trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Điểm nóng
Chính trị Việt Nam
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
10.9.2005
Hà Thư Sinh
Những người làm thuê số 1 và văn hóa “tính khôn ngoan của nước”
 
Tôi là một người thuộc thế hệ 7X. Trong quan hệ công việc và bạn bè, tôi quen một số bạn 7X làm việc cho các công ty nước ngoài tại Việt Nam. Đa số những người tôi biết có lương từ 500 đến 2.000 đô Mỹ một tháng. Có lẽ số lương này chưa đủ tiêu chuẩn để là những người làm thuê số 1 theo tiêu chí của báo Tuổi Trẻ. Nhưng so sánh với mặt bằng lương của đa số người Việt, tôi xin tạm xếp họ vào hàng ngũ làm thuê số 1 theo tiêu chí của tôi.

Tôi chỉ nói về 7X trong giới hạn những người mà tôi biết. Ðể có cái nhìn đầy đủ hơn, có lẽ chúng ta cần một cuộc điều tra lấy mẫu vài ngàn người, nhưng hiện tôi chưa có điều kiện để làm việc đó. Xin để ngỏ cho các bạn sinh viên ngành xã hội học. Nói theo các nhà khoa học thì mẫu của tôi nhỏ, lệch lạc và sẽ là sai lầm nếu rút ra những kết luận nào đó. Nếu bạn nghĩ mình nằm trong số đó và nổi giận thì đó là ngoài ý muốn của tôi. Hãy nghĩ bạn là người ngoại lệ, không phải là những người mà tôi nói đến.

Tôi cũng không muốn phủ nhận hay chê cười các bạn làm thuê số 1 trên báo Tuổi Trẻ [1] . Các bạn rất tài năng và tôi khâm phục các bạn. Người tài cũng như người đẹp, vốn không có nhiều trên tinh cầu bé nhỏ này. Chúng ta nên yêu mến họ. Trong tầm quan sát, hiểu biết hạn hẹp của tôi, ở đây tôi chỉ đề cập đến những người làm thuê số 1 khác mà tôi biết. Những người này chẳng liên quan gì đến các bạn trên báo Tuổi Trẻ.

Có điểm gì chung giữa các 7X số 1 mà tôi biết?

Các bạn khá hài lòng với cuộc sống và không muốn bàn đến dân chủ. Chưa kể nhiều bạn còn khăng khăng bênh vực cho con đường chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là đúng đắn, chỉ có vài sai lầm nhỏ không tránh khỏi khi khai phá một con đường chưa ai từng đi. Thế mới thấy hệ thống giáo dục, thông tin một chiều thật hiệu quả. Chẳng uổng công Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương đã làm việc vất vả bao nhiêu năm qua.

Tôi không thể trách các bạn, bởi vì chúng ta nên tôn trọng sự khác biệt. Ta không thể và cũng không nên bắt người khác suy nghĩ giống ta. Thực ra, mọi cánh cửa đều chỉ có thể được mở từ bên trong. Con người chỉ có thể tự khai sáng chính mình mà thôi. (Khai sáng theo nghĩa nguyên thủy của Kant có nghĩa là can đảm suy nghĩ độc lập và không hề có nghĩa là sáng suốt hơn người khác).

Nhiều bạn tự hào về cái số 1 của mình. Các bạn thấy cả thế gian trong túi. Thế giới thật hoàn hảo.

Cho phép một số 7X và tôi không tự hào về điều đó.

Cho tôi không được tự hào khi cụ thủ tướng của nước tôi, cụ Khải, sang Mỹ đọc diễn văn xin xỏ Bill Gates: “ Ông bà hãy sang nước tôi mà làm từ thiện đi. Nước tôi cũng là một nơi xứng đáng để làm từ thiện đấy…”

Cho tôi không được tự hào khi tôi chỉ là một kẻ làm thuê.

Cho tôi không được tự hào khi anh em tôi, bạn bè tôi, không phải ai cũng may mắn đứng vào hàng ngũ làm thuê số 1, dù không phải là họ kém cỏi mà do không có đủ cơ hội cho họ. Có bao nhiêu việc làm được tạo ra thêm hàng năm ở Việt Nam?

