tôi sẽ hoạt động với tinh thần xây dựng trong tư cách đối lập hợp pháp – opposition légale.

Cuộc nói chuyện kết thúc dĩ nhiên không đem lại sự hài lòng cho ông Thiệu. Tuy nhiên ông đã tiễn tôi ra cửa một cách lịch sự.

Cuối cùng Quốc hội lập hiến đã hợp thức hóa sự đắc cử của liên danh Thiệu–Kỳ với số phiếu rất thấp: 58 thuận và 43 chống. Khối dân biểu Dân tộc vẫn giữ vững lập trường bác bỏ cuộc bầu cử. Ông Kỳ ngấm ngầm khuyến khích những lá phiếu chống nhưng về mặt công khai, ông Kỳ nói với ông Thiệu rằng ông đã cử trung tá Nguyễn Ngọc Loan, Tổng giám đốc cảnh sát, có mặt trong cuộc biểu quyết “để thúc đẩy các dân biểu bỏ phiếu hợp thức hóa” (như đã kể ở đoạn trước, tôi đã phản đối sự hiện diện của trung tá Loan trong phòng họp Quốc hội).

Về cuộc bầu tổng thống ở miền Nam 1967, theo một số tài liệu mật được tiết lộ sau này của tình báo Mỹ, đã có một cuộc “đi đêm” giữa tướng Thiệu và ông Trần Văn Hương. Đáng tiếc thay cho một số đông trí thức và nhân sĩ miền Nam lúc đó đã coi ông Hương như một lãnh tụ đối lập sáng giá, một “ông già gân” có thể là chỗ dựa đối đầu phe tướng lãnh. Sau này những người đã từng ủng hộ ông đã phải thất vọng nặng nề. Từ vị trí người đối đầu liên danh Nguyễn Văn Thiệu, ông Hương chấp nhận trở thành thủ tướng của ông Thiệu. Ở cuộc bầu cử tổng thống nhiệm kỳ 2, năm 1971, ông Hương lại đi một bước liên kết xa hơn: ứng cử phó tổng thống trong liên danh Nguyễn Văn Thiệu. Cho nên những tiết lộ từ các tài liệu CIA, được phát hiện sau năm 1975, nói về sự “đi đêm” giữa ông Thiệu và ông Hương từ năm 1967 trong cuộc bầu cử tổng thống nhiệm kỳ 1 là có cơ sở. Nhưng đó không phải là sự thất vọng duy nhất đối với giới trí thức miền Nam nói riêng và giới đối lập Sài Gòn nói chung. Cùng lúc với cuộc “đi đêm” giữa Thiệu–Hương còn có một cuộc “đi đêm” khác giữa Nguyễn Cao Kỳ và Nguyễn Văn Lộc.

Ông Nguyễn Văn Lộc là một luật sư, thời trẻ ông có tham gia kháng chiến chống Pháp. Ông là Tổng thư ký hội Liên Trường, một tổ chức ái hữu gồm cựu học sinh các trường trung học lớn ở miền Nam như Chasseloup Laubat, Petrus Ký, Collège Mỹ Tho, Collège Cần Thơ. Các cựu học sinh này đều đang giữ những vị trí then chốt trong guồng máy chính quyền Sài Gòn hoặc là những trí thức, nhân sĩ hoạt động tự do có uy tín xã hội. Hội Liên Trường cũng là chỗ dựa chính cho ứng cử viên tổng thống Trần Văn Hương. Trong khi ông Thiệu “móc nối” ông Hương thì ông Kỳ lôi kéo ông Lộc! Vào thời điểm ấy các phe quân nhân đều cần liên kết với những nhân vật gần gũi với giới trí thức và quần chúng miền Nam và luật sư Lộc đã trở thành thủ tướng đầu tiên sau khi liên danh tổng thống – phó tổng thống Thiệu–Kỳ được Quốc hội lập hiến hợp thức hóa. Vậy tại sao chức vụ thủ tướng rơi vào tay luật sư Lộc – người của phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ - chứ không phải là ông Hương là người của tổng thống Thiệu? Để hiểu rõ hơn điều khó hiểu này, có lẽ phải trở lại những thỏa thuận mật đã có trong phe tướng lãnh trước khi phe này đi đến quyết định đưa Nguyễn Văn Thiệu ra ứng cử thay vì Nguyễn Cao Kỳ.

Trong hồi ký Buddha’s child (Đứa con cầu tự), tướng Kỳ tiết lộ ngay say khi tướng Thiệu được phe quân đội đề cử làm ứng cử viên tổng thống thì một “hội đồng tướng lãnh” được bí mật thành lập trong đó có cả Thiệu và Kỳ. Các thành viên của tổ chức này được chọn lựa lại từ các tướng lãnh có ảnh hưởng trong Ủy ban lãnh đạo quốc gia. Theo ông Kỳ, hội đồng này được giao trách nhiệm chọn đại diện quân đội ứng cử tổng thống tương lai và một khi đại diện này đắc cử tổng thống vẫn phải tiếp tục là thành viên trong hội đồng này và chịu sự chi phối của hội đồng. Ông Kỳ được bầu là chủ tịch của hội đồng này. Ông viết: “Với tư cách chủ tịch hội đồng, tôi có nhiều quyền hành hơn”. Có thể trong thời gian đầu, khi quyền lực của mình chưa được thiết lập vững vàng, tổng thống Thiệu đã phải nhượng bộ ông Kỳ và nhường cho ông Kỳ quyền chỉ định thủ tướng. Cũng rất có thể điều này nằm trong sự thỏa thuận giữa Thiệu và Kỳ khi thành lập liên danh duy nhất. Đừng quên rằng cho đến Tết Mậu Thân 1968, gần một năm sau khi Nguyễn Văn Thiệu ngồi vào ghế tổng thống, chức Tổng giám đốc cảnh sát vẫn nằm trong tay đại tá Nguyễn Ngọc Loan, cánh tay mặt của ông Kỳ. Sau nhiệm kỳ của luật sư Lộc, ông Thiệu mới thực hiện thỏa ước với ông Hương, cử ông Hương làm thủ tướng. Bấy giờ coi như phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ chỉ còn ngồi “làm vì”.

