trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Lịch sử
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngLịch sử
5.10.2005
Lê Mạnh Chiến
Đừng "gia hạn" cho những sai lầm trong sách giáo khoa
 
Trên tạp chí Thế giới Mới từ số 526 đến 528 (từ 10/3 đến 24/3 năm 2003), chúng tôi đã công bố bài “Phải chăng, "nạn cống Vải" là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan năm 722?” Dựa vào rất nhiều cứ liệu thuộc nhiều lĩnh vực tri thức khác nhau, chúng tôi đã kết luận rằng, trong lịch sử nước ta, không thể có chuyện cống nạp quả Vải sang tận kinh đô Tràng An của nhà Đường như các nhà sử học hiện thời đã khẳng định trong tất cả các sách về lịch sử Việt Nam, trong đó có sách giáo khoa lịch sử lớp 6. Bài báo ấy đã được nhiều người hưởng ứng, họ chờ đợi ý kiến phản hồi từ giới sử học. Nếu thật sự là sách giáo khoa đã phạm sai lầm thì phải sửa chữa. Nhưng giới sử học vẫn im lặng, sách giáo khoa lịch sử lớp 6 vẫn được in lại y nguyên, sai lầm của họ được “gia hạn”. Theo lẽ thường, thì không ai có thể làm ngơ khi thành quả khoa học của mình bị bác bỏ. Các giáo sư của chúng ta không hề “nhu nhược” trong trường hợp như thế. Nếu bài báo kia đã nêu lên những luận cứ sai trái, làm ảnh hưởng đến uy tín của giới sử học thì nó không thể tránh khỏi sự “lên án” gay gắt. Âm thầm “gia hạn” cho sai lầm của mình là một cách xử sự kém văn minh. Các giáo sư hàng đầu mà còn xử sự như thế việc chấn hưng nền giáo dục hãy còn gay go lắm...

Sau đây, chúng tôi xin tóm lược bài “Phải chăng, "nạn cống Vải" là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan năm 722?” cùng với những điều xung quanh nó.


1. Một phát kiến của các nhà sử học hiện đại

Tất cả các sách lịch sử từ các triều đại phong kiến Việt Nam đến khoảng năm 1955 đều nói đến cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan năm 722 nhưng không sách nào nói đến mối liên quan giữa "nạn cống Vải" với cuộc khởi nghĩa này. Nhưng, từ khoảng năm 1960 cho đến nay, hầu như tất cả các sách lịch sử mới biên soạn đều khẳng định rằng, "nạn cống Vải" chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan. Xin nêu một số ví dụ.

Sách Lịch sử lớp 6 [1] dạy rằng:

"...Hàng năm, nhân dân ta phải cống nạp những sản vật quý hiếm như ngọc trai, ngà voi, sừng tê, đồi mồi, vàng, bạc…Đặc biệt, cứ đến mùa Vải, nhân dân An Nam phải thay nhau gánh Vải (quả) sang Trung Quốc nộp cống" (trang 63).

Cuối mục lớn "Khởi nghĩa Mai Thúc Loan (722)", các tác giả này viết:

"Khoảng cuối những năm 10 của thế kỷ VIII, nhân phải tham gia đoàn người gánh Vải (quả) nộp cống, Mai Thúc Loan đã kêu gọi những người dân phu bỏ về quê, mộ binh nổi dậy.

Nghệ An, nay còn truyền lại một bài hát chầu văn kể tội bọn đô hộ nhà Đường:

Nhớ khi nội thuộc Đường triều,
Giang sơn cố quốc nhiều điều ghê gai.
Sâu quả Vải vì ai vạch lá,
Ngựa hồng trần kể đã héo hon...

Sách Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến 1884 của Gs Phan Quang và Ts Vũ Xuân Đàn [2] , ở trang 73 cũng viết:

"Năm 722, Mai Thúc Loan kêu gọi những người dân đã cùng ông đi phu gánh Vải nộp cống nổi dậy khởi nghĩa. Từ một nhóm quân mấy trăm người, Mai Thúc Loan phát triển cuộc khởi nghĩa ra khắp vùng Hoan-Diễn-Ái (Thanh-Nghệ-Tĩnh)".