Cho tôi không được tự hào khi người Việt muốn ra nước ngoài, ai cũng sợ người Việt bỏ trốn. (Một quan chức trong lãnh sự quán Mỹ ở Sài Gòn trả lời phỏng vấn báo chí đã nói: Chúng tôi được đào tạo là trong công việc phỏng vấn phải đặt giả thiết đầu tiên là tất cả người Việt xin sang Mỹ, dù vì lý do gì, đều sẽ tìm cách trốn ở lại!)

Làm sao tôi có thể tự hào khi có việc cần đến phường, phòng công chứng, công an… làm giấy tờ, lại gặp những kẻ xem người dân như một lũ đến xin xỏ, cần ban ơn?

Làm sao tôi có thể tự hào khi con tôi sắp vào lớp một và sẽ phải chịu đựng một hệ thống giáo dục mà tôi đã từng nếm trải?

Làm sao tôi có thể tự hào khi Việt Nam là một nước nổi tiếng nhất thế giới về xuất khẩu trong 3 lĩnh vực: 1. Xuất khẩu lao động nô lệ làm những việc thấp kém, nặng nhọc mà dân nước sở tại không thèm làm. 2. Xuất khẩu phụ nữ làm vợ và làm thú mua vui cho thiên hạ. 3. Xuất khẩu trẻ em làm con nuôi. (Đây là một việc chưa từng có trong lịch sử mấy nghìn năm văn hiến Việt Nam), và phần lớn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam hiện nay là vì phí nhân công rẻ, giá thuê đất thấp?

Còn quá nhiều lý do khiến cho chúng tôi xin không được tự hào.

Đôi khi tôi hỏi một 7X: Bạn có biết lương một đồng nghiệp hay sếp trực tiếp người nước ngoài của bạn là bao nhiêu không? Đa số gấp 10 lần lương của 7X, với công việc gần như tương đương, chưa nói là không am hiểu luật pháp và thị trường Việt Nam bằng 7X, phải tham khảo ý kiến của 7X trong công việc. Không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, mà một vài lĩnh vực kỹ thuật cũng có tình trạng tương tự. Trả lời: Tại vì họ là người nước ngoài. (Không phải chỉ là người phương Tây mà còn có cả những người châu Á hàng xóm như: Singapore, Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc…) Đơn giản thế thôi. Chúng ta đã chọn nhầm nơi để sinh ra chăng?

Ôi những 7X! Ôi những người làm thuê số 1! Chỉ là những miếng da gà mà thôi. Chỉ còn lại một niềm an ủi: Chúng ta là những người ăn sạch. Thế thôi. Chấm hết.

Giữa những người bạn thân, đề nghị của tôi lập một nhóm để làm một điều gì đó trên con đường dẫn đến dân chủ, đều nhận được những cái lắc đầu…

Tôi không trách những người bạn của tôi. Tôi chia sẻ nỗi lo lắng của bạn và hiểu bạn. Bạn khuyên tôi: Không thay đổi được gì đâu. Thay đổi chỉ có thể đến từ bên trên, từ những người nắm quyền lực mà thôi.

Nhưng nếu cứ ngồi đợi thì chúng ta biết đợi đến bao giờ?

Văn hóa Việt là một nền văn hóa lẩn tránh vấn đề thay vì đối diện trực tiếp vấn đề để giải quyết nó. Chúng ta thường nghe âm vang đâu đây lời các đồ đệ của Lão Tử ca ngợi tính khôn ngoan của nước. Nước chỉ đi vòng mà bao giờ cũng ra đến biển. Đó là triết lý sống của một bộ phận người Việt trẻ. Bên cạnh đó, não trạng “thần dân” cũng đã bao nhiêu năm bén rễ trên đất nước này… [2]