Thế là cả hai nhân vật đại diện cho trí thức, nhân sĩ miền Nam đều bị thế lực đương quyền (phe quân đội) mua chuộc khá dễ dàng. Chỉ vì cái ghế thủ tướng mà cả hai quay lưng lại với những người ủng hộ mình một cách tỉnh bơ!

Với tôi, đây là thất vọng đầu tiên trong giai đoạn tập tễnh bước vào con đường chính trị. Tuy nhiên tôi và khá nhiều anh em trí thức khác đã không bị lôi cuốn theo sự “trở cờ”. Cho đến kết thúc chiến tranh, tôi vẫn chống lại sự hợp tác với chế độ Thiệu. Giáo sư Lý Chánh Chung, một người cũng từng ủng hộ tích cực ông Trần Văn Hương trong cuộc bầu cử tổng thống, đã có một phản ứng rất quyết liệt trước sự “trở cờ” của ông Hương: trên tờ báo Điện Tín, ông đã viết lá thư không niêm “Kính gửi ông Trần Văn Hương”, trong đó giáo sư Trung nói thẳng sự không tán đồng của ông và bạn bè ông đối với thái độ chính trị của ông Hương trong sự cộng tác với chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Trong thư có nhiều lời lẽ lên án khá nặng nề. Bức thư đã gây một luồng dư luận mạnh mẽ tại Sài Gòn và được coi như là sự “ly dị” dứt khoát của giới trí thức, nhân sĩ miền Nam đối với ông Trần Văn Hương. Nhưng thật ra, ông Hương chẳng quan tâm đến dư luận. Dù bệnh tật và già yếu, đi đứng phải có người dìu hai bên, nhưng ông rất say mê quyền hành. Đó là điều tôi không nhận ra khi tiếp xúc với ông lúc đầu. Tôi vẫn tưởng là do sự đòi hỏi thời cuộc mà ông trở lại chính trường chứ không đeo đuổi một tham vọng cá nhân nào khác. Cho đến những ngày cuối tháng tư 1975, ông vẫn cố bám vào ghế tổng thống do ông Thiệu để lại và tuyên bố sẵn sàng “chiến đấu cho đến khi Sài Gòn chỉ còn viên gạch cuối cùng”.


8. Tái đắc cử vào Quốc hội lập pháp 1967

Liền sau cuộc bầu cử tổng thống lại đến cuộc bầu cử Quốc hội lập pháp. Theo hiến pháp, Quốc hội lập pháp Sài Gòn gồm hai viện: Hạ nghị viện (viện dân biểu) với nhiệm kỳ bốn năm và Thượng nghị viện (viện nghị sĩ) với nhiệm kỳ sáu năm nhưng mỗi ba năm bầu lại phân nửa. Tôi ghi tên ứng cử vào Hạ nghị viện ở đơn vị cũ, tức đơn vị 2 gồm các quận 4, 6, 7, 8 và 9. Có hơn 80 ứng cử viên, tranh 5 ghế dân biểu. Thể thức bầu cử lần này khác kỳ bầu cử Quốc hội lập hiến (theo liên danh tỷ lệ): năm người đoạt số phiếu cao nhất trong 80 ứng cử viên ghi danh sẽ giành 5 chiếc ghế dân biểu.

Khác với cuộc bầu cử trước – lúc rất ít người biết tôi và tôi chỉ trung cử nhờ vào thể thức bầu cử khá đặc biệt (gần như các ghế dân biểu được chia đều cho các ứng cử viên đứng đầu các liên danh) – lần này tuy cuộc bầu cử gay go gấp trăm lần nhưng tôi có một sự chuẩn bị rất thuận lợi trong thời gian hoạt động tích cực trong Quốc hội lập hiến. Tên tôi không còn xa lạ đối với đông đảo quần cử tri Sài Gòn. Người dân Sài Gòn lúc đó ủng hộ rất triệt để các nhà hoạt động chính trị đối lập, đồng thời có lập trường chống chiến tranh. Và quần chúng rất nhạy bén trong sự phân biệt giữa “đối lập thật” với “đối lập cuội”.

Mỗi ứng cử viên được in hai loại tài liệu phục vụ cho vận động bầu cử: một loại áp–phích 80cm-120cm để dán cho những nơi công cộng và một loại truyền bươm bướm 21cm-28cm in tiểu sử và tuyên ngôn của ứng cử viên để phát trực tiếp cho cử tri. Biểu chưng chính thức của tôi in trên các áp-phích, truyền đơn và phiếu bầu là “bó lúa và ngôi sao”. Slogan (khẩu hiệu) trên áp phích tranh cử của tôi có nội dung: “Một miền Nam trung lập trong một Đông dương trung lập”. Tôi chọn chủ đề này để tranh cử không do ảnh hưởng của bất cứ ai hay đảng phái chính trị nào, mà do suy nghĩ của cá nhân tôi, mong muốn tìm một giải pháp chấm dứt chiến tranh. Đối với một cá nhân hoạt động chính trị độc lập như tôi, thật không dễ dàng tìm ra con đường đi tới giữa một tình hình sáng tối rất phức tạp ở miền Nam. Dù cho con tim có lòng yêu nước chân chính, nhưng không phải các bước đi bao giờ cũng đúng đắn. Sự mù tịt về “Việt cộng” và sự thiếu hiểu biết sâu sắc về mục tiêu lý tưởng đấu tranh của “những người ở bên kia nửa phẩn Tổ quốc” do sự bưng bít thông tin rất chặt chẽ và các chiến dịch tuyên truyền chống cộng bền bỉ của chính quyền Sài Gòn qua nhiều thời kỳ, khiến cho không ít những người thuộc thế hệ trưởng thành ở miền Nam sau năm 1954 như tôi, không thể tự mình nhận định thực chất cuộc xung đột và chọn cho mình một hướng đi đúng đắn.

