T.M. , T.L. dịch
Đã bao lần tưởng Karl Marx đã xuống mồ, để rồi lại thấy người ta ăn mừng cụ hồi sinh.
Marx là một phần của chủ nghĩa tư bản, không khác gì những khủng hoảng của nó, bởi cụ đã mổ xẻ cái hệ thống „trục lợi“ này xuất sắc hơn ai hết - mà vẫn giữ được những mơ tưởng của mình.
Đường đến mộ cụ không có bảng hướng dẫn, ai muốn viếng thì phải tự mò mẫm, ban quản lý nghĩa trang để mặc. Họ tập trung chăm sóc khu vực mé tây của Highgate
[1] ; cụ lại nằm ở phía đông, nơi yên nghỉ của những nhân vật khác đời - các tín đồ Hồi giáo, Phật giáo hay những kẻ suy nghĩ một mình một kiểu. Đó là nơi yên nghỉ của Karl Marx, người qua đời cách đây 122 năm.
Vào một buổi sáng mùa hè Luân Đôn lộng gió, một đôi tình nhân trẻ ríu rít trong hạnh phúc, lăng xăng quanh tượng đài, cô gái đứng làm kiểu, chàng trai bấm máy, cười, bỗng sững người khi nghe giọng nói nghiêm nghị của một một bà có tuổi: „Anh chị có vé không? Anh chị đã trả tiền chưa?“
Cụ Marx đã quá cố là một món hàng, tập đoàn nghĩa trang là một doanh nghiệp và bà đáng kính nọ, bà Jean Pateman, là chủ công ty. Ai muốn viếng Marx thì phải trả tiền, nếu muốn chụp hình thì phải trả thêm. Lo việc này là nhiệm vụ của bà Patemann, 83 tuổi, một „thành viên của vương quốc Anh“, một phu nhân quý phái, một người thuộc cái giai cấp mà Marx tuyên bố đã bị đè bẹp.
Đã qua thời hàng phái đoàn tới thăm Highgate ở Luân Đôn. Giờ đây chỉ thỉnh thoảng có vài nhóm người Cuba, hay những người Bắc Triều Tiên bị canh chừng nghiêm nhặt; họ đến với tư cách cá nhân, tự nguyện, chả ai ép buộc, để rồi đứng trầm tư, khó chịu, hay kính cẩn trước bia mộ của nhà triết học, nhà kinh tế học, nhà cách mạng Karl Marx.
Mùa hè năm 2005, người ta đột nhiên lại được nghe những từ ngữ mà bao năm qua ai cũng tránh nói: về „chiến lược theo đuổi lợi nhuận tối đa trên toàn cầu“, về „kinh tế hoá toàn diện“, về „thế lực tư bản“…
„Như thể Karl Marx đã đội mồ đứng dậy“, tạp chí Mỹ
Newsweek băn khoăn, khi Franz Müntefering
[2] , chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội Đức, bắt đầu sử dụng những ngôn từ như trên vào tháng 4 năm nay, lúc ông nói đến đến „bầy châu chấu“, ám chỉ những nhà đầu tư đã moi ruột các doanh nghiệp Đức và có thể nói là đã moi ruột cả nước Đức.
Ông đã nói như vậy, và theo một thăm dò dư luận thì ba phần tư người Đức cho rằng ông có lý. Số đông dân chúng thấy rằng „sự đam mê lợi nhuận đang đe dọa nền dân chủ Đức."
Tại sao chủ nghĩa Marx lại quay lại, theo chu kỳ hệt như những khủng hoảng trong chủ nghĩa tư bản, mặc dù nó được coi là đã bị vượt qua từ đã hàng thập kỷ?
Tại sao một ông chủ ngân hàng đầu tư Hoa Kỳ lại để người ta trích lời mình rằng „Marx có cái nhìn chính xác nhất về chủ nghĩa tư bản“, và càng hoạt động lâu ở Wall Street thì „tôi càng đoan chắc rằng Marx có lý“?