Người Việt quen với nếp sống giữ phận “thần dân”, tránh đụng chạm đến quyền lực của vua quan. Né tránh, phục tùng, nương theo đó mà sống. Lo lót cho quan mà làm ăn. Vua quan thì xem dân chúng trong nước như một lũ nô lệ, tôi tớ trong nhà, muốn làm gì họ thì làm. “Bắt phanh trần phải phanh trần / Cho may ô mới được phần may ô”. Tâm lý và hành xử trong quan hệ giữa vua quan và dân chúng dưới các triều đại phong kiến, hay dưới thời đại xã hội chủ nghĩa, cũng đều thế cả. Ngày xưa nói quan là cha mẹ của dân, nay, theo cụ Hồ, lại nói cán bộ là đầy tớ của nhân dân. Chỉ khác nhau tên gọi mà thôi. Bản chất vẫn thế. Vẫn là cung cách đấy, não trạng đấy. Ừ, mà hôm nào tiện đường tôi phải ghé qua lăng hỏi nhỏ cụ mới được: Hà cớ gì cụ lại gọi các vị cán bộ là đầy tớ? Làm cho các vị đâm ra hậm hực về thân phận của mình mà hành dân ra xương. Sao không nói cán bộ là người, dân cũng là người. Anh tôn trọng tôi, tôi tôn trọng anh. Chả có đứa nào là đầy tớ đứa nào cả. Thế có dễ nghe hơn không?

Cả nghìn năm nay, chúng ta có một hệ thống thưởng phạt rất hiệu quả. Văn hóa Việt giáo dục trẻ em theo cách ép chúng vào một cái khuôn và đề cao tính ngoan ngoãn vâng lời. Ở nhà thì phải nghe lời bố mẹ tuyệt đối. Bố luôn luôn đúng. Khi đã biết suy nghĩ rồi thì cũng chớ có nói bố sai, nếu không sẽ biết ngay. Đi học thì phải nghe lời thầy. Đố đứa nào dám nghĩ khác thầy, nói thầy sai và dám phủ định thầy. Sẽ nếm mùi ngay. Ngày xưa thì ăn tát, ăn roi. Nay thì lo mà chuẩn bị tinh thần để hiểu thế nào là bị thầy đì nhé.

Khi bạn lớn lên thì xã hội cũng có cũng có những áp lực tương tự. Ra đời rồi, đố anh nào cãi quan, cãi vua. Nhẹ thì bị cách chức cho về vườn. Nặng thì mắc vào tội khi quân, khó mà giữ được cái đầu trên cổ. Làm ăn, kiện tụng, nếu không biết điều với quan, đừng hỏi vì sao mà bị sạt nghiệp, tù tội.

Thời Việt Nam xây dựng xã hội chủ nghĩa cũng y vậy. Chỉ vì một bài phát biểu vào năm 1956, Nguyễn Mạnh Tường đã biết thế nào là dân chủ thời xã hội chủ nghĩa. Ông đã nói gì? “Dầu sao ở Việt Nam chúng ta đã xẩy ra những việc như sau đây, ta cần ghi lại để con cháu ta cười muôn thuở: Khi chọn một người lái xe ô tô, ta không hỏi người ấy có bằng vặn lái bao năm, ta chỉ hỏi: “Có lập trường không?” Kết quả là: từ hai năm nay, riêng trong thủ đô Hà Nội, hàng trăm tai nạn xẩy ra, do những người vặn lái ô tô có lập trường mà không nắm chuyên môn. Khi đưa tới bệnh viện một bệnh nhân cấp cứu, vấn đề mang ra thảo luận trước tiên là: “Bệnh nhân thành phần giai cấp nào?”… Sau đó đời sống gia đình Nguyễn Mạnh Tường ra sao? Ông đã viết lại trong hồi ký cho chúng ta đọc: “Nhà tôi ước mơ bán thuốc lá lẻ trên vỉa hè, nhưng không làm sao kiếm nổi vốn liếng và tiền đấm mõm cho công an và cán bộ thu thuế để bọn họ cho chúng tôi được yên thân”… “Tôi phải làm gì bây giờ? Tôi không thể đạp xích lô như vài đồng nghiệp trẻ, không phải vì sợ những lời thị phi, nhưng chỉ vì tôi đã già rồi”… “Trong chế độ này đói kém là chuyện thường. Nước da nhà tôi và con gái tôi xanh mét, tấm thân gầy gò. Nhưng cả hai cắn răng chịu đựng, họ sợ làm tôi buồn nên chỉ khóc thầm trong đêm khuya. Tôi biết lắm nhưng giả vờ không biết. Tôi cũng không ngăn được giọt lệ xót xa khi thấy vợ con cắn răng chịu đựng bao nỗi cực khổ, không có hạt cơm lót bụng”. [3] Một tiến sĩ luật ở Pháp về nước theo cụ Hồ, mang văn hóa dân chủ về Việt Nam, đã nhận được phần thưởng như thế đấy. Còn biết bao nhiêu vụ khác nữa trong hơn 50 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa qua mà ai cũng biết. Kể ra đây hẳn sẽ hóa nhàm.

