trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
13.11.2002
Nguyễn Quang Lập
Một cuốn sách đáng đọc, một nhà phê bình đáng chú ý
Về tác phẩm "Phê bình văn học của tôi" của Nguyễn Thanh Sơn, NXB Trẻ, TPHCM, 2002
 
Trong khoảng mươi năm trở lại đây, những người viết trẻ xuất hiện khá nhiều nhưng họ chỉ hấp dẫn người ta bằng sáng tác. Người ta thường nhắc đến Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà, Bùi Hoàng Vị văn; Phan Huyền Thư,Văn Cầm Hải, Phan Nhiên Hạo thơ. Còn nữa, nếu muốn kể thêm, nhưng có lẽ đó chỉ là những giá trị ồn ào, cùng với thời gian họ khó lòng kết tủa.(Tôi nghĩ, nước ta bé lắm, trong chừng ấy năm, kiếm được dăm bảy người viết được là mừng lắm rồi. Các nhà văn trẻ xuất hiện rần rần, chiếm lĩnh văn đàn được như thời tiền chiến có lẽ còn lâu lắm hoặc không bao giờ nữa.) Tuồng như không có cây bút trẻ nào dám rời địa hạt sáng tác nhảy sang lĩnh vực phê bình, lĩnh vực vừa khó vừa gai, vừa bé hạt thóc vừa dai đồng tiền. Phê bình văn học vẫn là địa hạt của các nhà sáng giá và sang giá (chữ của Hoàng Ngọc Hiến), mấy chục năm nay vẫn trông cậy vào họ, trong khi họ đã rời bỏ phê bình từ lâu, đi làm kinh tế ở Bộ này Bộ nọ. Thỉnh thoảng có vài nhà sáng tác nổi cơn tam bành mò sang địa hạt này, khua chiêng gõ mõ ầm ĩ. Nhưng đó cũng là các cây bút đàn anh và họ cũng chỉ làm rúng động mặt hồ yên tĩnh trong chốc lát và làm các cuộc rượu của giới văn thêm phần vui vẻ, hào hứng một đôi lần.Trong tình hình đó, sự xuất hiện cuốn Phê bình văn học của tôi của Nguyễn Thanh Sơn, một cây bút phê bình văn học trẻ, thật đáng phấn khởi.

Cuốn sách mỏng thôi, chỉ 160 trang. Tác giả không hề có tham vọng làm "cái roi quất cho con ngựa văn học lồng lên", anh chỉ "làm một cuộc trò chuyện với "cái tôi thứ hai", rộng ra, anh muốn chia sẻ với những người cùng thời, đồng trang lứa về niềm vui mình nhận được sau những cuộc "gặp gỡ cái đẹp": "Sự chia sẻ niềm vui đó chính là cốt lõi cái việc mà tôi muốn làm "Phê bình cho mình", trước tiên, sau đó là chia sẻ với bạn. Còn nếu không tìm được "bạn", thì tôi đành trò chuyện với cái "tôi" của mình, sáng tạo ra một bạn đồng hành có thể chung bước với tôi tới vạn dặm".Ðiều đó giải thích vì sao anh lại lấy cái tên sách thoạt nhìn rất khó chịu, có thể ngay lập tức làm mất cảm tình người đọc dày dạn kinh nghiệm, sống quá lâu năm trong môi trường khiêm tốn giả tạo. Ðó hoàn toàn không phải là lời lẽ rào trước đón sau như muôn vàn lời nói đầu ta đã từng đọc, đó thực là mục đích làm phê bình của Nguyễn Thanh Sơn và cũng là tiêu chí cốt tử của cuốn sách. Sơn từ chối làm "cái roi" không phải chỉ vì anh không thích, đơn giản anh thấy đấy là lối phê bình đã lỗi thời, thường gây khó chịu các nhà văn và làm nản lòng người đọc vì những giáo huấn rông dài vừa sáo rỗng vừa dương dương tự đắc. Vả lại, trong lịch sử văn học Việt, nếu có lúc nào đó "con ngựa văn học lồng lên" thì hoàn toàn không nhờ "cái roi", mà chủ yếu là thái độ và ý muốn của người cầm roi. Sơn không nói một lời nào như vậy nhưng toàn bộ cuốn sách của anh đã toát lên điều đó. Có thể đọc thấy ý tưởng đó khi anh bàn đến những cuốn sách được viết ra để giáo dục người khác: "Bản thân tác giả, khi có ý định dùng tác phẩm của mình để dạy dỗ một điều gì đó, đã làm mất đi tính thiêng liêng của văn học. Anh ta nên hiểu rằng, anh ta là nhà văn chứ không phải là nhà đạo đức, rằng mỗi người đều có những thang giá trị của riêng mình và có cách cảm nhận khác nhau về tác phẩm. Ðiều quan trọng là tác phẩm của anh có đủ sức đánh thức những vùng thầm kín trong tâm hồn độc giả hay không... chứ không phải giảng giải cho họ về cuộc sống mà chỉ có họ mới định đoạt được."Phê bình lấy tâm sự làm căn bản làm cho phê bình thật hơn. Ðấy là lối phê bình chẳng mới mẻ gì nhưng khổ nỗi ở ta bây giờ dường như cái thật là cái mới.