Thật sửng sốt khi kết quả thăm dò của đài truyền hình Đức
ZDF về những vĩ nhân Đức cho thấy Karl Marx đứng thứ ba sau Konrad Adenauer
[3] và Martin Luther
[4] . Theo thăm dò dư luận mới đây của tạp chí Đức
Der Spiegel, cụ được dân chuộng một cách đáng ngạc nhiên, mà không phải chỉ ở Đông Đức: 50 phần trăm dân Tây Đức nói rằng sự phê phán chủ nghĩa tư bản của Karl Marx „ngày nay vẫn mang ý nghĩa của nó." Thậm chí 56 phần trăm thấy rằng chủ nghĩa xã hội là „một tư tưởng hay nhưng được thực hành tồi" - trong giới trẻ, sự đồng tình còn cao hơn nữa.
Tuy không nằm trong bản liệt kê các sách bán chạy nhất nhưng
Tuyên ngôn cộng sản cũng đạt được số ấn bản sánh ngang với
Kinh Thánh, và bỗng dưng lại thấy câu này câu kia của Marx được trích dẫn trên các phóng sự và tranh luận chính trị, gần đây thỉnh thoảng còn với giọng hâm mộ, người ta bảo Marx có con mắt tiên tri: tư bản hiện nay đúng như Marx đã tả nó cách đây 150 năm - chuyển động, bao trùm thế giới, khắp nơi.
„Mà phải đến bây giờ mới thấy rõ,“ Oskar Negt, nhà nghiên cứu về Marx và chủ nghĩa tư bản từ nửa thế kỷ nay, phát biểu. „Thế mới lạ, thế mới gọi là một trớ trêu của lịch sử: lần đầu tiên trong lịch sử, tư bản hoạt động hệt như Marx đã mô tả trong
Tư bản luận. Chưa bao giờ tư bản lại lưu chuyển tự do như hiện tại."
Negt nay 71 tuổi, triết gia xã hội học và một trong những nhà tư tưởng quan trọng của thế hệ 68, đại diện của phái tả phi giáo điều và của Lý thuyết Phê phán;
Công luận và kinh nghiệm,
Lịch sử và tính ương ngạnh, hầu như không luận văn tốt nghiệp nào mà không có tên Negt hay Negt/Kluge trong phần tài liệu tham khảo.
Vào mùa hè cách đây ba năm, trong tiết giảng cuối cùng tại đại học Hannover, Negt đã nói về Kant và Marx và ủng hộ "mạnh mẽ" sự phục sinh của hai triết gia này, Gerhard Schröder
[5] ngồi hàng ghế thứ hai, giảng đường chật ních thính giả.
Negt nói: „Lại bắt đầu có người quan tâm đến Marx“, không phải ám chỉ Schröder, mà ý nói đến "rất nhiều các bạn trẻ, những người đang hoài nghi, lo sợ là họ sẽ làm như trâu để rồi vẫn không được gì, những người chỉ thấy trước mắt những cơ hội sinh tồn mong manh. Và do vậy đã đặt câu hỏi: ’Hệ thống này hỏng ở chỗ nào.'" Hỏng chỗ nào đây?
„Chính phủ các nước phát triển chưa bao giờ bị lệ thuộc vào vận hành của tư bản như hiện nay. Chẳng những tư bản có thể hoạt động trên toàn thế giới, mà các phong toả và rào cản ngày lại càng ít đi. Đúng như Marx đã mô tả, tư bản đã thâm nhập vào từng lỗ chân lông của xã hội. Chúng ta đang tư nhân hoá một cách điên cuồng chưa từng thấy, chúng ta đối xử với nhau theo phong cách tiền tư bản, chúng ta có một thái độ bất chấp đạo lý, với cái thái độ này chúng ta sa thải công nhân rồi nói với họ rằng: Việc làm thì vẫn có đấy, các người chỉ cần đi tìm thôi. Bố láo."
Phê phán chủ nghĩa tư bản. Bây giờ người ta lại có thể quay lại chủ đề này. Negt than rằng không hiểu nổi tại sao người ta lại có thể cần nhiều thời gian đến như thế, từ ngày chủ nghĩa xã hội hiện thực sụp đổ cho đến tận bây giờ, than rằng cánh tả phi giáo điều ở Tây Đức - những người chưa bao giờ nhìn thấy tương lai ở Cộng hoà Dân chủ Đức mà ngược lại còn nhìn thấy ở đó sự phản bội chủ nghĩa xã hội - đã rụt cổ, ngậm miệng và câm lặng. Hoặc họ đã đổi chiến tuyến, mang theo tiếng nói của mình và đã phó mặc mọi sự cho cánh bảo thủ.