Với bản thân tôi, ngay cả sự hiểu biết về Hồ Chủ tịch, về cuộc chiến đấu của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam là rất trễ tràng và lúc đầu rất ít ỏi. Cho đến năm 1968, nguồn tìm hiểu duy nhất của tôi là hai quyển sách mà tôi mang về từ Paris nhân một chuyến sang Pháp. Đó là quyển: Hồ Chí Minh của Jean Lacouture và Vietnam: Inside Story of the Guerilla War của Wilfred Burchett (New York, International Publishing, 1965). Thật quá ít và chẳng đi đến đâu để hiểu sâu sắc về con người Việt Nam vĩ đại nhất cũng như việc đánh giá đúng đắn cuộc chiến làm rung chuyển cả thế giới. Nhưng tôi không thể không cảm ơn Jean Lacouture và Wilfred Burchett vào thời điểm ấy đã mở cho tôi cánh cửa, dù là rất hẹp, để tiếp cận với một thực tế khác của đất nước, hiểu biết khách quan hơn lý tưởng mà những người cộng sản Việt Nam đang đeo đuổi với biết bao hy sinh xương máu. Cái may mắn lớn nhất của tôi là không bị ràng buộc bởi một thế lực chính trị nào (tôi hoạt động chính trị độc lập) và cũng không vì một quyền lợi riêng tư nên cứ “sáng” ra thêm một chút nào do những tiếp thu nhận thức mới thì tôi lại sẵn sàng điều chỉnh, chẳng chút mặc cảm. Ánh sáng duy nhất soi đường cho tôi đi tới trong những năm tháng ấy như đã nói – xuất phát từ con tim yêu nước, sự mong muốn được thấy dân tộc độc lập, đất nước hòa bình và thống nhất. Thế thôi. Ở Sài Gòn vào thời điểm này, không một tổ chức chính trị hoạt động công khai nào có khả năng đáp trả những vấn đề bức thiết của đất nước đồng thời không một tổ chức chính trị công khai nào thể hiện được một lý tưởng có hệ thống và lý luận chặt chẽ hướng tới sự thực hiện dân chủ và công bằng xã hội. Ánh sáng lý tưởng tỏa từ trong chiến khu và từ “bên kia nửa phần Tổ quốc” không dễ dàng đến với tất cả thanh niên và trí thức miền Nam, tổ chức chỉ đến với một số người chọn lọc, thường qua một số trung gian bí mật mà một người bình thường không thể nào bắt liên lạc được.

… Slogan tranh cử Quốc hội lập pháp của tôi – “Một miền Nam trung lập trong một Đông Dương trung lập” – như một thứ công chức hòa bình – theo suy nghĩ của tôi – cho cuộc chiến mà lúc đó tưởng như không thể tìm ra lối thoát. Cái chính là chấm dứt chiến tranh, buộc người Mỹ rút quân, không can thiệp vào vấn đề nội bộ của người Việt Nam. Là một cá nhân độc lập, không đại diện cho bất cứ thế lực chính trị nào, cũng không còn là con cờ của một cường quốc nào – nên rốt cuộc lời kêu gọi của tôi cho công thức này như tiếng kêu giữa sa mạc. Tôi không khác gì một Don Quichotte của nhà văn Cervantès. Tôi cũng ý thức được việc mình làm là “đội đá vá trời” nhưng tôi vẫn tin rằng trong tất cả các cuộc đấu tranh cho những chính nghĩa lớn, tiếng nói của từng người, dù là người rất bình thường, nếu được mạnh dạn bày tỏ công khai cũng có thể góp thành dư luận và sức mạnh. Nhưng mặt khác sự dấn thân và bày tỏ thái độ cũng là nhu cầu tự thân của những thanh niên trí thức như tôi ở vào thời điểm ấy. Vào những lúc này, tôi còn nhớ, nhạc Trịnh Công Sơn cũng là thứ thuốc kích thích tinh thần cho những người như tôi, lên lại “giây cót” mỗi khi cảm thấy buồn nản, bế tắc. Nhạc Trịnh đã thúc đẩy sự dấn thân cho nhiều thanh niên và trí thức đấu tranh vì hòa bình và dân tộc.

… Kết quả cuộc bầu cử Quốc hội lập pháp cuối năm 1967: tôi về nhì trong số hơn 80 ứng cử viên tranh ở đơn vị 2 Sài Gòn. Người về nhất là bác sĩ Hồ Văn Minh, chủ tịch Chương trình Phát triển quận 8. Anh Hồ Ngọc Nhuận, cũng hoạt động trong chương trình này, đắc cử ở vị trí thứ ba. Tôi chẳng có tiền bạc để tổ chức cuộc vận động đúng nghĩa cho mình trong khi nhiều ứng cử viên khác đã chi những số tiền rất lớn, thậm chí có ứng cử viên bỏ tiền ra mua phiếu. Họ có cả một đội quân đi dán áp phích và phát truyền đơn đến từng nhà. Nhưng kết quả bầu cử cho thấy cử tri ở Sài Gòn không dễ dàng bỏ phiếu vì tiền, hay vì bất cứ một áp lực nào. Cử tri đi bỏ phiếu được nhân viên phòng phiếu phát 80 phiếu rời, mỗi phiếu in tên, hình và biểu trưng của ứng cử viên. Chọn lại 5 phiếu ứng cử viên mà mình tín nhiệm trong một xấp 80 phiếu dầy cộm quả thật không dễ dàng, nhưng đa số cử tri đã làm điều đó khá chính xác: không có ứng cử viên nào theo chính quyền hay có lập trường chủ chiến lọt vào 5 vị trí đầu ở đơn vị này. Quận Tư, quận Tám, quận Chín là những quận gồm đông đảo người lao động. Chính họ đã có chọn lựa đúng theo nguyện vọng của mình.