Quyển Việt Nam - Những sự kiện lịch sử từ khởi thuỷ đến 1858 của Viện Sử học [3] , viết về cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan như sau:

"Hàng năm, chúng bắt nhân dân Phong Châu phải cống loại tơ "bát tàm" (tơ của loại tằm một năm tám lứa), tàn nhẫn hơn nữa là bắt hàng ngàn nhân dân Hoan Châu phải đi cống nạp Vải quả. Quả Vải tươi phải gánh bộ sang kinh đô nhà Đường. Nhân dân cả nước căm giận, đặc biệt là nhân dân Hoan Châu, Phong Châu. Mầm khởi nghĩa của nhân dân ta bắt đầu từ những vùng này" (trang 39).

Sách Tóm tắt niên biểu lịch sử Việt Nam của Hà Văn Thư và Trần Hồng Đức [4] , trang 34 ghi:

"Năm 722, Mai Thúc Loan kêu gọi những người dân phu gánh Vải quả nộp cống cho nhà Đường (Dương Quý Phi rất thích ăn quả Vải đất Giao Châu) nổi dậy khởi nghĩa, nhân tài khắp các châu Hoan, Diễn, Ái theo về tụ hội dưới cờ nghĩa và suy tôn Mai Thúc Loan làm Mai Hắc Đế, đóng đô ở thành Vạn An (Nghệ An)".

Trong sách Các triều đại Việt Nam [5] các tác giả Quỳnh Cư và Đỗ Đức Hùng ghi nhận:

"Châu Hoan ngày ấy luôn bị giặc Chà Và (Gia-va), Côn Lôn (Mã Lai) cướp phá, nhất là ách đô hộ tàn bạo của nhà Đường, làm cho nhân dân vô cùng cực khổ. Đặc biệt, nạn cống quả Lệ chi (quả Vải) là một gánh nặng khôn cùng đối với nhân dân Hoan Châu. Nguyên do, ở Trường An, vua Đường có một nàng ái phi, thường gọi là Dương Quý Phi nhan sắc tuyệt vời mà tính tình cũng thật thất thường. Dương Quý Phi thích ăn thứ quả Lệ chi xinh xắn, chỉ ở An Nam mới có. Nên vua Đường bắt dân An Nam phải cống Vải" (trang 52).

Giáo trình Lịch sử Việt Nam, tập I [6] cũng có một đoạn y như ở sách Lịch sử 6 (đã được trích dẫn trên đây), ngoài ra, còn cho biết thêm:

"Nhân dân ta đời đời nhớ ơn Mai Hắc Đế, lập đền thờ ông trên núi Vệ Sơn và trong thung lũng Hùng Sơn. Một bài thơ chữ Hán còn ghi trong "Tiên chân bảo huấn tân kinh" để ở đền, ca tụng công đức ông như sau (tạm dịch):

Hùng cứ châu Hoan đất một vùng,
Vạn An thành lũy khói hương xông.
Bốn phương Mai Đế lừng uy đức,
Trăm trận Lý Đường phục võ công.
Lam Thủy trăng in tăm ngạc lặn,
Hùng Sơn gió lặng khói lang không.
Đường đi cống Vải từ đây dứt,
Dân nước đời đời hưởng phúc chung

Tương truyền, từ sau cuộc khởi nghĩa lớn lao này, nhà Đường không dám bắt nhân dân ta nộp cống Vải quả hàng năm nữa" (trang 287).

Sách Đại cương lịch sử Việt Nam, toàn tập [7] , khi viết về cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan cũng khẳng định: "Nhân dân hàng năm còn phải vận chuyển nhiều thức ngon vật lạ , nhất là Nhãn, Vải tươi nộp cho nhà Đường. Nhân dân ta rất căm phẫn, đó là lý do dẫn đến cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan" (trang 90).

Qua những quyển sách vừa nêu, độc giả đã thấy rõ sự nhất trí tuyệt đối của giới sử học khi nói về "nạn cống Vải". Thật vậy, rất khó tìm thấy một quyển sách lịch sử Việt Nam được viết trong mấy chục năm gần đây mà không khẳng định điều này.


2. Những chỗ dựa cho phát kiến của các nhà sử học hiện đại

Các nhà sử học coi những câu hát chầu văn còn lưu truyền ở huyện Nam Đàn và bài thơ trong đền thờ Mai Hắc Đế (cũng ở Nam Đàn, Nghệ An) là bằng chứng lịch sử làm chỗ dựa chính cho sự "phát hiện" của mình. Phát kiến đó còn được bảo đảm bởi các sự việc sau đây:

a) Các thư tịch của Trung Quốc xác nhận rằng, quả Vải (chữ Hán gọi là Lệ chi) là một đặc sản của vùng đất Giao Chỉ, chỉ ở nước ta mới có.