„Cánh tả đã để bị giật mất những khái niệm này: Tự do, đoàn kết, giải phóng. Chúng ta phải giành lại thắng lợi trong trận chiến về ngôn ngữ chính trị. Müntefering đã mở cửa, chả ai biết vì sao, có lẽ ông ta có một giấc mơ."
Thế nhưng những ai được chứng kiến Müntefering đầu tháng sáu vừa qua ở Trier thì lại có cảm giác là ông ta không biết mình đang nói về cái gì, đang ở đâu, tại sao.
Müntefering đã đến trung tâm Trier để khai trương lại ngôi nhà nơi Karl Marx chào đời, đã vào trong căn nhà ba tầng kiểu Baroc, tường trắng, cửa sổ xanh, bên cạnh là quán bia „Zum letzten Cent“
[6] và động điếm „Cheri“, tụ điểm giải sầu của quần chúng năm 2005.
Tại đây, số 10 đường Brückenstrasse, Carl Mark, như ghi trong giấy khai sinh, đã chào đời ngày mồng 5 tháng 5 năm 1818. Tại đây, vào ngày mồng 10 tháng 9 năm 1987, Erich Honecker
[7] đã ca ngợi những „ý tưởng thay đổi thế giới và những thành tựu lịch sử của nhà tư tưởng vĩ đại này." Và tại đây, nhiều nhân vật lớn khác cũng đã tìm đến những ngôn từ to lớn. „Khát vọng tự do, khát vọng giải phóng con người khỏi thân phân nô lệ và những ràng buộc ô nhục là động cơ hành động của ông“, Willy Brandt
[8] đã ca tụng Marx vào năm 1977 như vậy. Marx, một siêu nhân? Marx, một con người thuộc loại „ưu việt“ mà ta cần có để xây dựng một xã hội tốt hơn?
Marx là một kẻ vĩ cuồng, một con người cay độc, một gã khinh người. Beatrix Bouvier, nữ sử gia của quỹ tài trợ Đức Friedrich-Ebert đồng thời là giám đốc Nhà Karl Marx, kết luận như vậy. Ngồi ở sân trong, cạnh tấm bảng „cấm hút thuốc“, bà phì phèo điếu Gauloises đỏ và hỏi: „Liệu có thể thích nổi Marx hay không?"
Karl Marx đã bắt con gái mình chép bản thảo, đã lừa dối vợ, đã tố cáo những người coi mình là bạn.
Bố mẹ cụ là người Do Thái, cha cụ, Hirsch Mordechai, đổi họ vào năm 1808 và sau đó theo Cơ đốc giáo để có thể tiếp tục hành nghề luật sư. Vào năm 1844, người con trai viết rằng „buôn bán“ là „đạo trần thế của người Do Thái“ và tiền là „Thượng đế trần thế của họ."
Trước tiên Marx được thân phụ và một quan chức Phổ là bá tước Ludwig von Westphalen dạy học riêng, sau đó theo học 5 năm trung học phổ thông ở Trier; Marx học không xuất sắc, nhưng khá. Trong bằng tú tài có ghi „giàu ý tưởng và nhận thức được sâu sắc sự vật“, và hội đồng giám khảo hy vọng rằng „thí sinh sẽ đáp ứng được những mong đợi tốt đẹp mà khả năng của anh cho phép chúng ta đặt vào anh."
Thoạt tiên Marx chẳng đáp ứng được mong đợi nào. Cụ mê Jenny, con gái của bá tước Westphalen và đã bí mật đính hôn với nàng. Thân phụ của cụ muốn con mình theo ngành luật và Marx đã bắt đầu với môn luật tại Bonn. Nhưng ở đó, Marx đã tiêu tiền của cha mẹ một cách thích thú và đã có lần bị giam 24 tiếng trong cấm phòng của đại học vì tội gây rối yên tĩnh trong đêm và say rượu.