Cuộc bầu cử Quốc hội lập pháp năm 1967 còn có kẽ hở cho những thành phần đối lập và độc lập lọt vào. Ở ba đơn vị bầu cử tại Sài Gòn, sự can thiệp của chính quyền hầu như không có. Mục đích của chính quyền Sài Gòn và nhất là của Mỹ là cố gắng tạo ra một “tủ kính dân chủ” tại thủ đô miền Nam để tuyên truyền cho chế độ. Còn ở các tỉnh, chính quyền địa phương chưa được lệnh gắt gao lắm trong việc chọn lọc ứng cử viên. Mặc dù đã đắc cử tổng thống, nhưng ông Thiệu vẫn chưa nắm trọn quyền hành, vẫn còn dè chừng các phản ứng của phó tổng thống Kỳ và các đảng phái khác. Phải đến Quốc hội lập pháp kỳ 2 (bầu năm 1971), tổng thống Thiệu mới triệt để gạt ra ngoài tất cả các ứng cử viên đáng nghi ngờ hoặc không cam kết (trên giấy tờ hẳn hòi) ủng hộ ông. Muốn trở thành dân biểu ở các tỉnh, các ứng cử viên phải cam kết vào đảng Dân chủ của Nguyễn Văn Thiệu. Chính quyền Thiệu, một lần nữa, chỉ thả nổi duy nhất các đơn vị bầu cử ở Sài Gòn để cố gắng duy trì bộ mặt dân chủ giả hiệu.

Đeo đuổi lập trường hòa bình của mình đã nêu lên trong khẩu hiệu tranh cử, sau khi đắc cử, tôi đã tiếp tục cuộc vận động cho công thức “một Miền Nam trung lập trong một Đông Dương trung lập” bằng cách gửi thư trực tiếp đến một số nhà lãnh đạo Châu Á như thủ tướng Malaysia Tengku Abdul Rahman, thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, thủ tướng Nhật Bản Sato yêu cầu hỗ trợ cho giải pháp này để chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Tôi không biết vì lý do gì các thư này đều không được các địa chỉ trên hồi âm. Tôi không nghĩ các vị lãnh đạo quốc gia kể trên thấy rằng không cần thiết có thư đáp trả một dân biểu vô danh như tôi, với một sáng kiến hòa bình chẳng có trọng lượng (bởi không có một nhân vật quốc tế tên tuổi hay một quốc gia nào trước đó lên tiếng bảo trợ hay ủng hộ). Tôi nghi ngờ các thư của mình đã bị chính quyền Sài Gòn chặn lại. Sau đó tôi có gửi thư riêng cho một nghị sĩ Nhật thuộc đảng cầm quyền (ông Harizumi) mà tôi đã từng quen biết ông khi cùng dự Hội nghị Liên hiệp Nghị sĩ Châu Á tại Thái Lan. Ông Harizumi đã mời tôi sang Tokyo trình bày sáng kiến của mình với đại diện bộ Ngoại giao Nhật. Tôi đã đến thủ đô Nhật cùng vợ tôi với tư cách cá nhân. Một chuyến đi có nhiều kỷ niệm khá đẹp về sự tiếp đón nồng hậu của chủ nhà, nhưng về cuộc vận động thì chỉ dừng lại ở mức độ xã giao. Tôi không có ảo tưởng cuộc vận động của mình sẽ đi đến đâu, đó chỉ là cách thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế về chiến tranh Việt Nam và ước vọng hòa bình của một người Việt Nam.

Liên quan đến đề tài vận động bầu cử của tôi – về một giải pháp trung lập – có một chuyện rất đáng nhớ. Đầu năm 1968, một tổ chức tôn giáo của người Mỹ có tên Quaker, hoạt động cho hòa bình tại Việt Nam đã mời tôi tham dự một cuộc hội thảo “Hòa bình ở Châu Á” tổ chức tại Xiêm Rệp – Campuchia. Cùng được mời dự cuộc hội thảo này còn có các dân biểu Nguyễn Hữu Chung và Hồ Ngọc Nhuận. Vương quốc Campuchia dưới sự lãnh đạo của nhà vua Sihanouk, bấy giờ không nhìn nhận chính quyền Sài Gòn và không có quan hệ ngoại giao. Nhà vua Sihanouk lúc đó ủng hộ tích cực Hà Nội và Mặt trận dân tộc giải phòng miền Nam. Tuy nhiên do cả ba chúng tôi đều thuộc khuynh hướng đối lập với chính quyền Sài Gòn, nên Vương quốc Campuchia chấp nhận cấp phép nhập cảnh.

Trong thời gian dừng chân ở thủ đô Phnom Pênh, tôi sực nhớ người bạn học xưa cùng ở nội trú tại trường Chasseloup Laubat những năm 50, con của một thành viên hoàng tộc Campuchia. Đó là Sisowath Charya. Tôi nhờ đại diện của chính quyền Sài Gòn tại Phnom Pênh tìm giùm. Vì không được Vương quốc Campuchia chính thức nhìn nhận, nên đại diện của Sài Gòn phải “tạm trú” trong Đại sứ quán của Nhật. Tại Phnom Pênh, lần đầu tiên tôi nhìn thấy lần lượt ô tô của Đại sứ VNDCCH và MTDTGP có cắm cờ chạy trên đường phố!