Thư tịch cổ của Trung quốc nhiều lần nói đến quả Lệ chi ở đất Giao Chỉ. Ví dụ, theo sách Nam phương thảo mộc trạng của Kê Hàm, đời nhà Tấn (265 – 420) thì từ năm 111 trước Công nguyên, Hán Vũ Đế dã cho mang hàng trăm cây Vải từ vùng Giao chỉ về trông ở Vườn Thượng Lâm ở kinh đô Tràng An, nhưng không cây nào sống được. Cứ phải trồng đi trồng lại mãi, cuối cùng cũng có một cây sống sót, cánh lá tốt tươi nhưng không có quả. Được một thời gian rồi cây đó cũng chết nốt.

b) Dương Quý Phi rất thích ăn quả Vải. Bà này được vua Đường Huyền Tông (tức Đường Minh Hoàng) sủng ái đặc biệt, nhà vua đã sai người vận chuyển quả Vải từ phương nam xa xôi về kinh đô Tràng An để chiều lòng bà ta. Nạn cống Vải bắt đầu từ đó. Đường Huyền Tông là kẻ đã sai Dương Tư Húc đem quân sáng đánh dẹp cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan năm 722.

Trong nhiều sách của Trung Quốc, khi nói về Dương Quý Phi hoặc nói về quả Lệ chi, thường thấy nhắc đến bài thơ "Quá Hoa Thanh cung" (“Qua cung Hoa Thanh” [8] ) của Đỗ Mục (803-852), một nhà thơ nổi tiếng thời nhà Đường. Bài thơ đó gồm bốn câu:

长 安 回 望 绣 成 堆
Tràng An hồi vọng tú thành đôi,
山 顶 天 门 次 第 开
Sơ đỉnh thiên môn thứ đệ khai.
一 骑 红 尘 妃 子 笑
Nhất kỵ hồng trần Phi Tử tiếu,
无 人 知 是 荔 枝 来
Vô nhân tri thị Lệ chi lai.

Nhà thơ Tương Như đã dịch sang tiếng Việt như sau:

Ngoảnh lại Tràng An tựa gấm thêu,
Đầu non nghìn cửa mở liền nhau.
Bụi hồng ngựa ruổi, Phi cười nụ.
Vải tiến mang về, ai biết đâu!

Hai câu cuối được coi là bằng chứng về việc Đường Huyền Tông bắt thuộc hạ phải lặn lội từ phương xa để đưa quả Vải về dâng cho Dương Quý Phi. Bài hát chầu văn còn lưu truyền ở Nam Đàn đã lấy ý từ hai câu này nhưng các nhà sử học hiện thời không nhận thấy điều đó.

Những điều vừa nêu tưởng như quá đủ để khẳng định lý lẽ của các nhà sử học, không còn phải bàn cãi gì nữa. Nhưng, xem xét cho kỹ thì thấy rằng, chính đó là những chỗ dựa hờ, là những cái bẫy đã khiến các nhà sử học của chúng ta bị "mắc bẫy”.


3. Một chuỗi sai lầm của các nhà sử học hiện đại

Ở nước ta, mọi giống Vải ở các địa phương đều chua, cùi mỏng và ít quả, thua kém hẳn so với giống Vải Thiều ở huyện Thanh Hà, Hải Dương. Cũng không có tài liệu nào cho biết rằng, trước đây ở châu Hoan có những rừng Vải có quả ngon tuyệt trần. Cây Vải Thiều đầu tiên hiện đang thuộc quyền sở hữu của cụ Hoàng Văn Thu (sinh năm Canh Ngọ, 1930) ở thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn. Trong những năm cuối thế kỷ 19 hoặc đầu thế kỷ 20, ông nội của cụ Thu là cụ Hoàng Phúc Thành từng làm phu khuân vác ở cảng Hải Phòng. Thấy mấy ông lái buôn người Trung Quốc quê ở Thiều Châu (thuộc tỉnh Quảng Đông) ăn quả Vải rồi vứt hạt đi, cụ Thành đã nhặt được 6 hạt, đem về quê ương giống và mọc được 3 cây. Khi dọn cỏ, cụ bà sơ ý làm chết mất 2 cây, chỉ còn 1 cây rồi từ đó mới nhân giống ra. Chúng tôi đã đến thăm cây Vải tổ này và miếu thờ cụ Hoàng Phúc Thành. Tấm bia bằng bê tông ghi tên cụ Thành là Hoàng Văn Cơm. Cụ Thu giải thích rằng, vì cụ Thành đem được giống Vải Thiều về trồng ở quê nhà, cũng là đem cơm gạo về cho dân làng nên được mọi người xưng là cụ Cơm.