Và rồi cụ đã khám phá ra môn triết học, mà theo cụ thì không có nó sẽ „không thể nào thâm nhập điều gì được", và trong thời gian học, giờ đây tại Berlin, Marx đã đặc biệt khâm phục triết gia Georg Wilhelm Friedrich Hegel và cách hiểu khái niệm biện chứng của ông – theo Hegel, các tiến bộ trong tư duy và xã hội luôn tuân theo một tiến trình duy nhất: định đề, phản đề và tổng đề. Marx tham gia nhóm thanh niên cách mạng xã hội theo chủ nghĩa Hegel mới, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đã tìm cách lật ngược tư duy của họ: Không phải ý thức là động lực thúc đẩy lịch sử, mà là sự hiện hữu. Không phải tư duy chi phối thực tiễn, mà là thực tiễn chi phối tư duy. Để nhận thức được chân lý không thể dùng chủ nghĩa duy tâm của Hegel, mà phải dùng đến những ý tưởng của chủ nghĩa duy vật.
Bản thể xã hội vào những năm giữa thế kỷ 19 ấy khiến con người có những tư tưởng như vậy, nó nhen nhóm ý thức xã hội ở nhiều khía cạnh: Nền đại sản xuất cơ giới đã thay thế các cơ sở tiểu thủ công, chủ nghĩa tư bản phát triển nhảy vọt giống như tình hình đầu thế kỷ 21 hiện nay qua chính sách toàn cầu hoá. Những điều kiện lao động mới đã thúc đẩy công nhân ở Anh và Pháp xuống đường và đưa Marx ngày càng đi sâu vào những phân tích về cái trật tự xã hội trong đó giai cấp tư sản và giai cấp vô sản đang giáp lá cà.
Marx đi tìm các giải đáp trong những lý thuyết kinh tế của Adam Smith và David Ricardo, cụ tìm hiểu quan điểm xã hội không tưởng của Claude Henri Saint-Simon và Robert Owen. Từ tư tưởng chống tư bản của các triết gia này, và từ phép biện chứng của Hegel công với lý thuyết về giá trị lao động của Ricardo, đã hình thành trong đầu Marx một hệ thống lý thuyết, được tạo ra với mục đích không phải là gì khác ngoài giải thích „quy luật vận động của chủ nghĩa tư bản“, giải thích tại sao phải vượt qua và làm thế nào để vượt qua cái hệ thống „trục lợi“ này.
Marx muốn theo đuổi một sự nghiệp đại học nhưng nhưng dưới mắt nhà chức trách, cụ là người quá ngang ngạnh. Thế là cụ trở thành ký giả. „Một ngòi bút thiên phú“ theo lời Beatrix Bouvier, rồi cụ lên chủ bút tờ báo tự do và đối lập
Rheinische Zeitung. Khi báo này bị cấm, cụ bỏ sang Paris.
Do bị công an nước Phổ thường xuyên theo dõi nên cụ đã bỏ quốc tịch Phổ vào năm 1845 và trở thành người vô tổ quốc. Nhưng Marx không muốn đầu hàng, không bao giờ, vì vào năm 1842, tại Cologne, cụ đã gặp Friedrich Engels, con của một nhà sản xuất bông sợi, người đã khai sáng cho cụ về kinh tế và tình hình của giai cấp công nhân. Vậy là đề tài và sứ mệnh của Marx đã hình thành.
Từ 1846 trở đi, Marx và Engels tích cực tham gia vào các cuộc tranh luận về chiến lược của các nhóm tả, thúc đẩy việc thay đổi „Liên hiệp của Lẽ phải“ thành „Liên hiệp Người Cộng sản“, tuyên truyền cổ động lúc ở Paris, lúc ở Bruxelles, lúc ở Cologne, thành lập ở đó tờ
Neue Rheinische Zeitung nhằm gây ảnh hưởng đối với tình hình chính trị ngày càng căng thẳng tại Đức. Thế nhưng Luân Đôn đã kích thích Marx hơn cả, chủ nghĩa tư bản đã phát triển cao nhất tại Anh và giai cấp vô sản ở đây cần đến hậu thuẫn tinh thần của cụ.