Người đại diện của Sài Gòn tìm Sosiwath Charya không khó lắm vì ông là con của cựu thủ tướng, hoàng thân Sirik Matak và bản thân Sisowath Chayra là một nhân vật khá nổi tiếng ở Phnom Pênh. Lúc này các hoạt động giải trí ở Phnom Pênh như vũ trường, rạp hát, nhà hàng, chiếu bóng đều là quốc doanh. Sisowath Charya được giao phụ trách tất cả mảng này. Tôi được đưa đến một căn hộ ở tầng hai một cao ốc. Người hướng dẫn cho tôi cho biết vào giờ này, buổi sáng, ông không có ở nhà. Căn hộ này là của một người bạn gái. Khi tôi bấm chuông thì một phụ nữ rất đẹp có nước da đậm đà ra mở hé cửa và hỏi bằng tiếng Campuchia: “Ông tìm ai?”. Người hướng dẫn dịch lại cho tôi hiểu và tôi nhờ ông nói lại với người phụ nữ rằng tôi muốn gặp ông Sisowath Charya. Cô gái liền trả lời: “Ở đây không có ai tên đó”. Trong khi đó thì tôi thấy loáng thoáng bên trong có một bóng người và đúng là Sisowath Charya. Ông hỏi vọng ra bằng tiếng Campuchia. Tôi nói to bằng tiếng Pháp “Lý Quý Chung, bạn cũ ở Chasseloup Laubat đến thăm bạn”. Charya chạy ra ngay, ôm chầm lấy tôi. Thế là 14 năm sau, tôi gặp lại người bạn nằm cạnh giường mình ở nội trú trường Chasseloup Laubat ngày nào. Charya kéo tôi đi ăn cơm trưa ở khách sạn sang trọng nhất Phnom Pênh. Anh lái chiếc ô tô Cadillac đời mới. Anh nói căn hộ đó không phải là nơi anh ở. Sau buổi ăn trưa, anh đưa tôi về nhà để giới thiệu với gia đình anh ở một biệt thự nằm trong khu nhà ngoại giao và các nhân vật thuộc hoàng tộc. Khi tôi đến, ông Sirik Matak đang trông coi công nhân sửa chữa phía sau ngôi biệt thự. Ông trở vào phòng khách tiếp tôi. Khi được biết tôi đến từ Sài Gòn và là bạn học cũ của con ông, ông vui vẻ kể lại những kỷ niệm về thời trẻ của ông: mỗi tối thứ bảy từ Phnom Pênh ông đi ô tô xuống thẳng Sài Gòn, ăn uống ở Chợ Lớn và khiêu vũ ở trường Grand Monde trong khu giải trí Đại Thế Giới. Ông còn kể lúc đó ông có một người yêu Việt Nam ở vùng Tân Định. Tôi hỏi ông có muốn nhắn gì với người phụ nữ năm xưa không. Ông cười: người phụ nữ ấy tôi quen thời trai trẻ bây giờ đã trở thành bà ngoại rồi, chưa chắc bà ta còn nhớ tôi là ai!

Buổi nói chuyện rất thân thiện, lúc thì bằng tiếng Pháp lúc thì tiếng Việt. Ông Sirik Matak nói tiếng Việt như người Việt. Sau này khi ông Matak trở lại cương vị thủ tướng khoảng năm 1970 hay 1971, tôi nghe nói ông chủ trương một đường lối chống người Việt Nam rất mạnh mẽ, điều đó khiến cho tôi rất ngạc nhiên. Tôi không làm sao nối kết được một Matak nói về Việt Nam đầy thiện cảm mà tôi đã gặp với một Matak thủ tướng Campuchia chống lại người Việt Nam như vậy.

Sau lần gặp nhau đó, tôi và Charya không có dịp gặp lại nhau. Sự kiện bi thảm ở đất nước Campuchia khiến tôi nhiều lần dằn vặt vì không biết Charya còn hay đã chết như hàng triệu nạn nhân của chế độ Pôn Pốt. Số phận của người cha thì tôi được biết rất sớm qua báo chí phương Tây: ông đã bị lính Pôn Pốt hành quyết trong những ngày đầu bọn chúng chiếm Phnom Pênh.

Nhưng một ngày gần cuối năm 2001, tôi nhận được một cú điện thoại của Sisowath Charya. Anh đang có mặt tại TP. Hồ Chí Minh và muốn gặp tôi. Chúng tôi hẹn nhau ăn cơm trưa tại nhà hàng Sao Mai ở đường Đông Du, quận 1. Thế là sau 33 năm cuộc gặp ở Phnom Pênh, tôi và Charya lại có dịp hội ngộ. Tôi không ngờ anh còn sống sót sau thời kỳ Pôn Pốt. May mắn cho anh là anh đã rời Phnom Pênh trước khi quân Pôn Pốt tràn vào. Anh đã kể lại cái chết bi thảm của cha anh như sau: ông Matak được tòa đại sứ Mỹ mời di tản nhưng cha anh đã từ chối mặc dù thừa biết rằng ở lại là rước lấy cái chết chắc chắn.

Trong hồi ký của cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, Ending the Vietnam War, kể lại sự sụp đổ của chế độ Phonm Pênh, tác giả có nhắc lại cái chết của ông Sirik Matak với vài chi tiết rất đáng được nêu lại. Cuộc di tản ở Phnom Pênh bắt đầu từ 8 giờ sáng ngày 12-4-1975 bằng trực thăng. Có tất cả 82 người Mỹ, 159 người Campuchia và 35 người thuộc các quốc tịch khác được tòa đại sứ Mỹ đưa ra khỏi Campuchia bằng trực thăng. Duy nhất chỉ có một người từ chối thư mời di tản của đại sứ Mỹ John Gunther Dean: đó là cựu thủ tướng Sirik Matak. Trong một lá thư tự tay ông viết, bằng một thứ tiếng Pháp mà cựu ngoại trưởng H. Kissenger cho là rất “tao nhã”, ông Sirik Matak đã trả lời đại sứ Mỹ Dean như sau:

Thưa ngài đại sứ và là bạn thân mến của tôi!

Tôi hết sức thành thật cảm ơn ông về lá thứ ông viết cho tôi và về đề nghị của ông đưa tôi đến tự do. Rất tiếc thay, tôi không thể rời nơi đây một cách hèn nhát. Tôi không bao giờ tin rằng vào lúc này, với ông cũng như với đất nước vĩ đại của ông, lại có cái cảm nghĩ rằng mình đã bỏ rơi một dân tộc đã chọn tự do. Chúng tôi cần sự bảo vệ của các ông nhưng các ông đã từ chối, chúng tôi không thể làm gì trước tình thế này.

Ông rời nơi đây, lời chúc của tôi cho ông và đất nước của ông là sẽ tìm được hạnh phúc dưới bầu trời này. Nhưng, hãy khắc ghi rằng, nếu tôi chết ngay ở nơi này, tại đất nước mà tôi yêu dấu, thì cũng chẳng thành vấn đề, vì rằng tất cả chúng ta sinh ra rồi đều tử biệt. Tôi chỉ mắc mỗi sai lầm là đã tin các ông (người Mỹ).
Xin ngài, cũng là người bạn thân mến của tôi, vui lòng nhận những tình cảm thân thiện của tôi.

S/Sirik Matak.

Người ta được biết ông Sirik Matak bị lính Pôn Pốt bắn vào bụng và để nằm tại chỗ mà không có thuốc men gì cả. Ba ngày sau ông ấy mới chết.