Nên nhớ rằng, ban đầu, cái tên Giao Chỉ (đến năm 203 thì đổi thành Giao Châu) bao gồm cả Quảng Đông và Quảng Tây cùng với miền Bắc Việt Nam. Từ thế kỷ 6, Giao Chỉ hay Giao Châu mới có nghĩa là một bộ phận của miền Bắc nước ta, với tư cách một quận thuộc Trung Quốc. Tuy nhiên, Giao Chỉ (hoặc Giao Châu) vẫn là tên gọi chung để chỉ vùng đất gồm Quảng Đông, Quảng Tây và Việt Nam. Bởi vậy, các từ Giao Chỉ hoặc Giao Châu trong thư tịch cổ của Trung Quốc thường không dùng để chỉ riêng miền Bắc nước ta nếu không kèm theo các từ quận, huyện. Vì vậy, quả Vải ở Giao Chỉ không có nghĩa là quả Vải ở Việt Nam. Các giống Vải ngon được trồng ở nhiều nước trên thế giới đều lấy giống từ Trung Quốc. Trong tiếng Anh và tiếng Pháp, cây Vải có tên là litchi, bắt nguồn từ chữ Lệ chi, còn các nhà thực vật học thì gọi cây Vải là litchi chinensis, nghĩa là Lệ chi Trung Quốc.

Hiện nay, ở Trung Quốc có hơn 70 giống Vải ngon, chúng đều có "lý lịch" hẳn hoi, vì hiện còn giữ được hàng trăm cuốn sách khảo cứu về các giống Vải, trong đó có sách Lệ chi phả của Thái Tương (1012-1067), viết về các giống Vải ở Phúc Kiến. Giống Vải Trần Tử ở huyện Phủ Điền tỉnh Phúc Kiến, quả to bằng trứng gà, vỏ màu tím, được nhân giống từ cây Vải của Trần Kỳ, môt quan chức thời Tống. Phòng văn hoá của huyện này đang trông nom một cây Vải 1300 tuổi, tên là Tống Hương hoăc Tống Gia Hương, do Tống Hàm trồng từ thời nhà Đường, hạt nhỏ, cùi dày, có mùi thơm đặc biệt. Giống Vải Trạng Nguyên Hồng ở Phúc Kiến vốn là của trạng nguyên Từ Đạc thời Tống, lúc đầu có tên là Diên Thọ Hồng. Tỉnh Quảng Đông có các giống Vải nổi tiếng như Phi Tử Tiếu, Quải Lục, Thủy Tinh Cầu, Tam Nguyệt Hồng, v.v...

Các nhà sử học đã coi mấy câu hát chầu văn và bài thơ trong đền thờ Mai Thúc Loan là bằng chứng lịch sử. Đây là một sai lầm thuộc về nguyên tắc. Ca dao, thơ văn, truyện cổ tích, truyền thuyết có thể gợi ý cho nhà sử học trên đường tìm tòi phát hiện sự thật lịch sử, nhưng không thể coi là sự thật lịch sử.

Chúng ta biết rằng, Dương Quý Phi nguyên là vợ của Thọ Vương Lý Mạo, con trai thứ 18 của Đường Huyền Tông. Năm 25 tuổi, bà xuất gia làm nữ đạo sĩ với pháp danh là Thái Chân để từ đó bước vào hậu cung của Đường Huyền Tông cho khỏi mang tiếng loạn luân. Lai lịch của bà ta như thế, ai cũng biết, nhưng ở bài “Trường hận ca", nhà thơ vĩ đại Bạch Cư Dị, đã viết như sau:

汉 皇 重 色 思 倾 国
Hán hoàng trọng sắc tư khuynh quốc,
御 宇 多 年 求 不 得
Ngự vũ đa niên cầu bất đắc.
杨 家 有 女 初 长 成
Dương gia hữu nữ sơ trưởng thành,
养? 在 深? 闺ở 人? 未 识ả
Dưỡng tại thâm khuê nhân vị thức.