Họ gặp nhau vào buổi tối trên tầng một của một quán ăn nằm tại đường Great Windmill trong khu Soho của Luân Đôn, nơi ngày nay những người Trung Quốc uống bia ầm ĩ và chụp ảnh nhau trước tấm chân dung Marx treo trên tường. Chính tại nơi đây, cái hội kín thời ấy đã quyết định trở thành công cụ tổ chức đầy thế lực của giai cấp công nhân. Marx và Engels được giao nhiệm vụ soạn thảo một tuyên ngôn hành động.
Marx là người chủ yếu soạn thảo cái văn kiện sẽ làm rung chuyển thế giới đó, với câu mở đầu nổi tiếng ngang câu mở đầu của
Kinh Thánh: „Một bóng ma đang lởn vởn khắp châu Âu - bóng ma của chủ nghĩa cộng sản."
Tuyên ngôn cộng sản. Thuyết phục, mạnh mẽ và đầy hàm ý, nó phân tích xã hội đương thời, đưa ra viễn cảnh về một xã hội tương lai, công bố sự phát triển và suy tàn của giai cấp tư sản và chiến thắng của giai cấp vô sản.
Lịch sử, như bản
Tuyên ngôn dạy, là lịch sử đấu tranh giai cấp. Và thắng lợi của chủ nghĩa tư bản chưa phải là đoạn kết.
Bản
Tuyên ngôn cũng dạy rằng bằng sức mạnh cách mạng, giai cấp tư sản đã phá tan quan hệ phong kiến. Giai cấp này đã dựng lên một thế giới theo hình hài của họ và cưỡng bách tất cả các quốc gia phải sản xuất theo phương thức của họ.
Và giờ đây, họ không thể tồn tại được mà không thường xuyên làm cách mạng kinh tế. Giờ đây, giai cấp tư sản đang bị chấn động bởi khủng hoảng, đang đi đến tự hủy diệt dưới sức ép phải tích lũy và tập trung. Giờ đây nó giống như một gã phù thuỷ không kiểm soát nổi ma lực của mình nữa - bởi hệ thống tư sản không thể làm khác được, nó bắt buộc phải sản sinh ra kẻ đào mồ chôn chính mình: giai cấp vô sản cách mạng.
Giai cấp của những kẻ bị đàn áp này sẽ dẹp bỏ tư hữu, sẽ đấu tranh và chiến thắng giai cấp tư sản để giải phóng không những bản thân mình mà còn toàn bộ xã hội nữa.
Hay là sẽ cùng chết với kẻ thù.
Sau này, khi cách mạng đã thành công, con người sẽ làm chủ kinh tế chứ không phải kinh tế làm chủ con người: Đó là lời hứa hẹn vĩ đại.
Con người có khả năng làm nên lịch sử. Nó không hề bất lực trước những quyền lực siêu nhiên hay kinh tế nào. Đó là lời hứa hẹn, là nét lôi cuốn không chỉ đối với những người Mác-xít.
Con người có thể làm nên lịch sử, như Marx đang làm, với tư cách là một kẻ ly khai hàng ngũ tư sản để đầu quân cho lực lượng vô sản: „một thiểu số của giai cấp thống trị rời bỏ hàng ngũ để gia nhập giai cấp cách mạng, là giai cấp nắm tương lai trong tay."
Nhưng để con người có thể làm nên lịch sử, như bản thân Marx đã viết trong
Ý thức hệ Đức, cần phải có thêm những „điều kiện tiên quyết cho sự tồn tại của con người“, như „ăn, uống, nhà ở, áo quần và một vài thứ khác."
Và về những điểm trên thì tình cảnh của cụ trong một thời gian dài là bi đát, thậm chí rất bi đát. Tiền bạc không đủ, không bao giờ đủ. Vì cụ không biết giữ tiền và bản thân thì gần như không có thu nhập. Marx là một nhà tư tưởng, một nhà cách mạng và bên cạnh đó là một nhà báo, cụ gọi là làm nghề „bôi báo“, những bài viết cho tờ
New York Tribune đem lại 4 bảng Anh một tuần, chẳng nhiều nhặn gì đối với một người như Marx, vốn là người không muốn cuộc sống của mình mất đi những yếu tố tư sản. Cụ thích ăn ngon khi có tiền, trứng cá, cá xông khói, lại mê xì-gà hảo hạng. Tối quan trọng là chớ để bị tụt xuống sự tồn tại „dưới vô sản." Nếu không có Engels - luôn luôn là Engels - thì suốt cả đời, Marx sẽ không bao giờ thu xếp nổi.