Trở lại chuyến đi Campuchia dự hội thảo do tổ chức tôn giáo Quaker tổ chức, sau khi thăm người bạn học cũ, Sisowath Charya, tại Phnom Pênh, tôi lên máy bay đi Xiêm Rệp. Cuộc hội thảo với đề tài “Hòa bình ở Châu Á” được tổ chức tại một model nằm đối diện với đền Angkor Watt chừng vài trăm mét. Khi tôi và hai dân biểu Hồ Ngọc Nhuận và Nguyễn Hữu Chung vừa đến khách sạn, chưa kịp sắp xếp đồ đạc, thì một nhà ngoại giao người Anh cũng dự cuộc hội thảo này gõ cửa phòng tôi. Ông xin phép được trao đổi chỉ một phút. Nội dung: Ông ta thông báo “một cách thân hữu” rằng tại cuộc hội thảo này có một nhà ngoại giao Nga đến từ Hà Nội nói tiếng Việt rất giỏi. Và ông ta dặn “Các ông hãy cảnh giác”. Ông ta chỉ nói thế rồi biến đi. Ông ta đi rồi tôi vẫn đứng tần ngần một lúc khá lâu. Thì ra ở cuộc hội thảo này các nhà ngoại giao cũng đồng thời là những nhà tình báo. Nhưng với tôi, sự cảnh giác của người Anh, đồng minh với chế độ Sài Gòn, chẳng có tác dụng gì. Tôi không làm việc cho ai, kể cả chính quyền Sài Gòn, do đó không giữ một bí mật gì để sợ bị lộ. Những ngày ở Xiêm Rệp, tôi tò mò quan sát sự rình rập, theo dõi nhau giữa các nhà ngoại giao thuộc hai khối đối nghịch. Tình cờ tôi tham gia vào một bộ phim OSS 117 không được thông báo trước.

Khi cuộc hội thảo kéo dài 4 ngày sắp kết thúc (trong cuộc hội thảo nhà vua Sihanouk đến nói chuyện hai lần, một lần bằng tiếng Pháp và một lần bằng tiếng Anh suốt hai tiếng đồng hồ), tất cả những người tham dự được mời chụp chung một bức ảnh kỷ niệm trước cổng vào đền Angkor Watt. Lúc đó tôi không chú ý người đứng kế bên tôi là ai. Trong khi người chụp ảnh đang điều chỉnh góc độ của máy ảnh thì tôi nghe người đàn ông phương Tây đứng cạnh tôi nói bằng một giọng rất thấp vừa đủ cho tôi nghe với một thứ tiếng Việt rất chuẩn, giọng Bắc: “Ông là dân biểu Lý Quý Chung phải không? Tôi làm việc ở sứ quán Xô Viết ở Hà Nội. Tôi được biết lập trường của ông về trung lập hóa miền Nam. Ông nên biết Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chủ trương trung lập hóa miền Nam”. Tôi liếc thấy “nhà ngoại giao Anh” đứng phía sau tôi chỉ cách hai người. Tôi trả lời nhà ngoại giao Xô viết cho có lệ vì biết rằng ở đây đầy rẫy những nhà tình báo đội lốt ngoại giao: “Tôi chưa được biết Chủ tịch Hồ Chí Minh có một chủ trương như thế về miền Nam”. Kỳ thật, tôi cũng nghe đồn vào thời điểm đó người ta có dự kiến vận động một giải pháp trung lập cho miền Nam, mang ý nghĩa chiến lược nhằm xóa bỏ sự hiện diện và ảnh hưởng của Mỹ ra khỏi miền Nam.

Lúc đó tôi rất ngạc nhiên về những gì nhà ngoại giao Xô viết nói với tôi. Tôi không ngờ hoạt động của mình đã được theo dõi sát như thế từ Hà Nội. Sau khi đất nước thống nhất, hơn một lần tôi có ý định tìm lại “nhà ngoại giao Xô viết” khi tôi ra Hà Nội và nhất là trong một lần viếng thăm Liên Xô năm 1979. Nhưng vì không nhớ tên, còn ảnh lúc đó lại thất lạc, nên tôi không làm sao tìm ra nhà ngoại giao này.

Trở lại hoạt động tại Hạ nghị viện mà tôi vừa tái đắc cử, tôi lại được bầu làm trưởng khối dân biểu Dân tộc. Năm sau, bác sĩ Nguyễn Đại Bảng, dân biểu Huế, được bầu thay tôi ở cương vị này. Năm đầu của Hạ nghị viện, tổng thống Thiệu chưa kiểm soát được định chế này một cách tuyệt đối. Tòa đại sứ Mỹ tỏ ý lo ngại những tiếng nói chống đối chính phủ trong quốc hội Sài Gòn sẽ ảnh hưởng các cuộc biểu quyết của quốc hội Mỹ liên quan đến các khoản viện trợ cho chính phủ Thiệu. Các nhà ngoại giao Mỹ tại Sài Gòn cố gắng vận động các dân biểu và nghị sĩ đối lập giảm bớt sự chỉ trích đối với chính phủ Thiệu. Tôi và một thành viên trong khối Dân tộc là dân biểu Nguyễn Hữu Chung được hai nhân viên tòa đại sứ Mỹ là David Lambertson và John Negroponte mời dùng cơm trưa. Hai nhà ngoại giao này rất quen thuộc đối với các dân biểu và nghị sĩ Sài Gòn vì họ liên tục tìm cách gặp gỡ, trao đổi các dân biểu và chính khách Sài Gòn để thăm dò và tiên liệu phản ứng của các giới chính trị. Dĩ nhiên các cuộc tiếp xúc ấy cũng nhằm ảnh hưởng và lôi kéo những cá nhân sẵn sàng ngả theo Mỹ. David Lambertson và John Negroponte lúc đó đều thuộc ngạch ngoại giao đệ nhị tham vụ tòa đại sứ. Sau 1975 Lambertson đã từng là đại sứ Mỹ tại Bangkok (Thái Lan) và nằm trong danh sách những nhân vật mà Washington có ý định đưa sang làm đại sứ tại Hà Nội đầu tiên khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Còn Negroponte sau thời sang Việt Nam đã tiếp tục làm đại sứ tại một quốc gia Nam Mỹ và là người đóng một vai trò quan trọng trong chính sách Mỹ can thiệp vào khu vực này. Ông là đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc trong thời gian Mỹ tiến đánh Irak và chiếm đóng nước này (từ tháng 3 năm 2003) và gần đây nhất ông là đại sứ Mỹ tại Irak.