Sự trung thực, sáng tạo, óc suy nghĩ độc lập, đặt câu hỏi, chỉ trích và đòi thay đổi hệ thống không có chỗ đứng ở Việt Nam. Cả nghìn năm nay, nếu Việt Nam là một nước giàu có và tiến bộ mới là chuyện lạ.

Với hệ thống thưởng phạt rất minh bạch như thế, việc nuôi dưỡng và vỗ béo não trạng “thần dân”, văn hóa “ca ngợi tính khôn ngoan của nước” cũng là điều dễ hiểu. Bố mẹ đã từng trải sự đời khuyên con mình chớ có dây vào những chuyện tày đình. Lo mà giữ lấy thân con ạ. Dân Việt chỉ còn biết ngồi mơ một đấng minh quân xuất hiện cho thiên hạ thái bình thịnh trị. Tổ chức quốc tế về xếp hạng sự minh bạch của các chính phủ rất nên đánh giá và xếp hạng hệ thống thưởng phạt minh bạch của chúng ta. Sao họ chỉ nhăm nhăm vào những chuyện tham nhũng cỏn con mà làm gì?

Thực ra, văn hóa “tính khôn ngoan của nước” rất phù hợp với thuyết tiến hóa của Darwin, vốn cho rằng mọi sinh thể đều tìm cách duy trì sự tồn tại của mình, và để lại càng nhiều hậu duệ càng tốt. Nhưng hãy nhìn một bầy chim nọ. Khi một chú chim phát hiện thấy mối nguy hiểm, chú ta đập cánh và kêu lên báo động cho cả bầy. Bằng hành động này, chú đã trở thành đối tượng gây chú ý và nhận nguy hiểm về phần mình. Chú chim đó đã làm bối rối các nhà khoa học theo thuyết tiến hóa. Chú có một bộ não to bằng đầu ngón tay út của chúng ta.

Tôi yêu Lão, Trang hơn cái ông Khổng Tử ngờ nghệch, run rẩy mỗi khi bước lên công đường kia rất nhiều lần. Mỗi khi được nghỉ ngơi hay lên Đà Lạt chơi, tôi cũng bắt chước Trang Chu thấy mình hóa bướm bay nhởn nhơ trên những cánh hoa Mỹ nhân (Coquelicot) nhẹ nhàng, tươi tắn. Tuy vậy, tôi vẫn phải thành thật tuyên bố rằng hai vị là đệ tử chân truyền của thuyết tiến hóa. Darwin hẳn đã đọc Đạo đức kinhNam Hoa kinh rất kỹ trước khi viết Nguồn gốc các loài. Còn ông tổ của thuyết tiến hóa chắc hẳn phải là Dương Tử, người cho rằng: Dù có bứt một sợi lông chân của ta mà làm lợi cho thiên hạ, ta cũng không làm!

Thông điệp hiện nay của báo chí trong nước gửi đến giới trẻ là: Hãy cố gắng phấn đấu đi, lo mà làm giàu chứ đừng làm khó các nhà cầm quyền. Đừng đặt những câu hỏi về hệ thống. Đừng làm những cuộc cách mạng “hoa tulip”, “hoa hồng”… xấu xa, phản động!

Tôi không chê tiền. Không có tiền thì làm sao chúng ta có thể sống được trong thế kỷ 21 này. Không cần tiền mặt thì ít ra cũng cần thẻ nhựa. Tôi chỉ có một đề nghị nhỏ là, bên cạnh việc kiếm tiền, 7X chúng ta cũng nên cùng nhau góp một tay gây dựng một hệ thống mới, một nước Việt mới cho chính chúng ta và con cháu chúng ta. Với tình hình hiện nay, giải pháp tất cả người Việt đều bỏ đất nước ra đi có thể là một giải pháp khả thi. Nước nào sẽ đồng ý nhận tất cả 82 triệu người Việt? Có một nước như vậy. Đó chính là nước Việt mới.