Nhà thơ Tản Đà đã dịch là:

Đức vua Hán mến người khuynh quốc,
Trải bao năm tìm chuốc công tai.
Nhà Dương có gái mới choai,
Buồng xuân khoá kín chưa ai bạn cùng.

Hẳn là Bạch Cư Dị (772-864) chẳng lạ gì lai lịch của Dương Quý Phi. Trong bài thơ nổi tiếng này, ông chê trách thói ăn chơi hưởng lạc hiếu sắc của Đường Huyền Tông để đến nỗi sắp mất nước, và có phần thương xót cho số phận của Dương Quý Phi khi bà bị quân lính bắt phải thắt cổ nên ông đã bỏ qua những nét không đẹp trong lý lịch của bà ta để khỏi làm mờ nhạt chủ ý của mình. Vì vậy, không thể coi thơ ca hoặc truyền thuyết là bằng chứng lịch sử. Huống chi, các câu hát chầu văn ở Nam Đàn chỉ lấy lại ý trong thơ của Đỗ Mục mà các nhà sử học không biết đó thôi.

Nhưng, lời thơ của Đỗ Mục thì rất đáng tin vì có cơ sở thực tế. Qua đó, người ta hiểu rằng, quả Vải được đưa tới tay Dương Quý Phi bằng ngựa vốn được dùng để chuyển công văn hoả tốc từ trạm này sang trạm khác, liên tục suốt ngày đêm. Hệ thống dịch các trạm chuyển công văn hoả tốc đã được thiết lập từ thời nhà Tùy (581-617). Tốc độ kỷ lục của ngựa hiện nay là 69km/giờ. Các chú "dịch mã" (ngựa chuyển công văn) đủ sức chạy với tốc độ khoảng 30 km/giờ trong vài giờ liên tục. Trong một ngày đêm (24 giờ), thời gian vận chuyển quả Vải có thể đến 20 giờ nhờ 5-6 con ngựa chạy tiếp sức nên có thể vượt được quãng đường dài 600-700km. Quả Vải thì có thể lấy ở Quảng Đông hoặc Phúc Kiến, cách Trường An khoảng 2.000km. Như vậy, chỉ mất chừng 4 ngày là có thể đưa quả Vải từ trên cây tới miệng Dương Quý Phi.

Một điều rất buồn cười là, các nhà sử học của chúng ta gắn liền "nạn cống Vải" với Dương Quý Phi và với cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan. Họ không biết rằng, Dương Quý Phi sinh năm 719. Khi Mai Thúc Loan bại trận (năm 722) thì bà ta mới lên 3 tuổi, và đến 25 tuổi (năm 744) mới trở thành ái phi của Đường Minh Hoàng. Lúc này, cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan đã bị dập tắt 22 năm rồi. Theo họ thì "từ sau cuộc khởi nghĩa lớn lao này, nhà Đường không dám bắt nhân dân ta nộp cống Vải quả hàng năm nữa" [9] . Vậy mà, sau cuộc khởi nghĩa này hơn 20 năm, Dương Quý Phi vẫn có Vải quả để ăn.


4. Một phép tính nhẩm đầy ý nghĩa

Mọi lý lẽ mà các nhà sử học sử dụng để xây dựng nên luận đề về "nạn cống Vải" đều đã trở thành vô nghĩa. Chúng tôi phải bác bỏ từng điểm như trên là để vạch rõ cách làm việc cẩu thả và thiếu suy nghĩ của họ. Thực ra, nếu có tài liệu lịch sử ghi chép về “nạn cống Vải” và hai chỗ dựa kia của họ đều hoàn toàn đúng thì tài liệu ấy là sai và vẫn không thể có "nạn cống Vải". Có thể chứng minh điều đó bằng một phép tính thật đơn giản, như sau.