Cụ đều đặn gửi thư xin tiền người bạn, người con trai ông chủ nhà máy khá giả này. Và Engels, chẳng bao giờ phàn nàn – như những lá thư cho chúng ta biết - luôn gửi tiền đều đặn cho người bạn thường xuyên túng thiếu nhưng cực kỳ thông thái của mình. Vì Marx mà Engels, dù bản thân chả hứng thú gì, đã xin vào làm việc trong nhà máy của thân phụ tại Manschester, để có thể hỗ trợ tốt hơn cho người bạn và nuôi cơm luôn cả gia đình anh ta nữa.
Engels muốn Marx viết. Viết tác phẩm mà Marx đã nói đến từ nhiều năm nay, tác phẩm trong tương lai sẽ dang dở và sẽ cần sự biên tập dày công của Engels:
Tư bản luận.
Với tác phẩm nền tảng về chủ nghĩa tư bản này, Marx và Engels muốn thúc đẩy mọi lực lượng cách mạng - sau thất bại của cuộc cách mạng Âu châu vào những năm 1848-1849 - để từ những người theo chủ nghĩa xã hội không tưởng trở thành những người theo chủ nghĩa xã hội khoa học, từ những nhà đạo đức trở thành những chiến sĩ đấu tranh giai cấp, biết rút ra những yêu cầu và mục tiêu của mình từ những phân tích về hệ thống „trục lợi“ đầy bất công này.
Karl Marx lúc ấy đang ở tuổi cuối những năm 30, có ba cô con gái và một cậu con trai ngoài giá thú, Frederick, kết quả của mối tình với nữ quản gia Helene Demuth, cậu bé mà Engels đã phải đứng ra nhận làm cha ruột để bảo toàn tăm tiếng.
Jenny không được khoẻ. Cuộc sống với Marx đã làm bà yếu đi. Sức khoẻ của Marx từ nhiều năm qua cũng chẳng khá hơn. Cụ mang bệnh gan mật, thêm vào đó bị nhức đầu thường xuyên, phong thấp và ung nhọt. Những thứ bệnh này hành hạ cụ trong lúc soạn
Tư bản luận, và cụ đã thề một cách lạnh lùng rằng bọn tư sản sẽ còn phải chịu đau khổ với những thứ ung nhọt như thế; quả thật.
Hàng ngày cụ đến phòng đọc sách của Bảo tàng Anh quốc và làm việc từ 9 giờ sáng đến 7 giờ chiều.
Phòng có mái vòm lớn như mái nhà thờ, sáng và trong suốt, thoáng khí và thoáng tầm mắt nhìn lên trời cao; hàng trăm ngàn cuốn sách được bầy trên những kệ gỗ sẫm màu, các bàn viết được bọc da và một sự tĩnh lặng không bị ai quấy rối. Cái „Reading Room“ này cho đến hôm nay trông vẫn thế, dù có thêm một cấu trúc bằng kính sáng sủa do kiến trúc sư Norman Foster thiết kế bọc quanh.
Chốn này từ thời Marx đã như vậy, mở cửa đối với mọi người và mọi nghiên cứu. Văn học vô chính phủ, tài liệu về các âm mưu quốc tế, báo cáo của những thanh tra nhà nước về các công ty: những nguồn tài liệu phong phú phục vụ việc nghiên cứu cho
Phê phán kinh tế chính trị và rồi sau đó là
Tư bản luận.
Chủ nghĩa tư bản vận hành như thế nào?
Những hoạt động nào của con người đã tạo ra lề luật cho chủ nghĩa ấy?