Trong buổi cơm trưa tại nhà riêng của một trong hai người ở trong khu nhà dành cho nhân viên cao cấp sứ quán Mỹ trên đường Tú Xương, David Lambertson, không cần ỡm ờ, đặt vấn đề với chúng tôi “nên giảm cường độ chỉ trích chính phủ Nguyễn Văn Thiệu, bởi nếu không, có khả năng quốc hội Mỹ sẽ cắt bớt viện trợ cho miền Nam”. Đồng viện của tôi, anh Nguyễn Hữu Chung, có cái tính rất thẳng và tưng tửng, đã gạn hỏi lại Lambertson: “Chẳng lẽ dân biểu chúng tôi khi phát biểu tại Hạ Nghị Viện lại phải dè chừng quốc hội Mỹ phản ứng ra sao?”. David Lambertson đột ngột phản ứng không kiềm chế, quên mình là một nhà ngoại giao: “Đúng thế, ông dân biểu phải quan tâm đến phản ứng của quốc hội Mỹ”. John Negroponte chẳng nói gì, làm thinh theo dõi. Tôi kéo câu chuyện qua hướng khác để hạ nhiệt độ. Chắc chắn hai nhà ngoại giao Mỹ rất thất vọng về thái độ của tôi và anh Nguyễn Hữu Chung. Và đương nhiên hai chúng tôi chẳng bao giờ “được” nằm trong danh sách những chính khách Sài Gòn được Mỹ tin cậy!

Tôi thường nói chuyện với các nhà ngoại giao Mỹ bằng tiếng Pháp hoặc tiếng Việt. Tiếng Anh của tôi học trong các trường trung học Pháp lúc đó chưa đủ để có thể sử dụng trong giao tiếp với người Mỹ. Đa số các nhà ngoại giao Mỹ có mặt tại miền Nam những năm 60 và 70 đều nói được tiếng Việt hoặc tiếng Pháp. Họ biết rằng các nhân sĩ, trí thức thuộc thế hệ này đều trưởng thành từ thời chiếm đóng của Pháp. Chỉ có các chuyên viên và trí thức thuộc thế hệ sau, hoặc du học ở Mỹ trở về những năm 60, mới nói tiếng Anh thông thạo. Do vị trí của tôi trong Hạ Nghị Viện, giới ngoại giao Mỹ thường mời tôi dự tiệc tùng mỗi khi họ đón tiếp một nhân vật quan trọng từ Washington sang. Đặc biệt vào mỗi cuối tuần (Week-end), John Negroponte và David Lambertson thường tổ chức các buổi ăn trưa và bơi lội tại biệt thự riêng của cố vấn chính trị tòa đại sứ Mỹ Philip Habib tại số 6 đường Tú Xương. Sau này Philip Habib trở thành đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc (1971) và thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Nam Á (1975, trước khi chế độ Sài Gòn sụp đổ).
Và tôi còn nhớ trong một trận đấu bóng nước tại hồ bơi của ông Habib, tôi đã bị John Negroponte đè sâu dưới nước suýt nữa ngoi lên không được khi đôi bên tranh bóng quyết liệt. Negroponte to lớn gấp đôi tôi. Tôi không biết ông ta có cố tình “dằn mặt” tôi không.

Có lẽ khó chịu bởi các cuộc trao đổi với tôi luôn dùng tiếng Pháp, một hôm Negroponte hỏi tôi có dị ứng gì với tiếng Mỹ hay không và tại sao tôi không học thêm tiếng Mỹ. Tôi trả lời lý do hết sức đơn giản: quá bận nên không có thời giờ cố định để đi học. Thế là Negroponte đề xuất một cách học tiếng Mỹ cho tôi thật thuận tiện và thoải mái do một nữ nhân viên tòa đại sứ phụ trách. Giờ học không cố định mà tùy thuộc giờ giấc của tôi. Có nghĩa khi nào tôi có giờ rỗi rãi thì điện thoại cho người dạy và người này sẽ đến ngay. Tôi không còn lý do nào để từ chối một đề xuất đầy thiện chí như thế. Hôm đầu tiên tôi gọi đến số điện thoại đã được Negroponte trao thì ở đầu dây là một phụ nữ Mỹ. Cuộc gặp đầu tiên với cô giáo người Mỹ thật bất ngờ: một thiếu nữ rất đẹp, duyên dáng, mặc chiếc váy mini-jupe khá ngắn rất thịnh hành lúc đó. Với một cô giáo như thế thật khó mà học tập trung. Sự đàng hoàng, ngay ngắn của tôi sau đó chẳng qua do tôi luôn ám ảnh cái bẫy CIA đang rình rập đâu đó. Học cả năm chẳng tiến bộ bao nhiêu khiến cho cô giáo cũng nản. Có lẽ do nhu cầu thật sự lúc đó không có, nên chuyện học hành không tiến bộ. Tiếng Anh của tôi chỉ khá lên sau 1975 do công việc làm báo và viết báo, bởi ở giai đoạn này đòi hỏi tôi phải có thêm tiếng Anh ngoài tiếng Pháp để tham khảo tài liệu, sách báo nước ngoài nên tôi buộc phải tự học thêm một cách tích cực.

Nhân nói về CIA, mà cái bóng của nó phủ trùm lên cả miền Nam trước 1975, sau này tôi vẫn tự hỏi, cớ gì trong suốt thời kỳ tôi hoạt động chính trị ở Sài Gòn, có rất nhiều quan hệ với người Mỹ trong mọi lĩnh vực, thế mà chẳng bao giờ “con bạch tuộc” ấy thả vòi đến tôi? Tôi đã hai lần dự cơm tôi tại nhà riêng của đại sứ Mỹ ở đường Phùng Khắc Khoan, lần thứ nhất thời Henry Cabot Lodge trở lại làm đại sứ tại Sài Gòn lần hai (1965-1967) nhân buổi tiếp trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Nam Á William Bundy, lần thứ hai thời Ellsworth Bunker (1967-1973) khi ông chiêu đãi thượng nghị sĩ Mỹ George McGovern, một ứng cử viên tổng thống phản chiến.