Quãng đường từ Nghệ An đến Trường An dài không dưới 4.000km. Trước đây, các cán bộ từ Nam Bộ ra chiến khu Việt Bắc phải đi bộ mất ba tháng trên quãng đường chưa đến 2.000km. Họ không phải mang vác quá nặng, dọc đường còn có các trạm nghỉ ngơi và ăn uống. Những đoàn dân phu cách đây 1.300 năm không thể có một hệ thống hậu cần dọc đường như thế. Vì vậy, nếu chẳng mang vác gì mà phải trèo đèo lội suối thì họ sẽ chết dọc đường chứ không thể vượt được 4.000km. Nhưng, cứ cho là họ đi được như các cán bộ của ta thì cũng phải mất hơn nửa năm mới lê bước đến đất Tràng An. Mà quả Vải rất khó bảo quản, trong vòng 10 ngày là đã thối rồi, làm sao có thể giữ được tươi nguyên trong nửa năm? Bọn vua chúa nhà Đường dẫu vô cùng tham lam tàn ác cũng không dại gì bày ra cái trò cống Vải.


5. Đừng cố tình làm ngơ trước luận cứ khoa học chặt chẽ

Ngay sau khi công bố bài “Phải chăng, nạn cống Vải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan?”, chúng tôi nhận được nhiều cú điện thoại và một số thư từ bày tỏ sự đồng tình và hoan nghênh nhiệt liệt. Một số người cho biết, họ đã gửi bài báo đó tới các cơ quan báo chí và các nhà xuất bản có liên quan. Có lần tôi đến thăm một ông bạn là phó giáo sư, tiến sĩ, cán bộ nghiên cứu lâu năm của Viện Sử học vì ông bị ốm, thế là tình cờ, tôi gặp rất nhiều cán bộ ở Viện Sử học tới thăm ông. Mọi người đều đã đọc bài báo ấy nên khi gặp tôi, ai cũng nói chuyện rất chân thành và cởi mở xung quanh chủ đề của bài báo. Họ rất hưởng ứng, không ai có ý kiến trái ngược. Có người thành thực nói rằng, bài ấy rất có giá trị đối với khoa học lịch sử, nhưng làm cho nhiều giáo sư đau đầu, tạp chí của chúng tôi cũng không dám đăng. Tôi rất thông cảm với họ. Tuy nhiên, điều mà chúng tôi và đông đảo độc giả mong đợi nhiều nhất là hồi âm từ phía từ những người khởi xướng hoặc đã từng ủng hộ luận đề về "nạn cống Vải". Tiếc thay không thấy ai lên tiếng. Nhiều bạn đọc cho rằng, như vậy là họ đã “chịu” rồi nhưng không tiện nói thẳng ra. Giáo sư tiến sĩ Kiều Thu Hoạch cũng chờ đợi họ sửa chữa sai lầm trong sách lịch sử lớp 6 trước khi in lại, nhưng năm ngoái ông đã phải phàn nàn trên tạp chí Thế giới Mới, vì bản in lại không hề sửa chữa gì cả. Quyển Tư liệu lịch sử 6 [10] cũng vẫn khẳng định luận đề về "nạn cống Vải".

Dư luận xã hội vẫn mong các các tác giả của “nạn cống Vải” xử sự thật nghiêm túc. Nếu không chứng minh được chỗ sai của chúng tôi thì nên sửa chữa những sai lầm mà họ đã viết trong các sách vở, mà trước hết là sách giáo khoa. Lẽ nào các vị giáo sư đạo cao đức trọng lại bắt con cháu học mãi những sự việc không hề có trong lịch sử?



[1]Phan Ngọc Liên, Trương Hữu Quýnh, Đinh Ngọc Bảo, Nguyễn Sĩ Quế, NXB Giáo dục, 2002.
[2]NXB Thành phố Hồ Chí Minh 2000.
[3]Đỗ Đức Hùng, Nguyễn Đức Nhuệ, Trần Thị Vinh, Trương Thị Yến. NXB Giáo dục, HN 2001.
[4]NXB Văn hoá-Thông tin, HN 2001.
[5]NXB Thanh Niên, HN 2001.
[6]Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, HN 1991.
[7]khổ 16x24cm, 1175 trang, tái bản lần thứ 5, NXB Giáo dục 2002, do Gs Trương Hữu Quýnh, Gs Đinh Xuân Lâm, PGs Lê Mậu Hãn chủ biên cùng bảy giáo sư khác chấp bút.
[8]Cung Hoa Thanh - nơi vui chơi hưởng lạc của Đường Huyền Tông và Dương Quý Phi.
[9]Lịch sử Việt Nam, tập I, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, trang 287.
[10]Của Lê Đình Hà và Bùi Tuyết Hương do NXB Giáo dục ấn hành năm 2004.
Nguồn: Báo Người đại biểu Nhân dân, số 67 và 68, ra ngày 27 và 29/4/2005