Marx đã nghiên cứu lý thuyết tạo giá trị của Smith và Ricardo để tự rút ra những kết luận riêng. Hàng hoá, "con ma" huyền thoại; nhà tư bản, kẻ bắt công nhân sản xuất hàng hoá rồi chiếm đoạt giá trị thặng dư, đồng thời coi những người lao động – trừ những công nhân của mình - là người tiêu dùng; người công nhân, người không có gì để bán ngoài sức lao động cuả mình và vì vậy nhất thiết sẽ bị bóc lột; tất cả những thứ đó đều nằm trong một cơ cấu khổng lồ không người điều khiển, loạng choạng từ khủng hoảng này sang khủng hoảng khác nhưng luôn phải tự đẩy mình tiến lên phía trước – cơ cấu đó chính là nền sản xuất tư bản chủ nghĩa. Nhà tư bản buộc phải liên tục bành trướng thị trường để rồi lại gặp các trở ngại mới: „Nền sản xuất tư bản chủ nghĩa liên tục tìm cách vượt qua những trở ngại nội tại này, nhưng nó chỉ vượt qua được chúng bằng chính những biện pháp sẽ lại đặt ra trước mặt nó những trở ngại này một lần nữa và với một quy mô kinh khủng hơn."
Với tư cách là một nhà phân tích chủ nghĩa tư bản, Marx đã làm các nhà khoa học kinh tế phải kính nể cho đến ngày hôm nay. Joachim Starbatty, 65 tuổi, giáo sư khoa học kinh tế ở Tübingen đã phát biểu: „Marx đã nhận ra được nhiều điều mà các nhà kinh tế khác không nhìn ra. Ông là người xuất sắc trong phương pháp nghiên cứu. Những kết quả ông đạt được thật vĩ đại trong thời buổi bấy giờ."
Một trong những môn giảng dạy của giáo sư Starbatty là lịch sử các giáo điều, ông là chủ tịch của „Tập đoàn hoạt động kinh tế thị trường xã hội“, là thành viên của quỹ tài trợ Ludwig-Erhard và là một nhà kinh tế với quan điểm tự do về thị trường. Ông quan niệm rằng để có được tính xã hội, chúng ta cần phải phân chia ít đi thay vì nhiều thêm. Một nhà khoa học tư sản điển hình - Marx chắc cũng phải nói vậy - người coi các môn đệ của Marx là những kẻ lãng mạn, "đi tìm đóa hoa xanh”, tìm tương lai hoà bình, tìm thế giới tươi đẹp hơn.
Ông gọi họ là „Chiliasten“, tức những kẻ tin tưởng vào một cõi trời tại trần thế hay tin vào một „thánh địa Jerusalem trên trái đất”.
Các sinh viên đến nghe giảng thì thuộc loại khác, họ xa lạ với kiểu nhiệt tình như thế. Họ là loại sinh viên dán châm ngôn của Friedrich Merz
[9] (“Bánh mì, bia và bóng đá phải vừa túi tiền của mọi người“) lên cửa và thấy bình thường khi trong thời buổi “toàn cầu hoá”, người ta phải đối đầu với sự cạnh tranh, trong đó con người càng ngày càng phải làm việc nặng hơn, nhiều hơn và bị trả rẻ hơn trước. Giáo sư Starbatty cũng nhận định rằng, tính xã hội sẽ có khi người ta được mua tất cả, khi thị trường trị vì khắp nơi, không bị cản trở.
Starbatty đã giễu cợt - sau khi thấy một số người bỗng nhiên cho rằng diễn văn của Müntefering mang tính tân Mác-xít - rằng những người này chắc chưa đọc Marx, vì theo Marx tất cả các doanh nhân tất nhiên đều là châu chấu cả. Ông hoàn toàn hiểu ông chủ nhà băng Wall Street nói trên, người càng làm việc càng thấy Marx có lý - „ông ấy muốn nói đến lòng tham trong ánh mắt. Cái đó thì tất nhiên là có".