Khi tôi vừa đắc cử vào quốc hội, còn ngơ ngác về chính trị, tôi đã được một nhân vật Mỹ khá bí hiểm ở Sài Gòn là Clyde Bauer mời tham gia một tổ chức phi chính phủ “Hiệp hội Bang giao Phát triển Quốc tế” (HHBGPTQT) với tư cách hội viên sáng lập cùng với những tên tuổi rất gần gũi với tòa đại sứ Mỹ như ông Trần Văn Lắm (cựu dân biểu thời Ngô Đình Diệm, là ngoại trưởng trong nội các của tướng Trần Thiện Khiêm), ông Nguyễn Ngọc Linh (tổng giám đốc Việt Tấn Xã), ông Trần Trung Dung (cựu dân biểu thời Ngô Đình Diệm), ông Ngô Khắc Tĩnh (sau là bộ trưởng Bộ giáo dục của nội các Trần Văn Hương và Trần Thiện Khiêm), ông Nguyễn Vạn Lý, (một lãnh tụ Cao đài thân chính quyền) v.v… Vài năm sau nhìn lại, tôi nhận ra rằng các tổ chức Hiệp hội Bang giao Phát triển Quốc tế có lẽ đã được người Mỹ dùng làm một trong những nơi kiểm tra và chọn lọc các nhân vật chính trị để đưa vào guồng máy chính quyền Sài Gòn ở các vị trí như bộ trưởng, đại sứ v.v… Trong các thành viên sáng lập của HHBGPTQT gần như tôi là người duy nhất vẫn đứng ngoài guồng máy của chính quyền Thiệu. Clyde Bauer, người đứng ra thành lập tổ chức “ngoại giao nhân dân” này (“people to people”) là một cựu đại tá và anh hùng quân đội của Mỹ tại chiến tranh Triều Tiên. Khi tôi không sinh hoạt với HHBGPTQT nữa, có người nói với tôi Clyde Bauer là một nhân viên CIA. Thế nhưng trong suốt thời gian sinh hoạt khá gần gũi, chưa bao giờ Clyde Bauer để lộ ý đồ lôi kéo tôi theo cái hướng ủng hộ Washington. Mục đích chính của hiệp hội này là đánh bóng hình ảnh của chế độ Sài Gòn và làm cho dư luận Mỹ chia sẻ một cách thuận lợi hơn chính sách của Washington tại Việt Nam. Tại Hội nghị Honolulu năm 1969, tổng thống Johnson từng cảnh báo với tổng thống Thiệu và phó tổng thống Kỳ về tình hình “anti Vietnam” của quần chúng Mỹ mỗi lúc một cao hơn và khuyến cáo hai ông Thiệu – Kỳ phải làm gì đó để đối phó tình hình này. Sự ra đời của những tổ chức như HHBGPTQT rất có thể nằm trong mục tiêu trên.

Các buổi sinh hoạt ăn uống, vui chơi cuối tuần tại nhà riêng của cố vấn chính trị tòa đại sứ Mỹ, từ thời ông Habib đến ông Calhoun (người thay ông Habib), mà tôi được mời tham dự nhiều lần, cũng là nơi các chuyên viên Mỹ như David Lambertson, John Negroponte xem “giò cẳng” một số trí thức trẻ Sài Gòn có thiện cảm với đường lối của người Mỹ ở Việt Nam. Hầu hết những người Việt Nam trẻ mà tôi gặp tại đây đều nói tiếng Mỹ như tiếng Việt, gần hết tốt nghiệp tại Mỹ hoặc đã tu nghiệp tại Mỹ. Và cũng như với tổ chức HHBGPTQT, đa số những người đến cái biệt thự trên đường Tú Xương đều lần lượt chiếm những vị trí trọng yếu trong chính quyền Sài Gòn. Cái khác giữa HHBGPTQT và chỗ tụ tập cuối tuần tại nhà riêng của cố vấn chính trị tòa đại sứ Mỹ là ở địa chỉ đầu thì đa số thành viên đều ở tuổi trung niên trở lên, còn ở địa chỉ sau, phần đông đều rất trẻ, từ 25 đến 30. Không may mắn cho người Mỹ: tất cả những con người ấy đều không có chỗ dựa trong quần chúng, họ dựa chủ yếu vào người Mỹ.

Báo chí cũng là mảnh đất màu mỡ cho hoạt động tình báo của Mỹ. Người ta cho rằng trong chiến tranh Việt Nam có đến trên 50% phóng viên, nhà báo Mỹ là nhân viên CIA trá hình. Ngay trong số những nhà báo có tên tuổi lớn, cũng không thể đoan chắc rằng không có người làm việc cho CIA. Bởi với không ít người Mỹ, làm việc cho CIA không hẳn là đáng ghét, mà ngược lại là một hành động yêu nước. Họ không tự coi mình là những “ugly american” (người Mỹ xấu xa). Các phóng viên, nhà báo Mỹ này là những an-ten thu lượm tin tức và qua các cuộc phỏng vấn trá hình là những công cụ nhằm thăm dò phản ứng, thái độ của dư luận Sài Gòn trước các biến cố chính trị, quân sự. Những nhà báo có tên lạ hoắc, tự nhận làm đặc phái viên “free lance” (nhà báo tự do), luôn gây cho tôi sự nghi ngờ cảnh giác.

Qua các máy lọc của CIA, tên tôi bị loại trừ ra khỏi danh sách những nhân vật coi là “có khả năng tiếp cận”. Có một đánh giá cho rằng CIA chỉ sai trật với một tỷ lệ không quá 0,5% khi tiến hành chọn lựa người để tuyển dụng!

Nguồn: Nhà xuất bản Trẻ (www.nxbtre.com.vn), TP HCM, 2004, 486 tr., 97.000 Ä‘