160 trang "Phê bình văn học của tôi" nhất quán tâm sự da diết của Nguyễn Thanh Sơn về thực trạng văn học Việt và tương lai của nó.Với cái nhìn bình tĩnh và công bằng, với lối trình bày khúc chiết và lịch lãm, Sơn cố trả lời cho bằng được tại làm sao trong vòng 20 năm cuối thế kỷ 20, văn học Việt "bỗng chững lại", bỗng "tuột dốc một cách kỳ lạ" và liệu có hy vọng gì không ở những cây bút trẻ, thế hệ cùng thời với anh? Thực ra những kiến giải của Nguyễn Thanh Sơn cũng không hoàn toàn mới lạ, ta có thể nghe nó trong tiếng thở dài khi tàn cuộc rượu, hoặc chính trong mỗi nhà văn thỉnh thoảng lại vang lên trong những đêm mất ngủ. Cái chính là Sơn đã nói ra và nói với tâm trạng của người trong cuộc, đau đáu với nền văn học nước nhà. Lời nói thực thường khó nghe nhưng đọc Sơn ta nghe được dù không tránh được xót xa. Anh nói về thế hệ chúng tôi sau khi đã khẳng định tài năng một vài cây bút có thời gian đã làm nổi đình đám văn học nước nhà: "Thiếu hẳn một vốn văn hóa dài hơi, thế hệ nhà văn này mất hy vọng, mất đi một niềm vui sống để làm một điều gì đó khiến cho cái ngày mai đó đến gần hơn. Chính vì thế, không có gì ngạc nhiên khi họ lặp lại mình chỉ sau một tập truyện ngắn đầu tay, và những sáng tác của họ mãi chìm trong một sự chờ đợi mệt mỏi và tuyệt vọng, một ngày mai sẽ không bao giờ đến." Nghe đắng lắm nhưng mà đúng, suy từ bản thân người viết bài này mà ra... Sơn chỉ ra rằng đa số nhà văn lớp trước đã "sống quá lâu trong chủ nghĩa hiện thực dễ dãi", đã quen "đóng vai trò người kể chuyện" chứ không phải "người sáng tạo truyện" " cho nên, thái độ thường thấy của họ lại rất mâu thuẫn, hoặc phủ định tất cả những tìm tòi, đổi mới bằng cách gắn cho nó những nhãn hiệu như lai căng học đòi, Tây hóa hoặc là ngược hẳn lại, ồn ào xưng tụng cho những tìm tòi chưa hẳn đã thành công đó như những giá trị tinh thần to lớn".Tôi nghĩ đó là căn bệnh trầm kha của mỗi người văn Việt, nhưng buồn thay, ai cũng nhìn rất rõ người khác đang mắc phải còn mình thì không.

"Phê bình văn học của tôi" dành một số trang đích đáng viết về Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Huy Thiệp mà anh nói là "những đốm lửa làm ta ấm lòng" "trong bức tranh toàn cảnh khá là đáng thất vọng của văn học Việt Nam mười lăm năm qua". Thực tình Sơn đã không phát hiện được thêm gì trên những trang viết của họ. Có lẽ anh viết trong một tâm thế ngưỡng mộ, say đắm trong những suy tưởng ngoài văn bản mà quên mất vai trò phê phán cần thiết trước mỗi tác phẩm? Trong khi đó, những trang anh viết về thế hệ trẻ, về thơ trẻ hôm nay,"văn trẻ hôm nay" thực sự là những đánh giá đích đáng, rất có ích cho những cây bút trẻ nếu như họ biết rũ bỏ ngay những ảo tưởng, chịu khó lắng nghe Sơn.Tiếc thay những cây bút được như "nếu" thật hiếm hoi, hình như là không có.

Nguyễn Thanh Sơn bắt đầu viết phê bình văn học từ năm 1995, cuốn sách này là tập hợp những trang viết đầu tay của anh, tất nhiên còn nhiều bất cập trong lý lẽ mà anh đã gắng sức trình bày, nhiều vấn đề cần thiết phải bàn lại cùng anh cho thấu đáo.Việc anh tầm chương trích cú hơi bị nhiều cũng dễ gây mất cảm tình của người đọc, nó gây cảm giác anh không được tự tin cho lắm và vẫn chưa rũ sạch được sách vở để trở thành một người văn. Ngay lối vào đề nhẩn nha như ông cụ non, chứng tỏ anh ấp úng hơi lâu trước khi nói được điều cần nói. Nhưng đấy là những lỗi thuộc về kinh nghiệm. Ðọc Nguyễn Thanh Sơn ta không sợ mất thời gian, ngược lại ta cảm thấy vừa nhận thêm được một điều gì đấy, một điều gì khá mơ hồ nhưng chắc chắn không phù phiếm vô bổ. Biết nói gì sau khi kết thúc: "Phê bình văn học của tôi"? Dù ai tin hay không mặc lòng, tôi biết chắc anh sẽ là nhà phê bình sáng giá của tương lai, nếu anh không nản lòng trước những hệ lụy của đường đời, nếu cơm áo gạo tiền không túm cổ anh lôi đi như bao nhiêu cây bút phê bình khác chợt lóe lên rồi phụt tắt.

© Talawas 2002