Cái lòng tham khiến cho “các ban điều hành Hoa Kỳ hiện nay lĩnh lương cao hơn 80 lần so với cách đây 30 năm và tại Đức thì cũng được gấp 30 lần." Nhưng Starbatty lại thấy câu hỏi sau đây sai, rằng liệu chủ nghĩa tư bản có thực sự giải quyết được những vấn đề của thế giới hay không. “Jürgen Habermas nói ông muốn kiềm chế chủ nghĩa tư bản, nhưng kiềm chế như thế nào cơ chứ? Chủ nghĩa tư bản chỉ là một khái niệm. Người ta có thể ngăn cản hành động của một vài người, cái đó thì được. Nhưng ta không thể kiềm chế một khái niệm."
Ông giảng dạy về lý thuyết của Marx nhưng giữ một khoảng cách lớn. Những lý thuyết của Marx về giá trị và giá cả, theo đó giá trị một món hàng được đo theo sức lao động đã bỏ ra để tạo ra nó: sai, vô nghĩa và lạc hậu. Định luật về xu thế giảm lợi nhuận: cũng thế. Sự bần cùng hoá của giai cấp công nhân: chưa xảy ra. Sự sụp đổ của chủ nghĩa tư bản bắt nguồn từ các khủng hoảng của nó và từ các chao đảo dữ dội của chu kỳ phát triển kinh tế cũng chẳng thấy đâu.
Và vị giáo sư phát biểu trong văn phòng giáo sư của mình tại Tübingen: Tệ hơn nữa là kẻ nào theo Marx – nhìn trên khía cạnh kinh tế - chắc chắn sẽ bị rơi vào chủ nghĩa xã hội hiện thực kiểu Cộng hoà Dân chủ Đức.
Mặc dù Marx chưa bao giờ nói rõ cụ đã hình dung về tương lai như thế nào?
“Đúng thế, Marx chưa hề nghĩ về điều ấy. Ông coi cuộc cách mạng vô sản là một quá trình sinh nở với những cơn trở dạ đầy máu me, nhưng chưa từng mô tả diện mạo đứa trẻ sơ sinh. Dù sao đi nữa thì sở hữu tập thể và kế hoạch tập trung là những ý tưởng của Marx. Điều này dẫn đến nền kinh tế quốc doanh độc quyền, đến quản lý tồi tệ, đến bóc lột và lạm quyền. Đến đặc quyền của chính trị, và chính trị sẽ quyết định việc sản xuất cái gì, tiêu thụ cái gì và đầu tư vào cái gì. Và đó là cái ông không thấy trước: bất cứ đảng phái nào khi nắm được quyền lực cũng sẽ bị xơ cứng.”
Theo chủ nghĩa Marx thì “vương quốc của tự do” sẽ nối tiếp “vương quốc của sự thiết yếu” và Starbatty rất muốn hỏi Marx xem cái sự nối tiếp ấy nó thế nào. “Ông giải quyết vấn đề lạm dụng quyền lực như thế nào đây?” Và đoan chắc rằng sẽ chẳng bao giờ nhận được câu trả lời thoả đáng.
© 2005 talawas
[1]Highgate là nghĩa trang nằm tại ngoại ô Luân Đôn (Các chú thích trong bài đều của những người dịch).
[2]Franz Müntefering hiện là Chủ tịch Đảng Xã hội Dân chủ Đức (SPD, đảng cánh tả), người đứng đầu phe Xã hội Dân chủ trong Quốc hội Đức.
[3]Adenauer là thủ tướng đầu tiên của Cộng hoà Liên bang Đức 1949-1963.
[4]Martin Luther (1483-1546): Nhà cách tân tôn giáo, mở đường cho sự ra đời của Giáo hội Tin lành Đức. Bản dịch
Kinh Thánh từ tiếng Latinh sang tiếng Đức của Martin Luther được coi là tác phẩm đặt nền móng cho tiếng Đức phổ thông.
[5]Gerhard Schöder (SPD) là Thủ tướng thứ bảy của CHLB Đức 1998-2005.
[6]Xài đến đồng xu cuối cùng
[7]Tổng bí thư Đảng Xã hội chủ nghĩa Thống nhất Đức (CHDC Đức cũ)
[8]Willi Brandt (SPD) là thủ tướng CHLB Đức 1969-1974.
[9]Friedrich Merz là chuyên gia tài chính của Đảng bảo thủ Liên minh Thiên chúa giáo Dân chủ Đức CDU.