Nhiều lúc tôi cũng muốn bỏ quách cái xứ sở nhố nhăng này sang Bắc Âu sống cho xong. Nhưng chắc chả ai nhận nên đành ở lại mà ngớ ngẩn đặt những câu hỏi tại sao, và đi tìm lời giải đáp. Mọi chuyện đều nằm dưới mái tóc của mỗi người. Người Việt suy nghĩ như thế, hành động như thế, thói quen như thế, thì Việt Nam phải là một đất nước như thế thôi. Muốn thay đổi thì bạn phải thay đổi cái nằm dưới mái tóc của bạn trước. Chứ không phải đi cắt tóc ngắn, cạo trọc, để tóc dài, uốn cong hay nhuộm vàng là xong.

Con tôi sắp đến tuổi đi học. Nếu một ngày kia về nhà nó bảo: Bố ơi con thấy ông Marx xếp loại các loại người trong xã hội buồn cười lắm bố ạ. Thay vì phân loại theo tài năng, đạo đức, có học vấn hay không, thì lại phân theo có tài sản hay không có tài sản (chắc nó muốn nói giai cấp tư sản và vô sản đây). Cứ có tài sản là xấu bố ạ. Anh không có tài sản phải đánh cướp anh có tài sản mới là đúng, là hợp qui luật... Rồi một ngày khác: Con thấy mình có luật chống độc quyền kinh doanh mà sao không có luật chống độc quyền điều hành đất nước hả bố? Chà, rắc rối to rồi đây. Tôi biết trả lời thế nào. Bắt một đứa trẻ phải im miệng sao?

Đất nước này không có chỗ đứng cho một đứa trẻ có những câu hỏi như vậy. Thế thì tương lai của người Việt ở đâu?

Dần dà chắc chắn sẽ đến một ngày nọ con tôi bảo: Thôi bố ơi, con chán nước mình lắm rồi. Con muốn đi sang nước khác sống bố ạ.

Chúng ta đang sống trong một hệ thống được thiết kế sai lầm, phi nhân, thiếu tôn trọng con người. Ở đó, cái đểu giả lên ngôi, nắm quyền lực. Việc cần làm là phải thiết kế lại hệ thống, gây dựng những giá trị văn hóa mới, vượt qua thời Nho giáo lẫn thời chủ nghĩa xã hội thống trị.

Hỡi những 7X, 8X, nếu chúng ta không thức tỉnh, không làm điều đó thì ai sẽ làm?

Những giải pháp cá nhân, luẩn quẩn bên trong cái hộp, không phải là những giải pháp bền vững cho tương lai người Việt. Hãy bước ra khỏi cái hộp. Đưa nó vào viện bảo tàng cho những thế hệ tương lai đến chiêm ngưỡng, để hiểu về một thời kỳ đau thương, điên rồ và ngu xuẩn nhất của dân tộc này.

Hãy làm nên lịch sử!

Chẳng lẽ Việt Nam cứ mãi là một dân tộc làm thuê số 1 cho cả thế giới sao?

02.09.2005

© 2005 talawas


[1]Xem loạt bài "Những người "làm thuê số 1" ở Việt Nam”: http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=93834&ChannelID=7 .
Các bạn trẻ thiếu thông tin nên hiểu rằng những suy nghĩ “nhạy cảm chính trị” của những người làm thuê số 1 này, nếu có, sẽ không được đưa lên mặt báo khi nó khác với quan điểm của Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương. Ngoài những gì đã thể hiện trên báo, họ có thể tâm sự riêng với bạn nhiều điều thú vị hơn nhiều.
[2]Xem về “thần dân” trong “Diễn trình tư tưởng dân chủ ở Việt Nam”: http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=5194&rb=0306
[3]Xem: https://www.danchimviet.com/php/modules.php?name=News&file=article&sid=516